Daily Archives: May 9, 2014

Có phải tàu chiến Việt Nam đang đụng độ với Trung Quốc tại khu vực giàn khoan HD-981?

Thursday, May 8, 2014

Có phải tàu chiến Việt Nam đang đụng độ với Trung Quốc tại khu vực giàn khoan HD-981?


Dân Luận tổng hợp      

     
Dân Luận: Suốt từ sáng ngày hôm qua 6/5/2014 và hôm nay nhiều thông tin đăng tải trên các trang mạng rằng dường như đang có một cuộc đụng độ xảy ra giữa Việt Nam và Trung Quốc ngoài biển Đông quanh khu vực giàn khoan HD-981 của Trung Quốc.

FB Vinh Le đã chia sẻ trên trang cá nhân của anh: Mấy ngày nay cắm chuột hóng thông tin từ biển đông, bồn chồn suy tư không ngủ được. Giờ có thông tin lực lượng bộ binh đang được điều động di chuyện tại Sài Gòn, không biết để làm gì.

Ảnh chụp tại đường Điện Biên Phủ tối khuya ngày 6/5 từ một faceboker


Ngày hôm nay, 7/5/2014 để ý thấy máy bay trực thăng cất và hạ cánh liên tục tại sân bay Vũng Tàu, đem thắc mắc đó đi hỏi ông anh làm trong ngành dầu khí thì được biết việc này đã diễn ra liên tục từ ngày 3/5. Mục đích bay nhằm tăng cường trinh sát tối đa và bảo vệ một số khu vực trọng yếu trên biển như Trường Sa, hệ thống nhà sàn, khu vực mỏ Đại Hùng…

Việc làm này giúp chúng ta có thể phát hiện và cảnh báo sớm những cuộc dàn quân và tấn công trên biển toàn diện của Trung Quốc nếu xảy ra.

Theo FB Người Xứ Bố Sơn cho biết: ĐÃ CÓ THƯƠNG VONG PHÍA VIỆT NAM.

Đụng độ đã xảy ra ngoài khơi, cận dàn khoan của Trung Quốc hôm qua, ngày 06/05/2014. Tàu Việt Nam đã áp sát dàn khoan và bị phía Trung Quốc nã đạn vào.
Hậu quả: 4 lính chết, 2 lính trọng thương.

Một người bạn ở Cam Ranh – Khánh Hoà cho biết, khu vực cảng rất nhộn nhịp, quân đội có vẻ rất tất bật hơn ngày thường.


 
Cũng theo FB Nguyễn Lân Thắng khẳng định: Một người bạn của anh ở Đà Nẵng cho biết cả ngày hôm qua 6/5, trực thăng liên tục xuất phát từ Đà Nẵng bay ra biển, tình hình ngoài biển Đông thực sự đang rất căng thẳng. Tuy nhiên theo nhận xét của FB Kelk JR Nguyen thì những thông tin này chỉ là tin vịt.
 Nhận xét của FB Kelk JR Nguyen
Những ngày qua, thông tin Trung Quốc xây giàn khoan trái phép xâm phạm chủ quyền biển Việt Nam đã gây ra 1 làn sóng phản đối mạnh mẽ trên mạng. Báo chí chính thống vẫn hạn chế đăng những thông tin này trước tình hình đang ngày càng nóng lên ngoài Biển Đông. Phía nhà cầm quyền VN thì vẫn không có động thái nào phản đối mạnh mẽ hơn với Trung Quốc. Trước tình hình đó, các nhóm xã hội dân sự Việt Nam có vẻ đang chuẩn bị kêu gọi một cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ Việt Nam, đồng thời kêu gọi Nhà Cầm Quyền có những biện pháp mạnh mẽ hơn, để giải quyết và khẳng định chủ quyền biển , đừng dừng lại với những câu nói đối ngoại, phản đối yếu đuối để rồi lặng im như những lần trước đây.



Theo Dân Làm Báo: Chiều ngày 6/5/2014, bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã có cuộc điện đàm cấp cao với ủy viên quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì. Ông Phạm Bình Minh lên tiếng phản đối việc Trung Quốc huy động tàu chiến và mang giàn khoan 981 án ngữ ngay trong vùng biển đặc quyền kinh tế Việt Nam.

Cuộc điện đàm diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Biển Đông ngày một gia tăng, thông tin về các trận quần thảo, đụng độ giữa tàu chiến của cảnh sát biển Việt Nam và Trung Quốc liên tục được cập nhật trên các trang mạng không chính thống.

Áp dụng mọi biện pháp bảo vệ chủ quyền

Theo nội dung được đăng trên website Bộ ngoại giao Việt Nam, ông Phạm Bình Minh tuyên bố ‘không thể chấp nhận và kiên quyết phản đối’ hành động của Trung Quốc khi đưa tàu chiến và giàn khoan 981 vào khu vực cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý.

Người đứng đầu bộ ngoại giao Việt Nam nêu yêu cầu phía Trung Quốc phải rút ra khỏi vùng biển này, đồng thời lên tiếng cảnh báo “Việt Nam sẽ áp dụng mọi biện pháp phù hợp cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình”. 

Từ khi giữ vị trí phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao đến nay, đây được xem là một tuyên bố khá cứng rắn của ông Phạm Binh Minh trước thái độ hung hăng của Trung Quốc.
Dù vậy, cuộc điện đàm cấp cao của ông Phạm Bình Minh dường như chỉ mang tính độc diễn, nội dung phần phản hồi hoặc tuyên bố của người đồng nhiệm phía Trung Quốc không hề được nhắc đến.
Trước đó, bộ ngoại giao Việt Nam cũng đã trao công hàm phản đối đến đại sứ quán Trung Quốc vào hôm 4/5/2013. Cùng ngày, thứ trưởng ngoại giao hai nước cũng đã có cuộc điện đàm nhằm ‘giao thiệp nghiêm túc’ về vụ việc trên.

