Chương chín: Hình thức tín ngưỡng của Phật Giáo Hòa Hảo.
Nội dung giáo lý Huỳnh Phú Sổ giảng dạy chính là đạo Phật căn bản và nguyên thủy. Nhưng ông đã đi xa hơn, vươn tới Phật Giáo Đại Thừa với giáo lý Học Phật Tu Nhân mà Tứ Ân là nền tảng. Có thể nói, Ông chủ trương không gì khác hơn là Học Phật Đạo và Hành Bồ Tát Đạo. Tất cả những ai hiểu rõ đạo Phật đều thấy được những tư tưởng Phật học rất trong sáng, giản dị chan hòa trong tất cả bài thuyết pháp của Ông. Và Ông, ngoài đặc tính nhấn mạnh thuyết TứÂn, không đưa ra những tư tưởng Phật học gì mới.
Có nhiều lý do giải thích: thứ nhất là trình độ tín đồ nông dân của Ông khó hấp thụ những tư tưởng cao hơn, thứ hai hoàn cảnh nhiễu nhương của đất nước không cho phép những người yêu nước thiết tha, quyết liệt như Ông chìm đắm trong những tác phẩm triết lý xa vời, thứ ba làÔng xuất hiện trên đời quá ngắn ngủi, chỉ 27 năm, và chỉ truyền đạo chưa đến bảy năm, thật ra, nếu chỉ tính những hoàn cảnh cho phép Ông thuyết giảng một cách tương đối tự do thì chưa đến một năm. Thứ tư là truyền thống Việt Nam nặng về cái tâm hơn là lý trí nên Ông chú trọng sáng tác các bài thơ chở đạo để đi sâu và ở lại bền vững trong muôn lòng hơn là những tác phẩm siêu hình chỉ một số nhỏ trí thức là có đủ khả năng để học hỏi, nghiên cứu.
Tuy nhiên, nhiều người đã coi Phật giáo Hòa Hảo như một nền Phật giáo cải cách, một nền Phật giáo đặc thù Nam Bộ, một nền Phật giáo có tính thời đại chính là ở hình thức tín ngưỡng của PGHH mà Huỳnh Phú Sổ đã giảng dạy cho tín đồ. Đây quả thật là một cuộc cách mạng, không những trong Phật giáo Việt Nam và Phật giáo thế giới, mà còn là một cuộc cách mạng trong lịch sử tôn giáo của nhân loại.
A/ PGHH là một tông phái Phật Giáo thuần túy tu hành tại gia.
Đây là một sự kiện vô cùng đặc biệt, độc đáo. Nói đến tôn giáo, là nói đến giới tăng lữ. Nói đến Thiên Chúa giáo La mã mà không nói đến Giáo Hoàng, các Hồng Y, Tổng Giám Mục, Linh Mục, một giai cấp độc quyền trung gian giữa “Thượng đế” và các con chiên, là chưa nói đến gì cả. Ngay cả Tin Lành, tự thân là một cuộc cách mạng tôn giáo, cũng không thể thiếu các mục sư. Phật giáo là tôn giáo có một đoàn thể tăng lữ độc thân sớm nhất trong lịch sử tôn giáo nhân loại và cũng là tôn giáo khai phóng nhất, tự do nhất, bình đẳng nhất, thế nhưng vẫn không thể thiếu một tầng lớp tu sĩ, là các tăng ni, hay gọi chung là tăng già.
Trải qua 25 thế kỷ, trong Phật giáo đã xuất hiện hàng chục tông phái khác nhau, chủ xướng những quan điểm tu tập không giống nhau nhưng dù khác biệt từ giáo lý đến nghi lễ, không một sự phân nhánh và phát triển nào của Phật giáo lại đi ra ngoài cái thông lệ là lấy giới tăng sĩ xuất gia làm cái chủ lực và tầng lớp lãnh đạo. Dù về mặt tư tưởng, đã xuất hiện rất sớm kinh Duy Ma Cật, đề cao tột đỉnh một vị cư sĩ, có trình độ Phật học và chứng đắc vượt xa tất cả đại đệ tử của Đức Phật, nhưng về mặt tôn giáo, vẫn chưa xuất hiện nổi một tông phái lớn và tồn tại lâu dài, mà trong đó chỉ có cư sĩ mà không có tăng sĩ. Huỳnh Phú Sổ và PGHH là một tông phái Phật giáo rất đặc biệt không những của PGVN mà còn của Phật giáo thế giới, và suốt 2.500 năm lịch sử Phật giáo mới xuất hiện một tông phái đặc biệt do cư sĩ sáng lập, quy tụ được 3 triệu tín đồ và tồn tại gần 60 năm, kế bị sự cấm đoán nghiệt ngã của bạo quyền.
Huỳnh Phú Sổ ra đời trong hoàn cảnh suy vi, thoái hóa trầm trọng của Phật giáo Việt Nam và hình ảnh người tăng sĩ là một hình ảnh tiêu cực, thấp kém trong xã hội. Việc Ông cạo đầu xuất gia làm tăng sĩ và cải cách Phật giáo dưới hình tướng của một tăng sĩ là việc Ông có thể làm dễ dàng. Và thật sự cuộc đời Ông đã sống như một tăng sĩ: độc thân, không tình ái nam nữ, ăn chay trường, và dành tất cả cuộc đời cho việc hoằng pháp, độ sinh.
Tuy nhiên Ông đã không xuất gia tu tại một ngôi chùa mà xuất hiện như một cư sĩ, một Phật tử tại gia thuyết pháp ngay tại nhà và dấn thân vào đời như một nhà ái quốc, một chiến sĩ cách mạng. Đặc biệt là dù mang hình tướng cư sĩ, nhưng tâm thức và hạnh nguyện của Ông là tâm thức và hạnh nguyện của một tăng sĩ: “Cởi áo cà sa khoác chiến bào… Tuốt gươm vàng lên ngựa xông pha. đền xong nợ nước thù nhà. Thiền môn trở gót Phật Đà nam mô…” Việc giữ nguyên hình tướng cư sĩ đã cho ông một không gian hành hoạt vô giới hạn, đi từ một “giáo chủ”, một vị tổ của một tông phái Phật giáo, đến vai trò chủ tịch một Mặt Trận kháng chiến, linh hồn sáng lập một chính đảng và tư lịnh tối cao của một lực lượng quân sự.
Do việc ông là cư sĩ và đã tạo nên một nền Phật giáo cải cách, mới lạ, cấp tiến, vượt ra khỏi khuôn khổ truyền thống, quen thuộc của Phật giáo nên đã không có sự tham gia của tăng ni v các tín đồ của Ông đều là những Phật tử tại gia. Nhưng không vì thế mà Ông bài bác sự xuất gia, trái lại ông đã viết về hạng Phật tử xuất gia một cách rất trân trọng, ca ngợi, tán dương chư tăng, ni đúng với hình ảnh tăng già thời Đức Phật, như Ông đã viết trong cuốn Những Điều Sơ Lược Cần Biết Của Kẻ Tu Hiền:
“Đạo Phật từ xưa đến nay luôn luôn phân làm hai hạng người:
1) Hạng xuất gia,
2) Hạng tại gia.
Hạng xuất gia gồm có các nhà sư hay những ni cô đã hoàn toàn ly khai với gia đình, quê hương, bè bạn, dựa thân vào cửa thiền hoặc núi non am cốc, hằng ngày chỉ chuyên lo kinh kệ, săn sóc cảnh già lam, trau luyện đức lành, dồi mài trí tuệ hầu giảng giải cho bá tánh, thập phương nghe để quay đầu hướng thiện quy y Phật pháp, không còn thiết đến việc đời. Gia đình nhà cửa của nhà sư là cả thế gian, thân quyến nhà sư là khắp cả nhân loại đại đồng. Đó là hạng người dốc tu cho mau thành Phật quả, thoát kiếp luân hồi”.
Một cách ngắn gọn, Ông đã tóm lược đầy đủ và xuất sắc lý tưởng, phẩm hạnh, đạo đức, đời sống của người xuất gia. Và dù thực tế thời đó không được tốt đẹp, cao cả như thế, đa phần hạng xuất gia, do thất học, không được giáo dục, huấn luyện nghiêm túc, đầy đủ, đã trở thành những ông thầy cúng thấp kém. Nhưng cái hay của Huỳnh Phú Sổ là Ông chỉ ca ngợi cái hình ảnh cao đẹp, chớ không đã kích thực tế tiêu cực của giới tăng sĩ. Ông đã rất sáng suốt không tạo sự bất hòa, xung khắc, xa cách giữa tăng sĩ và cư sĩ. ông chú trọng vào quần chúng nông dân, đánh thức họ, chuyển hóa họ thành những Phật tử gương mẫu, phục tùng, tôn kính Ông như là giáo chủ, nhưng vẫn tôn kính chư tăng, ni.
