Monthly Archives: January 2013

Tình cảnh tín đồ PGHH Nguyễn Văn Lía hiện nay

Tình trạng tù đày của tín đồ PGHH Nguyễn Văn Lía hiện nay!

Thanh Quang, 
phóng viên RFA

2013-01-29

Trong khi người tù lương tâm thuộc Đạo Phật Giáo Hoà Hảo Nguyễn Văn Lía tiếp tục cảnh lao lý, thì có lẽ câu hỏi cần được nêu lên là tình cảnh của ông hiện đáng ngại như thế nào?
Sức khỏe sa sút


Tín đồ PGHH Nguyễn Văn Lía

Sau khi trải qua cảnh tù đầy gần 2 năm cho án tù 4 năm rưỡi mà Toà án An Giang áp đặt hồi tháng 3 năm ngoái, ông Nguyễn Văn Lía, tín đồ lão thành, kỳ cựu và uyên bác của Đạo Phật Giáo Hoà Hảo, tác giả của nhiều sách Giáo lý PGHH, hiện tiếp tục sa sút sức khoẻ, như người con gái ông, cô Nguyễn Thị Lụa, kể lại ngay sau chuyến thăm cha ở trại tù K3, Xuân Lộc, Đồng nay, trở về:

Cha tôi bây giờ bệnh nhiều, hay lên máu, trong khi thuốc men thì không có đủ, mà lại không cho uống đều đặn. Cho nên sức khoẻ của cha bây giờ yếu lắm, người xanh xao. Thuốc gia đình đem ra cho cha thì họ giấu bớt, không cho uống hết; thuốc bổ tôi đem ra cho cha để uống trong 8 tháng thì họ giữ lại còn chừng 4 tháng. Còn đồ ăn, đồ uống thì tụi nó cũng cắt xén bớt của cha tôi.


Trong khi đó, tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Lía bị cai ngục hành hạ thêm dưới những hình thức khác, mà cô Nguyễn Thị Lụa mô tả như sau:


Bây giờ họ chuyển cha tôi sang ở chung với 80 người. Cha tôi nằm chỗ bề ngang có 5 tấc. Cha già, lớn tuổi rồi mà họ để cho cha tôi nằm ngay chỗ TV ồn ào tối ngày sáng đêm nên sức khoẻ cha tôi ngày càng yếu thêm. Cha tôi xin dời chỗ khác thì họ không cho. Cha tôi nói là mỗi lần tới lui đâu đều có người theo dõi hết, rất là bất tiện.

Được biết trong cảnh lao tù, giới điều hành trại giam bắt ông Nguyễn Văn Lía ký đơn để xin giảm án, ghi rõ 3 điều kiện: Thứ nhất là nhận tội; thứ hai là xin nhà nước khoan hồng; và thứ ba gọi là học theo gương Hồ Chí Minh. Nếu ông làm đơn viết 3 điều kiện như vậy, thì họ nói sẽ cho ông được giảm án, để Tết này về. Nhưng ông đã cương quyết từ chối. Cô Nguyễn Thị Lụa cho biết:

Cha tôi không đồng ý, nói là từ khi bị vào trại tù này, “mấy ông bắt tôi không học tập ngày nào cả; thứ hai là tôi không có tội, thì mấy ông bắt tôi nhận tội là tội gì ? Mấy ông tự động bắt tôi rồi kêu án, rồi nhốt tôi vô đây – ở chỗ chỉ có 5 tấc như vậy, rồi kêu tôi nhận tội là tội làm sao ?”, “ Nếu mấy ông thương tình thì mấy ông giảm án, còn nếu không thì thôi, chứ tôi phải viết đúng sự thật, không thể nói láo với mấy ông được”. Nên cha tôi viết là “tôi không có tội. Mấy ông bắt tôi vào đây thì lòng vòng chỉ có lý do như vậy thôi”. Trong danh sách 198 người được giảm án mà họ đưa ra thì có cha tôi trong đó. Nhưng họ chỉ đưa ra danh sách vậy thôi.
Dù thể chất tiếp tục bị hành hạ, nhưng tinh thần của tín đồ PGHH trung kiên này luôn vững mạnh. Con gái ông mô tả tiếp:

Khi tôi đi ra thăm cha thì thấy là dù trong điều kiện tù đày rất khắc nghiệt, nhưng tinh thần cha tôi lúc nào cũng cứng rắn, cương quyết, một mực không nhận tội, cho dù thế đi nữa cũng không nhận tội. Tôi nói với cha là một phần lớn do tác động bên ngoài, thời gian qua, đã hết lòng giúp đỡ cha tôi, gia đình chúng tôi, thì cha tôi nói là rất mang ơn quý chú, quý bác bên kia vì trong thời gian cha tôi nằm trong tù mà có nhiều người hết lòng giúp đỡ, lên tiếng ủng hộ. Chúng tôi mong mỏi cha được sớm trở về với gia đình, bởi vì bọn họ ngày nào cũng đến trấn áp tinh thần, theo dõi, làm đủ chuyện. Nhưng thấy tinh thần cha tôi lúc nào cũng cứng rắn. Điều tôi rất lo hiện giờ là sức khoẻ cha tôi không có, vì trong tù đó nó quá khắc nghiệt.

Theo ông Phil Robertson, Phó Giám đốc đặc trách Á Châu của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, thì việc nhà cầm quyền VN đàn áp tôn giáo, giam cầm một người già cả bệnh tật như trường hợp ông Nguyễn Văn Lía hiện giờ chỉ vì ông vận động ôn hoà cho tự do tín ngưỡng, là hành động vô nhân đạo.


M
ột trong hai tín PGHH bị oan án cách đây gần hai năm

Lần sửa cuối bởi baoquang, ngày Hôm qua lúc 06:51 AM.

Advertisement
Categories: Uncategorized | Leave a comment

NÓI VỀ MỘT PHẬT HỌC VIỆN

  1. Nói về một phật học viện

    Nửa tháng trở lại đây những vùng đông dân cư Phật Giáo Hòa Hảo như: An Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Kiên Giang… đã ầm lên chuyện một Phật Học Viện ở số 750, đường Nguyễn Kiệm, phường 4, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh mở khóa đào tạo cử nhân Phật Học và đã chấm đậu cho tăng sinh Thích Thiện Huệ qua một luận đề “Thực Chất Của Đạo Hòa Hảo”. Nội dung luận đề hoàn toàn xằng bậy, dối trá, đảo điên. Tôi cố gắng đọc bản văn mà Giáo Sư Minh Chi của Học Viện Phật Giáo Việt Nam đã phê chuẩn là “Luận Văn Đạt Yêu Cầu”. Có đọc mới biết, thì ra “yêu cầu” của chứng chỉ tốt nghiệp Cử Nhân Phật Học do Phật Học Viện tổ chức là phải chưởi tan nát Đức Huỳnh Giáo Chủ và Đạo Phật Giáo Hòa Hảo sao?Tại sao Đạo Phật ngày nay lại biến chất đến đổi để có một Phật Học Viện mà đề tài Học Phật trong Phật Học Viện lại đầy sân si nhơn ngã, công kích, đả kích một tôn giáo và giáo lý của tôn giáo khác là “Đạt Yêu Cầu”? Chưởi bới giỏi mà Giáo Sư Minh Chi của trường cũng chấm đậu Cử Nhân Phật Học, tôi không biết Phật Học Viện này sao vậy? Đầy những lời lẽ thô lỗ, xúc phạm tôn giáo khác một cách nghiêm trọng, ứng xử còn thấp thỏi hơn… người không biết chút đạo đức là gì.Phải chi đừng có cái nhãn hiệu “Phật” trong Học Viện mà là học viện gì gì đó, ước chi đừng phải tăng sinh mà cái gì gì đó sinh, thì cái bản văn được chấm đậu cũng đâu đến đổi làm cho tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo khó chịu. Đàng này giữa tôn giáo và tôn giáo cùng một cội nguồn Đạo Phật, cùng chịu trách nhiệm bản thân qua sự thọ trì Tam Qui Ngũ Giới. Mở Phật Học Viện sao lại không dạy Pháp của Phật mà dạy pháp thế gian hết sức là tồi tệ. Đức Phật dạy người tu là phải xóa sạch cống cao ngã mạn để tiếp nhận Từ Bi Trí Tuệ, Chân Như Bình Đẳng. Dù chập chững làm Tăng cũng phải có sự khôn khéo để biết mình là đệ tử Phật Môn.Tôi tiếc là đã để mắt đọc hết bài luận văn tốt nghiệp của một tăng sinh thiếu giáo dục từ phía nhà trường và sự tiếc rẻ ấy khiến tôi không thể trích đoạn gõ vào bàn phím Computer nhằm lập lại những lời xằng bậy dối trá của tăng sinh mà Giáo Sư Minh Chi đề cao cho quí độc giả xem, nhưng nếu quý vị đọc bản Tuyên Cáo của Cụ Lê Quang Liêm sẽ thấy biết được lời lẽ nặng nề mà Thích Thiện Huệ đã giành cho PGHH và Đức Thầy yêu kính của chúng ta như thế nào.Xưa nay Phật Giáo Hòa Hảo đã đóng góp rất nhiều công sức, tiền tài cho nước non dân tộc, cho đạo Phật Thích Ca Mâu Ni. Vào thời Việt Nam Cộng Hòa chính phủ cũng đã chứng nhận tư cách pháp nhân cho PGHH sinh hoạt tôn giáo bình đẳng với các tôn giáo. Năm ất dậu 1945 Đức Tôn Sư Phật Giáo Hòa Hảo còn sáng lập một tổ chức với danh xưng “Việt Nam Phật Giáo Liên Hiệp Hội”, theo đó tôn chỉ của hội nhằm đề cao công cuộc bảo tồn Phật Pháp, nâng cao kiến thức Phật học bằng sự dấn thân của các tăng sư, ghi rằng: “Liên hiệp các tôn phái đạo Phật, các nhà sư, các tín đồ, các nhà trí thức có xu hướng về Phật Giáo để:1). Tìm cách nâng cao tinh thần đạo Phật.2). Tìm những phương tiện cứu giúp kẻ nguy nàn vì thời cuộc gây ra.3). Giúp đỡ lẫn nhau trong việc quan, hôn, tang, tế.4). Binh vực lẫn nhau trong sự tín ngưỡng tự do.f). Khi các Ban Trị Sự cử xong, phải khẩn cấp lập thêm 3 ban:1. Ban nghiên cứu Đạo Phật.2. Ban huấn luyện và truyền bá Đạo Phật.3. Ban Chẩn Tế, lo tìm phương cứu giúp kẻ khốn cùng.1.- Ban nghiên cứu đạo Phật: gồm các nhà sư, những nhà thông thái, để hằng ngày tra cứu kinh điển, dịch sách hay viết sách nói về Đạo Phật.2.- Ban huấn luyện và truyền bá: gồm các nhà sư, cư sĩ, trí thức hoạt động, đặng hội phái đi các nơi giảng giải đạo Phật cho đại chúng nghe, hoặc giả mở trường dạy đạo Phật.3.- Ban Chẩn Tế: gồm các nhà hảo tâm từ thiện nam nữ hoạt động, chuyên lo cứu giúp kẻ nghèo nàn đói khó, tật bệnh hoặc giả thành lập nhà dưỡng lão, nuôi trẻ mồ côi, người tàn tật, nếu có thể được, nên mua trữ thuốc men, vải bô, lúa gạo để dành cho cuộc phước thiện”.Được lời chỉ giáo của đấng Tôn Sư, người tín đồ chuyên sức hành trì qua thiện nguyện, công tác rất tốt về xã hội từ thiện cũng như giáo dục cho nhân sanh cải ác làm lành, cải tà qui chánh, cải tội thành phước, và tinh thần đoàn kết với những người cùng đạo Phật: 

    “Chớ chia rẽ phải đồng tâm lực,
    Khua giọng vàng đánh thức bốn phương.
    Chấn hưng Phật Giáo Học Đường,
    Dưới trên hòa thuận chọn đường qui nguyên.”


    Gắn bó giữa PGHH với các tôn giáo nhất là Phật Giáo, ý tưởng như ruột rà. Nay Phật Học Viện của Phật Giáo Việt Nam quận Phú Nhuận, Giáo Sư Minh Chi, tăng sinh Thích Thiện Huệ lẽ nào chẳng hay biết sự thân thiện ruột rà của hai phía cùng là đạo Phật mà các vị cố làm cho mất lòng cắt đứt cội nguồn Phật Giáo với nhau sao?
    Hay quý vị dám nghĩ rằng: ruột rà lúc xưa giữa đạo Phật và Phật Giáo Hòa Hảo trong thời kỳ chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa là không chấp nhận, nhưng PGHH chúng tôi vẫn còn tồn tại trong pháp luật của nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam thì sao?Kính thưa quý Phật Học Viện, không phải là học viện đã cấp chứng chỉ tốt nghiệp Cử Nhân Phật Học cho tăng sinh Thích Thiện Huệ trong toàn nước Việt! Chúng tôi biết quí Phật Học Viện tận tâm vì Đạo Phật, dốc sức hoằng truyền chánh pháp của Phật Đà, quý Tăng sư trao giồi giới hạnh trí tuệ từ bi, nhưng sự biến chất Phật Giáo trong một Phật Học Viện, đào tạo tăng tài cho tương lai của đạo Phật như sự xuất hiện của Giáo sư Minh Chi, tăng sinh Thích Thiện Huệ là một tệ nạn đối với Đạo Phật. Vì Đạo Phật, chúng ta không muốn có một Phật Học Viện nào nữa dạy đạo mà thốt ra những lời không còn có chút pháp Phật như vậy.Để chữa lành vết thương mà tăng sinh Thích Thiện Huệ đã gây cho Phật Giáo Hòa Hảo, chúng tôi đưa ra những phương cách như sau:1. Phật Học Viện ở quận Phú Nhuận nói trên và Giáo Sư Minh Chi phải chịu trách nhiệm trực tiếp về một đề tài xằng bậy, làm hại uy tín của Đạo Phật mà phê chuẩn là “Luận văn đạt yêu cầu”.2. Tôi trân trọng ủng hộ Cụ Lê Quang Liêm qua bản tuyên cáo bốn bước và một trong bốn bước là bước thứ hai. Cho hai bên gặp nhau, phía Phật Học Viện, Giáo Sư Minh Chi, tăng sinh Thích Thiện Huệ. Phía bị hại, Phật Giáo Hòa Hảo có Cụ Lê Quang Liêm và những đồng đạo cùng đối thoại về đề tài “Thực Chất Của Đạo Hòa Hảo” và luận văn đạt yêu cầu do Giáo Sư Minh Chi phê chuẩn.3. Nếu tăng sinh Thích Thiện Huệ sợ tội không dám đến gặp thì tăng sinh hãy tạ tội cùng Phật Giáo Hòa Hảo, Đức Huỳnh Giáo Chủ và xin lỗi với toàn thể tín đồ.4. Phật Giáo Hòa Hảo có tư cách pháp nhân của nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ký nhận, tính pháp luật của nhà nước có trong Hiến Chương PGHH, Thích Thiện Huệ viết bài bôi nhọ PGHH, nếu Ông cố tránh trách nhiệm, chúng ta đề nghị cơ quan luật pháp nhà nước phát lệnh truy nã và truy tố ông này về tội chà đạp tôn giáo khác.Trong khi còn chờ đợi sự ăn năn hối cải của Thích Thiện Huệ, yêu cầu chư đồng đạo hãy bình tỉnh, mỗi việc chu đáo để không bị sa hầm sụp hố của những kẻ chủ mưu còn đứng đâu đây.

    12/12/2012
    Lê Minh Triết

Chọn nhanh Tin Tức PGHH Lên trên

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình

Nội quy – Quy định

Categories: Uncategorized | Leave a comment

PHẠM CÔNG THIỆN MỘT THI SĨ KỲ TUYỆT THIÊN TÀI Tâm Nhiên

Lời BBT: Phạm Công Thiện (1/6/1941 – 8/3/2011), là một nhà văn, triết gia, học giả, thi sĩ và cư sĩ Phật Giáo người Việt Nam với pháp danh Thích Nguyên Tánh. Tuy nhận mình là nhà thơ và phủ nhận nghề triết gia, ông vẫn được coi là một triết gia thần đồng, một hiện tượng dị thường của Sài Gòn thập niên 60 và của Việt Nam với những tư tưởng ít người hiểu và được bộc phát từ hồi còn rất trẻ. Dưới đây là bài viết của Tâm Nhiên nhân sắp đến ngày giỗ của ông.

Có những con người đến rồi đi qua mặt đất trần gian này như một cơn sấm sét, gây chấn động kinh hồn, làm bùng vỡ một điều chi kỳ tuyệt, tinh khôi trên bầu trời tâm thức nhân loại, Phạm Công Thiện là một con người độc đáo như vậy.

“Anh đã ra đi từ đó, từ thời buổi hỗn mang. Trong từng khoảnh khắc sát na, từng quãng liên tục vi tế của hạt bụi, anh từ chối chính mình. Khi mọi người ca tụng anh như một thiên tài, anh vất bỏ thần tượng để đi như một tên lãng tử vô lại…Người lữ hành bước đi, từng con sóng của đại dương cuốn theo xóa sạch từng dấu chân đi. Lưu lại trong khách ảo ảnh tiền thân, phảng phất mùi hương và sắc màu quá khứ không phai nhạt.”* Tuệ Sỹ giới thiệu như thế về Phạm Công Thiện, một tâm hồn hạo nhiên chi khí, một thi sĩ thượng thừa đã khơi nguồn mạch sáng tạo trào dâng ngất ngưởng, mở ra thể điệu phiêu bồng trên cung bậc văn chương, thiền học, triết lý, thi ca bát ngát dị thường. Bước đi một mình một bóng, đơn thân độc mã quá đỗi phong trần gần 50 năm trời nay, say gót mộng chuếnh choáng lang bạt kỳ hồ, lang thang lêu lổng suốt muôn chiều phiêu lưu, phiêu lãng ngàn phương. Lướt cánh đại bàng, tung hoành ngang dọc khắp năm châu bốn biển, thênh thang giữa thiên địa hoàn cầu.Vào một chiều tháng 6, bắt đầu mùa hạ năm 1941, Phạm Công Thiện ra đời bên dòng sông thơ mộng Cửu Long, một dòng sông bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng ngút ngàn chảy xuống dọc ven bờ phố thị Mỹ Tho, một thị xã nhỏ nhắn, lặng lẽ hiền hòa ở miền Nam. Thi sĩ lớn lên từ đó, suốt ngày đêm cứ mặc sức mơ mộng rong chơi, tha hồ tắm sông lội nước, nằm ngắm mây trời bay lãng đãng xa xôi.

Rồi bất thình lình, đột ngột một hôm vụt đứng dậy, xuất hiện trên văn đàn Việt Nam như một thần đồng biết nhiều thứ tiếng, một thiên tài lỗi lạc : Năm 1957, mới 16 tuổi đã xuất bản Tự điển Anh ngữ tinh âm, 19, 20 tuổi viết Ý thức mới trong văn nghệ và triết học, 23 tuổi, viết Tiểu luận Bồ Đề Đạt Ma, 25, 26, 27 tuổi, viết Hố thẳm tư tưởng, Im lặng hố thẳm, Ý thức bùng vỡ, Bay đi những cơn mưa phùn, Trời tháng tư, Ngày sinh của rắn, Mặt trời không bao giờ có thực, Nikos Kazantzaki, Rainer Maria Rilke, Henry Miller và dịch thuật những tác giả vĩ đại Krishnamurti, Nietzsche, Heidegger… làm chấn động toàn thể giới văn nghệ sĩ trí thức thời bấy giờ.

Thuở ấy, năm 1967, khi Phạm Công Thiện làm Khoa trưởng Văn khoa Đại học Vạn Hạnh ở Sài Gòn, đúng lúc 26 tuổi thì Tuệ Sỹ, Bùi Giáng cũng có mặt ở đó thường xuyên, là những cây bút cốt cán, nền móng trong tạp chí Tư Tưởng, tiếng nói của Viện Đại học Vạn Hạnh.

Trước đó, nhà thơ cũng đã từng làm những chuyến giang hồ tứ chiếng, xách túi thơ bầu rượu ngao du sơn thủy qua Paris, London, New York, Washington rồi, từng diện kiến, sống gần gũi với những nhân vật kiệt xuất lừng lẫy trên thế giới như Krishnamurti ở Paris, Henry Miller ở Los Angles.

Đang là thần tượng của đám sinh viên các đại học Sài Gòn, Huế, Đà Lạt thì đùng một cái, Phạm Công Thiện bỏ ngang chức Khoa trưởng Văn khoa Đại học Vạn Hạnh, lên đường viễn phương hành, làm cuộc ra đi theo quẻ Lữ trong Kinh Dịch, lênh đênh qua tận bên kia bờ đại dương tuyệt mù tăm tích vào năm 29 tuổi, tức năm 1970. Đó cũng là năm cuộc chiến tranh Việt Nam đến độ khốc liệt, kinh hoàng, khủng khiếp nhất. trên khắp hai miền Nam  Bắc tang thương.

Cất cánh phụng hoàng, thi sĩ bay vút đi xuyên qua gầm trời giông tố bão loạn, đang đắm chìm giữa dòng sử lịch hỗn mang, tang tóc cuồng phong gầm thét dữ dằn, tan hoang tàn bạo, xô đổ xuống mịt mù âm u hỗn độn, vây khổn đầy bóng tối vô minh trong đêm dài điêu linh, trầm thống, đoạn trường.

Trước ngày khởi hành, ngồi trên đồi cao chùa Hải Đức Nha Trang, thi nhân lắng hồn cô đơn, tịch mịch để nghe vọng về bao nỗi đời ly tán, đớn đau, bàng hoàng trong rưng rưng nhức nhối :

Hồi chuông chùa vọng luân hồi

Chim chiền chiện hót ngang trời đau thương

Trùng dương nằm đợi vô thường

Đồi cao bạt gió hai đường âm u

Âm u hai đường, đông tây đôi ngã thê lương. Còn chi đâu mà nói nữa. Thôi thì cánh chim ngàn cứ tung bay cho hết bầu trời tính phận bao la của mình. “Bổn phận của mi là lên đường đi đến hố thẳm, một cách im lặng, rộng lượng và không hy vọng.” Văn hào Nikos Kazantzakis đã nói như vậy, cũng như triết gia vĩ đại Heidegger làm những câu thơ như âm thầm khích lệ thi sĩ lên đường :

“Bước tới và chịu đựng

Sự thất bại và câu hỏi

Trung thành với lối đi duy nhất của mi.”

