Daily Archives: July 21, 2016

Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật Giáo Thời Ðại

Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ

và Phật Giáo Thời Ðại

Lê Hiếu Liêm

 

 

Chương một: Dẫn nhập Việt Nam và Phật Giáo đầu thế kỷ hai mươi.

 

Đầu thế kỷ 20, tư tưởng Nho Giáo, thống trị độc tôn đất nước từ Thời Hồ Quý Ly, nhà Lê và nhà Nguyễn suốt 400 năm, hoàn toàn sụp đổ. Tư tưởng Phật Giáo, ngự trị vinh quang trong thời đại Lý Trần từ thế kỷ thứ 11 đến cuối thế kỷ 14, suy đồi tận gốc. Tư tưởng Tây Phương và tôn giáo của nó, Thiên Chúa Giáo La Mã, bị đại đa số trí thức và nhân dân coi như sản phẩm và công cụ của chế độ Thuộc Địa và thực dân Pháp nên vẫn không được chấp nhận. Ý thức hệ Cộng Sản cũng như các tư tưởng mới khác chưa ra đời. Cả một khoảng trống tư tưởng, cũng có nghĩa là một khoảng trống tôn giáo và chính trị, to lớn bao trùm trên một nước Việt Nam bị nô lệ, bóc lột, áp bức, lạc hậu và nghèo đói. Nhưng đây cũng là môi trường lý tưởng cho sự ra đời của những tư tưởng mới, những tôn giáo mới, những chính đảng mới và những phong trào mới: Phong trào Đông Du và Việt Nam Duy Tân Hội của Phan Bội Châu từ năm 1904, Đông Kinh Nghĩa Thục của Lương Văn Can và các nhà Nho tiến bộ năm 1907, tư tưởng dân quyền và dân chủ của Phan Chu Trinh suốt hai mươi năm (1905-1925), phong trào chống thuế ở Trung Kỳ năm 1908, vụ đầu độc lính Pháp ở Hà Nội cùng năm, Việt Nam Quang Phục Hội năm 1912, cuộc khởi nghĩa ở Trung Kỳ và ở Huế năm 1916 của Thái Phiên, Trần Cao Vân, Lê Ngung, vua Duy Tân…, phong trào Hội Kín ở miền Nam năm 1913-1916 lan rộng khắp Lục Tỉnh và cuộc tấn công Sài Gòn năm 1916. Các hoạt động này đã liên tục diễn ra từ đầu thế kỷ 20 đến cuối đệ nhất thế chiến.

Tuy nhiên mãi đến đầu thập njiên 20 Việt Nam mới thật sự thức dậy với sự ra đời Việt Nam Thanh Niên Cách mạng Đồng Chí Hội và Tân Việt Cách Mạng Đảng năm 1925, Đạo Cao Đài năm 1926, Việt Nam Quốc Dân Đảng năm 1927, Cuộc khởi nghĩa Yên Bái và sự ra đời của Đảng Cộng SảnĐông Dương năm 1930 và phong trào Sô Viết Nghệ Tỉnh 1930-1931.

 

Trong thời gian sôi động này, từ 1925 trở đi, Phật Giáo cũng đã thức dậy. Từ năm 1923, thiền sư Khánh Hòa và thiền sư Thiện Chiếu đã thành lập, tại chùa Long Hòa ở Trà Vinh, Hội Lục Hòa Liên Hiệp với mục đích vận động thành lập một Hội Phật Giáo Việt Nam toàn quốc để chấn hưng Phật Giáo. Thiền sư Thiện Chiếu, khác hẳn tất cả tăng sĩ Phật Giáo đương thời, là một tăng sĩ có tân học. Ông đã đi ra Trung và Bắc vận động thống nhất Phật Giáo năm 1927 nhưng bất thành.

Năm 1928 thiền sư Khánh Hòa xây dựng Thích Học Đường và Phật Học Thư Xã tại Chùa Linh Sơn, Sài Gòn và năm 1929 Ông cho ấn hành tạp chí Viên Âm, tập san Phật Học đầu tiên bằng quốc ngữ tại Việt Nam, đặt trụ sở tại chùa Xoài Hột, Mỹ Tho. Cùng thời, thiền sư Thiện Chiếu xuất bản một tạp chí Phật Học nhắm vào giới thanh niên trí thức lấy tên là Phật Hòa Tân Thanh Niên, đặt tòa soạn tại chùa Chúc Thọ ở Gia Định.

 

Năm 1931 thiền sư Khánh Hòa cùng nhiều tăng sĩ và cư sĩ thành lập Hội Phật Học đầu tiên tại Việt Nam, lấy tên là Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học và thiền sư Từ Phong được mời làm Chánh Hội Trưởng. Hội ra tờ Từ Bi Âm năm 1932. Thiền sư Khánh Hòa, cùng người cộng sự thân tín là thiền sư Thiện Chiếu đã đóng vai trò tiền phong khai mở phong trào chấn hưng Phật Giáo và hiện đại hóa Phật Giáo, chuyển động sâu rộng lịch sử Phật Giáo và lịch sử Việt Nam trong suốt 65 năm qua.

Tại miền Trung, thiền sư Giác Tiên mở Phật Học Đường  tại chùa Trúc Lâm năm 1929 và ủy thác cho đệ tử là bác sĩ Lê Đình Thám thành lập Hội An Nam Phật Học năm 1932. Hội quy tụ đông đảo những danh tăng và cư sĩ trí thức tại miền Trung. Cư sĩ Lê Đình Thám được bầu làm Hội Trưởng và vua Bảo Đại được mời làm Hội Trưởng Danh Dự. Hội ra tạp chí Phật Học Viên Âm năm 1933. Năm 1934, thiền sư Giác Tiên, cư sĩ Lê Đình Thám… đã thành lập Trường An Nam Phật Học, trong đó có mở cấp Đại Học Phật Giáo. Đặc biệt hơn nữa là Hội đã phát động phong trào “Chỉnh Lý Tăng Già” rất quyết liệt để loại trừ ra khỏi tăng già những thành phần phạm giới, bất xứng. Chính nhờ những nổ lực cấp tiến này mà Phật Giáo miền Trung đã đóng được một vai trò quan trọng trong những thập niên sau đó.

Năm 1934 các thiền sư Trí Hải, Tâm Ứng, Tâm Bảo cùng với giới cư sĩ trí thức tên tuổi tại Hà Nội như Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Tố, Dương Bá Trạc, Trần Văn Giáp, Nguyễn Năng Quốc, Nguyễn Hữu Kha, Bùi Kỷ, Lê Dư… thành lập Bắc Kỳ Phật Giáo Hội, bầu cư sĩ Nguyễn Năng Quốc làm hội trưởng và suy tôn thiền sư Thanh Hanh làm Thiền Gia Pháp Chủ.Đặc biệt là trong buổi lễ suy tôn Pháp Chủ này, cư sĩ Trần Trọng Kim đã thuyết pháp về đề tài; “Thập Nhị Nhân Duyên”. Hội ra tạp chí Đuốc Tuệ năm 1935 và phát triển mạnh mẽ khắp miền Bắc (Nguyễn Lang, Phật Giáo Việt Nam Sử Luận, q 3, t 51-173).

