Daily Archives: July 1, 2016

Lý Sơn, “bảo tàng sống” chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam

Lý Sơn, “bảo tàng sống” chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam

HỮU HOÀNG/NEW YORK (VIETNAM+) LÚC : 30/06/16 15:20 BẢN IN

Một góc đảo Lý Sơn. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Ngày 29/6, trang tin The Diplomat đã đăng bài viết của học giả James Borton, giảng viên viện Walker, Đại học South Carolina cho rằng Lý Sơn chính là bảo tàng sống chứng minh chủ quyền Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Theo bài viết, tác giả đã có chuyến đi thực tế bằng thuyền ra Lý Sơn, quần đảo ngoài khơi cách tỉnh Quảng Ngãi, miền Trung Việt Nam khoảng 30km, cách quần đảo Hoàng Sa hơn 220km.

Trên thuyền, nhà khoa học biển-tiến sỹ Chu Mạnh Trinh chia đã sẻ về nhu cầu bức thiết cần phải kêu gọi tất cả các bên tranh chấp tại Biển Đông cùng tham gia giải quyết vấn đề suy thoái môi trường biển và sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên đồng thời hợp tác với các nhà khoa học.

Tiến sỹ Trinh cho biết: “Các rạn san hô khỏe mạnh tại Cù Lao Chàm được bảo vệ, đây cũng là những trung tâm phân phối dinh dưỡng quan trọng cho biển cả, đồng thời là nơi để các loài cá tìm đến sinh đẻ.”

Cựu sinh viên Fulbright Chu Mạnh Trinh dự định sẽ áp dụng mô hình bảo tồn tương tự như Cù Lao Chàm ngay tại đảo Lý Sơn. Ông đang lên kế hoạch làm việc với các đối tác nhằm xây dựng một công viên sinh thái trong đó có một khu vực bảo tồn biển.

Kể từ khi được hình thành cùng với bao đổi thay do các lớp nham thạch phun trào từ 10 triệu năm trước, giờ đây hòn đảo đang đứng trước cơ hội được UNESCO công nhận là công viên sinh thái toàn cầu.

Mục đích của việc xây dựng công viên sinh thái là nhằm bảo vệ môi trường sinh thái biển và các di sản văn hóa. Trong những năm qua, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra những mảnh vỡ gốm sứ và đá tạc tượng có nguồn gốc từ thế kỷ 18, cách đảo Lý Sơn khoảng 3km.

Do Trung Quốc không ngừng tiến hành các hoạt động bắt bớ tàu cá và sách nhiễu ngư dân Lý Sơn, hòn đảo núi lửa này đã trở thành biểu tượng lịch sử cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền đất nước và là điểm các du khách trong nước tìm đến thể hiện tinh thần đoàn kết với người dân trên đảo, những người đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lịch sử của đất nước.

Việc Trung Quốc đơn phương đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với hơn 80% vùng biển quốc tế và tiến hành xây dựng các đảo nhân tạo với quy mô lớn vì mục đích quân sự đã làm thay đổi diện mạo Việt Nam. Với tư cách là quốc gia hướng ra biển, khi tới Việt Nam, du khách có thể dễ dàng tìm thấy các câu chuyện kể về các ngư trường truyền thống của Việt Nam.

Đường bờ biển hình chữ S của Việt Nam kéo dài hơn 3.500km và khoảng 80% dân số Việt Nam cư ngụ dọc theo bờ biển. Ngoài khơi có hàng nghìn loài san hô, cỏ biển và các hệ sinh thái tại khu vực nước nông đang nhanh chóng bị hủy hoại và chôn vùi do Trung Quốc tăng cường thực thi các tuyên bố chủ quyền tại khu vực. Các dự án tôn tạo cũng làm sói mòn sự kết nối sinh thái giữa quần đảo Trường Sa và Biển Đông, đồng thời làm suy giảm lượng dinh dưỡng cần thiết để duy trì sự sống cho các hệ sinh thái tại đây.

Trong phỏng vấn mới đây với tiến sỹ Nguyễn Linh Ngọc, Thứ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường, về tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác vì phát triển bền vững, đặc biệt là trong vấn đề thích nghi với biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh năng lượng và an ninh nguồn nước vốn được xác định là các vấn đề cấp bách đồng thời là động lực của sự phát triển bền vững trong mỗi quốc gia và trên toàn khu vực; ông Ngọc cho biết, “Các rạn san hô ở Trường Sa đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì sự đa dạng sinh học và các loài cá. Thật thất vọng là việc Trung Quốc tiếp tục nạo vét và xây dựng đã và đang hủy diệt những nơi cư trú quan trọng nhất của các loài sinh vật biển, làm gia tăng suy giảm môi trường sinh thái tại khu vực.”

Đối với Lý Sơn, các vấn đề nổi bật là việc tiếp cận các ngư trường, tái tạo các di sản văn hóa và tưởng niệm lịch sử và sự hy sinh tại quần đảo Hoàng Sa.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng liên quan đến các tuyên bố chủ quyền tại khu vực giàu tiềm năng về năng lượng, có tuyến đường biển huyết mạch đi qua với khối lượng hàng chung chuyển mỗi năm lên đến 5.000 tỷ USD, Việt Nam đã không ngừng chứng minh các quyền lịch sử đối với vùng biển thông qua các câu chuyện, tài liệu, hiện vật phản ánh về các hải đội Hoàng Sa và Trường Sa.

Khoảng 20.000 dân sống trên Lý Sơn chủ yếu làm nghề đánh cá và trồng tỏi. Tuy nhiên đánh cá là nghề có từ lâu đời. Hiện đảo này có khoảng 400 tàu thuyền đánh cá trong đó có nhiều chiếc có thể đánh bắt xa bờ. Hàng ngày, những ngư dân này đều nhận thức được rằng khi đánh cá ở khơi xa, họ có thể bị tấn công bất cứ lúc nào. Không có gì đáng ngạc nhiên khi các gia đình, từ khi những người chồng, người cha và con trai của họ đánh cá trên những chiếc tàu gỗ truyền thống bị tàu Trung Quốc đâm chìm, họ ngày càng chăm đến viếng tượng đài “Đội Hoàng Sa Kiêm Quản Bắc Hải.”

Một ngư dân thuộc thế hệ thứ 4 cho biết mỗi khi anh cho thuyền ra khơi là mỗi lần đối mặt với hiểm nguy, tuy nhiên anh tin rằng biển là của tất cả mọi người và Hoàng Sa là một phần trong các ngư trường truyền thống của Việt Nam.

Không lâu sau khi Nhà Nguyễn được thành lập, kể từ thế kỷ 17, những người đứng đầu Triều Nguyễn đã nỗ lực củng cố chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và Hải đội Hoàng Sa, Trường Sa ra đời. Việt Nam đã sử dụng những tài liệu, hiện vật, thơ ca và các câu chuyện viết về lòng yêu nước của những thủy thủ Việt Nam đã hy sinh thân mình bảo vệ đảo nhằm chứng minh cho các tuyên bố chủ quyền tại các quần đảo này.

Những luận giải này xuất phát từ việc Đội Hoàng Sa được thành lập gồm 70 thủy thủ được lựa chọn từ xã An Vĩnh (Lý Sơn) và vào tháng Ba hàng năm, họ đi thuyền ra quần đảo Hoàng Sa để thu thập hải vật, đo đạc các tuyến hải trình và khẳng định chủ quyền thuộc Việt Nam.

Cụ Võ Hiển Đạt, 86 tuổi, người được xem là linh hồn của Lý Sơn, đã tận tâm nghiên cứu về lịch sử Lý Sơn và các tuyên bố chủ quyền tại các đảo Hoàng Sa và Trường Sa viết “Công đức trọng vô biên, sơ khai dựng xây miền đảo Lý/Tinh thần cao chí cực, kế tục dải Hoàng Sa.”

Lý Sơn được coi là bảo tàng sống về Hoàng Sa. Tại đây có chùa Vĩnh Ân thờ tổ tiên những người khai phá ra mảnh đất này từ bốn thế kỷ trước. Bảo tàng trên đảo cũng trưng bày hơn 1.000 tài liệu, ảnh và các chế tác liên quan đến các đội Hoàng Sa và Trường Sa.

