Daily Archives: May 11, 2012

Theo chân Đức Thầy kết liên cứu Quốc: Tưởng nhớ ngày Đức Hùynh Phú Sổ thọ nạn

Nguyễn Quang Duy

Dầu những kẻ vô tình với nước,
Cũng tỉnh hồn mơ ước tự do.
Tiếng vang độc lập reo hò,
Từ Nam chí Bắc nung lò khí thiêng.
Quyết phen này kết liên một khối,
Đem máu đào tắm gội giang san.
(Lời Kêu Gọi của Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ)

Sáu câu thơ trên trong bài “Khuyến Nông” được Đức Thầy sáng tác vào tháng 4 năm 1945. Khi ấy ở Âu Châu Khối Đồng Minh đang thắng thế. Còn ở Việt Nam Nhật vừa đảo chánh Pháp. Người Nhật trao trả độc lập cho miền Bắc và miền Trung nhưng giữ lại miền Nam. Trước cảnh hàng triệu đồng bào miền Bắc đang chết vì trận đói do Pháp Nhật gây ra, Đức Thầy đã sáng tác bài thơ “Khuyến Nông” để kêu gọi nông dân miền Nam chăm lo cày cấy cứu đói miền Bắc và đòan kết chiến đấu để giành lại Tự Do.

Lịch sử dường như đang lập lại, Khối Tự Do ngày càng xóa dần các thể chế độc tài và độc tài cộng sản. Các dân tộc Bắc Phi và Trung Đông đang lần lượt đứng lên để giành lại tự do. Trong khi Việt Nam thiểu số cầm quyền cộng sản vẫn tiếp tục đưa đất nước vào con đường bị thuộc người Tàu, dân tình đói khổ, xã hội phân chia, nhân tâm ly tán, đạo lý suy đồi… Lời kêu gọi tòan dân đứng lên giành lại Tự Do của Đức Thầy vì thế không phải chỉ còn nguyên giá trị như ngày nào, mà còn có thể xem là những lời Tiên Tri về vận mệnh đất nước. Tiên tri ngày Tòan Dân kết liên đứng lên giải thể bạo quyền cộng sản.

Người viết đã được sống trong một gia đình Phật Giáo Hòa Hảo tại vùng Đồng Tiến, Đồng Tháp (Mười), vào những năm 1980-81, nhờ vậy mới biết đến Đức Thầy và quan sát cuộc sống hành đạo của đồng bào Phật Giáo Hòa Hảo.

Người thanh niên, 19 tuổi, Hùynh Phú Sổ xuất thân từ Dân Tộc dựa vào lòng từ bi, bác ái, vị tha của Phật Giáo, chỉ trong thời gian rất ngắn đã quy tụ được hằng triệu người và xây dựng được Phật Giáo Hòa Hảo một Tôn giáo đang càng ngày càng phát triển.

Đức Thầy Hùynh Phú Sổ còn sáng lập Dân Xã Đảng, một Tổ Chức chính trị theo nguyên tắc “chủ quyền ở nơi tòan thể nhân dân”, với chủ trương “ Tòan Dân Chính Trị” và chống độc tài bất cứ hình thức nào. Hai mươi năm trước, các dân tộc Đông Âu và Liên Sô đã đứng lên giành lại tự do. Ngày nay các dân tộc Bắc Phi và Trung Đông đã kết liên đứng lên giải thể các chế độ độc tài. Có thế mới thấy tư tưởng “ Tòan Dân Chính Trị” là một tư tưởng đi trước thời đại để nhận rõ sức mạnh tòan dân, sẽ là yếu tố quyết định tự do cho Dân tộc.

Ngược lại, những người theo chủ nghĩa quốc tế cộng sản phải dùng bạo lực để cướp và nắm độc quyền chính trị nhưng lại đang bị lịch sử đào thải. Cộng sản Việt Nam rồi cũng sẽ bị tiêu diệt khi tòan dân một lòng đứng dậy.

