Trung Quốc gạt biển Đông khỏi nghị trình ADMM Plus
Wednesday, February 18, 2015 12:46:45 PM
http://platform.twitter.com/widgets/tweet_button.62da0a34306f5c17db7d290755ed1d7d.en.html#_=1424508580632&count=horizontal&counturl=http%3A%2F%2Fwww.nguoi-viet.com%2Fabsolutenm2%2Ftemplates%2FviewarticlesNVO.aspx%3Farticleid%3D203259%26zoneid%3D2&dnt=false&id=twitter-widget-0&lang=en&original_referer=http%3A%2F%2Fwww.nguoi-viet.com%2Fabsolutenm2%2Ftemplates%2FviewarticlesNVO.aspx%3Farticleid%3D203259%26zoneid%3D2%23.VOhGjebF-sw&size=m&text=Trung%20Qu%E1%BB%91c%20g%E1%BA%A1t%20bi%E1%BB%83n%20%C4%90%C3%B4ng%20kh%E1%BB%8Fi%20ngh%E1%BB%8B%20tr%C3%ACnh%20ADMM%20Plus%20-%20Vi%E1%BB%87t%20Nam%20-%20Ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20Vi%E1%BB%87t%20Online%3A&url=http%3A%2F%2Fwww.nguoi-viet.com%2Fabsolutenm2%2Ftemplates%2FviewarticlesNVO.aspx%3Farticleid%3D203259%26zoneid%3D2%23.VOhGjRIMnB1.twitter Print Email
SINGAPORE (NV) .- Trung Quốc đã gạt bỏ đề nghị đưa biển Đông vào nghị trình của ADMM Plus sẽ diễn ra vào tháng 11 tại Mã Lai, tổ chức Jane’s Defense tiết lộ và tờ The Diplomat của Nhật vừa thuật lại.
![]() |
ASEAN thiếu đồng thuận, các chiến hạm của Trung Quốc vẫn ngang dọc trên biển Đông như đang đi lại trong “ao nhà”. (Hình: Tân Hoa Xã) |
ADMM Plus là cách gọi tắt Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng. Ngoài 10 Bộ trưởng Quốc phòng của ASEAN, hội nghị này còn có đại diện Bộ Quốc phòng của tám quốc gia nằm ngoài ASEAN là Hoa Kỳ, Nga, Úc, Tân Tây Lan, Nhật, Nam Hàn, Ấn và Trung Quốc tham dự.
ADMM Plus đã diễn ra hai lần. Lần đầu vào năm 2010 tại Việt Nam và lần thứ hai vào năm 2013 tại Brunei.
Tại cuộc họp giữa các chuyên viên để chuẩn bị cho ADMM Plus lần thứ ba, đại diện Trung Quốc đã gạt bỏ đề nghị của ASEAN: Đưa việc thực thi DOC (Bản Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông) và nội dung COC (Bộ Quy tắc ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc tại biển Đông) ra thảo luận tại ADMM Plus.
Nói cách khác, bởi Trung Quốc không đồng ý, những vấn đề vốn được xem là cốt lõi trong quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc cũng như an ninh khu vực sẽ không được đề cập tại ADMM Plus lần thứ ba.
Cần lưu ý rằng, mục tiêu của ADMM Plus là tạo lập một cơ chế hợp tác để giải quyết những bất đồng, trong đó có mâu thuẫn về chủ quyền nhằm hóa giải các xung đột tiềm ẩn. Thái độ của Trung Quốc mâu thuẫn với mục tiêu này.
Tờ The Diplomat nhận định, việc gạt bỏ biển Đông khỏi nghị trình của ADMM Plus cho thấy Trung Quốc không thật lòng. Điều đó còn chứng minh Trung Quốc không muốn bị các văn kiện chính thức trói buộc, ảnh hưởng đến việc thực thi tham vọng khống chế toàn bộ biển Đông.
Trung Quốc không muốn “quốc tế hóa” các tranh chấp biển Đông vì hi vọng có thể bắt chẹt từng quốc gia Đông Nam Á trong các cuộc thương thuyết song phương. Cũng vì vậy, COC đúng nghĩa có thể sẽ là một hi vọng không bao giờ thành hiện thực.
Hồi tháng 7 năm ngoái, tại hội thảo về “Tranh chấp biển Đông dưới góc nhìn dân sự”, do Việt Nam tổ chức, với sự tham gia của 50 học giả ở nhiều quốc gia khác nhau. Ông Carl Thayer, Giáo sư Học viện Quốc phòng Úc, từng khuyến cáo, ASEAN nên tự soạn thảo COC trước khi đàm phán với Trung Quốc. Đừng chú trọng vào đàm phán với Trung Quốc về COC.
Theo ông Thayer, việc ASEAN chỉ quan tâm đến đàm phán với Trung Quốc về COC mà không chú ý tới tự soạn COC trên biển Đông, bởi sợ Trung Quốc bác bỏ dự thảo tự soạn là một sai lầm. Ông Thayer nhấn mạnh, điều đó khiến ASEAN khó đạt được một lập trường chung trong khi Trung Quốc có thể lợi dụng khác biệt trong ASEAN để kéo dài các cuộc đàm phán, có thêm thời gian để củng cố sự hiện diện và kiểm soát đối với các vùng biển và thực thể ở biển Đông.