Sau khi ca ngợi chân thành người xuất gia, ông cũng ca ngợi nhiệt liệt người tại gia và khơi dậy tinh thần ái quốc, tinh thần trách nhiệm, đối với tổ quốc, đồng bào, xã hội và gia đình, cũng như khơi dây tinh thần đạo đức, hướng thiện và lý tưởng giải thoát, giác ngộ của người Phật tử tại gia. Trong lịch sử văn học Việt Nam, chưa có ai viết về người Phật tử tại gia, một cách tôn kính, yêu thương và chứa chan hy vọng như Huỳnh Phú Sổ đã viết, cũng như chưa ai nói đến tâm trạng của người tại gia một cách chính xác, đầy đủ như Ông đã nói:
“Hạng tại gia gồm tất cả đại chúng, tất cả thiện nam tín nữ chưa đủ những điều kiện xuất gia, vì cảm thấy mình còn nặng nợ với non sông, tổ quốc, với gia đình, với đồng bào xã hội, nên chưa thể làm như các nhà sư hay ni cô đặng. Tuy nhiên họ cũng sẵn sàng hoan nghênh ca tụng lý tưởng từ bi bác ái đại đồng của nhà Phật và luật Nhân Quả do Phật thuyết ra. Thế nên ở tại nhà, họ phượng thờ đức Phật, phát nguyệt quy y, giữ gìn ít điều giới luật, hằng coi kinh sách, sửa tánh răn lòng, ủng hộ các sư. Như thế họ cũng lần lần lên con đường giải thoát. Đây là hạng người học Phật tu Nhân.
Bàn xét như trên, thấy rằng toàn thể trong đạo chúng ta thuộc hạng tại gia cư sĩ, học Phật tu Nhân vậy”.
Chỉ trong một trang giấy, ông đã trình bày một cách súc tích, đầy đủ, chính xác những đặc tính của tứ chúng, tức bốn hạng đệ tử của đức Phật, là hạng xuất gia tăng (tỳ kheo) và ni (tỳ kheo ni) cùng hạng Phật tử tại gia, bao gồm cả thiện nam (ưu bà tắc) và tín nữ (ưu bà di).
Không có tăng, ni xuất gia là một đặc điểm lớn của tông phái PGHH và không xây chùa chiền là một nét đặc thù lớn của tông phái này.
đã có những thời đại, Phật giáo suy đồi vì giai tầng tăng lữ được ưu đãi quá đáng, nên nhiều người đã xuất gia mà không được tuyển chọn và giáo dục kỹ càng, cuối cùng đã trở nên một tập thể quá đông, quá ô hợp, thiếu phẩm chất đạo hạnh và trí tuệ của tăng già chân chính. Cũng đã có những thời đại, mọi tiềm lực trong nước bị phung phí vào việc xây chùa, đúc tượng, trong khi đó việc xây dựng đường sá, cầu cống, mở mang hệ thống giáo dục và y tế bị xao lãng.
Cũng có những thời đại nội dung Phật học, Phật pháp và bản chất trí tuệ, giác ngộ của đạo Phật bị lu mờ, thay vào đó là sự phô trương các hình tướng, hình thức, sự hưng thịnh của việc lễ bái, cầu xin và sự lan tràn của nạn mê tín dị đoan. Vào các thập niên đầu của thế kỷ 20, cũng như cho đến những năm cuối cùng này của thế kỷ, Phật giáo Việt Nam đã chịu cả ba thứ “pháp nạn” này: tăng, ni thiếu phẩm chất, chùa chiền không còn là trung tâm tu dưỡng tâm linh và Phật giáo bị thoái hóa, trở thành một tôn giáo mê tín, tầm thường, thấp kém, như các tôn giáo khác.
Thay vì thờ lạy, cầu xin Thượng Đế ,Chúa Trời, Chúa Giê Su, Đức Mẹ Maria, v.v… Phật tử thờ lạy, cầu xin chư Phật, Bồ Tát. Thay vì tin ở thiên đàng, địa ngục, Phật tử tin ở Tây Phương Cực Lạc và các cảnh giới địa ngục.
Hình ảnh đức Phật lịch sử có thật, là Phật Thích Ca, như một đạo sư, một vị Thầy, bị lu mờ và biến mất. Thay vào đó là hình ảnh của đức Phật A Di Đà, một Đức Phật thần thoại, chưa bao giờ có thật trong lịch sử, được tôn vinh thành một thứ thượng đế toàn năng, có khả năng cứu độ nhiệm mầu, chỉ cần thành tâm nhiệm danh hiệu Ngài là được về cõi Tây Phương Cực Lạc, một thứ thiên đàng nhiều vui thú.
Bất chấp luật nhân quả, luân hồi. Và từ đó người Phật tử trở thành những “con chiên”, nghĩa là những con cừu, ngoan ngoãn, dễ bảo, lười biếng.
Họ không còn là những đứa con tinh thần của Đức Phật, vì họ không còn thực hành lời dạy của Ngài là hãy dũng mãnh tự mình thắp đuốc mà đi, tự mình tinh tấn tu học để ngộ nhập tuệ giác Phật, nghĩa là tự mình giác ngộ và trở thành Phật. Họ cũng không còn là đệ tử của các vị Bồ Tát, đi vào cõi khổ đau để cứu khổ ban vui, mà chỉ mong trốn chạy thế giới đau khổ để an hưởng trong cõi Cực Lạc. Đúng là “càng tu càng phát triển lòng tham” và “càng tu càng tự chứng tỏ mình là người mê tín”.
Huỳnh Phú Sổ, trước tình trạng suy đồi toàn diện của Phật giáo, đã cố gắng tạo một hình thức tôn giáo mới cho đạo Phật, giản dị hơn, trong sáng hơn, hợp thời hơn. Không quy hướng về giới tăng lữ, ông lấy người Phật tử tại gia làm trung tâm và xây dựng mỗi tín đồ thành một người tu hành chân thật, không bị nô lệ trong danh sắc hình tướng.
Không xây dựng thêm chùa chiền mới nhưng Ông đã thật sự xây dựng nhiều ngôi chùa nhất trong lịch sử Phật giáo VN: mỗi mái nhà của tín đồ là một ngôi chùa, mỗi gia đình Phật tử là một “tăng thân” tu học. Ông đưa đạo Phật đến tận mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi mái nhà.
Mỗi người tự trực tiếp thực hành đạo Phật trong mỗi giây phút của cuộc đời mình, không cần trung gian của tăng, ni và không cần hình tướng của chùa chiền, hình tượng, chuông mõ.
đây là hướng đi tất yếu của nền Phật giáo thời đại và của mọi tôn giáo trong thế kỷ 21 sắp tới. Bởi vì, như đức Phật đã khai mở và vinh danh Con Người, như là những cá thể độc đáo, tự do và mầu nhiệm, cách đây 25 thế kỷ, các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, kinh tế, chính trị, giáo dục, văn hóa, xã hội ngày nay và trong tương lai gần sẽ tôn vinh đến tuyệt đỉnh con người, và cho mỗi cá nhân quyền năng vô hạn để tự chủ, tự lựa chọn, tự khẳng định, tự thăng hóa và tự giải phóng.
B/ Hình thức thờ phượng, lễ bái, cầu nguyện & sự ăn ở, giao tiếp, sinh hoạt của tín đồ PGHH.
Trong bài “Cách thờ phượng, hành lễ và sự ăn ở của một tín đồ PGHH”, viết tại Sài Gòn vào đầu năm 1945, Huỳnh Phú Sổ, khi đó chỉ mới 26 tuổi, đã có những nhận định dứt khoát, minh bạch và những cải cách quan trọng, mạnh dạn như sau:
“Thờ Phượng.
Từ trước đến nay, các chùa chiền đã tạo quá nhiều hình tượng. đành rằng vì tôn kính đấng Từ Bi mới làm ra thờ phượng Ngài, nhưng cũng có kẻ lợi dụng để thủ lợi. Bây giờ chúng ta không nên tạo thêm nữa. Làm thế chúng ta không có ý hủy báng sự phượng thờ của các chùa chiền. Cách thờ phượng ấy tùy theo điều kiện các sư mà chúng ta cũng thể sùng ngưỡng đặng. Nhưng riêng về cư sĩ ở nhà không nên tạo thêm nữa, nên thờ đơn giản cho lòng tin tưởng trở lại tâm hồn, hơn ở vào sự hào nhoáng bề ngoài.
Từ trước chúng ta thờ trần điều là di tích của đức Phật Thầy Tây An để lại. Nhưng gần đây có nhiều kẻ thờ trần điều tự xưng cùng tông phái với chúng ta, làm sái phép, sái với tôn chỉ của đức Phật, nên toàn thể trong đạo đổi lại màu đà. Lại nữa, từ trước đến giờ các sư dùng màu đà để biểu hiện cho sư thoát tục của mình, và mà ấy là sự kết hợp của tất cả các màu sắc khác nên có thể tượng trưng cho sự hòa hiệp của nhân loại không phân biệt chủng tộc và cá nhân. Vì vậy chúng ta dùng nó trong chỗ thờ phượng để tiêu biểu cho tinh thần vô thượng của nhà Phật.
