Monthly Archives: February 2017

Đoàn Thị Hương có thể đối mặt án tử hình vì tội mưu sát

Đoàn Thị Hương có thể đối mặt án tử hình vì tội mưu sát

Chia sẻ

Dân trí Các công tố viên Malaysia ngày mai 1/3 dự kiến sẽ truy tố Đoàn Thị Hương mang hộ chiếu Việt Nam và Siti Aishah người Indonesia với tội danh giết người vì tham gia vào vụ sát hại ông Kim Jong-nam, anh trai nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Mức án cao nhất dành cho hai nữ nghi phạm là tử hình, theo Reuters.
 >> Phái đoàn cấp cao Triều Tiên tới Malaysia đề nghị trả thi thể ông Kim Jong-nam
 >> Malaysia điều tra giả thuyết hai nữ nghi phạm vụ ông Kim Jong-nam uống thuốc giải độc
 >> Malaysia sẽ buộc tội các nghi phạm trong vụ ông Kim Jong-nam vào ngày mai

Nghi phạm Đoàn Thị Hương (Ảnh: Reuters)
Nghi phạm Đoàn Thị Hương (Ảnh: Reuters)

Reuters dẫn thông tin từ Công tố viên trưởng Malaysia Mohamed Apandi Ali cho biết, hai nữ nghi phạm Đoàn Thị Hương người Việt Nam và Siti Aishah người Indonesia sẽ ra tòa vào ngày 1/3 và đối mặt với tội danh giết người vì tham gia vào vụ sát hại ông Kim Jong-nam hôm 13/2 tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur.

Cả hai nữ nghi phạm sẽ phải chính thức hầu tòa vào ngày mai và bị truy tố theo điều 302, Bộ luật Hình sự Malaysia. Hai người này có thể đối mặt với án tử hình nếu bị kết tội mưu sát. “Tôi có thể xác nhận thông tin này”, ông Ali cho biết.

Ngoài 2 nữ nghi phạm trên, cảnh sát Malaysia hiện bắt giữ một nghi phạm nam giới mang hộ chiếu Triều Tiên. Người đàn ông Triều Tiên vẫn chưa bị buộc tội và thời hạn giam giữ của ông này sẽ kết thúc vào ngày 3/3 tới, theo Công tố viên trưởng Ali. Liên quan tới vụ việc này, cảnh sát Malaysia cũng xác định thêm 7 nghi phạm Triều Tiên khác và đang phát lệnh truy nã.

Ông Kim Jong-nam, anh trai cùng cha khác mẹ với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, được cho là đã tử vong trong khoảng thời gian từ 15-20 phút sau khi bị hai phụ nữ tấn công bằng chất độc thần kinh VX tại sân bay ở Malaysia.

Hãng tin AP hôm nay cũng đưa tin về việc Triều Tiên cử một phái đoàn cấp cao, trong đó có ông Ri Tong Il, cựu phó đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc, tới Malaysia để đề nghị bàn giao thi thể của công dân nước này, được cho là ông Kim Jong-nam, đồng thời đề nghị thả ngay lập tức nghi phạm Triều Tiên hiện đang bị Malaysia giam giữ.

Thành Đạt

Tổng hợp

Advertisement
Categories: Tin-Tức Thế-Giới | Leave a comment

Giới Thiệu về PGHH

Giới Thiệu về PGHH

Bổn phận chúng ta.

“Uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây” đây là câu nói đã lưu truyền tự bao giờ của người con VIỆT . Là con người ai cũng phải có tổ tiên, ông bà, cha mẹ, phải có cội nguồn và có bổn phận phải nhớ công ơn sâu dầy mà ta đã thọ nơi tổ tiên, ông bà, cha mẹ, ngoài tổ tiên ra ai ai cũng có bổn phận phải nhớ ơn những vị anh hùng chơn chánh đã hy sinh, đem xương trắng máu đào của mình đấp tô cho NON SÔNG TỔ QUỐC!

Một nghĩa trang của PGHH tại miền Tây.

Như vừa nói trên, là người con VIỆT ai cũng có bổn phận và có quyền ghi nhớ, đáp tạ công ơn của những người đã nằm xuống để cho chúng ta đứng lên ngày hôm nay. Với chúng tôi là những tín đồ PHẬT GIÁO HÒA HẢO thiết nghĩ rằng cái bổn phận đó đối với chúng tôi lại càng quan trọng hơn nữa! Quan trọng càng thêm quan trọng, PGHH chúng tôi có biết bao người đã hy sinh cho đất nước, cho dân tộc, cho đạo pháp, và đặc biệt hơn với những tử sĩ của HÒA HẢO trong bốn quân đội:
-Quân đội: TRẦN VĂN SOÁI.
-Quân đội: NGUYỄN GIÁC NGỘ {hay còn gọi bộ đội NGUYỄN TRUNG TRỰC}.
-Quân đội: LÂM THÀNH NGUYÊN.
-Quân đội: LÊ QUANG VINH {3 CỤT}.

Giờ đây chúng tôi vô cùng đau đớn khi nhìn thấy bốn nghĩa trang của bốn quân đội kia có hai nghĩa trang đã bị san bằng, nghĩa trang của quân đội: TRẦN VĂN SOÁI ở Cái Vồn, Bình Minh, Vĩnh Long bị san bằng rồi họ cất lên một nhà hàng . Nghĩa trang của quân đội: LÂM THÀNH NGUYÊN ở Cái Dầu, Châu Phú đã bị san bằng để làm ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN, hiện tại chỉ còn sót lại hai nghĩa trang của hai ông: NGUYỄN GIÁC NGỘ ở LONG GIANG, CHỢ MỚI và nghĩa trang quân đội ông: LÊ QUANG VINH{3 CỤT} ở xã THỚI LONG, huyện Ô MÔN, CẦN THƠ.

Nhà cửa cất trên những nấm mộ.

Những ngày gần đây chúng tôi đã cố công tìm lại hai nghĩa trang kia, khi đến nơi ấy đau đớn lại càng thêm đau đớn, bức xúc lại càng thêm bức xúc, nghĩa trang của bộ đội ông NGUYỄN GIÁC NGỘ ôi! đến đó nhìn thấy cảnh điêu tàn mà chẳng làm sao cầm đặng dòng nước mắt, cỏ rác um tùm, những thứ đồ ô uế dơ bẩn họ đem vào đổ trên mồ mả mà chẳng kiên cử chút nào. Còn nghĩa trang quân đội ông LÊ QUANG VINH{3 CỤT} thì lại càng thêm xúc động, mười mấy ngôi mộ của tử sĩ chúng ta bị người dân nơi đây xây dựng nhà cửa lên trên mộ họ không kể ai cả, chẳng biết kiêng cữ là gì . Xin hãy suy nghĩ nếu cha mẹ, ông bà mình nằm dưới đó thì sao??? Ở nơi đây những ngôi mộ còn lại có trên 200 cái còn một số bị nhà đè lên là chưa tính, trên 200 ngôi mộ kia có cái thì có tên tuổi còn, cái thì cũng chẳng có tên tuổi gì, thêm lại chẳng biết gì sao có một số mộ bia bị bể, gãy banh cả rồi cây cối, rác rến họ quăng đạy lên trên mộ,luôn cả họ còn trông cây lên mộ nữa.

Các tín đồ PGHH đến viếng nghĩa trang.

Xin hỏi nếu đứng vào hoàn cảnh những ngôi mộ ấy là của tổ tiên mình thì mình phải làm sao?
Mặc dầu những ngôi mộ ấy không phải của tổ tiên mình nhưng những người ấy đã nằm xuống cho chúng ta đứng lên ngày hôm nay vậy chúng ta phải có bổn phận gì đó với những người đã khuất kia mới phải chớ!
Với chúng tôi chỉ là những hạng người nhỏ bé, thấp thỏi chỉ mong muốn làm được bổn phận “ uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trông cây” chớ không phải như những hạng người “ăn rồi quẹt mỏ như gà” khi gặp khó khăn thì đến nhờ cậy, lúc thạnh thời chẳng nhớ công ơn mà còn…! Nếu như thế thật đúng với câu “cứu vật vật trả ơn, cứu nhơn nhơn báo oán”.
Giờ đây chúng tôi xin kêu gọi tất cả mọi người những ai là tín đồ PHẬT GIÁO HÒA HẢO thuần thành nói riêng, nói chung tất cả những người VIỆT NAM chúng ta sẽ cùng nhau chung sức để làm bổn phận “uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây” điều trước tiên chúng ta sẽ cùng nhau tu sửa lại những nghĩa trang của những tử sĩ chơn chánh , những người thật sự đã đem xương trắng máu đào của mình điểm tô cho NON SÔNG TỔ QUỐC.
Mong tất cả những người VIỆT NAM chúng ta cùng nhau làm bổn phận của mình nhé!!!

Những ngôi mộ không ai chăm sóc.
BÌNH MINH, 20/7/2016 âl
NGUYỄN VĂN NHỰT cẩn bút.

—————————————————————————

Ý nghĩa của Ngày Đức Thầy thọ nạn.

Kính thưa cô bác anh chị em đồng đạo kính mến.

25/2/âm lịch lại đến, nhắc nhở đồng đạo chúng ta nhớ lại thảm kịch tại Đốc vàng hạ – Ngày Đức Thầy bị Bửu Vinh và bè lũ, ám hại Đức Thầy trong khi Ngài lãnh nhiệm vụ hòa giải sự xung đột giữa Việt Minh và Phật giáo Hòa Hảo hiện giờ.

69 năm trôi qua, nhưng ấn tượng đau xót ấy vẫn còn hằn sâu vào trí óc chúng ta. Chúng tôi xin lược sơ đêm hôm ấy (25/2 Nhuần Đinh Hợi), theo Thất Sơn Mầu Nhiệm của Dật Sĩ và Nguyễn Văn Hầu đã viết:

“ Bửu Vinh mời Đức Thầy lên văn phòng. Ngài liền đi với bốn tự vệ quân. Văn phòng nầy đặt trong một ngôi nhà ngói, Đức Thầy ngồi bàn giữa tiếp chuyện với Bửu Vinh. Còn bốn tự vệ quân thì cầm súng đứng hai bên cửa, cách Đức Thầy một thước tây.

