KÍNH MỪNG ĐẠI LỄ ĐẢN SANH
ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ PHẬT GIÁO HÒA HẢO

25-11 Âl Kỷ Mùi – 25-11 Âl Bính Thân
tức 15-01-1920 – 25-12-2016

Xin một lòng khấn nguyện ơn trên Trời – Phật ban hồng ân cho Thầy trở lại dìu dắt nhân loại chúng sanh sớm vượt thoát vòng trần ai khổ lụy nơi cõi Ta Bà.

Ban quản trị diễn đàn Phật Giáo Hòa Hảo Hải ngoại.

***

Kính,
Vào ngày này 97 năm trước đây, tức ngày 15/11 năm Kỷ Mùi, nhầm ngày 15/01/1920, ngày Đản Sinh của một đấng vĩ nhân giáng thế chào đời trong một gia đình trung nông, là vị Hương cả Huỳnh Công Bộ và bà Lê Thị Nhậm ở làng Hòa Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc – một tỉnh miền Tây Nam Việt, nay là thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân Tỉnh An Giang, đó là cậu bé Huỳnh Phú Sổ, và 19 năm sau đã trở thành vị Giáo Chủ khai sáng nền đại đạo, vào ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão 1939, lấy tôn danh là đạo Phật Giáo Hòa Hảo.

Nhân gian có câu “Thời loạn xuất hiện thánh nhân”. Câu nói bất hủ ấy như một thành ngữ vượt cả không gian và thời gian cho đến hôm nay vẫn còn giữ nguyên giá trị. Xuyên qua dòng sóng sử của nhân loại từ Á sang Âu đã chứng mình cho chúng ta thấy rằng: Trên 25 thế kỷ trước đây, tình hình chính trị đất nước Ấn Độ đã, chia cắt tranh giành ảnh hưởng với nhau qua từng khu vực và lãnh địa. Lãnh vực tôn giáo đã có hàng trăm mối đạo tu hành theo lối mê tín dị đoan và tôn thờ tín ngưỡng theo chủ nghĩa đa thần. Không có tôn chỉ giáo điều căn bản để hóa độ con người đến chỗ tu chứng thoát khổ. Thực trạng xã hội đã hình thành 4 giai cấp với một định chế luật pháp vô cùng khắc khe, nghiệt ngã dành cho giai cấp hạ tiện và nô lệ. Đó là chưa nói đến giai cấp thứ 5 bị đối xử tàn tệ như một con vật không hơn không kém. Họ bị gạt hoàn toàn ra ngoài lề xã hội, thì có cậu bé Sĩ Đạt Ta chào đời, con của Đức vua Tịnh Phạn Vương và hoàng hậu Ma Da đang trị vì một nước ở miền trung Ấn Độ. Ngài là một vị thái tử sẵn sàng rời bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan để xuất gia tu hành vào năm 19 tuổi. Ngì đã thành đạo chứng quả Vô Thượng Bồ Đề và đã trở thành Đức Phật Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni, sáng lập nền Phật Giáo đầu tiên cho nhân loại, thế giới.
Ngài xương minh giáo pháp Thiền Tông thậm thâm vi diệu và thiết lập ra tam thừa Phật Giáo để dẫn đưa người hành đạo tu chứng quả vị Niết Bàn bất thối, tùy theo căn duyên trình độ giác ngộ của mỗi hành giả. Ngoài ra, Ngài con xiển dương giáo thuyết từ bi đại đồng nhầm mục đích đả phá sự phân biệt bất bình đẳng về giai cấp xã hội đương thời, như Ngài đã chỉ rõ:“Không có giai cấp trong nước mắt cùng mặn và dòng máu đỏ”, và câu “Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh”, nghĩa là tất cả chúng sanh đều có tánh Phật bình đẳng như nhau không có sự phân biệt cao thấp.

Tiếp đến thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc, tức thời kỳ suy vong của các triều đại Hạ Chu, các nước chư hầu nổi lên cát cứ, thôn tính lẫn nhau gây nên cảnh chiến tranh khốc liệt làm cho sinh linh đồ thán, xã hội loạn lạc. Phẩm chất đạo đức của con người sống và ăn ở theo nề nếp của Thuấn-Nghiêu cho đến Chu Công đều bị suy xụp vong phế, đó cũng là lúc có một cậu bé Trọng Ni chào đời tại nước Lỗ mà sau này là một vị thánh nhân được người đời tôn xưng là Đức Khổng Tử hay còn được vinh danh là bậc Vạn Thế Sư Biểu. Chủ thuyết của Ngài là phát dương nền đạo Nhân Thông qua triết lý Tam Cang Ngũ Thường làm giềng mối, không chỉ áp dụng riêng cho bản địa nước Lỗ mà Ngài còn thân hành đi chu du các nước lâng bang để khuyến tấn giáo hóa con người biết sống theo luân thường đạo lý. Ngài muốn xây dựng một xã hội nhân bản, lấy chí nhân quân tử làm mẫu mực và lập lại trật tự kỹ cương và phép nước, từ vua quan đến thứ dân ai ai cũng ý thức được trách nhiệm bổn phận theo thiên chức của mình nằm trong khuôn khổ 4 phép: Tu, Tề, Trị, Bình.