Đặc tính của cả ba Hội Phật Học tại ba miền là vai trò nổi bật của giới trí thức cư sĩ, là thuần túy Phật học và sinh hoạt Phật sự. Thời điểm 1925-1945 là thời điểm chuẩn bị trong kiên nhẫn và thầm lặng. Các hội Phật Học đã làm đúng chức năng và vai trò lịch của mình, một cách khiêm tốn, từ đống gạch vụn đổ nát của nền Phật học và Phật Giáo Việt nam trong thời Thực Dân Pháp thống trị.

Trong thời kỳ này xuất hiện những con người đặc biệt, xuất sắc và những tư tưởng mạnh mẽ, quyết liệt, trong Phật Giáo cũng như ngoài Phật Giáo. Từ đầu thập niên 30, tư tưởng Phật Hộc của Thích Thiện Chiếu đã là những quả bom chấn động. Và năm 1939 Huỳnh Phú Sổ xuất hiện làm một cuộc cách mạng tôn giáo, cải cách toàn bộ và triệt để Phật Giáo chưa từng có trong hai ngàn năm lịch sử Phật Giáo Việt Nam. Miền Nam, một vùng đất lạ lùng và kỳ diệu…

 

An Hòa Tự

Phan Chu Trinh từ Pháp trở về Sài Gòn năm 1925, đất nước bùng lên những làn sóng tư tưởng dân quyền và dân chủ. Ông khẳng định phải tìm nguyên nhân mất nước trong sự mất đạo đức, mất luân lý, trong bài diễn thuyết Đạo Đức và Luân Lý Đông Tây, và ông cũng khẳng định chế độ quân chủ chuyên chế là nguyên nhân chính làm mất nước trong bài thuyết giảng Quân Trị Chủ Nghĩa và Dân Trị Chủ Nghĩa tại Sài Gòn năm 1925. Ông mất năm sau đó và đám tang ông cùng với cuộc vận động ân xá nhà chí sĩ Phan Bội Châu đã khơi bùng phong trào yêu nước và yêu tự do dân chủ trên toàn quốc, đặc biệt là trong giới thanh niên.

Nhưng dữ dội, bốc lửa và sấm sét trong tư tưởng yêu nước chống thực dân cũng như tư tưởng tự do dân chủ, trong thời này, chỉ có Nguyễn An Ninh là đi xa nhất, quyết liệt nhất. Là một thanh niên miền Nam, Ông đi du học ở Pháp và trở về nước với bằng cử nhân Luật. Lợi dụng quy chế thuộc địa của Nam Kỳ, nơi mà báo chí bằng tiếng Pháp được tự do, không bị kiểm duyệt, Ông ra tờ La Cloche fèlèe (Tiếng Chuông Rè) từ năm 1923 đến năm 1926. Ông tự xưng tờ báo của Ông là “cơ quan tuyên truyền tư tưởng Pháp”, lấy tư tưởng của kẻ xâm lăng để đập những nhát búa tạ vào chế độ Thực Dân, đồng thời tờ báo cũng tự nhận là “cơ quan chuẩn bị cho tương lai dân tộc”. Thật là độc đáo và tuyệt vời.

Ngoài việc phê bình kịch liệt, thẳng tay chính sách và chế độ thực dân, Ông cổ võ cho việc đào tạo một tầng lớp thanh niên Việt Nam tân học, có văn hóa, có lý tưởng, có chí khí, có năng lực và có tổ chức và Ông tuyệt đối tin vào sức mạnh và vào tương lai của nhân dân Việt Nam. Ông chủ trương một nước Việt Nam thống nhất từ Nam chí Bắc và trở về lịch sử dân tộc để tìm niềm tin và sức mạnh. Ông hô hào, khi chỉ mới ngoài 20 tuổi, “Chẳng những phải duy trì những giấc mộng vĩ đại, mà còn phải tổ chức thành một nhóm quan trọng để chuẩn bị cho tương lai”. Không những tư tưởng táo bạo, độc đáo, mới lạ, kiến thức của Ông cũng rất uyên bác. Khi Thống Đốc Nam Kỳ tuyên bố: “Xứ này không cần trí thức”. Ông đã viết bài trả lời bốc lửa: “… Những thảm khổ của chúng ta ngày nay, còn gì nữa, đúng là do tổ tiên của chúng ta đã sờ mó vào cây kiến thức. Hạng trí thức đã làm đảo lộn thế giới, làm hư hỏng hạnh phúc của thế giới. Hãy nguyền rủa tên tuổi của Prométhé, kẻ đã lấy trộm chút lửa của Trời. Hãy nguyền rủa con người đã bày ra cái ná cao su cho trẻ con bắn đá vào trán ông khổng lồ… Trí Tuệ, đó là cái tai hại. Trí tuệ, đó là con rắn cuốn quanh thân cây đã làm cho chúng ta vĩnh viễn mất cõi thiên đường… Nói đến vai trò giáo dục, vai trò văn minh của các ông chủ xứ Đông Dương này, thưa các ông, điều ấy làm ta mỉm cười… Người ta đã quỳ lụy bái phục những vị “đem ánh sáng tới”, những vị “làm điều kỳ diệu ở Ấu Châu”… Cái gì kỳ diệu? Thực ra cái kỳ diệu đó là, chỉ trong một thời gian ngắn thôi, người ta đã có thể làm cho trình độ trí thức của người Nam đã thấp đi lại càng rơi vào chỗ cực kỳ dốt nát. Cái kỳ diệu đó là người ta đã có thể, trong một thời gian ngắn như thế, xô đẩy một dân tộc có tư tưởng dân chủ, ngã nhào vào tình trạng nô lệ hoàn toàn“. (Trần Văn Giàu, Sự Phát Triển Của Tư Tưởng ở Việt Nam Từ Thế Kỷ 19 đến Cách Mạng Tháng Tám, q2, t 311).