Mười phút sau, lối 7 giờ rưỡi tối, bốn Việt Minh ở ngoài đi vô 8 người chia ra cập nách bốn tự vệ quân của Đức Thầy và đâm chết ba người. Người thứ tư anh Phan Văn Tỷ, tức Mười Tỷ nhờ vỏ giỏi và lanh trí nên thoát khỏi, chạy ra ngoài có bắn một loạt mi-trai-vết. Lúc anh Mười Tỷ né mũi dao găm của một trong hai chiến sĩ Việt Minh cặp nách anh thì người chiến sĩ kia bị đồng chí của mình đâm trúng té quỵ. Vừa lúc đó, Đức Thầy từ trước đến giờ vẫn bình tĩnh lẹ làng quạt tắt cái đèn. Trong văn phòng tối thui, không ai biết Đức Thầy đi đâu cả…!

Tiếng súng nổ dữ dội… Ông Thiện nhảy xuống rạch tẩu thoát. Ba anh chèo ghe chạy trước về báo tin cho các tướng lãnh hay.

Tiếng tù và nổi dậy liên hồi, làm chấn động một góc trời tây! Đoàn dân quân cương quyết đi báo thù. Nhưng vào lúc 12 giờ khuya, một người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo ở gần chỗ xảy ra cuộc bạo hành, chạy ngựa đến Phú Thành mang một bức thư chính của Đức Thầy trao tận tay ông Năm Lửa.”

Nhắc lại biến cố Đốc Vàng chúng ta không phải để gợi lại sự rạn nức thù hận với nhau giữa Việt Minh và Hòa Hảo mà là chia sẻ niềm xót thương khi xa vắng Thầy Tổ. Vì sự vắng mặt của Thầy chưa có đáp án rõ ràng. Chưa công bố trên lịch sử. Mặc dù Đức Thầy đã dạy:

_ “ Ít lâu ta cũng trở về

Khuyên trong bổn đạo chớ hề lãng xao”.

Và:

_ “ Để cho Thầy đi dạo ta bà

Đặng dạy kẻ đường xa chưa rõ”.

Và Ngài hằng động viên chúng ta:

_ “ Thù riêng muôn vạn cho cam

Cũng nên gát bỏ để làm nghĩa công”

Với những kẻ hay vu khống, tráo trở,dùng mọi thủ đoạn, điêu ngoa nhưng tâm trí ngu xuẩn tà mị, Ngài đã dạy ta:

“ Tha thứ kẻ lỗi lầm ngu xuẩn”.

Thôi thì dẫu sao nữa chúng ta cũng phải:

“ Rán nghe lời dạy của Thầy”

Để đến lúc nào đó; vận thời đưa đến, lúc đó:

“…Thầy lại gia trung

Thì trong bổn đạo bóng tùng phủ che” vậy!

Nguyện cầu ơn trên chư Phật mười phương luôn gia hộ cho thánh thể Đức Thầy an khang , để trở về dìu dắt chúng ta.

 

Nam Mô A Di Đà Phật

Cư sỹ Nguyễn Thụy Như Liên

———————————————————————————————————-

Học để truyền bá giáo lý.

Vài năm gần đây tôi phát hiện ra rằng, hàng tu sinh trẻ tuổi trong PGHH mỗi lúc tăng nhanh, lòng háo hức muốn đem đạo vào đời, thực hiện qua lời dạy của Đức Thầy, tập tành chương trình “Ban huấn luyện và truyền bá Đạo Phật” được Ngài đề ra trong tổ chức “VIỆT NAM PHẬT GIÁO LIÊN HIỆP HỘI”. Giữa lúc các tôn giáo đang đi vào một khúc quanh lịch sử bởi nhà nước mới lên quyền, từ cấm hoạt động rồi cho lại hoạt động trong vòng tròn pháp luật nghiêm khắc. Người tín đồ PGHH bị chao đảo trên đường hành đạo và truyền bá đạo lành bởi cách tái phục hoạt một ban trị sự giáo hội chỉ là tên gọi, màu mè để xoa dịu, làm giảm bớt sức đè nén của nhân dân có tín ngưỡng vì thấy đạo Thầy còn đó; trong sự tái phục hoạt, không phải là phục hoạt nguyên vẹn PGHH với những gì đã có từ trước 1975.

Điều tôi muốn nói là hình thức, vì các trị sự viên trong guồng máy ban trị sự (BTS) đều do nhà nước đặt để những người thân cộng hay đảng viên đang cơ hội. Điều đáng nói hơn, ở cấp lãnh đạo ban trị sự Trung Ương lại là đảng viên cao cấp của đảng quyền như Ông Nguyễn văn Tôn, một thời làm chủ tịch mặt trận tỉnh An Giang, dân biểu quốc hội với hơn năm mươi tuổi đảng được nhà nước chỉ định làm hội trưởng BTS T.Ư, Ông Nguyễn Tấn Đạt một thời làm mặt trận tỉnh, hội đồng nhân dân tỉnh, dân biểu quốc hội với nhiều tuổi đảng, được điều vào công tác tôn giáo với chức vụ phó hội trưởng thường trực BTS T.Ư. Do họ là đảng quyền, vào lãnh đạo tôn giáo mà học đảng nhiều hơn học đạo, biết đảng nhiều hơn biết đạo, khi đề ra chương trình sinh hoạt tôn giáo có tính trị sự PGHH thì không đúng trọng điểm, không vào trọng tâm. Nên từ việc kêu lãnh giấy tín đồ cho đến việc chiêu mộ các tu sinh của BTS nói trên không thuận lợi.

Nhớ lại chặng đường xưa, Việt Nam vừa tạm thời thoát khỏi sự cai trị của quân Pháp bởi Nhựt đảo chánh, Đức Thầy trả lời cuộc phỏng vấn của Báo Nam Kỳ về lượng số tín đồ là hơn một triệu người. cũng trả lời cuộc phỏng vấn của báo Cộng Hòa giáo sư Nguyễn Văn Hầu cho biết: trong năm 1950 thì đã có hai triệu tín đồ. Pháp tái chiếm Việt Nam cho đến đi vào giải pháp hiệp định Geneve mới trao trả quyền tự do cho nước nhà nhưng với điều kiện một nước hai chủ nghĩa. Miền Nam Việt vừa khoát khỏi gót giày xâm lăng thì liền gặp độc tài của chánh quyền Ngô Đình Diệm, PGHH bị hoạt động như một hội từ thiện bởi sắc luật 002. Chánh quyền độc tài vắng số năm 1963, PGHH vùng dậy đứng lên, từ 1965 đến 1975 danh số tín đồ tăng rất nhanh.

Hồi Đệ Nhứt Cộng Hòa có chương trình quy khu lập ấp chiến lược, từ đó, dân ở rải rác buộc phải vào khu chiến lược, dầu vậy nhà cách nhà thưa thớt, đồng ruộng hoang vu mà nay các vùng khu chiến lược của thời Đệ Nhứt Cộng Hòa có ảnh hưởng PGHH, nhà ở chen khít đã vậy đồng hoang đã hết, kinh rạch thông phương nhà cửa dẩy đầy, trong đồng ruộng xưa, giờ nổi lên chợ sung túc, hỏi đâu xa thì chưa biết chớ những tỉnh miền tây, đa phần là người tín đồ PGHH, nếu không nói mười triệu thì cũng gần gần đâu đó. BTS do nhà nước phát, cao lắm thì giá lên cũng chỉ một, hai phần mười là cùng.

Tín đồ không theo BTS thân cộng nói trên gấp tám chín lần; những tu sinh không bị húc vào làm nhân lai tạo cho một tổ chức tôn giáo lai căn, tuổi trẻ lớn lên thiếu sự hướng dẫn bởi vì lớp lớn đã bị đưa vào khung không hợp pháp việc huấn luyện truyền bá đạo Phật; để các em tự mò mẩm, sáng tạo, từ đó sanh ra chệch hướng của BTS và ban phổ thông giáo lý trung ương PGHH đã đặt nền móng ở cơ bản dân chủ của thời đại vàng son 1964, 1965 đến 1975, sự chệch hướng đã gây ảnh hưởng không tốt giữa hai thế hệ có căn bản và không căn bản về việc huấn luyện và truyền bá đạo Phật.

Lớp học quốc văn Việt Nam

Nếu ta là người của đạo thì văn chương như một con thuyền hay cổ xe dành để chỡ đạo đến với mọi nhà, mọi người. Người tín đồ PGHH nào mà không sớm chiều cúng nguyện đọc mãi câu nguyện “Tịnh sự trí huệ thông minh giai đắc đạo quả”. Tu có phát sáng tâm hay những kinh nghiệm qua sự trải nghiệm của hành giả mà thiếu văn phong hay ngôn phong để tỏ bày sự hiểu biết của mình trên đường cầu vô thượng bồ đề với tính chia sẻ thì tiếc lắm. Hồi nào biển lặng, hồi nào trùng dương dậy sóng để người đi sau có chút cẩn trọng. Sự quý hóa nằm trong lòng không nói cho ai nghe đặng học hạnh, nhờ nhỏi, chừng chết đem theo thì thật là điều đáng tiếc. Nếu xưa Đức Phật Thích Ca Mâu Ni không thuyết pháp độ chúng, các tổ sư không bày ra văn luận, Đức Thầy không viết Sám Giảng khuyên tu, thì người thế gian ai mà biết đạo Phật là gì. Cũng có thể là không có Đức Thầy nếu Đức Phật không thuyết pháp để Đức Thầy một phen “Đền Linh Khứu Sơn Trung chịu mạng”.