Kịch chiến trên biển

Đáp lại sự phản đối của Việt Nam, ngày 5/5/2014, phía Trung Quốc tiếp tục ngang nhiên mở rộng phạm vi cấm tàu bè chung quanh giàn khoan 981 lên thành 4,8 km. Có tin nói rằng thêm nhiều tàu chiến cũng được hải quân Trung Quốc huy động bảo vệ giàn khoan khổng lồ trị giá 1 tỷ đô la này.
Các trang mạng lớn của Trung Quốc lên tiếng cáo buộc lực lượng chức năng Việt Nam đã ‘sách nhiễu nghiêm trọng’ giàn khoan 981.

Một số nguồn tin không chính thống của TQ nói rằng nhiều tàu của cảnh sát biển Việt Nam đã tìm cách tấn công giàn khoan.

Trên số số trang mạng tại Việt Nam, nhiều nguồn cũng khẳng định rằng lực lượng cảnh sát biển Việt Nam đã cử tàu ra ngăn chặn giàn khoan 981. Thông tin về các đợt quần thảo, đụng độ giữa tàu chiến của cảnh sát biển Việt Nam và Trung Quốc cũng được mô tả khá chi tiết.

Các trận kịch chiến xung quanh giàn khoan 981 được mô tả diễn ra hết sức căng thẳng, các bên được lệnh không nổ súng. Tàu chiến của Việt Nam chủ yếu tìm cách ngăn chặn hoặc va chạm bằng cách đâm húc vào tàu Trung Quốc.

Các cơ quan truyền thông chính thống tại Việt Nam đều có những bài viết lên án hành động xâm lược mới nhất của Trung Quốc, trong đó có những tuyên bố hết sức cứng rắn chủ yếu đến từ các cựu quan chức, tướng lãnh cộng sản về hưu.

Theo thông báo của Bộ ngoại giao Việt Nam, vào lúc 16 giờ chiều ngày 7/5/2014, một buổi họp báo về việc rung Quốc đưa giàn khoan HD-981 xâm phạm chủ quyền của Việt Nam sẽ diễn ra tại nhà khách phính phủ tại Hà Nội.

Dân Luận
Advertisement
Categories: Biển Đông | Leave a comment

Hà Sĩ Phu: Chỉ nhân dân Việt Nam mới cứu được nước

Hà Sĩ Phu: Chỉ nhân dân Việt Nam mới cứu được nước

Trần Quang Thành
06/05/2014

Radio Chantroimoi

Hà Sĩ Phu: Chỉ nhân dân Việt Nam mới cứu được nước

ha si phuNhóm lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam luôn là kẻ ác với dân, hèn với giặc. Họ thẳng tay đàn áp những người đấu tranh đòi dân chủ, tự do, đòi thực thi nhân quyền, đòi cho nhân dân Việt Nam được cuộc sống hạnh phúc trên đất nước thật sự độc lập, tự do cũng như thằng tay đàn áp những người dân đứng lên (biểu tình)chống kẻ bá quyền Trung quốc xâm lược.

Nhân sự kiện công an bắt khẩn cấp blogger Nguyễn Hữu Vinh, chủ trang nhà Anh Ba Sàm và nữ blogger Nguyễn Thị Minh Thúy vào ngày 5.5.2014 vừa qua, và việc Trung quốc ngang nhiên mang giàn khoan khổng lồ HD-981vào vùng biển đặc quyền kinh tế của VN để hoạt động mà nhà cầm quyên cộng sản Việt Nam gần như vẫn im hơi, lặng tiếng, ngoài vài câu lên án chung chung lấy lệ, vô thưởng, vô phạt của người phát ngôn Bộ Ngoại giao

Ông Hà Sĩ Phu đã bộc bạch nhưng suy nghĩ, bức xúc của mình với nhà báo Trần Quang Thành như sau.

Categories: Chính-Trị Thời-Sự | Leave a comment

Tin Khẩn: Hai thành viên của Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam bị bắt

Tin Khẩn: Hai thành viên của Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam bị bắt

Posted on April 22, 2014 by CTNLT in CTNLT

Blog Danoan

Cô Hài và chị Lụa chụp hình kỷ niệm với ông Sóc và ông Luốt (PGHH) ở miền Tây

 

PNNQ | 22/4/2014
Sáng nay, ngày 22 tháng 4 năm 2014, cô Trần Thị Hài và  Nguyễn Ngọc Lụa đại diện Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam trực tiếp xuống thành phố Cần Thơ  theo dõi phiên tòa phúc thẩm xử hai dân oan Nguyễn Thị Tuyền và Nguyễn Thị Ánh Nguyệt.
Tòa phúc thẩm thành phố Cần Thơ xử ý án dành cho bản án ba năm tù giam của chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt và giảm bản án sơ thẩm hai  năm rưỡi của chị Nguyễn Thị Tuyền xuống còn hai năm.
Hai dân oan này bị chính quyền thành phố Cần Thơ cướp đất ở nông trường Cờ Đỏ và đã cùng dân oan cả nước đấu tranh cho phong trào Dân oan lâu nay. Vì sự năng động trong phong trào Dân oan, họ bị bắt tháng 10 năm 2013. Gia đình họ hiện tại rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn vì đã mất đất nay lại mất thêm hai người lao động chính trong gia đình.
Phiên tòa xử hai dân oan không có nhiều người chú tâm theo dõi, ngoài hai người chồng của hai chị dân oan là Phạm Văn Cờ và Nguyễn Văn Thạnh, chỉ có hai đại diện của Hội Phụ nữ Nhân quyền là Cô Hài và chị Lụa – là những người đã sát cánh với hai gia đình này ngay từ những ngày đầu chị Tuyền và chị Nguyệt bị bắt.
Phiên tòa kết thúc lúc 11h35 cùng ngày. Nhưng có một diễn biến bất ngờ xảy ra sau phiên tòa. Đó là, cô Hài và chị Lụa bị hàng chục công an bao vây, hành hung bằng roi điện và trấn áp lên xe chở về đồn công an phường An Khánh, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.
Chúng tôi nhận được tin về vụ  bắt bớ này từ anh Thạnh và anh Cờ. Và hiện tại không thể liên lạc với chị Lụa và cô Hài.
Cô Trần Thị Hài là dân oan, biểu tình viên nổi bật và cũng là một cựu tù nhân lương tâm. Cô Nguyễn Ngọc Lụa là con gái tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Lía, là một trong những thành viên trẻ tuổi năng động nhất của Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam.
Xin công luận theo dõi và bệnh vực cho hai thành viên của chúng tôi.
Ban Điều hành PNNQVN
Categories: Tin Trong Nước | Leave a comment