Học lời giảng, học tư tưởng của Đức Hùynh Phú Sổ mỗi người được giác ở một góc cạnh khác nhau và mỗi thời điểm có thể tiếp nhận lời giảng của Đức Thầy một cách khác. Người viết xin được gởi đến bạn đọc vài suy nghĩ về Bốn Điều Ân được Đức Thầy truyền giảng trong hòan cảnh hiện nay. Cũng xin được viết để tỏ lòng tri ân những chiến sỹ dân chủ đang vì tự do, vì dân chủ, vì vẹn tòan lãnh thổ, ngày đêm đấu tranh giải thể bạo quyền cộng sản. Đặc biệt xin gởi đến Cụ Lê Quang Liêm và anh chị trong Đòan Thanh Niên Phật Giáo Hòa Hảo Yêu Nước, những con dân Việt Nam đầy ý chí kiên cường bất khuất sống “vì Đạo vì Thấy” và sẵn sàng chết “vì Đạo vì Thấy”.

Ân Đất Nước

Ân đất nước là điều ân thứ hai trong bốn điều Ân, là điều Ân cần được suy ngẫm nhất trong hòan cảnh đất nước hiện nay. Ân đất nước truyền dạy con dân phải bảo vệ đất nước khi bị kẻ xâm lăng, xây dựng đất nước cho được cường thạnh, cứu nguy đất nước khi bị ngọai bang thống trị, tùy tài tùy sức hy sinh cho xứ sở. Nếu không làm được như trên thì phải tránh làm cho nước nhà đau khổ và chớ tiếp tay với ngọai bang xâm lược làm tổn hại đến đất nước.

Phật Giáo Hòa Hảo là một tôn giáo xuất thân từ lòng dân tộc, sinh tồn và phát triển gắn liền với vận mệnh của quê hương đất nước. Theo lời Đức Thầy truyền dạy để đáp đền Ân Đất Nước hằng triệu tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đã hy sinh chống Pháp giành độc lập, chống cộng sản để bảo vệ và xây dựng miền Nam Tự Do và đang tiếp tục đấu tranh giành lại tự do, dân chủ và công bằng xã hội.

Ngược lại những người cộng sản theo quốc tế, lấy đấu tranh giai cấp làm phương tiện cướp và cầm quyền. Trong tư tưởng người cộng sản lấy quốc tế cộng sản, lấy ngọai bang làm đồng chí anh em. Hòang sa, Trường sa, Bản Giốc và nhiều phần đất nước quê hương hiện đang trong tay quân giặc. Bauxite Tây Nguyên, rừng Việt Nam cũng không thóat khỏi tay Tàu cộng. Ngay cả Bộ Chính Trị đảng Cộng sản Việt Nam phải được Tàu cộng phê chuẩn chấp nhận nên bọn họ được ví như những thái thú trong thời Bắc Thuộc.

Nhưng những người cộng sản lại xem những người đồng chủng không chấp nhận cộng sản là kẻ thù và sẵn sàng ra tay đàn áp tiêu diệt. Nhục mất nước, nhục làm thân nô lệ nhưng lại tàn ác với dân cũng chỉ vì những người cộng sản đã bán rẻ linh hồn và thể xác cho ngọai bang Trung cộng. Để tiếp tục cầm quyền thiểu số lãnh đạo cộng sản luôn sẵn sàng làm tay sai cho Tàu cộng, tiếp tục đàn áp dân lành và bán đứng quê hương đất nước.

Từ các Cuộc Cách Mạng tại Bắc Phi và Trung Đông, hương Hoa Lài đang tỏa đến Việt Nam. Để giữ gìn và làm tròn Ân Đất Nước, các tín đồ Hòa Hảo đang tiếp tục theo chân Đức Thầy cùng Dân Tộc đứng lên cứu quốc.

Nói vắn tắc những người đấu tranh cho tự do hay các tín đồ Hòa Hảo theo lời Đức Thầy dạy dựa vào dân tộc chiến đấu cho quyền lợi Tổ Quốc quyền Dân Tộc. Trong khi thiểu số cầm quyền cộng sản dựa vào ngọai bang Trung cộng, vì quyền lợi cá nhân hay quyền lợi ngọai bang. Thế và lực của Phong Trào dân chủ là dựa vào Dân Tộc còn thế và lực của bạo quyền cộng sản là từ đàn anh Trung cộng. Dân càng ngày càng trực diện đối đầu với bạo quyền cộng sản. Trung cộng thì phải đối đầu với dân chúng Trung Hoa và thế giới tự do. Thế và lực vì vậy càng ngày càng nghiêng về phía dân tộc và Phong trào dân chủ Việt Nam.