Sự trăn trở của tôi, hôm gặp Ông Nguyễn văn Lía cùng dự lễ cúng tuần cầu nguyện, thấy có nhiều tu sinh, tôi lựa chỗ mời cùng ngồi lại đàm đạo, tôi giới thiệu với những bạn trẻ về Ông Nguyễn văn Lía:

Kính thưa chư quý đồng đạo! Ông Nguyễn văn Lía đây đối với quý vị mà nói thì Ông ấy thuộc vào thế hệ đàn anh. Trước năm 1975 huynh mình có tham gia chương trình “Ban huấn luyện và truyền bá đạo Phật”, là một trong những giảng huấn viên khóa đào tạo giảng viên truyền bá giáo lý qua quyển tài liệu sơ cấp do ban phổ thông giáo lý trung ương khóa đầu biên soạn. Ông Nguyễn văn Lía chuyên trách môn luyện quốc văn qua nhiều khóa học nên về văn từ, văn phạm, câu cú Ông ấy có khả năng hướng dẫn chúng ta viết một bài văn nghị luận hay một đề tài thuyết trình mạch lạc đủ ba yếu tố căn bản: Ngôn phong, văn phong, tác phong để chúng ta không quá nghiêm hay quá lố về tác phong khi thuyết trình giáo lý, không quá đớt đát về ngôn phong với những tập quán đọc trại âm và không quá khô cứng khi dụng văn thiếu lực hấp dẫn đưa tới khó hiểu cho thính giả hay đọc giả.

Giới thiệu xong, tôi mời Ông Nguyễn văn Lía chấp nhận lời mời nói chuyện với các tu sinh. Huynh mình đồng ý một cách vui vẻ.

Kính thưa chư quý đồng đạo! Tôi hân hạnh được anh Triết giới thiệu gặp quý vị và tôi rất hân hoan được nói chuyện với quý vị trong bầu không khí thân mật nầy. Đúng như lời anh Triết nói về tôi, không phải vì danh vọng mà tôi đem khoe, xưa trong một số khóa đào tạo giảng viên truyền bá giáo lý ở sơ cấp tôi có tham gia làm giảng huấn môn luyện quốc văn. Nhưng thôi, chuyện ấy giờ đã là chuyện củ, không có gì vô duyên trơ trẻn bằng nếu ta cứ nói chuyện củ hoài trong khi hiện tại đang cần mà để cho dòng chảy quá khứ làm choán mất thời giờ. Hãy nói từ hiện tại đến tương lai. Hiện tại đang thiếu gì? Cần gì đối với những tu sinh có thiên hướng chương trình ban huấn luyện và truyền bá đạo Phật? Nếu thấy công việc truyền bá đạo Phật của ta chưa có sức thu húc thì hãy kiểm tra ba yếu tố căn bản ngôn phong văn phong và tác phong, nếu ta biết rằng ngôn phong và văn phong của mình trôi chảy mà chưa được quần chúng ngưỡng mộ thì hãy coi lại tác phong của mình đi; hoặc tác phong tốt, ngôn phong tốt mà khán thính giả không màng thì coi chừng đọng lại chỗ văn phong đấy, hãy tập trung bồi bổ cho văn phong đứng vững diễn đàn.

Bốn mươi năm qua tôi không đứng trên diễn đàn để cùng học viên nói về văn chương chữ nghĩa, chính cái khoảng bốn mươi năm đã làm tôi gìa đi mà dư ảnh hôm nào chỉ còn là luyến tiếc. Tôi không có quyền thay đổi dòng chảy của Sanh và Lão cũng như không có quyền đèo bồng cho niềm xưa hiện lại sự trẻ trung đối với một Ông Già. Bất chợt được Anh Triết đề nghị, Bất chợt được chư đồng đạo tín nhiệm ngồi vây quanh để nghe tôi nói chuyện đời xưa…

Kính thưa quý vị! Nếu già tôi còn có chút đỡ đần nào cho sự sinh hoạt tôn giáo cũng như bồi bổ kiến thức chuyên môn về nghệ thuật nói trước công chúng hay bài văn nghị luận giúp đỡ tu sinh trao giồi quốc văn thì tôi sẵn sàng cống hiến sự hiểu biết của mình.

Buổi gặp gở tạm dừng với lời hứa: Hai bên đều hứa…

Không lâu sau, Ông Nguyễn văn Lía huy động một lớp dạy luyện quốc văn ngắn hạng, giúp những tu sinh có thiên hướng truyền bá đạo Phật, Phật Giáo Hòa Hảo. Tôi rất mừng khi hay tin nầy.
Triết Lê.

25/2/2016

——————————————————————————————————————–

VÀI SUY NGHĨ VỀ PHẬT GIÁO HÒA HẢO

Tôi vừa đọc xong tập “Phật Giáo Hòa Hảo Yếu Lược”. Gấp sách lại, thấy tự lòng dấy lên một niềm vui đầy hy vọng: đây chính là nơi đại diện cuối cùng của nền văn hóa nông nghiệp. Trước kia đã có lần tôi viết Việt Nam là đại diện cuối cùng của tinh thần nông nghiệp, nhưng nay, sau thời kỳ nhuộm đỏ không biết lúc nào mới dứt, thì không biết điều đó có còn lấy lại được chăng; nhưng về Phật Giáo Hòa Hảo thì tôi tin là sẽ còn được, xét cả về môi sinh lẫn nền đạo lý.

Về môi sinh, thì đây là miền nông nghiệp trù phú nhất nước, với năng xuất gần gấp đôi các nơi (3 triệu tấn lúa cho 1.885.000 mẫu, so với suýt soát 17 triệu tấn cho 17.326.000 mẫu trong toàn quốc). Số dân là hai triệu ở khắp trong 15 tỉnh miền Hậu Giang. Đông nhất là Châu Đốc, An Giang, Kiến Phong tức là khối lớn, lại thêm đông đặc và được tổ chức thành hàng ngũ rất chặt chẽ, thì dễ đủ sức đương đầu với mọi thử thách, dù cam go đến đâu. Nhất lại về đàng giáo lý thì đã đạt được nét đặc trưng cao nhất có thể. Trên đời mới thấy xảy ra ở đây là một:

Đường tu tiến của con người có thể chia làm ba giai đoạn lớn là Hữu Vi, Vô Vi, và An Vi.

Hữu Vi đi với Địa

Vô Vi đi với Thiên

An Vi đi với Nhân

Ở Địa, nhập thế chuyên về vật thể, thành tựu ở khoa học.

Ở Thiên là xuất thế chuyên về tâm linh, thành tựu ở Huyền niệm.

Ở Nhân là xử thế, chuyên về nhân luân, thành tựu ở Tứ hải một nhà.

Đó là nói về tu tiến chuyên biệt, còn thông thường thì đời sống con người phải gồm cả ba Thiên, Địa, Nhân ở trình độ phổ cập của lương tri. Đó là minh triết thông thường mà Hi Lạp gọi là Sophia. Trong đời sống thông thường thì phải có cả ba: đâu đâu cũng vậy; nhưng lên đến đợt Triết khi thiên, địa, nhân trở thành chuyên biệt thì hầu như không thông với nhau nữa, mà cho đến nay hầu như chưa có ai nhảy ra được khỏi phạm vi của mình, mà chỉ thành công trong địa hạt đó. Âu Tây thành đạt trong khoa học (duy địa) Ấn Độ trong huyền niệm. Cả hai không có thiên tài triết nào vượt qua địa vực mình, để vào đợt Nhân sinh xử thế, mặc dầu thiên tài thì đầy. Nhưng mọi thử thách để vượt sang địa hạt nhân đều thất bại kiểu nọ hoặc kiểu kia. Bước vào đời mới, chế độ nông nô bên Âu Châu có được phá vỡ, nhưng không do triết cho bằng do khoa học kỹ thuật.

Thử thách triết lý để giải phóng con người, rõ nhất bên Tây Âu là thuyết Karl Marx đã muốn cứu con người khỏi mọi bất công chênh lệch, bằng cách phá hết mọi ràng buộc tự do con người (nên đưa ra thuyết tam vô) để mọi người được sống trong tình huynh đệ… nhưng Cộng sản đã thất bại ê chề. Nói cho chính xác, thì chỉ có thành công phá đổ nhưng thất bại trong việc kiến thiết. Lý do là triết đó chưa ra khỏi cảnh vực của Âu Tây là địa: như hai chữ Cộng sản, Tư bản nói lên điều đó. Nói theo Nho, cả hai còn bì bõm trong cõi mạt, cõi ngành, chưa động đến cõi bốn gốc được chút nào hết.

Bên Ấn Độ cũng tương tự như vậy, thiên tài lớn nhứt hiện nay là Rajneesh cũng dốc lòng đi đến cái biết toàn trị, đi đến xã hội đại đồng phong lưu dư vật, và mặc dầu ông kính tôn Đức Thích Ca hết mình, nhưng không ngần ngại buộc tội cho Đức Như Lai cùng với Mahavir bên đạo Jaina và Krishna bên đạo Bà La Môn phải chịu hết trách nhiệm về sự vụ Ấn Độ suốt 25 thế kỷ qua phải triền miên nằm trong cảnh đói rét nô lệ, chậm tiến. Ông ước ao có được một xã hội no đủ dư thừa, không giai cấp, nên cũng chủ trương vô gia đình, vô quốc gia, vô tôn giáo (mặc dầu ông chống Cộng hết cỡ), nhưng không sao bước vào cõi nhân sinh được. Sự bất lực đó được biểu lộ trong câu tuyên bố: “Không ai có thể vừa là tôn giáo vừa là chính trị gia, ngay cả Gandhi cũng thế” (Tao: the pathless path 336). Và ông chống đối Khổng Tử hết lời vì đã coi chính trị là mối lớn nhứt trong đạo nhân sinh (nhân đạo dĩ chính vĩ đại), với Nho thì triết gia cao nhất phải là người có khả năng “an bang tế thế”… Còn Rajneesh khinh khi cực kỳ mọi chính trị gia, cho đó chỉ là những người hạng bét, nên ông không tiếc lời mạt sát hết thảy. Đó là dấu tỏ có một sự ngăn cách vô hình nào tự thiên địa đi sang nhân, mà từ xa xưa tới nay chưa ai bước qua được, kể cả Hoa Phật lẫn Việt Phật.