Nguyễn An Ninh cũng là một trong những nhà trí thức tân học đầu tiên nghiên cứu Phật Học và hoàn thành một tác phẩm Phật Học quan trọng, cuốn “Phê Bình Phật Giáo”. Sau thời kỳ hoạt động sôi nổi từ 1923 đến 1926, Nguyễn An Ninh bị ở tù trong thời gian 1926-1927, sau đó Ông về nghiên cứu Phật Giáo. Trên bàn làm việc của Ông, có một cái chuông, một cái mõ, Ông cạo trọc đầu và đi chân không. Ông nghiên cứu Phật Giáo qua tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức và các hoạt động Phật Giáo trong nước. Cuốn Phê Bình Phật Giáo xuất bản năm 1937 là kết quả của sự nghiên cứu này. Tựa đề của cuốn sách, 70 năm sau cũng không có ai dám viết một cuốn sách Phật Học có tựa đề thách thức và can đảm như vậy. Mục đích và phương pháp luận còn mới lạ, táo bạo hơn, đó là “so sánh Phật Giáo với thời đại của nó để chỉ chỗ hay, chỗ đúng hơn của nó đối với các thuyết khác và so sánh Phật Giáo với thời đại này để chỉ sai lầm của Phật Giáo“. Tác phẩm này được giới trí thức, giới chính trị cũng như giới Phật Giáo chú ý đặc biệt.

Nhưng không gây sóng gió và tranh luận suốt nhiều năm trời như những tác phẩm của Thích Thiện Chiếu. Đối với Tăng, Ni, Phật Tử thập niên 30, những tư tưởng Phật Học của Thích Thiện Chiếu là những tiếng sét ngang tai. Ngày nay đọc lại, chắc chắn quý vị tăng sĩ, cư sĩ và Phật Tử cũng không khỏi giựt mình, chấn động và suy nghĩ. Những tư tưởng này, được viết từ thập niên 30, ngày nay, cuối thập niên 90, vẫn còn mới, còn táo bạo, còn chứa đầy sức nặng của đá tảng và sức nổ của sấm sét. Thích Thiện Chiếu là tinh hoa sáng chói của Phật Giáo trong thập niên 20, 30. Ông đã đi tiền phong trong mọi lãnh vực chấn hưng và hiện đại hóa Phật Giáo Việt Nam trong thế kỷ 20 này.

Ta phải đứng trên một đỉnh núi cao, mới hy vọng nhìn thấy những cái gì chưa ai nhìn thấy, những cái gì nằm khuất sau dãy núi cao. đó có thể là những dãy núi cao hơn, hay là một đại dương mênh mông hay là một bình nguyên rực rỡ. Thích Thiện Chiếu là một ngọn núi cao của Phật học và Phật Giáo Việt Nam trước đệ nhị thế chiến. Ta hãy đứng trên đỉnh núi cao ngất, hùng tráng này để nhìn rõ một đỉnh núi cao ngất, hùng vĩ khác, là Cư sĩ, Bồ Tát, Giáo Chủ Huỳnh Phù Sổ.

 

|Muc Luc| |Ch.1| |Ch.2| |Ch.3| |Ch.4| |Ch.5| |Ch.6| |Ch.7| |Ch.8| |Ch.9| |Ch.10| |TK|

Advertisement
Categories: Lịch Sử PG Hòa Hảo | Leave a comment

Ðức Huỳnh Giáo Chủ

Ðức Huỳnh Giáo Chủ
Vương Kim

Ðức Phật, Hoàng thiên lịnh giáng trần,

Huỳnh gia chuyển kiếp lập đời Tân.

Giáo truyền đạo Thích dìu sanh chúng,

Chủ ý chọn người vẹn Tứ ân.

(Hình Tác giả: Vương Kim Phan Bá Cầm)

Phần I:

HÀNH TRẠNG

 

Thiên thứ nhứt

Giai đoạn ra đời mở đạo

 

Chương I: Bối cảnh xã hội

Chương II:Thân thế

Chương III: Ra Tế độ

Chương IV: Đăng Sơn

Chương V: Sứ Mạng

Chương VI: Lưu Cư

Chương VII: Vận Ðộng Ðộc Lập

Chương VIII: Tổ Chức Hàng Ngũ

Chương IX: Chuẩn Bị Ðấu Tranh

 

Thiên thứ hai

Giai đoạn hoạt động đấu tranh

 

Chương X: Dấn Thân

 

Thiên thứ ba

Giai Ðoạn Vắng Mặt

 

Chương XI: Lý Do Thọ Nạn

Chương XII: Còn Hay Mất

 

Phần II:

SỰ NGHIỆP

 

Thiên thứ tư

Sự Nghiệp Về Mặt Ðạo

Tôn Phái Phật Giáo Hòa Hảo

 

Chương XIII: Học Phật

Chương XIV: Tu Nhân

 

Thiên thứ năm

Sự Nghiệp Về Mặt Ðời:

Công nghiệp cách mạng

 

Chương XV: Quân Sự.

Bộ Ðội Nguyễn Trung Trực

 

Chương XVI: Chánh Trị

Việt Nam Dân Chủ Xã Hội đảng

 

Cùng một tác giả:

Long Hoa xuất bản

–         Tận Thế và Hội Long Hoa (1952)

–         Đức Phật Thầy Tây An (1953) (hiệp với Đào Hưng)

–         Để Hiểu Phật Giáo Hòa Hảo (1954) (hiệp với Thanh Sĩ)

–         Ðời Hạ Ngươn (1960)

–         Đời người dướI ánh sáng Đạo Phật (1960)

–         Bửu Sơn Kỳ Hương (1966)

–         Hành sử Đạo Nhân (1970)

–         Tu Hiền (1972)

–         Đời Thượng Ngươn (1973)

–         Pháp Môn Tịnh Độ (1973)

–         Tại Sao Ta Phải Tu (1974)

Dân Xã Tùng Thư

–         Chánh trị thường thức (1956)

–         Tinh thần cán bộ (1971)

–         Lập trường Dân Xã Đảng (1971)

 

MUC LUC | CHƯƠNG 1 | | CHƯƠNG 2 | | CHƯƠNG 3 | | CHƯƠNG 4 | | CHƯƠNG 5 | | CHƯƠNG 6 | | CHƯƠNG 7 | | CHƯƠNG 8 | | CHƯƠNG 9 | | CHƯƠNG 10 | | CHƯƠNG 11 | | CHƯƠNG 12 |

| CHƯƠNG 13 | | CHƯƠNG 14 | | CHƯƠNG 15 | | CHƯƠNG 16 | | CHƯƠNG 17|

Categories: Lịch Sử PG Hòa Hảo | Leave a comment

Lại nói về cuộc “chiến tranh dư luận” trên biển Đông hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc

Lại nói về cuộc “chiến tranh dư luận” trên biển Đông hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc

Posted by adminbasam on 21/07/2016

“Vẫn biết làm chính trị đôi khi phải bất chấp thủ đoạn nhưng chẳng lẽ cứ diễn hài cho dân chúng coi hoài sao? Cái gì cũng có giới hạn của nó! Không thể đùa với nhân dân được đâu!”