Ở mặt khác, vì thiểu số cộng sản đang cầm quyền nên không thể tránh được có những tín đồ Hòa Hảo buộc lòng phải làm việc trong bộ máy cai trị của bạo quyền cộng sản. Bộ máy Quân Đội hay Cảnh sát cũng phải thâu dụng các tín đồ Hòa Hảo. Đây là lúc để tròn Ân Đất Nước những người này quay lại với Đức Thầy với Dân Tộc Việt Nam.

Bài học từ cuộc Cách Mạng Hoa Lài cho thấy Thế Giới Tự Do luôn đứng về phía quần chúng nhân dân là những người có quyền chọn lựa thể chế chính trị cho dù cuộc nổi dậy có vũ trang bạo động. Bài học từ Lybia cho thấy nếu thiểu số cầm quyền cộng sản nổ súng vào dân thì họ đã gây tội ác chống nhân loại, họ là mối đe dọa cho hòa bình và an ninh thế giới. Và thế giới tự do sẽ can thiệp mang Tự Do đến cho những người yêu chuộng Tự Do. Đã đến lúc các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo nói riêng, người Việt nói chung trong Quân Đội hay Công An cộng sản vững tin mang khí giới quay về với với Đức Thầy với Dân tộc góp một bàn tay giải thể bạo quyền cộng sản.

Ân Tổ Tiên Cha Mẹ

Dân tộc Việt Nam lấy lòng biết ơn cha mẹ tổ tiên làm nền tảng gia đình và xã hội. Vì thế các tôn giáo đều hòa đồng với dân tộc chấp nhận và khuyến khích tín đồ phải hiếu nghĩa thờ cúng cha mẹ, ông bà, tổ tiên.

Ở Phật Giáo Hòa Hảo, Đức Thầy đặt ân tổ tiên cha mẹ lên trên ân tam bảo. Có ông bà cha mẹ mới có chúng ta. Có đất nước mới có chúng ta. Có chúng ta mới có việc giữ gìn Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng.

Đức Thầy còn dạy rằng chúng ta cần sáng suốt: “Nếu cha mẹ có làm điều gì lầm lẫn trái với nhân-đạo, ta rán hết sức tìm cách khuyên-lơn ngăn cản.” Lấy ví dụ cha mẹ chúng ta theo cộng sản đàn áp người dân làm việc thất nhân tâm thì bổn phận làm con phải khuyên lơn cha mẹ quay về với dân tộc.

Đức Thầy cũng dạy: “Còn đền ơn tổ-tiên, đừng làm điều gì tồi tệ, điếm nhục tông môn, …” trong lúc này lời dạy cũng dành cho những người hiện đang trong bộ máy cai trị của bạo quyền cộng sản đừng làm điều tồi bại điếm nhục gia phong. Người trong đảng thì xây dựng cơ sở để sửa sọan ngày đứng lên giải thể bạo quyền cộng sản. Người trong bộ máy Cảnh sát hay Quân Đội thì chớ nổ súng vào dân mà phải xây dựng cơ sở để đón ngày mang khí giới về bảo vệ nhân dân, bảo vệ thôn làng, bảo vệ quê hương, bảo vệ xứ sở.

Ân Tam Bảo

Ân Tam Bảo là ân Phật, Pháp, Tăng đã khai mở trí óc cho chúng ta sáng suốt. Phật giáo Hòa Hảo lấy tinh thần từ bi, bác ái, vị tha này của Đức Phật làm căn bản cho Đạo Nhân và lấy Chánh (Sự Thật) làm nền tảng xây dựng Đạo Hạnh.

Ngược lại, người cộng sản lấy đấu tranh giai cấp, lấy bạo lực cách mạng, lấy tuyên truyền dối trá làm công cụ để cướp và nắm quyền. Cho nên sau sáu mươi năm đảng Cộng sản cầm quyền, Việt Nam trở thành một nơi văn hóa suy đồi, xã hội bất công, loạn lạc, Đạo giáo trong hồi mạc vận.

Người tín đồ Hòa Hảo trước tiên phải tu thân sau đó phải truyền giảng Phật Pháp đến chúng sinh. Dưới chế độ cộng sản, mọi quyền tự do đều bị tước đọat, kể cả quyền tự do tôn giáo. Chính vì thế đấu tranh cho Tự Do cũng là để đền Ân Tam Bảo và giữ gìn Đạo Pháp.