Ông Võ Minh Tuấn, Giám đốc bảo tàng tin rằng những xung đột hiện nay tại Biển Đông đã khích lệ tinh thần yêu nước trong lòng người Việt. Ngày càng nhiều người Việt Nam thể hiện tình cảm đối với các ngư trường tổ tiên để lại tại khu vực các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong các câu chuyện với người dân đảo Lý Sơn, họ rất tự hào về việc tổ tiên của họ đã khám phá ra Hoàng Sa. Năm 2001, các xung đột về quyền đánh bắt cá tại Hoàng Sa gia tăng. Trung Quốc lần đầu tiên ngăn cản không cho ngư dân Lý Sơn tiếp cận ngư trường truyền thống của tổ tiên người dân Lý Sơn với lý do đây là ngư trường của tổ tiên người Trung Quốc, đồng thời đơn phương ban hành các lệnh cấm đánh bắt cá theo mùa.

Giáo sư Edyta Roszko, nhà nhân học của trường Đại học Durham, khi nghiên cứu về Lý Sơn viết trong nhận thức của người dân Lý Sơn về lãnh thổ của quốc gia, đường biên giới Việt Nam xuất phát từ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, làm cho Lý Sơn trở thành một trung tâm thực sự thuộc lãnh thổ Việt Nam bao gồm cả đất và biển.

Để bảo vệ chủ quyền, Việt Nam đã tổ chức chiến dịch bảo vệ “đất tổ” ở Biển Đông. Năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chọn Lý Sơn làm địa điểm tổ chức các cuộc triển lãm quốc gia về bản đồ lịch sử Việt Nam và Trung Quốc với chủ đề “Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam – bằng chứng pháp lý và lịch sử”.

Việt Nam cũng đã tổ chức các chiến dịch tuyên truyền về chủ quyền tại các đảo Hoàng Sa và Trường Sa với các khẩu hiệu “Việt Nam là quốc gia biển,” “Đảo là nhà, biển cả là quê hương,” “Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Việt Nam” và “mỗi người Việt Nam là một công dân của biển.”

Theo ông Võ Minh Tuấn, người dân trên đảo tin tưởng Việt Nam là quốc gia biển có bề rày lịch sử tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. “Đó là lý do tại sao chúng tôi chọn các câu khẩu hiệu này đề tăng cường nhận thức cho người dân về chủ quyền của Việt Nam tạ Biển Đông”, ông Tuấn khẳng định.

Mới đây, Hà Nội, thủ đô của Việt Nam, cũng vừa công bố cuộc thi phim ảnh cấp quốc gia lần thứ 6 về chủ đề môi trường. Cuộc thi đã tôn vinh các cá nhân, tổ chức làm các bộ phim có chất lượng về vấn đề môi trường góp phần khuyến khích và giáo dục người dân bảo vệ môi trường.

Theo tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc, khoảng 85% ngư dân trên thế giới tập trung tại châu Á, nhất là tại Biển Đông, tăng từ mức 77% năm 1970. Trung Quốc là quốc gia có đông ngư dân nhất, tiếp theo là Việt Nam, Indonesia và Philippines. Tại khu vực có khoảng 31 triệu người làm nghề liên quan đến ngư nghiệp, đánh bắt cá.

Bên cạnh đó, gần 1 tỷ người trên thế giới sống dựa vào nguồn lương thực từ biển. Tuy nhiên, nguồn hải sản đang bị suy giảm một cách có hệ thống. Trong nghiên cứu về đại dương gần đây của ông Johan Bergenas, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Stimson, cho biết các nước như Trung Quốc lo ngại rằng sự thiếu hụt nguồn hải sản có thể gây ra bất ổn xã hội trong bối cảnh dân số ngày càng tăng.

Những câu khẩu hiệu, bản đồ, tài liệu, sách cổ đều có tác dụng chứng minh các tuyên bố chủ quyền hợp pháp của Việt Nam tại biển Đông. Tuy nhiên còn có một điều rõ ràng nữa là cả nước Việt Nam đang hướng về biển Đông, đặc biệt là Lý Sơn.

Những nguồn tài nguyên bền vững này hiện đang bị đe dọa. Ông Vũ Thanh Ca, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Biển và Hải đảo khẳng định môi trường Biển Đông đang bị xuống cấp nghiêm trọng do các hoạt động khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên bừa bãi. “Tranh chấp lãnh thổ đang làm vấn đề trở nên tồi tệ hơn và đường chín đoạn của Trung Quốc cũng tạo ra tranh chấp trong nghề đánh cá đồng thời làm giảm các nguồi tài nguyên biển,” ông Ca cho biết.

Các nhà khoa học về môi trường còn cho rằng căng thẳng tại biển Đông gia tăng sẽ làm gia tăng các nguy cơ nguy hiểm, đe dọa tới các tuyến đường thủy chiến lược vào bậc nhất trên thế giới đi qua khu vực.

Bảo vệ môi trường sinh thái biển là vấn đề toàn cầu, sự bền vững của đại dương là vấn đề quan trọng đối với tất cả mọi người. Những thách thức đối với hệ sinh thái biển mong manh và có quan hệ hữu cơ với nhau, chúng bao gồm biến đổi khí hậu, các hoạt động hủy hoại và tàn phá hệ sinh thái biển, sự mất đa dạng sinh học, và sự xuống cấp của môi trường tự nhiên do bị khai thác quá mức.

Theo các nhà khoa học biển, việc quy hoạch quản lý công viên biển một cách cẩn thận sẽ giúp bào tồn các loài sinh vật và san hô biển đang bị suy giảm.

Tiến sỹ John McManus cùng một số học giả cho rằng, việc xây dựng công viên hòa bình quốc tế tại Biển Đông sẽ giúp quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và làm giảm căng thẳng trong khu vực thông qua việc giữ nguyên trạng và thực hiện các hành động mang tính xây dựng./.

Advertisement
Categories: Chính-Trị Thời-Sự | Leave a comment

Con heo đất tiết kiệm của người lính trên CASA-212

Con heo đất tiết kiệm của người lính trên CASA-212

  • 13.8k
  • 100

Trung uý Lê Đức Lam, cơ giới trên không của máy bay CASA số hiệu 8983, bắt đầu bỏ lợn đất tiết kiệm từ ngày biết vợ mang thai. 6 tháng, anh tích góp được 1,6 triệu.

Đến Lữ đoàn Không quân vận tải 918 (Hà Nội) những ngày này, vẫn là tinh thần chuyển cấp, trực chiến sẵn sàng chiến đấu duy trì nghiêm túc. Nhưng trong sự nghiêm túc ấy, không khó để nhận ra nét ưu tư trên khuôn mặt mỗi người lính. Họ đang cùng đau một nỗi đau chung, nỗi đau của những người lính khi đồng đội chưa trở về như đã hẹn.

Thứ bảy qua rồi sao nó vẫn chưa về?

Cuộc trò chuyện giữa tôi và đại tá Ngô Quang Trung, dẫn đường trên không An-26 Phi đội 1, bị gián đoạn bởi những giọt nước mắt xót xa ông dành cho người đồng đội được ông gọi bằng cái tên thân thuộc “Thằng cháu dại”. Với đại tá Trung, ký ức về trung úy trẻ Lê Đức Lam (31 tuổi), cơ giới trên không Lữ đoàn 918, quê quán tại Vân Hội, Ninh Giang, Hải Dương luôn đầy ắp kỷ niệm.

Giọng nghẹn ngào ông chia sẻ: “Vợ tôi đang đi công tác, sợ tôi buồn, nó hẹn với tôi thứ bảy này sẽ đưa tôi đi ăn bún chả. Thứ bảy qua rồi sao nó vẫn chưa về?”.

Con heo dat tiet kiem cua nguoi linh tren CASA-212 hinh anh 1
Trung uý Lê Đức Lam (bên trái) và đồng đội trên một chuyến bay. Ảnh tư liệu.

Vốn là người kỹ tính, chỉn chu trong công việc, lại là lớp người đi trước nên đại tá Trung quan sát và nhìn người rất kỹ. Ba năm trước khi được điều động sang nhận nhiệm vụ tại Phi đội CASA-212, ông nhớ mãi hình ảnh của một anh lính lòng khòng, 21h đêm vẫn cởi trần hì hục lau chùi hành lang phi đội.

Khi được hỏi anh lính chia sẻ: “Cháu chẳng có việc gì làm nên lau hành lang cho đỡ buồn”.  Từ lúc đó ông đã có phần cảm mến cậu lính trẻ. Sau này thân quen hơn ông mới biết vì đồng lương chẳng dư dả gì nên cậu ấy rất ngại đi chơi.