_____

Viet-studies

Nguyễn Trọng Bình

21-7-2016

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường bên lề hội nghị ASEM ở Mông Cổ

Sau khi gặp Thủ tướng TQ Lý Khắc Cường bên lề hội nghị ASEM, truyền thông VN cho rằng ông Lý Khắc Cường nhét chữ vào miệng TT Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: internet

1. Truyền thông Trung Quốc có thực sự xuyên tạc quan điểm của Việt Nam

Ngày 18/7, hàng loạt cơ quan truyền thông chính thống nước nhà đồng loạt đưa tin Việt Nam bác bỏ thông tin của báo chí Trung Quốc về buổi gặp gỡ giữa Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 14-7-2016 bên lề Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu (ASEM) tại thủ đô Ulan Bator (Mông Cổ) liên quan đến vấn đề về tranh chấp ở biển Đông [1]. Tất cả các bản tin đều dẫn nguồn từ Thông tấn xã Việt Nam như thể giải thích với nhân dân trong nước là không nên “hiểu lầm” lập trường của chính quyền Việt Nam ngay sau khi có phán quyết từ Tòa trọng tài Thường trực (PCA) về vụ kiện của người Philippines ngày 12/7/2016.

Đọc lại các bản tin có liên quan về vấn đề này từ phía truyền thông Việt Nam người viết bài này không thể không đặt ra câu hỏi: Truyền thông Trung Quốc có thực sự xuyên tạc hay vì sự lập lờ nước đôi của lãnh đạo chính quyền Việt Nam mới là nguyên nhân chủ yếu?

Trước hết, có thể thấy, kể từ khi PCA đưa ra phán quyết không công nhận “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc, phản ứng của lãnh đạo chính quyền nước nhà đến thời điểm này chủ yếu chỉ được thể hiện qua bản tin duy nhất được phát đi từ phía Bộ ngoại giao Việt Nam ngay sau đó. Nội dung của bản tin vẫn như thường lệ là những lời lẽ chung chung, mềm mỏng, nhẹ nhàng quen thuộc. Mới nghe qua nghe tưởng chừng khôn khéo nhưng nếu ngẫm kỹ lại thì không hẳn như vậy.

Đành rằng chỉ nói “hoan nghênh phán quyết cuối cùng của PCA” và không nói ủng hộ hay chúc mừng Philippines là sự khôn ngoan (vì giữa Việt Nam và Philippines cũng đang tồn tại quan điểm khác nhau về chủ quyền một số đảo). Tuy vậy, không một lời nào đề nghị, yêu cầu Trung Quốc xóa bỏ yêu sách về “đường lưỡi bò” thì cũng khó mà thuyết phục dân chúng và bè bạn quốc tế. Dư luận có quyền đặt câu hỏi tại sao không nhân cơ hội này thể hiện rõ lập trường quan điểm của mình với dư luận quốc tế là Việt Nam không bao giờ chấp nhận đàm phán song phương (nếu thực sự nghĩ vậy)? Trong cuộc gặp gỡ bên lề ở Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu (ASEM) tại thủ đô Ulan Bator (Mông Cổ) sau đó cũng vậy, tại sao không thẳng thắn và mạnh mẽ đề nghị họ nghiêm túc thực thi phán quyết của PCA về yêu sách đường chính đoạn vô căn cứ mà lại“đề nghị hai bên cùng thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao, trong đó có “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc” do hai Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Hồ Cẩm Đào đã thống nhất tháng 10-2011 nhằm thúc đẩy các cơ chế đàm phán trên biển sớm có tiến triển thực chất, đồng thời kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không làm phức tạp tình hình, thực hiện hiệu quả, toàn diện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực.”

Về mặt câu chữ, đành rằng không có lời nào nói “Việt Nam sẵn sàng thúc đẩy đàm phán song phương”nhưng cứ lập lờ nước đôi “đề nghị hai bên cùng thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao, trong đó có “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc” do hai Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Hồ Cẩm Đào đã thống nhất…” thì cũng khó mà trách họ suy diễn theo nghĩa tương đương? Nếu trước đây, khi PCA chưa đưa ra phán quyết, ở phương diện nào đó nói như trên còn có thể chấp nhận được nhưng đã biết PCA chính thức “cắt đường lưỡi bò” rồi mà vẫn nói như thế thì có phải rất sai lầm và xuẩn ngốc không? Nếu đã thừa hiểu họ gian manh, xảo quyệt và bất chấp thủ đoạn mà vẫn mềm mỏng, nhẹ nhàng, nước đôi như thế thì trách sao dư luận người ta không xầm xì bàn tán là nhu nhược và yếu hèn?

2. Tiên trách kỷ…

Còn nhớ năm 2015, tác giả Nguyễn Hồng Thao trong bài viết “Chiến tranh dư luận trên biển Đông và sức mạnh của tác phẩm hư cấu” đăng trên báo Thanh Niên số ra ngày 20/5/2015 như thể “tư vấn” cho chính quyền và Nhà nước về những đối sách mang tầm chiến lược nhằm đối phó với người Trung Quốc trong cuộc “chiến tranh dư luận”trên biển Đông. Theo đó, Nguyễn Hồng Thao cho rằng“Chiến tranh dư luận” hay còn gọi là chiến tranh thông tin, chiến tranh tư tưởng công chúng tạo nền tảng giành lấy thế thắng áp đảo trên phương diện chiến tranh tâm lý và chiến tranh pháp lý. Đó là kiểu chiến tranh hoạt động liên tục, không ngừng nghỉ nhắm đến tác động nhận thức và thái độ. Chiến tranh dư luận nhấn mạnh đến tất cả các công cụ truyền tin và ảnh hưởng công chúng như phim ảnh, truyền hình, sách báo, internet, và mạng lưới truyền thông toàn cầu” [2]. 

Nhằm góp thêm tiếng nói với Nguyễn Hồng Thao, người viết bài này ngay sau đó cũng có bài viết đặt vấn đề mang tính cảnh báo:“Việt Nam đã và đang tự thua Trung Quốc trong cuộc chiến tranh dự luận về biển Đông?” [3]. Thế nhưng, có thể thấy xem ra những chuyện này hoàn toàn không được chính quyền, nhà nước lắng nghe, tiếp thu và điều chỉnh.

Từ đây, nhìn lại việc Thông tấn xã Việt Nam phải khổ sở “đính chính” sự xuyên tạc của truyền thông Trung Quốc với người dân trong nước càng cho thấy rõ hơn sự lúng túng của lãnh đạo nước nhà trong việc “định hướng” dư luận trên mặt trận thông tin, ngoại giao. Hay nói khác đi, thời gian qua trên mặt trận “chiến tranh dư luận” nhằm tuyên truyền cho dân chúng về tình hình thật sự ở biển Đông, chính quyền lãnh đạo nước nhà đã và đang mắc nhiều sai lầm.