Ngòai việc dựa trên tinh thần Phật giáo và lời dạy của Đức Thầy, Phật Gáo Hòa Hỏa còn xây dựng một cơ cấu tổ chức xuống đến hạ tầng cơ sở nông thôn miền Tây Nam phhần. Chính vì thế sau khi chiếm được miền Nam, cộng sản đã không ngừng xuống tay đàn áp Phật Giáo Hòa Hảo. Bao tín đồ Hòa Hảo đã hy sinh hay còn đang bị giam cầm trong lao tù cộng sản chỉ vì đồng tâm thực hiện Tứ Ân Đức Thầy giảng dạy.

Ân Đồng Bào – Nhân Loại

Ân Đồng Bào – Nhân Loại là ân từ sự giúp đỡ của những người chung quanh.

Trong hoàn cảnh Việt Nam chúng ta cũng tri ân những những người đã giúp đỡ hay đã hy sinh để duy trì một miền Nam tự do (1954-1975). Chúng ta cũng tri ân thế giới tự do đã mở rộng bàn tay đón nhận những người tỵ nạn cộng sản Việt Nam và tiếp tục hỗ trợ nỗ lực mang tự do dân chủ đến với Việt Nam.

Đức Thầy giảng: “Đồng-bào ta và ta có một liên-quan mật-thiết không thể rời nhau, chẳng thể chia nhau và chẳng khi nào có ta mà không có đồng-bào, hay có đồng-bào mà không có ta. Thế nên ta phải ráng giúp đỡ họ hầu đền đáp cái ơn mà ta đã thọ trong muôn một.” Chúng ta ao ước Việt Nam có tự do, thì chúng ta cũng phải mang ơn những chiến sỹ Dân chủ Quốc Nội đang ngày đêm đấu tranh để giành lại tự do. Xin góp một bàn tay, một tấm lòng để yểm trợ các chiến sỹ tại quê nhà để tỏ lòng tri ân những người đang ra sức đấu tranh.

Lời thầy kêu gọi kết liên chiến đấu để giành lại tự do năm 1945 nay vẫn còn nguyên giá trị. Đất nước đang trong hồi mạc vận, độc lập dân tộc mất dần vào tay Tàu cộng, để đền đáp Tứ Ân chúng ta cần góp công, góp sức, góp trí để vận động tòan dân đứng lên giải thể bạo quyền cộng sản. Đó chính là nỗ lực của Cụ Lê Quang Liêm và anh chị trong Đòan Thanh Niên Phật Giáo Hòa Hảo Yêu Nước những người tiên phong theo chân Đức Thầy Hùynh Phú Sổ đền đáp Tứ Ân đứng lên cứu quốc.

Cũng vào tháng 4 năm 1945, Đức Thầy đã sáng tác bài thơ “Gọi Đòan Tráng Sĩ” để kêu gọi thanh niên hy sinh xây dựng nền tự do cho dân tộc. Tám câu đầu của bài thơ như sau:

Hãy tỉnh giấc hỡi muôn ngàn tráng sĩ,
Nhìn thời xưa hùng vĩ nước nhà ta.
Bắc Nam một giải san hà,
Mồ hôi giọt máu ông cha tài bồi.
Trải qua cũng lắm hồi vận bỉ,
Rồi anh em tráng sĩ đứng lên.
Liều mình đục pháo xông tên,
Liều mình giết giặc xây nền Tự Do.

(Lời Kêu Gọi của Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ)

Trong mùa Đức Thầy thọ nạn, những vần thơ được Đức Thầy sáng tác năm nào như truyền lại để sửa sọan kêu gọi con dân nước Việt hãy kết liên đứng lên cứu Quốc giải thể bạo quyền cộng sản. Trong thế tất thắng của dân tộc, còn đợi gì chưa nắm tay nhau, chung lòng, chung sức, chung chí hướng nối bước lên đường Đức Thầy đã đi mang lại Tự Do cho Việt Nam quê hương yêu dấu của chúng ta.

Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
26/3/2011

— –

Tài liệu liên quan:

Hiệu Triệu của “Cụ Lê Quang Liêm Ủng Hộ “Cẩm Năng Yêu Nước” Của Phong Trào Tuổi Trẻ Yêu Nước”, Giáo Hội Trung Ương Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy số 75/TB/TƯ, ngày 10 tháng 2 năm 2011

Thông Báo Thành ”Lập Đòan Thanh Niên Phật Giáo Hòa Hảo Yêu Nước”, của Tổng Vụ Trưởng Truyền Thông Trương Thành Long, Giáo Hội Trung Ương Tổng Vụ Truyền Thông, Số 101/TT/TƯ, ngày 23 tháng 2 năm 2011.