Thi sĩ Phạm Công Thiện đã cảm nhận chân thiết lời thơ đó, nên hùng tâm tráng khí, im lặng thực hiện một cách mãnh liệt cuộc lữ phi thường, khởi sự tấu khúc độc hành ca trên lộ trình hướng về hố thẳm uyên mặc, uyên nguyên. Cuộc lữ dữ dội bi tráng, mở ra những phương trời hoằng viễn như Rimbaud, Hoelderlin, như Nietzsche, Henry Miller, những đồng thanh tương ứng với thi nhân nên luôn luôn xuất thần, ngất trời túy lúy, phóng cuồng phiêu đãng hoan say. Đó là những cuộc đi vô định, vô sở trú, chất ngất trên tuyệt đỉnh núi cao và hun hút tận nguồn sâu hố thẳm tâm linh, vừa bừng bừng thần khí rực ngời lửa tim hồn cháy, vừa ầm ầm cuồng nộ, trào tuôn lai láng như sóng vỗ đại dương. Cháy và chảy, cháy và chảy mãi trong hồn, như một lần đặc biệt, nhà thơ đã từng nhắn gởi cho giới trẻ thanh niên Việt Nam : “Gởi một người đọc không quen, cùng cháy một thứ lửa thiêng như tôi, cùng được nuôi bằng một thứ nước điên nào đó chảy trôi như tôi, cùng sống như tôi đang sống : Cháy và chảy, cháy và chảy không ngừng…”**

Hừng hực ngọn lửa thiêng suốt ngày đêm bừng cháy trong trái tim nên chàng thi sĩ đã hào hứng lên đường ra đi từ dạo đó, từ thuở nào vô thường dâu bể loạn mù xa,

giã từ hồng nhan, bái biệt nàng thơ huyền mộng cũ trong ngậm ngùi chia phôi :

Đã đi thì đã đi rồi

Thượng phương trùng điệp thấy gì nữa đâu

Hạ phương ngày tháng bể dâu

Sắt son tình cũ phượng cầu túy hương

Có còn chi nữa mà thương

Buổi trưa nằm ngủ thấy nường năm xưa

Đã đi rồi đã đi chưa

Thượng phương lụa trắng đong đưa giữa trời

Đã đi mất hẳn đi rồi

Hạ phương tịch mịch trùng khơi phong kiều

Chuyển hình trên đỉnh cô liêu

Lửa bay thành ngọn hồng điều mật ngôn

Đại Huyền biến ngưỡng triêu tôn

Tiền thân Tây Tạng nhập hồn chiêm bao

Án nga nga nẵng bạch hào

Một luồng sáng rưc chiếu vào trái tim

Đứng trên tuyệt đỉnh cô liêu, một chiều hoang vu nọ, nhà thơ bỗng nghe văng vẳng những lời ẩn ngữ mật ngôn huyền bí và chợt thấy thấp thoáng tiền kiếp mình ở tận xứ miền tuyết trắng Tây Tạng hoang sơ. Biết mình là hành giả Mật tông trong các dãy hang động trên tuyệt mù Hy Mã Lạp Sơn, nên trái tim Bát nhã ứng hiện những nàng tiên huyền diệu, dạo khúc cung đàn mười tám tiếng lòng Không Định rung ngân, khiến cho thi sĩ chỉ còn biết đọc thần chú lim dim :

Năm nàng thiên nữ tôn nghiêm

Trùng quan ngũ sắc ứng điềm tán không

Án đa la tịch mịch hồng

Mười phương xuất hiện những đồng sinh thiên

Bát nhã là gái thiên tiên

Khoan thai cởi áo mây hiền trên cao

Gió lùa thơm tóc tơ đào

Thập bát Không Định tiêu dao tiếng đàn

Trời mưa chim ngủ trên ngàn

Sắc son tình cũ nước tràn sang sông

Tiếng đàn tiêu dao vô thanh mà vang ngân bất tận lan dài theo cuộc lữ kỳ cùng, rung hồn rúng chuyển gió sương ngàn khắp vùng thung lũng sơn khê. Ơi chao ! Một đóa hồng hoa vut trổ im lìm như những nàng tiên nữ giáng trần sà nhẹ vào hồn tim, để cho thi nhân xuất thần bay phiêu linh, phiêu hốt trong bồi hồi rộn rã :

Đã đi rồi đã đi chưa

Sắt son triều ngưỡng tình xưa hiện về

Phượng cầu ngũ lĩnh sơn khê

Một bông hồng nở bốn bề lặng im

Năm nàng tiên đậu vào tim

Âm nhập dương khởi lim dim xuất thần

Năm nàng tiên ở đây là ẩn ngữ ám chỉ cho năm nàng thơ, năm người yêu dấu nhất  trong cuộc sống thực tế thường nhật của thi nhân. Xuất thần nhập cốt, hưng phấn hân hoan rạt rào, vô cùng cảm hứng là những trạng thái kỳ diệu mà Phạm Công Thiện thỉnh thoảng rơi vào một cách phiêu diêu tuyệt cùng, như một thời sống bồng tênh trên núi rừng phố hoa Đà Lạt, một chiều hiu hắt nọ, chàng choáng váng, sững sờ khi bắt gặp Thiền tông giữa cơn mưa gió bão bùng : “Tôi quỳ xuống lạy lung tung, tôi lạy gió, lạy mưa, lạy nắng, lạy không khí, lạy cái ghế, lạy cái bàn, lạy vách tường, lạy đóa hoa trong ly, lạy cái giường. Ồ tôi hạnh phúc, sung sướng, yêu đời, yêu cả vũ trụ. Cảm tạ hết mọi đau khổ, mọi bất công, mọi bi kịch, cảm tạ hết, cảm tạ bất tận. Tôi đã tìm được tất cả những gì đã đánh mất từ mấy ngàn năm nay.”***

Hay một lần nơi  thành phố Garden Grove ở California, trong căn phòng trống trải cô tịch vô vi, thi nhân cũng nhập diệu, thấy mình hóa thân trùng trùng giữa mười phương pháp giới vô ngần : “Trong tận cùng sâu thẳm của kiếp người, nó không khác người khác, nó là tất cả mọi người đang di động trên trái đất, nó là tất cả những định tinh và hành tinh, nó là con sâu, cái kiến, con bướm, con quạ, trái cam, chiếc lá. Nó là cơn gió thổi vèo qua kẹt cửa, nó là luồng ánh sáng và đêm tối…Nó là một cảm giác, một tư tưởng, một ý tưởng và một cử chỉ. Nó là mỗi chữ, mỗi tiếng, mỗi lời trong tất cả ngôn ngữ loài người…Nó là sự trống không mênh mông của mười tám cái không tràn trề của Trí tuệ Bát nhã sang sông…Nó là sức mạnh vũ bão của tất cả năng lực vũ trụ, sự tập trung tư tưởng mãnh liệt nhất của tất cả tư tưởng nhân loại, tập thành khủng khiếp của tất cả đạo lý và triết lý…Nó là nguyên lý đồng nhất tối thượng, đồng thời là sự chuyển hóa tối hậu của chính nguyên lý đồng nhất và bước nhảy tịch liêu vào cõi tịch mịch của một đóa hoa hồng tơi tả…”****

Rồi một lần kia, nhà thơ cô đơn, tha thẩn dạo chơi những ngày cận kề cuối năm ở tận góc bể chân trời Ý Đại Lợi xa xăm bỗng nhập thần mộng thấy đại thi hào Nguyễn Du và Thúy Kiều hiện về thấp thoáng vi vu :

Năm tàn nằm mớ Nguyễn Du

Kiều trôi đâu mất la phù dặm khơi

Cuốc kêu bảng lảng tháp hời

Nhắc tên người cũ rã rời cuối năm

Trầm tư bên một góc quán cà phê ở Glebe, trên vùng đồi cao Eanwood, nhìn xuống dòng sông xanh, gần thành phố Sydney ở tận bên kia bờ Úc Châu, thi nhân chợt nghe ra tiếng ngựa hí, tiếng đàn vô thanh của Mã Minh và thấy Long Thọ lang thang dưới ánh trăng thái cổ ảo huyền :

Con ngựa ô lồng lộn Mã Minh gãy đàn

Long Thọ thở dài nhật nguyệt lang thang

Rồi lại một chiều phiêu bồng lãng bạt, rong rêu bên dòng sông Seine bồng bềnh, rực ngời hoa nắng óng ả mới lạ ở thành phố hoa lệ Paris, thi sĩ bỗng thấy Van Gogh nhập cốt ứng hiện huyền hòa :

Úm tô rô Van Gogh hiện ra

Úm ba la u linh ma ha

Đất nứt nở ra bầy quạ trắng

Hồn thiêng Van Gogh nhập vào ta

Van Gogh là một họa sĩ dị thường, có một câu nói bất hủ : “Trong cuộc đời và trong cả hội họa cũng vậy, rất có thể mi bỏ qua không cần Thượng đế, nhưng mi, kẻ khổ đau, mi không thể bỏ qua, không cần tới một điều cao viễn hơn mi, chính là đời mi : Quyền năng sáng tạo.” Vâng, sáng tạo là một nghệ thuật tối thượng, là bước đi tuyệt cùng tự giải phóng, tự giải thoát bản thân khỏi nhà tù do chính mình tự tạo cho mình, như nhà văn xuất chúng Henry Miller cũng đã từng tuyên bố : “Kẻ sáng tạo kêu gọi con người trực nhận rằng, tất cả mọi tự do có sẵn trong bản thân rồi. Rằng con người không cần phải bận tâm lo lắng đến vận mệnh thế giới ( vì đó không phải là vấn đề của hắn ) mà chỉ nên lo giải quyết vấn đề riêng tư của chính riêng mình, tức là vấn đề giải phóng, giải thoát, chứ không phải vấn đề nào khác cả.”***

Nhà thơ tài hoa Phạm Công Thiện của chúng ta, cũng trên tinh thần giải phóng ấy, vẫn quảy túi thơ bầu rượu, xuôi ngược bước đi nhảy múa trên thông lộ phong quang sáng tạo vô lường. Hướng về uyên nguyên khơi mở, thở cùng linh khí của nhật nguyệt thiên thu, tái tạo từng điệu thở, từng ý niệm, nổ tung mọi cố chấp thâm căn cố đế để thể nhập Tánh Không, xô cửa huyền vi mà bước vào Tâm giới, nơi tuyệt cùng của vạn vật Nhất như. Bước tự do tự tại, thênh thang giải thoát mọi dính mắc, buộc ràng, chỉ còn sáng tạo và sáng tạo miên man, dốc hết tinh hoa, tinh túy để tựu thành những tác phẩm độc đáo vô song :

Từ Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất đến Khơi mạch nguồn thơ thi sĩ Seamus Heaney, từ Một đêm siêu hình với Hàn Mặc Tử đến Nguyễn Du đại thi hào dân tộc, từ Đối mặt với một ngàn năm cô đơn của Nietzsche đến Chỉ còn tiếng thơ trên mặt đất, từ Nét đẹp tinh túy trong sáng của đạo lý Phật giáo đến Làm thế nào để trở thành một bậc Bồ tát sáng rực khắp bốn phương, từ Những bước chân nhẹ nhàng trở về sự im lặng đến Trên tất cả đỉnh cao là lặng im…là những bước nhảy thượng đẳng, ngoạn mục, hùng tráng, phi thường, vượt qua sự chuyển hóa toàn diện của tâm thức đến độ vô sư tự ngộ, bùng vỡ ra một điều chi như thị đang là, ngay ở đây thôi :

Những gì không vói tới

Thì có sẵn đó rồi

Bao nhiêu danh vọng hời

Vài ba cụm bèo trôi

Ba mươi năm nằm dài

Một hôm đứng phắt dậy

Bất nhị xòe tầm tay

Bất ngờ tôi sụp lạy

Từ trống trải nhận thấy

Tự trống trải lắng nghe

Tịch diệt liền tại đây

Xuân dậy giữa trưa hè

Xuân là Nguyên xuân, Tâm xuân, mùa xuân miên viễn trong lòng người, thi sĩ đã thấy và nghe được như một phép nhiệm mầu làm biến tan mọi niềm đau sầu khổ :

Hôm nay là hôm nào

Thôi đừng hỏi tại sao

Phép lạ đập vào cửa

Bông súng nở trắng phau

Ngồi im giữa vòng tròn

Thở nhẹ như chim non

Mộng thân trùm Pháp giới

Bông quỳnh vừa nở trọn

Lắng vào trong cái nghe

Rót vào lòng thật khẽ

Lọt vào trong lặng lẽ

Động tịnh đều dứt nhẹ

Những bài thơ ngắn gọn, tuy đơn sơ giản dị nhưng đi thẳng vào lòng người một cách tự nhiên, thể hiện cốt cách đặc thù riêng biệt, hàm dung ý thiền “một là tất cả. tất cả là một” của tinh thần Hoa nghiêm, nói như Phạm Công Thiện : “Nếu chúng ta xoay chuyển cái nhìn của chúng ta vào trái tim vũ trụ theo nhịp thở kinh Hoa nghiêm thì tất cả mọi sự đều dung thông, dung nhiếp, viên dung tự tại vô ngại, thời gian là không gian, một thời gian là tất cả không gian, một không gian là tất cả không gian, tất cả thời gian là một không gian, tất cả không gian là một thời gian.”*****

Khi tiềm ẩn nguyên khí, nội lực thâm hậu thì bậc cao thủ cự phách thường kiệm lời, ít nói mà linh hoạt, tùy hứng như trẻ thơ, hồn nhiên đùa rỡn, xem cuộc đời như một trò chơi. Còn kẻ thi sĩ xuất chúng, sáng tạo vô vàn cảnh giới thi ca quá mộng thì ít nhất cũng sờ đụng tới hố thẳm và đỉnh cao tâm linh của chính mình.

Đỉnh cao và hố thẳm tâm linh ấy, Phạm Công Thiện đã từng va chạm, giáp mặt trong một bình sinh hy hữu nào đó, cho nên cả trời thơ đất mộng dạt dào bao nhựa sống thâm trầm nhập vào trong từng điệu thở tinh khôi :

Lùa nhẹ vào một mối

Đập mạnh một nhát thôi

Tất cả đều bày phơi

Trí tuệ sáng rực ngời

Muốn có được ánh sáng quang minh trí tuệ rực ngời đó thì chẳng phải chạy tìm đâu xa mà chính ngay nơi tận đáy lòng mình, chính nơi mình đang cư ngụ, lưu trú, ngay nơi những nghịch cảnh, thử thách mà mình phải giáp mặt ngày đêm một cách anh dũng, không nao núng, như nhà thơ từng nhắc nhở : “Chúng ta chỉ thành Phật được, khi chúng ta là con người ở giữa thị tứ, không có cảnh Bồng lai thiên thai địa đàng nào là thuận cảnh để ta giải thoát được, chinh tất cả Nghịch cảnh của nơi ta sinh sống mới là nơi ta tự chuyển hóa tâm thức để nhập vào Tự chứng Thánh trí.”***** Thánh trí đó là trí tuệ, tuệ giác, là cái bản tâm nguyên sơ thanh tịnh của mình đấy thôi. Khi thấy rõ tận tường được điều đó thì xem mọi sự ở đời như sống chết, đến đi, hơn thua, đúng sai, phải trái, giàu nghèo, thành công, thất bại… đều là nhân duyên giả hợp, chẳng hề sợ hãi, lo âu chuyện còn hay mất :

Thất bại giữa đời này

Chết sáng ngời trên cao

Bông tàn phai cõi đất

Mọc lại giữa trăng sao

Nhảy thẳng vào sự việc

Chẳng có gì đáng tiếc

Sự việc lớn lao nhất

Là hiện tiền tịch diệt

Thực tại hiện tiền là ngay đây, bây giờ, ngay trong mỗi phút giây là chứa đầy thiên thu vĩnh cửu, ngay trong từng hơi thở ra vào là đủ cả nghìn năm :

Bôn ba ngoài vạn dặm

Cũng chỉ một trăng rằm

Bao nhiêu là hố thẳm

Xoáy về nốt ruồi đậm

Hố thẳm là ẩn ngữ chỉ cho tư tưởng của chúng ta. Chỉ cần một chút tơ tưởng móng lên thôi là cả ba nghìn thế giới, sơn hà đại địa hay tiên nữ, thục nữ mười phương liền hiển lộ, bừng dậy huy hoàng, rõ ràng hiện ngay trước mắt tức thì :

Chỉ cần một ý tưởng

Khắp vũ trụ mười phương

Sáng bừng lên vô lượng

Thiên tiên hiện đầu giường

Phải chăng đó là cái thấy tuệ giác siêu việt của một tâm hồn bao la thông suốt lẽ sâu xa của trùng trùng duyên khởi Hoa nghiêm pháp giới diệu kỳ :

Mỗi bước chân ra đi

Triệu vũ trụ thiên di

Mỗi chỗ tôi ngồi lại

Sáng bừng lên diệu lý

Chân lý vi diệu đó, thi nhân bỗng phát hiện chẳng ở đâu xa mà ngay tại đây và bây giờ, ngay giữa phù du cát bụi giữa vui buồn sướng khổ trong cõi lòng huyền diệu của thức tâm :

Trăm năm đời hờ hững

Đêm ngày buồn lơ lửng

Linh địa là tại đây

Nơi chỗ tôi đang đứng

Linh địa là mặt đất thiêng liêng này, nơi thi sĩ đang sống từng phút từng giây đầy trọn vẹn. Sống từ đồng bằng sông Cửu Long đến cao nguyên sương mù Đà Lạt, từ Mỹ Tho, Cần Thơ, Sài Gòn, Nha Trang đến Paris, London, Rome, Monterey Park, Long Beach, Los Angeles, Houston, Washington… ngút ngàn viễn xứ xa xôi :

Thoắt đi một đời người

Buồn hoài cũng thế thôi

Trăm năm là giây phút

Chưa đi đã tới rồi

Hàng triệu tỷ năm trôi qua và giờ đây ngưng đọng trong cái đang là, nơi người em thi ca từ vô lượng kiếp trở về đang mỉm cười nguyên sơ rạng ngời mới lạ :

Mười lăm tỷ năm qua

Từ vạn triệu thiên hà

Bây giờ ta mới tới

Gặp lại em hôm qua

Cuộc trùng phùng kỳ ngộ thật vô cùng thú vị, tuyệt hảo tân kỳ như một kẻ đốn ngộ vô ngôn vì thấy toàn thể vũ trụ là chốn đạo tràng đầy đủ chư Phật, Bồ tát, Thần linh đều viên dung cùng một ngọn ngành thanh tịnh :

Tất cả là đạo tràng thần linh

Ta ngồi tham ngưỡng cội vô hình

Thênh thang phù thế làm chim ó

Bay lượn tháng ngày cõi lặng thinh

Bay lượn giữa phong quang trời đất, nhật nguyệt hay thả trôi trên dòng sông Mật tông thấm đẫm tình Mẹ Đại bi, Đại trí Tãra xanh biếc huyền mộng chan hòa. Cả vũ trụ mênh mông là một tu viện rồi thì về chùa hay xa chùa cũng trong vòng tay bao dung mở rộng :

Tãra mười tiếng đại không

Ảo thân nằm giữa dòng sông Mật thừa

Về chùa một dúm muối dưa

Xa chùa cũng thế : Hứng mưa mỉm cười

Hầu như suốt cuộc đời Phạm Công Thiện thường gắn bó, thân mật, cận kề với những ngôi chùa ở quê hương cũng như các ngôi chùa nằm dọc ven đường lang bạt

trên toàn thế giới, chàng ở chùa nhiều hơn là ở nhà. Mặc dù, mới buổi sáng giảng kinh Kim cang thao thao bất tuyệt trên thiền đường, rồi buổi chiều thõng tay vào chợ uống rượu ngâm thơ túy lúy cùng bọn văn nghệ sĩ, giang hồ tứ chiếng đó đây mà phong thái vẫn nhàn nhã, tự tại, tiêu dao. Mỉm cười buông bỏ nhẹ nhàng để bước đi trầm hùng sư tử, tự do vô sự. Vô sự như “chim hải hồ bay trắng tháng ngày” bay khắp thiên thanh vĩnh thúy rồi đậu xuống mái hiên chùa rêu phong tịch mịch, ngồi nhập định du hý tam muội làm thơ kính tặng cõi thinh không lồng lộng :

Mồng tơi mây ngủ hiên chùa

Dâm bụt rực đỏ hai mùa gặp nhau

Hơi rừng thơm nức chiêm bao

Đêm thâu nín thở ngó vào bài thơ

Toàn thể cuộc đời là bài thơ, sống chết là bài thơ, có không là bài thơ, mộng thực là bài thơ, buồn vui, sướng khổ là bài thơ, hơn thua, được mất là bài thơ, thành công, thất bại là bài thơ, gặp gỡ, ly biệt là bài thơ, phiền não, an lạc là bài thơ, khổ đau, hạnh phúc là bài thơ, chiêm bao mộng mị là bài thơ hay Vô thượng chánh đẳng, chánh giác cũng đều là thơ thơ hết thảy, thơ ở trong  thơ :

Tượng Phật ở bàn thờ

Dọn dẹp để trống trơ

Tôi vẫn lạy chỗ trống

Chỗ trống thành bài thơ

Chính cuộc đời của Phạm Công Thiện là một bài thơ quá tuyệt vời bát ngát, quá tuyệt mỹ lý thú, quá tràn trề mê say, ngợp đầy hào sảng rạt rào vô hạn, đã khơi dậy nguồn cảm hứng dồi dào, thắp lên ngọn lửa thiêng huy hoàng sáng tạo, bừng cháy bất tận giữa lòng nhân thế tuyệt trần :

Hứng lúc nào cũng đến

Giờ nào cũng giờ hên

Ngồi thẳng lưng mà viết

Vạn tơ tưởng bồng bềnh

Viết là sống. Sống một lần Tự do đầu tiên và cuối cùng như Krishnamurti hay sống Alexis Zorba Con người chịu chơi như Nikos Kazantzakis hoặc sống Chơi giữa mùa trăng như Hàn Mặc Tử : “Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ. Sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn. Tôi đã phát triển hết cả cảm giác của tình yêu. Tôi đã vui buồn, giận hờn đến gần đứt sự sống.”

Thể điệu sống ấy, thật giống hệt với thi sĩ Phạm Công Thiện xiết bao !

