Với những cuộc tập trận liên tiếp đã và sắp diễn ra, khu vực Biển Đông đang trở thành một “bãi tập trận” lớn nhất thế giới.
Chỉ tính từ tháng 5 trở lại đây, khu vực Biển Đông và lân cận đã có khá nhiều cuộc tập trận hải quân lớn với lực lượng của nhiều nước tham gia.
Tập trận Nga -Trung
Cuộc tập trận diễn ra cùng thời điểm Tổng thống Nga Putin đến thăm Trung Quốc và cũng trong bối cảnh căng thẳng Biển Đông leo thang sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Cuộc tập trận đã diễn ra từ 20 đến 26/5 ở vùng biển Hoa Đông. Tổng cộng đã có 14 tàu cùng 9 máy bay trực thăng và binh sỹ của cả hai bên tham gia. Tin tức từ truyền thông Trung Quốc cho hay cuộc tập trận nhằm nâng cao năng lực tấn công và phòng vệ cũng như tìm kiếm cứu nạn và giải cứu tàu bị cướp biển tấn công.
Tàu tên lửa Varyag của Nga cập cảng quân sự tại Thượng Hải, phía đông Trung Quốc, ngày 22/5/2014.
Trực thăng của Trung Quốc chuẩn bị đỗ trên tàu tuần dương tên lửa Varyag của Nga trong cuộc tập trận trên biển Hoa Đông ngày 23/5.
Một trực thăng của Trung Quốc cất cánh từ tàu khu trục tên lửa Ningbo.
Trực thăng Trung Quốc trong cuộc tập trận chung.
Tập trận Phillippines – Mỹ
Mới đây nhất, hải quân Phillippines và hải quân Mỹ đã tập trận ở Biển Đông. Nơi diễn ra cuộc tập trận nằm rất sát khu vực bãi cạn Scarborough là nơi mà hải quân Trung Quốc đã đưa quân chiếm từ Phillippines năm 2012.
Ông Rommel Rodriguez, người phát ngôn hải quân Philippines, cho biết cuộc tập trận này nhằm tăng cường năng lực tham chiến cho lực lượng hai nước trong những chiến dịch đổ bộ và trên biển.
Theo Reuters, đã có 5 tàu chiến trong đó phía Mỹ cử đi 3 tàu tham gia vào cuộc tập trận. Tổng số binh sỹ tham gia tập trận khoảng 1000 người. Các nguồn tin cho biết sẽ có bắn đạn thật trong cuộc tập trận này.
Tàu khu trục USS Halsey của Mỹ tham gia tập trận chung với Phillippines.
Hải quân Mỹ và Phillippines trong một cuộc diễn tập trước đây.
USS John McCain, một trong 3 tàu chiến Mỹ tham gia vào cuộc tập trận chung trên biển với hải quân Philippines, đang neo đậu tại Vịnh Subic (Philippines) vào hôm 26/6.
Các hoạt động của Trung Quốc
Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, Hải quân Trung Quốc đã thực hiện ít nhất 4 cuộc tập trận ở Biển Đông và Hoa Đông không kể cuộc tập trận chung với Nga. Đầu tiên là cuộc tập trận hôm 20/1 ở Biển Đông với lực lượng gồm một đội tàu thuộc hạm đội Nam Hải.
Tàu đổ bộ Trường Bạch Sơn của Trung Quốc tham gia tập trận hồi tháng 1 năm nay.
Theo Tân Hoa xã, một đội tàu thuộc biên chế của Hạm đội Nam Hải rời một quân cảng ở Tam Á thuộc tỉnh Hải Nam, tiến ra Biển Đông phối hợp diễn tập với lực lượng tàu ngầm. Hãng này không nói rõ địa điểm tập luyện, chỉ nói ở phía nam đảo Hải Nam.
Đội tàu này bao gồm hai tàu khu trục mang tên Hải Khẩu, Vũ Hán và tàu đổ bộ Trường Bạch Sơn. Tham gia lần diễn tập còn có ba trực thăng, một tàu đệm khí và một liên đội thủy quân lục chiến.