Sinh và lớn lên trong một gia đình nghèo tại Chư Sê, Gia Lai, tuổi thơ của trung úy Lam gắn liền với những nỗi nhọc nhằn, vất vả. Cuộc sống khó khăn nhưng những ai đã từng tiếp xúc đều ấn tượng về người trung úy trẻ này. Một con người chăm chỉ học tập, yêu lao động, sống hòa nhã và có trách nhiệm với tất cả mọi người.

Con heo dat tiet kiem cua nguoi linh tren CASA-212 hinh anh 2
Đại tá Ngô Quang Trung và trung uý Lê Đức Lam trong một chuyến tham quan. Ảnh tư liệu.

“Lam nó ham học lắm, nó có thể theo anh anh Luận – cơ giới, ra máy bay cả tuần chỉ để mong học thêm kinh nghiệm của người đi trước. Nó còn mong tôi dạy thêm cho nó về dẫn đường, mặc dù đó không phải là chuyên ngành của nó.

Ngày chưa có gia đình, hễ các chú, các anh ở đơn vị có việc bận hay phải đi công tác là Lam lại nhận việc đưa đón các cháu đi học cho các chú, các anh yên tâm công tác. Nó chẳng bao giờ nề hà việc gì, cái gì cũng nhận phần thiệt thòi về mình”, ông Trung nghẹn ngào.

Con lợn đất của Lam

Với đại tá Trung, anh Lam không chỉ là một người đồng đội, anh còn là một người cháu được ông yêu thương và dành nhiều tình cảm đặc biệt. Ông kể: “Lam nó hiền lành. Nó nghèo, hay tự ti nên mãi chẳng dám yêu ai. Tôi còn nhớ mãi đến năm 2014 trên đường thực hiện nhiệm vụ trở về căn cứ nó rút điện thoại ra khoe với đồng chí Chính – Chính trị viên phi đội hình vợ sắp cưới. Tôi mới hỏi: “Sao cưới vợ đến nơi rồi mới khoe anh em?”.

Lúc đó, trung úy Lam mới thật thà chia sẻ: “Người yêu cháu vừa xinh, vừa có 2 bằng đại học. Cháu vừa xấu lại nghèo, cháu sợ người ta chê, người ta không ưng mình nên mãi chẳng dám khoe ai”. Cô gái ấy là Thúy Nga người cũng là vợ hiện tại của trung úy Lam bây giờ.

“Thằng cháu dại của tôi nó ngờ nghệch lắm. Nó không hiểu được rằng người ta yêu nó, thương nó không phải vì nó giàu hay nghèo mà chính vì con người nó, vì những phẩm chất tốt đẹp mà nó có”, ông Trung nói.

Lam kết hôn đầu năm 2015, với đồng lương bộ đội ít ỏi, vợ chưa có công ăn việc làm ổn định nên cuộc sống của hai vợ chồng trẻ là những điều thiếu trước hụt sau.

Con heo dat tiet kiem cua nguoi linh tren CASA-212 hinh anh 3
Một bức ảnh kỷ niệm của vợ chồng trung uý Lê Đức Lam. Ảnh tư liệu.

Vợ Lam đang mang thai tháng thứ 6 con đầu lòng, hai vợ chồng đang ríu rít chuẩn bị cho ngày lâm bồn. Ông Trung kể: “Ngày vợ nó mang bầu, thằng bé hồ hởi khỏe với tôi: Vợ cháu có bầu rồi chú ạ. Từ hôm nay cháu sẽ bỏ lợn để có tiền cho vợ cháu sinh em bé”.

Cái việc bỏ lợn của Lam làm ông Trung như muốn rơi nước mắt: “Trước hôm Lam lên đường nhận nhận nhiệm vụ, gặp nó tôi hỏi tiết kiệm được bao nhiêu tiền rồi. Nó hồn nhiên khoe “chắc được khoảng một triệu sáu rồi chú ạ”. Tôi cười trêu nó “Ôi trời, bỏ 6 tháng mới được một triệu sáu thôi à?”. Nói là vậy chứ tôi biết con lợn của nó sẽ chỉ là những đồng tiền lẻ nó gom góp hàng ngày. Nghĩ đến mà tôi thương nó đến quặn lòng”.

Hai năm nữa ông Trung nghỉ hưu, ông hứa với sẽ tặng lại vợ chồng Lam cái tủ lạnh và cái máy giặt. “Giờ nó chưa về tôi biết để cho ai?”, ông Trung buồn bã.

Một thứ bảy nữa lại sắp đến, lời hẹn sẽ về đưa chú Trung đi ăn bún chả của anh Lam vẫn chưa biết bao giời mới thực hiện được. Nhưng anh Lam và 8 đồng đội đang mất tích trên máy bay CASA-212 số hiệu 8983 đã giữ lời với đồng đội và gia đình anh Khải là sẽ tìm anh ấy trở về. Từ hôm các anh đi đã 6 ngày trôi qua, các anh vẫn chưa trở về.

CASA, trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là ngôi nhà. Hãy tin những người lính bay quả cảm này họ chưa hề rời xa ngôi nhà, tổ ấm của mình và nhất định họ sẽ trở về.

Categories: Tài Liệu Tham Khảo | Leave a comment

Biển Đông: Các kịch bản phán quyết của Tòa Án Trọng Tài và hệ lụy đối với Việt Nam

Biển Đông: Các kịch bản phán quyết của Tòa Án Trọng Tài và hệ lụy đối với Việt Nam

RFI

clip_image002

Trụ sở Tòa án Trọng tài Thường trực, La Haye, Hà Lan (wikipedia.org)

Theo nhiều nguồn tin báo chí, có thể vào đầu tháng Bảy 2016, Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye sẽ ra các phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông mà Manila gọi là biển Tây Philippines.

Kể từ khi đệ đơn khởi kiện vào tháng Giêng năm 2013, theo yêu cầu của Tòa, các chuyên gia của Philippines đã nhiều lần bổ sung hồ sơ và ra điều trần để giải thích lập trường của Manila.

Chính quyền Philippines nhấn mạnh là buộc phải sử dụng phương thức này sau khi các cuộc đàm phán với Trung Quốc đều thất bại.

Ngay từ đầu, Trung Quốc đã tuyên bố không thừa nhận thẩm quyền của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực và không tham gia vụ kiện. Trong thời gian qua, Trung Quốc liên tục chỉ trích Philippines đơn phương có hành động pháp lý và nhiều lần khẳng định không chấp nhận phán quyết của tòa.

Việt Nam là một trong các bên có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, không chỉ với Trung Quốc, Đài Loan mà còn cả với Philippines, tại quần đảo Trường Sa. Do vậy, các vấn đề mà Philippines đệ trình xin phán quyết của Tòa liên quan đến quyền và lợi ích của Việt Nam.

Giới phân tích đã có nhiều bình luận về phản ứng của Trung Quốc và Philipines về những phán quyết mà Tòa Án Trọng Tài có thể đưa ra, nhưng chưa từng nói tới thái độ của Việt Nam.

Vậy các kịch bản phán quyết của Tòa Án Trọng Tài là gì ? Các quyết định này tác động ra sao đối với quyền và lợi ích của Việt Nam tại Biển Đông ?

Qua thư điện tử, giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia thuộc Học viện Quốc Phòng Úc, trả lời các câu hỏi của RFI.
Trước tiên, ông nêu ra các kịch bản về quyết định của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực trong vụ Philippine kiện Trung Quốc :

Tháng 10 năm ngoái, Tòa Án Trọng Tài Thường Trực đã quyết định là có thẩm quyền xem xét 7 trong số 15 vấn đề tranh chấp mà Philippines đệ trình và giờ đây, tòa đang quyết định liệu có thẩm quyền hay không đối với các tranh chấp khác qua việc xem xét các nội dung.

Khi đưa ra quyết định như vậy vào năm ngoái, Tòa Án Trọng Tài đã nêu rõ là cả Philippines và Trung Quốc đều đã ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển – UNCLOS và các hình thức bắt buộc giải quyết tranh chấp là một phần của UNCLOS. Cả hai nước đã chấp nhận rang buộc này khi tham gia UNCLOS. Và Tòa Án Trọng Tài đã khẳng định là chính định chế này – chứ không phải Trung Quốc hay một bên nào khác – có quyền quyết định xem Tòa có thẩm quyền hay không đối với các tranh chấp được đệ trình lên. Ngoài ra, Tòa Án Trọng Tài cũng quyết định là tất cả các bên ký kết Công ước « không được tự do nhặt chọn những phần trong Công ước mà họ muốn chấp nhận hoặc bác bỏ ».