Rồi xuyên qua cục diện Trung Đông, một khu vực được mệnh danh đã có nền văn minh Lưỡng Hà rực rỡ và được ảnh hưởng bởi hai nền văn hóa La-Hy cổ đại, nhưng rồi cũng bị suy tàn tuột dốc theo định luật chuyển dịch tất yếu của thiên nhiên, tạo hóa. Giặc giả cũng đã xảy ra triền miên bởi tham vọng bá quyền của các đế chế hung tàn sắt máu. Lãnh vực đạo giáo thì chưa có tôn giáo chính thống nào xuất hiện để cứu vớt con người biết tu thân hành thiện trong hoàn cảnh xã hội hổn tạp. Đó là thời cơ với cậu bé Giê Su (Jésus Christ) Chào đời vào mùa đông trên máng cỏ ở Bê Hem (Béheim), thuộc thành phố Giê Ru Sa lem (Zérusalem), ngày 25/12 năm Kỷ nguyên Tây lịch, và sau này là Đức Chúa Jésus Christ, Ngài lập ra mối đạo Thiên Chúa Giáo được phổ cập cho cả khu vực Trung Đông và Châu Âu, Tòa Thánh ở Rô Ma nước Ý. Ngài cũng đã xướng thuyết Bác ái đại đồng và 10 điều răn để cứu rỗi môn đồ trở về với nước Chúa.

Và đầu thế kỷ 20, giữa bối cảnh đất nước Việt Nam đang chìm đắm trong cuộc chiến tranh đầy máu lửa do bọn cầm quyền thực dân Pháp gây nên. Và cảnh nồi da xáo thịt do chủ thuyết Marx-Angel vô thần qua cái gọi là đấu tranh giai cấp, đánh đổ tư sản triệt tiêu tín ngưỡng tôn giáo.Trên chiến trường không có ngày nào dứt bom đạn tàn phá. Cảnh đau thương chết chóc thường diễn ra như ăn cơm bữa. Xã hội loạn ly, nhà tan cửa nát mà nạn nhân là dân tộc Việt Nam phải gánh chịu, như lời ta thán của Đức Huỳnh Giáo Chủ:
“Trời Tây chúng nó hung hào
Đem lòng gây gổ máu đào mới tuôn”

Và thảm cảnh đau thương bị tàn phá:
“Tiếng than lụy ngọc nhỏ tràn
Nạn tai dồn dập xóm làng còn chi”

Còn về tín ngưỡng tôn giáo, nhất là đạo Phật vốn có một lịch sử ngàn năm giờ cũng bị suy đồi xuống cấp một cách đáng buồn như: đúc chuông, tạo tượng, thầy bùa, thầy đám, bói quẻ xin xăm, giấy tiền vàng mã…Làm cho giáo pháp chơn truyền của Đức Phật bị lạc tông thất bổn. Điều này Đức Thầy của chúng ta đã nói:
“Đạo Phật vốn từ bi rạng tỏ
Nay lu mờ bị mõ cùng chuông
Thấy chúng sanh đấp Phật bán buôn
Mà tội lỗi ngàn muôn lao lý”

Vì những lý do tất yếu nêu trên, nên cơ trời đã định, Đức Thầy đã vâng sắc chỉ của Thiên Đình và Nhị Vị Phật Tổ là Đức Thích Ca Mâu Ni và A Di Đà thị hiện xuống trần như vị cứu tinh cho thời kỳ mạt tận này. Sự xuất hiện của Ngài là mang một sứ mạng cho lần phán xét cuối cùng và truyền đi một Thông Điệp an lành, ban vui cứu khổ cho nhân loại chúng sinh của chu kỳ Hạ ngươn sắp mãn để bước sang kỷ nguyên của Thượng Ngươn Thánh Đức theo quy luật tuần hoàn: “Thiên địa tuần hoàn, châu nhi phục thỉ”. Nghĩa là trời đất xoay chuyển giáp vòng cũng trở lại đầu. Nhứt là khai mở Đại Hội Long Hoa để Chọn người cao công quả để ban cho xứng vị xứng ngôi. Người đủ các thiện căn để giáo truyền đại đạo, định ngôi phân thứ, gây cuộc hòa bình cho vạn quốc chư bang”.
Như Đức Thầy đã xác định:
“Muôn thu thiên định nhứt kỳ
Hạ ngươn sắc linh khai kỳ Long Hoa”

Hoặc là:
“Lập rồi cái Hội Long Hoa
Đặng coi hiền đức được là bao nhiêu”