Phật giáo truyền vào Tàu dưới hình thức Vô Vi trọn vẹn được biểu lộ một cách chói chang bằng chín năm ngồi quay mặt vào tường của Bồ Đề Đạt Ma đến bại xuội chân, với việc Tổ Huệ Khả chặt cánh tay để xin được điểm đạo. Chẳng biết tay có bị chặt, chân có bị bại thật chăng, nhưng đó quả là những tiêu biểu nói lên tính cách vô-vi cùng cực là không hành, không tác, tức không dây mình vào chính trị. Đó là điều không thể sống trong đất nhân sinh bên Đông Bộ, nơi con người được định nghĩa là Tác Viên, tức bản tính con người là tác năng giữa trời cùng đất, và lý tưởng của bậc tiến cao nhất gọi thánh nhân phải là làm thế nào để cuộc sống nhân sinh được “dân giàu nước mạnh”, không những có đủ ăn mặc cho mọi người, mà còn phải biết sống an nhiên tự tại, tức cuộc sống phải có lễ nhạc (có nghệ thuật) và đến cùng cực thì còn có cả những phút xuất thần để phối thiên phối địa. Vì hai quan niệm khác nhau là thế, nên lịch sử Phật giáo bên Đông Bộ chính là một tiến trình thích nghi với cuộc sống nọ: từ bước nhỏ tới bước lớn. Bước đầu tiên là Tịnh Độ của nhà sư Huệ Viễn ở tại vất sách vở suy luận đi, để chỉ có niệm, chỉ một niệm A Di Đà Phật đã đủ vãng lai Tây phương cực lạc thế giới. Sau đó đến các bước Thiên thai với câu thời danh “lý sự vô ngại”. Rồi tới thuyết ngũ-thời của Hoa Nghiêm nhằm hòa hợp tiểu thừa vô vi với đại thừa, muốn bước vào hành động, chứ không chỉ có tĩnh tọa như bên Ấn Độ, nhưng đó mới là hành động bằng lý trí. Phải cho đến Tổ Huệ Năng mới đi thẳng vào hành động bằng hành thiền: hành thực sự như xay thóc, giã gạo, nhặt củi… đã là thiền, không cần sách vở với tĩnh tọa mới là thiền…

Tuy Tổ Huệ Năng đã làm một cuộc cách mạng rất lớn, nhưng cũng chưa đi vào đến đầu mối của cuộc nhân sinh, tức là chính trị, phải đợi đến hai nhà Lý, Trần bên Việt Nam ta mới gặp Trúc Lâm Thiền Sư tức là chính vua Trần Nhân Tôn thì Phật mới thực sự đi vào đời, khi hiểu đời là chính trị, là trị nước, bình thiên hạ, với thành quả chói chang rực rỡ. Tuy nhiên đó cũng chưa chắc hẳn đã là bước qua cửa triết, mà hầu chắc mới là lối lương tri. Vì vua phải làm thế là do vị của mình vốn gắn liền với trị nước, nên phải trị nước như một bổn phận, chứ không do một triết lý mọc lên từ nền tảng bảo phải làm chính trị, tức không do đạo lý của Phật. Vì nếu thế thì vua phải để lại một chữ đạo. Đây không thấy (hoặc có mà bị quân Minh lấy mất chăng?) tức là bước chính cốt có tánh cách cơ cấu chưa đi được. Tóm lại, sự nhập cuộc ở đợt lương tri, có cao hơn đợt xã hội từ thiện, nhưng chưa là chính trị.

Bước quyết liệt này mới xảy ra với Phật Giáo Hòa Hảo, là lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo, kể cả Phật giáo Tàu và Việt, nó đã xảy ra cách rõ ràng dứt khoát như được tuyên bố rõ rệt trong bốn chữ “tu nhân” và “tứ ân”. Trước hết là câu nói “học Phật tu Nhân”. Đó quả là bước từ Thiên tới Nhân rõ rệt. Nhưng đó mới là câu tuyên bố tiên thiên, có thể là do cao hứng. Phải xem kỹ hơn có hậu chăng. Thưa có. Đó là thuyết Tứ Ân:

  1. Ân Tổ tiên Cha Mẹ
  2. Ân Đất Nước
  3. Ân Tam bảo
  4. Ân Đồng bào Nhân loại

Như vậy là dù cả bốn bước Tu, Tề, Trị, Bình rồi. Quả là chính trị đẫy đà. Chính là nhân đạo đẫy tròn viên mãn gồm đủ:

Tu ở tu nhân

Tề ở ân tổ tiên cha mẹ

Trị ở ân đất nước

Bình ở ân đồng bào nhân loại

Đó là kiện chứng minh bạch dứt khoát. Kiện chứng thứ hai và rất đặc biệt, đó là bản thân Đức Huỳnh Giáo Chủ không là một tăng lữ mà chỉ là một cư sĩ tại gia, là một nhà ái quốc, một nhà đại cách mạng đã lập ra đảng Dân Xã, tức có chủ trương, có sách vở, có cơ cấu tổ chức đầy đủ, không thể nghĩ ngợi gì nữa. Đó quả là một thành tựu, cho tới đó chưa ai hiện thực nổi. Đó là bước từ đạo Phật bước vào đạo Nhân, tức từ Tài Thiên đi sang Tài Nhân.

Đến khi đi vào chi tiết càng thấy rõ cái bước sang qua xảy ra từ cơ cấu nền tảng, nên rất giống Việt Nho. Thí dụ: Việc nhấn mạnh cần phải học hành, không được tin mù quáng, dù ông thầy có đáng kính mấy cũng phải đưa óc thông minh ra để xét lời thầy trước đã, có nên tin hay chăng. Rất giống Nho đặt Trí lên đầu: Trí nhân dũng.

Về thờ tự, thì cắt hết mọi phiền toái. Không nhận thầy cúng, thầy tế, thầy bói, thầy phù thủy. Không cho đốt vàng mã. Thờ Phật thì không có tượng, mà chỉ có một tấm vải màu dà để tượng trưng sự hòa hợp nhân loại. Đã không chuông không mõ, không cho dâng cúng chè xôi, thực phẩm. Không cấm sát sinh, chỉ cấm sát sinh để tế. Không có cả chùa, chỉ có “độc giảng đường”, không phải để ở, mà chỉ để giảng đạo, giống như Văn Miếu bên Nho vậy…

Quả là một kết tinh của Tam giáo.

Phật thì đã bỏ tượng, bỏ chùa, chỉ còn tên, và giáo lý để đúng với câu “học Phật tu Nhân”. Thuyết là thuyết Phật, nhưng thực hiện thì lại là Nhân. Đúng ra thì cũng là thực hiện Phật, vì giữa Phật và Nho có rất nhiều mẫu số chung, như “tự lực tự cường”. Phật nói hãy thắp đèn mình mà đi thì Nho cũng nói “doãn chấp kỳ trung”; nền tảng như nhau, nhất là cả hai đều căn cứ trên Đạo Trống để bàn nơi khác.

Pháp thì sự nhận định tính cách vô thường của các pháp rất giúp vào việc tạo dựng nên tâm hồn xả bỏ, là điều quý vô cùng nơi nhà cai trị, để dễ có lòng thái công là chìa khóa cho sự thành công trong lãnh vực chính trị. Ngoài ra còn một số những điều rất khó có thể hiểu cho người thông thường, như là thuyết “thập nhị nhân duyên”, thì đề ra cho dân kính bái vậy thôi.

Tăng thì kể như không có. Phật Giáo Hòa Hảo bản chất là tại gia, không nhận sư ni, nhưng theo lối nhu thuận của Nho, là không chống đối, mà chỉ “kính nhi viễn chi”, sau khi dặn dò phòng bị những tăng sư giả mạo, như về việc ma chay giỗ chạp, thì dạy rằng: “giá trị ở chỗ tu tâm”, tự mình cầu nguyện, khỏi đi thuê khoán ai cầu cho…vvv…

Tóm lại, xét chung nội dung giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo, thì chính là đạo Nhân, nhưng bọc ngoài bằng danh Phật. Thế mà lại giữ được nét sùng mộ nhiệt tính của Phật giáo để đóng góp, nên có thể bù trừ cho đạo Nhân nơi Nho. Đạo Nho là một thứ đạo “ung dung tự tại” vì đạo nhân đã có đủ thiên địa nơi mình, khỏi cần phải bước đi đâu (vạn vật gia bị ư kỷ). Đó là chỗ cao cả nhưng cũng là chỗ yếu kém của Nho. Cao cả cho những tâm hồn có óc siêu lý cảm thấy được an nhiên tự tại: còn đối với đại chúng thì khó thấy được, nên cần có sự thúc đẩy mạnh hơn. Vậy về điểm này thì sau những thập niên tàn phá dữ dội của Cộng Sản, thì cái bầu khí lễ nghĩa liêm sỉ còn có thể lập lại chăng, mà thiếu môi sinh tinh thần nhân nghĩa, thì liệu Nho giáo có còn hiệu nghiệm được như xưa chăng. Cho nên về điểm này mà có được một sự bù trừ hỗ trợ như từ phía Phật Giáo Hòa Hảo thì rất tốt, nhất là khi sự hỗ trợ đó không có gì dị đoan hay quá đáng, mà sự thôi thúc thì rất đầy đủ. Trong bằng ấy tỉnh Hậu Giang, chưa biết có được vài văn miếu chăng, còn Phật Giáo Hòa Hảo có đến 390 độc giảng đường, phát thanh một cách có phương pháp. Kinh sách phát ra có tới cả triệu tập. Lại còn việc thờ cúng ông bà và Phật hàng ngày hàng bữa, khiến cho không khí đạo hành dâng cao, nhờ đó mà Phật Giáo Hòa Hảo có được một điểm rất hiếm, là có một đảng chính trị có chủ đạo hẳn hoi: đó là Dân Xã Đảng.