Thư ngỏ: Về thái độ và hành động cần và phải có trước hiểm họa Trung Quốc

Thư ngỏ: Về thái độ và hành động cần và phải có trước hiểm họa Trung Quốc

Phạm Chí Dũng – …Đã khá muộn khi nhắc lại lời ai điếu của người dân: “Chính sách ngoại giao đầu gối” không bao giờ có thể khiến cho 500 đại biểu quốc hội và gần 200 ủy viên trung ương đảng cầm súng tiến ra mặt trận. Nhưng tinh thần quỳ gối không còn chút liêm sỉ của một bộ phận quan chức nào đó trong đảng và chính quyền lại đang khiến cho chẳng còn mấy người dân tình nguyện đỡ đạn ở chốn tiền phương, thay cho các nhóm lợi ích tham lam và sẵn lòng biến khỏi đất nước vào bất kỳ thời điểm nào Tổ quốc lâm nguy.
 
Cuộc biểu tình dự kiến vào ngày chủ nhật 11/5 tới đây tại Hà Nội và Sài Gòn chỉ là khúc bi tráng đầu tiên trong giai điệu bi ca và lâm nguy của dân tộc Việt Nam…
*
Kính gửi: Chủ tịch nước Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
Bộ trưởng Bộ Công an
Thường trực Ban bí thư
Đồng kính gửi: Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh
Nếu ngay bây giờ hoặc sắp tới Trung Quốc tiến hành một cuộc tấn công quân sự vào Việt Nam, sự thể sẽ ra sao?
Gần đây, bạn bè của tôi – những sĩ quan trung cao cấp trong quân đội – đã không mấy tin tưởng rằng bộ đội Việt Nam còn đủ khả năng để tái hiện chiến thắng biên giới phía Bắc năm 1979. Nguồn cơn không chỉ bởi tương quan chênh lệch có thể chỉ khoảng 1/3 về vũ khí và khí tài quân sự dàn đều trong các binh chủng và quân chủng, mà tử huyệt của bộ đội Việt Nam nằm ở lòng quân.
Đã từ lâu, lòng quân chểnh mảng, phân hóa, chia rẽ và hoang mang. Khả năng sẵn sàng chiến đấu cao chỉ chủ yếu tồn tại trong giáo trình quân sự. Điều đơn giản nhất mà một người lính luôn tự hỏi là một khi chiến tranh nổ ra, anh ta sẽ chiến đấu cho cái gì và vì ai. Nhiều người lính như vậy lại có thân nhân là dân oan đất đai và nạn nhân của vô số đối xử bất bình đẳng từ phía các cấp chính quyền. Có ít nhất hàng triệu người dân phải chịu bất công ở các mức độ từ bình thường đến nghiêm trọng và cực kỳ nghiêm trọng trên khắp các vùng đất nước. Một người lính sẽ không thể quyết tử vì tổ quốc quyết sinh nếu người thân của họ bị chính quyền địa phương ngày đêm chà đạp quyền lợi và các quyền con người.
Quân đội từ nhân dân mà ra. Lòng quân cũng bắt nguồn và là hệ quả của lòng dân. Tình cảm của một người dân trước hiểm họa ngoại xâm chỉ thể hiện giản dị qua hành động phản ứng rất đỗi bình thường là biểu thị tinh thần phản kháng và biểu tình để tìm đến tinh thần đoàn kết dân tộc.
Thế nhưng ngay vào lúc này, nếu những người cầm quyền ở Việt Nam muốn phát động một cuộc biểu tình của dân chúng chống lại sự can thiệp của Trung Quốc, liệu còn được bao nhiêu người dân xuống đường?
Khả năng không sẵn sàng chiến đấu và có hơi hướng thất bại về tư tư tưởng của quân đội cũng là một thất bại quá lớn về niềm tin của người dân đối với chế độ. Mất niềm tin chính thể cũng dẫn đến não trạng vô cảm của không ít người dân dù phải đối mặt với hiểm họa xâm lăng ngoại bang.
Một trong những nguyên do dễ giải thích nhất cho sự vô cảm ấy lại thuộc về thái độ của chính quyền, khi giới lãnh đạo quốc gia và ngành công an đã luôn tìm cách ngăn chặn, khống chế, trấn áp và cả đàn áp đối với đám đông biểu tình chống Trung Quốc từ nhiều năm qua, đặc biệt từ giữa năm 2011 đến nay.
Hậu quả quá cay đắng mà một dân tộc đủ tự trọng phải nhận lãnh là trong ít nhất mấy năm qua, dư luận nhân dân đã công khai công kích về những Trần Ích Tắc và Lê Chiêu Thống thời cuộc, về cái gọi là “chính sách ngoại giao đầu gối” từ lẩn khuất đến công nhiên trong một bộ phận lãnh đạo quốc gia mà đang quét sạch chút ý chí còn lại của quân đội và dân chúng.
Nhưng với người bạn “Bốn Tốt”, tất cả chỉ mới bắt đầu. Chỉ mới bắt đầu cho một trang lịch sử nô thuộc mới đối với Việt Nam. Chỉ mới bắt đầu cho một chiến dịch thăm dò phản ứng, uy hiếp và tiến tới xâm lược quân sự tổng lực đối với đất nước “Thơ tôi khóc lệ rơi hình chữ S”.
Bi kịch thời đại của đất nước hình chữ S đó đang tiếp biến vào tháng 5/2014, với hình ảnh giàn khoan “Mười sáu chữ vàng” của Trung Quốc ngự trị ngay trên vùng lãnh hải và lương tri quốc gia.
Giới lãnh đạo Việt Nam sẽ làm gì? Làm gì để ngăn chặn mối họa xâm lăng, ít nhất ngang bằng với lòng kiên định và hành động mà họ đã thường phô bày để chế ngự ý chí phản kháng ngoại bang của dân chúng? Vì sao họ không tiến hành điều tra ngay lập tức về chuyện liệu có một quan hệ “đi đêm” nào giữa những quan chức nào đó của Việt Nam với người Trung Quốc để dẫn đến hậu quả ngang nhiên và ngang ngược như ngày hôm nay? Và tại sao giới lãnh đạo Việt Nam lại không đủ hồi tâm, thống nhất và quyết đoán để ít nhất chấp nhận một cuộc biểu thị lòng yêu nước xứng đáng của trí thức và người dân, tại ít nhất hai thành phố trung tâm là Hà Nội và Sài Gòn?
Đã khá muộn khi nhắc lại lời ai điếu của người dân: “Chính sách ngoại giao đầu gối” không bao giờ có thể khiến cho 500 đại biểu quốc hội và gần 200 ủy viên trung ương đảng cầm súng tiến ra mặt trận. Nhưng tinh thần quỳ gối không còn chút liêm sỉ của một bộ phận quan chức nào đó trong đảng và chính quyền lại đang khiến cho chẳng còn mấy người dân tình nguyện đỡ đạn ở chốn tiền phương, thay cho các nhóm lợi ích tham lam và sẵn lòng biến khỏi đất nước vào bất kỳ thời điểm nào Tổ quốc lâm nguy.
Cuộc biểu tình dự kiến vào ngày chủ nhật 11/5 tới đây tại Hà Nội và Sài Gòn chỉ là khúc bi tráng đầu tiên trong giai điệu bi ca và lâm nguy của dân tộc Việt Nam…
Song những người cầm quyền vẫn còn chút cơ hội để vớt vát lại niềm tin dân chúng, nếu họ thể hiện lòng hồi tâm bằng việc hủy bỏ chế độ ngăn chặn và đàn áp đối với các tầng lớp nhân dân chỉ xuống đường vì lòng yêu nước chứ không phải nhằm lật đổ chế độ.
Giá trị lịch sử của các tầng lớp nhân dân như thế vẫn còn nguyên vẹn, từ nhân sĩ trí thức, sinh viên học sinh, tiểu thương, công nhân và nông dân, đảng viên lão thành, cựu chiến binh…, kể cả con số ngày càng tăng của cán bộ, chiến sĩ quân đội và công an đang tại ngũ. Đó là những người còn mất ngủ trước hiện tình hỗn mang đất nước, còn linh cảm tồi tệ về lương lai một quốc gia nô bộc, còn chưa thể bỏ mặc dĩ vãng tận cùng của “Ngàn năm Bắc thuộc”.
Các tầng lớp nhân dân ấy – cội nguồn và lịch sử của dân tộc Việt Nam – đã đến lúc không cần phân biệt “Lề phải” và “Lề trái”, hãy cùng kết tay nhau và nắm tay giới cán bộ, công chức còn nặng tình quê hương trong hệ thống đảng và chính quyền, gìn giữ những giá trị cuối cùng nhưng sắp mất nốt của dân tộc chúng ta.
Tổ quốc hay là chết!
Sài Gòn ngày 8 tháng 5 năm 2014
Phạm Chí Dũng
Cựu sĩ quan quân đội, nhà báo độc lập
Categories: Chính-Trị Thời-Sự | Leave a comment