Nếu trong nhà chật, nội bàn Thông Thiên với một lư hương không cũng được, bởi vì sự tu hành cốt ở chỗ trau tâm trỉa tánh hơn là do sự lễ bái ở ngoài. Còn người nào có cốt Phật trong nhà để vậy cũng đặng. Hình tượng bằng giấy không nên chừa lại và phải đốt đi.
Kẻ nào phải ở chung đậu với người khác không có tu hiền hay không cùng một đạo với mình hoặc nhà cửa nhỏ hẹp quá không có chỗ phượng thờ, thì đến giờ cúng kiếng chỉ vái thầm và niệm Phật trong tâm cũng đặng.
Về cách cúng Phật, chỉ nên cúng nước lạnh, bông hoa và nhang thôi. Nước lạnh tiêu biểu cho sự trong sạch, bông hoa tiêu biểu cho sự tinh khiết, còn nhang dùng đặng bán (tẩy) mùi uế trược. Ngoài ra chẳng nên cúng một món gì khác cả. Bàn thờ ông bà cúng món chi cũng đặng.
Ngoài sự thờ Phật, tổ tiên, ông bà, cha mẹ và những vị anh hùng của đất nước, không nên thờ vị tà thần nào khác mà mình không rõ căn tích.
Hành Lễ
Chỉ thờ lạy đức Phật, tổ tiên, ông bà, cha mẹ lúc còn sống và các vị anh hùng cứu quốc. Với những kẻ khác, nên bỏ hẳn sự lạy lục người sống, cho đến Thầy mình cũng vậy, chỉ xá thôi. Tất cả các hành động trong đạo hay ngoài đời, trước khi làm điều gì phải tính toán một cách cẩn thận, đừng làm chuyện ngông cuồng vô ý thức. Một đừng ỷ lại vào kẻ mạnh, hai đừng ỷ lại vào sự cứu vớt của Thần Thánh, ba đừng ỷ lại vào sự cứu vớt của Thầy mình. Luôn luôn, lúc nào cũng phải nhớ câu Nhơn quả của Phật dạy, nếu Nhơn toàn thiện thì Quả cũng sẽ do đó được toàn thiện vậy. Kẻ nào hành động ngông cuồng không suy xét cẩn thận để ến nổi thất bại đem đến sự khó khăn, khổ não rồi trách cứ kẻ mạnh sao không cứu mình, Thầy sao không giúp mình, Trời Phật sao không độ mình, thì sự lầm lạc ấy rất đáng thương hại.
Mỗi người hãy nên lấy trí thông minh nhận xét đạo lý hay lời nói của Thầy mình, chớ đừng lấy đức tin thọ lãnh những lời nói đó trong khi mình chưa hỏi tường tận. Như thế, mình mới có thể tấn hóa trên con đường đạo đức.
Những điều sơ lược giải thích trên đây, mong rằng toàn thể trong đạo hãy suy gẫm kỹ càng và thực hiện để bài trừ sự mê tín ngông cuồng của thiểu số người trong đạo, làm cho tư tưởng thiện hòa của Phật đạo được phát triển mau chóng”.
Từ ngàn xưa cho đến năm 1945, không có một nhà lãnh đạo tôn giáo Việt Nam nào đã đưa ra những lời khuyên dạy tiến bộ, tự do, khai phóng, chí lý, sâu sắc, nhưng cũng vô cùng giản dị như thế. Những tư tưởng này hết sức thích hợp cho Phật tử ngày nay và đặc biệt là vẫn thể hiện trung thực, hoàn hảo cốt tủy tư tưởng đạo Phật là lý nhân quả và đặt trọng tâm vào việc tu tâm sửa tánh, chớ không phải vào hình tướng, lễ nghi bên ngoài. Có nhiều Phật tử có lẽ không đồng ý là việc không thờ các hình tượng Đức Phật. Về điểm này cần giải thích.
Trước hết tu không có hình tướng khó hơn là tu có hình tướng như ảnh, tượng, chuông, mõ v.v… trợ lực. Nhờ có hình tướng, chúng ta sẽ dễ tu tập hơn, nhưng cũng dễ đi sai với giáo lý đạo Phật. Đức Phật chỉ tự coi mình là một bậc đạo sư chỉ dẫn con đường tu tập cho chúng sanh, chớ Ngài không bao giờ tự xưng là tần linh vạn năng có thể cứu giúp những kẻ cầu khẩn Ngài. Hơn nữa Phật pháp lấy giáo lý nhân quả, hay nhân duyên, làm nền tảng, gieo nhân gì thì gặp quả ấy, không thể vì cầu khẩn, lễ bái mà làm sai lác lý nhân quả được.
Mặt khác, ngay cả toàn thể giáo lý, kinh điển Phật giáo cũng chỉ là những phương tiện, những chiếc bè để qua sông hay những ngón tay chỉ mặt trăng, chấp vào Phật pháp, là nội dung của đạo Phật, còn bị chính Đức Phật bài bác, huống gì là chấp vào các hình tướng, lễ nghi, phần lớn là có tính cách mê tín dị đoan. Về hình ảnh, tượng của Đức Phật thì nếu Ngài được thấy những hình ảnh và tượng ấy, có lẽ Ngài cũng không nhận biết đó là ai. Phần lớn, nhất là những hình, tượng màu, đã trình bày Đức Phật như một ngưới ái nam ái nữ: Ngài bị kẻ lông mày, lông mi, đánh môi son đỏ chói, trét phấn hồng lên má và với hào quang đủ màu.
Thiền sư Nhất Hạnh đã hoàn toàn có lý khi viết nếu không tìm được một bức hình hay pho tượng Phật đẹp, nghĩa là toát ra được sư uy nghi, trang nghiêm, hùng tráng và nét từ bi, an lạc và giác ngộ, thì nên thờ một bông hoa thì có ý nghĩa hơn. Trước Nhất Hạnh 50 năm, Huỳnh Phú Sổ đã khuyên dạy tín đồ chỉ nên thờ một miếng vải màu đà (thời đó chưa có cờ Phật giáo) thay vì thờ các hình vẽ Đức Phật, một cách lệch lạc, giả tạo.
Việc này còn có ý nghĩa quan trọng hơn: ông muốn Phật tử hãy hướng vào nội tâm, tìm Phật tánh của mình, để chính mình cũng trở thành Phật, chớ không lười biếng, dễ dãi quỳ lạy một hình vẽ và cầu mong đủ thứ, chỉ phát triển thêm lòng tham và sự ỷ lại, là hai chướng ngại lớn trong con đường tu tập và giải thoát.
Không những trình bày rõ ràng, đơn giản cách thờ phượng, Huỳnh Phú Sổ còn quan tâm và hướng dẫn việc tang lễ, hôn nhân cũng như những vấn đề thực tế khác của đời sống, liên quan đến mọi người, từ việc giải trí, học vấn đến việc thể dục, ăn ở hàng ngày, một cách rất hợp thời đại, giống khá nhiều với các nước tân tiến ngày nay, nhưng vẫn giữ đúng truyền thống dân tộc và hoàn toàn phù hợp với đạo Phật chân chính. Tiếc rằng, từ Đức Phật đến ngày nay, những vấn đề quan trọng này vẫn chưa được tăng, ni, Phật tử áp dụng một cách thống nhất và thể hiện đứng đắn bản chất trí tuệ, lành mạnh, trong sáng của đạo Phật:
“Tang lễ
Lúc ông bà, cha mẹ từ trần, tục để tang chúng ta vẫn theo cổ lệ, chỉ cần sửa đổi các sự như sau đây:
Bây giờ chúng ta đã quy y đầu Phật, thì phải do sự thành tâm cầu nguyện, và đem sức khấn vái của anh chị em trong đạo cầu nguyện cho vonh linh người chết được siêu sinh nơi cõi thọ. Chẳng nên rước những ông thầy dưng bông, đốt giấy tiền vàng bạc, xá phướn lầu kho, vì đó là chuyện tốn tiền vô ích, bởi vì người ta nhận định rằng xác thịt là hư hoại, thì trong lúc chết chỉ đem chôn cất cho kín đáo, đừng để hôi thúi có hại cho người sống, như thế là đủ rồi. Còn hiếu sự do hồi còn sanh tiền và do sự tu hành, sự thành tâm cầu nguyện chớ không có tiền rước người khác cầu nguyện mà đạt được hiếu thuận nhơn nghĩa. Chỉ vọng bàn giữa nhà hay giữa trời cầu nguyện, rồi im lặng đi chôn.
Về việc cúng kiếng ông bà cha mẹ, có chi cúng nấy trong những ngày kỷ niệm theo như tục lệ. Còn về việc đãi đằng hương đảng thì tùy ý. Những điều nào xét ra giản tiện, ít lãng phí cứ làm.
Cách cầu nguyện cho người chết.
Mỗi người đứng trước bàn Phật niệm “Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật” (ba lần) và “Nam mô A Di Đà Phật” (ba lần).