Thật vậy, chẳng những giống như Hàn Mặc Tử về phong cách nhập cuộc tha thiết, kiệt tận bình sinh, dốc hết toàn thể xương xảu máu me vào ly rượu tình yêu nồng say óng ả mà Phạm Công Thiện còn tương ứng, tương tợ với nhà thơ lãng tử Rimbaud từng trải qua Một mùa địa ngục bi tráng, bi hùng, với đại thi hào Walt Whitman, chỉ một Lá cỏ cũng đủ chứa đựng cả vô tận đất trời, với Suzuki Thiền luận, với Padmasambhava Tổ sư Mật tông Tây Tạng, với Milarepa Con người

siêu việt, với Long Thọ Trung quán luận, với Heidegger Về thể tính của Chân lý, với Nietzsche, Zarathustra đã nói như thế trên ngõ về vĩnh cửu, với thi hào Hoelderlin lên đường Quy hồi cố hương, với Apollinaire, một thi nhân trầm lặng mặn nồng, sống trọn vẹn hết mình với tình yêu và nhất là với Henry Miller, một tâm hồn thượng đẳng mà Phạm Công Thiện kính phục, ca tụng hết lòng : “Henry Miller là một trong vài ba thiên tài nhân loại đã đánh thức dậy thế lưc mãnh liệt nhất của lòng Đại bi trong ý thức và vô thức của con người trên mặt đất.” Lòng Đại bi là tình thương, tình yêu vô lượng vô biên có từ buổi sơ khai, nguyên thủy mà Henry Miller đã thấu thị được hương vị của tình yêu tuyệt vời, diễm kiều, vi diệu đó và vượt qua, vượt qua bên kia bờ Nhất nguyên tuyệt bích.

Tìnht thương, tình yêu dịu dàng phát sinh, khởi sự từ những thục nữ, thuyền quyên, từ nàng thơ, tiên nữ, duyên dáng mỹ miều, yểu điệu ngát hồng nhan :

Càng xa càng mông lung

Tới gần vẫn lạ lùng

Nhắm mắt sao lạ quá

Mở ra ồ không cùng

Linh hồn con gái, phải chăng là nhiệm huyền thi vị như vậy, khiến cho chàng thi sĩ mơ màng mộng mị trong từng trận trận chiêm bao ảo dị dập dìu :

Một người nằm thở quạnh hiu

Mơ mòng thiếu nữ cô liêu giáng trần

Gió khuya đập cửa bất thần

Giựt mình thức dậy mấy lần chiêm bao

Có nàng tiên dáng cao cao

Nước da mòng mọng hao hao bông hường

Cái đêm lành lạnh chiếu giường

Gió lùa hương lạ bên đường tạt qua

Đêm qua thương nhớ người ta

Tối nay tơ tưởng thiên hà bơ vơ

Tháng ngày tôi nhớ bâng quơ

Những nàng con gái bao giờ gặp đâu

Gặp nhau bao giờ chưa hỡi những sắc nước hương trời, những kỳ hoa dị thảo, những hương đồng cỏ nội khắp lâm tuyền, biên ải ngoài bến gió bờ sương ở mọi chốn muôn nơi, hỡi Quế Hương, Thanh Hoài, Phong Sương Trần Thi Loan, Hoàng Thu Uyên… diễm tuyệt một thuở nào quyến rũ du dương tận xứ miền Liên Chiểu hay ngút ngàn sương khói Đà Lạt quá mang mang :

Bầy chim bạc má gọi đàn

Thương nhau gặp lại trên ngàn đỉnh cao

Trở về Đà Lạt ngó đào

Ghé thăm Liên Chiểu thuở nào yêu nhau

Yêu nhau cảm động dường nào, xao xuyến, xốn xang, rộn ràng trong tiếng hát liêu

trai của nàng ca sĩ yếu gầy mà thi nhân hơn một lần say đắm mộng lao đao :

Cô đơn về trắng sương rừng

Anh nghe tiếng hát hoang đường nửa đêm

Khuya buồn tủi nhục môi em

Mưa run lặng lẽ bên thềm bơ vơ

Tiếng ru vàng xuống đôi bờ

Hoang vu anh đứng đợi chờ chim kêu

Tay gầy ôm chặt tình yêu

Anh về phố gục những chiều hư vô

Đời đi trên những nấm mồ

Đau tim em hát cơ hồ khăn tang

Phố chiều thả bước lang thang

Như con sông nhỏ mơ màng biển xanh

Nửa đêm khói đốt đời anh

Yêu em câm lặng khô cành thu đông

Lời em như một dòng sông

Đôi bờ anh đứng giữa lòng hoa niên

Mưa chiều nước chảy triền miên

Một con chim dại lạc miền hoang lương

Về đâu thương những con đường

Lê thê phố cũ nghe buồn hè xưa

Hè xưa phố cũ tuy buồn mà vẫn có một vẻ đẹp não nùng của thứ tình yêu diêu mang lãng đãng. Chàng thi sĩ đa tình đa cảm, trót vương mang nàng thơ gầy guộc có đôi mắt sầu mộng u huyền trên cao nguyên nghi ngút sương mù bay trắng cả rừng thông, suốt mười năm trời đằng đẵng mộng mơ, nhớ thương tưởng vọng trong da diết ngậm ngùi :

Mười năm qua gió thổi đồi tây

Tôi long đong theo bóng chim gầy

Một sớm em về theo giấc ngủ

Bông trời bay trắng cả rừng cây

Gió thổi đồi tây hay đồi đông

Hiu hắt quê hương bến cỏ hồng

Trong mơ em vẫn còn bên cửa

Tôi đứng trên đồi mây trổ bông

Gió thổi đồi thu qua đồi thông

Mưa hạ ly hương nước ngược dòng

Tôi đau trong tiếng gà xơ xác

Một sớm bông hồng nở cửa đông

Phải chăng đó là cõi mộng hư ảo tự thuở nào xa ngút ở trên rừng Phi Nôm Đà Lạt hay dưới vùng biển Vạn Giã Nha Trang. Ơi nhớ một chiều mưa thấp thoáng, chàng

thi sĩ rời bãi biển cát trắng, gõ nhịp bước đơn hành đi về leo lên sườn đồi cao Hải Đức, bỗng sực thấy cây khế bừng rộ hoa tim tím bên triền dốc đá hoang thưa :

Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn

Cây khế đồi cao trổ hết bông

Hoa nở rồi tàn cũng như những nàng con gái mộng mơ đến rồi đi. Tuy vậy vẫn còn phảng phất những làn hương tóc mị kỳ cứ ám ảnh chập chùng mãi lung linh :

Tình bay lên nóng trăng sao

Gió lùa thơm tóc cô nào năm xưa

Đã đi rồi đã đi chưa

Thượng phương lụa trắng đong đưa giữa trời

Đã đi mất hẳn đi rồi

Hạ phương tịch mịch bỏ đời biệt tăm

Thầm cảm nhận thấm thía hương vị mị kỳ của tình yêu tương đối và tuyệt đối, rồi từ đó, thi nhân tự nhiên như nhiên chuyển dần sang ngạt ngào tuyệt bích tình thương. Tình thương yêu tối thượng như mây lan tỏa khắp mười phương, chan chứa trộn lẫn trong giọng chim ca lăng tần già hòa quyện tiếng kêu thanh tao, thánh thót nhập hồn sương khói vô vi trở thành Bồ đề tâm thâm viễn miên trường :

Chim ca lăng kêu sương

Tôi sụp lạy cúng dường

Lôi bồ đề tâm dậy

Chấn động khắp mười phương

Chim ca lăng kêu sương

Tôi sụp lạy vô lượng

Lôi bồ đề tâm dậy

Địa động cả mười phương

Chim ca lăng kêu sương

Tôi sụp lạy đại dương

Lôi bồ đề tâm dậy

Sấm sét nổ mười phương

Chim ca lăng kêu sương

Tôi sụp lạy vô thường

Lôi bồ đề tâm dậy

Sấm chẻ đứt kim cương

Chim ca lăng kêu sương

Tôi sụp lạy thiên hương

Bồ đề tâm tăng trưởng

Bông quỳnh nở bất thường

Chim ca lăng kêu sương

Tôi sụp lạy vách tường

Bồ đề tâm quy ngưỡng

Bông trang trổ đầu đường

Khi thi nhân quỳ xuống, sụp lạy tất cả muôn loài vạn vật, đất trời thiên vạn cổ là lúc Bồ đề tâm bừng dậy tỏa chiếu hào quang rạng rỡ khắp muôn phương. Bồ đề tâm chính là Đại bi tâm, có thể làm sụp đổ tất cả mọi ác pháp. Phạm Công Thiện từ bao giờ đến bây giờ vẫn thường xuyên miên mật hít thở trong bầu khí hậu phong nhiêu ấy, hơi thở biến thành hành động sụp lạy là đã nhập vào vô ngã, vắng lặng cái tôi, vắng lặng mọi so đo chân giả, xa lìa mọi giả danh, tham chấp,  chỉ còn đương xứ tức chân, hiện bày ngay cái đang là.

Đang là thì không từ đâu đến cũng chẳng đi về đâu, dù cuộc lữ bắt đầu khởi sự từ vô lượng kiếp rồi, dù có đi vòng quanh hết quả địa cầu này thì cũng đẻ thấy lại cái tâm hồn mình, như Henry Miller nói : “Vì chỉ có một cuộc phiêu lưu vĩ đại thôi, đó là đi vào bên trong  mình và đi vào trong lòng mình thì thời gian, không gian, ngay đến hành động cũng không quan trọng gì cả.”**** Thì ra là vậy, thật đơn giản mà độc đáo vô cùng.

Cùng nòi giống, cùng dòng máu Henry Miller nên Phạm Công Thiện cũng nhiệt liệt, hiên ngang theo dõi cuộc phiêu lưu thám hiểm vào nội tâm thầm kín, để khai phá ra những bí mật bên trong thế giới tâm linh sâu thẳm của chính mình. Cuộc lữ tư duy khủng khiếp từ khi thi sĩ tự nguyện làm lạc đà gánh nặng, băng qua những sa mạc cát trắng khô hạn, cháy bỏng vết hằn cay đắng, thê lương, vượt qua ngàn cơn bão lốc khốc liệt, kinh hoàng của nỗi đời dâu bể tan hoang cũng như từng say đắm, say sưa chén rượu hồng nhan, túy lúy càn khôn bổi hổi, rồi dấn thân làm sư tử oai phong lẫm liệt, đi đứng một mình, không bè nhóm, không đảng phái, không ý thức hệ, chỉ gầm rống vang động, làm rung chuyển khắp sông hồ dữ dội, hùng tráng, uy nghi, khí phách giữa tồn sinh bức bách, xuống biển lên đồi.

Rồi bất ngờ đến kỳ lạ, sư tử biến thành thằng bé trẻ dại hài nhi với nụ cười tươi tắn niềm hân hoan thơ ngây, thấy gì cũng rực ngời mới lạ, bằng con mắt trong veo, trong trẻo trinh nguyên xanh biếc trời thơ đất mộng không tên.

Trên cung bậc ngân vang ngút ngàn sáng tạo, Phạm Công Thiện cùng tương ứng với triết gia Nietzsche về ba hóa thân : Lạc đà,. sư tử và hài nhi. Trước hết tinh thần trở thành lạc đà, chuyên chở gánh nặng văn hóa, truyền thống… tiêu biểu những giá trị lỗi thời xưa cũ. Sư tử là chúa tể rừng xanh, tượng trưng cho ý chí, trí tuệ siêu việt, mạnh mẽ phá hủy tất cả những triết thuyết độc thần, hư vô, duy vật lỗi thời đó, làm sụp đổ hết thảy mọi thần tượng do con người sợ hãi dựng lên và cuối cùng là hài nhi hồn nhiên, là biểu tượng cho sự bắt đầu, khởi nguyên hoàn toàn mới mẻ, là một tiếng cười rỗng rang, một tiếng ừ chấp nhận thiêng liêng.

Hài nhi xem mọi sự như trò chơi, trò đùa vui vẻ, chẳng có chi phải trầm trọng, nặng nề, chẳng có gì phải van xin, tôn thờ, sợ hãi. Hài nhi chỉ biết yêu thương múa

hát, hân hoan sáng tạo và sáng tạo thênh thang.

Thênh thang ca hát như Trang Tử dạo khúc Tiêu dao du bên bờ sông Dương Tử hay như Milarepa hát ca những lời thơ siêu thoát trên tuyệt đỉnh Hy Mã Lạp Sơn lạnh rờn tuyết trắng, hoặc như Beethoven Hòa tấu khúc thứ 9 bất hủ và Phạm Công Thiện cười vang lên như tiếng gầm sư tử trầm hùng tự tại thong dong :

Anh vụt cười to động đóa hồng

Dịu dàng em rắc giữa hương nồng

Anh ngồi chỗm dậy như sư tử

Vồ chụp bướm ngàn lúc rạng đông

Khi sư tử mà đùa rỡn, nhảy múa với chim ngàn hoa bướm là lúc mọi sự đã trở thành một trò chơi của hài nhi hý lộng, rất mực thuần nhiên thoải mái, thanh thản nhẹ nhàng như thi sĩ tâm sự khơi vơi về thái độ ứng xử giữa cuộc luân lưu sinh tồn linh động : “Sống, ăn ở đời một cách khiêm tốn, tầm thường, nhỏ thấp, cung cách, cử chỉ lặng lẽ từ tốn, nhún nhường, không tìm cách tỏ ra rằng mình là quan trọng đối với con mắt thế gian, nhưng đằng sau bề ngoài tầm thường đó thì hãy để tâm thức mình bay vút, vượt lên trên tất cả quyền lục và danh vọng thế gian…

Chấp nhận tất cả những gì xảy đến đời mình với sự dửng dưng bình thản, mặc kệ giàu hay nghèo, mặc kệ khen hay chê, không thị phi phân biệt cái này với cái kia như đức hạnh và đồi bại, vinh quang và nhục nhã, tốt và xấu. Không đau đớn khổ sở và cũng không ân hận những gì đã qua, không sung sướng hớn hở và cũng không hãnh diện về những gì mình đã thực hiện thành tựu.

Ngó nhìn những quan điểm xung đột và những phát hiện sinh hoạt đa dạng của chúng sinh với lòng bình thản, khinh an và tâm thức siêu thoát. Phải hiểu rằng đời là thế và là thể điệu tác động không thể tránh được của mỗi một sinh thể. Hiểu như thế thì hãy luôn tỉnh thức, thanh thản trầm lặng. Ngó nhìn nhẹ nhàng xuống cuộc đời như một người đứng trên tột đỉnh núi cao nhất, nhìn ngó xuống những thung lũng và những ngọn núi nhỏ thấp trải ra dưới chân mình.”*****

Giữa muôn trùng cuộc lữ, trên con đường mây trắng bềnh bồng, gió trăng đồng vọng, rung ngân lên văng vẳng những cung đàn lã lướt dưới gót chân của chàng thi sĩ dị thường. Bước đăng trình vạn lý du, có đôi lúc cũng dừng gót chân lãng tử lại nghỉ ngơi một vài quán trọ dọc đường như giảng dạy triết lý, văn chương ở đại học Toulouse, nước Pháp hay thuyết trình Thiền tông, Mật tông ở các đại học, thiền viện trên khắp miền viễn xứ California và Hoa Kỳ.

Tiến sĩ Nhật Bản Nohira Munehiro khi làm luận án tốt nghiệp tiến sĩ, lấy đề tài về triết gia Phạm Công Thiện, cho biết các nhà học giả uyên thâm xứ hoa Anh Đào đều tôn vinh, ca tụng Phạm Công Thiện là Long Thọ của Việt Nam.

Từ năm 1966, mới 25 tuổi, Phạm Công Thiện đã nói về Long Thọ : “Theo Trung quán luận, thì sự nô lệ, sự phiền muộn, đau khổ, chấp trước…chỉ là vọng tưởng.

Chúng ta bám chặt vào sự vật, vào ý tưởng, vào con người, vào hoàn cảnh, vào nguyên nhân, vào kết quả, vào mục đích, vào cứu cánh,  vào phương tiện, vào sống

và chết : Chỉ vì vọng tưởng tạo ra những đặc tính và những hình ảnh mà chúng ta tưởng rằng có thực và bất di dịch…

Con người giải thoát làm việc thiện, cứu đời, độ thế, không phải để đạt đến kết quả nào ở đời này hay đời sau. Hành động của con người giải thoát là hành động không mục đích và không lý do. Lý tưởng Bồ tát thể hiện trong Đại bi là lòng thương không mục đích, vì còn mục đích là còn trói buộc vào nhân và quả. Trói buộc là nô

lệ, là chấp nhân hoặc chấp quả, chấp ngã hoặc chấp pháp, chấp hữu hoặc chấp không. Hố thẳm chính là phá chấp và phá chấp triệt để…”******

Tinh thần phá chấp triệt để ấy, thể hiện nhất quán qua toàn bộ tác phẩm Phạm Công Thiện từ thuở xưa cho đến bữa nay, nên các học giả Nhật Bản sánh Phạm Công Thiện với Long Thọ cũng là tương xứng, xác đáng. Đại văn hào Mỹ Henry Miller thì cho rằng, Phạm Công Thiện là hậu thân của Rimbaud, một thi sĩ tiên tri thấu thị của nước Pháp. Nhà thơ Giang Trần, nhà thơ Phan Tấn Hải bên Hoa Kỳ thì tôn vinh, tấn phong Phạm Công Thiện là bậc Bồ tát nghệ sĩ, còn riêng người viết bài này, đã từng hân hạnh được bắt tay, gặp mặt trò chuyện với Phạm Công Thiện ở Đại học Vạn Hạnh, vào một chiều mùa hạ năm 1969 thì vẫn xem Phạm Công Thiện là một thi nhân, một thi sĩ với trọn vẹn ý nghĩa của danh từ.

Chính Phạm Công Thiện cũng thường mặc nhiên tự nhận mình chỉ là nhà thơ, một thi sĩ thuần túy mà thôi : “Ngôn ngữ của tôi là ngôn ngữ của thi sĩ, ai muốn hiểu sao đó thì cứ hiểu… Thơ là linh hồn của tất cả âm nhạc, hình ảnh của thơ là vô hình đột chuyển thành ra hiện hình và hiện ảnh : Hiện hình và hiện ảnh của thơ chính là hiện cảnh linh động, hiện thực hơn tất cả những cảnh sắc và phong cảnh hiện tiền… Thơ không nói về bất cứ cái gì cả, như vậy mới là tất cả. Thơ chỉ là thơ và thơ tự nói về thơ từ trong thơ đến trong thơ, cả cao và thấp, cả trong và ngoài, ở trên và dưới mặt đất, tất cả chỉ là thơ.”

Vâng, tất cả chỉ là thơ, khi thấy muôn sự muôn việc trên cõi đời này chỉ là thơ và thơ thôi thì lúc ấy mới bừng sáng rực ngời lên chân thực nghĩa vô lượng vô biên của Diệu Tâm thâm diệu, của Nhất Chân pháp giới, trùng trùng duyên khởi Hoa nghiêm, thấy tất cả mọi sự đều tốt đẹp và tốt đẹp. Vì thế, cho nên thi nhân vẫn tiếp tục hân hoan sáng tác, sáng tạo vô ngần bất tuyệt miên man :

Tháng ngày làm thơ chơi

Hồn bay thẳng ra khơi

Bạch phát ngút ngàn tới

Thu phong tắt nghẹn lời

Làm thơ lúc rửa chén

Nước chảy tuôn rỏn rẻn

Bột trắng sạch rêu đen

Bếp nhà rân tiếng én

Xin gọi đại là thơ

Làm lúc nào chẳng nhớ

Cho một cô gái nhỏ

Chưa từng gặp bao giờ

Muốn gì mà có ngay

Thì tai nạn vạ bay

Không thèm muốn gì nữa

Đời tràn ngập thơ hay

Khi thơ hay bay ngập tràn mặt đất trần gian, thì ngôn ngữ Việt Nam cũng bay về ngợp trời xanh bát ngát, làm trang nghiêm cho nụ cười thanh tịnh, quang minh tính thể. Thế là trên ngõ về im lặng, người thi sĩ kỳ tuyệt của chúng ta đã xuống tận hố thẳm cũng như đã lên tột đỉnh cao chất ngất của tâm linh và chợt bừng ngộ thấy ra toàn thể trò đời chỉ là một cuộc đại hòa điệu chơi tối thượng, một trận du hý tam muội lồng lộng, phiêu bồng. Sống là chơi, chết là chơi, yêu là chơi, thương là chơi, vui buồn, sướng khổ là chơi, có không, còn mất là chơi, hơn thua, phải trái là chơi, thành cộng, thất bại là chơi, chiêm bao, mộng mị là chơi, tỉnh thức, thực tế, thực tại là chơi, phiêu bạt giang hồ khắp thế giới là chơi, giảng dạy triết lý, thi ca, thiền học là chơi, biết nhiều thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Hán, Phạn, Pali… là chơi, thương yêu năm nàng tiên nữ là chơi, làm đại đức, thiền sư Nguyên Tánh là chơi, làm hành giả Mật tông là chơi, làm văn nghệ sĩ là chơi, làm thơ làm thẩn cũng là chơi chơi hết thảy mà thôi. Ơi chao ! Một cuộc đại hòa điệu chơi trùng trùng vô thủy vô chung giữa mênh mông vô tận, bất khả tư nghì…Án ma ni bát di hồng. Án ma ni bát di hồng. Án ma ni bát di hồng…

Tâm Nhiên

Categories: Nhan dinh | Leave a comment

‘Philippines rất khôn ngoan khi kiện Trung Quốc’

(VnExpress) – “Đây là

bài khôn ngoan của Philippines

khi mọi giải pháp ngoại giao đã

thất bại. Mục tiêu của họ là công

khai hóa, thể hiện lẽ phải; còn

Trung Quốc không tuân thủ luật

pháp, không có chính nghĩa”,

thạc sĩ luật Nguyễn Hùng Cường

phân tích.

– Ông đánh giá như thế nào về đơn kiện của Philippines khi mà Trung Quốc đã có bảo lưu không chấp nhận bất kỳ thủ tục nào về tranh chấp trên biển khi trở thành thành viên của Công ước Luật biển 1982?

– Tòa án được Philippines gửi đơn kiện là tòa án trọng tài quốc tế được thành lập theo phụ lục VII của UNCLOS (arbitral tribunal). Ngày 25/8/2006, Trung Quốc đã có báo cáo gửi Liên Hợp Quốc đưa ra các tuyên bố bảo lưu theo Điều 298 của UNCLOS. Theo các bảo lưu này Trung Quốc có quyền không chấp nhận bất kỳ biện pháp giải quyết tranh chấp nào theo quy định tại điều 287, bao gồm 4 phương pháp: một là Tòa án công lý của Liên hợp quốc, hai là Tòa án Luật biển quốc tế (ITLOS), ba là Tòa án trọng tài và bốn là Tòa án trọng tài đặc biệt (giải quyết các tranh chấp liên quan tới đánh bắt hải sản, bảo vệ và gìn giữ môi trường biển hoặc nghiên cứu khoa học biển) đối với tất cả các loại tranh chấp được quy định tại điểm a,b,c Khoản 1 Điều 298.