Thủ lĩnh dân chủ: Suy ngẫm và đề cử

Thủ lĩnh dân chủ: Suy ngẫm và đề cử

Phạm Chí Dũng

 Đại sứ David Shear và Bác sỹ Nguyễn Đan Quế, người sáng lập và là chủ tịch của Phong trào Nhân quyền phi bạo lực ở Việt Nam tại nhà Bác sỹ Quế ngay sau cuộc gặp gỡ ngày 17/8/2012.

Nếu cảm giác của tôi không lầm, tháng 4/2014 cần chứng kiến sự kiện bác sĩ Nguyễn Đan Quế có thể trở thành một trong những nhân vật đứng đầu phong trào dân chủ Việt Nam trong thời kỳ khai sinh xã hội dân sự mới ở đất nước này.

Tháng Tư năm nay, bác sĩ Nguyễn Đan Quế được đề cử giải Nobel Hòa bình cao quý. Ý tưởng này đến từ một số nhà lập pháp Hoa Kỳ, Canada và các tổ chức phi chính phủ. Trước đó, chưa từng một chính khách nào của đảng cầm quyền được chạm vào bất kỳ ý tưởng đề cử nào tương tự.

Nhiều năm trước, Hòa thượng Thích Quảng Độ, người hiện vẫn còn chịu quản thúc tại Thanh Minh Thiền Viện ở Sài Gòn, đã từng được đề cử Nobel Hòa bình. Cả hai vị Quảng Độ và Nguyễn Đan Quế lại đều chung cảnh ngộ nhiều năm trong chốn lao tù của chế độ.

‘Đối tượng phản động’

Nằm sâu trong một con hẻm đường Nguyễn Trãi ở Sài Gòn, ngôi nhà nhỏ bé và giản đơn của người bác sĩ bị quản chế không chính thức luôn xanh rợp bóng cây. Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với ông là vào một tối năm 2013.