Tòa Án Trọng Tài có thể ra phán quyết về bốn loại vấn đề: (1) quy chế và quyền, chiểu theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, của các thực thể mà Trung Quốc đang chiếm đóng; (2) bảo vệ và giữ gìn môi trường biển tại bãi cạn Scarborough và Đá Vành Khăn – Mischief Reef; (3) việc ngăn cản trái phép các hoạt động của ngư dân, máy bay và tàu quân sự của Philippines; (4) quy chế pháp lý của « quyền lịch sử » cũng như bản đồ chín đoạn của Trung Quốc.

Nếu ra phán quyết về quy chế các thực thể tại Biển Đông, Tòa Án Trọng Tài sẽ tuyên bố là những thực thể nào thuộc loại nửa chìm nửa nổi, là đá, là đảo. Đây sẽ là phán quyết quan trọng nhất trong vụ kiện này. Những thực thể nửa chìm nửa nổi thì không có bất kỳ vùng lãnh hải hay không phận nào cả. Đá và đảo có lãnh hải 12 hải lý và đảo thì có thêm vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Việc xác định này sẽ giúp làm rõ các lãnh hải của từng thực thể và có thể là một bước hướng tới việc giải quyết các đòi hỏi lãnh thổ chồng lấn.

Nếu Tòa Án Trọng Tài ra phán quyết là Trung Quốc đã vi phạm các trách nhiệm của họ chiểu theo UNCLOS liên quan đến việc bảo vệ và giữ gìn môi trường biển xung quanh Scarborough và Mischief Reef thì điều này có thể buộc Trung Quốc phải lùi bước và tạo ra một lý do có tiếng vang lớn cho các nước khác chỉ trích bất kỳ hành động xây dựng nào của Trung Quốc.

Tòa Án Trọng Tài có thể phán quyết rằng Trung Quốc đã ngăn cản trái pháp luật các ngư dân Philippins thực hiện quyền truyền thống đánh bắt hải sản trong vùng biển của nước này, đặc biệt là trong vùng Scarborough, cũng như Trung Quốc đã ngăn chặn trái pháp luật việc qua lại của tàu bè và máy bay Philippines. Phán quyết này sẽ tạo cơ sở vững chắc cho Hoa Kỳ và các nước khác trong việc ủng hộ Philippines.

Cuối cùng, Tòa Án Trọng Tài có thể tuyên bố rằng bản đồ chín đoạn của Trung Quốc không có cơ sở trong luật pháp quốc tế. Điều này liên quan đến việc xác định yêu sách của Trung Quốc về « các quyền lịch sử » và liệu đòi hỏi này có còn có giá trị hay không sau khi Trung Quốc tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Về điểm này, Việt Nam có lợi nhất bởi vì không hề có tranh chấp đối với các đảo trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và phán quyết của Tòa Án Trọng Tài sẽ xóa bỏ những vùng lãnh thổ chồng lấn mà Trung Quốc vẫn đòi hỏi.

– Nếu phán quyết của Tòa không có lợi cho Philippines thì Việt Nam có thể làm gì?

Dường như Tòa Án Trọng Tài sẽ không ra phán quyết đơn lẻ nào bởi vì có một loạt các vấn đề pháp lý nẩy sinh. Các vấn đề này được chia thành những lĩnh vực mà Tòa Án Trọng Tài quyết định là có thẩm quyền xem xét, còn các vấn đề khác sẽ được quyết định theo nội dung. Thắng, thua hay hòa thì trường hợp của Philippines sẽ cho thấy là tất cả các bên ký Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển đều liên quan đến các cơ chế giải quyết tranh chấp theo luật định.

Quyết định quan trọng nhất có ảnh hưởng tới Philippines là phải chăng Tòa Án Trọng Tài sẽ tuyên bố Ba Bình (mà Đài Loan gọi là Thái Bình – tên quốc tế Itu Aba) là một đảo và như vậy có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Quyết định này có thể gây ra các vùng biển chồng lấn. Tòa Án Trọng Tài không có thẩm quyền đối với các hoạt động thực thi pháp luật trên biển liên quan đến các hoạt động đánh bắt hải sản hoặc nghiên cứu khoa học trong những vùng biển này. Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục quấy nhiễu các tàu cá của Philippines và Việt Nam trong vùng này, cho dù đảo Ba Bình (Itu Aba) hiện do Đài Loan chiếm giữ.

– Trong trường hợp phán quyết của tòa có lợi cho Philippines, thì Việt Nam sẽ chịu tác động ra sao?

Việt Nam sẽ chịu áp lực là chỉnh sửa các đường cơ sở cho phù hợp với luật pháp quốc tế, ví dụ như đường cơ sở có hình « người đàn bà mang bầu » ở phía đông-đông nam. Việt Nam cũng chịu áp lực là phải tuyên bố thực thể nào thuộc loại nửa chìm nửa nổi, đá hay đảo.

– Vậy Hà Nội sẽ phản ứng ra sao vì Việt Nam và Philippines có các tranh chấp đối với một số thực thể ở quần đảo Trường Sa?

Vì Việt Nam và Philippines đều có những đòi hỏi chồng lấn tại một số thực thể, một phán quyết của Tòa Án Trọng Tài có thể làm cho một số thực thể của Việt Nam bị xếp trong cùng loại với các thực thể mà Trung Quốc đang chiếm đóng. Cả hai nước, Việt Nam và Philippines, đều bị ràng buộc bởi Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển là phải tiến hành đàm phán để giải quyết tranh chấp hoặc nếu đàm phán thất bại thì phải đưa ra « những biện pháp có tính thực tế » để tránh xung đột.

– Nếu Tòa Án Trọng Tài tuyên bố Ba Bình (Itu Aba) chỉ là đá chứ không phải là đảo thì theo giáo sư, Việt Nam có ở vị thế khó khăn hay không?

Việt Nam có thể hưởng lợi nhiều hơn nếu như Tòa Án Trọng Tài tuyên bố Ba Bình (Itu Aba) là đá. Không có các tranh chấp đối với những đảo nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và Việt Nam có thẩm quyền không thể tranh cãi đối với vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Nếu là đá, Ba Bình (Itu Aba) sẽ có vùng biển xung quanh hạn chế (chỉ có lãnh hải 12 hải lý chứ không có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý) và điều này sẽ thu nhỏ vùng tranh chấp giữa Đài Loan và các bên đòi hỏi chủ quyền.

– Giáo sư có nghĩ rằng Việt Nam phải xem xét lại Luật Biển của mình để cho phù hợp với phán quyết của Tòa Án Trọng Tài?

Việt Nam có thể phải xem xét lại làm thế nào áp dụng được Luật Biển của mình cho phù hợp với các nghĩa vụ của một nước đã ký kết UNCLOS, ví dụ như chỉnh sửa lại đường cơ sở cho phù hợp với luật pháp quốc tế và không mở rộng thẩm quyền của mình đối với các thực thể nửa chìm nửa nổi. Tùy thuộc xem liệu Tòa Án Trọng Tài có ra phán quyết về các hoạt động quân sự trong vùng đặc quyền kinh tế như thế nào mà Việt Nam có thể phải xem xét lại việc yêu cầu các tàu bè nước ngoài phải thông báo trước, khi đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Theo một số nhà phân tích, nếu như Tòa Án Trọng Tài ra phán quyết bất lợi cho Trung Quốc, điều này sẽ khuyến khích các nước đang có tranh chấp theo gương Philippines. Giáo sư có nghĩ là Việt Nam sẽ đưa hồ sơ này ra trước Tòa Án Trọng Tài Thường Trực?

Nếu Trung Quốc tiếp tục phớt lờ các yêu cầu tôn trọng các quyết định của Tòa Án Trọng Tài và tiếp tục quấy nhiễu ngư dân và các tàu tiếp vận của Việt Nam tại Biển Đông, Việt Nam và các nước khác như Indonesia và Malaysia có thể khởi kiện. Tuy nhiên, quyết định của mỗi nước dựa trên các vấn đề chính trị đối nội cũng như quan hệ với Trung Quốc. Trong quá khứ, các lãnh đạo Việt Nam đã tuyên bố rằng hành động pháp lý là bước cuối cùng. Ứng xử của Trung Quốc đối với quyết định của Tòa Án Trọng Tài sẽ là yếu tố quyết định.