Một số người, đặc biệt là một số học giả Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc có thể từ chối thẩm quyền của Tòa án trọng tài và tòa án này không đủ thẩm quyền thụ lý đơn kiện vì Trung Quốc đã có văn bản bảo lưu này. Philippines khi đưa ra đơn kiện cũng biết rất rõ điều này. Tuy nhiên, phải xem xét kỹ các quy định tại điều khoản về quyền bảo lưu này có thể tạo thành chiếc khiên bảo vệ cho Trung Quốc trong mọi trường hợp hay không.

alt

Thạc sĩ Nguyễn Hùng Cường (khoa Luật, ĐHQG Hà Nội) cho rằng Philippines đã lách qua một khe cửa hẹp, không đề cập tới các vấn đề mà Trung Quốc bảo lưu. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 298 các bảo lưu này chỉ áp dụng đối với những vấn đề liên quan đến các vụ tranh chấp về việc giải thích hay áp dụng các Điều 15, 74 và 83 tức là liên quan đến việc hoạch định ranh giới các vùng biển (bao gồm hoạch định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa các quốc gia có đường bờ biển kề nhau hay đối diện nhau) hay các vụ tranh chấp về các vịnh hay danh nghĩa lịch sử.

Philippines hiểu rõ điều này và họ rất khôn ngoan khi đưa ra đơn kiện của mình. Trong đơn kiện, Philippines không đưa ra các vấn đề hoạch định ranh giới các vùng biển nêu trên mà đưa các vấn đề sau: Một, đề nghị tòa trọng tài đưa ra phán quyết xác nhận đường ranh giới 9 đoạn (đường chữ U, đường lưỡi bò) là vi phạm UNCLOS 1982. Hai, việc Trung Quốc xây dựng công trình trên các bãi, vỉa đá ngầm trong phạm vi 200 hải lý của Philippines đã vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Phi trên thềm lục địa hay không. Ba, các luật nội địa Trung Quốc đưa ra (như cấm đánh bắt hải sản hàng năm) trên Biển Đông đã vi phạm UNCLOS. Bốn, việc Trung Quốc đã cản trở Philippines thực thi quyền lợi trong các vùng biển của mình cũng như ở các bãi, vỉa đá ngầm và vùng biển xung quanh đã vi phạm UNCLOS.

Hơn nữa, các bảo lưu tại điểm a,b,c khoản 1 Điều 298 UNCLOS chỉ áp dụng với các tranh chấp giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diện. Rõ rằng Phillippines và Trung Quốc không phải là những quốc gia như vậy.

Philippines đã rất khôn ngoan khi lách qua một khe cửa hẹp, không đề cập tới các vấn đề mà Trung Quốc bảo lưu. Trên cơ sở các nghiên cứu của chúng tôi, tôi cho rằng tòa trọng tài có cơ sở để xác định thẩm quyền giải quyết những vấn đề mà Philippines đưa ra.

– Theo ông, diễn biến tiếp theo của vụ kiện là gì?

– Trước hết là về thủ tục trọng tài, mỗi bên sẽ chọn một tài viên cho mình từ danh sách trọng tài viên do Tổng Thư ký Liên hợp quốc lập ra. Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, Tòa Trọng tài sẽ có 5 thành viên. Philippines sẽ cử một người là trọng tài từ danh sách do mình chọn. Sau đó, Trung Quốc sẽ có 30 ngày để đưa ra trọng tài của mình kể từ ngày Philippines gửi Thông báo khởi kiện cho Trung Quốc. Ba trọng tài còn lại sẽ do các bên thỏa thuận cử ra và công dân nước khác trừ khi các bên có thỏa thuận khác. Các bên cử Chánh toà của Toà trọng tài trong số ba trọng tài đó.

Như vậy, trong trường hợp Trung Quốc không đồng ý với thẩm quyền của Tòa trọng tài, thì tòa trọng tài vẫn được thành lập và trong vòng 60 ngày kể từ ngày nhận được thông báo khởi kiện của Philippines nếu Trung Quốc không chọn trọng tài cho mình thì Trung Quốc mất quyền lợi, phần thiệt sẽ thuộc về Trung Quốc.

– Trong trường hợp tòa đưa được phán quyết và giả sử những điều Philippines là đúng thì hiệu lực của phán quyết này ra sao?

– Nhìn xa hơn câu chuyện (thông thường thủ tục trọng tài sẽ mất 3-4 năm), giả sử tòa trọng tài đưa ra phán quyết đường chữ U, luật nội địa của Trung Quốc vi phạm luật quốc tế… thì hiệu lực phán quyết như thế nào? Có bác bỏ được Trung Quốc từ đó trở đi không được đưa ra đường chữ U nữa hay không?

Thực tế phán quyết đó không cấm được Trung Quốc tiếp tục thực thi các hành động vi phạm đó vì phán quyết của Tòa trọng tài không hề có biện pháp đảm bảo thực thi. Trong trường hợp có tranh chấp về vấn đề thi hành án thì theo UNCLOS, các bên có quyền đưa ra Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết để quyết định tuy nhiên điều đó không đảm bảo vấn đề thực thi phán quyết của Tòa. Dưới góc độ luật quốc tế hiện nay duy nhất chỉ có phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế mới có HĐBA Liên hợp quốc đứng ra bảo đảm thực thi.

Các nhà chiến lược của Phillippines chắc chắn cũng nhìn ra câu chuyện này, vì thế, cái họ hướng tới có lẽ không phải là hiệu lực của phán quyết. Mục tiêu của họ là công khai hóa mọi thứ, thể hiện họ là người đúng, là người có lẽ phải; còn Trung Quốc, ông là nước lớn nhưng không tuân thủ luật pháp, không có chính nghĩa.

Trung Quốc chắc chắn sẽ phải cân nhắc giữa hình ảnh của mình và những lợi ích đạt được khi làm sai, cái gì lớn hơn? Giữ hay hi sinh hình ảnh đó để chiếm lấy lợi ích từ các đảo, bãi đá ngầm? Với chủ trương “trỗi dậy hòa bình”, tư tưởng nước lớn muốn lãnh đạo thế giới, tôi nghĩ Trung Quốc sẽ phải cân nhắc rất kỹ nếu muốn tiếp tục thực hiện những hành vi sai trái này.

– Dưới góc độ ngoại giao, hành động của Philippines nói lên điều gì?

– Trong trường hợp này, đơn kiện của Phillippines mang lại một hệ quả rất thú vị: “quốc tế hóa vấn đề Biển Đông”. Từ trước tới nay, Trung Quốc vô cùng sợ điều này. Với lợi thế của “gã khổng lồ”, Trung Quốc luôn muốn dùng đàm phán song phương để “bẻ gãy từng chiếc đũa”. Đương nhiên khi Phillippines khởi kiện, dù chưa nói tới thắng hay thua, thì mọi người sẽ nhìn vào, nơi chàng David nhỏ bé chiến đấu với gã khổng lồ Goliat. Cả thế giới sẽ quan tâm, nhìn vào, báo chí đưa tin um xùm và người ta sẽ đón chờ phản ứng của Trung Quốc. Trung Quốc, với tư cách là một ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an, với sức mạnh của nền kinh tế thứ hai thế giới, họ sẽ chứng tỏ gì?

Là một nước lớn, chỉ riêng việc Trung Quốc từ chối ra tòa đã thể hiện cái lý của Trung Quốc có vấn đề. Một nước nhỏ kiện, lý do gì ông không tham gia, trong khi đây là một biện pháp giải quyết hòa bình. Như thế hình ảnh của Trung Quốc trước dư luận sẽ không đẹp chút nào. Đấy là bài rất khôn ngoan của Philippines trong hoàn cảnh mọi giải pháp ngoại giao đã thất bại, và nói như ngoại trưởng của nước này, Rosario, “sự kiên nhẫn đã cạn kiệt”.

Tất nhiên, câu chuyện sẽ dẫn tới vấn đề Trung Quốc trả đũa như họ từng làm thông qua con đường kinh tế và gây thiệt hại không nhỏ cho Philippines. Nhưng như Tổng thống Philippines Aquino đã nói, họ vô cùng quyết liệt, họ không đánh đổi vấn đề kinh tế để nhân nhượng về chủ quyền. Và đương nhiên Trung Quốc hiểu rằng đây là một hòn đá tảng, một đối thủ không dễ nuốt.

– Vụ kiện của Philippines sẽ đem lại bài học gì cho ASEAN và Việt Nam trong việc giải quyết tranh chấp ở biển Đông?

– Gần như mọi quốc gia trên thế giới đều có tâm lý e ngại Trung Quốc, không biết Trung Quốc nghĩ gì bởi Trung Quốc luôn nói một đằng, làm một nẻo. Từ năm 2009 tới nay, đối với Việt Nam, ASEAN và các nước khác, Trung Quốc luôn nói tới hòa bình hữu nghị, hợp tác lâu dài, không muốn làm phức tạp thêm tình hình… nhưng bản thân Trung Quốc luôn làm phức tạp thêm tình hình. Nào là cắt dây cáp, mời thầu dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đơn phương đưa các lệnh đánh bắt cá…

Giống như chuỗi domino, mọi người sẽ nghĩ đến khả năng, nếu Philippines làm vậy, có thể Việt Nam, Malaysia cũng sẽ làm. Rõ ràng tuyên bố đường chữ U vi phạm UNCLOS thì bất cứ nước nào là thành viên công ước cũng có thể làm. Chẳng hạn như Canada, ở rất xa Biển Đông, có thể kiện lên tòa trọng tài rằng Trung Quốc vi phạm. Nhưng Canada có làm thế không khi họ phải tính tới lợi ích của họ?

Câu chuyện này là một thách thức cho ASEAN, cho thấy sự đoàn kết, cơ chế hợp tác của ASEAN thực tế là lỏng lẻo. Tôi nghĩ rằng, tới đây, cả khối sẽ phải nhìn lại cơ chế đó đã đủ để bảo vệ các thành viên của mình hay chưa? Có thể, nó sẽ thúc đẩy ASEAN cùng ngồi lại với nhau tìm ra một cơ chế hữu hiệu, hoàn hảo hơn.

Còn đối với Việt Nam, Bộ Ngoại giao đã lên tiếng về vụ việc. Cá nhân tôi cho rằng, chúng ta phải thể hiện quan điểm rõ ràng, mạnh mẽ trong vụ việc này vì những vấn đề mà Philippines phản đối cũng là việc chúng ta đang phản đối, lợi ích mà nước này đang bảo vệ cũng chính là lợi ích của chúng ta.

Categories: Biển Đông | Leave a comment

Tuần văn hóa biển, đảo Việt Nam gắn với Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa

BienDong.Net

BienDong.Net: Tỉnh Quảng Ngãi vừa có văn bản gửi Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch (VH-TT&DL) đề nghị Bộ này cho ý kiến về việc tổ chức Tuần văn hóa biển, đảo Việt Nam gắn với Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.

Đây là lần đầu tiên Quảng Ngãi dự kiến tổ chức hoạt động này với quy mô cấp tỉnh, gắn với Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, với nhiều chương trình văn hóa, thể thao sôi nổi diễn ra tại huyện đảo Lý Sơn và TP Quảng Ngãi vào cuối tháng 4/2013.

alt

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa là một phần máu thịt của người dân đảo Lý Sơn

Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, các hoạt động này nhằm giúp người dân, nhất là thế hệ trẻ nâng cao nhận thức về truyền thống, tinh thần bất khuất của tiền nhân từ hàng trăm năm trước đã ra Hoàng Sa cắm bia khẳng định chủ quyền của Việt Nam cũng như bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước; đồng thời quảng bá, giới thiệu hình ảnh, văn hóa, con người Quảng Ngãi.

Trước đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi giao Sở VH-TT-DL phối hợp với Sở Thông tin – Truyền thông lập trang thông tin điện tử giới thiệu, quảng bá với du khách trong và ngoài nước về lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa năm 2013, bao gồm cả tiếng Việt và tiếng Anh.

BDN (Theo Quảng Ngãi online)

 

Categories: Biển Đông | Leave a comment

Tác giả: Jack Phillips Epoch Times

In Email
Tác giả: Jack Phillips Epoch Times
Thứ năm, 24 Tháng 1 2013 17:12
Một người Tây Tạng khác đã tự thiêu hôm thứ Ba, nâng tổng số lên 98 vụ tự thiêu, một dấu hiệu cho thấy các cuộc biểu tình giận dữ chống lại sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ không kết thúc trong thời gian tới.

Người đàn ông tự thiêu được xác nhận là Kunchok Kyab, 26 tuổi, người cha hai con, từ phía tây tỉnh Cam Túc, theo các nguồn tin nói với đài Á Châu Tự Do. Đó là lần tự thiêu thứ ba trong năm nay.

“Tôi đã thấy thi hài của Kunchok Kyab bị cảnh sát Trung Cộng mang đi “, một người sống gần Tây Tạng đến tu viện Bora, gần nơi người đã tự đốt lửa tự thiêu, nói với đài truyền hình.
Repression in Tibet

 

Carrying posters of people who have self-immolated themselves, protesters march down 42nd street to the United Nations General Assembly Building in recognition of International Human Rights Day on December 10, 2012 in New York City. (Spencer Platt/Getty Images)

Gia đình (của nạn nhân) đe dọa một cuộc “ngồi kháng cáo ở phía trước đồn cảnh sát địa phương” nếu cảnh sát không trả lại xác thân, 1 nguồn tin Tây Tạng cho biết. Người đưa tin không nêu tên mình có thể vì lý do an ninh. Kyab đã tự thiêu để phản đối chống lại sự cai trị của Trung Quốc áp bức, một cư dân sống lưu vong ở Ấn Độ nói với RFA.

Có vài chi tiết khác sẳn có về sự kiện. Các nhà chức trách Trung Quốc thường tìm cách cản trở sự lan truyền của thông tin liên quan đến Tây Tạng tự thiêu, kháng nghị.

 

Chính phủ Tây Tạng lưu vong, Cục Quản lý Trung ương Tây Tạng, đã công khai chỉ trích làn sóng tự thiêu, kêu gọi những người sống bên trong Trung Quốc không được tự thiêu. Tuy nhiên, tổ chức này đã nhất trí lập trường đó là chính sách của Đảng Cộng sản nhằm mục tiêu vào ngôn ngữ Tây Tạng, tôn giáo, và văn hóa là động lực đằng sau các cuộc biểu tình bốc lửa.

Cuộc tự thiêu mới nhất đến chỉ vài ngày sau khi Trung tâm Nhân quyền và Dân Chủ có trụ sở tại Dharamshala Tây Tạng công bố một báo cáo nói rằng tình hình nhân quyền ở Tây Tạng “rớt xuống mứtthấp mới” năm ngoái, làm nổi bật sự gia tăng đáng kể các cuộc biểu tình và những người tự thiêu. Đã có tới 82 người Tây Tạng tự thiêu năm ngoái, theo Phayul, một tờ báo thân Tây Tạng.

“Những người chia sẻ thông tin về các vi phạm nhân quyền ở Tây Tạng với bên ngoài đã bị buộc tội vi phạm Luật Bí mật Nhà nước và bị cầm tù sau các phiên xử án không rõ ràng”, trang web cho biết.

Nguồn:

-Another Tibetan Self-Immolates; Raising Total to 98

[http://www.theepochtimes.com/n2/china-news/another-tibetan-has-set-himself-on-fire-on-tuesday-raising-the-total-number-of-immolations-to-98-339119.html]

-Bản tiếng Trung: chinareports@epochtimes.com

-RFA=Radio Free Asia

-UN=United Nations

Comments
Categories: Uncategorized | Leave a comment

NÓI VỚI NHAU “GIỮA NHỮNG NGƯỜI CON PHẬT

 

Kính Bạch: – Quý Chư Tôn Hòa Thượng.
– Hội Đồng Trị Sự Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.
– Học Viện Phật Giáo Việt Nam Thành Phố Hồ Chí Minh.

Là một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo (PGHH), cũng là một Phật tử trong gia đình Phật Giáo Việt Nam, tôi vô cùng bức xúc khi đọc xong bản luận văn tốt nghiệp của Tăng sinh Thích Thiện Huệ (thế danh là Nguyễn Văn Huệ). Đây là một quả bom nổ giữa trời quang. Vì từ ngày lập Đạo năm 1939 cho đến nay, chưa bao giờ nền Đạo và vị Giáo Chủ PGHH bị xúc phạm nặng nề như vậy. Và hiển nhiên, làn sóng căm phẫn đang tràn ngập buồng tim của hàng triệu tín đồ PGHH trên mọi miền đất nước và cả năm châu Thế Giới. Bản thân tôi cũng không ngoại lệ.
Xét về mặt Pháp chính, đây là một vụ án phạm Thánh bằng văn tự nghiêm trọng nhất từ trước đến nay trong lịch sử Tôn giáo Việt Nam. Nếu bản chất của tín đồ PGHH không hiếu hòa, không thấm nhuần tinh thần hòa hảo của Đức Thầy là:


“Đạo Pháp thường hay dung với hòa

Xét người cho tột, xét thân ta
Nếu người rõ phận, vui lòng thứ
Ta thứ được người, người thứ ta”
 

thì sự việc sẽ ra sao? Vì trong tài liệu ở trang 53 Huệ đã nói tại dòng 25 là “PGHH tổ chức Thánh chiến liên tục”, và trang 31, dòng 20 và 21, Huệ viết “những người tín đồ Hòa Hảo đi theo bước chân Mohamad (là Giáo Chủ Đạo Hồi) dùng thanh gươm để truyền đạo”. Huệ đã mô tả PGHH như đạo Hồi là hiếu chiến và hiếu sát! Nếu PGHH là đạo Hồi thì số phận của Huệ đã giống như nhà văn Ấn Độ Salman Rushdie – Tác giả “Những vần thơ của Quỷ Satăng” – báng bổ Mohamad (Giáo chủ đạo Hồi) và bị Giáo chủ Iran là Ruhollah Khomeini ra lệnh cho tín đồ đạo Hồi truy nã tử hình, khiến nhà văn phải trốn chui lủi suốt 10 năm, sau nhờ Salman thú tội và qua vận động của nhiều tổ chức Quốc tế nên Giáo chủ Iran đã ân xá vào tháng 9 năm 1999.
Những lời xúc xiểm “đại nghịch bất đạo” của Huệ tôi xin không nhắc lại, vì ở các bài phản biện khác đã có nhiều đồng đạo phân tích và đáp trả hết rồi. Trong phạm vi bài viết này tôi chỉ đề cập đến 4 nội dung quan trọng của bản luận văn tốt nghiệp này:
1- PGHH không phải là Phật giáo mà là tôn giáo tạp pha (Luận văn tốt nghiệp, chương 3, trang 8 từ dòng 1 đến dòng 5).
2- Huệ đã cố ý tạo ra sự hiểu lầm, mâu thuẫn, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân khi cắt khúc Sấm giảng của Đức Huỳnh Giáo Chủ nói về các vị sư để tạo ra hiệu ứng chống PGHH trong toàn thể các vị tăng sĩ Phật giáo rằng giáo lý PGHH bất kính sư tăng.
3- Lăng mạ, mạt sát đạo đức, trí tuệ và phẩm giá của Đức Huỳnh Giáo Chủ.
4- Huệ xuyên tạc và cho mình quyền phán xét như quan tòa trong vấn đề PGHH trước đây có thành lập quân đội. Từ đó biến tín đồ PGHH trở thành cuồng tín, hung hăng, tàn bạo và hiếu chiến, còn Đức Huỳnh Giáo Chủ lập Đảng và Quân đội là nuôi mộng tranh bá đồ vương. Và kết luận PGHH không phải là một Tôn giáo!
Một làPGHH có phải là tôn gíao đạo Phật hay không? Trong tuyên bố của Đức Huỳnh Giáo Chủ đăng trên báo Quần Chúng ngày 14 tháng 11 năm 1946 (trích Sấm giảng thi văn toàn bộ trang 428 dòng 2
), “Đối với toàn thể tín đồ Phật giáo, tôi không quên rằng tôi là một đệ tử trung thành của Đức Phật Thích Ca…”. Như vậy đã rõ, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã tự nhận mình là đệ tử của Phật thì lý gì Đạo của Ngài không phải là đạo Phật!(Tăng sinh Huệ cho rằng PGHH không phải là Phật giáo, mà là tôn giáo tạp pha – trang 27 dòng 7 và dòng 8).
Hai là, PGHH và Giáo lý có chủ trương gì bất kính với các vị Tăng sĩ tu hành chơn chánh hay không? Tôi khẳng định hoàn toàn không mà còn ngược lại. Xin hãy xem phần đối đãi với các vị Tăng sư:
 “…Tất cả bổn đạo nên cung kính các Tăng sư tu hành chân chính. Nếu các ông ấy có dạy điều chánh lý, phải nghe lời. Đối với những hạng tu hành mà mình biết rõ là dối thế (như mấy ông Thầy đám), hãy tìm cách khuyên can các ông trở lại con đường chân chính của đạo Phật. Nếu các ông tiếp tục làm điều tà mị, mình phải bài trừ triệt để và giảng giải cho quần chúng cùng tín đồ nhà Phật hiểu và xa lánh họ”. Đối với chùa chiền, “Những ngày Vía của các Đức Phật ngày Rằm hay ba mươi mình muốn đi chùa cũng tốt đặng lễ Phật dâng hoa, không có cấm. Nếu chùa nào nghèo, hư, rách mà mình giúp đỡ được càng tốt (có điều mình không nên mua sắm thêm hình tượng cho nhiều). Khi đến chùa phải tôn trọng sự thờ phượng trong chùa, không được hủy báng” (Trích: NHỮNG ĐIỀU PHẢI TRÁNH HẲN HOẶC NÊN LÀM – Trong quyển TÔN CHỈ HÀNH ĐẠO của Đức Huỳnh Giáo Chủ, do Ban Trị Sự TƯ/ PGHH và Ban PTGL ấn hành và NXB Tôn Giáo in năm 2004, từ dòng thứ 10 trang 61 đến dòng thứ 11 trang 62). Hơn nữa, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã nhiều lần tự nhận mình là một tăng sĩ Phật giáo, sao lại có thể chống lại chư tăng? Chẳng hạn, trích đoạn bài thơ tặng thi sĩ Việt Châu sau đây:


“Đương cơn sóng dậy đất bằng 

Thi nhân đứng ngó để tăng sĩ làm
Tăng sĩ quyết chùa am bế cửa
Tuốt gươm vàng lên ngựa xông pha
Đền xong nợ nước thù nhà
Thiền môn trở gót Phật Đà Nam Mô…”