Chữ Đảng ở đây không hẳn là đảng phái, chỉ tạm dùng cho hợp thời và đối với các đảng khác trong nước, chứ riêng trong đạo Hòa Hảo thì không là đảng phái, vì không có đảng nào khác. Đây chỉ là một “đảng” tức là một khối thuần nhất từ trên chí dưới như nhau, kiểu như một Hội nghị Diên Hồng liên tục. Đó không là một đảng, mà là tiếng nói của một chủ đạo, xưa nay chỉ có Nho, và đến nay mới thấy xuất hiện nơi Phật Giáo Hòa Hảo mà thôi. Cho nên trên kia tôi nói về Hòa Hảo, như bước nhảy cuối cùng từ đạo Phật xuất thế đi vào đạo nhân xử thế. Nhưng đến đây tôi nghĩ là có lẽ sẽ trung thực hơn khi coi Hòa Hảo là đợt mới nhất của Việt tộc tự nội phát xuất trong bầu khí tâm linh của Phật giáo, đối diện với Hán Nho là Việt Đạo phát xuất trong bầu khí du mục. Cả hai đều gốc Việt đến 70, 80%, tức Việt có chủ, còn Phật với du mục tây bắc là khách. Và như vậy thì không có bước nhảy qua nào cả. Tức ngoài Hòa Hảo và Nho thì cho đến nay, không có Chủ Đạo nào khác… mà chỉ có chủ thuyết, tức mới ở đợt ý hệ, chưa lên đến đợt tâm linh để thành chủ đạo. Chúng phát xuất, hoặc do triết học tất cả còn duy ý, hoặc do tôn giáo thì chỉ là tầm gửi. Đức Ki Tô đã nói “nước ta không thuộc trần gian”, nên giáo sĩ bị cấm làm chính trị, còn giáo dân thì có làm, nhưng chỉ là chính trị ở lương tri, ở đợt lợi hành, tiếng là Ki Tô, nhưng trong Ki Tô không có nền tảng chính trị.

Phật giáo cũng vậy, nền tảng là “sắc sắc không không” thì chính trị đặt nền vào đâu, nên nếu có đưa ra chủ thuyết chính trị cũng chỉ là lương tri, lợi hành, duy lý, tức là tiên thiên đã bất lực, chứng cớ là các xứ theo Phật giáo tiểu thặng vẫn nghèo kinh niên là vì vậy.

Tây Âu vì ở trong địa hạt hữu vi, lại nhờ có óc khoa học, mà nên giàu có, nhưng đó là phạm vi khoa học hơn là chính trị. Chính trị là tương quan sản xuất (phân chia tài sản quốc gia cho công bằng) thì chưa đưa ra được một đạo lý nào. Một số thành công chỉ là lẻ tẻ cầu an, không do triết, vì vậy không bao giờ đạt đại lộ lý tưởng. Nói chung các đảng chính trị làm hại hơn làm ích.

Hại lớn nhất là nửa phầm trăm nhân loại bị nô lệ do Đảng Cộng Sản.

Hại bị thiệt đến thân ta, là đảng Việt Cộng bán nước làm lính cho Nga.

Hại làm ta rất ái ngại, là lưỡng đảng của nước Mỹ từ sau thế chiến II đến nay, họ đã lần lượt đánh mất gần 40 nước tự do vào tay Cộng sản, thế mà chưa giựt mình, hãy còn đang tiếp tục đưa nước Mỹ vào đường suy thoái. Cái nhìn của họ tố cáo sự bất lực, đó là cái nhìn thiển cận một cách đáng sợ. Vì chưa có chu đáo, cả đến chủ thuyết cũng không, chỉ là lương tri lợi hành, hay nói thông thường là óc con buôn, thì làm sao thấy được toàn diện vấn đề. Muốn toàn diện phải có Chủ Đạo. Xin nhớ, muốn có Chủ Đạo thì phải có nền đạo lý có tính cách tâm linh, kéo theo sự tu luyện thân tâm toàn diện, gồm cả tu, tề, trị, bình, nhất là tu. Cái đó ngày nay không đâu có, mà chỉ là chủ thuyết do lương tri, quanh quẩn ở đợt thuyết với lý, ngoi lên đến cương lĩnh là hết. Trị nước thì đến hiến pháp là cùng. Tất cả loay hoay ở ngành ngọn trị, bình, chưa có cả tề, còn nói chi đến nền tảng là Tu. Tu toàn thân diện tâm trí, chớ không chỉ có tu lương tri, tu lý luận. Vì thế theo nghĩa ngặt thì Chủ Đạo mới thấy nói Việt Nho, và cho đến nay thì thấy nơi Phật Giáo Hòa Hảo.

Bạn sẽ vấn nạn lại rằng tại sao biết bao sự thành tựu lớn lao xảy ra hết nước nọ đến nước kia, thì sao? Thưa đó chỉ là do hậu thiên ở đợt lương tri, chưa cần chủ đạo. Nếu có tay “thiên tài” mà ngoài sự hiện thực có để lại được một chủ đạo, thì thành tựu mới trường tồn, mới đủ khả năng trải qua bao gian nguy, rồi vẫn chỗi dậy được như nước Tàu hay nước ta xưa. Còn nếu chỉ ở đợt lương tri, thì có là thiên tài đi nữa, thành tựu cũng chỉ kéo dài được ít thế hệ, mà không trường tồn được, vì chỉ là vá víu. Chính vì thế mà chưa một nền văn minh nào trường cửu kéo dài nhiều năm, ngoại trừ Việt Nho. Ngay như nước Mỹ, vì hoàn cảnh quá tốt, đất đai rộng lớn phì nhiêu, lại gặp được mấy Tổng thống cỡ Lincoln, và chưa có đối lập (Nga) nên đã lên cao cùng cực cả về tài lực, khoa học, kỹ thuật. Thế mà gặp đối địch, thì từ 40 năm nay, cứ trụt xuống dần dần, ta có cảm tưởng hai Đảng Dân Chủ, (nhất là Dân Chủ) và Đảng Cộng Hòa, thi nhau cắt từng miếng thịt của Mỹ quốc đưa đến hầu Nga, là tại chính do hai đảng cứ kình chống nhau, xem cái đắc thắng đảng kia làm quan trọng hơn sự ích quốc. Thế là một siêu cường mạnh như chưa bao giờ thấy, mà đến nay phải lo ngại trước một “kẻ thù” mới trước đây kém hơn mình vô kể.

Những suy luận trên đây giúp ta thấy cái thiên tài của Đức Huỳnh Giáo Chủ, khi bước từ Phật giáo đi sang tu Nhân. Đó quả là đợt mới của cây Việt mọc lên tự nội, vì Giáo Chủ không có học hành gì (học được hết tiểu học rồi cứ bệnh hoạn liên miên) mà đến 20 tuổi đột nhiên thông suốt đạo lý và bước qua nổi cái bước từ Thiên sang Nhân, một bước đã bao đời không ai bước qua được, thì đủ biết là thiên tài làm cho ta thêm lòng tin tưởng vào sinh lực lớn lao của nòi Việt, để ta mạnh dạn đặt vào tương lai cái nhìn tươi sáng.

KIM ĐỊNH

link bài blog gốc: http://minhtrietviet.net/vai-suy-nghi-ve-phat-giao-hoa-hao/

************************************************************

Người sáng lập Ðạo Phật Giáo Hòa Hảo là Ðức Thầy Huỳnh Phú Sổ. Sanh ngày 25 tháng 11 năm Kỷ Mùi (1920) tại làng Hòa Hảo, tỉnh Châu Ðốc, một tỉnh xa xôi giáp biên thùy Việt Miên Nam Việt.
Ngài là trưởng nam của Ðức Ông Huỳnh Công Bộ và Ðức Bà Lê Thị Nhậm. Một gia đình trung lưu, nhiều phúc hậu và uy tín với nhân dân địa phương.
Thuở nhỏ, vừa học đến hết bậc tiểu học thì đau ốm liên miên, nên Ngài phải rời nhà trường về dưỡng bịnh. Từ nhỏ đến 18 tuổi, Ngài không lúc nào dứt được cơn đau và không một lương y nào trị được.
Năm 1939, sau khi hướng dẫn thân phụ đi viếng các am động miền Thất sơn và Tà lơn -Những núi non được nổi tiếng linh thiêng hùng vĩ – Ngài đột nhiên tỏ ra đại ngộ. Ngày 18/5 năm Kỷ Mão, (1939) Ngài chính thức mở Ðạo. Bắt đầu là công việc chữa bịnh. Ngài chữa lành được các chứng hiểm nghèo với phương pháp thật giản đơn là chỉ dùng lá cây, nước lã, giấy vàng, khiến cho các Bác sĩ Tây y, các dược sư Ðông y lẫn các danh gia phù thủy đều phải kinh ngac.

Song song với việc chữa bịnh, Ngài thuyết pháp thao thao bất tuyệt. Nhiều thi sĩ văn gia hoặc luật gia nghe tiếng, đến chất vấn, đều phải nhận Ngài là một bậc siêu phàm.
Cũng từ năm 1939, Ngài sáng tác thật nhiều kệ giảng, nội dung tiên tri chiến cuộc sẽ tràn lan, nhân loại sẽ điêu linh và kêu gọi mọi người nên bỏ dữ về lành, thực hành tứ ân, trau dồi thiền tịnh để trở thành thiện nhân trong xã hội và tiến đến sự nhập diệu cõi đạo.
Nhìn qua công đức giảng dân cứu chúng, người ta thấy Ngài chữa được hằng vạn chứng hiểm nghèo, thuyết pháp hằng ngàn lần trước đại đa thính chúng và sáng tác sáu quyển Kệ Giảng cùng với hằng trăm bài thi ca có giá trị siêu việt.
Văn chương của Ngài cực kỳ bình dân nhưng rất hàm súc hấp dẫn. Ngài viết không cần giấy nháp.
Giáo Pháp của Ðức Giáo Chủ tuy cao siêu nhưng không kém phần thực tế, có thể áp dụng cho bất cứ nơi nào trên thế gian. Ngài là một nhà đại cách mạng tôn giáo. Vì trước khi Ngài ra đời, Ðao Phật Việt Nam bị đình đốn sai lạc, và Ðạo Phật Thế giới chưa nói tới việc canh tân. Ngài đã cắt bỏ tất cả những nghi lễ phiền toái mà nguyên căn không phải của Ðức Thích Ca chủ trương, đồng thời còn canh tân nhiều điểm trong phương pháp thực hành đạo Phật mà trước kia không hề có.
Nhờ Giáo Pháp thích thời đó nên chỉ trong một thời gian ngắn, Ngài thu phục được hai triệu tín đồ tại miền Nam Việt Nam và ảnh hưởng mỗi lúc càng lan rộng thêm ra.