“Lời Phản Đối Tối Hậu của Cụ Lê Quang Liêm về việc Công An” cộng sản đàn áp thành viên Đòan Thanh Niên Phật Giáo Hòa Hảo Yêu Nước, Giáo Hội Trung Ương Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy, Số 162/VT/TƯ, ngày 14 tháng 3 năm 2011

Bản Tin “Khẩn Cấp của Cụ Lê Quang Liêm về việc Công An cộng sản Khủng Bố Tín Đồ Phật Giáo Hòa Hảo Đại Lễ 25/2 âl Tân Mão (29-3-2011)” kỷ niệm năm thứ 64 ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ bị Việt Minh Cộng Sản (VMCS) ám hại, Giáo Hội Trung Ương Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy, Số 216/BT/TƯ, ngày 24 tháng 3 năm 2011.

Advertisement
Categories: Nhan dinh | Leave a comment
 
 

Thân Thế Đức Huynh Giáo Chủ

Đức Huỳnh Giáo Chủ

 

Sanh trưởng:

– Đức Huỳnh Giáo Chủ, tên tộc là Huỳnh Phú Sổ, sanh tại làng Hòa Hảo một thôn nằm trên Bắc ngạn sông Vàm Nao, thuộc Quận Tân Châu, Tỉnh Châu Đốc, ngày 25 tháng 11 năm Kỷ Mùi, tính ra nhằm ngày 15 tháng giêng năm 1919.

Thân sanh của Ngài là Đức Ông Huỳnh Công Bộ, lúc bấy giờ làm Hương Cả làng Hòa Hảo. Thân mẫu của Ngài là Đức Bà Lê Thị Nhậm. Đức Ông có hai đời vợ, đời vợ trước sanh được hai gái, hiện nay người chị thứ hai còn sống góa chồng, còn người em thì đã chết. Khi bà lớn mất, Đức Ông tục huyền với bà Lê Thị Nhậm và sanh được ba người con :

Con đầu là Đức Huỳnh Giáo Chủ. Con thứ là Huỳnh Thị Kim Biên. Con út là Huỳnh Thị Mậu. Cô Huỳnh Thị Kim Biên, nay là Bà Lâm Đồng Thanh, còn cậu Huỳnh Thạnh Mậu thì đã bị V.M giết năm 1945, vì đã tham gia cuộc biểu tình chống độc tài Cộng Sản, do anh em tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo tổ chức tại Cần Thơ ngày mồng 3 tháng 8 năm Ất Dậu, nhằm ngày 8-9-1945.

Ngày 2 tháng 9 năm Ất Dậu chúng đem cậu ra hành quyết, cùng một lúc với :
Trần Văn Hoành con của Trần Văn Soái, Nguyễn Xuân Thiếp tức thi sĩ Việt Châu.
Hiện nay tại sân vận động cũ, anh em tín đồ có xây mộ bốn liệt sĩ Hòa Hảo ( trong đó có một ngôi mộ vô danh) và cất miếu thờ, hằng năm đều có làm lễ kỷ niệm vào ngày mồng 2 tháng 9 âm lịch.

Đức Huỳnh Giáo Chủ thường được gọi là Thầy tư Hòa Hảo hay tôn xưng Đức Huỳnh Giáo Chủ còn tín đồ thì gọi Ngài là Thầy hay Đức Thầy, và nền đạo của Ngài khai sáng được mang danh là Phật Giáo Hòa Hảo, một tông phái đạo Phật thành lập tại làng. Từ trước đến nay, việc lấy địa danh làm tông danh là điều thường thấy trong đạo Phật. Như Phái Thiên Thai Tông bên Trung Hoa sở dĩ thành danh là vì xây dựng già lam trên núi Thiên Thai cũng như phái Trúc Lâm Yên Tử ở nước Việt Nam chúng ta được thành danh cũng do Ngài Điều Ngự Giác Hoàng tức vua Trần Nhân Tông khai sáng một Thiền phái Việt Nam trên núi Yên Tử, Tỉnh Quảng Yên.