Vái “Phật Tổ, Phật Thầy, nay con thành tâm cầu nguyện cho … (tên người chết), nhờ ơn đức Phật từ bi cứu độ vong linh được thoát chốn mê đồ, vãng sanh miền cực Lạc”…
Nên Lưu ý: Tang gia đừng nên khóc lóc làm trở ngại sự siêu thoát anh linh của người chết.
Hôn nhân
Bổn phận cha mẹ phải chọn lựa đôi bạn cho con một cách xứng đáng bằng sự quan sát tường tận về đức tánh đôi trai gái. Không nên ép uổng con cái quá đáng vì như thế làm cho khốn khổ nó về sau, nhưng cũng không nên để chúng quá tự do mà sự thiếu kinh nghiệm làm cho đời chúng phải hư hỏng.
Nên bỏ tục lệ thách giá đòi tiền và đòi lễ vật. Thông gia hai bên không nên làm khó cho nhau. Cũng chẳng nên bày ra tiệc lễ linh đình tốn kém nhiều tiền làm cho trở nên nghèo khó.
Những điều được tránh hẳn hoặc được châm chế hoặc nên làm.
Uống rượu: Phải cử tuyệt, nhưng khi có tiệc lễ với người ngoài và không phải nhằm ngày chay lạt, có thể dùng một đôi chút rượu thật nhẹ để đừng có tỏ sự chia rẽ với kẻ ngoại đạo. Nếu say sưa sẽ phải tội lỗi.
Thuốc phiện: Phải cử tuyệt không được hút một điếu nào hết. Những kẻ hút muốn vào đạo, phải bỏ hút rồi mới nhìn nhận. Trừ những người đau mà thầy thuốc bảo phải dùng một chút ít hợp với các vị thuốc khác mới có thể châm chế đặng.
Cờ bạc: Phải cử tuyệt, những kẻ cờ bạc muốn bào đạo, phải thệ nguyện bỏ cờ bạc rồi mới được nhìn nhận. Về sự này, chẳng có cuộc vui nào có thể châm chế đặng.
Đối đãi các tăng sư: Tất cả bổn đạo nên cung kính các tăng sư tu hành chân chính. Nếu các ông ấy có dạy điều chánh lý, phải nghe lời. đối với những hạng tu hành mà mình biết rõ là dối thế (như mấy ông thầy đám…) hãy tìm cách khuyên can các ông trở lại con đường chân chính của đạo Phật. Nếu các ông vẫn tiếp tục làm điều tà mị, mình phải bài trừ triệt để và giảng giải cho quần chúng cùng những tín đồ nhà Phật hiểu đặng xa lánh họ.
Đối với chùa chiền: Những ngày vía của các Đức Phật, ngày rằm hay ba mươi, mình muốn đi chùa cũng tốt, đặng lễ Phật dưng hoa, không có cấm. Nếu chùa nào nghèo, hư, rách, mà mình giúp đỡ được càng tốt (có điều mình không nên mua sắm hình tượng cho nhiều).
Khi đến chùa cũng phải tôn trọng sự thờ phượng trong chùa không nên hủy báng.
Đối với các tôn giáo khác và nhân sanh.
Đối với những người theo tôn giáo khác, không nên đụng chạm đến cách thức tu hành của họ. Nhứt là không ỷ đông hiếp đáp hoặc nói xấu người ta. Nếu họ có làm dữ với mình, thì mình cũng chẳng được phép vì sự dữ của họ mà trả thù, và phải luôn luôn làm lành với họ. Mình phải hoài hoài làm phải với những kẻ ấy dầu họ có làm quấy với mình cũng mặc và phải nhẫn nhịn họ.
Đối với nhân sanh, bao giờ cũng phải hòa hợp với họ và làm cho đôi đàng có thiện cảm với nhau. Phải biết thương xót đến họ và nếu khi nào họ cần dùng, phải rán hết sức giúp đỡ họ.
Để tóc:
Tất cả bổn đạo nên biết rằng Thầy không có buộc để tóc, vì đó thuộc về phong tục chớ chẳng phải về tôn giáo, nhưng sở dĩ Thầy để tóc là muốn giữ kỷ niệm cái phong tục cổ của tổ tiên và tỏ cho thiên hạ biết Thầy không chịu ảnh hưởng cái đời văn minh cặn bã của phương Tây. Thấy vậy, nhiều người trong bổn đạo yêu mến Thầy liền bắt chước, vì thế số đông người hiểu lầm rằng để tóc là tu. Thật ra tu là tu, để tóc là để tóc, và tu không phải là để tóc, để tóc không phải là tu. Nếu để tóc mà không chịu trau tâm sửa tánh cũng chẳng phải là kẻ tu hành. Từ rày trở đi đã thoát được ách người Pháp và tùy theo phong trào tiến hóa của nước nhà, Thầy cho phép bổn đạo tự do cải cách hầu hòa hợp với lương dân cùng tôn giáo khác.
Sự học:
Sự học hành không làm trở ngại cho đạo đức. Trái lại, nhờ nó mình được biết rõ ràng giáo lý coa siêu của các tôn giáo. Nó tránh cho mình những sự lầm lạc, bỏ các điều dị đoan mê tín. Nó làm cho mình dịp bỏ những điều huyễn hoặc không bàn bạc những chuyện xa vời (như tiên đoán thiên cơ chẳng hạn).
Vậy hãy tự mình học hỏi (học chữ quốc ngữ, v.v…) và hãy cho con cháu mình vào trường học tập đặng sự hiểu biết của chúng thêm rộng rãi. Vả lại, sự hiểu biết về khoa học không cản trở sự tu hành và nó giúp cho mình nghiên cứu đạo Phật thêm rành rẽ.
Thể dục:
Người trong bổn đạo nam nữ bất luận, phải giữ gìn thân thể cho khỏe mạnh. Như thế nên luyện tập những môn thể dục nào hợp với sực khỏe nếu mình muốn, bởi vì xác thịt có khỏe mạnh, tinh thần mới sáng suốt, như thế mình mới có thể làm sự đạo nghĩa một cách đắc lực.
Ăn ở:
Kẻ tu hành ăn uống phải có điều độ. Tránh những món ngon sống nấu toàn đồ độc cho cơ thể ăn vào sanh bịnh. Phải giữ gìn thân thể sạch sẽ và từ nhà cửa cho đến chỗ ăn, chỗ nằm, phải biết trọng vệ sinh. Bỏ những thói quen ăn ở dơ bẩn, vì xác thịt dơ dáy thì tinh thần không thể nào mở mang được, và vì Thần Thánh chỉ gần những kẻ trong sạch, nên nếu ai muốn được tiếp độ phải trong sạch vừa tinh thần lẫn vật chất.
Cách làm ăn:
Cách làm ăn phải y như trong mục Bát Chánh đã dạy:
– Bỏ những sự bất chánh: lường cân, tráo đấu, buôn lậu, đầu cơ, buôn rượu, bán thuốc phiện…
– Làm những nghề lương thiện, không có lường gại ai, bỏ những thói gian xảo.
Điều kiện vào đạo:
Người nào muốn quy y phải có hai người bổn đạo cũ, có đức hạnh tiến cử và bảo lãnh, đến ban trị sự trong làng cho người làm đầu biết và người làm đầu phải đọc hết thể lệ về sự tu hành cho người quy y nghe, hỏi coi có bằng lòng quy y như lời nguyện dạy và răn cấm trong đạo chăng. Nếu họ bằng lòng, biểu họ về nhà cho ông bà cha mẹ biết, hoặc nguyện trước bàn thờ ông bà tổ tiên rằng: Ngày… tháng… con chịu quy y theo đạo. Sau đó người làm đầu (hội trưởng) cho cuốn sách nhỏ này. Chỗ nào không có Ban Trị Sự, hai người bổn đạo cũ phải dìu dắt người mới, rồi sau sẽ dẫn lên Ban Trị Sự gần dó, không bắt buộc thề thốt chi hết, vì người muốn tu do nơi sự phát nguyện của mình thôi. Khi nào mình không muốn giữ đạo, mình phải cho người tiến cữ hay đặng bôi tên mình ra. Không người nào được phép xưng mình là người trong đạo mà không giữ luật. Kẻ nào làm trái luật lệ trong sự đạo đức dầu không xin thôi đạo hay là chưa bị bôi tên cũng bị trách nhiệm việc làm của họ và bị coi như người ngoại đạo.
Nên nhớ rằng: đức Phật sẽ dìu dắt và ủng hộ những kẻ nào làm ăn chơn thật, hiền lành đúng theo giáo lý của Ngài, chớ không bao giờ Ngài lại ủng hộ những kẻ gian tà xảo quyệt, làm các việc hung ác ngông cuồng trái những lời mà Ngài đã chỉ dạy”.
Cách đây 50 năm, khi chỉ mới 26 tuổi mà Huỳnh Phú Sổ đã có những lời chỉ dạy, tuy đơn sơ, giản dị, ngắn gọn, nhưng rất chi tiết, rất cần thiết, hoàn toàn phù hợp với đạo Phật và với thời đại như thế thì thật là hy hữu.