Vì Ngài được thiên hạ quá hoan nghinh nên nhà đương cuộc bắt đầu để ý đến sự bành trướng lạ thường của phong trào tôn giáo Phật Giáo Hòa Hảo, nên một biện pháp chánh trị đã được đem ra thi hành và Ngài phải bị lưu trú tại làng Nhơn Nghĩa (Cần thơ).
Ở đây, Ngài lại được người ta tôn sùng hơn trước nữa, làm cho nhà cầm quyền phải đem Ngài an trí tại nhà thương Chợ quán. Sau đó, Ngài lại bị dời về Bạc Liêu đến năm 1942.

Khi người Nhựt nhúng tay vào thời cuộc Ðông dương trong hồi thế giới chiến tranh kỳ nhì, họ cưởng bách đem Ngài về Saigòn thì Ngài buộc lòng tá túc tại Hiến binh Nhựt để chờ đợi thời cơ thuận tiện ra gánh vác việc nước nhà. Khi đó Ngài có làm câu đối để diễn tả hoàn cảnh của mình
« Trương Tiên qui Hớn phi thần Hớn
Quan Ðế cư Tào bất đê Tào »
Sở dĩ người Nhựt muốn thi ân với Ngài là vì họ muốn gây cảm tình với khối tín đồ khổng lồ của Ngài để sau nầy có thể lợi dụng. Nhưng đã là một người sáng suốt thì Ngài đâu có để cho bọn Nhựt lôi cuốn trong việc chuẩn bị của họ chống Ðồng minh.
Sau cuộc đảo chánh mùng 9 tháng 3 dương lịch 1945, Ngài giữ một thái độ hết sức dè dặt vì Ngài biết chắc chắn rằng người Nhựt thế nào cũng thất trận. Lúc đó,Ngài nói một lời tiên tri rất bình dị « Nhật bổn ăn không hết con gà ». Mà thiệt vậy ! Vì năm Dậu (con gà) mà cũng là năm 1945 chưa hết, thì số phận nước Nhựt đã được định đoạt.
Năm 1945,« Vì lòng từ ái chứa chan, thương bá tánh đến hồi tai họa », nên Ngài đứng ra bảo vệ quốc gia và cứu nguy dân chúng. Ngài từng thành lập Phật Giáo Liên Hiệp Hội để đoàn kết đạo Phật, và Việt Nam Ðộc Lập Vận Ðộng Hội để vận động cuộc độc lập nước nhà.
Sau khi Nhựt Hoàng đầu hàng Ðồng minh không điều kiện, nước Việt Nam phải sống một thời kỳ bất ổn, Ðồng bào Việt Nam đương lo sợ cảnh ‘dịch chủ tái nô’, Ðức Huỳnh giáo Chủ liền hiệp với các lãnh tụ đảng phái và tôn giáo để thành lập Mặt trận Quốc gia Thống Nhứt hầu lên tiếng với ngoại bang. Mặt trận này lại xáp nhập vào mặt trận Việt minh mà chính Ðức Huỳnh Giáo Chủ là vị đại diện đầu tiên ở Nam Việt.
Sau sự thất sách của Hồ chí Minh với Hiệp ước mùng 6 tháng ba năm 1946, tạo cơ hội thuận tiện cho thực dân trở lại, Ðức Huỳnh Giáo Chủ liên kết với các lãnh tụ quốc gia để thành lập Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp.
Mặt trận nầy được quần chúng nhiệt liệt hoan nghinh nên lại bị Việt minh giở ngón độc tài giải tán. Họ liền thành lập Liên Hiệp quốc dân Việt Nam Hội để che đậy màu sắc đỏ của đệ tam quốc tế và để làm cho quần chúng quên cái dĩ vãng đẫm máu của Cộng sản vào cuối năm 1945.
Năm 1946, vì muốn gây cuộc đoàn kết giữa các tầng lớp đồng bào, Ngài ưng thuận tham gia ủy ban hành chánh với trách vụ Ủy viên đặc biệt.
Ngài liên kết các chiến sĩ quốc gia với khối tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo để thành lập Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Ðảng (21-9-l946), với chủ trương công bằng xã hội và dân chủ hóa nước Việt Nam. Ngài chẳng những là một nhà cách mạng tôn giáo anh minh mà còn là một nhà lãnh tụ chánh trị đa tài. Ðọc Tuyên ngôn, Chương trình của Ðảng Dân Xã do Ngài đưa ra, dù cho đối phương hay những người khó tánh, đều phải công nhận Ngài có một bộ óc cải tiến vượt bực và nhận định sáng suốt phi thường.
Ðồng thời, Ngài cũng gởi người ra hải ngoại, đoàn kết với các nhà cách mạng quốc gia lưu vong để thành Mặt Trận Thống Nhứt Toàn quốc. Giải pháp quốc gia cũng do công trình của Ngài và các nhà cách mạng xuất dương mà thực hiện đến ngày nay.
Bởi đường lối của Ngài trái ngược với chủ trương Cộng sản và bởi Giáo thuyết của Ngài có thể gây đổ vỡ cho chủ nghĩa vô thần, Cộng sản đã tìm mọi cách làm hại Ngài, nhưng họ đều không làm gì Ngài được.
Ðầu năm 1947, các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo ở miền Tây chống lại chủ trương độc đoán của Việt minh vì họ áp dụng chính sách độc tài trong sự tổ chức và cai trị quần chúng. Muốn tránh cuộc cốt nhục tương tàn, Ðức Huỳnh Giáo Chủ về miền Tây Nam Việt với hảo ý trấn tĩnh lòng phẫn nộ của tín đồ PGHH và để giảng hòa hầu đoàn kết chống thực dân cho hiệu lực. Nhưng ngày 16-4-1947, Ủy ban Hành chánh Việt minh âm mưu ám hại Ngài tại Ðốc Vàng (vùng Ðồng Tháp).
Từ đó không ai rõ tin tức chi về Ðức Huỳnh Giáo Chủ, nhưng toàn thể tín đồ của Ngài không ai tin rằng Việt cộng có thể làm hại Ngài được. Và muôn người như một, đang mong đợi một ngày về trong sứ mạng vinh quang nhất của Ngài.
Quyển Sấm Giảng Thi Văn Giáo Lý và Cách Tu Hiền là một trong nhiều tác phẩm do chính tay Ngài viết hoặc Thuyết giảng, đã được tái bản trên nhiều trăm lần với ấn lượng trên triệu quyển bằng tiếng Việt Nam. Nó ngắn gọn nhưng đủ rõ những điều cần thiết trong nghi thức tu hành của nền Đạo Phật Giáo Hòa Hảo.
Source: Phatgiaohoahaohaingoai.com

========================================================================

NHỮNG ĐIỀU SƠ LƯỢC CẦN BIẾT CỦA KẺ TU HIỀN (PGHH)

Đây là quyển thứ Sáu mà Đức Thầy đã viết hồi tháng 5 dương lịch (1945) tại Sài Gòn.

Đạo Phật từ xưa đến nay luôn luôn phân làm hai hạng người:

1/ Hạng xuất gia

2/ Hạng tại gia

° HẠNG XUẤT GIA: Gồm các nhà sư hay những ni cô đã hoàn toàn ly khai với gia đình, quê hương bè bạn, dựa thân vào cửa Thiền hoặc núi non am cốc. Hằng ngày chỉ chuyên lo kinh kệ, săn sóc cảnh dà lam, trau luyện đức lành, giồi mài trí tuệ hầu giảng giải cho bá tánh thập phương nghe để qày đầu hướng thiện quy y Phật Pháp, không còn thiết đến việc đời. Gia đình nhà cửa của nhà sư là khắp cả nhân loại đại đồng.

Đó là hạng dốc tu cho mau thành Phật quả, thoát kiếp luân hồi.

° HẠNG TẠI GIA: Gồm tất cả đại chúng, tất cả thiện nam tín nữ chưa đủ những điều kiện xuất gia, vì cảm thấy mình còn nặng nợ với non song tổ quốc, với gia đình, với đồng bào xã hội, nên chưa thể làm như các nhà sư hay ni cô đặng. Tuy vậy họ cũng sẵn sàng hoan nghinh ca tụng lý tưởng từ bi bác ái đại đồng của nhà Phật và luật nhân quả do Phật thuyết ra. Thế nên ở tại nhà, họ pượng thờ đức Phật, phát nguyện quy y, giữ gìn ít điều giới luật, hằng coi kinh sách, sửa tánh răn lòng, ủng hộ các sư. Như thế họ cũng lần lần lên con đường giải thoát.

Đây là hạng người học Phật tu Nhân.

Bàn xét như trên, thấy rằng toàn thể trong Đạo chúng ta thuộc hạng tại gia cư sĩ, học Phật tu Nhân vậy.

Sách xưa có câu: “Thiên kinh vạn điển hiếu nghĩa vi tiên” (muôn vạn quyển kinh của Phật Thánh Tiên đều dạy sự hiếu nghĩa làm đầu). Hôm nay đã quy y đầu Phật tu niệm tại gia, ta hãy cố gắng vưng lời Thầy Tổ đã dạy, lo tròn câu hiếu nghĩa.