Qua các trích dẫn nêu trên, tưởng không cần nói thêm về danh xưng PGHH và PGHH có phải là Phật giáo hay không?! Còn việc phê phán các thầy cúng giả dạng nhà sư lừa gạt bá tánh là “ác tăng” hay “cây sơn”, tôi nghĩ rằng các vị cao tăng Trưởng lão và chư tôn Hòa thượng vì sự bảo tồn chánh pháp không ai mà chẳng đồng tình. Vì Đức Huỳnh Giáo Chủ đã rất rạch ròi. Bên cạnh sự tôn trọng tuyệt đối các vị sư tăng tu hành chơn chính, Ngài cũng kiên quyết dứt khoát bài trừ những tệ nạn của một số cá nhân làm hoen ố cửa Thiền môn.
Vì vậy tăng sinh Nguyễn Văn Huệ không thể qua đây mà vu giá rằng Đức Huỳnh Giáo Chủ đã phê phán toàn thể tăng đồ, gây chia rẽ mất đoàn kết tôn giáo, gây chia rẽ giữa những người con Phật cùng thờ phụng và kính tín Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni là đấng Từ Phụ chung.
Chương cuối cùng của luận văn tốt nghiệp là chương IV với tựa đề “Những thức tỉnh phi tôn giáo luôn tồn tại và được phát huy mạnh mẽ trong đạo Hòa Hảo” (trang 50 đến trang 53, gồm 2 mục nhỏ và 6 tiểu mục), nội dung tăng sinh Huệ cho rằng Đức Huỳnh Giáo Chủ lập Đảng Việt Nam Dân Chủ Xã Hội và Quân đội là nuôi tham vọng xưng vương xưng bá, và như thế PGHH không phải là Tôn giáo. Vậy sự thật ra sao?
Năm 1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ TƯ và cụ Phạm Thiều đại diện cho mặt trận Việt Minh ở Nam Bộ mời Đức Huỳnh Giáo Chủ tham chánh để cùng chung lo cứu nước trước họa ngoại xâm. Sau đây là trích một bài thơ của cụ Phạm Thiều:


…“Chẳng áo cà sa, chẳng chiến bào
Về đây tham chánh mới là cao
Non sông chờ đợi người Minh Triết
Chớ để danh thơm chỉ Võ Hầu”…

Sau đó Đức Huỳnh Giáo Chủ đã nhận lời tham gia Lâm Ủy Hành Chánh Nam Bộ với chức danh khiêm tốn là Ủy viên đặc biệt. Khi các báo đưa tin rầm rộ thì có nhiều luồng dư luận khác nhau. Vì vậy, ngày 14 tháng 11 năm 1946, Ngài đã cho đăng bài “Vì sao tôi tham chánh?” để trả lời dư luận. Tôi xin trích đoạn chính nêu ý nghĩa cụ thể như sau:
“…Hôm nay nhận rõ cuộc tranh đấu cho Tổ quốc còn dài và cần nhiều nổ lực, hưởng ứng tiếng gọi đại đoàn kết của Chính phủ TƯ, tôi quyết định tham gia hành chánh với những mục đích này:
1/ Để tỏ cho quốc dân và Chánh phủ thấy rằng chúng tôi chủ trương thống nhất lãnh thổ và độc lập quốc gia.
2/ Để biểu dương tinh thần đoàn kết của dân tộc hầu mau đem đến thắng lợi cuối cùng.
3/ Để tỏ cho các Đảng phái thấy rằng chúng tôi không khi nào có tham vọng cao sang vương bá, hay vì hiềm riêng mà hờ hững bổn phận cứu quốc.
Biểu lộ tấm lòng thành thật ấy, tôi chỉ nhận một nhiệm vụ cần thiết hợp với hoàn cảnh và năng lực của mình cố gắng dàn xếp về hành chánh và quân sự để tăng cường lực lượng của quốc gia.
Đối với toàn thể tín đồ phật giáo tôi vẫn không quên rằng tôi là một đệ tử trung thành của đức Phật Thích Ca. Tôi tin chắc rằng giáo lý giải thoát chúng sanh chẳng những được truyền bá ở Thiền Lâm mà còn phải được áp dụng trên trường chính trị…”.
 (Trích Đức Huỳnh Giáo Chủtuyên bố trang 427 từ dòng 26 đến trang 428 từ dòng 1 đến dòng 5 – Sấm giảng Thi Văn Giáo Lý Toàn Bộ).
Sau đó, ngày 29 tháng 11 năm 1946, ký giả Hồn Quyên báo Nam Kỳ ở Sài Gòn vào chiến khu phỏng vấn Đức Huỳnh Giáo Chủ. Trích:
“ Vấn:
 Như vậy xin Ông cho biết lý tưởng chính trị của Ông có liên quan với giáo lý nhà Phật không?
ĐápTheo sự nhận xét của tôi về giáo lý nhà Phật do nơi Đức Thích Ca Mâu Ni Phật đã khai sáng lấy chủ nghĩa từ bi bác ái đại đồng đối với tất cả chúng sanh làm nòng cốt thì tôi nhận Ngài là một nhà cách mạng triệt để về tư tưởng vì những câu “ nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh” và “Phật cũng đồng nhất thể bình đẳng với chúng sanh”. Đã có sự bình đẳng về thể tánh như thế mà chúng sanh còn không bằng được Đức Phật là do nơi trình độ giác ngộ của họ không đồng đều chớ không phải họ không tiến hóa ngang hàng với Chư Phật được. Nếu trong cõi nhơn gian này còn có chúng sanh tiên tiến áp bức chúng sanh lạc hậu thì là một việc trái hẳn với những giáo lý chơn chánh ấy. Giáo lý đó Đức Thích Ca Mâu Ni không áp dụng được một cách thiết thực trong đời của Ngài là do nơi hoàn cảnh xã hội của Ấn Độ xưa không thuận tiện. Thế nên Ngài chỉ phát dương cái tinh thần đó mà thôi.
Ngày nay trình độ tiến hóa của nhơn loại đã tới một mức khả quan, đồng thời với tiến bộ khoa học thì ta có thể thực hành giáo lý ấy để thực hiện một xã hội công bằng và nhơn đạo. Thế nên với tâm hồn từ bi bác ái mà tôi đã hấp thụ, tôi sẽ điều hòa với phương pháp tổ chức xã hội mới để phụng sự một cách thiết thực đồng bào và nhơn loại”.
 (Trích bài Ông Hồn Quyên ở Sài Gòn vào chiến khu phỏng vấn Đức Huỳnh Giáo Chủ trang 428 đến trang 430).
Như vậy, mục tiêu tham chính của Đức Huỳnh Giáo Chủ đã công khai rõ ràng quang minh chính đại – là ủng hộ Chính phủ TƯ đánh đuổi xâm lăng và mưu cầu độc lập cho dân tộc.
Việc tăng sinh Huệ nói Đức Huỳnh Giáo Chủ tranh bá đồ vương là hoàn toàn sai sự thật! Có thể do thiếu thông tin và tài liệu tham khảo chăng?!
Còn việc thành lập quân đội ban đầu cũng do yêu cầu khách quan của lịch sử và cũng do lệnh từ TƯ thành lập Vệ quốc đoàn từ các đoàn thể địa phương, để giữ gìn an ninh và chống giặc. Vì sau khi Nhật đảo chánh Pháp đã tạo ra một khoảng trống quyền lực, các thôn xóm thiếu bộ máy chính quyền nên trộm cướp nổi lên khắp nơi. Cộng với việc quân Đồng Minh tràn vào Đông Dương để mượn cớ giải giới quân Nhật nhưng Anh, Pháp và Tàu Tưởng đều âm mưu cướp nước ta lần nữa. Chính vì thế, không riêng PGHH thành lập quân đội mà cả Cao Đài, Thiên Chúa Giáo cũng đều có quân đội riêng. Nếu PGHH có các Tướng Trần Văn Soái, Nguyễn Giác Ngộ, Lâm Thành Nguyên, Lê Quang Vinh, thì Cao Đài có Tướng Trình Minh Thế, Nguyễn Thành Phương, Nguyễn Văn Thành, Văn Thành Cao, còn Thiên chúa giáo thì có Đức giám mục Lê Hữu Từ tổng chỉ huy lực lượng Công giáo tự vệ Bùi Chu Phát Diệm và Cha phó là linh mục Hoàng Quỳnh và linh mục Nguyễn Lạc Hóa tư lệnh chiến khu Hải Yến ở Cà Mau; Sau này khi Tổng thống Ngô Đình Diệm về chấp chính thì lực lượng Công giáo tự vệ Bùi Chu Phát Diệm là nòng cốt ủng hộ Chính phủ Cộng Hòa. Riêng hai lực lượng vũ trang Hòa Hảo và Cao Đài bị chế độ Ngô Đình Diệm thẳng tay đàn áp. Tướng Trình Minh Thế bị ám sát tại cầu Khánh Hội, và tướng Lê Quang Vinh (tức Ba Cụt) phải lên đoạn đầu đài tại tỉnh Cần Thơ. Sau đó, lực lượng quân sự Hòa Hảo đã tan rã.
Đó là quá khứ đau thương của một thời Việt Nam máu lửa. Huệ nhắc lại làm gì! Tại sao Huệ là con Phật mà không mở “Tứ Vô Lượng Tâm” mà Đức Phật đã dạy để cảm thông cho những người anh em PGHH cùng trong gia đình nhà Phật với nhau rằng – hằng triệu tín đồ nông dân PGHH từ năm 1975 đến nay vẫn đang ngày đêm một nắng hai sương cần cù lao động trên những cánh đồng chói chang nắng gió, làm ra hạt gạo dẻo thơm để góp phần cho Việt Nam ta tự hào là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới! Là những tín đồ nông dân đã xóa nhiều cầu khỉ, nâng cấp đường xá nông thôn, lập nhiều bếp ăn từ thiện nơi bệnh viện, tham gia nhiều hoạt động xóa đói giảm nghèo, xây nhà tình thương tình nghĩa, cứu trợ nạn nhân bão lụt Miền Tây, Miền Trung… giúp trẻ mồ côi, người già neo đơn…Đó là về mặt Xã hội, còn về tâm linh, PGHH vẫn luôn ngày đêm phổ truyền Phật pháp, kêu gọi mọi người luôn tu thân hành thiện, bỏ dữ về lành.

PGHH giờ đây đang đồng hành cùng dân tộc. Lẽ nào Huệ không chấp nhận khép lại quá khứ để hướng tới tương lai hay sao?! 
Như vậy, trong luận văn tốt nghiệp của Tăng sinh Huệ nói rằng: “Tôn giáo không được có quân đội. Nếu có quân đội thì không được coi là Tôn giáo mà chỉ là Đảng Chính trị”.Vậy Cao Đài và Thiên Chúa giáo thì Tăng sinh Huệ gọi là gì? Không phải là tôn giáo hay sao?
Điểm lại quá khứ lịch sử, vào đời Tùy – Đường, chùa Thiếu Lâm ở Trung Quốc từ sự kiện “Thập côn tăng cứu giá Đường Vương” đã được vua Đường Lý Thế Dân cho thành lập đội tăng binh và cho huấn luyện võ tăng nên chùa Thiếu Lâm trở thành võ phái lừng danh thiên hạ đến tận ngày nay. Ai dám cho rằng Thiếu Lâm Tự không phải là Phật giáo vì hằng ngày luyện tập ngạnh công để sát thương người khác!(Hiện nay trên vách chùa Thiếu Lâm-Tung Sơn Trung Quốc còn bức bích họa ghi lại câu chuyện “Thập côn tăng cứu giá Đường vương” cuối đời nhà Tùy Trung Quốc). Xem ra lịch sử Phật giáo đã từng có quân đội lâu rồi!
Ở Miền Bắc nước ta, vào những năm kháng chiến, việc các nhà sư trẻ rứt áo cà sa tòng quân tập thể là bình thường, Huệ có biết không?
Trên thế giới, không ai lạ gì các cuộc Thập tự chinh của Thiên Chúa giáo thời xưa khắp cả Châu Âu. Và ngày nay tại Bắc Ailen, hằng ngày quân đội của Thiên Chúa giáo và quân đội của Tin Lành thường xuyên hành quân đụng độ tàn sát lẫn nhau hàng chục năm qua. Có ai bảo đó không phải là đạo Tin Lành và đạo Kitô?
Qua các dẫn chứng trên đây, thiết nghĩ Tăng sinh Huệ nên sám hối về sự nông cạn ấu trĩ của mình đã xúc phạm đến đạo đức và phẩm giá của Đức Huỳnh Giáo Chủ. Còn những từ “hung hăng”, “tàn bạo”, “cuồng tín”, Tăng sinh Huệ nên dùng cho cá nhân và có địa chỉ mà không nên dùng chung cho tất cả tín đồ PGHH làm cho hàng triệu con người phải phạm tội sân si!
Cuối cùng, việc Tăng sinh Huệ mạ lỵ và mạt sát Đức Huỳnh Giáo Chủ chẳng khác việc “lấy tay che Trời”, “lấy thúng úp voi”! Người xưa có câu: Điêu trùng ti tiểu tầm đồng đại; Thục khuyển thệ nhựt bất thất quang”. Vì đạo đức, trí tuệ và phẩm giá của Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng rực như vầng dương mọc giữa ban mai, làm sao có thể u tối bởi một chút mây mờ!
Nếu chúng tôi ca tụng Thầy mình chẳng qua “mẹ hát con khen” hoặc “mèo khen mèo dài đuôi”, nên xin nhường lời đánh giá cho các vị thức giả bậc thầy của tăng sinh Huệ. Xin được phép giới thiệu và trích dẫn một vài vị tiêu biểu. Trong nước có TS.Phạm Bích Hợp và GSTS. Phan Quang. Ngoài nước có GSTS. Lê Hiếu Liêm – Viện trưởng Phật học viện Trúc Lâm Yên Tử tại California Hoa Kỳ. Ngoài ra còn có GSTS.Phạm Cao Dương, GSTS.Doãn Quốc Sĩ, GSTS.Lê Mạnh Thác, GSTS.Phạm Công Thiện, Triết gia Kim Định và biết bao danh nhân khác…
Với tựa đề “Đức Huỳnh Giáo Chủ – một triết gia Việt Nam”,
 GSTS. Phạm Công Thiện viết như sau: “Huỳnh Phú Sổ là một Triết gia Việt Nam”(The New Encyclopaedia Britannica – volume 6.Micropaedia.1987 page 18): “Có lẽ không ai không biết Đức Huỳnh Phú Sổ là Đức Giáo Chủ PGHH, nhưng ít ai biết rằng Đức Huỳnh Giáo Chủ là một Triết gia Việt Nam. Chẳng những thế, không phải chỉ là Triết gia Việt Nam như bất cứ một Triết gia nào xứng đáng được gọi là Triết gia, mà Đức Huỳnh Giáo Chủ còn là một con người minh triết, một Thánh triết trong mọi ý nghĩa cao siêu nhất của danh từ!
Khi tình cờ đọc một bộ từ điển bách khoa có thẩm quyền nhất thế giới-ENCYCLOPAEDIA BRITANNICA- dỡ qua cuốn 6 trang 181, tôi thấy tên tuổi, cuộc đời và sự nghiệp của Đức Huỳnh Giáo Chủ chiếm trên nửa cột chữ in nhỏ của trang giấy tự điển. Mấy hàng chữ đầu đã đập mạnh vào mắt tôi “…Huynh Phu So is a Vietnamese philosopher…”. Hiển nhiên mấy hàng chữ tiếp tục cũng xác định thêm rằng Đức Huỳnh Giáo Chủ là nhà cải cách Phật giáo và là nhà sáng lập PGHH. Nhưng chính điều xác định đầu tiên của ENCYCLOPAEDIA BRITANNICA đã làm tôi chú ý đặc biệt “ Huỳnh Phú Sổ là một Triết gia Việt Nam…”.
Từ lâu tôi có thói quen nghĩ rằng Đức Huỳnh Giáo Chủ là một thiên tài Tôn giáo dân tộc, là một Đại Bồ Tát trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, là tất cả những gì đáng tôn kính trong vị thế Giáo Chủ của một tôn giáo gồm nhiều triệu tín đồ ở Việt Nam. Nhưng tôi chưa nghĩ đến khía cạnh Triết gia của Đức Huỳnh Giáo Chủ. Hiển nhiên tất cả mọi Giáo Chủ tôn giáo đều là Triết gia ở bình diện nào đó. Thế nhưng tất cả các Triết gia không thể là Giáo Chủ được nếu người ta hiểu được tính thể chân chính của triết lý …một nhà tôn giáo học không hẳn bị bắt buộc là một triết gia, và nhất là một nhà tu hành tôn giáo, và nhất là một Giáo Chủ tôn giáo lại không nhất thiết cần đến một triết lý nào cả, nhất là thứ triết lý kinh viện nhà trường. Tuy nhiên, nếu triết lý được hiểu là triết lý trong tất cả mọi ý nghĩa toàn diện của triết lý thì không ai có thể chạy thoát ra ngoài cái vòng tròn khủng khiếp của triết lý, dù triết lý được hiểu theo nghĩa Philosophia (nguyên chữ Hi Lạp là Philiasophia) hay được hiểu theo nguyên nghĩa minh triết của đạo lý Đông phương. Nếu được hiểu theo nghĩa nguyên vẹn toàn diện thì Đức Huỳnh Giáo Chủ đúng là một Triết gia Việt Nam vĩ đại. Vì Ngài nắm được những quy luật vận hành của triết lý Tây phương lẫn Đông phương nên chính Ngài là người có khả năng trả lời câu hỏi có tính quyết định tính mệnh của Đông phương và toàn nhân loại…”.

(GSTS.Phạm Công Thiện được xem là một thần đồng Việt Nam. Lúc 16 tuổi ông đã viết và xuất bản cuốn “Anh ngữ tính âm từ điển”. Ngoài ra ông cũng đã viết “Lịch sử văn học Thế giới”, “Lịch sử văn học Anh quốc”. Trước kia, ông là Khoa Trưởng phân khoa Nhân văn tại Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn; Giáo Sư Triết Học Tây Phương tại Đại học Toulons ở Pháp. Hiện tại, ông đang giảng dạy tại Đại học Phật giáo Los Angeles. Ông còn là bạn thân của nhiều học giả thế giới, trong đó có Henry Miller – Hoa Kỳ. Là tác giả của nhiều sách Triết học xuất bản tại Sài Gòn trước 1975 như “Hố thẳm tư tưởng”, “Ngàn mặt trời đồng bay lên một lượt”…)
Riêng ở Việt Nam, cho đến nay có nhiều công trình, tác phẩm viết về Đức Huỳnh Giáo Chủ và Phật Giáo Hòa Hảo. Do giới hạn của bài này nên tôi chỉ xin nêu điển hình một vài trường hợp. Đầu tiên là GSTS. Phan Quang- nguyên Tổng Giám Đốc đài Tiếng Nói Việt Nam, nguyên Chủ Tịch Hội Nhà Báo Việt Nam. Trong tác Phẩm “Đồng Bằng Sông Cửu Long” NXB Mũi Cà Mau và Đồng Nai xuất bản năm 1994, tác giả đã dành ngót 56 trang để viết thật trung thực khách quan về PGHH trong một chương có tựa đề “Ở một vùng trái ngược”. Trong những năm mà những quan điểm trái chiều còn phổ cập, sự cởi mở bao dung chưa được như bây giờ thì những nhận định và phê phán của Tác giả Phan Quang đối với PGHH là rất khách quan và vô cùng quý giá! Tôi còn nhớ một câu rất hay và rất quan trọng, thể hiện cái tâm của người cầm bút chính luận. Tác giả viết 
…Trước đây lúc còn chiến tranh, do yêu cầu chiến thắng kẻ thù, chúng ta có thể nói thế này thế khác. Nhưng ngày nay đất nước hòa bình, hãy trả lại sự khách quan lịch sử đúng vị trí của nó, như “Vì sao một thanh niên hai mươi tuổi đời lại trở thành Giáo Chủ có hàng triệu tín đồ trong thời gian ngắn?”.
Một nhân vật quan trọng khác là Tiến sĩ Phạm Bích Hợpmột người con của Đồng Bằng Bắc Bộ. Trong một công trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước mang tên “Người Nam Bộ và Tôn Giáo Bản Địa (Bửu Sơn Kỳ Hương – Cao Đài – Hòa Hảo)” đã được NXB Tôn Giáo in năm 2007, phát hành rộng rãi khắp nước. Tác giả đã dành hơn 90 trang sách từ trang 91 đến trang 177 để tuyên dương công đức của Đức Huỳnh Giáo Chủ và ca tụng giáo lý PGHH. Hơn thế nữa, tác giả đã dành ngót 10 trang (từ trang 117 đến trang 127) để minh thị rằng chính Đức Huỳnh Giáo Chủ đã tiếp nối và làm sống dậy dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử (một quốc đạo của Việt Nam thời Lý- Trần). Xin được trích nguyên văn:
“…Có thể nói rằng, trong lịch sử Việt Nam, thời kỳ Lý-Trần là thời đại hòang kim của chế độ phong kiến tự chủ. Cùng với thắng lợi vĩ đại qua 3 lần đánh bại quân Nguyên, là sự ra đời của chữ Nôm, sự phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là về Phật giáo, trong đó Thiền tông hết sức thịnh đạt.
Cũng trong giai đoạn này, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử ra đời, tiếp nối phái Thiền Thảo Đường từ thời Lý và do chính vua Trần Nhân Tông (1279-1293) làm đệ nhất Tổ. Các thiền sư phần lớn là cư sĩ, đó là dòng thiền nhập thế, đáp ứng đời sống tâm linh của những người tại gia còn đang phải gánh vác công việc của đất nước. Trong “Thiền Uyển Tập Anh” cũng có ghi: “số khá đông Thiền sư Việt Nam thời nay đã có những cống hiến vào việc nước, nhiều người còn giữ chức quan tại triều đình”. Không phải chỉ có quan mà còn có cả vua, và không chỉ một vua mà còn có nhiều vua tham thiền và am hiểu Phật học. Phật giáo lúc đó là một nền phật giáo nhập thế, quan hệ mật thiết với chính trị, phong hóa và xã hội. Ngay vị đệ nhất Tổ phái Trúc Lâm là vua Trần Nhân Tông, sau khi nhường ngôi cho con để đi tu, ông đã chọn núi Yên Tử để tọa thiền, phần thì đây là đất linh, nhưng mặt khác là do vì vị trí quan trọng giáp với biên giới Trung Quốc của ngọn núi này. Ông cũng thường đi vân du giáo hóa cho nhân dân, vì muốn xây dựng một xã hội có luân lý, nề nếp theo Đạo Phật, nhưng đồng thời cũng là để góp phần vào việc củng cố triều đại và chế độ bằng những công tác hành đạo tích cực trong quần chúng.
Phải chăng, chính tư tưởng của phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử đã là chỗ dựa tinh thần cho cuộc chiến thắng quân Nguyên của người Việt vào thế kỷ 13? Nhưng rõ ràng đạo pháp chân truyền nhà Phật đã giúp các vị như Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông…giác ngộ vàvận dụng tư tưởng thiền vào việc kinh bang, tế thế của đất nước, để giữ nước, dựng nước và mở mang đất nước…”.
“…Chính trong tinh thần nhân bản như trên, các thiền sư phái Trúc Lâm Yên Tử đã “hòa quang đồng trần”, sống giữa lòng thế tục, khi cần thì “cởi áo cà sa khoác chiến bào” đánh giặc giành độc lập cho đất nước, chiêu tập dân sĩ khai hoang lập ấp, mở mang bờ cõi, sống hết lòng với cộng đồng, dân tộc, nhưng các vị cũng đã không ngừng trao dồi đạo nghiệp trong suốt cuộc đời của mình.
Sau gần 600 năm, đạo Bửu Sơn Kỳ Hương ở Miền Tây Nam Bộ đã khơi dậy dòng thiền mới ở Nam Bộ, mà đứng đầu là Ngài Đoàn Minh Huyên. Tiếp nối tư tưởng của “Cư Trần lạc đạo” nêu trên, nhưng đã được ông bình dân hóa cho phù hợp căn cơ của tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương. Với tôn chỉ: “Học Phật Tu Nhân – làm trọn Tứ Ân”, ông truyền dạy giáo lý, đồng thời khai hoang mở đất, rồi khi Pháp xâm lược, đệ tử của ông đã tổ chức kháng chiến và hy sinh anh dũng như Nguyễn Trung Trực, Trần Văn Thành…Trầm xuống một thời gian, tới 1939, khi Phật Giáo Hòa Hảo ra đời, thì phái Thiền này thực sự được phục sinh với một vị hết sức tiêu biểu là Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ…”.
“…Thiền phái Trúc Lâm có một ngôi sao sáng là Tuệ Trung Thượng Sĩ, người thầy của Đệ nhất Tổ – Trần Nhân Tông, người đã có ảnh hưởng tới hầu hết các thiền sư đời Trần, lại có một sự tương đồng đặc biệt về tư tưởng với Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ, sống cách ông hơn 700 năm..”.
“…Dưới sự lãnh đạo của Ngài Đoàn Minh Huyên rồi Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ, với pháp môn Thiền Tịnh đồng tu, Bửu Sơn Kỳ Hương rồi Phật Giáo Hòa Hảo đã trở thành một lực lượng đáng kể trong công cuộc khai hoang mở đất, đánh đuổi ngoại xâm và xây dựng đất nước ở Miền Tây Nam Bộ trên một thế kỷ lại đây…”.
“…Dù gì, những đóng góp của Thiền phái Trúc Lâm và Thiền phái Bửu Sơn Kỳ Hương – Phật Giáo Hòa Hảo vào tư tưởng và văn hóa dân tộc là rất đáng trân trọng. Việc tìm hiểu với thái độ nghiêm túc và khoa học có thể giúp ta vận dụng các giá trị mà cha ông đã trãi nghiệm vào cuộc sống hiện nay, đặc biệt là trong vấn đề giáo dục con người…”.