Mưa tầm tã. Tôi không giấu nổi tò mò về con người mà có thời tôi với ông như thể “hai bên chiến tuyến”. Song khác với những gì mà tôi chỉ được biết về Nguyễn Đan Quế như một “đối tượng phản động” qua các bản báo cáo, ông làm tôi ngạc nhiên bởi sự chân thực không giả tạo cùng tình cảm lạc quan lao về phía trước. Lao về phía trước cho người dân và cho tương lai đất nước, nhưng không cần phải nhắc đến cụm từ “lật đổ chế độ” mà người ta gán ghép đối với ông. Con đường dân chủ hóa và ôn hòa – bất bạo động mà ông ôm ấp xem ra rất gần gũi với phương châm của xã hội dân sự giờ đây và những năm sắp tới.

Vị bác sĩ đã kinh qua 3 lần tù giam này có một thân thể tráng kiện cùng tinh thần minh mẫn, khác hẳn với độ tuổi trên bảy chục của lớp người già luôn mang tâm lý sắp bị cuộc sống đào thải. Hàng tuần ông vẫn bơi đều đặn, nhưng bởi mỗi sải tay của ông đều được kìm cặp bởi một tay đua không mặc sắc phục, ông lại thấy sức bền của mình được tăng lực hơn. Tăng lực để đối diện với những thách thức mới.

Một trong những thách thức đáng phải đối mặt là làm thế nào để xã hội và nền chính trị Việt Nam bớt đi sự tồi tệ. Miến Điện xứng đáng là một hình ảnh đáng noi đối với giới chính khách cầm quyền ở Việt Nam. Còn việc bác sĩ Nguyễn Đan Quế được đề cử giải Nobel chợt làm tôi nhớ đến Aung San Suu Kyi.

Năm 2011, nữ thủ lĩnh Aung San Suu Kyi của đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ ở Miến Điện được giải chế, để sau đó bà được đề cử giải Nobel Hòa bình. Điều kỳ diệu đối với một dân tộc ít được quốc tế biết tới là người phụ nữ này đã được toàn thế giới thuộc tên sau khi bà đoạt giải Nobel.

Không còn gì phải nghi ngờ, giới dân chủ Miến Điện xem Aung San Suu Kyi như người nối kết các thành phần, giai cấp, kể cả với những người trong thể chế cầm quyền của Tổng thống Thein Sein.

Thủ lĩnh dân chủ

Hai năm sau khi Aung San Suu Kyi nhận giải Nobel Hòa bình, xã hội dân sự ở Việt Nam mới chỉ dè dặt những sải tay đầu tiên trên đường đua loang lổ. Tình trạng đang tồn tại 15 hội nhóm dân sự độc lập nhưng còn khá xa mới đạt đến mối liên kết bền vững, trong khi chưa có sự đồng lòng về một hoặc một số gương mặt thủ lĩnh nào đó, đang trở thành khối u gặm nhấm cơ thể sơ khai của nền dân chủ mới.

Lần đầu tiên, tôi suy nghĩ cẩn trọng về một vấn đề hệ trọng: Sự cần kíp và làm thế nào để có ít nhất một thủ lĩnh dân chủ.

Cho dù bác sĩ Nguyễn Đan Quế mới chỉ được đề cử giải Nobel và không phải ai cũng có nhiều hy vọng để nhận được phần thưởng Hòa bình danh giá này, nhưng thâm tâm tôi mong mỏi ông chính là một trong những người xứng đáng nhất ở Việt Nam  không chỉ cho vai trò ứng viên Nobel, mà còn trở thành một trong những người lãnh đạo đủ tâm, đủ tầm và cần thiết không kém là sức chịu đựng sự khắc nghiệt, để đại diện tiếng nói và sức tập hợp cho giới hoạt động dân chủ và nhân quyền ở đất nước này.

Đã đến lúc các que đũa rời rạc cần đến ít nhất một sợi dây kết bện.

P.C.D 

 

Categories: Chính-Trị Thời-Sự | Leave a comment

Rút đi! Giàn khoan kẻ cướp

Rút đi! Giàn khoan kẻ cướp

Nguyễn Trọng Vĩnh

Từ trước đến nay, biết bao nhiêu lần, một mặt Trung Quốc cứ dương chiêu bài bịp bợm “16 chữ, 4 tốt”, “hữu nghị”, mặt khác cứ lấn tới xâm phạm chủ quyền của chúng ta, bức hại ngư dân ta, phá mọi hoạt động của ta ở Biển Đông mà phía ta cứ nhịn nhục, người phát ngôn phản đối lấy lệ. Với bản chất bành trướng bá quyền nước lớn và thái độ “mềm nắn rắn buông”, Trung Quốc càng được đà lấn tới, cứ đà này chúng ta sẽ mất hết vào cái “lưỡi bò”, phi lý, phi pháp mà Trung Quốc tự vẽ ra. Cảnh giác thấy trước ý đồ đen tối của Trung Quốc, dân ta đã từng biểu tình chống họ, bảo vệ chủ quyền của ta.

Mới đây, hành động kẻ cướp rất nghiêm trọng nữa là Trung Quốc trắng trợn đưa giàn khoan HD 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của chúng ta.

Sự phẫn nộ của nhân dân đã lên đến đỉnh, sẽ có biểu tình khắp nơi phản đối Trung Quốc, đòi họ rút giàn khoan khỏi Biển Đông. Nhân dân là sức mạnh, đàn áp những cuộc biểu tình yêu nước như thế là phản bội Tổ quốc.

Chính quyền cần phải kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế, dư luận Thế giới sẽ đứng về ta, mới chặn được bước tiến của nhà cầm quyền Trung Quốc. Nếu cứ nhu nhược cúi đầu sợ sệt, không đấu tranh quyết liệt bằng lý lẽ, bằng chứng cứ lịch sử, bằng ngoại giao, bằng luật pháp quốc tế với họ thì không những sẽ mất biển, mất đảo mà dần dà đến cả mất nước. Trách nhiệm thuộc về lãnh đạo. 

N. T. V.

Tác giả gửi BVN.