Tánh tình: –
Ngay từ khi còn bé, Ngài đã tỏ ra hơn người trong mọi phương diện. Tánh Ngài điềm đạm, ít chịu trửng giỡn cợt đùa, thường tìm nơi thanh vắng ngồi trầm tư mặc tưởng. Ngài không thích đờn ca xướng hát ; vì thế những chỗ hội hè đình đám, những nơi tụ hợp đông người, Ngài luôn luôn xa lánh .

Từ lúc bé bỏng, Ngài đã có tánh hiếu sanh, không chịu bắt bướm, chuồn chuồn hay bắt dế để chọi nhau chơi. Những thú vui như đá cá thia thia, đá gà, những thú vui có ý sát hại, hay làm tổn thương thì Ngài không thích. Có lần Ngài ra ruộng, gặp con cóc, Ngài la lên nhưng đến khi các trẻ khác bu lại kiếm bắt thì Ngài lấy chơn đè lấy con cóc cho mọi người không nhìn thấy. Đến khi chúng bạn tản ra, Ngài mới lấy chơn lên cho con cóc thoát nạn. Lòng hiếu sanh của Ngài đã biểu lộ qua nhiều cử chỉ nhơn từ thương xót các loài vật.

Ngài có tánh cả thẹn đối với phụ nữ. Khi đến tuổi trưởng thành, hễ ai đề cập đến vấn đề hôn nhơn là bị Ngài phản đối ngay. Ngài thường tuyên bố: thích sống độc thân để được tự do hoạt động.

Học lực:
– Từ khi cập sách đến trường, Ngài đã tỏ ra xuất sắc hơn chúng bạn. Ban sơ, Đức Ông cho Ngài học các lớp sơ đẳng tại trường Hòa Hảo lúc bấy giờ tạm lấy nhà Công sở trước đình thần làm trường sở. Năm 1950, Công sở bị dở: nay là thư viện Hòa Hảo. Cứ như được biết niên học năm 1927-1928, Ngài đã học với ông Giáo Phan Văn Khoái.
Sau khi học hết các lớp sơ đẳng ở Hòa Hảo, Đức Ông cho Ngài tiếp tục học tại trường Tiểu học bổ túc Tân Châu với ông giáo Lê Văn Tám dạy lớp nhì, năm thứ nhất ( Cours Moyen I). Trong lúc ấy, Ngài ở trọ nhà ông Huỳnh Văn Sánh, thợ bạc ở Tân Châu. Sau khi đậu bằng Tiểu học (Certificat dEtudes élémentaires), Ngài phải thôi học vì bịnh hoạn, mặc dầu Đức Ông đủ sức cho Ngài tiếp tục học thêm nữa.

Sức Khỏe:
– Thật ra thì lúc nào Ngài cũng đau ốm luôn, không mấy khi được khỏe mạnh. Lâu lâu lại phát lên cơn sốt rét dữ dội, vì vậy mà Ngài xanh xao ẻo lả, có lúc mất ăn mất ngủ nhiều ngày, xem chừng bịnh tình trầm trọng lắm, có thể chết được.

Đức Ông Đức Bà hết sức lo buồn, hằng kiếm thầy chữa trị mà bịnh vẫn không thấy thuyên giảm. Ban đầu còn chạy chữa ở những thầy thuốc Bắc thuốc Nam trong làng mà không hết, trái lại bịnh trạng thì xem khác thường khi mạnh khi yếu khiến mọi người nghi là mắc bịnh tà và nghĩ đến cách chữa trị bằng pháp thuật bùa ngải.

Nghe đồn ở núi Trà Sư có ông Thầy Xom hay Đạo Xom, tục danh là Lê Hồng Nhật một tu sĩ nổi tiếng giỏi pháp thuật, đã từng chữa mạnh nhiều bịnh bằng bùa ngải. Đức Ông bèn cho chở Ngài đến nhưng rốt cuộc cũng không thấy hiệu quả.

Ngoài ra, Đức Ông còn đưa Ngài xuống ông Bảy Còn ở chợ Cà Mau thôn Long Kiến nhờ chữa trị. Ông Bảy là cháu nội của ông ĐạoThắng một cao đệ của Đức Phật Thầy Tây An và đã được truyền nhiều diệu pháp để cứu dân độ thế. Ông Đạo Thắng truyền lại cho thân phụ ông Bảy và ông này truyền trao lại cho ông Bảy tiếp tục nghiệp ông cha.Ông Bảy vốn là người thân thuộc của Đức Ông nên Đức Ông rất tin cậy, đưa Ngài đến nhờ chữa trị. Ban đầu thấy có mòi thuyên giảm nhưng về sau bịnh vẫn không thấy gì thay đổi.