Nhìn chung trên tổng thể, có thể nói, trong vấn đề tuyên truyền về chủ quyền Biển Đông hiện nay, các cơ quan tuyên truyền của Việt Nam (đứng đầu là Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo…) đang dần mất khả năng đánh chặn chứ đừng nói chi là ra đòn phản công lại trước sự xuất kích gần như liên tục từ phía chính quyền Trung Quốc. Giống như mới đây một số người chỉ biết ngồi than vãn trong sự bất lực về vấn đề từ rất lâu rồi Trung Quốc đã tiến hành các phong trào, chiến dịch nhồi nhét về “đường lưỡi bò” phi pháp cho dân chúng họ khi còn là những đứa trẻ cấp một. Vấn đề vốn không mới, nhưng các bài viết chỉ dừng lại ở đó thì vẫn chưa cho thấy hết bản chất của vấn đề nêu như thực sự muốn tìm giải pháp để giải quyết. Đọc những bài viết như thế này chỉ càng cho thấy sự yếu kém, “ngụy biện và xuẩn ngốc” của những người có trách nhiệm ở Việt Nam. Vì lẽ, ở chiều ngược lại, thử hỏi từ xưa đến nay chính quyền Việt Nam có nhồi nhét dân chúng mình không? Có lẽ không nói thì mọi người cũng đã biết câu trả lời. Thế hệ trẻ ở Việt Nam từ lâu vốn cũng bị nhồi nhét y hết như thế hệ trẻ ở Trung Quốc có chăng chỉ là sự khác nhau về nội dung nhồi nhét mà thôi. Cụ thể cho đến nay thế hệ trẻ nước Việt vẫn đang bị nhồi vào đầu óc non nớt nhưng nội dung như: phải luôn luôn ghi nhớ và căm thù Pháp, Mỹ; “sự tài tình và sáng suốt của Đảng ta”. Đặc biệt, trong quan hệ với Trung Quốc thì đây là người “anh em”, “đồng chí”, “láng giềng tốt”… Những chuyện tàn ác của họ như năm 1979 mang 60 vạn quân sang giết hại đồng bào ta ở các tỉnh phía Bắc, năm 1974 đánh cướp Hoàng Sa từ chính quyền Việt Nam Cộng hòa, năm 1988 một lần nữa đánh chiếm đảo Gạc Ma… thì kiên quyết không đưa vào sách giào khoa, không cho thế hệ trẻ biết sự thật… Ngoài ra, trong tình hình hiện nay, thế hệ trẻ đang được nhồi là phải nêu cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu “diễn biến hòa bình” nhằm bạo loạn lật đổ của các “thế lực thù địch”…

Chưa hết, mấy năm gần đây, khi “người bạn vàng” liên tục quấy rối và ức hiếp, dân chúng phản ứng quá thì thỉnh thoảng Ban tuyên giáo Trung ương cũng bật đèn xanh cho các cơ quan truyền thông nước nhà viết bài phản kháng nhưng chủ yếu là mang tính phong trào, thời vụ (với thái độ mềm mỏng, nhẹ nhàng tránh ảnh hưởng đến “đại cục”). Riêng những ai bất bình mà xuống đường tuần hành, phản đối trong ôn hòa thì nhất định là “bọn phản động” hoặc không cũng là bị bọn phản động mua chuộc, lôi kéo.

Ngoài ra, ở phương diện tuyên truyền khác, thỉnh thoảng cũng cho mang một số bản đồ, tư liệu cổ thể hiện rõ chủ quyền biển đảo đi triển lãm, trưng bày tại các viện bảo tàng, khu hội chợ nhân các dịp lễ lạc. Nhưng khốn nỗi, với các khu bảo tàng thì dân chúng nước nhà từ lâu vốn không có thói quen lui tới; còn ở các hội chợ thì người dân chủ yếu vui chơi, mua sắm chứ ít người vào dòm ngó. Mà cho dù có vào dòm ngó thì những bản đồ, tư liệu cổ toàn chữ Hán, chữ Nôm dân chúng không biết nhìn vào cũng chẳng hiểu gì, muốn lên tiếng hỏi thì cũng chẳng biết ai mà hỏi…

Chưa hết, sách nghiên cứu, chuyên khảo về chủ quyền Hoàng Trường Sa thì các Nhà xuất bản yếu in khổ lớn, bìa cứng, có cái còn mạ vàng và dĩ nhiên giá cả mỗi cuốn ít nhất cũng từ vài trăm ngàn trở lên… Nên những đối tượng lẽ ra cần phải đọc và tìm hiểu như công nhân, học sinh, sinh viên, giáo viên… dù có muốn tìm hiểu cũng ít ai dám chịu bỏ tiền ra mua. Thành ra cuối cùng những cuốn sách như thế này chỉ số ít các nhà nghiên cứu mua về đọc và nói cho nhau nghe; hoặc cũng có một số cơ quan tuyền truyền Nhà nước mua về đặt vô cái tủ kính tại văn phòng làm việc cho nó oai…

3. Thay lời kết  

Có thể nói, phán quyết không công nhận “đường lưỡi bò” do Trung Quốc tham lam tự vẽ ra của Tòa trọng tài thường trực (PCA) ngày 12/7 vừa qua, thật ra là kết quả đã được nhiều người dự đoán từ trước. Vấn đề quan trọng là cách phản ứng cùng thái độ hành xử sắp tới đây của các bên có liên quan trong đó có Việt Nam (chính xác hơn là lãnh đạo, chính quyền Việt Nam). Về phía chính quyền của ông Tập đương nhiên sẽ không bao giờ thừa nhận và tuân thủ phán quyết của PCA như rất nhiều lần họ đã ngang ngược và xấc láo tuyên bố trước đó. Chắc chắn họ sẽ tiếp tục gây rối ở biển Đông cho dù danh dự quốc gia có bị giảm sút trên trường quốc tế như một số chuyên gia đã phân tích. Nhưng nói cho cùng thì Tập Cận Bình và bộ sậu của ông ta không phải cũng đã tính toán và lường trước kịch bản này rồi sao? Danh dự tuy cũng quan trọng nhưng ngẫm kỹ lại thì là chuyện rất mơ hồ và nhỏ nhoi nếu so với giấc mộng bá quyền đã ăn vào máu họ mấy ngàn năm qua. Hơn nữa, trong hoàn cảnh hiện nay họ hoàn toàn có thể vung tiền ra để mua danh dự từ những quốc gia nhỏ, nghèo nhưng đang được/bị dẫn dắt bởi một bộ máy chính quyền, những quan chức tham lam và ngu xuẩn. Số lượng các nước nhỏ như thế này gần đây được các cơ quan truyền thông nước nhà điền vào hai cái tên – cũng là hai người láng giềng khác – Campuchia và Lào. Kể ra cũng khó mà trách họ. Bởi cái nghèo thường đi chung với cái hèn! Hơn nữa, nếu mình nghĩ về họ như thế thì họ cũng nói về mình như vậy, chẳng thằng nào hơn thằng nào về cái khoản nghèo và hèn này. Cho nên, nếu không muốn bị thiên hạ xầm xì thì phải thể hiện rõ quan điểm của của mình chứ không nên lập lờ, chơi trò đi dây trong chính sách ngoại giao để rồi sau đó “thanh minh, thanh nga” này nọ.