Categories: Biển Đông | Leave a comment

Tình hình ‘nóng lên’ quanh giàn khoan TQ

Tình hình ‘nóng lên’ quanh giàn khoan TQ

Cập nhật: 07:22 GMT – thứ ba, 6 tháng 5, 2014

Tàu cảnh sát biển Việt Nam được nói đã ra đối đầu với tàu hộ tống giàn khoan Trung Quốc

Hai ngày sau khi Việt Nam chính thức lên tiếng phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 xuống gần đảo Lý Sơn, phía Trung Quốc tỏ ra cứng rắn.

Ngoài quyết định tăng phạm vi bán kính cấm tiếp cận giàn khoan từ 1 hải lý lên 3 hải lý, nhà chức trách Trung Quốc điều nhiều tàu hộ tống giàn khoan khổng lồ của Tổng công ty Dầu khí Hải dương (CNOOC), được cho là đang ở cách bờ biển Việt Nam trên 120 hải lý.

Trong khi đó, một số trang mạng của Trung Quốc phát tán thông tin nói phía Việt Nam “lần này hết sức hung hăng, đang tìm cách vào bên trong lãnh hải 4 hải lý nhằm bao vây giàn khoan CNOOC 981”.

Vị trí mà cảnh sát biển hai bên đối đầu nhau được cho là cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa) chừng 17 hải lý, tức khá gần với vị trí khoan mà Trung Quốc tuyên bố từ trước trong lô dầu khí mà Việt Nam đánh số 143.

Hôm thứ Hai 5/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói với các phóng viên tại Bắc Kinh rằng giàn khoan 981 “hoạt động trong vùng biển của Trung Quốc”.

Thứ Ba 6/5, Hoàn Cầu Thời báo – tờ báo mang khuynh hướng diều hâu của Trung Quốc, đăng bài xã luận tựa đề “Trung Quốc cần tỏ thái độ cứng rắn với Hà Nội”.

Thái độ cứng rắn

Bài báo mở đầu bằng cáo buộc gần đây nhà chức trách Việt Nam đã “sách nhiễu nghiêm trọng giàn khoan nước sâu của Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc”.

“Người ta tin rằng chính phủ Trung Quốc sẽ không bao giờ thỏa hiệp vì sự khiêu khích của Việt Nam. Không chỉ vì vị trí của giàn khoan nằm trong đường chín đoạn, mà còn vì nó nằm gần Tây Sa, mà Trung Quốc nắm giữ chủ quyền”.

Trung Quốc cần thay đổi chính sách đối với Việt Nam và dạy cho Hà Nội một bài học thích đáng.

Xã luận trên Hoàn Cầu Thời báo

Hoàn Cầu Thời báo cho rằng Việt Nam lần này “gây ồn ào với mục đích duy nhất là thêm sức mặc cả để có cơ hội thắng thế trong tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc” tại Biển Đông.

Ngày 10/5 tới, các nước Asean và Trung Quốc sẽ có cuộc họp thảo luận về Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) ở Miến Điện.

Phía Việt Nam thì khẳng định vị trí CNOOC đặt giàn khoan hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Theo tờ báo, Việt Nam đã chọn thời điểm hiện nay, khi Trung Quốc đang có xung đột với Nhật Bản và Philippines, đồng thời Mỹ đang chuyển hướng sang châu Á, để gây hấn buộc Trung Quốc nhượng bộ.

Tuy nhiên, báo Hoàn Cầu viết: “Chúng tôi tin Hà Nội không bao giờ dám tấn công trực tiếp giàn khoan của Trung Quốc”.

“… Trung Quốc cần tỏ thái độ cứng rắn, rằng Trung Quốc sẽ không lùi bước.”

Bài xã luận dọa nạt: “Nếu Việt Nam có thêm hành động ở Tây Sa, mức độ phản công của Trung Quốc sẽ được tăng lên”.

“Trung Quốc cần cân nhắc liệu Việt Nam có thò đầu ra và trở nên hung hăng hơn cả Philippines hay không. Nếu vậy, Trung Quốc cần thay đổi chính sách đối với Việt Nam và dạy cho Hà Nội một bài học thích đáng”.

Tờ báo tuyên bố việc khoan thăm dò sẽ không dừng lại vì nếu dừng lại, đây sẽ là “thất bại lớn trong chiến lược Nam Hải (Biển Đông) của Trung Quốc”.

Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Daniel Russel

Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Daniel Russel sẽ dẫn đầu đoàn Mỹ tham gia đối thoại với Việt Nam

 

Dạy cho Việt Nam bài học

Cụm từ ‘dạy cho Việt Nam bài học” lần đầu xuất hiện từ cuối những năm 1970, khi nhà cầm quyền Trung Quốc tỏ ra bất bình với chính sách đối ngoại của Hà Nội và khởi xướng cuộc chiến biên giới 1979.

Việt Nam chưa có phản hồi gì về bài xã luận trên Hoàn Cầu Thời báo.

Các kênh thông tin chính thức chỉ tường thuật về phản đối ngoại giao cũng như ý kiến chính thức của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), yêu cầu CNOOC rút giàn khoan khỏi vùng biển của Việt Nam.

Lô 143 tuy chưa thăm dò, khai thác, nhưng thuộc chủ quyền của Việt Nam, theo PVN.

Trong khi đó trên các trang mạng, một số nguồn tự nhận là có thông tin từ hải quân Việt Nam cho hay một số lớn tàu của cảnh sát biển đã được điều ra ngăn chặn giàn khoan Trung Quốc.

Các nguồn tin này nói hiện hai bên chưa nổ súng, mà chỉ đâm húc để cản đường nhau.

BBC không có điều kiện để kiểm chứng thông tin này.

Giới quan sát cho rằng Việt Nam đang ở trong tình thế khó xử vì không thể không phản ứng nhưng lại cũng không thể để xảy ra xung đột vũ trang với Trung Quốc.

Thứ Tư 7/5 Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Daniel Russel sẽ tới Hà Nội trong chuyến thăm hai ngày.

Ông Russel sẽ có tiếp xúc với các quan chức cao cấp của Việt Nam và tham gia Đối thoại châu Á-Thái Bình Dương Mỹ-Việt.