Nghe đồn ở Mặc Cần Dưng có ông Lục Cả chữa bịnh tà rất hay, Đức Ông cũng lo chở Ngài đến nhờ chữa trị, nhưng bịnh Ngài không khác gì giả ngộ, mới thấy nguy kịch đó, lại liền thấy mạnh khỏe.

Như lần chở Ngài đi, sau bảy ngày bỏ ăn bỏ ngủ, tưởng là nguy kịch lắm, chẳng ngờ lúc đi ghe, Ngài lấy cơm nguội ra ăn hết hai tô lại uống thêm hai tô nước sông. Phàm người bỏ ăn năm bảy ngày, muốn ăn lại phải cho uống nước cháo rồi lần lần cho ăn cháo lỏng, dạ dày mới chịu nổi. Vậy mà Ngài vẫn khỏe như người thường và không thấy sao cả.
Lúc bấy giờ lại có tin đồn bếp Ngoan, tục danh là Lê Minh Chiếu, ở Chợ Vàm một tay lão luyện về bùa Ngải của Miên và Xiêm, từng học với Thầy ngải ở Tà Lơn và chữa lành các bịnh bị thư, bị ngải hay mắc bịnh tà. Trong lúc bức ngặt, Đức Ông cho chở Ngài lên Chợ Vàm, nhưng bếp Ngoan chữa cũng trơ trơ.

Điều đáng lo ngại nhứtt là mấy lúc sau nầy, Ngài lại vướn thêm bịnh huợt tinh khá trầm trọng. Do chứng bịnh nầy mà Ngài trở nên xanh xao vàng vọt, con người tiều tụy, không còn thiết gì đến việc học hành. Về sau Ngài có thổ lộ cho một tín đồ ở Bạc Liêu biết: đó là ơn trên định dọn phần xác tinh khiết, chẳng khác nào sút ve cho sạch trước khi đựng lấy nước trong.

Ra làm bịnh:
– Bắt đầu từ năm Kỷ Mão, năm Ngài được 21 tuổi, sau khi thôi học về nhà, Ngài thường tỏ ra nhiều cử chỉ kỳ lạ, khi thì nằm thim thíp, bỏ ăn bỏ ngủ, lúc thì mạnh mẽ như người không bịnh, đi đứng như thường, nói năng hoạt bát.

Đức Ông cũng như bao nhiêu người khác, đều cho Ngài có tà ma quỉ quái chi dựa vào nên mới có trạng thái khác thường như vậy.

Mặc dầu, Đức Ông lo chữa chạy cho Ngài tận tình, nhưng Ngài thì cứ nói rằng không có bịnh chi cả, vì nể Đức Ông nên mới đi chạy thầy chạy thuốc như vậy.
Một hôm, Ngài đi lên đầu trên xóm dưới truyền rao: nếu ai có mắc bịnh chi, cứ đem lại cho Ngài chữa trị cho.Thấy vậy Đức Ông bĩu môi: Bịnh mình chề ề như vậy mà không lo, còn đòi đi chữa bịnh người ta.

Ban đầu không ai tin Ngài có thể chữa bịnh, nhưng có một vài bịnh ngặt nghèo, kể như hết phương cứu chữa, nghe Ngài nói chữa được nên cũng liều đem đến, may ra có phép Tiên phép Phật gì chăng. Vả lại, Ngài không có làm chi nguy đến tánh mạng con bịnh, hơn nữa phương pháp của Ngài dùng để chữa hay thuốc thang của Ngài cho uống không có gì nguy hiểm. Vì vậy mà người ta đánh liều chở bịnh đến nhờ Ngài cứu chữa. Nhưng lạ lùng thay, bịnh nào Ngài chịu chữa cũng đều được mạnh lành, mặc dầu đã tốn bao nhiêu tiền của và thuốc men.