Đức Phật Thầy Tây An thuở xưa thường khuyến khích các môn nhơn đệ tử rằng: “Muốn làm xong hiếu nghĩa, có bốn điều ân, ta cần phải hy sinh gắng gổ mới mong làm trọn.

Ân Tổ Tiên cha mẹ

Ân Đất Nước

Ân Tam Bảo

Ân Đồng Bào và Nhơn Loại ( với kẻ xuất gia thì Ân Đàn Na Thí Chủ).

 ÂN TỔ TIÊN CHA MẸ: Ta sanh ra cõi đời được có hình hài để hoạt động từ thuở bé cho đến lúc trưởng thành, đủ trí khôn ngoan, trong khoản bao nhiêu năm trường ấy, cha mẹ ta chịu biết bao khổ nhọc, nhưng sanh ra cha mẹ là nhờ có tổ tiên, nên khi biết ơn cha mẹ ta cũng có bổn phận biết ơn tổ tiên nữa.

Muốn đền ơn cha mẹ, lúc cha mẹ còn đang sanh tiền, có dạy ta những điều hay lẽ phải, ta rán chăm chỉ nghe lời, chớ nên xao lãng làm phiền lòng cha mẹ. Nếu cha mẹ có làm gì lẫm lẫn trái với nhân đạo, ta rán hết sức tìm cách khuyên lơn ngăn cản. Chẳng thế, ta còn phải lo nuôi dưỡng báo đền, lo cho cha mẹ khỏi đói rách, khỏi bịnh hoạn ốm đau, gây sự hoà hảo trong đệ huynh, tạo hạnh phúc cho gia đình, cho cha mẹ vui lòng thoả mãn. Rán tu cầu cho cha mẹ hưởng điều phước thọ. Lúc cha mẹ quá vãng, hãy tu cầu cho linh hồn được siêu thăng nơi miền Phật cảnh thoát đoạ trầm luân.

Còn đền ơn tổ tiên là đừng làm điều gì tồi tệ điếm nhục tong môn, nếu tổ tiên ta làm điều gì sai lầm gieo hoạ đau thương lại cho con cháu, ta phải quyết chí tu cầu và hy sinh đời ta làm điều nghĩa, rửa nhục tổ đường.

ÂN ĐẤT NƯỚC: Sanh ra, ta phải nhờ tổ tiên cha mẹ. Sống ta cũng nhờ đất nước, quê hương. Hưởng những tấc đất, ăn những ngọn rau, muốn cho sự sống được dễ dàng, giống nòi được truyền thụ, ta càm thấy có bổn phận phải bảo vệ đất nước khi bị kẻ xâm lăng giày đạp. Rán nâng đỡ xứ sở quê hương lúc nghiêng nghèo và làm cho được trở nên cường thạnh. Rán cứu cấp nước nhà khi bị kẻ ngoài thống trị. Bờ cõi vững lặng than ta mới yên, quốc gia mạnh giàu mình ta mới ấm.

Hãy tùy tài tùy sức,nổ lực hy sinh cho xứ sở. Thản như không đủ tài lực đảm đương việc lớn, chưa gặp thời cơ giúp đỡ quê hương, ta phải rán tránh đừng làm việc gì sơ xuất đến đỗi làm cho nước nhà đau khổ và đừng giúp sức cho kẻ ngoại địch gây sự tổn hại đến đất nước.

Đó là ta đền ơn cho đất nước vậy.

ÂN TAM BẢO: Tam Bảo là gì? Tức Phật, Pháp, Tăng.

Con người nhờ tổ tiên, cha mẹ sanh ra nuôi dưỡng, nhờ đất nước tạo kiếp sống cho mình. Ấy về phương diện vật chất.

Về phương diện tinh thần, con người cần nhờ đến sự giúp đỡ của Phật, Pháp, Tăng khai mở trí óc cho sáng suốt. Phật là đấng toàn thiện, toàn mỹ, bác ái vô cùng, quyết cứu vớt sanh linh ra khỏi vòng trầm luân khổ hải. Thế nên, Ngài mới truyền lại giáo Pháp, tức là những lời chỉ dạy cho các chư Tăng đặng đem nền đạo của Ngài ban bố khắp trần thế . Các chư Tăng chẳng ai lạ hơn những đại đệ tử của đức Phật vậy. Bởi vì đức Phật luôn luôn chỉ dẫn và cứu vớt quần sanh thoát miền mê khổ, nên ta hãy kính trọng Phật, hãy tin tưởng và tín nhiệm vào sự nghiệp cứu đời của Ngài, làm theo những điều chỉ dạy do các chư Tăng cho biết. Tổ tiên ta đã hiểu rõ sự nhiệm mầu, lòng quảng ái của Phật đối với chúng sanh, đã kính trọng sùng bái Ngài, đã hành động đúng theo khuôn khổ Ngài đã dạy và đã vun trồng bồi đắp cho nền đạo  được phát triển them ra, xây dựng một toà lầu đài Đạo hạnh vô thượng vô song roi truyền mãi mãi với hậu thế. Nên bổn phận chúng ta phải noi theo chí đức của tiền nhân, hầu làm cho trí huệ minh mẫn đặng đi đến con đường giải thoát, dẫn dắt giùm kẻ sa cơ và nhứt là phải tiếp tục khai thông nền Đạo đức đặng cái tinh thần từ bi bác ái được gieo rải khắp nơi nơi trong bá tánh. Như thế, mới chẳng phụ công trình vĩ đại của đức Phật và của tiền nhân  để lại và không đắc tội với kẻ đời sau vậy.

ÂN ĐỒNG BÀO VÀ NHÂN LOẠI: Con người vừa mở mắt chào đời, đã thấy mình phải nhờ đến sự giúp đỡ của những kẻ ở chung quanh và cái niên kỷ càng lớn them bao nhiêu, sự nhờ nhỏi càng tuần tự thêm nhiều chừng nấy.

Ta nhờ hột cơm củ họ mới sống, nhờ miếng vải của họ mới ấm than, nhờ cửa nhà của họ mới tránh cơn phong vũ. Vui sướng ta đồng hưởng với họ, hoạn nạn họ cùng chịu với ta.

Họ và ta cũng một màu da, cũng nói một thứ tiếng. Ta và họ hợp nhau thì thành lại làm một. Ấy Quốc Gia đó. Họ là ai? Tức những người ta thường gọi bằng đồng bào vậy.

Đồng bào ta và ta cùng chung một chủng tộc, cùng một nòi giống roi truyền, cùng có những trang lịch sử vẻ vang oanh liệt, cùng tương trợ lẫn nhau trong cơn nguy biến, cùng chung phận sự đào tạo một tương lai rực rỡ trong bước tiền đồ của giaang san đất nước. Đồng bào ta và ta có một liên quan mật thiết, không thể rời nhau, chẳng thể chia nhau và chẳng khi nào có ta mà không có đồng bào, hay có đồng bào mà không có ta. Thế nên, ta hãy rán giúp đỡ họ hầu đáp đền cái ơn mà ta đã thọ trong muôn một.

Chẳng những thế thôi, ngoài đồng bào, ta còn có những người đang cặm cụi cần lao cung cấp những điều nhu cầu cần thiết. Họ là Nhân loại,là những người đang sinh sống với chúng ta trên quả địa cầu. Nếu không có Nhân loại, thử hỏi dân tộc ta ra như thế nào? Ta có đủ vật liệu để dùng chăng? Ta có thể tự túc một cách đầy đủ chăng? Nói tóm lại, ta có thể lẻ loi đương đầu với những khi phong vũ nhiệt hàn, với những lúc ốm đau nguy biến, giữ vững cuộc sống còn này chăng? Hẳn không vậy. Thế nên, dân tộc ta phải nhờ đến Nhân loại, nghĩa là nhờ đến dân tộc khác và phải biết ơn họ. Hãy nghĩ đến họ cũng như mình nghĩ đến mình và đồng chủng mình.

Vả lại, cái tình từ bi bác ái của đức Phật mà ta đdã nhận thức rất thâm huyền quảng hượt. Cái tình ấy nó không bến bờ , không phân biệt màu da, không phân biệt chủng tộc , nó cũng không luận sang hèn va xoá bỏ hết các từng lớp đẳng cấp xã hội mà chỉ đặt vào một Nhân loại Chúng sanh.

Thế ta không có lý do gì chánh đáng để vì mình hay vì đồng bào mình, gây  ra tai hại cho các dân tộc khác. Trái lại hãy đặt vào họ một tư tưởng nhân hoà, một tinh thần hỷ xả và hãy tự xem mình có bổn phận giúp đỡ họ trong cơn hoạn nạn.

Đối với những kẻ xuất gia quy y đầu Phật, phụ vào những ân huệ đã thọ như đã nói trên, họ còn phải trực tiếp chịu ân của các Đàn Na Thí Chủ, nghĩa là những thiện nam tín nữ có hảo tâm cung cấp những vật dụng cần thiết cho họ. Họ nhờ đến hột cơm, đến miếng vải, đến thuốc men đặng sanh sống. Rốt lại, họ phải nhờ đến sự nuôi dưỡng hoàn toàn của những kẻ tốt lòng.

Với quần sanh, họ mang cái ân rất nặng. Cho nên họ phải dìu dắt sanh linh đi tầm chân lý đặng đáp tạ tấm lòng chiếu cố của Thiện tín.

Quan Thượng đẳng Đại thần Nguyễn Trung Trực

Vị Thần duy nhất được thờ trong PGHH

Ông Nguyễn Trung Trực, sinh năm 1859 tại Bình Định – miền Trung Việt Nam. Ông là một thủ lĩnh của Phong trào kháng Pháp vào nữa thế kỷ 19 tại miền Tây – Nam Việt Nam, xuất thân từ một Quản cơ của Tướng quân Nguyễn Tri Phương, ông đã chiêu mộ nông dân lập căn cứ kháng Pháp tại Rạch Giá, Phú Quốc…nay thuộc tỉnh Kiên Giang.