Chủ đề căng thẳng Biển Đông được cho sẽ nằm trên nghị trình cuộc đối thoại.

Thêm về tin này

Categories: Biển Đông | Leave a comment

Trung Quốc gia tăng hiếp đáp Việt Nam ở Biển Đông

Trung Quốc gia tăng hiếp đáp Việt Nam ở Biển Đông

Việt Hà, phóng viên RFA
2014-05-07
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ

In trang này
NgoNgocThu-600

Phó tư lệnh tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam Ngô Ngọc Thu trình bày về vụ tàu Trung Quốc đâm tàu Việt Nam trong cuộc họp báo ở Hà Nội hôm 07/05/2014.

AFP photo

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm nay lên tiếng cáo buộc tàu Trung Quốc đã đâm tàu Việt Nam và phun vòi rồng vào tàu Việt Nam tại khu vực gần quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung Quốc vừa di chuyển một giàn khoan dầu khổng lồ vào vùng biển Việt Nam.

Diễn tiến mới cho thấy điều gì về ý định của Trung Quốc tại Biển Đông trong thời gian tới nói chung và với khu vực quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp với Việt Nam nói riêng? Việt Hà có cuộc phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, giảng dạy môn quan hệ quốc tế của trường đại học George Mason, Hoa Kỳ về vấn đề này.

Trước hết, nhật xét về diễn tiến mới, giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Đây là một sự cố tương đối quan trọng hơn các lần trước, những lần trước thì chủ yếu là liên quan đến các tàu cá Việt nam thôi, lần này thì theo tin tức mới thì tàu đụng vào nhau liên hệ tới tàu cảnh sát biển của Việt nam thì đây là vấn đề quốc gia rồi, không còn là vấn đề tư nhân nữa, đây là có sự va chạm giữa các quốc gia với nhau, và nó đặt ra vấn đề đe dọa với an ninh của khu vực và an ninh của quốc tế.”

Việt Nam phải hành động

Việt Hà: Thưa Giáo sư. Từ trước đến nay Trung Quốc mặc dù đã có những hành động khiêu khích với Việt Nam ví dụ như cắt cáp tàu thăm dò, bắt giữ ngư dân Việt Nam, phía Việt Nam thường chỉ có phản đối về mặt ngoại giao, nhưng hành động gần đây thì Việt Nam đã đưa tàu ra ngăn cản và có cuộc họp báo quốc tế, theo ông điều gì đã khiến Việt Nam có hành động mạnh mẽ hơn lần này?

GS Nguyễn Mạnh Hùng: Việt Nam bây giờ nghĩ là phải có hành động rồi. Từ lâu rồi cứ nhân nhượng họ hoài mà Việt Nam đã nhìn thấy rõ chính sách của Trung Quốc là chậm mà chắc, dần dần lấn dần, nhất là lấn Việt Nam là dễ nhất mà nhất là Trung Quốc đi xuống sâu hơn là Trường Sa thì liên hệ với nhiều nước, nên bây giờ chỉ có Việt Nam thôi.

Với Việt Nam mà mất vùng này thì Việt Nam thua luôn. Việt Nam vẫn đòi hỏi Hoàng Sa mà giờ họ làm cái này thì mất luôn Hoàng Sa. Việt Nam vẫn đòi vùng đặc quyền kinh tế mà nếu nhân nhượng cho họ thì Việt Nam cũng mất luôn vùng đặc quyền kinh tế.

Và như vậy thì tất cả những đòi hỏi về quyền lợi của Việt Nam mất rất nhiều, những giếng dầu Việt Nam đòi khai thác Trung Quốc dọa không cho khai thác, hai bên không khai thác, mà giờ Trung Quốc tự khai thác lấy thì đó là một thử thách mới cho Việt Nam và nếu Việt Nam không làm thì việc này trở thành sự đã rồi.

Sự đã rồi nhỏ thì dần nó lan ra thì dần dần Việt Nam chẳng còn gì cả, và đó là lý do tại sao Việt Nam hành động. Nhất là Việt Nam cũng đã học được bài học từ Philippines, nếu hố một cái là mất luôn. Thứ ba là áp lực ở trong nước, của người dân cũng khá lớn.

 

Việt Hà: Theo ông thì vụ đụng độ này có khả năng leo thang thành đụng độ quân sự không?

GS nguyễn Mạnh Hùng: Trong khi căng thẳng như vậy, thì nó dễ dàng leo thang. Khi leo thang như vậy thì có thể không vì do tính toán mà có thể là tai nạn, một sự mà mình không ngờ tới hoặc do tính lầm hoặc do hành động của những người ở hiện trường nó có thể tạo ra tình trạng trầm trọng hơn.

Tôi nghĩ trong bối cảnh hiện nay thì chiến tranh không xảy ra nhưng mình không thể loại bỏ được những sự cố nhỏ xé ra to dù nó cũng chỉ là cục bộ thôi.

Mạnh mẽ bảo vệ chủ quyền

Việt Hà: Hành động mới của Việt Nam có giúp được gì cho Việt Nam trong việc khẳng định quyền chủ quyền và kiềm chế hành động leo thang của trung quốc ở biển Đông?

GS. Nguyễn Mạnh Hùng: Lần này Việt Nam đã làm mạnh hơn các lần khác rất nhiều, ngoài những hành động bán quân sự, khác hẳn với các hành động ngày xưa là chỉ đánh võ mồm.

Thứ hai lần này người tuyên bố không phải là phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao mà chính là ông Phó Thủ tưởng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thì nó đã đưa cấp phản đối lên cao hơn. Thêm nữa là có nói chuyện trực tiếp với đối tác của ông bên Tàu.

Như vậy thì việc công khai hóa đã nhiều hơn rồi. Vì thế điều đó cho thấy là Việt Nam đã có cố gắng để xác định chủ quyền của mình. Và cái này công khai hóa thì dĩ nhiên củng cố thêm cái việc khẳng định chủ quyền còn cái việc có làm được không lại là chuyện khác

Việt Hà: Những thách thức nào mà Việt Nam đang phải đối mặt trong việc bảo vệ quyền chủ quyền của mình ở Hoàng Sa khi mà Trung Quốc có hạm đội tàu lớn như vậy quay quanh để bảo vệ giàn khoan của họ ở đó?