Do cách chữa trị huyền diệu ấy mà tiếng đồn lan rộng ra. Nhứt là từ ngày Ngài chữa bịnh cho con gái của ông Hương chủ Hùng ở Hưng Nhơn mắc bịnh trùng, thập tử nhứt sanh, đã chạy chữa đủ thầy pháp thầy bùa trong vùng mà không hết. Nghe Ngài chữa bịnh bằng phương pháp huyền diệu nên chở ra nhờ Ngài chữa trị.

Ngài dùng nước rải vào mặt bịnh nhân khiết bất tỉnh, ngất xỉu. Ngài bỏ đó, thân nhân lấy làm lo ngại, nhưng Ngài bảo khiêng vào nhà sau, đợi đến giờ Tý, Ngài sẽ chữa cho. Quả nhiên khi đến giờ, Ngài đem một chén nước lã bảo cạy miệng ra đổ. Trong chốc lát, cô ấy tỉnh lại rồi mạnh luôn và từ đó gia đình của Hương chủ Hùng không còn lo ngại về bịnh trùng nữa.Bắt đầu từ khi chữa dứt bịnh trùng cho gia đình ông Hương chủ Hùng, tiếng tăm của Ngài vang dậy khắp nơi. Chừng đó ngày nào người ta cũng nườm nượp chở bịnh đến, nhứt là các bịnh điên hay bịnh tà, xưa nay có tiếng là hung dữ không ai chữa nổi, nay chở đến chật nhà chật cửa.

Lúc bấy giờ nhà Đức Ông chật nức, nào bịnh nhơn, nào những người hiếu kỳ đến xem chữa bịnh, chen nhau không còn chổ trống.Có nhiều con bịnh hết sức hung tợn, ở nhà la ó hay hành hung không ai dámlại gần, phải dùng thế bắt trói mới đem đi được. Thế mà khi đến Ngài, Ngài bảo lấy dây chuối cột tay dẫn lên, bịnh nhơn riu ríu đi theo không chống cự. Cũng có con bịnh chưa chịu phép, còn la ó hay múa tay múa chơn, Ngài rút chiếc khăn quăng ra và hét: Chư Thần đâu . . . để vậy sau ? hét vừa dứt tiếng thì bịnh nhơn chạy đến chụp lấy chiếc khăn quấn vào tay, càng siết chặt hai tay lại, vừa khóc lóc van lơn xin Ngài tha thứ.

Ngài nói: Nếu biết ăn năn thì hãy xuất ra, người ta có vợ có chồng rồi, đừng có xen vào phá gia cang người ta. Hãy hứa không còn phá nữa, ta mới dung thứ.
Con bịnh khóc lóc hứa từ nay không còn dám phá nữa. Ngài bảo mở trói, con bịnh tự tháo chiếc khăn ra. Ngài dạy lại lễ Phật, cho uống một chén nước lã rồi ra về.

Ngoài bịnh trùng, bịnh điên, Ngài còn chữa nhiều thứ bịnh khác nữa, như dịch tả, phung đơn, nhứt là cai thuốc phiện, bỏ rượu một cách tài tình.
Phương pháp chữa trị của Ngài hết sức giản dị, Ngài cho uống nước lã, hoặc giấy vàng hay giấy nhựt báo xé nhỏ ra. Về phương dược thì các thứ lá cây như: lá xoài, lá ổi, lá mít . . ., các thứ bông như: bông trang, bông thọ. Còn về niệt để đeo thì dùng chỉ trắng se lại, có khi không có chỉ thì dùng dây chuối, dây bố . . .

Chỉ có bấy nhiêu dược liệu, hết sức giản dị, không tốn tiền mà bịnh nào uống vào cũng khỏi. Lạ nhứt là những người ghiền á phiện hay ghiền rượu, chỉ uống nước lã mà bỏ rượu bỏ á phiện cái một, không hành phạt chi chi cả.

Ngoài ra Ngài cũng có cho toa thuốc Bắc, ai có mắc bịnh, cứ theo đó bổ về sắc uống: mười bịnh hết mười, khỏi phải đem đến Ngài chữa trị. Những phương thuốc còn ghi chép trong quyển Sấm Giảng Thi Văn Toàn Bộ . Đến ngày nay nhiều người mắc bịnh đã theo toa thuốc ấy hốt về uống vẫn thấy hiệu nghiệm như một thứ thuốc tiên.

Categories: Lịch Sử PG Hòa Hảo, Đức Huỳnh Giáo Chủ | Leave a comment

Blog at WordPress.com.