*

Đa số các nhà quan sát cho rằng có nhiều khả năng Tòa Án Trọng Tài Thường Trực sẽ ra phán quyết có lợi cho Philippines.

Do vậy, trong những tuần qua, Trung Quốc đã mở chiến dịch vận động ngoại giao và tuyên truyền là có nhiều nước ủng hộ.

Tuy tuyên bố không chấp nhận các phán quyết của Tòa, nhưng việc không tôn trọng các quyết định của Tòa sẽ làm tổn hại hình ảnh Trung Quốc.

Trong một động thái gần như là tuyệt vọng, theo Kyodo, Trung Quốc đe dọa sẽ trả đũa bằng cách rút khỏi Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, nếu Tòa ra phán quyết trái ngược với lập trường của Bắc Kinh trong hồ sơ Biển Đông.

Nguồn: http://vi.rfi.fr/chau-a/20160627-bien-dong-cac-kich-ban-phan-quyet-cua-toa-an-trong-tai-va-he-luy-doi-voi-viet-nam

Categories: Chính-Trị Thời-Sự | Leave a comment

Kỷ nguyên của chiến tranh điện tử

Kỷ nguyên của chiến tranh điện tử

Nguyễn Lương Tuyền (Danlambao)…Người ta nghi ngờ cả hai phi cơ đã bay vào Vùng Nhận Diện Phòng Không (ADIZ) của TC. Máy Định Vị (GPS) của cả hai phi cơ đã bị TC làm cho bất khiển dụng, hệ thống điện tử của phi cơ bị “nhiễu loạn” để rồi cả 2 phi cơ đều bị hỏa tiễn của TC bắn hạ. Phải chăng Chiến tranh điện tử – một loại chiến tranh dùng công nghệ kỹ thuật cao đã bắt đầu? Hai phi cơ cùng 10 người thuộc phi hành đoàn của 2 chiếc phi cơ của CSVN là những người đầu tiên hy sinh trong cuộc chiến mới này…
*
Ngày 14 tháng 6 năm 2016, một phản lực cơ SU- 30 MK2 của Không Quân VNCS cất cánh từ sáng sớm để thi hành một phi vụ được gọi là ”phi vụ huấn luyện”. Một giờ sau, phi cơ mất liên lạc. SU- 30MK2 là một phản lực cơ tối tân do Nga Sô chế tạo.
Ngày 16 tháng 6 năm 2016, một phi cơ cánh quạt với một phi hành đoàn 9 người, lên đường đi tìm kiếm phi cơ SU-30MK2. Phi cơ do Đại tá Lê Kiêm Toàn lái. Đại tá Toàn là Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn KQ số 918.
Chỉ có 1 phi công, Thiếu Tá Nguyễn Hữu Cường là sống sót. Ông được một ngư dân vớt. Lực lượng ”cứu hộ” không tìm ra ông Cường và xác của Thượng Tá Trần Quang Khải. Xác 2 phi cơ đều tan nát- do một vật đụng mạnh, hết sức mạnh vào phi cơ, chứ không phải chỉ thuần là bị rơi xuống nước, theo lời Phi Công Nguyễn Thành Trung (phi công phản loạn đã oanh tạc phi Trường Tân Sơn Nhất bằng phi cơ A-36 vào những giờ phút cuối của VNCH).
Người ta nghi ngờ cả hai phi cơ đã bay vào Vùng Nhận Diện Phòng Không (ADIZ) của TC. Máy Định Vị (GPS) của cả hai phi cơ đã bị TC làm cho bất khiển dụng, hệ thống điện tử của phi cơ bị “nhiễu loạn” để rồi cả 2 phi cơ đều bị hỏa tiễn của TC bắn hạ.
Phải chăng Chiến tranh điện tử – một loại chiến tranh dùng công nghệ kỹ thuật cao đã bắt đầu? Hai phi cơ cùng 10 người thuộc phi hành đoàn của 2 chiếc phi cơ của CSVN là những người đầu tiên hy sinh trong cuộc chiến mới này.
Hệ thống điện tử sẽ giữ vai trò sống còn trong hình thái chiến tranh mới này. Trong loại chiến tranh này, hệ thống liên lạc và định vị (GPS) bị vô hiệu hóa, các hệ thống máy bay, hỏa tiễn, tầu chiến, tầu ngầm… sẽ mất khả năng liên lạc, thậm chí có thể bị phá hủy.
Tháng 5 năm 2016, The Pentagon của Mỹ đã ra một báo cáo vạch trần tham vọng bành trướng lãnh thổ và chiến tranh điện tử của Trung Cộng. Theo đó TC đã thăm dò và xâm nhập mạng lưới điện tử của Mỹ để thâu thập thông tin tình báo để hậu thuẫn cho một cuộc chiến tranh điện tử trong khi vẫn tăng cường các nỗ lực cho một cuộc chiến có thể xảy ra ở tầm xa.
Báo cáo nhấn mạnh TC đã sục sạo trong mạng lưới của nhiều lãnh vực như ngoại giao, kinh tế, quốc phòng… Lầu Năm Góc cho rằng kỹ năng để xâm nhập giống hệt kỹ năng của các hackers.
TC cho rằng những lời kết tội đó vô căn cứ, sẽ làm tổn thương tới sự tin cậy của quân đội của 2 nước.
Theo tờ The Diplomat, Hải Quân Mỹ đã than phiền gặp khó khăn trong việc thu thập dữ liệu ở khu vực Biển Đông vì những khó khăn do biện pháp chống phá điện tử của Trung Cộng. Tháng 4 năm 2015, máy bay giám sát không người lái Global Hawk Long Range đã không thể thu thập được các dữ liệu, tin tức về các đồn bót do TC xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa. Lý do là việc can thiệp điện tử của Trung Cộng.
EA- -18G Glowler Electronic Attack
Chỉ một ngày sau khi 1 phi cơ SU-30G MK2 của Việt Nam bị mất tích trên Biển Đông, hôm 16 tháng 6 Mỹ “dispatch” tới Clark Base của Phi Luật Tân 4 máy bay điện tử tấn công (the most advanced airborn attack. AE-18G Growler provides tactical jamming and electronic protection US Military Forces and Allies around the world). 4 chiếc phi cơ này được gửi đến Clark Base cùng với 120 quân nhân điều khiển và bảo trì.
Máy bay EA-18G Growler đước thiết kế để phát hiện, gây nhiễu sóng (jamming) và phá hủy chức năng phát radar cũng như làm trở ngại cuộc tấn công điện tử của đối phương.
Chiến tranh điện tử là một hướng đi mà các cường quốc đều muốn theo đuổi. Ngày 7 tháng 6 năm 2016, truyền thông Tây Phương đã đưa tin Mỹ sẽ tiến hành hệ thống tác chiến điện tử với khả năng vô hiệu hóa tín hiệu hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu (GPS). Cuộc thử nghiệm được diễn ra ở California và có thể gây ảnh hưởng ở một khu vực có đường bán kính lên đến 300km, khiến máy bay trong vùng bị nhiễu loạn hệ thống điện tử khiến phi cơ bị mất định hướng, mất khả năng.
Theo sự tiết lộ của Cơ Quan Nghiên Cứu Quân Sự IHS Janes (Anh), máy bay tác chiến điện tử của Trung Cộng do Công Ty máy bay Thẩm Dương sản xuất đã ”nhái” theo EA-18G Growler của Mỹ. Máy bay J-16 còn được trang bị ở 2 đầu cánh máy gây nhiễu (jamming) AN-AL AQ 218 do Tập Đoàn Northrop Grumman (Mỹ) chế tạo. Phiên bản đầu tiên J-16 được TC đem ra thử năm 2015. Người dự đoán tới năm 2020 TC sẽ có khoảng 100 chiếc J-16. Tuy nhiên J-16 đã để lộ nhiều yếu điểm như: không có súng ở thân máy bay, thiếu hệ thống dò đường và tìm kiếm hồng ngoại. Người ta cho rằng, dù bắt chước máy bay Mỹ, nhưng khả năng của J-16 rất yếu kém so với EA-18G Growler.
Ngày 18 tháng 6, sau khi phi cơ tác chiến điện tử đến Phi Luật Tân, GS Richard Javad Heydarian, chuyên về các vấn đề quốc tế tại Đại Học La Salle (Phi) nhận định: “Với nguy cơ bùng nổ chiến tranh điện tử do Trung Cộng phát động, Mỹ đang tiến hành mọi nỗ lực để phòng ngừa. Dù Mỹ vượt trội về quân sự truyền thống, Trung Quốc vẫn có thể khai thác tác chiến điện tử kết hợp cùng ưu thế về khoảng cách địa lý.”
Cùng ngày 18 tháng 6, TS Koh KsWee lean Collin, thuộc Đại Học Singapour, cũng cho biết: “Trung Cộng, được cho là đã vận hành các hệ thống can thiệp tín hiệu định vị toàn cầu (GPS) và sở hữu cả thiết bị can thiệp vào sóng điện tử.”
Ngày 26 tháng 6 năm 2016, trong tờ Báo Cáo thường niên “Sự phát triển quân sự và an ninh của Trung Quốc năm 2016” được đệ trình lên Quốc Hội Mỹ, Lầu Năm Góc đã viết: “Không Quân của Trung Quốc đang tiến nhanh trong việc trang bị khả năng chỉ huy và điều khiển bằng kỹ thuật điện tử để can thiệp điện tử, tiến hành tác chiến điện tử.”
Về chiến lược về chiến tranh điện tử mà Bắc Kinh đang tập trung theo đuổi, báo cáo trên nhận xét thêm:
“Trung Quốc đặt lực lượng tác chiến điện tử là lực lương thứ 4, ngang hàng với các binh chủng Lục Quân, Hải Quân, Không Quân Vũ khí điện tử mà TC sở hữu có thể can thiệp vào nhiều phương tiện liên lạc, tín hiệu vệ tinh… Với những vũ khí như vậy, TC có khả năng không chỉ vô hiệu hóa các hỏa tiễn tấn công mà còn có thể can thiệp cắt đứt liên lạc, phá hủy hệ thống định vị của máy bay đối phương.”
Máy bay EA-18G Growler có nhiều khả năng tấn công, sở hữu nhiều thiết bị tác chiến điện tử mạnh mẽ. Máy bay được trang bị hỏa tiễn không đối không, không đối địa. Ngoài ra, tháng 6 vừa qua, Hoa Kỳ đã điều động 2 Hàng Không Mẫu Hạm USS John C. Stennis, USS Ronald Reagan cùng 2 hạm đội phụ thuộc đến Biển Phi Luật Tân. Tổng cộng 2 nhóm tàu trên gồm:
– 2 HKMH
– 12.000 binh sĩ
– 140 phi cơ
– 6 tàu chiến
Trên mỗi HKMH, ngoài các phi cơ chiến đấu cơ hữu, còn có 5 phi cơ tác chiến điện tử EA- 18G Growler.
Chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng tại Biển Đông có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Cuộc chiến sẽ là 1 cuộc chiến không kéo dài, chỉ vài ngày hay vài tuần.
01.07.2016
Categories: Biển Đông | Leave a comment