GS Nguyễn Mạnh Hùng: Khi Trung Quốc làm như vậy thì Trung Quốc phải tính lợi và hại. Việt Nam cũng phải cho Trung Quốc thấy cái lợi và hại. ví dụ có những chuyện Việt Nam có thể làm một mình.

Ví dụ như Philippines đưa Trung Quốc ra tòa quốc tế để kiện, bắt Trung Quốc xác định rõ đường lưỡi bò là gì, đảo Tri Tôn đó có 200 hải lý hay không.

Đó là chuyện mình phải làm về pháp lý. Về quân sự thì dĩ nhiên minh phải kiềm chế để không xảy ra chiến tranh, bởi chiến tranh rất thiệt hại. Nhưng có hành động kiểu quân sự như vậy là để đánh động quốc tế để mình nhân cớ đó có thể đưa ra diễn đàn đa phương, trong đó có liên hiệp quốc, trong đó có ASEAN, lôi kéo các nước ASEAN vào, họ phải để ý, buộc họ phải để ý.

Còn về phương diện ngoại giao, thì chuyện đó là do Việt Nam, Việt Nam phải cho Trung Quốc thấy cái lợi hại của mình. Cái hại là nếu Việt Nam có thể hô hào được các quốc gia ủng hộ mình, thì như lần này không những ông phụ tá Ngoại trưởng Mỹ lên tiếng mà chính phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cũng lên tiếng không đồng ý hành động này rồi.

Trong cuộc họp sắp tới Việt Nam Mỹ và Á châu Thái Bình Dương, vấn đề này phải được đưa ra, đánh động các quốc gia Đông Nam Á phải cùng hợp sức lại để phản đối Trung Quốc.

Những cái đó cho thấy là nếu Trung Quốc làm quá thì sẽ bị cô lập. Điểm thứ hai là có một đe dọa nữa mà Việt Nam có thể làm là như trường hợp Philippines bị ép quá thì bằng lòng ký hiệp ước với Mỹ, có sự hiện diện của Mỹ ở đó.

Bài này tháu cáy hay không còn tùy thuộc sự cân đo của Việt nam và Trung QUốc và tóm lại chỉ có Việt Nam mới biết mình có lá bài gì mà đánh. Đại cương có thể nói rõ là nếu anh dồn tôi vào chỗ quá thì tôi sẽ không sợ anh nữa.

Hành động tiếp theo của Trung Quốc?

Việt Hà: Theo ông tại sao Trung Quốc có hành động mới này với Việt Nam, nhất là sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama vừa đến châu Á và Hoa Kỳ và Philippines vừa ký thỏa thuận cho phép gia tăng sự hiện diện của quân đội Mỹ trong khu vực?

GS Nguyễn Mạnh Hùng: Trung Quốc thường là có chính sách dài hạn, tiến dần, mềm nắn rắn buông, rất là cơ hội. Ngày xưa Hoa Kỳ bị kẹt ở Trung Đông thì Trung Quốc dấn lên. Rồi bất cứ lúc nào có thời cơ là làm tới.

Trong thời điểm quan trọng thì họ phải thử. Bây giờ Hoa Kỳ ký hiệp ước với Philippines, sẽ có sự hiện diện quân đội thì Bắc Kinh bực mình và ông phải thử thách.

Thứ hai là trong lúc này Trung Quốc thấy Hoa Kỳ bị kẹt ở Ukraine, thực ra chính trị nội bộ Mỹ chia rẽ. Quyền lợi quốc gia Mỹ thì phải chú trọng đến Á Châu chứ không phải Ukraine, vì Ukraine không có quan trọng gì với an ninh của Mỹ, chỉ quan trọng về mặt nguyên tắc thôi.

Nhưng vì họ thấy nội bộ Mỹ chia rẽ, nên họ nhân tiện họ dấn vào vùng nào. Đây cũng là lúc để các ông chính trị gia Mỹ phải nghĩ đến quyền lợi quốc gia để có thái độ nhiều hơn trước khi trước khi Trung Quốc lấn lướt hết.

Tôi nghĩ Trung Quốc muốn thử Việt Nam, chặn Việt Nam…. Trước hết là chặn mặt Mỹ, thứ hai là chặn Việt Nam. Nhưng cái chính là làm một bước để đạt sự đã rồi để dần dần đạt được mục tiêu lâu dài của họ.

Việt Hà: Sau hành động này, liệu Trung Quốc còn có thể làm gì tiếp theo?

GS Nguyễn Mạnh Hùng: Lần trước họ mang giàn khoan ra mọi người phản đối quá thì họ đưa về. Lần này họ bảo làm 3 tháng thì có thể 3 tháng họ đưa về, nhưng nếu mình không làm và họ thấy Việt Nam bị cô lập thì họ cứ đào và sự đã rồi thì quốc tế phải chấp nhận thôi, nếu không có chiến tranh thì bắt buộc phải chấp nhận thôi.

Thành ra vấn đề khó của Việt Nam là làm sao phải làm cho nó nóng lên và làm sao nhiều quốc gia quan trọng ủng hộ mình, nhiều quốc gia quan trọng ủng hộ mình.

Tôi thấy nhiều quốc gia quan trọng chưa lên tiếng ví dụ như ở khối ASEAN, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc châu, những nước lớn ở hội đồng bảo an chưa thấy gì. Những cái đó nó ảnh hưởng đến việc Trung Quốc làm hay không. Họ làm hay không thì họ phải tính cái lợi hại của họ.

Việt Hà: Xin cảm ơn Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng đã dành cho Đài Á Châu Tự Do cuộc buổi phỏng vấn hôm nay.

Categories: Biển Đông | Leave a comment

Blog at WordPress.com.