Ngay cả đức Phật, dù hoằng hóa trên cõi Ta Bà này dài hơn Huỳnh Phú Sổ 53 năm, có nhiều thì giờ để thuyết pháp giáo huấn cũng như chỉ dạy việc tổ chức, sinh hoạt của tăng già cũng như của giới Phật tử tại gia, nhưng tiếc thay Ngài đã quên không chỉ dạy cặn kẽ, rõ ràng đầy đủ những việc sinh hoạt ăn ở hàng ngày cũng như cách thức vào đạo, sinh hoạt trong đạo của người tại gia nên Phật giáo suốt hơn 25 thế kỷ qua cho đến ngày nay phải chịu một tình trạng hổn loạn, tạp nhạp, mê tín dị đoan trong việc tang lễ, thờ phượng cũng như tình trạng yếu kém, lỏng lẻo, rời rã, phân tán, vô tổ chức, vô kỷ luật.
Để trở thành một tín đồ, ngoài tam quy ngũ giới, Phật giáo cần phải có những quy định về việc tham gia, sinh hoạt trong đạo. Tình trạng hiện tại, và suốt hai ngàn năm qua riêng tại Việt Nam, bao nhiêu người là Phật tử, bao nhiêu người mới quy y, bao nhiêu Phật tử đảo bỏ đạo v.v… cũng không biết thì nói gì đến việc đoàn ngũ hóa tín đồ và thi hành các Phật sự quan trọng khác. Trong năm tôn giáo tại Việt Nam là Phật giáo, Phật Giáo Hòa Hảo, Cao Đài, Thiên Chúa Giáo La Mã và Tin Lành thì Phật giáo là tôn giáo đông nhất, nhưng cũng là tôn giáo lôi thôi, yếu kém, hổn tạp, phân hóa nhất về mặt tổ chức và lãnh đạo.
Huỳnh Phú Sổ, dù lãnh đạo một số lượng tín đố lớn khi còn rất trẻ, mới ngoài 20 tuổi, đã có những quan tâm đến việc đáng quan tâm và giảng dạy rõ ràng, đy đủ, giản dị tất cả những gì liên quan trực tiếp nhất, thông thường nhất đến đời sống tu hành và đòi sống xã hội hằng ngày của các tín đồ.
Không những giảng dạy rất đúng, rất chí lý, rất hợp thời, ông còn giảng dạy rất dễ thương và có tính thuyết phục cao độ. Những tục lệ mê tín dị đoan và những thói quen lâu đời, ăn sâu trong xương tủy của người dân và phổ biến lan tràn trong xã hội, vừa như một bịnh dịcyh, vừa như những bức thành kiên cố, đã bị ông xô ngã, đập tan một cách tài tình, kỳ diệu. Như tật ở dơ, thiếu vệ sinh, là một tệ nạn lớn, khủng khiếp tại Việt Nam, chắc các cơ quan y tế cũng đã có giáo dục dân chúng nhưng chưa chắc đã có mấy ai nghe. Huỳnh Phú Sổ cũng dạy phải ăn ở sạch sẽ, nhưng ông thêm rằng Thần Thánh không có cứu độ những kẻ ăn ở dơ bẩn, thiếu vệ sinh. Phải nói như thế, và sự thật là đúng như thế, thì mới mong thuyết phục được quần chúng bình dân.
Hay như việc phi tập thể dục, nửa thế kỷ trước thể dục ít ai quan tâm và thấy được sự lợi ích dù không tốn bao nhiêu thì giờ, công sức. Nhàn rỗi và làm biếng là một tệ nạn lớn, khủng khiếp khác tại Việt Nam. Ông khuyên nam nữ, già trẻ nên tập thể dục và nhấn mạnh là nhờ tập thể dục thì mới có thể “làm sự đạo nghĩa một cách đắc lực“. Hay việc học vấn, Ông khuyên mọi tín đồ nên đi học để sự hiểu biết thêm rộng rãi. Chí lý hơn nữa là Ông còn nhấn mạnh “sự hiểu biết về khoa học không cản trở sự tu hành và nó giúp cho mình nghiên cứu Phật đạo một cách rành rẽ“. Thật là tuyệt diệu và đúng vô cùng. Những ai cảm thấy mù mờ về thuyết sắc, không, vô ngã, tương tức, tương nhập… của đạo Phật thì nên đọc thêm những cuốn sách khoa học như cuốn The Tao Of Physics thì sẽ thấy các thuyết này sáng tỏ, rất dễ hiểu.
Ông cũng quan tâm đến sự ăn uống. Các thức ăn của thân xác, và của tinh thần như sách, báo, truyền hình, phim ảnh, nhiều thứ là những chất độc, ăn vào đương nhiên sẽ sinh bịnh, thân bịnh và cả tâm bịnh, tùy theo món ăn và chất độc hại của chúng cho thân hay cho tâm.
Ông cũng khuyên dạy một tinh thần khai phóng tư tưởng, khoan dung tôn giáo và nhu hòa, nhẫn nhục cao độ, tuyệt đỉnh, thể hiện một nhân cách siêu phàm, cao cả vượt xa nhiều vị giáo chủ hay lãnh đạo tôn giáo tên tuổi khác.
Điều đáng khâm phục là tất cả những gì Huỳnh Phú Sổ giảng dạy đều hoàn toàn đúng, hợp thời và hợp tình hợp lý. Ngay cả các vị giáo chủ của các tôn giáo lớn như Đức Phật ThíchCa hay Chúa Giê Su cũng có đôi điều không tránh khỏi sai lầm hay những lời khuyên dạy không còn hợp thời nữa.
Như Đức Phật, trong kinh Di Giáo, đã dạy nhiều điều rất hay và hết sức hợp thời như:
“Coi tướng kiết hung, trông xem tinh tú, tìm tòi suy thành, coi ngày đoán số đều không nên làm… (Tăng, ni) không nên … luyện bùa chú, nấu tiên dược, giao hảo người quyền quý, thân hậu kẻ khinh mạn…”
Tuy nhiên Ngài cũng dạy chư tăng, ni: “tất cả mọi sự trồng trọt… đều phải xã bỏ… điều chế thuốc thang… không nên làm” (Phật Tổ Ngủ Kinh, Thích Hoàn Quan dịch).
Những lời dạy này hiển nhiên là không đúng và không hợp thời. Nếu các tăng ni không trồng trọt thì lấy gì để sống? Nếu tăng, ni không trồng trọt thì bắt buộc phải có người khác trồng trọt và cúng dường để tăng, ni thụ hưởng. Trồng trọt thì đương nhiên phải cày xới đất đai và không tránh được việc sát hại các côn trùng. Không những thế, ngày nay, trên một thửa ruộng nhỏ cũng cần phải dùng thuốt sát trùng và chắc chắn sẽ sát hại hàng triệu con côn trùng nhỏ bé.
Nếu việc này tạo nghiệp xấu và tăng, ni trốn tránh không làm để cho Phật tử làm, Phật tử chịu nghiệp, còn mình làm những việc nhàn hạ hơn và không tạo nghiệp thì đó có phải là những người tu hành chân chính hay không? Nhất là khi chính mình thụ hưởng những gạo cơm, hoa trái cúng dường của Phật tử từ công sức làm việc trồng trọt khó nhọc và tạo nghiệp sát sinh này?
Lời dạy không trồng trọt của Đức Phật đã bị chứng minh là không hợp thời bởi các vị tổ nông thiền như Ngài thiền sư Bách Trượng chủ trương “nhất nhật bất tác nhất nhật bất thực” (Một ngày không làm là một ngày không ăn), làm theo nghĩa của tổ Bách Trượng có nghĩa là trồng trọt, cày cấy, sống bằng nghề nông, cùng vô số thiền sư, thiền sinh, tăng ni khác. Cũng như đã bị bác bỏ bởi tổ y học Việt Nam là thiền sư Tuệ tĩnh và vô số tăng, ni y sĩ mang hạnh bồ tát cứu người bằng việc chửa trị, xem mạch và bốc thuốc, nghĩa là “điều chế thuốc thang“, theo nền y học dân tộc. (ở đây cần làm sáng tỏ quan niệm tích cực nhập thế, phụng sự cuộc đời của đạo Phật để đọc giả khỏi hiểu lầm, ngộ nhận Phật giáo là tiêu cực, xa lánh cuộc đời như Giáo Hoàng John Paul II trong tác phẩm Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng đã bóp méo, xuyên tạc, phỉ báng đạo Phật, gây chia rẽ tôn giáo và đào sâu thêm hố ngăn cách giữa tín đồ của ông với Phật giáo đồ trên khắp thế giới. Với tư cách là nhà nghiên cứu, mọi người đều có tự do không giới hạn để viết tất cả những gì mình muốn, nhưng ở tư thế một nhà lãnh đạo tôn giáo mà lại phê bình một cách ác ý, gây hận thù và hạ nhục một tôn giáo khác là thái độ bất xứng đáng. Như Ông phê bình Phật giáo là vô thần. Từ ngữ nầy không có gì xấu, nhưng trong bối cảnh Vatican suốt 70 năm qua gieo rắc trong lòng tín đồ của mình sự hận thù những người vô thần, ám chỉ những người Cộng Sản, bây giờ Cộng Sản không còn, phải chăng John Paul II muốn nuôi dưỡng, gieo rắc và điều hướng lòng hận thù nầy về phía Phật giáo là tôn giáo mà những người trí thức Tây Phương tìm đến sau khi đã từ bỏ Thiên Chúa giáo?