Đó là về đối ngoại. Còn với nhân dân trong nước, trong hoàn cảnh đất nước hiện có không biết bao nhiêu chuyện quan trọng, bức bách phải giải quyết mà đến giờ chuyện bầu bán, phân chức, phân quyền, phân ghế vẫn chưa xong về mặt hình thức; hay như trước đó mấy tháng đã “chuẩn bị nhân sự cấp cao”, bầu bán và tuyên thệ rồi giờ lại bỏ ra thêm 6 ngày để làm cái việc mà ai cũng biết mọi chuyện sẽ vẫn như cũ thì khó mà trách nhân dân hiểu nhầm về tính chính danh cũng như những lời hứa “vì dân, vì nước”. Vẫn biết làm chính trị đôi khi phải bất chấp thủ đoạn nhưng chẳng lẽ cứ diễn hài cho dân chúng coi hoài sao? Cái gì cũng có giới hạn của nó! Không thể đùa với nhân dân được đâu!

Categories: Chính-Trị Thời-Sự | Leave a comment

Nhận định của Thượng nghị sỹ Pháp về phán quyết Biển Đông từ PCA

Nhận định của Thượng nghị sỹ Pháp về phán quyết Biển Đông từ PCA

Thứ 5, 14:00, 21/07/2016

VOV.VN – “Giờ đây, khi phán quyết đã sáng tỏ, Trung Quốc sẽ không thể tiếp tục giữ thái độ như chưa từng có sự xét xử”, Thượng nghị sỹ Hélèn Luc cho biết.

Nhân sự kiện Tòa Trọng tài thường trực La Haye (PCA) ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về “Đường lưỡi bò” ở Biển Đông, Phóng viên VOV tại Pháp đã có cuộc phỏng vấn bà Hélèn Luc, Thượng nghị sỹ danh dự, Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Pháp-Việt.

nhan dinh cua thuong nghi sy phap ve phan quyet bien dong tu pca hinh 0
Bà Hélèn Luc, Thượng nghị sỹ danh dự, Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Pháp-Việt. 

PV: Xin chào bà Hélèn Luc,Thượng nghị sỹ danh dự, Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Pháp-Việt. Cám ơn bà đã dành cho phóng viên VOV-Paris cuộc trả lời phỏng vấn này.

Thưa bà, ngày 12/7 vừa qua, Tòa Trọng tài thường trực La Haye (PCA) ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về “Đường lưỡi bò” ở Biển Đông, bác bỏ cái gọi là “quyền lịch sử” của Trung Quốc với đa số diện tích Biển Đông và xác định  Trung Quốc đã “vi phạm quyền chủ quyền” của Philippines. Là một chính trị gia, bà nghĩ thế nào về vụ việc này?

Bà Hélèn Luc: Tôi rất quan tâm đến phán quyết của PCA, cơ quan này vào năm 2013 đã từng được tham vấn sau vụ ngư dân Philippines bị cản trở đánh cá trong vùng biển thuộc thẩm quyền của nước này. Và phán quyết đó kết luận rằng yêu sách “Đường 9 đoạn” mà Trung Quốc toan tính áp dụng không có cơ sở pháp lý nào. Điều đó khẳng định Công ước Montego By năm 1982 (công ước về các vùng đặc quyền biển) phải được Trung Quốc tôn trọng.

Người ta cũng có thể nói rằng, phán quyết là sự khẳng định của cơ quan trọng tài với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, đòi hỏi mỗi bên phải tôn trọng công ước đã được ký kết tại Liên Hợp Quốc.

Theo tôi, đó là cơ sở cần được tôn trọng, và việc mà Trung Quốc đang tiến hành trên các đảo, để biến đổi chúng thành những đường băng là một trò chơi nguy hiểm. Bởi điều này dẫn tới những khó khăn lớn hơn, những vấn đề nghiêm trọng hơn trên bình diện quốc tế, dẫn tới sự hiện diện của các tàu chiến Mỹ.

Tôi thấy phản ứng của Philippines lúc này là làm sao để phán quyết đối với họ là một thắng lợi rõ ràng, một thắng lợi trên hầu hết các điểm mà chính phủ Philippines khám phá được.

Cá nhân tôi đánh giá cao việc Chính phủ Philippines nói cần đón nhận phán quyết này với thái độ khiêm nhường, cần thể hiện sự kiềm chế, và thậm chí đưa ra thuật ngữ “thận trọng”. Bởi lẽ, tôi cho rằng Chính phủ Philippines có mối quan tâm làm sao không đầu độc những mối quan hệ.

Những gì đã diễn ra với Tổng thống cũ, người đã xích lại gần rất nhiều với Mỹ, dường như khác Tổng thống mới – ông Rodrigo Duterne, người cho rằng cần phải nỗ lực để có sự hiểu biết hơn, có sự kiềm chế hơn…, những điều này rất quan trọng.

Giám đốc một trường đại học có nói: Nếu phán quyết không thuận lợi cho chúng ta, khi ấy chúng ta cần phải đàm phán. Tôi thấy đó là một thái độ rất đẹp, rất có trách nhiệm của ban lãnh đạo Philippines. Tôi hy vọng rằng Trung Quốc sẽ đi tới chỗ phải suy nghĩ.

PV: Bà có thể nêu dự đoán về những phản ứng và hành động của Trung Quốc; dư luận châu Âu và quốc tế trước phán quyết này.

Bà Hélèn Luc: Về dư luận và những phản ứng của Trung Quốc. Trên thực tế, Trung Quốc đã tự cho mình các quyền mà họ không có. Và tôi cho rằng Trung Quốc không thể nói họ sẽ tiếp tục phớt lờ phán quyết (họ đã tuyên bố như vậy trước khi phán quyết được đưa ra). Giờ đây, khi phán quyết đã sáng tỏ, Trung Quốc sẽ không thể tiếp tục giữ thái độ như chưa từng có sự xét xử.