Quốc phòng Việt Nam ‘ba không’ và ‘một có’

BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA” THỨ  HAI 20  JUNE 2016

Quốc phòng Việt Nam ‘ba không’ và ‘một có’

image017

Một chuyên gia về quan hệ quốc tế nói Việt Nam phải sử dụng tất cả các đòn bẩy chiến lược và chiến thuật để duy trì bảo vệ an ninh toàn vẹn lãnh thổ.

Trả lời phỏng vấn với phóng viên Nguyễn Hoàng của BBC tiếng Việt tại Hà Nội hồi giữa tháng 01/2016, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường, nguyên vụ Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử Ngoại giao Việt Nam (Bộ Ngoại giao Việt Nam) nói không phải là Việt Nam hiện đại hóa sức mạnh quân sự để kiềm chế hay đối trọng Trung Quốc như phía Trung Quốc nêu mà chỉ là để tự vệ.

“Tương quan trong lịch sử như ông Nguyễn Trãi đúc kết ở cuối thế kỷ 15 trong bài Bình Ngô Đại Cáo “Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có”.

“Tuy nhiên tương quan nay ngày càng thay đổi. Trung Quốc nay là một quốc gia mạnh ở mức toàn cầu trong khi Việt Nam vẫn chỉ là một nước với nền kinh tế nhỏ và tương quan có thay đổi.

“Câu hỏi đặt ra là Việt Nam sẽ ứng xử thế nào bên cạnh một nước Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ. Việt Nam sẽ ứng xử với Trung Quốc như thế nào trong mối quan hệ tương tác với các cường quốc khác, đặc biệt với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga và EU.

“Đó là các những vấn đề cốt lõi mà Việt Nam phải giải quyết trong ngoại giao và đời sống kinh tế và chính trị hiện đại của Việt Nam,” Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường, hiện là Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế ( CSSD), nói với BBC.

“Ba không” và “một có”

image019

Image copyright AFP Image caption Ngoại trưởng Kerry đã từng có những tuyên bố mạnh về lập trường của Hoa Kỳ tại Biển Đông.

Ông Trường nói rằng có những cơ quan nghiên cứu an ninh và quốc phòng của Việt Nam người ta đề ra cái gọi là “ba không”: không để nước ngoài thiết lập căn cứ quân sự tại Việt Nam, không đi với nước này để chống nước kia và không cho nước khác sử dụng lãnh thổ của mình để chống lại một nước khác.

Thế nhưng ông Trường mô tả “ba không” này thì có vẻ “phòng thủ quá”.

“Tức là nếu như mình “ba không” mà người ta lại muốn làm thì mình làm thế nào. Cho nên chúng tôi tại trung tâm này đề ra cái gọi là “ba không một có”. Một có ở đây là những cái gì có thể làm được và làm đến mức độ nào. Một có là chúng tôi phải sử dụng tất cả các đòn bẩy chiến lược và chiến thuật để duy trì bảo vệ an ninh toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia.

“Vừa rồi ở hội nghị Singapore với tọa đàm ba bên Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam. Về phần quan hệ Việt Trung, tôi có nói rằng chúng tôi là “ba không” đấy nhưng mà có “một có”.

“Chúng tôi không liên minh quân sự với một nước nào. Sẽ không đi với một nước khác để chống lại một nước lớn khác. Tuy nhiên Việt Nam chúng tôi hoàn toàn có quyền sử dụng các phương tiện, công cụ có trong tay, kết hợp sức mạnh của Việt Nam với sức mạnh của thế giới để bảo vệ lợi ích của mình.

Những cái như là mua bán vũ khí hay tăng cường tiềm lực giám sát trên biển thì nằm trong khuôn có “một có” mà Việt Nam cần phải làm và phải làm mạnh và có hiệu quả

“Một có” này không phải chỉ là phản ứng chiến thuật mà là quan điểm chiến lược. Cái “ba không” dường như khiến Việt Nam ở trong thế bị động và đối phó. Do đó để tránh bị bó buộc thì mình cần phải chủ động và linh hoạt về mặt chiến lược và chiến thuật.

Cái này bao gồm cả xây dựng lực lượng phòng thủ, học thuyết quốc phòng, hiện đại hóa quân sự và hợp tác về an ninh quốc phòng và trên biển với các nước khác. Thế thì những cái như là mua bán vũ khí hay tăng cường tiềm lực giám sát trên biển thì nằm trong khuôn có “một có” mà Việt Nam cần phải làm và phải làm mạnh và có hiệu quả.

Do đó cái “ba không một có” này chúng tôi đã truyền đạt tới các cấp nghiên cứu và chúng tôi xã hội hóa các kiến thức này.

Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường, nguyên vụ Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử Ngoại giao Việt Nam, bình luận rằng không phải là Việt Nam hiện đại hóa sức mạnh quân sự để kiềm chế hay đối trọng Trung Quốc như phía Trung Quốc nêu mà chỉ là “để tự vệ”.

“Mỗi quốc gia tùy vị trí địa chiến lược của mình thì cần tự thực hiện việc phòng vệ sao cho có hiệu quả nhất. Tuy Việt Nam tăng cường tiềm lực quốc phòng hay bảo vệ chủ quyền biên giới hải đảo với lực lượng hải giám nhưng mà chẳng ăn thua gì so với Trung Quốc.

“Tôi nghĩ là nỗ lực của Việt Nam chỉ là 5-7% so với sức mạnh của Trung Quốc. Cán cân quyền lực về quân sự ở khu vực này cũng như trên biển thì Trung Quốc không những là vượt xa Việt Nam mà còn đang tạo ra sự mất cân bằng sức mạnh quân sự của cả khu vực này”, ông Trường nói thêm.