Riêng với lời phê bình của John Paul II: “niết bàn chỉ là tình trạng hoàn toàn thờ ơ, dững dưng trước thế giới… giáo lý Phật giáo về ơn cứu độ là tiêu cực… chúng ta chỉ giải thoát chính mình qua việc tách rời khỏi thế giới… đoạn tuyệt với những ràng buộc nối liền chúng ta với thế giới…” thì Phật tử nào cũng thấy rõ là sai lầm nghiêm trọng. Trong kinh Hán tạng Phật Thuyết Chu Đức Phúc Điền Kinh, Phật dạy cho Phật tử tại gia phát tâm Bồ Đề thực hiện bi điền (chỉ những hoạt động công ích) gồm có bảy mục:
1- Xây tháp dựng chùa
2- Lập vườn, trồng cây
3- Chẩn trị bịnh
4- Đóng ghe thuyền độ người
5- Xây cầu, làm đường
6- Đào giếng
7- Làm nhà vệ sinh.
Trong bảy mục bi điền Phật dạy tín đồ phải làm chỉ có một điều hướng về đạo còn sáu điều kia đều hướng về phụng sự tha nhân và xã hội. (Nguyễn Phúc Bửu Tập: Giáo Lý Nhà Phật Và Phát Triển Kinh Tế, Phật Giáo Việt Nam số 92).
Dù sai sót hay không còn thời gian tính là chuyện bình thường và thông thường của mọi tác giả và tác phẩm, nhưng Huỳnh Phú Sổ, qua các bài thuyết giảng được đúc kết trong tác phẩm dày tổng cộng 505 trang, viết cách đây 50 năm, đã không để lại bất cứ một điều gì không hợp lý hay không hợp thời. Trái lại, những cải cách của ông về các nghi lễ, thờ phượng, tổ chức, sinh hoạt trong Phật giáo càng ngày càng được nhiều tăng, ni, Phật tử lưu tâm và cố gắng áp dụng, dù dưới một hình thức và phương cách khác nhau.
Mới đây, Thầy Thích Nguyên Hạnh, một tăng sĩ trí thức sáng lập và trú trì chùa Phật Giáo Việt Nam tại Houston, Texas, nguyên là chủ bút tạp chí Khai Phóng và tạp chí Phật Giáo Việt Nam, đã viết bài Tín Ngưỡng Phật Giáo, đề nghị một số phương cách thờ phụng, lễ bái, sinh hoạt giản dị, trong sáng, lành, đẹp cho Phật giáo. Những đề nghị này không khác bao xa với những lời khuyên dạy của Bồ Tát Huỳnh Phú Sổ.
Tôn giáo nào cũng có hai phần là phần giáo lý, là nội dung và phần tín ngưỡng là hình thức biểu lộ niềm tin tôn giáo. Dù phần giáo lý là nền tảng và quan trọng nhất nhưng chỉ một số tăng lữ và tín đồ là nắm vững, thấu hiểu đứng đắn, đầy đủ còn đa số tín đồ các tôn giáo chỉ hiểu đơn sơ, khái quát giáo lý của tôn giáo mình. Phần đông đều lấy việc thực hành tín ngưỡng như thờ phượng, cầu nguyện, cúng lạy làm chính.
Phật tử không đi ra ngoài thông lệ này và dù phần giáo lý, tức Phật pháp vô cùng cao siêu nhưng để tồn tại như một tôn giáo, Phật giáo cũng không thể không có các hình thức tín ngưỡng thích hợp cho quảng đại quần chúng tín đồ. Chỉ tiếc rằng, nhiều hình thức mê tín dị đoan đã xâm nhập từ lâu đời và trên nhiều mặt vào các hình thức tín ngưỡng Phật giáo nên không khỏi tạo sự hiểu lầm về đạo Phật của những người chỉ nhìn Phật giáo dưới hình thức tín ngưỡng nhân gian, chớ không nhìn Phật giáo qua nội dung Phật pháp vi diệu, sâu thẳm, giá trị vượt qua thời gian.
Huỳnh Phú Sổ, trước sự hổn loạn, tạp nhạp của nền tín ngưỡng Phật giáo dân gian, đã chỉ dạy cho tín đồ, một cách tỉ mỷ, rõ ràng, trong sáng, sự cúng lạy, cầu nguyện. Nhờ vậy, tín đồ PGHH, dù là người bình dân ít học vẫn thực hành đúng các nghi lễ, trong khi đó giới Phật tử tại gia theo Phật giáo truyền thống, dù là giới trí thức, cũng rất lúng túng hay thiếu sự thống nhất trong cách cúng lạy, cầu nguyện.
“Sự Cúng Lạy Của Người Cư Sĩ Tại Gia
Bài Nguyện Trước Bàn Thờ Ông Bà
Cầm hương xá ba xá quì xuống chắp tay đưa lên trán nguyện:
Cúi kính dưng hương trước Cửu Huyền,
Cầu trên Thất Tổ chứng lòng thiềng.
Nay con tỉnh ngộ quy y Phật,
Chí dốc tu hiền tạo phước duyên.
Cắm hương rồi đứng ngay thẳng chắp tay vào ngực đọc tiếp:
Cúi đầu lạy ta Tổ Tông,
Báo ơn sanh dưỡng dày công nhọc nhằn.
Rày con xin giữ đạo hằng,
Tu cầu Tông Tổ siêu thăng Phật đài.
Nguyện làm cho đẹp mặt mày,
Thoát nơi khổ hải Liên đài được lên.
Mong nhờ Đức Cả bề trên,
Độ con yên ổn vững bền cội tu.
(lạy 4 lạy).
Bài Nguyện Trước Bàn Thờ Phật
Cầm hương xá 3 xá, quỳ xuống chắp tay đưa lên trán đọc bài Quy Y:
Nam Mô Ta Bà Giáo Chủ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (tam niệm).
Nam Mô Thập Phương Phật.
Nam Mô Thập Phương Pháp.
Nam Mô Thập Phương Tăng.
Nam Mô Phật Tổ, Phật Thầy, Quan Thượng Đẳng Đại Thần, chư quan cựu thần, chư vị sơn thần, chư vị Năm Non Bảy Núi, cảm ứng chứng minh, nay con nguyện cải hối ăn năn, làm lành lánh dữ, quy y theo mấy Ngài, tu hiền theo Phật đạo.
Cắm hương lạy 4 lạy cũng được, hoặc cắm hương đứng ngay thẳng chắp tay vào ngực đọc tiếp:
Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới đại từ đại bi phổ độ chúng sanh A Di Đà Phật (tam niệm)
Nam Mô nhứt nguyện cầu: Thiên Hoàng, địa Hoàng, Nhơn Hoàng, Liên Hoa Hải Hội Thượng Phật từ bi, Phật Vương độ chúng thế giới bình an.
Nam Mô nhì nguyện cầu: Cửu Huyền Thất Tổ tịnh độ siêu sanh.
Nam Mô tam nguyện cầu: Phụ mẫu tại đường tăng long phước thọ, phụ mẫu quá khứ trực vãng Tây Phương.
Nam Mô tứ nguyện cầu: Bá tánh vạn dân từ tâm bác ái giải thoát mê ly.
Nam Mô ngũ nguyện cầu: Phật Tổ, Phật Thầy từ bi xá tội đệ tự tiêu tai tịch sự, trí huệ thông minh giai đắc đạo quả.
Lạy 4 lạy rồi xá:
1 xá chính giữa niệm: Nam Mô A Di Đà Phật.
1 xá bên trái niệm: Nam Mô Đại Thế Chí Bồ Tát.
1 xá bên phải niệm: Nam Mô Quan Thế Ấm Bồ Tát.
Bàn Thông Thiên.
Cầu nguyện bàn Phật xong, ra bàn Thông Thiên cầu nguyện 4 hướng (lấy bàn Thông Thiên làm hướng chánh) trước mặt, sau lưng, hai bên vai.
Hướng chánh bàn Thông Thiên có nguyện đọc bài quy y, còn ba hướng kia chỉ đọc bài Tây Phương ngũ nguyện. (mỗi hướng đọc rồi lạy 4 lạy).
(khi cầu nguyện nếu không thể lạy được thì xá 3 xá).
Lạy đứng hay lạy quì tùy theo lúc yếu mạnh.
Niệm Phật.