Tôi cho rằng Trung Quốc sẽ cần phản ứng như vậy, chứ không phải theo cách mà họ đã cho mọi người thấy. Việc họ sẵn sàng tự bảo vệ bằng lực lượng không quân các hòn đảo mà cho là thuộc về mình, là một trò chơi nguy hiểm. Trung Quốc không thể viện vào lý do này.

Rõ ràng, Trung Quốc đang cạnh tranh với Mỹ trên lĩnh vực kinh tế, nhưng họ không thể đưa vấn đề trên vào cuộc cạnh tranh này. Trung Quốc đang lao vào các cuộc cải cách quan trọng trong nước, có thể nói giải quyết những vấn đề nội bộ vẫn là những ưu tiên của nước này. Và đó là những thứ họ đặt niềm tin, chứ không phải là việc gây nên những vấn đề với những nước láng giềng.

Trung Quốc đang tìm kiếm một vị thế tương ứng với sự phát triển mạnh mẽ của họ, họ muốn tiếp tục cuộc cạnh tranh địa – chính trị với Mỹ. Tuy nhiên, họ phải thực hiện điều đó với tinh thần xây dựng cao nhất, chứ không phải bằng việc tạo nên những vấn đề, ví dụ những vấn đề các hòn đảo.

Dư luận châu Âu thì tôi chưa rõ, nhưng dư luận Pháp cũng như những điều tôi đã đề cập lúc trước. Ngoại trưởng Jean-Marc Ayrault đã có dịp nói rằng cần phải giải quyết vấn đề bằng quan điểm hòa bình. Trung Quốc và Việt Nam cần giải quyết vấn đề theo quan điểm hòa bình. Tôi nghĩ rằng điều đó cần được duy trì trong cách thức nhìn nhận các vấn đề, nếu không sẽ rất nguy hiểm. Tôi nghĩ rằng Chính phủ Pháp sẽ khẳng định quan điểm này và vui mừng trước phán quyết của PCA.

Sắp tới, Tổng thống Pháp Francois Hollande sẽ đi thăm Việt Nam, và tôi cho rằng đó sẽ là cơ hội để khẳng định quan điểm này, rằng mọi điều phải được thực hiện để giải quyết vấn đề này một cách hòa bình giữa Trung Quốc, Việt Nam và Philippines.

Pháp đã ký với Việt Nam Hiệp định đối tác chiến lược năm 2013, trong đó có thỏa thuận về quốc phòng với Việt Nam. Vậy là chúng ta đã có định hướng rõ ràng. Nhưng tôi nghĩ rằng, với chuyến thăm Việt Nam  của Tổng thống Hollande, mọi việc sẽ được xác định cụ thể hơn và được khẳng định. Dẫu sao, đây là vấn đề khó khi đưa ra dự đoán ấn định, có thể rất nghiêm trọng khi xảy ra va chạm. Giữa Mỹ và Trung Quốc, người ta thấy rõ những điều có thể xảy ra, và Việt Nam tập trung vào việc cải thiện đời sống dân chúng sau 50 năm chiến tranh, hoàn toàn không muốn xảy ra những đụng độ, chiến tranh.

Tôi muốn nói rằng, Hội Hữu nghị Pháp -Việt và Chủ tịch Hội, ông Gérard Davio, với tờ báo của chúng tôi “Perspective” (Viễn cảnh), đã ra một thông báo đánh giá cao quan điểm của Việt Nam kêu gọi tôn trọng luật quốc tế, nhưng rất kiên quyết trước việc Trung Quốc toan tính vi phạm chủ quyền của mình. Do vậy, chỉ có một giải pháp duy nhất là giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình.

Vào tháng 9 tới, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ họp. Tôi hy vọng đó sẽ là dịp để Liên Hợp Quốc nắm sâu hơn vấn đề luật biển, và điều cần thiết cơ quan này buộc mọi người phải tôn trọng Công ước về luật biển đã được ký vào năm 1982.

PV: Bà có thể nêu những dự đoán về diễn biến của tình hình khu vực sau phán quyết này cùng những hệ quả và tác động của nó?

Bà Hélèn Luc: Hiển nhiên là tôi rất quan tâm. Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã nói: phán quyết trong bất cứ trường hợp nào cũng sẽ không ảnh hưởng đến chủ quyền lãnh thổ và biển của nước ông. Nhưng ở đây, không thể duy trì quan điểm đó, bởi điều đó có nghĩa là ông ta muốn áp đặt bằng sức mạnh và điều đó là không ổn.

Trên bình diện quốc tế, Trung Quốc là một nước lớn, về mặt kinh tế. Họ nói có quan hệ rất tốt với Việt Nam, với tất cả các nước ASEAN. Như vậy, với Philippines họ không thể giữ thái độ như vậy. Do vậy, Trung Quốc cần phải xem lại cách thức ứng xử. Bởi họ không thể duy trì thái độ cũ sau phán quyết của PCA. Quan điểm của Chính phủ Philippines cho phép tiếp tục cuộc tranh luận, nhưng Trung Quốc muốn giải quyết vấn  đề theo cách khác. Tôi cho rằng Trung Quốc phải ngồi vào đàm phán.

PV: Xin cám ơn Bà về cuộc trao đổi này./. 

Thái Dương /VOV-Paris
Categories: Chính-Trị Thời-Sự | Leave a comment

Học giả Trung Quốc mất sạch uy tín sau phán quyết của PCA về Biển Đông

Học giả Trung Quốc mất sạch uy tín sau phán quyết của PCA về Biển Đông

Phạm Khánh | 21/07/2016 22:08

Học giả Trung Quốc mất sạch uy tín sau phán quyết của PCA về Biển Đông

Các học giả Trung Quốc cũng khăng khăng cho rằng Bắc Kinh nên phớt lờ phán quyết của PCA.

Tạp chí Chính sách Đối ngoại (FP) vừa dẫn nhận định của giáo sư Julian G. Ku từ Đại học Hofstra, Mỹ cho rằng, việc các học giả hay chuyên gia pháp lý Trung Quốc đồng loạt hùa theo lập trường của Bắc Kinh về Biển Đông đã giáng mạnh vào uy tín của họ.

Hôm 7/5, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc nhánh kênh châu Mỹ (CCTV America) đưa tin, 300 chuyên gia pháp lý của Trung Quốc đã nhất trí cho rằng, Trung Quốc không nên tham gia vào vụ kiện với Philippines vì Tòa Trọng tài thường trực (PCA) không có thẩm quyền đối với các tranh chấp ở Biển Đông và Trung Quốc có quyền từ chối tham gia theo luật pháp quốc tế.