‘Không thương lượng được’

image021

Image copyright Reuters Image caption Sự kiện dàn khoan HD 981 là sự cố gây sóng gió trong quan hệ Việt Trung trong nhiều thập niên.

Việt Nam và Trung Quốc bấy lâu nay đều có những tuyên bố khá giống nhau về chủ quyền tại Biển Đông hay Nam Hải (theo cách gọi của Bắc Kinh) như “có bằng chứng lịch sử không thể tranh cãi” và giữ vững lập trường này.

Tiến sỹ Trường cho rằng Trung Quốc vẫn muốn dùng sức mạnh “vú cả lấp miệng em” và “nói lấy được”.

“Trung Quốc chưa sẵn sàng thương lượng. Trung Quốc nói là thương lượng là để xoa dịu và đánh lạc hướng chứ lập trường của Trung Quốc về Biển Đông là lập trường chưa thương lượng được.

“Chúng tôi cho rằng khi nào Trung Quốc củng cố được “nguyên trạng mới” của họ ở Trường Sa thì họ mới ngồi với Asean để đàm phán Bộ Qui tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) nhằm để công nhận nguyên trạng mới của họ.

Có khi là cái 16 chữ và 4 tốt này là Trung Quốc đề ra để Việt Nam thực hiện chứ không phải là để Trung Quốc thực hiện

“Tức là chừng nào họ chưa củng cố xong những cứ điểm, không phải chỉ Trường Sa mà từ ngoài cửa Vịnh Bắc bộ trở ra tới phía nam, thì lập trường của Trung Quốc là không thương lượng được,” ông Trường nhận định.

Sự kiện giàn khoan HD 981 của Trung Quốc được ra Biển Đông, theo ông Trường, đã làm đảo lộn quan hệ Việt Trung và làm người Việt Nam mất lòng tin vào những thỏa thuận cấp cao với giới lãnh đạo Trung Quốc, trong đó có Thỏa thuận Thành Đô, theo một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Hà Nội.

“Cuộc cọ xát “lấy thịt đè người” của khoảng 200 tàu Trung Quốc với khoảng 50 tàu của Việt Nam đã làm thay đổi tư duy và cách tiếp cận của lãnh đạo cũng như nhân dân Việt Nam.

“Sự kiện này khiến Việt Nam nhận thức lại Trung Quốc và thấy mối quan hệ này cũng không xuôi chèo mát mái như “16 chữ và 4 tốt”.

“Có khi là cái 16 chữ và 4 tốt này là Trung Quốc đề ra để Việt Nam thực hiện chứ không phải là để Trung Quốc thực hiện,” Tiến sĩ Trường, từng giữ chức vụ Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử Ngoại giao Việt Nam (Bộ Ngoại giao Việt Nam) nói.

“Sự kiện HD 981 đặt ra nhu cầu phải cài đặt lại quan hệ với Trung Quốc”, ông Trường nói.

Theo nhà ngoại giao này, quan hệ với Trung Quốc là một tập hợp quan hệ chồng chéo và phức tạp từ giữa hai Đảng, kinh tế, ngoại giao và cần phải “cái nào đi cái đó” và rằng nếu cứ dính líu vào các tranh chấp trên biển mà không tiếp tục các mối quan hệ khác thì sẽ làm tắc nghẽn quan hệ song phương./

BBC 15 tháng 2 2016

Categories: Chính-Trị Thời-Sự | Leave a comment

Bài thơ “Tuyệt Mệnh” của Cô Giang khóc 13 Liệt sĩ Yên Báy

Bài thơ “Tuyệt Mệnh” của Cô Giang khóc 13 Liệt sĩ Yên Báy 

 

LTS: Cô Giang, Nữ hào kiệt – Hiền thê của đảng trưởng Việt Nam Quốc Dân Đảng Nguyễn Thái Học, đã chứng kiến 13 liệt sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng hiên ngang lên máy chém thực dân Pháp vào ngày 17 tháng 6, năm 1930 tại Yên Báy.

Về quê Cô tuẫn tiết theo chồng, đồng hành cùng các liệt sĩ Yên Báy. Ngoài bài Tuyệt Mệnh Thơ, chưa thấy nơi nào xuất bản bài văn thơ nào khác của Cô Giang.

Nếu quý thân hữu có sưu tầm được trước tác nào khác, xin vui lòng gởi về cho tòa soạn báo Văn Hóa, chúng tôi sẽ phổ biến công khai. Xin trân trọng cảm tạ.

E-mail: vaama2008@gmail.com

 

Sau đây là bài Tuyệt Mệnh Thơ và bài viết mới của Sử gia Giáo sư Phạm Cao Dương.

 

image058

Nguyễn Thái Học

image060

Nguyễn Thái Học, đảng trưởng Việt Nam Quốc Dân Đảng

Chuyện Bảy Mươi Mốt Năm Trước (17/6/1945 – 17/6/2016)

 

image062

Gs Phạm Cao Dương

 

Lần Đầu Tiên Lễ Tưởng Niệm Nguyễn Thái Học và Các Liệt Sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng Được Công Khai Tổ Chức ở Kinh Đô Huế trong Một Nước Việt Nam Độc Lập có Thủ Tướng Trần Trọng Kim tới dự

Phạm Cao Dương

“Sự lạ lùng ấy đã làm cho chúng tôi biết rõ một điều chắc chắn. Là suốt từ Bắc chí Nam người Việt Nam, không một ai quên ngày gìỗ lớn lao ấy. Lòng yêu nước đã bùng cháy khắp chốn như ngọn lửa dài và tươi tắn đang lan theo đỉnh Tràng Sơn một tối cháy rừng.”

 

“Gian phòng của hội Quảng Tri không đủ chứa lòng thành kính của anh em nên bữa sau lại phải đọc lại một lần nữa cho những người chậm chân không có chỗ. Ở đó tối hôm ấy còn có những ông già , bà cả, những người áo rách, tay thành chai. Ở đó tối hôm ấy, có cả một ông thủ tướng với mấy ông bộ trưởng ngồi lẫn vào đám đông chỉ lấy tư cách là dân một nước.”

 

“Chúng tôi đã được nhìn rõ nét mặt trang nghiêm của mọi người yên lặng tưởng nhớ tới người xưa, trông nước mắt chẩy giòng gìòng trên những bộ mặt tươi tốt hay răn reo lúc kẻ nói chuyện tả lại bước đường cùng của mười ba người liệt sĩ.”

( L.H.V. “ Mười Bẩy Tháng Sáu Dương Lịch” Thanh Nghị, Số 115, Ngày 7 tháng Bảy 1945)

 

image064

Nguyễn Thái Học và Nguyễn Thị Giang

 

Câu chuyện bắt đầu ở Yên Báy, một buổi sáng còn mờ sương và chỉ trong một buổi sáng của ngày 17 tháng 6 năm 1930. Không phải chỉ có một người mà là mười ba người, đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, đã liên tiếp theo nhau, bị người Pháp đưa lên máy chém. Tất cả đã xảy ra trong vẻn vẹn 30 phút, từ 5 giờ đến 5 giờ 30. Đây quả thiệt không còn là cuộc thi hành một bản án nữa mà là một cuộc tàn sát tập thể nhằm dằn mặt toàn thể người dân Việt Nam sau cuộc khởi nghĩa thất bại của đảng này trước đó. Chưa hết, tiếp theo hàng chục người khác cũng bị án tử hình và lên máy chém ở Nhà Pha Hỏa Lò, ở Hải Dương, ở Phú Thọ… và cuộc tàn phá Cổ Am bằng máy bay và hàng trăm người khác bị bỏ ngục hay đưa đi đầy.

Trong lịch sử cách mạng giành độc lập cho đất nước và dân tộc Việt Nam, không một đảng nào đã phải gánh chịu những hy sinh lớn lao, đầy nghiệt ngã và đau thương như vậy.