Kế đó vào giữa tháng 3, Trung Quốc lại tập trận chống ngầm bất thường trên Biển Đông. Đáng nói, cuộc tập trận chống ngầm này được tiến hành rất bất thường không hề có báo trước.
Hôm 16/6 một đoạn video trên đài RT cho thấy 3 tàu Trung Quốc đã bắn pháo dữ dội trên biển. Đài RT cũng dẫn tin tức nói rằng cuộc tập trận đã diễn ra trong tuần trước đó nhưng đến 16/6 mới được công bố.
Hình ảnh tàu Trung Quốc nã đạn cắt từ video.
Gần đây nhất, hôm 25/6, theo công bố của Tân Hoa Xã, các tàu chiến Trung Quốc đã tổ chức một cuộc diễn tập có bắn đạn thật trên biển. Các bức ảnh của Tân Hoa Xã cho thấy tàu chiến Trung Quốc
Tàu Trung Quốc bắn đạn thật trên biển.
Nhật tập trận bảo vệ đảo
Đáp trả lại các hành động của Trung Quốc, hôm 22/5, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) cũng tiến hành cuộc tập trận giả định để bảo vệ quần đảo bị lực lượng nước ngoài chiếm đóng.
Cuộc diễn tập nằm trong khuôn khổ một loạt cuộc tập trận được lên kế hoạch kéo dài từ ngày 10 – 27/5, nhằm mục đích tăng cường khả năng phòng vệ và tái chiếm đảo xa.
Lực lượng SDF tham gia cuộc diễn tập gồm 1.300 người, 8 máy bay và 4 tàu hải quân với kịch bản giả định là đảo Eniya thuộc tỉnh Kagoshima bị lực lượng nước ngoài đánh chiếm và quân Nhật đổ bộ lên chiếm lại.
Cuộc tập trận diễn ra trên đảo Eniya không có người ở, thuộc chuỗi đảo Amami, phía Tây Nam Nhật Bản.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản hiện đang xem xét việc tăng cường khả năng phòng thủ ở phần phía nam của Nhật Bản, trong bối cảnh căng thẳng khu vực gia tăng do tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Theo tin tức, cuộc diễn tập đổ bộ của Nhật Bản diễn ra cùng thời điểm Nga và Trung Quốc tiến hành diễn tập hải quân chung ở ngoài khơi thành phố Thượng Hải, gần vùng biển tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc trên biển Hoa Đông.
Tập trận chung hải quân Mỹ- Nhật- Ấn
Trong bối cảnh căng thẳng Biển Đông còn đang chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, các cuộc tập trận vẫn đang tiếp tục được lên kế hoạch. Cho đến nay đã có tin tức chắc chắn sẽ có một cuộc tập trận lớn ở phía bắc Thái Bình Dương. Hải quân Mỹ – Nhật – Ấn Độ sẽ tập trận chung trong tháng 7 hoặc tháng 8 tới như một biểu tượng chứng tỏ sự hợp tác an ninh ngày càng lớn giữa ba bên.
Theo tin tức của Timesofindia, Hải quân Ấn Độ sẽ gửi 4 hoặc 5 tàu tham gia. Trong đó có tàu khu trục hiện đại nhất Ấn Độ – Rajput và tàu khu trục tàng hình lớp Shivalik. Một quan chức Ấn Độ giấu tên cho biết: “Các tàu chiến Ấn Độ trước tiên sẽ đến Vladivostok tập trận chung với Nga và cuối tháng 7 sẽ từ đây đi đến Bắc Thái Bình Dương tập trận chung với Nhật và Mỹ”. Tuy nhiên chưa có thông tin về các tàu chiến Mỹ và Nhật sẽ tham gia cuộc tập trận.
Cuộc tập trận ở bắc Thái Bình Dương nhiều khả năng sẽ khiến Trung Quốc thêm tức tối trong bối cảnh giữa Bắc Kinh và Tokyo vẫn đang căng thẳng cao độ về chuỗi đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.
Quế Nguyễn (Tổng hợp)