Vị giáo sư người Úc này cho rằng, diễn biến tranh chấp giữa Trung Quốc với Philippines tại bãi Second Thomas và tranh chấp giữa Trung Quốc với Việt Nam trong vụ giàn khoan 981 cho thấy, Trung Quốc muốn tình trạng thực tế thay đổi đến mức ASEAN không thể làm gì được nữa trước khi đạt được thỏa thuận về COC trên biển Đông.
Do vậy, ASEAN cần phải tìm kiếm sự đồng thuận về dự thảo COC trên biển Đông để xác lập lập trường thống nhất trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc. Ông Thayer khuyến cáo, ASEAN nên chỉnh sửa và cập nhật dự thảo COC trên biển Đông của Indonesia thành bản thảo cuối cùng để Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN phê chuẩn, phát hành nhằm tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế.
Trên thực tế, ASEAN đã lặng lẽ bác dự thảo COC trên biển Đông do Indonesia soạn và hướng sự quan tâm vào quan điểm của Trung Quốc đã khiến ASEAN bị tách thành hai nhóm: Nhóm có tranh chấp và nhóm không có tranh chấp.
Ông Thayer đề nghị ASEAN nên nhìn xa hơn, xem COC là bộ quy tắc ứng xử cho những vấn đề chung trên biển của khu vực Đông Nam Á chứ không đơn thuần chỉ là COC cho biển Đông. Điều này sẽ giúp củng cố tư cách pháp lý của ASEAN và tăng cường khả năng đối phó với các cường quốc bên ngoài.
Cũng cần nhắc lại là năm 1996, ASEAN đã từng đề cập đến việc xây dựng COC trên biển Đông nhưng bất thành. Do các tranh chấp trên biển Đông càng ngày càng gay gắt, năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC).
Tuy nhiên DOC không giúp giảm bớt căng thẳng trên biển Đông vì phạm vi áp dụng thiếu rõ ràng và các quy định thì thiếu cụ thể. Chưa kể DOC không có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý. Đến năm 2011, ASEAN và Trung Quốc tiếp tục thông qua Bản Quy tắc hướng dẫn DOC nhưng văn kiện này cũng không khắc phục được hết những hạn chế của DOC.
Người ta hy vọng nếu ASEAN có thể thông qua một COC cùng với Trung Quốc, các tranh chấp trên biển Đông có thể được phân xử bởi một cơ quan tài phán quốc tế. Tuy nhiên cho đến nay, Trung Quốc chưa bao giờ tỏ ra đồng tình với giải pháp này và tìm nhiều cách để tạo bất đồng giữa các quốc gia trong khối ASEAN khi họ bàn luận về COC.
Khó khăn trong đàm phàn giữa ASEAN và Trung Quốc là điều được xem như tất nhiên. Tháng 8 năm 2013, ông James R. Holmes, giáo sư về chiến lược của Học viện Hải quân Hoa Kỳ, từng cảnh báo, tìm cách thuyết phục Trung Quốc chấp thuận COC mà không dứt khoát trong việc giải quyết các mâu thuẫn hiện tại, chưa chắc đã là giải pháp tốt nhất cho ASEAN trong tương lai.
Theo ông Holmes, ASEAN nên cẩn trọng và mạnh mẽ khước từ COC với Trung Quốc, nếu trong đó, Trung Quốc không chấp nhận từ bỏ những đòi hỏi vô lối về chủ quyền ở biển Đông.
Theo hướng này thì ASEAN cần đạt được một văn kiện mà trong đó, Trung Quốc chấp nhận rút khỏi những nơi thuộc vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ASEAN mà họ từng xâm phạm. Chấp nhận ngưng ngăn cản hoạt động của hải quân các nước trong khu vực đường chín đoạn mà Trung Quốc tự vạch ra, cũng như chấp nhận rằng, bất kỳ COC nào ở biển Đông cũng phải tuân thủ Công ước về Luật Biển.
Ông Holmes nhận định, ưng thuận một COC với Trung Quốc mà thiếu cân nhắc các yếu tố vừa kể sẽ đồng nghĩa với việc phải chấp nhận thực trạng hiện nay. Trong đó bao gồm cả việc Trung Quốc đã chiếm giữ các khu vực nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của nhiều quốc gia ASEAN.
Vị giáo sư về chiến lược của Học viện Hải quân Hoa Kỳ khuyến cáo, nếu ASEAN chấp nhận một COC với Trung Quốc mà thiếu các điều kiện như ông đề nghị thì COC đó sẽ giúp Trung Quốc có thể giữ được những gì họ đã thâu tóm trong thời gian vừa qua. Ông Holmes nhấn mạnh, ASEAN sẽ phải trả giá đắt nếu thiếu tỉnh táo và cương quyết trong quá trình đạt được một COC với Trung Quốc.
Nay những cảnh báo đó đã trở thành rõ ràng. (G.Đ)