Đây là một đài cơ duyên ngàn năm có một. Nếu chúng sanh không nắm bắt để giác ngộ tu tỉnh kịp thời thì muôn kiếp khó mong gặp lại. Như Đức Phật đã hằng bảo: “Nhân thân nan đắc, Phật hháp nan văn”. Có nghĩa là: Thân người khó được, Phật pháp đâu dễ được nghe. Thậm chí Đức Phật còn đem câu chuyện của con rùa gặp được cái bọng cây ở giữa trùng dương sóng dồi gió dập hãy còn dễ hơn con người muốn gặp được chư Phật và Bồ Tát ra đời. Như vậy, chúng ta phải thấy rằng: Đây là cái điểm phúc cho chúng ta được sinh trưởng vào thời đại Đức Thầy giáng thế cứu đời. Điều này Đức Thầy chúng ta đã khẳng định:
“Duyên lành rõ được khùng điên
Chẳng qua kiếp trước thiện duyên hữu phần”

Và nhất là:
“Xưa nay không có mấy khi
Dương trần có Phật vậy thì xuống đây”

Đó là ý nghĩa thiêng liêng trọng đại lễ Đản Sinh của Đức Thầy tôn kính, Ngài là vị Bồ Tát xuống trần khai lập nền đạo lấy tôn danh là đạo PGHH. Tôn chỉ của Ngài là xiển dương giáo lý Tứ Ân và Học Phật Tu Nhân làm nền tảng để hóa độ chúng sanh, vừa làm tròn nhân đạo vừa phụng hành theo công hạnh của Đức Phật để đến quả vị cứu cánh giải thoát.

Hôm nay, trong khung cảnh hân hoan và long trọng đón mừng ngày Đại Lễ Đản Sinh của Đức Thầy tôn kính, tất cả chúng ta cần điểm lại quá trình hoạt động giáo sự và bước đường tu tỉnh của mỗi người trong năm qua để xem những gì đã làm được và chưa được. Giữa mặt mạnh và mặt yếu để từ đó chúng ta đề ra phương hướng kế hoạch khắc phục và phấn đấu cho giai đoạn sắp tới. Điều ghi nhận trước hết là trong những năm qua dù không tránh khỏi tình trạng khó khăn, thử thách qua một vài lãnh vực nhất định. Nhưng nhìn chung nhờ ơn trên Phật lực và Tổ Thầy gia hộ cùng với tinh thần quyết tâm phấn đấu không mệt mỏi của mỗi người nên chúng ta đã gặt hái được những thành quả đáng khích lê như hôm nay.

Tuy nhiên, bên cạnh chúng ta còn biết bao nhiêu công việc lợi ích cho xã hội nhân sinh còn phải làm đang chờ chúng ta ở phía trước. Chẳng hạng như việc quan, hôn, tang tế; xây dựng cầu đường nhà thương trường học; những gia đình neo đơn, gia đình bệnh tật cho đến cứu trợ đồng bào bị thiên tai lũ lụt…
Tất cả đó là những nhu cầu thiết yếu đòi hỏi chúng ta phải thể hiện một cách tích cực. Chương trình này từ mấy thập niên qua đã được các giới khách quan trong và ngoài nước đều ghi nhận, đánh giá cao công việc từ thiện xã hội của Tôn giáo PGHH. Và giờ đây trước tình trạng đời sống khó khăn nghèo đói ngay trong nội bộ đoàn thể của chúng ta và đồng bào dân tộc ngày càng gia tăng. Cho nên, chúng ta cần quan tâm chia sẻ nhiều hơn nữa bằng điều kiện và khả năng có thể của mình nhầm thực hiện theo giáo chỉ “Lợi sanh nhi hoằng pháp” của Đức Thầy tôn kính đó là: “Cái hành đạo đúng theo ý tưởng xác thực của nó là làm thế nào phát hiện được những đức tính cao cả và thực hành bằng mọi biện pháp để đem lại phúc lợi cho toàn thể chúng sanh thì đó là sự thỏa mãn trong đời hành đạo của mình”.

Tóm lại, chúng ta cần chen vai góp sức vào công cuộc giúp đời. Đây là hạnh Phước-Huệ song tu và thực hiện đúng phương châm Tam hạnh bố thí mà các chư Phật và các Sư Tổ đã từng áp dụng là: Tài Thí, Pháp Thí, Vô Úy Thí. Làm được như vậy, mới không phụ công ơn của chư Phật và Đức Thầy đã khổ công dạy dỗ. Ta hãy nghe lời chỉ bảo và nhắc nhở của Đức Thầy:
“Khùng cả tiếng kêu dân ơi hỡi
Hãy giúp cho kẻ đói mới nhầm
Đến loạn ly khổ hạnh khỏi lâm
Còn hơn đúc chuông đồng Phật bự”

Do đó, để được xứng đáng đón mừng ngày Đại Lễ Đản Sinh của Đức Thầy tôn kính, toàn thể chúng ta hãy đồng thành kính dâng lên Ngài tất cả tâm thành chí nguyện trên bước đường tu thân hành thiện và chung lo cuộc phổ truyền chánh pháp của Phật của Thầy đi sâu vào đại chúng như sự ước mơ hoài bảo của Ngài, đó là:
“Biết làm sao gieo đạo khắp đại đồng
Đưa nhân loại đi vào vòng hạnh phúc”.

Trân trọng.

Thánh Địa Hòa Hảo, mùa đông 2016
Cư sĩ TL