Cúng xong muốn niệm Phật cũng được. Ngồi bán già thẳng lưng niệm: Nam Mô A Di đà Phật.
Hay niệm: Nam Mô Tây Phương Cực Lạc thế giới tam thập lục vạn ức, nhứt thập nhứt vạn, cửu thiên ngũ bá đồng danh đồng hiệu đại từ đại bi phổ độ chúng sanh A Di Đà Phật.
(Niệm Phật nhiều ít tùy theo sức mình, lúc cầu nguyện và niệm Phật chỉ niệm trong tâm).
Nam Mô A Di Đà Phật, sáu chữ đi đứng nằm ngồi rán niệm chớ quên, không đợi gì thời khắc.
Khi ăn cơm.
Mỗi khi ăn cơm với mắm muối chi cũng vậy đều nguyện vái Cửu Huyền, Thất Tổ, ông bà cha mẹ quá vãng về ăn với mình để tỏ lòng hiếu thảo.
Ăn Chay.
Đến ngày đơm quảy có chi cúng nấy.
Ăn chay ngày 14-15, 29-30, tháng thiếu 29 và mồng 1. Có nhang thì đốt, không có thì nguyện không.
Hằng năm đến ba ngày xuân nhựt thì ngày 29, 30 và mồng 1 mỗi ăn chay, trong mấy ngày ăn chay phải cúng chay, qua đến ngày mồng 2 có chi cúng nấy cũng được, đến ngày mồng 3 ra mắt không nên sát sanh loài vật mà cúng tế Trời Phật, chỉ dùng bông hoa mà cúng thôi.
Đi xa nhà.
Đi làm ruộng đến thời cúng, ngó về hướng Tây nguyện rồi xá 4 hướng. Còn đi xa nhà thì nguyện tưởng trong tâm cũng được“.
Trên đây là nghi thức cúng, lạy, cầu nguyện của tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, nghĩa là của những người Phật tử tại gia.
So với Phật giáo truyền thống thì đã có phần hơn rõ rệt:
* Thứ nhất được tụng niệm theo tiếng Việt, ngay từ những năm 1940 mà PGHH đã Việt hóa được các câu tụng niệm, trong khi đó cho đến ngày nay trong Phật giáo truyền thống vẫn còn tụng niệm bằng tiếng Phạn và tiếng Tàu, một cách lai căng và lệch lạc.
* Theo nghi thức PGVN thì giới tăng sĩ mỗi ngày có một nghi thức tụng, niệm phức tạp, trong đó, có phần đọc chú Đại Bi và chú Lăng Nghiêm bằng tiếng Phạn, diễn âm theo tiếng Tàu, rất lôi thôi, thiếu trí tuệ, trong khi đó lại không quy định rõ ràng, minh bạch, ngắn gọn và có tính cách bắt buộc, nghi thức tụng niệm, cầu nguyện cho giới Phật tử tại gia nên người Phật tử hoặc là không có một nghi thức tôn giáo gì hết trong đời sống hàng ngày ở nhà, hoặc là tụng niệm lung tung, kể cả việc tụng những bộ kinh lớn mà họ không hiểu gì như kinh Pháp Hoa.
* Các nghi thức hàng ngày của tín đồ PGHH, tuy được làm một cách ngắn gọn, giản dị nhưng so với giới Phật tử bình thường, không tụng niệm gì cả hay chỉ xá lạy một tháng vi ba lần, thì đây là một nghi thức có tính kỷ luật cao và tính tôn giáo cao vì phải thực hiện mỗi ngày, tính ra, họ phải lạy mỗi ngày 4 lạy trước bàn thờ ông bà, 4 lạy sau khi đọc xong bài Quy Y, 4 lạy sau khi đọc xong 5 lời nguyện, 16 lạy tại bàn thờ Thông Thiên, 4 hướng, mỗi hướng 4 lạy, như vậy tổng cộng mỗi ngày phải lạy 28 cái và cùng với các lời nguyện, các tín đồ phải bỏ ra khoảng 15-30 phút mỗi ngày cho nghi lễ này.
* Huỳnh Phú Sổ cũng dạy cho tín đồ ngồi thiền: ngồi bán già và niệm Nam Mô A Di đà Phật, đây là cách ngồi thiền và an tâm căn bản nhất và an toàn nhất.
Trong khi đó các Phật tử theo PGVN thì rất ít khi được khuyên bảo phải ngồi thiền mỗi ngày.
* Các tín đồ PGHH mỗi tháng bắt buộc phải ăn chay ít nhất 4 ngày. Đây là điểm tiến bộ và tốt đẹp mà các Phật tử tại gia bình thường không thực hành một cách đồng nhất và nghiêm chỉnh, trừ một vài vùng sùng mộ đạo Phật một cách đặc biệt hay những gia đình Phật giáo truyền thống, có nề nếp ăn chay từ nhiều đời.
* Tuy có pha trộn một số màu sắc tín ngưỡng bình dân của miền Nam Bộ, nhưng các nghi thức này thể hiện khá hoàn mỹ những nét đặc thù của đạo Phật là lòng hiếu thảo, biết ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ, là tinh thần từ bi, cầu mng mọi chúng sanh đều được an bình, yên ổn, hạnh phúc, là sự giải thoát tâm linh, chỉ mong cầu trí tuệ giác ngộ cho bản thân chớ không cầu xin một cái gì khác.
* Khác với nghi thức tụng niệm của tăng, ni tại các chùa và của một số Phật tử tu tại gia, nặng về hình tướng, chuông mõ, tán, tụng ồn ào, huyên náo, đôi khi dùng cả máy phóng tanh, các nghi thức tụng niệm này được dạy là chỉ tụng niệm trong tâm, thể hiện trung thực, trong sáng tinh thần vô vi, thanh tịnh của đạo Phật.
Sau nhiều nổ lực trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, kể từ khi có phong trào chấn hưng PGVN, hiện nay PGVN đã có một số nghi thức tụng niệm với nội dung khá xuất sắc như bài Cúng Hương Tán Phật, bài Quán Tưởng, bài Tự Quy và Đảnh Lễ, bài Hồi Hướng. Tiếc rằng các bài văn Việt ngữ này vẫn bị xen lẫn vào những bài chú ít có tăng, ni, Phật tử nào hiểu rõ nghĩa, cho nên vô nghĩa. Mặt khác các nghi lễ này vẫn không được đa số người Phật tử tại gia áp dụng mỗi ngày nên đời sống tín ngưỡng của người Phật tử tại gia trở nên nghèo nàn, hầu như không có gì, so với tín đồ PGHH hay tín đồ thuộc các tôn giáo khác.
Thật là đáng tiếc, chúng ta có một gia tài Phật Pháp rất giàu có, không một tôn giáo nào sánh kịp, nhưng chúng ta đã không thể hiện nó được trong đời sống tinh thần của chúng ta trở nên nghèo nàn và bị rơi vào sự vô tâm, quên lãng và tự đánh mất mình trong sự bận rộn của đời sống.
Thiền sư Nhất Hạnh có thực hiện nghi thức tụng niệm toàn bằng quốc văn với những bài rất xuất sắc như bài Kệ Dâng Hương, dịch Tâm Kinh, Quy Nguyện, Quán Nguyện, Quay Về Nương Tựa, Truyền Thọ Tam Quy, Truyền Thọ Năm Giới, Nghi Thức Hôn Lễ, Năm Cái Lạy, v.v… Tiếc rằng ông đã dùng chữ Bụt để thay thế chữ Phật nên khiến nhiều Phật tử không chấp nhận và vì vậy các nghi thức Ông đề nghị không được phổ thông.
Mặt khác cải cách nầy của Ông tạo sự cách biệt, thay vì sự thống nhất trong nghi lễ: đa số niệm Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật hay Nam Mô A Di Đà Phật và những đệ tử xuất gia và tại gia của Thầy Nhất Hạnh thì niệm Nam Mô Bụt Thích Ca Mâu Ni hay Nam Mô A Di Đà Bụt.
Thật là đáng tiếc, vì cả hai cách niệm trên đây đều kh6ng chính xác và không đúng hẳn là tiếng Việt, Phật là chữ Tàu, không phải chữ Việt, Bụt là chữ Việt thuần túy, chính xác và Việt Nam hơn chữ Phật nhưng không được thông dụng lắm. Nếu dịch ra Việt ngữ đúng đắn, chính xác thì câu trên phải dịch là: Con Xin Quay Về Nương Tựa Đấng Tỉnh Thức Thích Ca Mâu Ni và Con Xin Quy Về Nương Tựa Đấng Giác Ngộ A Di Đà.
Phật hay Bụt, nếu cần dịch, thì nên dịch là người tỉnh thức, hay đấng giác ngộ. Nhưng thật ra, dịch là dịch những chữ không được hiểu rõ ràng, thống nhất, chữ Phật mọi người đều hiểu rõ ràng, thống nhất, chữ Phật mọi người đều hiểu rõ và quen dùng nên không cần phải sửa lại là Bụt hay người tỉnh thức hay đấng giác ngộ gì cả. Vì gọi là Phật hay Bụt hay đấng tỉnh thức, giác ngộ thì không có thay đổi được gì và không làm cho đạo Phật đẹp hơn hay có ý nghĩa hơn đối với người Việt Nam.