Riêng tại Hoa Kỳ, những nhà nghiên cứu có tên tuổi như GSTS.Phạm Cao Dương, GSTS. Lê Mạnh Thát, GSTS.Doãn Quốc Sĩ, Triết gia Kim Định, Bác sĩ Trần Ngươn Phiêu, GS.Trần Nguyên Bình đều có công trình nghiên cứu về Đức Huỳnh Giáo Chủ và PGHH rất khách quan, giá trị. Riêng GSTS.Lê Hiếu Liêm-Viện trưởng viện Phật học Trúc Lâm Yên Tử tại California Hoa Kỳ đã viết hẳn một cuốn sách tựa đề “Bồ Tát Huỳnh Phú Sổ”. Chỉ với tựa đề, tôi nghĩ rằng không cần phải trích dẫn nội dung thêm nữa, vì toàn bộ tác phẩm là những nghiên cứu khoa học khách quan, và cuối cùng là sự tôn vinh ca ngợi đạo đức lẫn trí tuệ minh triết siêu phàm của vị đại Bồ Tát Huỳnh Phú Sổ.
Tăng sinh Huệ à, do bài viết quá dài, sợ làm mệt người đọc nên tôi không thể trích dẫn hết các tài liệu, sách báo trong và ngoài nước đã tôn vinh đạo đức, trí tuệ và phẩm giá của Đức Thầy chúng tôi – Vị Tôn sư mà hàng triệu tín đồ PGHH luôn tôn kính như đã tôn kính Đức Phật vậy. Vì vậy chúng tôi tuyệt đối không cho phép bất kỳ ai xúc phạm đến tình cảm tín ngưỡng thiêng liêng này.
Qua sự chứng minh một số trích dẫn của các nhà trí thức thế tục, trong ấy có những vị từng là Thầy bề trên của Huệ như các quý Thầy Phạm Công Thiện, Doãn Quốc Sĩ, Lê Mạnh Thát đã dạy tại Đại Học Vạn Hạnh (tiền thân của Học Viện Phật Giáo ngày nay – từ lúc Huệ còn chưa sinh ra). Huệ có lẽ đã nhận ra sự vô minh, sân nộ, mê si và bản ngã của mình còn vướng nhiều ác nghiệp, giờ chính là lúc cần lắng nghe tiếng nói của bậc tôn túc trưởng lão đạo cao đức cả chốn Thiền môn là Thầy Đại Hòa Thượng Thích Thanh Từ và Hòa Thượng Thích Trí Quãng đương kim Viện Trưởng Học Viện Phật Giáo Việt Nam hiện nay để biết pháp âm của hai Ngài khi nói về PGHH và Đức Huỳnh Giáo Chủ chứa chan tình đạo biết bao nhiêu. (Nếu Huệ cần, tôi cung cấp đĩa).
Phần kết luận trong luận văn tốt nghiệp, Tăng sinh Huệ đã viết tại trang 57 dòng 26: “Huy động tầng lớp nông dân ít học vào hoạt động chính trị của ông nên Đạo giáo này cũng được gọi là Đạo của người ít học”. Đoạn này Tăng sinh Huệ nói đúng quá! Vì dưới sự đàn áp của thực dân đế quốc, người nông dân ta phải chịu ách “một cổ hai tròng” thì lấy gì để được ăn học! Còn kẻ có bằng cấp Tú tài, Cử nhân thì đa số đi làm Thầy Thông, Thầy Ký, Tham Biện Chánh Tòa, nên Đức Huỳnh Giáo Chủ đã cực lực lên án lũ trí thức theo Tây:


“…Học hay lợi dụng tiền tài

Lên quan xuống huyện ăn xài lả lê
Gặp ai đói rách cười chê
Miệng kia hễ mở chưởi thề vang rân…”

Và Ngài đã:

“Lấy cái cấp bằng ném xuống sông
Thôi thôi tôi cũng mét-xì ông
Tuồng đời gẫm lại “nơ quô rẻn”
Xăng phú ba manh trở lại đồng”.


Do 90% dân Việt Nam lúc ấy dốt nát mù chữ nên khi tuyên bố độc lập xong, Chính Phủ TƯ đã mở chiến dịch chống giặc dốt. Và Tăng sinh Huệ cũng nên nhớ rằng số bần nông dốt nát ít học chính là thành phần cơ bản của liên minh công nông để làm nên cuộc cách mạng Việt Nam lúc ấy đấy!
Tăng sinh Huệ nói PGHH là Đạo của người ít học cũng không sai, vì Đức Huỳnh Giáo Chủ chỉ học đến bậc tiểu học thì nghỉ học do bệnh tật liên miên. Nói nghe có vẻ Tăng sinh Huệ có bằng Cử nhân nên sinh tăng thượng mạn mà khi dễ mấy triệu nông dân Hòa Hảo là đồ dốt nát chứ gì! Nào có sao đâu, vì Đức Huỳnh Giáo Chủ đã nói:

“…Đức Lục Tổ ít ai dám sánh
Người dốt mà nói Pháp quá rành
Lựa làm chi cao chữ học hành…”

Nghe chuyện Pháp Bửu Đàn Kinh kể rằng: “Khi Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn gọi Huệ Năng vào phòng lúc canh ba đã nói rằng: Nhà ngươi là dân man di ngu dốt ở đất Lĩnh Nam, sao có thể kế thừa ngôi Tổ? Huệ Năng thưa: Phật tính vốn không có Bắc Nam, quí tiện. Ngũ Tổ nghe vậy liền truyền y bát và dạy đi ngay trong đêm, vì sợ Thần Tú hay tin sẽ đuổi theo giành y bát.
Như vậy, xem ra việc ít học cũng không trở ngại cho việc thành Phật và cũng không có gì xấu hổ cả Tăng sinh Huệ à! Nhưng đó là việc của 73 năm về trước. Vì Tăng sinh Huệ còn trẻ nên không biết là đến thập niên 70, PGHH đã có trường đại học và nhiều trường trung học ở các tỉnh Miền Tây, nên tôn giáo nông dân này cũng đã đào tạo được một thế hệ trẻ có học hơn hẳn thế hệ cha anh của chúng ngày xưa! (Con em tín đồ PGHH nay cũng có bằng Tiến sĩ, Thạc sĩ nhiều rồi Huệ à!). Nhưng dù trong cái ngày xưa dốt nát đó, PGHH cũng có nhiều vị cao đồ là Bác sĩ, Kỹ sư chứ không phải ngu dốt hết đâu!(BS.Trần Lũy, BS.Cao Triều Lợi, BS.Đào Tuấn Kiệt, BS. Đỗ Văn Viễn, Kỹ sư Lương Trọng Tường, Kỹ sư Nguyễn Ngọc Tố, Kỹ sư Thành Nam, Kỹ sư Trần Anh Đề, Kỹ sư Nguyễn Công Hầu, GS.Nguyễn Văn Hầu, GS.Trần Kim Suối, GS.Trần Văn Mãi, GS.Trần Quang Diệu…).Và còn nhiều Tú Tài Pháp như Phan Bá Cầm, Huỳnh Văn Nhiệm, Quan Hữu Kim, Nguyễn Trọng Luật…Đừng khinh người quá đáng nghe Tăng Sinh Huệ!
Bài viết đã khá dài, trước khi kết thúc, với tinh thần một Phật tử “Nói với nhau giữa những người con Phật”, tôi thân ái có lời khuyên Huệ nên đọc kỹ lại “Na Tiên Tỳ Kheo Kinh” để dẹp bỏ cái bản ngã vô minh của mình. Sau đó trai giới 3 ngày thành tâm đảnh lễ Đức Như Lai và các bậc tôn túc Trưởng lão để sám hối lỗi lầm vì bản thân mình sai phạm mà cả Giáo hội Tăng đoàn phải lo âu đối phó. Sau đó tự giác vào am thất tự kiểm bản thân và tự đề xuất hình thức tạ lỗi với Tổ Đình Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH và Ban Trị Sự TƯ Giáo Hội PGHH cùng toàn thể cộng đồng PGHH trong và ngoài nước (vì vụ việc đã gây phản ứng mạnh trên mạng toàn cầu).
Tôi tin rằng nếu Tăng sinh Huệ thực sự hồi tâm, thành khẩn nhận lỗi thì sẽ nhận được lòng từ bi hỷ xả của Chư Phật và sự bao dung tha thứ của mọi người, vì tất cả chúng ta đều là con Phật.
Xin chúc Tăng sinh Huệ và chư vị tôn túc Trưởng lão Hòa Thượng. Thượng Tọa, Đại Đức cùng chư Phật tử thân tâm thường an lạc.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô A Di Đà Phật

Thánh Địa Hòa Hảo ngày Rằm tháng 11 âl Nhâm Thìn 2012
(nhằm ngày 23-12-2012 dl)
Người tín đồ ít học của PGHH

BAO LA CƯ SĨ

Ảnh đính kèm Ảnh đính kèm

Lần sửa cuối bởi Buile, ngày 01-04-2013 lúc 12:19 PM.

Categories: Tài Liệu Tham Khảo | Leave a comment

Không Có Gì Để Cảnh Giác.

  1. Gởi ông Minh Thạnh!

    Công luận đang ví von: “Nếu trước đây, “Luận Văn Tốt Nghiệp” của TT.Huệ là một khoang thuyền chật chội, ẩm thấp được Tăng sinh trải thảm đỏ kính thỉnh các bậc Thầy đáng kính trong Hội đồng HV/PGVN/ khóa IV tại TP.HCM bước vào mui để “Chung hội chung thuyền” với đệ tử, thì nay bài báo “Cảnh giác” của nhà “tư vấn” Minh Thạnh được xem như những chiếc phao cứu sinh, một bản Hải đồ được vẽ chi chít tọa độ những bãi đá ngầm “quanh co” trong lòng biển, được trao tận tay cho HV/PGVN/ TPHCM khóa VII, và đang thúc giục đoàn “Thủy thủ” Học viện PGVN an tâm ra khơi, thực hiện chuyển hải hành đầy mạo hiểm, để đương đầu với cơn sóng thần 7 TTĐ (bảy triệu tín đồ PGHH), mà phía trước mây khói đèn đen kịt đang phủ kín chân trời. Nếu thật Minh Thạnh là một chuyên gia hàng hải có kinh nghiệm thì Học viện cũng nên cử hành một chuyến phiêu lưu, để trải nghiệm cơn thịnh nộ của Đại dương.
    Ông Minh Thạnh! ông xen vào Học viện vơi tư cách gì vậy? Trước khi tư vấn cho Học viện, ông đã quan sát và cân nhắc kỹ chưa? Đọc bài báo của ông tôi thấy ông đang sa lầy vì thiếu phán đoán chính xác, chưa biết người biết ta, phạm vào điều đại kỵ dễ gây tai họa. Hiện nay tinh thần phản ứng của cộng đồng PGHH ở cường độ nào và sức khuyếch tán truyền thông ở giới hạn nào ông biết chưa? Tất cả đang trông đợi điều gì? Họ rất ghét sự chần chờ, quanh co, ngụy biện, khi bằng chứng xúc phạm vô cớ đã có trong tay, có xác nhận, ký tên, đóng dấu và hai lần lãnh đạo Học viện: ông Thích Giác Toàn và ông Thích Đạt Đạo đã thừa nhận trên văn bản, bước tiếp theo là sự khắc phục thỏa đáng, vậy vấn đề chỉ còn là thời gian! Là nhà “tư vấn” sao ông không thấy được thực tế hiển nhiên đó, để rồi mạo muội viết bài báo “vẽ đường hưu chạy” như Đàm văn đã đề cặp, “để sự việc trở nên đùn đẩy, tráo trở…càng thêm nóng bỏng”. Điều Học viện cần cảnh giác là nên coi chừng những kẻ vô trách nhiệm ác ý “đổ dầu vào lửa” làm cho Học viện bị trói chặt trong vòng lẩn quẩn, cho “đêm dài lắm mộng” mới phải. Nếu là người quân tử liêm sỉ, không phải là kẻ sĩ diện ảo, sẽ quyết đoán dễ dàng bằng cách: có lỗi nhận lỗi và khắc phục thành ý, đó là thứ danh dự đáng kính hơn cả những người chưa phạm lỗi, vì họ biết học đòi cái dũng của Thánh Nhân! Còn quanh co ngụy biện kiểu Minh Thạnh gắn ghép, chụp mũ “chính trị”, để đe dọa công luận là thiếu liêm sỉ ai khen. Điều đáng chê trách Minh Thạnh là cố chụp mũ chính trị đưa cụ Lê Quang Liêm và Hòa Thượng Thích Không Tánh ra làm đối tượng cảnh giác. Thật là nghịch ý và lố bịt hết sức tiểu nhân. Cảnh giác điều gì? Sợ hai ông lên tiếng quá đúng đắn và chính xác, khiến những kẻ vi phạm khó ngụy biện, tráo trở, lật lọng như Minh Thạnh đã cố ý đạo diễn để cứu nguy Học viện chăng?
    Sao gọi là “tổ chức bất hợp pháp” là “cá nhân chống đối lợi dụng ảnh hưởng chính trị truyền thông?” Vụ việc tăng sinh TT Huệ là sự cố Học viện PG/VN TP/HCM đâu phải đài truyền hình, đài phát thanh, hay là trung tâm chính trị quốc gia, mà sợ ảnh hưởng chính trị truyền thông? Hay Minh Thạnh muốn cho mọi người biết HV/PGVN tại TPHCM là trung tâm chính trị, tuyên truyền…chứ không phải ngành Giáo dục Phật Giáo Việt Nam? Tổ chức Giáo hội PGHH Thuần Túy của ông Lê Quang Liêm là một tổ chức đã có từ trước giải phóng do ông làm Hội trưởng, sau giải phóng bị gián đoạn hoạt động, đến năm 1993 ông viết đề nghị xin tái phục hoạt Giáo hội, chờ cứu xét để công nhận, đâu thể gọi là bất hợp pháp được, vì Ban Tôn Giáo chính phủ chưa ra quyết định giải tán hay cấm hoạt động. Còn về “cá nhân chống đối lợi dụng”.Chống đối trực tiếp công khai với học viện ai dám cấm mà phải lợi dụng trá hình bằng chính trị cho mất danh nghĩa. Chống đối cái sai lầm xúc phạm tôn giáo là quyền hợp pháp của tín đồ công dân, không chỉ riêng ông Liêm mà cả 7 triệu tín đồ PGHH đều có quyền thực thi bổn phận của mình một cách công khai, ôn hòa, thẳng thắn và hợp pháp. Kẻ có ý ngăn cản đe dọa như Minh Thạnh mới là bất hợp pháp, là lợi dụng “thừa gió bẻ măng”. Ông Lê Quang Liêm không phải là người phát hiện tập luận văn đầu tiên, nhưng ông đã lên tiếng xin tiếp xúc với Học viện trước nhất, vì được sự ủy thác của đồng đạo miền tây với tư cách ông là bậc trưởng thượng, văn bản ông gởi Học viện vẫn còn lưu trữ văn phòng. Minh Thạnh cũng biết, cốt cách và chính kiến ông Lê Quang Liêm xưa nay không thích cung cách lợi dụng kiểu (thời thế tạo anh hùng) mà ngược lại. Vả lại trong vụ phản đối “Luận văn TT Huệ” cộng đồng PGHH đã có thừa chứng cứ, đầy đủ tư thế thượng phong công tố của người bị hại, đủ sức thuyết phục công luận, và được luật pháp quốc gia ủng hộ về sự công bằng bình đẳng đã được ghi trong Hiến pháp CHXHCNVN,trong Pháp lệnh Tôn Giáo và Bộ luật TTHS. Vậy cộng đồng PGHH chỉ nương theo luật pháp hiện hành một cách ôn hòa, chính đáng cũng đạt kết quả mong muốn cần gì có phụ thêm yếu tố khác cho phức tạp tình hình! Chính trị đâu phải là thứ “dễ nuốt” mà Minh Thạnh lại sợ bị lợi dụng. Không riêng gì ông Lê Quang Liêm mà tất cả cộng đồng chúng tôi đều khẳng định: Vụ việc đấu tranh cái sai lầm nghiêm trọng của TT Huệ và Học viện, không cần thiết yếu tố chính trị, hoặc sự áp đặt từ đâu đến, kể cả phản ứng mạnh mẽ theo kiểu phương tây như: Biểu tình, mít tinh, bạo động, hoàn toàn không cần thiết, đôi khi còn phản tác dụng. Thể hiện tính hiếu hòa, trong tiến trình đi đòi công lý, trên tinh thần tự trọng theo khuôn khổ luật pháp quốc gia, và giới luật tôn giáo, chính là tâm huyết mà hầu hết tín đồ PGHH đang nêu cao. Nhưng kiên quyết không dừng lại trước sự bất công, bưng bít, bao che….Chúng tôi tin rằng các cơ quan quản lý tôn giáo cao nhất, có đủ sự cân nhắc sáng suốt, không thể làm ngơ trước vụ việc vi phạm nghiêm trọng như vậy, để vô tình làm tổn thương uy tín nền pháp chế nước nhà. Minh Thạnh hết sức ngụy biện, khi xác định “Luận văn khoa học thuần túy của một sinh viên” khoa học là gì? là: một học thuật, có tổ chức, có hệ thống và có phương pháp. Còn thuần túy là: rồng rặc, không lai tạp, pha trộn….
    Trong lãnh vực khoa học không có “thuần túy” chỉ có chuyên sâu, chuyên môn.Vậy nội dung luận văn tốt nghiệp không có yếu tố khoa học, cũng không có cả sự đúng đắn về kiến thức tạp nham, đừng nói tính chất thuần túy, toàn bộ chỉ là luận điệu công kích hồ đồ phỉ báng đạo PGHH. Nếu đề cặp đến đề tài nghiên cứu tôn giáo như tựa đề: “Thực chất đạo Hòa Hảo” với tham vọng muốn hiểu rõ về một tôn giáo đặc thù dân tộc, ở trình độ bậc thấp của tăng sinh TT Huệ chỉ là kẻ khúm núm đứng ngoài vòng rào còn chưa được. Muốn thấu đạt phần nào áo nghĩa thâm huyền của giáo lý PGHH thôi cũng phải là bậc Thánh trí. Xưa nay có rất nhiều học giả, triết gia, bác học, thiền sư…tầm cỡ như: Phạm Công Thiện, Lê Hiếu Liêm, Thích Thanh Từ, Thích Thiện Hoa…còn chưa có khả năng khám phá ít nhiều sự nhiệm mầu huyền bí, hà huống tên tiểu tốt hồ đồ như tăng sinh TT Huệ mà dám kiêu mạn sao! Chính Hòa thượng Thích Minh Châu viện trưởng là bậc thầy của tăng sư cả nước, còn giải thích về tôn danh đạo PGHH còn sai bét… Vậy mà HĐ/HV/PGVN khóa IV tại TPHCM phê duyệt đạt yêu cầu, cũng là việc lạ hiếm thấy xưa nay! Có thể tạm gọi là “Đạt yêu cầu về việc đưa toàn bộ HĐ/HV vào vòng liên lụy, không thể biện minh” thì phải. Nếu nghiêm túc đánh giá thì Luận văn TT Huệ là một bài chính luận (bình luận chính trị) hồ đồ nhằm công kính bôi nhọ theo quan điểm cực đoan thù địch với đạo PGHH, dựa theo những tài liệu xuyên tạc, vu khống ác ý không cơ sở lịch sử, tôn giáo…Đã có bằng chứng xúc phạm trắng trợn như vậy mà Minh Thạnh còn muốn chụp mủ chính trị, đổ tội cho Ông Lê Quang Liêm và cộng đồng nạn nhân “gây chia rẽ, mất đoàn kết tôn giáo” Trên đời có sự đoàn kết chân thật nào dựa trên sự phỉ báng danh dự thiêng liêng của tôn giáo khác không? Thật là hiếp người quá đáng! xem luật pháp chẳng ra gì? Kẻ cố ý gây mất đoàn kết là ai trẻ em cũng biết, sao Minh Thạnh lại nhầm lẫn đến ngây ngô! Cố binh vực cho sự bất công lố bịt, Minh Thạnh đã ngang ngược kết luận rằng: “Như vậy là một sự việc đáng tiếc xem như đã được giải quyết một cách êm đẹp”. Sau khi MT đã trích dẫn Điểm 5 trong thư phúc đáp của Học viện PGVN tại TPHCM do HT Thích Đạt Đạo ký tên. Báo với Minh Thạnh rõ ngày 27/12/2012, chúng tôi phần đông tín đồ PGHH đã viết thư “Kháng phúc đáp” không đồng tình cả 5 điểm giải thích mà Học viện/PGVN/TP/HCM đưa ra gởi BTS/TƯ/PGHH vì nội dung thiếu thành ý và tinh thần khắc phục chưa cao. Đặc biệt nữa là can phạm cho đến nay vẫn còn lẫn trốn, hoặc được bao che chưa chịu trực tiếp tự nhận lỗi lầm. Vụ việc hòa giải nghiêm trọng phức tạp,khó tìm giải pháp thuyết phục công luận như vậy, mà nhân vật chính vắng mặt, gọi là êm đẹp được sao? hởi nhà “phê bình sân khấu !”kiêm luật sư nghiệp dư bào chửa ? Ông đã chọn nhằm “vụ án khó nuốt” rồi đó!
    * Ở điểm 2: Ý của Minh Thạnh cho rằng việc phổ biến rộng “Luận văn tốt nghiệp” là điều đáng tiếc có hại cho cả 2 bên. Minh Thạnh đã sai rồi. Dù vụ việc tồi tệ của TT Huệ ngoài Học viện chẳng ai biết, nó vẫn là sản phẩm độc hại lớn cho PGVN lâu dài sau mười một năm “có giá trị nội bộ”. Nhưng khi phát hiện ra ngoài sẽ “có tác hại nội bộ ”lớn lao.Cộng với sự phản ứng mạnh mẻ của cộng đồng PGHH và sự đánh giá xác đáng của công luận càng có tính khách quan, trung thực cao hơn, giúp công luận không còn lầm lẫn về cả hai bên, vậy không phải lợi ích thiết thực sao? “vàng thiệt đâu sợ lửa” “Bảng đen càng sậm đường bao Càng làm nét phấn rõ màu thêm hơn” Đạo Phật Giáo Hòa Hảo là một chánh đạo được trải nghiệm qua nhiều thử thách, sá gì chướng ngại bởi tập luận văn bôi bác, hoặc chữ ký của Hội đồng Học viện, hoặc cuốn Tự điển của Thích Minh Châu xuyên tạc PGHH.
    Qua vụ việc này cộng đồng PGHH tuy phải nhọc công, tốn sức, nhưng bù lại có thêm tinh thần cảnh giác, củng cố tình đoàn kết nội bộ, thống nhất ý chí đoàn thể và tự hào về Đức Giác giáo chủ và Giáo lý PGHH . Còn ngược lại giá trị Học viện, hệ thống điều hành, các thế hệ Tăng sinh và guồng máy tổ chức Học viện sẽ được dư luận đánh giá lại một cách nghiêm túc.Đồng thời về đẳng cấp sẽ được liệt kê ở tầng bậc nào về năng lực giáo dục và nhân cách của kẻ xuất gia,chắc chắn sẽ tụt hạng ghê gớm, nếu Học viện không tìm được giải pháp khôi phục thích hợp nhất. Chúng tôi chỉ bức xúc vì tính chất vi phạm pháp luật, và phạm giới thiền gia của cả HĐ/HV/PGVN Khóa 4 tại TPHCM, vô cớ xúc phạm PGHH, chứ không thiệt hại về lòng tin và giá trị thiêng liêng của nền chánh đạo. Vậy việc xấu trả lại cho người xấu, đấy là tính công minh cao viễn của luật nhân quả, Minh Thạnh chớ lo! Dù rằng Học viện cũng như MinhThạnh và lẻ tẻ một vài ý kiến khác cho rằng: “Luận văn tốt nghiệp” là quan điểm cá nhân của TT Huệ, lập luận này thật ngụy biện không cơ sở. Tôi không muốn lập lại nhiều lần một chứng minh phản biện xác đáng: “Tập luận văn tốt nghiệp” có GS Minh Chi hướng dẫn, có ông Thích Giác Toàn HĐ ĐH ký tên đóng dấu, TT Huệ được lãnh bằng tốt nghiệp cử nhân . Trong ngành giáo dục đào tạo không có một mảnh bằng nào mà tự cá nhân tạo ra tính pháp lý. Nếu luận văn trên là bài báo lá cải như Minh Thạnh, Bùi Kha…viết vu vơ không ai xác nhận, thì là quan điểm cá nhân, nhưng “luận văn tốt nghiệp” có hướng dẫn và xác nhận đóng dấu tức đã phản ánh quan điểm Học viện PGVN không thể chối cải!
    Trong một nhận định khác, Minh Thạnh còn cho rằng phổ biến rộng một
    tài liệu xuyên tạc trên sẽ làm gia tăng giá trị truyền thông “Luận văn
    TT Huệ”, xin lỗi Minh Thạnh, giá trị gì với một sản phẩm tồi tệ đã làm
    đảo huyền uy tín Học viện, xuống cấp đến mức trầm trọng không phương
    cứu vãn.
    * Ở điểm 3, Minh Thạnh đã hết sức tự tin đưa ra một sáng kiến bứt phá về qui định “rừng rú hoang dã” rằng: “còn nếu nó đã ra khỏi thời gian lan tỏa, đã “quá date” thì thời gian đã làm công việc giải quyết rồi. Nó đã bị quên lãng” .Nghe sao giống chuyện tình yêu ngang trái, cứ để thời gian giải quyết rồi sẽ phôi pha khỏi phải bận lòng!. Có lẽ TT Huệ đã thực hiện đúng theo ý kiến của Minh Thạnh, nên sau 10 năm dấu kín trong tủ hồ sơ, đến “quá date” năm thứ 11 (2012) cho tung ra thị trường bán đại hạ giá .
    – Ngụy luận của Minh Thạnh sắc sảo thật ! Vi phạm pháp luật mà có thời gian “quá date” để hưởng miễn tố, sao giống thực phẩm tiêu dùng, hay dược phẩm quá hạn sử dụng, cứ vứt vào sọt rác là xong. Luận theo luật pháp, thời gian lưu trử hồ sơ có hết “date”, nhưng tội lỗi xuất phát từ hồ sơ đó sẽ không quá “date” vì mảnh bằng cử nhân của th.Huệ đang còn giá trị sử dụng trong trường đại học Ấn Độ . Còn luận theo lịch sử thì thời gian nhật nguyệt trôi đi hàng ngàn năm nhưng tội ác của mọi triều đại, mọi nhân vật đều ở lại để chịu trách nhiệm với lịch sử ngàn sau, đó là biện chứng không thể chối cải và cũng không dễ bị quên lãng như Minh Thạnh đã ngụy biện! Thực tế chứng minh, gần đây bọn diệt chủng KHMer Đỏ, sau 34 năm, Tòa án Quốc tế còn lôi ra tử hình, Tổng Thống Ma Cốt quá “date” làm Tổng Thống sao còn bị giam giữ, bà Tổng Thống Philippin mãn nhiệm kỳ hết “date” vẫn bị truy tố, Tổng Thống Hàn Quốc cũng bị xử sau thời gian mãn nhiệm kỳ quá “date”. Rất nhiều trùm MaFia bị truy nã hàng chục năm và có biết bao tội phạmtrên thế giới không tên nào được hưởng qui chế “quá date” của Minh Thạnh, mà duy nhất chỉ có tăng sinh TT Huệ được “đẻ bọc điều” thôi! Nếu Minh Thạnh làm Lãnh đạo đất nước chắc Quốc gia không có nhà tù, nhưng bù lại toàn bộ quan dân đều là tội phạm quá date cả.
    – Tất cả những kẻ trộm cướp, gian giảo lúc nào cũng dùng xảo kế “thượng sách”: phá hủy tang vật và dấu vết phạm pháp, để tẩu thoát. Nhưng khi tang vật được phát hiện thì luật pháp bắt đầu truy cứu, phục hồi tang chứng và lập lại hiện trường y như mới xảy ra, dù thời gian đã hết “date” trên 10, 20, 30 năm.. Minh Thạnh hỏi lại ngành Công an, Tòa án…xem có phải vậy? Đặc biệt theo “qui định rừng”của Minh Thạnh ,chẳng những không truy cứu tội nhân “quá date” mà còn giúp cho phạm nhân quên luôn sự vi phạm để khỏi ăn năn sám hối với ai, khỏi phải khắc phục nhọc nhằn phí sức. Tuy nhiên ngoài qui định “quá date” miễn tố cho TT Huệ, riêng đối với những người chưa “quá date” như ông Lê Quang Liêm hay HT. Thích Không Tánh và những người chống đối tập luận văn tốt nghiệp của TT Huệ vẫn được xem là những đối tượng cần được “cảnh giác” thường xuyên để sẳn sàng bị chụp mũ “chính trị” vì đã “cố tình tạo ra mâu thuẩn giữa tín đồ PGHH và Học viện PGVN…một vấn đề lẽ ra không còn tồn tại để giải quyết” (lời bài báo). Minh Thạnh ăn nói quá ngược đời, phi đạo đức và phi pháp luật..quá thậm trọng. Là người đứng ra ngụy biện bào chữa cho TT huệ và Học viện, chắc Minh Thạnh là một phật tử hay ít nhất cũng là cảm tình viên của Phật Giáo, có lẽ đã hiểu và tin luật nhân quả nhà Phật. Một chân lý muôn đời vô thỉ vô chung không hề thay đổi, dù lòng người cố tình
    đổi trắng thay đen. Cổ nhân có câu:


    “Mỗi tội ác mỗi tờ giấy nợ,
    Nay không xong thì đợ thân sau”.


    Chứ không hề “quá date”như Minh Thạnh khéo đùa! Một ý tưởng tội lỗi được trình bày có chủ đề nghiên cứu thành luận văn tốt nghiệp cử nhân, được ký tên đóng dấu Học viện. Mà nội dung như một bài báo xúc phạm Đức Giáo Chủ, Giáo lý và tín đồ PGHH. Qua đó TT Huệ đã vi phạm: luật giới tỳ kheo xuất gia, phạm pháp lệnh Tôn giáo, phạm Hiến pháp CHXHCNVN, phạm luật tố tụng hình sự. Đúng thực tế TT Huệ thuộc đối tượng can phạm hình sự, chứ không phải chỉ vi phạm luật dân sự, không luật sư nào có thể biện minh bào chữa vô tội được. Thế mà Minh Thạnh lại khiển trách các cơ quan chức năng, Lãnh đạo Học viện PGVN/ TP/HCM – Ban trị sự TƯ/ PGHH phải “tổn sức giải quyết một vấn đề lẽ ra đã không tồn tại để giải quyết….không bận lòng cái lien quan…”(lời bài báo) . Đúng là một nhận định võ đoán hồ đồ! Minh Thạnh quyết đoán thật là trái đời vô liêm: Tăng sinh vi phạm có tang chứng, có xác nhận rõ ràng như TT Huệ thì được miễn tố vì thời gian “quá date”, còn người nguyên đơn(cộng đồng PGHH nạn nhân) Minh Thạnh dùng chiêu bài chụp mũ “chính trị” đe dọa, nhằm chạy án, thối thoát cho đương sự. Phải chăng Minh Thạnh muốn hại cho HV/PGVN/tại TPHCM thêm một lần mất uy tín nữa ,để nung nóng tình hình…nếu họ bất cẩn lật lọng làm theo ngụy thuyết tư vấn của Minh Thạnh?.
    Sau bài viết ngày 30/12/2012 nhằm cảnh giác cộng đồng PGHH bằng 5 luận điểm ngang ngược phi lý, cố tình chứng minh sự “quá date” thời gian vi phạm, đưa đến kết luận “không cần tổn sức giải quyết” và dùng đòn chụp mũ chính trị để đe dọa.
    Tuy đã nổ lực ngụy biện nhưng cũng không xoay chuyển được tình thế vụ việc. Minh Thạnh bèn đưa ra xảo kế thứ hai bằng bài viết: Vụ luận văn “Thực chất đạo Hòa Hảo”:

    – “Vài điều cần chú ý” ngày 5/01/2013
    Minh Thạnh đã thất bại về sáng kiến “quá date” ông lại chuyển sang hạ sách “lật lọng” nghi ngờ “bản photo không đẹp chữ nhòe nhoẹt”…muốn ám chỉ do người khác ngụy tạo. Minh Thạnh cho rằng: “Làm cho nhiều người đọc đến lời xúc phạm Đức Huỳnh Giáo Chủ là làm mất sự Tôn nghiêm của Ngài, trách nhiệm thuộc về Ông Liêm”, và dẫn vụ việc học sinh xúc phạm trưởng thượng, lại có người đem ra giữa chợ phanh phui là không nên. Minh Thạnh nhớ rằng tất cả mọi sự thật trên đời không ai bưng bít “lấy thúng úp voi” được. “Muốn người khác không biết trừ phi mình đừng làm”, việc phát tán rộng “luận văn tốt nghiệp” là do cộng đồng muốn biết sự thật về nền giáo dục của HV/ PGVN /tại TP/HCM ngày nay tồi tệ ra sao, lại để tăng sinh phỉ báng Phật pháp, đồng thời quảng bá rộng cho công luận đánh giá trung thực, không nhầm lẫn. Nhằm tạo cơ hội cho công luận tiếp cận những bài phản đối của cộng đồng PGHH ,những nhận định chính xác của thiện trí thức phê bình sự tội lỗi của tập “luận văn đọa tam đồ”và tìm hiểu sâu hơn về giáo lý PGHH bằng cách nhìn khách quan, Một sự so sánh cần thiết giữa: chánh, tà, chơn, ngụy, thiện ác là sự co sát thực tế nhằm nâng cao nhận thức công luận, giúp mọi người chọn môi trường tu tập đúng theo tinh thần chánh pháp:


    “Chọn nơi nào đạo chánh phượng thờ
    Thì mới được thân sau cao quí”


    – Ngư
    i hiền đức không bị kẻ tiểu nhân dèm pha là chưa thật hiền đức.
    – Đức Khổng Tử không bị đạo Chích miệt thị thì chưa thật sự là thánh nhân.
    – Đức Thích Ca không bị ma Ba Tuần phá khuấy thì lâu trở thành Phật Tổ Như Lai.
    – Đức Huỳnh Giáo Chủ không bị bọn ác tăng công kích thì còn nhiều
    người chưa biết Ngài là Phật lâm phàm chấn hưng Phật Giáo.
    Qui luật: “Phật ma ma Phật mới ra vở tuồng” là thế đấy! Trường hợp em học sinh xúc phạm bậc trưởng thượng, được kẻ trí đem ra giữa chợ công khai (như MinhThạnh dẫn chứng). Là người có tinh thần giáo dục đại chúng đúng đắn và đem lại lợi ích rất rộng lớn. Sự mất dạy của học sinh là do: Thầy dạy bậy, Cha mẹ thiếu giáo dục con cái, Nhà trường thối nát, người xúi dại, bênh vực kẻ xấu là hạng vô sĩ bệnh hoạn, sự hỗn láo của em học sinh không thể làm tổn thương giá trị bậc trưởng thượng. Ngược lại sẽ khiến thiên hạ coi lại bề gia giáo của mình. Trường hợp TT Huệ cũng tượng như trên, Minh Thạnh cứ suy thì biết, Sự tôn nghiêm của Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng tròn như nhật nguyệt một vài án mây bẩn không thể che khuất trời trăng. Nếu Ông Lê Quang Liêm phổ biến rộng “luận văn” thật là người có công vạch trần sự thật, không có ý đồ chính trị gì cả! Minh Thạnh đề nghị sáng kiến “lấy giấy bọc lửa” gợi ý tín đồ PGHH tìm TT Huệ để giải quyết, là xúi bậy, TT Huệ đang trốn tránh biết đâu tìm, nếu gặp hắn biết điều gì xảy ra…Ngọn nguồn gì còn chưa rõ đâu? Một tập luận văn đã có xác nhận ký tên, đóng dấu. Xưa nay trong “tụng
    đình” ít khi có chứng cứ đầy đủ tính pháp lý đáng tin cậy như vậy dù là một bàn photo. Nếu nay bản chính đã “hủy” bằng cách “phi tang” hay do qui định HV có Trời mà biết. Nếu đã oan ức có lẽ TT Huệ đã lên tiếng đính chính rồi có đâu trốn biệt lại để nhọc trí Minh Thạnh ngụy biện vòng vo! – HT Thích Giác Toàn đâu vô cớ đã thừa nhận việc không đâu. Ông Thích Đạt Đạo cũng xác nhận “luận văn thiếu chính chắn” bằng văn bản. Minh Thạnh ít nhất cũng một lần không tán thành lời lẽ của tác giả TT Huệ, nhưng còn bỏ câu thòng khi ruột đánh tráo. Không ai rảnh để làm việc phi lý ấy, HV/ PGVN xác định bản chính. Minh Thạnh phải hiểu rằng máy photo nó vô tư chính xác lắm ! Còn việc nghi ngờ có người rút xưa nay tín đồ PGHH có nhiều người chẳng hề nghe nói tới tên, vì họ là hạng nâng dân…nên không cần phải biết đến đâu. Theo sự khẳng định của Minh Thạnh: “bản photo không đẹp nhòe nhoẹt rất đáng nghi vấn”. Nếu như vậy thì đáng tin rồi, vì nó đã cũ theo thời gian 11 năm và màu giấy đều phai nhạt, nếu như bị rút ruột đánh tráo, sự khác biệt màu giấy và chữ viết rất dễ phát hiện. Còn ông Liêm đã gần trăm tuổi rồi, mắt mờ tai điết đi phải dìu, còn làm nỗi việc “linh miêu tráo chúa sao”, vả lại Ông Liêm xưa nay rất trọng Hòa Thượng, Yết ma… mà Học viện vốn không phải là đối tượng tranh đấu của ông. Việc Giáo sư Minh Chi qua đời cũng đã để lại lời phê và chữ ký, còn tác giả vắng mặt chứ đâu phải chết, cứ triệu hồi về đính chính nếu bị oan ức. Đến giờ này, nếu như không có cách nào ngụy biện khác hơn thì hãy xem bản sao photo là một chứng cứ pháp lý đáng tin cậy, đừng quanh co ấu trỉ nữa! Minh Thạnh cho rằng: “luận văn không phải là sách”. Đã có bạn tôi Đàm văn khẳng định: “không có sách nào không phải là luận văn” thật chí lý vô cùng!!! Minh Thạnh càng sai lầm khi cho rằng “luận văn” TT Huệ là học thuật xã hội, chúng tôi không chấp được. Khoa học xã hội là ngành học mang tính nhân văn, đạo đức, văn hóa, và nhân cách rất cao. Mặc dù lập luận có nhiều chiều tương phản về tư tưởng, nhưng không thể phỉ báng hồ đồ đến mức vi hiến và phạm thánh hung hản vô giáo dục như TT Huệ được. Trên thế giới, ngành học này luôn có khuynh hướng thiên về đạo đức. Minh Thạnh cố gượng so sánh trường hợp vua Gia Long có nhiều quan điểm đánh giá khác nhau về cuộc đời và sự nghiệp của ông, nhưng không ai dám phủ nhận ông là một vị vua có công thống nhất đất nước, có chủ quyền lảnh thổ, có đường lối cai trị, có thần dân trăm họ như bao nhiêu triều đại chính danh khác trong lịch sử. Không thể ví dụ dẫn chứng gượng gạo như Minh Thạnh được, khi so sánh hành vi hồ đồ phỉ báng của TT Huệ, là cái thứ ác nghiệt gì mà dám cho rằng: PGHH không phải là Tôn giáo, không phải tông phái Đạo Phật, mà chỉ là một tổ chức chính trị”. Trong cộng đồng Phật giáoViệt Nam chỉ có Viện trưởng Thích Minh Châu và Tăng sinh TT Huệ là cặp “sư, đồ” có ác ý đó mà thôi! Nay lại có thêm Minh Thạnh ngoại vi nỗ lực ngụy biện binh vực. Minh Thạnh đã ngập chìm trong ngụy thuyết còn lớn lối bao che rằng: “không thể cấm phát biểu ý kiến đã qua quá trình nghiên cứu học thuật như HV/PGVN tại TPHCM được”. Không ai cấm phát biểu ý kiến, nhưng Điều 70 Hiến pháp,Pháp lệnh Tôn giáo, và Điều 129 Luật TTHS Nhà nước HXHCNVN triệt để cấm : xúc phạm danh dự giáo chủ tôn giáo, phỉ báng tôn giáo và mạc xác cá nhân tín đồ các tôn giáo. Nếu ai vi phạm, bất kể chức vụ thành phần đều là kẻ phạm pháp. Ngoài ra những người có liên can cũng được xem là đồng phạm. Học thuật nghiên cứu gì ? Luận văn toàn là những nhận định sai lầm kiến thức, ngay cả những khái niệm thường thức Phật học phổ thông cũng không biết, còn hoài nghi pháp tịnh độ, không hiểu thập thiện, không rành bát chánh…Luận giải vu vơ, hồ đồ phỉ báng bằng định kiến của kẻ
    vô đạo thiếu giáo dục. Minh Thạnh chấp nhận lời phê của GS Minh Chi “luận văn đạt yêu cầu” về một bài luận văn phạm pháp sắp bị truy tố, phải chăng Minh Thạnh muốn tình nguyện được làm đồng phạm trước vành móng ngựa. Minh Thạnh quá ngớ ngẫn khi so sánh đối tượng nghiên cứu của 2 ngành khoa học xã hội (hữu tình) với khoa học kỷ thuật tự nhiên (vô tình) là vật chất. Luận điểm khoa học tự nhiên muốn chẻ sợi tóc làm tư, hay tìm kiếm thiên hà ,sao kim ,sao hỏa cách nào cũng được, không đụng chạm danh dự, nhân phẩm ai cả. Riêng khoa học xã hội (bao gồm: tôn giáo, lịch sử, nhân văn, tâm lý, chính trị phải tôn trọng qui định luân lý, đạo đức và luật pháp quốc gia…nếu sai lầm sẽ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và xung đột tôn giáo là một điều cấm kỵ. Giáo sư Minh Chi phê “nên tránh phê phán tôn giáo khác bằng lời lẽ nặng nề, tức cho phép TT Huệ phê phán không nặng nề” Còn HT Thích Đạt Đạo (trong thư phúc đáp) cấm hẳn: “với các tôn giáo không phê phán trong mọi trường hợp”, vậy ông Thích Đạt Đạo đã phủ nhận lời phê của GS Minh Chi, Vậy mà Minh Thạnh lại ngoan cố bào chữa, thật là bất minh!