 

Sự bi thảm cùng cực của ngày 17 tháng 6, 1930 đã gây xúc động tột cùng cho người ở trong nước và cả dư luận bên Pháp. Sau này Nhà Thơ Đằng Phương, được biết thêm là Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, với bài “Ngày Tang Yên Báy”, một dạo đã được chọn làm bài học thuộc lòng cho học sinh tiểu học, trong những năm đầu của thập niên 1950 ở Vùng Quốc Gia với những câu làm người nghe không khỏi ngậm ngùi, rơi lệ:

 

Gió căm hờn rền rĩ tiếng gào than.
Từ lưng trời sương trắng rủ màn tang.
Ánh mờ nhạt của bình minh rắc nhẹ
Trên Yên Báy âu sầu và lặng lẽ,
Giữa mấy hàng gươm súng tỏa hào quang,
Mười ba người liệt sĩ Việt hiên ngang
Thong thả tiến đến trước đài danh dự:
Trong quần chúng đứng cúi đầu ủ rũ,
Vài cụ già tóc bạc lệ tràn rơi,
Ngất người sau tiếng rú: Ối con ơi!
[…]
Họ thản nhiên lần lượt bước lên đài,
Và dõng dạc buông tiếng hô hùng dũng:
“VIỆT NAM muôn năm!” Một đầu rơi rụng.
“VIỆT NAM muôn năm!” Người kế tiến lên.
Và tử thần kính cẩn đứng ghi tên
Những liệt sĩ vào bia người tuẫn quốc.

 

17 tháng 6, 1930 – 17 tháng 6, 1945, trong suốt 15 năm, vì còn bị người Pháp cai trị, Ngày Tang Yên Báy, ngày Nguyễn Thái Học và các liệt sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng bị đưa lên máy chém hầu như đã bị lãng quên hay nếu có chỉ còn trong tâm tưởng của mọi người hay âm thầm được tổ chức bởi những đảng viên còn sống sót.

image066

13 Liệt sĩ Yên Báy đầu rơi vì tổ quốc Việt Nam

Tất cả đã đột nhiên sống lại sau Ngày Nhật Đảo Chánh Pháp, Vua Bảo Đại tuyên bố độc lập, cùng với sự thành lập của Chính Phủ Đầu Tiên của Đế Quốc Việt Nam: Chính Phủ của Nhà Giáo kiêm Sử Gia Trần Trọng Kim.

 

Kỷ niệm Nguyễn Thái Học và 12 Liệt Sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng đã được công khai tổ chức long trọng ở rất nhiều nơi trong nước, đặc biệt là ở Vườn Bách Thảo Hà Nội, ở Vinh và ở Hội Quán Quảng Trị ở Huế. L.H.V. trong bài phóng sự nhan đề “Mười Bảy • Tháng Sáu Dương Lịch” đăng trên báo Thanh Nghị số 115, ra ngày 7 tháng Bảy 1945 đã ghi nhận những điều ông thấy ở các tỉnh miền Trung, nhất là ở kinh đô Huế, những chuyện mà ông cho là “lạ lùng” và điều ông đã lầm tưởng về “ngày giỗ lớn lao” ấy.

 

Người viết xin được gửi tới các bạn đọc nguyên văn bài viết của L.H.V. sau đây nhân dịp tưởng niệm 86 năm Ngày Tang Yên Báy, 17 tháng 6, 2016, ngày tang lớn chung của cả dân tộc. Đây không phải chỉ là một bài phóng sự bình thường mà là một tài liệu lịch sử. Nó nói lên phản ứng của người dân Việt Nam thuộc đủ mọi từng lớp từ người lao động bình dân đến các trí thức mà Thủ Tướng Trần Trọng Kim và các bộ trưởng của ông là đại diện, từ người già đến người trẻ, người giầu lẫn người nghèo ở nhiều nơi trong nước, đặc biệt là ở các tỉnh Miền Trung đối với một đảng quốc gia lớn nhất, đã xuất hiện từ lâu và đã góp phần không nhỏ vào cuộc đấu tranh chung của cả dân tộc, xuyên qua Ngày Kỷ Niệm Nguyễn Thái Học và Các Liệt Sĩ Yên Báy khác.

 

             MƯỜI BẨY THÁNG SÁU DƯƠNG LỊCH

                                 L.H.V.

                 Thanh Nghị, Số 115, Ngày 7 tháng Bảy 1945

 

Chúng tôi đã đi quá nửa con đường thiên lý chạy suốt Việt Nam và, mỗi chỗ, đã thấy anh em thành kính, nhưng hăng hái, sửa soạn ngày mười bẩy tháng sáu. Chúng tôi đã nhầm: chúng tôi đã tưởng rằng cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng năm 1930, vì cái chánh sách thực dân tàn ác mà khôn khéo của bọn Pháp, chỉ còn để lại vết kỷ niệm trong lòng những người Việt Nam phía Bắc mà thôi! Vì phía Bắc là nơi đã nghe rõ mồn một tiếng súng đêm Yên Báy, tiếng kèn gọi lính của quân đội thù nghịch, tiếng bom tàn phá Cổ Am…Vì phía Bắc là nơi dân chúng phải nhắm mắt đi không dám nhìn những cuộc tàn sát vô cùng độc ác của bọn da trắng thắng thế. Chúng tôi đã nhầm, nên đã gửi nhiều giây thép về Nam để cho anh em nhớ lại ngày mà mười ba liệt sĩ của chúng ta đã bi ám sát vì quá lòng yêu nước.

 

Chiếc xe hơi của chúng tôi đi theo liền điện tín. Ở mỗi tỉnh, xe hơi đã đến trước tờ giấy xanh. Sự lạ lùng ấy đã làm cho chúng tôi biết rõ một điều chắc chắn người từ Bắc chí Nam nước Việt Nam, không một ai quên ngày giỗ  lớn lao ấy. Lòng yêu nước đã bùng cháy khắp chốn như ngọn lửa dài và tươi tắn đương lan theo đỉnh Tràng Sơn, một tối cháy rừng. Tên nhà chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thái Học không ai quên cả. Không ai quên cả, thời kỳ cuối cùng của lịch sử cách mạng nước ta. Tiếng súng, tiếng bom, tiếng hô dõng dạc và anh hùng, tiếng khóc ảo não, người ta tưởng chỉ người một miền nghe thấy mà ai ngờ vang mãi đến các anh em đồng bào ở suốt dọc đường Bắc Nam.

 

Ở Huế chúng tôi đã dự hai buổi lễ truy điệu các vị anh hùng 1930. Gian buồng của hội Quảng Tri không đủ chứa lòng thành kính của anh em, nên đến bữa sau lại phải đọc lại một lần nữa cho những người chậm chân không có chỗ. Ở đó tối hôm ấy, có cả những ông già bà cả, những người áo rách, tay thành chai. Ở đó tối ấy có cả một ông thủ tướng với mấy ông bộ trưởng ngồi lẫn vào đám đông chỉ lấy tư cách là dân một nước. Chúng tôi đã được nhìn rõ nét mặt trang nghiêm của mọi người yên lặng tưởng nhớ tới người xưa, trông nước mắt chảy giòng giòng trên những bộ mặt tươi tốt hay răn reo lúc kẻ nói chuyện tả lại bước đường cùng của mười ba người liệt sĩ. Tôi đã nghe thấy tiếng “Vạn tuế” đáp lại mười ba tiếng hô “Việt Nam” của cả một dân tộc, mười ba tiếng “Vạn tuế” hô lên để an ủi anh hồn mười ba liệt sĩ lúc hùng dũng bước lên đoạn đầu đài đã bị bàn tay thực dân bịt miệng, chỉ mới kịp kêu hai tiếng “Việt Nam”. Lễ truy điệu bắt đầu trong tâm niệm, giải ra trong thành kính, kết cục trong yên lặng. Yên lặng đó mới là nhiều hứa hẹn. Khi quần chúng đã biết yên lặng mà gia hợp thì quần chúng đã cùng chung một tin tưởng mạnh mẽ vô ngần, đã ra về với một quả quyết sắt đá.

Trên đường về người ta kể lại cho chúng tôi nghe từng buổi hội họp, cùng một ngày mười bẩy tháng sáu ở các tỉnh dọc đường: hằn học ở Vinh, ồn ào ở Hà Nội. Nhưng đâu đâu chúng tôi cũng thấy tin tưởng với quả quyết chung ấy.

Một đền nghĩa liệt sắp sây nền. Bia đá tượng đồng sắp xây dựng khắp chốn. Nhưng còn có đài kỷ niệm nào hơn tấm lòng thành kính của hăm mấy triệu dân trong một ngày lịch sử. L.H.V.

 

Phạm Cao Dương

Tháng Sáu 2016

Categories: Chính-Trị Thời-Sự | Leave a comment

Create a free website or blog at WordPress.com.