Ngoài ra, hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc cũng đưa tin, Hiệp hội Luật gia Trung Quốc, một tổ chức đại diện cho tất cả các luật sư ở Trung Quốc, cũng đưa ra một tuyên bố tương tự.

Cũng theo Tân Hoa Xã, hàng trăm học giả luật quốc tế của Trung Quốc đang học tập ở nước ngoài đã kí vào một bức thư ngỏ cũng có nội dung cho rằng Trung Quốc nên từ chối tham gia vụ kiện.

Bên cạnh đó, nhiều học giả hàng đầu của Trung Quốc đã viết các bài bình luận, nêu quan điểm bảo vệ lập trường của Bắc Kinh về vụ kiện của Philippines liên quan đến các tranh chấp ở Biển Đông.

Reuters dẫn lời ông Sienho Yee, giáo sư tại Đại học Vũ Hán, đã từng làm việc tại Đại học Colorado, cho rằng: “Khách quan mà nói, tòa án này không có thẩm quyền đối với các tranh chấp ở Biển Đông”.

Trong khi đó, Cai Congyan, một học giả về luật quốc tế tại Đại học Hạ Môn khăng khăng, quá trình lựa chọn trọng tài “không công bằng”.

Theo giáo sư Julian, các học giả, chuyên gia pháp lý của Trung Quốc hoặc thể hiện sự ủng hộ đối với lập trường của Bắc Kinh hoặc chỉ giữ im lặng.

Giáo sư Julian cho hay: “Tôi đã tìm kiếm các tài liệu tại Trung Quốc về vấn đề này, thậm chí cả những tài liệu không trực tiếp nói về lập trường của Bắc Kinh trong vụ việc trong cơ sở dữ liệu của Trung Quốc và trên internet, nhưng tôi chỉ tìm thấy một người sinh ra ở Trung Quốc và là chuyên gia về luật quốc tế có quan điểm khác”.

Theo ông, đó là giáo sư Bing Ling của Đại học Luật Sydney tại Australia. Trong một bài luận được chia sẻ rộng rãi trên các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc hồi tháng 12/2015, ông Ling chỉ trích gay gắt việc Bắc Kinh từ chối tham gia vụ kiện và tuyên bố không tuân thủ phán quyết.

Giáo sư Julian khẳng định, không có một học giả nào khác sinh ra và được giáo dục tại Trung Quốc lên tiếng ủng hộ ý kiến của ông Ling.

Học giả Trung Quốc mất sạch uy tín sau phán quyết của PCA về Biển Đông - Ảnh 1.

Hình ảnh cho thấy các hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong khi đó, cả Trung Quốc và Philippines đều đã đồng ý với Điều 279 của UNCLOS, trong đó cung cấp cho tòa trọng tài PCA thẩm quyền giải quyết các tranh cãi trong việc hiểu về UNCLOS, trừ các tranh chấp chủ quyền. PCA đã chấp nhận các luận điểm do Philippines đệ trình.

Những luận điểm này chỉ đơn giản là yêu cầu xác định tình trạng của các cấu trúc, thực thể, chứ không phải về các tranh chấp chủ quyền. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn kịch liệt phản đối và khăng khăng lấy cớ rằng PCA không có thẩm quyền để phớt lờ phán quyết.

Việc Trung Quốc ký kết UNCLOS vào năm 1996 đồng nghĩa với việc nước này chấp nhập tuân thủ bất cứ quyết định nào của PCA theo thẩm quyền của họ. Trung Quốc từ chối phán quyết cũng đồng nghĩa với việc vi phạm các nghĩa vụ pháp lý của UNCLOS.

Nhiều học giả ở Mỹ và Châu Âu đã nghiên cứu trường hợp này và có nhiều quan điểm khác nhau. Tuy nhiên, theo giáo sư Julian, không ai cho rằng Trung Quốc được quyền bác bỏ phán quyết. Chính vì vậy, sự nhất trí của các học giả Trung Quốc càng gây sửng sốt.

Có người đưa ra giả định, các học giả Trung Quốc không muốn hoặc không dám đưa ra ý kiến đối lập với chính phủ Trung Quốc. Theo ông Julian, áp lực này chắc chắn đã đẩy một số học giả Trung Quốc hùa theo lập trường của Bắc Kinh.

Ngoài ra, ông Julian cho rằng, còn có một lý do khác dẫn đến tình trạng “đồng lòng sai” trên. Đó là hầu hết các học giả về pháp lý của Trung Quốc thực sự tin rằng PCA không có thẩm quyền trong vụ kiện.

Họ đã bị ảnh hưởng bởi các cuộc kêu gọi của chính quyền Bắc Kinh và mong muốn tăng cường các lợi ích (dù là sai trái) của Trung Quốc trong khu vực. Chính vì vậy họ đã tự thuyết phục bản thân rằng lập trường của Bắc Kinh là đúng đắn.

Học giả Trung Quốc mất sạch uy tín sau phán quyết của PCA về Biển Đông - Ảnh 2.

Một tàu cảnh sát biển Trung Quốc.

Ở Mỹ, phản ứng của các học giả hoàn toàn khác. Ví dụ về vụ Nicaragua kiện Mỹ lên Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), cơ quan pháp lý chính của Liên Hiệp Quốc hồi năm 1986. ICJ ra phán quyết tuyên bố quân đội Mỹ đã hỗ trợ quân sự cho quân nổi dậy ở Nicaragua một cách bất hợp pháp.

Chính phủ Mỹ đã tuyên bố bác bỏ phán quyết trên. Tuy nhiên, phản ứng từ các học giả pháp lý Mỹ thời điểm đó hoàn toàn khác so với phản ứng của các học giả Trung Quốc hiện nay.

Không chỉ luật sư đại điện cho Nicaragua là một người Mỹ, giáo sư luật hàng đầu của Mỹ Michael Glennon còn làm nhân chứng cho Nicaragua. Nhiều chuyên gia về luật quốc tế hàng đầu của Mỹ cũng công khai chỉ trích lập trường của chính phủ Mỹ.

Ví dụ, Anthony D’Amato, giáo sư tại Trường Luật thuộc Đại học Northwestern, còn viết hẳn một bài luận cho Tạp chí Luật pháp Quốc tế và gay gắt cho rằng, Mỹ đã “từ bỏ vai trò lãnh đạo của mình trong việc thúc đẩy hòa bình thế giới dựa trên các quy tắc pháp luật”.

Bên cạnh đó cũng có một số học giả ủng hộ lập trường của Mỹ. Tóm lại, không hề có việc các học giả Mỹ cùng đồng thanh bảo vệ hay phản đối chính phủ Mỹ. Họ có chính kiến của riêng mình.

Categories: Chính-Trị Thời-Sự | Leave a comment

Create a free website or blog at WordPress.com.