    Kết luận “luận văn tốt nghiệp” của TT Huệ không mang tính học thuật khoa học gì cả, chỉ là một luận văn bài xích PGHH bằng luận điệu tà thuyết của một kẻ vô đạo thô lổ, bộc lộ thái độ thù địch cực đoan vô cớ. Minh Thạnh viết: “lấy gì bảo đảm nó y hệt nguyên bản” (tập luận văn) Nhưng cũng không: “lấy gì bảo đảm nó không y chang nguyên bản ?”, không thể có trường hợp mai kia nó “biến hóa” ngụy tạo vì đã có nhân chứng sống, thừa nhận bằng văn bản rồi!
    Hiện nay trên thực tế, sau khi đã vạch trần sự vi phạm luật pháp, hồ sơ này đã trở thành tập “luận văn phạm pháp” chứ không phải luận văn tốt nghiệp nữa, nên Minh Thạnh đừng hướng những nhà phê bình theo quỉ đạo khoa học tự nhiên. Mục tiêu chính cần nhắm tới là “pháp luật” dựa trên Điều 70 Hiến pháp CHXHCNVN, pháp lệnh tôn giáo và Điều 129 Bộ luật TTHS, để luận tội can phạm tăng sinh TT Huệ… Minh Thạnh còn đề nghị vô duyên hơn nữa là: “nên đưa vấn đề từ lãnh vực chính trị, tôn giáo về lãnh vực khoa học”. Vậy Minh Thạnh cũng thừa nhận “luận văn” trên thuộc lãnh vực tôn giáo và chính trị (rất nhạy cảm hữu tình) trở về đời sống vô cảm của khoa học tự nhiên, đó là mong muốn “không tưởng” của một luật sư bào chửa kém năng lực.
    Cuối cùng Minh Thạnh ảo tưởng vô lý ,khi đưa đề nghị giải quyết luận văn phạm pháp trên trở về giới hạn riêng tư của tác giả, trong khi sự vi phạm và diễn biến phản ứng đến tầm vóc quốc tế. Minh Thạnh cũng đừng cả lo giữ gìn sự tôn kính đối với Đức Huỳnh Giáo Chủ, đã có 7 triệu tín đồ PGHH ngày đêm chăm lo bảo vệ và có cả những nhà tri thức lương thiện khắp thế giới giúp sức. Minh Thạnh nên an tâm trở về lãnh vực “sân khấu điện ảnh ảo tưởng ” mà lo truyền thông đại chúng đi./.

    Sa Đéc
    24.01.2013

    Châu Lang

    Lần sửa cuối bởi Ngocle, ngày 01-27-2013 lúc 06:36 PM.

Categories: Tài Liệu Tham Khảo | Leave a comment

NÓI CHUYỆN VỚI “MINH THẠNH”

 

Viết bởi Đàm Văn.

Gần 2 tháng trôi qua, trước nổi bức xúc của Cộng đồng người tín đồ Phật giáo Hòa Hảo (PGHH), đối với luận văn tốt nghiệp của tăng sinh Thiện Huệ; vấn đề cho đến hôm nay (10/01/2013) vẫn còn bị đùn đẩy, chưa hề có một giải pháp khắc phục thành khẩn nào, hầu xoa dịu lòng tự trọng cho phía bị xâm hại!

Thế mà có những kẻ chẳng hề biết ất giáp gì, lại muốn nhảy vào phê phán tứ tung… Kẻ ngứa mồm, ngứa miệng ấy chính là Minh Thạnh, tác giả hai bài viết trên trang WWW.phattuvietnam.net/diendan/21749 Minh Thanh, đăng tải ngày 30/12/2012 và 05/01/2013 với luận điệu biện hộ và kết tội một chiều, đối với những người lên tiếng chung quanh luận văn “chưa chính chắn” (chữ của HT.Thích Đạt Đạo).
*Mở đầu văn bản viết ngày 30/12/2012. Minh Thạnh tuyên bố, y như lời kết án của một người “Công tố viên” rằng: Chúng ta cũng cần cảnh giác và tỉnh táo trước những tổ chức bất hợp pháp, cá nhân chống đối lợi dụng một luận văn khoa học thuần túy của một sinh viên để gây ảnh hưởng chính trị, truyền thông, gây chia rẽ và mất đoàn kết tôn giáo, dân tộc.

Chúng ta mà Minh Thạnh nói đến phải cảnh giác và chúng tôi cũng không cần phải dựa vào một tổ chức nào dù tổ chức ấy là bất hợp pháp hay hợp pháp giống như BTS,TƯ. PGHH Phú Mỹ! Chúng tôi dứt khoát không phải là những người thích làm loạn, mà chúng tôi chính là những người đang bị kẻ khác chà đạp vào hình tượng tôn thờ từ Giáo chủ, Giáo lý, nghi thức Phượng thờ và cả Cộng đồng đồ chúng. Nói một cách pháp lý hơn, là chúng tôi bị xâm phạm vào quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo do luật pháp quy định (PGHH được nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam công nhận được hoạt động bình đẳng với các tôn giáo khác từ năm 1999, trong khi luận văn “chưa chính chắn” viết vào năm tăng sinh tốt nghiệp 2001, sau đó 2 năm).Chúng tôi là những người đang bị chà đạp, quyền “hô quáng, la làng” là quyền bất khả xâm phạm của chúng tôi. Các ông đừng hoán đổi phạm trù thuần túy tôn giáo vào cái phù phép chính trị để hòng bịt miệng chúng tôi!

Chống đối là thế nào? Trước một cái xấu, cái ác cũng không được chống đối hay sao? Tại sao ông không dùng ý nầy vào 10 năm trước để nói với Thiện Huệ và HĐĐH Học viện Phật học tại Tp HCM? Ông Lê Quang Liêm là ai? Là một lão tín đồ PGHH gần 100 tuổi, khi có ai đó xúc phạm vào sự thiêng liêng của Đạo lên tiếng phản biện là sai sao? Hòa thượng Thích Không Tánh là ai? Là một chức sắc trưởng thượng của PG, lên tiếng để tìm biện pháp hàn gắn mối quan hệ giữa hai Tôn giáo PGHH và PGVN là chống đối chế độ ư? Việc kéo hai ông này vào và quy cho họ là chống đối chế độ Minh Thạnh không sợ người có tín ngưỡng Tôn giáo của cả hai bên cho rằng cái luận văn “chưa chính chắn” ấy là sản phẩm của chế độ hay sao? Ông là ai vậy Minh Thạnh – Một người đứng ngoài gọi gió, chế dầu vào ngọn lữa đang hừng hực cháy? Ông là ai, phải chăng chính ông là bọn xấu, đang âm mưu kích động một vấn đề mà cả hai bên PGHH và PGVN đang có một hướng giải quyết êm thấm? Chúng tôi là những người công dân Việt Nam, có tín ngưỡng Phật giáo Hòa Hảo, làm sao chúng tôi biết Ông Lê Quang Liêm, Ông Hòa Thượng Thích Không Tánh là thành phần nào, xấu hay là tốt? Có một điều chúng tôi chắc chắn rằng Ông Lê Quang Liêm đang thường trú tại Sai Gòn, sống bình thường, có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của một người công dân . Hòa thượng Thích Không Tánh hiện thời cũng đang thường trú tại một ngôi chùa, sinh hoạt giảng đạo bình thường như các bậc tu hành chân chính khác vậy thì ông Minh Thạnh lấy cớ gì mà cho những người nầy là người xấu?
Chống đối ư? Trong cái cõi ô trược nầy không ai sống mà không chống đối! Không chống đối cái xấu cái ác thì làm sao có được cái tốt, cái thiện, không chống cái độc tài, cái tham nhũng thì làm sao có cái tự do và cái liêm chính…Chúng tôi người tín đồ PGHH không hề có ý bênh vực cho hai Ông này, bởi dù gì đi nữa cả hai người đều là bậc tiền bối, đều biết phải làm gì và chắc có lẽ hai vị này đều không muốn ai bênh vực cho mình. Chuyện xấu tốt, hợp pháp hay không hợp pháp là chuyện của chính quyền, chúng tôi chẳng bận tâm về chuyện này đâu, cái vấn đề trước mắt là bất kỳ ai Hòa thượng Không Tánh hay cư sĩ Minh Mẫn giúp chúng tôi giải quyết vấn đề danh dự thỏa đáng là chúng tôi chân thành cám ơn họ, thậm chí cả những người nước ngoài Chà Và hay Ma Ní…Các ông này nếu có các hành vi phạm pháp, ắt sẽ bị luật pháp chế tài, hơi đâu mà ông Minh Thạnh lại lo xa chuyện ấy?
Lòng tôn kính của người tín đồ đối với một vị Thầy Bổn Sư là cao lớn hơn cả công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha. Cha mẹ ông Minh Thạnh không bị ai thóa mạ, phỉ báng nên ông có thể dửng dưng, xin ông không nên đứng ở góc nhìn “lòng tôn kính không bị chà đạp, nên lòng không sân nộ” mà có lời này tiếng nọ với chúng tôi: những người tín đồ PGHH đang phẩn uất!
Ông cho rằng sau văn thư phúc đáp của HĐĐH/HVPG/VN tại Tp/ HCM là một sự việc đáng tiếc xem như đã được giải quyết một cách êm đẹp. Giải quyết thế nào là êm đẹp??? Con em mình ném lữa cháy nhà người ta mà anh trả lời tỉnh bơ “Học viện rất lấy làm tiếc về sự việc này” rồi lại tiếp tục đưa ra thủ tục hành chánh của nhà Chùa: “Hội đồng Điều hành Học viện sẽ báo cáo Ban thường trực Hội đồng Trị sự GH.PGVN về sự việc nêu trên, đồng thời đề nghị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ đạo Ban trị sự nơi tăng sinh Thích Thiện Huệ thường trú để kiểm điểm, nhận khuyết điểm và xin lỗi Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo cũng như tín đồ Phật giáo Hòa Hảo về tư duy chưa chính chắn, làm ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin tôn giáo, cũng như biểu hiện sự chưa quán triệt sâu sắc về chủ trương đoàn kết, thân hữu giữa các tôn giáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam…”
“sẽ báo cáo”, nghe sao mà quá mơ hồ, giống như là một câu nói đẩy đưa và lại còn: “đồng thời đề nghị lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam chỉ đạo Ban Trị sự nơi tăng sinh Thích Thiện Huệ thường trú để kiểm điểm, nhận khuyết điểm…” Vậy mà cho đến bây giờ kẻ gây nên lỗi lầm vẫn chưa xuất đầu lộ diện, chừng nào mới đề nghị kiểm điểm, nhận khuyết điểm mà lại cho rằng trọng thị với tôn giáo bạn ư?

Sau khi cộng đồng đồ chúng PGHH, nhận được văn bản chuyền tay nhau của Giáo hội Trung ương PGHH, mọi người đều tỏ thái độ không đồng tình cách giải quyết vấn đề có tính cách lập lờ như vậy, nên có quá nhiều người, kể cả một số lớn Ban Trị Sự các địa phương đã đến chất vấn Giáo hội và đề nghi phương cách giải quyết. Kể cả ngay trong ngày lễ Đản Sinh Đức Huỳnh Giáo Chủ tại văn phòng Giáo hội Trung Ương.
*Trong văn bản viết ngày 05/01/2013. Minh Thạnh lại một lần nữa quy chụp trách nhiệm cho Ông Lê Quang Liêm là đã cho phổ biến, nhiều người biết đến những lời xúc phạm Đức Huỳnh Giáo chủ. Đây lại là một vấn đề, không những ông Minh Thạnh mà cả Hòa Thượng Thích Đạt Đạo đều có cùng một kiểu suy nghĩ chủ quan, lấy lòng mình mà đo dạ người khác. Trong văn bản Phúc đáp gởi cho Giáo hội TƯ/PGHH Hòa thượng Thích Đạt Đạo đã viết “…làm ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin tôn giáo…”, chúng tôi những người tín đồ PGHH chỉ biết một đời một Đạo đến ngày chung thân, lòng tín ngưỡng vào nơi Đức Thầy không có gì có thể chuyển lay, không có điều gì cũng như không hề có một lời thóa mạ nào có thể bôi đen, có thể ảnh hưởng đến niềm tin tôn giáo. Những ngôn ngữ vô giáo dục của Thiện Huệ làm gì có thể suy siển đến Đức Thầy chúng tôi là một đấng Giác ngộ. Cái vấn đề được đặt ra ở đây là cái ngôn ngữ chưa chính chắn ấy đã trực tiếp xem thường Pháp lệnh Tôn giáo, xúc xiểm thô bạo vào nghi thức thờ phượng của người tín PGHH đã được Nhà nước công nhận, đến hình tượng thiêng liêng của cả cộng đồng đồ chúng đang tôn thờ, bằng những luận chứng phi đạo pháp. Nếu loài người không kịp thời dập tắt những luận điệu thóa mạ người khác theo kiểu Tôn giáo độc tôn như vậy thì sự xung đột Tôn giáo tất yếu sẽ xảy ra, chiến tranh rồi cũng theo đó mà bộc phát. Điều này không có lợi cho ai cả! Chân lý có thể là một, nhưng chân lý không nhất thiết là phải được thể hiện và diễn đạt rập khuôn.
Cái mà Minh Thạnh không thấy được là khi phát hiện cái luận văn dơ bẩn này, ông Lê Quang Liêm đã có gởi cho Học viện PGVN tại Tp/HCM một văn bản đề nghị sớm giải quyết trong tinh thần Hòa Hảo và Đoàn kết Tôn giáo với nhau, bằng một buổi gặp gở ôn hòa. Thế nhưng, sau cuộc gặp gở giữa hai Tổ chức Giáo hội PGHH và Văn phòng HV/PGVN tại Tp/HCM và sau đó là một văn bản giải quyết có tính cách đẩy đưa, khiến tình thế trở nên nóng bỏng.

Sau rất nhiều bài nghiên cứu, phân tích,phê bình của nhân sĩ trí thức PGHH, có cả những Phật tử, cư sĩ tại gia thuần thành đã lột trần được tính cách thù nghịch của Thiện Huệ và sự tắc trách của HV/PGVN tại Tp/HCM, nên việc làm cho nhiều người biết đến luận văn chưa chính chắn ấy cũng là một cách đề cao cảnh giác, trước những âm mưu xuyên tạc làm mất đi sự thơm thảo với nhau giữa hai Tôn giáo. Trong sứ mạng đòi lại danh dự cho cả cộng đồng, không một ai nghĩ rằng là mình có công, ông tu ông hưởng, bà tu bà nhờ, đây là một Đạo lý, Minh Thạnh cần phải nhớ lấy!
Tôi có thể nói thẳng với những ai quan tâm đến vấn đề này. Minh Thạnh là một tên “phá bỉnh”, Nếu sự giải  quyết giữa PGHH và PGVN không được êm đẹp, phần lớn là do kẻ chế dầu vào lữa Minh Thạnh. Người tín đồ PGHH chúng tôi không hồ đồ đến nổi để cho HV/PGVN tại Tp/HCM lật ngược thế cờ theo cái kiểu xúi quẩy tráo đấu lường cân theo cách xúi bậy của Minh Thạnh. Ngay sáng ngày 07/12/2012 HV/PGVN đã trân trọng xác nhận là toàn bộ luận văn tốt nghiệp, kể cả nội dung mang đề tài THỰC CHẤT CỦA ĐẠO HÒA HẢO do Tăng sinh Thích Thiện Huệ thế danh Nguyễn Văn Huệ, MSSV A.4051 là hoàn toàn đúng, vậy mà sau gần một tháng trời (05/01/2013) Minh Thạnh mới đặt nghi vấn về nội dung và kêu gọi thận trọng! Ở đây là trong môi trường Đạo đức, không có những con người láu cá và cũng không có ai khờ dại mà phải chờ cho Minh Thạnh “vẽ đường cho hươu chạy”. Như vậy, sau khi xác nhận chắc chắn nội dung của luận văn không hề bị đánh tráo, thì Minh Thạnh, chính anh đã nhắc lại lời dạy của Đức Phật là cấm nói lời chia rẽ nói lời hung ác. Vì vậy, chúng ta đương nhiên không thể tán thành với một số lời lẽ của tác giả Thích Thiện Huệ (Chữ nghĩa của Minh Thạnh).Vậy thì anh hãy thể hiện sự không tán thành của anh đi, hởi con người “cao thượng”!
Minh Thạnh lập luận rằng: “Luận văn không phải là sách”, nhưng tôi cũng từng nghe rằng: “không một cuốn sách nào không phải là luận văn”. Nếu đúng là một luận văn với đầy đủ các luận điểm khoa học thì có lẽ không có vấn gì đáng nói. Anh không thấy sao, đây là một tài liệu phỉ báng đối tượng nghiên cứu, tôi không muốn nói với người đã chết (Gs Minh Chi) khi phê vào tài liệu “Đạt yêu cầu về công phu nghiên cứu về sưu tầm tài liệu”. Hãy giở trang cuối của tài liệu tất Minh Thạnh sẽ hiểu thế nào về hai chữ “công phu” mà Gs Chi đã ghi. Nghiên cứu một Tôn giáo mà ngoài một số ít kinh sách Phật giáo (6 b), một tài liệu duy nhất về Lão Tữ, về Sấm Ký Trạng Trình, riêng về đối tượng nghiên cứu thì ngoài quyển Sấm Giảng và Thi Văn Toàn bộ, còn lại chỉ vỏn vẹn ba tài liệu mỏng khác, trong đó có nguyệt san Đuốc Từ Bi số 5. Như vậy thì làm sao nó trở thành một luận văn nghiêm túc cho được?

Cuối cùng Mimh Thạnh đề nghị được giải quyết trên tinh thần học thuật! Cái tinh thần học thuật của Minh Thạnh là: “Không thể cấm phát biểu những ý kiến đã qua quá trình nghiên cứu trong môi trường học thuật như Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp HCM được…” Vậy là cái sản phẩm mất dạy của Thiện Huệ, mạ lỵ và phỉ báng tôn giáo khác là xuất phát từ quá trình nghiên cứu trong môi trường Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp/HCM phải vậy không ông Minh Thạnh? Cái học thuật mà Minh Thạnh nói đến là chữ Science, ngoài nghĩa học thuật, nó con mang nhiều nghĩa như sự hiểu biết, tri thức, học thức, học vấn và khoa học. Vậy, cái tài liệu thóa mạ và xúc xiểm người khác với những lời lẽ không văn hóa của Thiện Huệ, thì khi Minh Thạnh định đưa nó vào học thuật có thể được hay không? Chà đạp một nền tín ngưỡng tôn giáo khác cho dù ở trong môi trường nào cũng không thể chấp nhận một điều dễ thấy nhất, dễ cảm nhận nhất là nó đã vi phạm luật pháp quốc gia…Không cần phải bàn cãi gì thêm nữa!

KẾT LUẬN: 
Qua một vài nhận xét khách quan,chúng ta cùng thấy được là Minh Thạnh chính là kẻ đổ thêm dầu vào ngọn lữa PGHH đang cháy, một con người có đầy đủ mánh khóe lật lọng, trở trái làm phải một vấn đề mà phía sai phạm đã xác nhận, một kẻ ngoan cố, phủ nhận những vấn đề không thể phủ nhận. Một con người có quá nhiều dã tâm muốn phá vỡ sự đoàn kết, hòa hợp thân hữu giữa PGHH và PGVN.
Tốt hơn hết, tôi đề nghị Minh Thạnh hãy im lặng và đừng gây thêm sóng gió vô duyên như vậy.


Đ.V

Categories: Uncategorized | Leave a comment

Yury Dolgoruky là tàu ngầm hạt nhân chiến lược thế hệ thứ 4 lớp Borei gia nhập Hải quân Nga hôm 30/12/2012.

TIN BÀI KHÁC:

Tàu ngầm này được đặt tên theo người đã góp công lớn đối với thủ đô Moscow là Yury Dolgoruky – hay còn gọi là ‘Yury tay dài’.

Tàu Yury Dolgoruky được trang bị tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RSM-56 Bulava (‘Bulava’). Tên lửa “Bulava” được cho là sẽ trở thành nền tảng cho chiến lược hạt nhân của Hải quân Nga.

Tên lửa Bulava có thể mang cùng lúc 10 đầu đạn hạt nhân với các mục tiêu độc lập, có khả năng điều chỉnh đường bay.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Bulava dùng nhiên liệu rắn. Tên lửa này có thể đánh bại mọi hệ thống phòng thủ tên lửa.

Bulava có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách 8.000km. Trên mỗi chiếc Yury Dolgoruky có khoảng 16 tên lửa Bulava (với 6-10 đầu đạn mỗi quả).

Ngoài ra, tàu còn trang bị 6 ống ngư lôi 533 mm (ngư lôi, tên lửa-ngư lôi, tên lửa hành trình).

Về các thông số kỹ thuật khác, trọng tải choán nước của tàu là 14.720 t (14.488 tấn dài) khi nổi, 24.000 t (23.621 tấn dài) khi lặn.

Tàu dài 170m, sườn ngang là 13,5m, mớn nước: 10 m. Tốc độ chạy 29 hải lý một giờ (33 mph; 54 km/h) khi lặn; 15 hải lý một giờ (17 mph; 28 km/h) khi nổi.

Tàu có thể lặn xuống tới 450m. Thủy thủ đoàn là 52 người cùng với 55 hoa tiêu.

Tàu ngầm Yury Dolgoruky thuộc Đề án 955 do Cục Thiết kế Hàng hải Trung ương Rubin phát triển và hãng Sevmash đóng cho lực lượng hải quân Nga.

Các tàu ngầm lớp Borei thuộc Đề án 955 được chế tạo dự định để thay thế các tàu ngầm Đề án 667BDR Kalmar, Đề án 667BDRM Delfin và Đề án 941 Akula hiện đang phục vụ trong hải quân Nga.

Tất cả các tàu ngầm lớp Borei đều được trang bị một khoang nổi cứu hộ cho toàn bộ đội thủy thủ.

Việc xây dựng một chiếc tàu ngầm lớp này ước tính chi phí chưa tới 770 triệu USD.

Trong vòng tám năm tới, Nga lên kế hoạch xây dựng 10 tàu ngầm lớp Borei mới theo chương trình vũ trang toàn quốc giai đoạn 2011-2020.

Tất cả các tàu ngầm lớp Borei được kỳ vọng là mang lại nền tảng cho lực lược hạt nhân chiến lược cho hải quân của Nga trong các thập kỷ tới.

  • Lê Thu (tổng hợp)
Categories: Biển Đông | Leave a comment

Create a free website or blog at WordPress.com.