Nếu sửa Phật là Bụt thì tất cả những chữ khác như Phật học, phải nên được thay đổi lại là Bụt học, Phật tử là con Bụt… Trong khi đó, chữ nam mô, ít người hiểu, cần dịch thì lại để nguyên. Có nên có những sự cải cách từ ngữ này không? nó có thật sự quan trọng không? khi đạo Phật, đặc biệt là đo Phật Việt Nam đang có hàng ngàn chuyện quan trọng hơn, cần thiết hơn, đi sâu vào nội dung hơn phải làm.
Cái hay của Huỳnh Phú Sổ là dù còn rất trẻ và dù thi hành cả một cuộc cách mạng vĩ đại trong đạo Phật, ông đã không có sáng tạo ra những tên gọi gây dị nghị, tranh cải hay tạo sự khác biệt một cách phù phiếm, vô ích, trong nội bộ Phật giáo.
Là một đạo Phật thuần túy Việt Nam và dành một cách đặc biệt cho quảng đại quần chúng nông dân, bình dân trong xã hội, nên PGHH, ngoài ngũ giới, tức năm giới luật căn bản của người Phật tử tại gia, đã có tám điều răn cấm.
Huỳnh Phú Sổ, từ thực trạng rượu chè, cờ bạc, ăn chơi trác táng, tiêu xài phung phí, lười biếng, mê tín dị đoan… đầy rẫy trong xã hội Việt Nam, đã sáng chế thêm tám điều răn cấm cho tín đồ. Như vậy, tín đồ PGHH đã phải tuân theo những giới luật chặt chẽ hơn, nghiêm khắc hơn tín đồ Phật giáo truyền thống. Qua các giới luật này, chúng ta sẽ thấy sự sáng tạo rất Việt Nam và tính thực tế, cụ thể, có ảnh hưởng ích lợi trực tiếp, ngay tức thì của các giới luật do Huỳnh Phú Sổ sáng tạo. Quả thật đây là những giới luật mà mọi người Việt Nam nên áp dụng.
Thiên tài và tuệ giác siêu phàm của Huỳnh Phú Sổ không cần phải thể hiện trong những trước tác cao siêu, chỉ ích lợi cho một nhúm nhỏ các nhà nghiên cứu, mà thể hiện trong những giới lujật chi phối trong đời sống hàng ngày của hàng triệu con người Việt Nam, theo chủ hướng chân chánh của đạo Phật: tu là sửa, là thể hiện từ bi và trí tuệ trong cuộc sống.
Không những thế, đặc biệt hơn tất cả các bậc Tổ và lãnh đạo Phật giáo khác, Ông còn khuyến khích Phật tử siêng năng lo làm ăn, song song với lo tu học, cũng như phải tha thứ, thương yêu, đoàn kết với nhau. ông thấy sáng tỏ một sự thật hiển nhiên: là một tập thể lười biếng, nghèo đói dốt nát, kém cỏi, chia rẽ, phân hóa không thể nào có một chỗ đứng vẻ vang trong xã hội ngày nay. Các giới luật bổ túc này cho ngũ giới được trình bày một cách nhẹ nhàng trong tựa đề nhỏ nhẹ, chân tình, mộc mạc “Lời Khuyên Bổn Đạo”:
“Lời Khuyên Bổn Đạo
Khi đã coi giảng thì phải tự xét mình và sửa sang những thói hư tật xấu, mình lầm lỗi thì rứt bỏ và giữ những điều răn cấm sau đây:
Điều thứ nhứt: Ta chẳng nên uống rượu, cờ bạc, á phiện, chơi bời theo đàng điếm, phải giữ cho tròn luân lý tam cương ngũ thường.
Điều thứ hai: Ta chẳng nên lười biếng, phải cần kiệm, sốt sắng, lo làm ăn và lo tu hiền chơn chất, chẳng nên gây gổ lẫn nhau, hãy tha th1ư tội lỗi cho nhau trong khi nóng giận.
Điều thứ ba:Ta chẳng nên ăn xài chưng dọn cho thái quá và lợi dụng tiền tài mà đành quên nhơn nghĩa và đạo lý, đừng ích kỷ và xu phụng kẻ giàu sang, phụ người nghèo khổ.
Điều thứ tư: Ta chẳng nên kêu Trời, Phật, Thần, Thánh mà sai hay hoặc nguyền rủa vì Thần Thánh không can phạm gì đến ta.
Điều thứ năm: Ta chẳng nên ăn thịt trâu, chó, bò, và không nên sát sanh hại vật mà cúng Thần Thánh nào, vì Thần Thánh không bao giờ dùng hối lộ mà tha tội cho ta, vì nếu ta làm tội sẽ hưởng tội, còn những hạng ăn đồ cúng kiếng mà làm hết bịnh là Tà Thần, nếu ta cúng kiếng mãi thì nó ăn quen sẽ nhiễu hại ta.
Điều thứ sáu: Ta không nên đốt giấy tiền vàng bạc, giấy quần áo mà tốn tiền vô lý, vì cõi DiêmVương không bao giờ ăn hối lộ của ta, mà cũng không xài được nữa, phải để tiền lãng phí ấy mà trợ cứu cho những người lỡ đường đói rách, tàn tật.
Điều thứ bảy: đứng trước việc chi về sự đời hay đạo đức, ta phải suy xét cho minh lý rồi sẽ phán đoán việc ấy.
Điều thứ tám: Tóm tắt, ta phải thương yêu lẫn nhau như con một cha, dìu dắt lẫn nhau vào con đường đạo đức, nếu ai giữ đặng trọn lành trọn sáng về nơi cõi Tây Phương an dưỡng mà học đạo cho hoàn toàn đặng trở lại cứu vớt chúng sanh.
Tất cả thiện nam tín nữ trong tôn giáo nhà Phật lúc rãnh việc nên thường coi kệ giảng mà giữ gìn phong hóa nước nhà, giữ những tục lệ chơn chánh, bỏ tất cả những sự dị đoan mê tín thái quá mà làm cho đạo đức suy đồi.
Đạo pháp thường hay dung với hòa,
Xét người cho tột xét thân ta.
Nếu người rõ phận vui lòng thứ,
Ta thứ được người, người thứ ta”.
Thật là một bài thuyết pháp tuyệt diệu và những giới luật vô cùng cụ thể, đầy đủ, đích đáng, không thừa không thiếu, muốn bỏ bớt cũng không thấy chữ nào dư để bỏ đi, muốn thêm vào cũng không thầy chỗ nào thiếu để bổ túc. Thật là hoàn mỹ, trọn vẹn. Người bình dân cho đến kẻ trí thức đều hiểu được và đều thấy cần thiết, ích lợi để áp dụng các điều răn cấm này.
Đức Phật đã từng ví giới luật cho con người giống như miếng da bò cho thân thể con bò: người giữ giới luật như con bò có lớp da dày, bảo bọc thân thể nó, ruồi muỗi, vi trùng không xâm phạm được. Người không giữ giới luật như con bò không có da, xương, thịt, máu, mũ phơi bày cho sự tấn công làm hại của các loài vật khác và của các chất độc hại.
Có người chủ trương tự do tuyệt đối và không chấp nhận một giới luật nào. Đạo Phật, trái lại, chủ trương con người chỉ có tự do khi nó biết tuân theo những giới luật có tính cách luân lý, đạo đức.
Tự do lớn nhất, có nghĩa là sự không bị trói buộc quan trọng nhất, chính là tự do hay sự giải thoát khỏi tham, sân si và những thói hư tật xấu của chính mình. Tự do theo người đời quan niệm chú trọng đến sự tự do đối với cường quyền, với những cưỡng chế của xã hội, những gò bó của tha nhân. Tự do của đạo Phật nhấn mạnh đến sự không bị ô nhiễm, không bị nô lệ, không bị trói buộc bởi chính những dục vọng dấy lên từ chính vọng tâm của mình. Muốn thấy chân tâm hay Phật tánh, con người trước hết cần phải được giải phóng khỏi những dục vọng thấp hèn, những thói quen xấu xa của chính mình cũng như phải được bảo vệ chống lại sự xâm nhập, tàn phá của môi trường sống độc hại, ô nhiễm từ bên ngoài.
Giới luật chính là phương thức giúp ta tự giải phóng và xây dựng tự do đích thực, cũng có nghĩa là sự an lạc, hạnh phúc đích thực. Không tuân thủ giới luật chân chính, ta nô lệ cho dục vọng, bản năng như con thiêu thân lao đầu vào những cám dỗ thấp hèn, chứa sẵn đau khổ. Giới luật chân chánh không những là bức tường thành bảo vệ ta, mà còn là đôi cánh khai phóng phương trời tự do và giải thoát. |