Trận đánh ngày 10/12/1861, ông Nguyễn Trung Trực và nghĩa quân đốt cháy tàu L’Esperance của Pháp (ngay cạnh Vàm sông Nhựt Tảo), tại huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. Chiến thắng Nhựt Tảo đã đi vào lịch sử Việt Nam, là nguồn cảm hứng cho các thi văn, cải lương và kịch nghệ tại miền Nam. Câu nói bất hủ trước khi bị Pháp tử hình (chém đầu): BAO GIỜ TÂY NHỔ HẾT CỎ NƯỚC NAM THÌ MỚI HẾT NGƯỜI NAM ĐÁNH TÂY”  đã đi vào lòng người dân Việt Nam mỗi khi tưởng nhớ về Ông.

Tại miền Tây Nam bộ đền thờ của Ông Nguyễn Trung Trực được lập từ Long An đến mũi Cà Mau sau khi Ông bị tử hình vào năm 1868. Các tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật giáo Hòa Hảo đều thờ chân dung Ông trong nhà. Nhân dân kính trọng, xem Ông là một vị Anh hùng, vua Tự Đức phong cho Ông là Thượng đẳng Thần linh. Bài cầu nguyện hàng ngày của tín đồ Phật giáo Hòa Hảo có xướng danh phong của Ông.

Hiện nay, đền thờ lớn nhất của Ông Nguyễn Trung Trực được xây dựng tại thành phố Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) từ năm 1970. Trong dân gian lưu truyền nhiều sự linh thiêng về Ông, người dân thề thốt không dám thề trước đền thờ của Ông vì rất linh ứng. “Sống vi Tướng, chết vi Thần”, Ông Nguyễn Trung Trực xứng đáng được nhân dân Việt Nam tôn thờ và nhớ mãi.

Categories: Tài Liệu Tham Khảo | Leave a comment

Con nói là cha của mẹ kiếp trước: Trường hợp luân hồi làm rúng động thế giới

Con nói là cha của mẹ kiếp trước: Trường hợp luân hồi làm rúng động thế giới

Những câu chuyện về luân hồi chuyển kiếp xưa nay lưu truyền trong nhân gian thường thu hút khá nhiều sự chú ý của mọi người. Trong đó, có rất nhiều câu chuyện vô cùng chân thực được chính những người trong cuộc miêu tả, nhất là những câu chuyện về hồi ức tiền kiếp của trẻ em. Chương trình “Discovery Channel” của đài truyền hình Mỹ là một chương trình phim phóng sự nổi tiếng, nội dung về khám phá tự nhiên, lịch sử, văn hóa thế giới được phủ sóng khắp 140 quốc gia trên thế giới. Dưới đây xin được giới thiệu 2 câu chuyện đặc sắc từ bộ phim phóng sự “Kiếp trước kiếp này – Câu chuyện luân hồi” (Past Lives-Stories of Reincarnation) của kênh “Discovery Channel”.

Các nhà khoa học tại Đại học Virginia ở Hoa Kỳ đang tiến hành các nghiên cứu về trường hợp những người có ký ức luân hồi. Trải qua bốn thập kỷ, họ luôn cố gắng để giải thích những điều lạ kỳ xảy ra đối với một số trẻ em khi nhớ về tiền kiếp.

Nhà tâm lý học trẻ em, tiến sĩ Jim Tucker đã thu thập được những tài liệu này, ông nói: “Chúng tôi điều tra các trường hợp một số trẻ em tự nói về cuộc sống trong kiếp trước, nhiều khi những đứa trẻ 2 tuổi đã bắt đầu nói chuyện về cuộc sống tiền kiếp, và tiếp tục cho đến khi 5 hoặc 6 tuổi”.

Trong bốn thập niên qua, chúng tôi đã thu thập được nhiều trường hợp như vậy, điển hình là hơn 2.700 trường hợp. Những câu chuyện loại này có ở khắp mọi nơi, châu Á, Tây Phi, Nam Mỹ, Châu Âu, Hoa Kỳ… hầu như đều tìm thấy. Chúng tôi thu được chứng cớ rõ ràng, từ các nghiên cứu cho thấy chúng ta nên nghiêm túc đối đãi với khả năng luân hồi”.

luan hoi1
Tiến sĩ Jim Tucker. (Ảnh: Internet)

Hãy để chúng ta theo chân các nhà khoa học và nhóm quay phim, cùng nhau lắng nghe những ký ức về tiền kiếp mà những đứa trẻ kể lại, tìm kiếm các bằng chứng của luân hồi.

Khi mẹ còn nhỏ, con là cha của mẹ

Cậu bé Ian 5 tuổi sống ở Florida vốn là một đứa trẻ hồn nhiên ngây thơ. Có một lần cậu quá nghịch ngợm, mẹ cậu là bà Maria nói cần phải đánh cậu, nhưng cậu bé đã nói với mẹ: “Khi mẹ là một cô gái nhỏ, thực ra con là cha của mẹ, nhưng con không bao giờ đánh mẹ”. Nghe những lời này, Maria sửng sốt, lắp bắp kinh hãi.

Hơn nữa cậu bé nhiều lần khẳng định rằng trước đây mình chính là cha của Maria. Ông từng là một sĩ quan cảnh sát, trong một lần đụng độ với kẻ xấu tại một cửa hàng nên ông đã bị bắn chết. Cậu còn nói về rất nhiều chuyện của mẹ mình trước đây. Ví như khi bà còn bé, cha bà nuôi hai con mèo, một đen một trắng. Con màu đen gọi là Maniac, con màu trắng gọi là Boston.
Có một lần, Iran nói với mẹ: “Mẹ ơi, khi mẹ còn nhỏ, con là cha của mẹ, khi đó con mèo nhỏ của con tên gọi là gì?”. Maria trả lời: “Maniac?”. Cậu nói: “Không, là con màu trắng kia mà?”. Maria nói: “Boston”.

Ian còn nói: “Con trước kia bình thường gọi nó là Bos, đúng không?”. Mẹ cậu lúc đó cực kỳ kinh hãi: Cậu bé không chỉ nhớ màu sắc của 2 con mèo, thậm chí còn nhớ chính xác biệt danh mà cha cô gọi chúng, những chi tiết nhỏ mà đến người khác cũng không biết. Dựa theo càng nhiều phát sinh những ngày đối với Ian, cô tin rằng đứa con trai này chính là cha mình đầu thai.

Khi nhóm làm chương trình phỏng vấn Maria, cô còn miêu tả một số chi tiết rất đặc biệt: Ian sinh ra lúc 6h, vì bị khuyết tật tim bẩm sinh nên đã phải trải qua một cuộc phẫu thuật tim. Các bác sĩ cho biết cậu có một nhánh động mạch phổi phát triển không đầy đủ, kết quả là khiến bên phải tim cũng phát triển kém.

luan hoi2
Cậu bé Ian ở Florida. (Ảnh: Internet)

Maria nhớ lại, cha cô nguyên là một cảnh sát của thành phố New York. Một năm trước khi Ian đã được sinh ra, cha của Maria đã từng gặp bọn cướp tại một cửa hàng điện tử Radio Shack, bị chúng nổ súng và bắn chết. Tiến sĩ Tucker và Maria cùng nhau đọc lại báo cáo khám nghiệm tử thi của cha Maria, báo cáo cho thấy ông đã chết vì một vết thương gây vỡ động mạch phổi, đây đúng là nguyên nhân gây ra tật bẩm sinh động mạch phổi của Ian.

Tiến sĩ Tucker cho biết, trên thực tế, hiện tượng tái sinh loại này trong các hồ sơ đều có, đó là cơ thể có một số vết bớt đặc biệt hoặc sắc tố da bẩm sinh, dị tật bẩm sinh và thậm chí một số bộ phận cơ thể bất thường có liên quan với các vết thương hoặc tai nạn trong quá khứ.
Khi đoàn làm phim phỏng vấn Ian, cậu ngồi trên chiếc xích đu và nói với mẹ: “Con không muốn trở lại, nhưng Chúa đã giao con cho mẹ…”.

Nhà của con không phải ở đây
Erlendur Haraldsson – Giáo sư tâm lý học giảng dạy nhiều năm tại Đại học Iceland, ông cũng từng ở Sri Lanka và có nhiều nghiên cứu về ký ức tiền kiếp ở trẻ em. Thông qua các bài kiểm tra tâm lý và phân tích số liệu thống kê cho thấy mặc dù các em có được vốn từ vựng lớn hơn so với bạn cùng trang lứa, và thường cũng phát triển tinh thần vượt trội hơn nhưng lại không khác biệt rõ rệt – ngoại trừ một sự đặc điểm cá biệt.

Đó chính là các em thường bị chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (Post traumatic stress disorder – PTSD). Đây triệu chứng tâm lý của một người trong tình trạng có sự đối kháng hay áp lực lớn (các mối đe dọa đến sự sống, chấn thương thể chất nghiêm trọng, hoặc thương tổn nghiêm trọng về thân thể hoặc tinh thần), trạng thái tâm lý này để lại di chứng rối loạn về sau. Nhưng điều đáng nói là những đứa trẻ này trong cuộc sống hiện tại, không gặp nguy hiểm đáng kể hoặc trải qua áp lực nào.

Giáo sư Haraldsson cho biết thêm, những ký ức trải qua cái chết trong tiền kiếp, chính là nguyên nhân tạo nên chứng rối loạn tâm lý này. Giáo sư Haraldsson cung cấp cho tổ làm phim một trường hợp ấn tượng ở Sri Lanka.

Tổ quay phim cùng Haraldsson đã đến Gamphaha, một thị trấn ở Veyangoda để tìm ngôi nhà của anh Nissanka. Cặp vợ chồng này có một người con gái tên là Dilukshi Nissanka (Di Luxi).
Người mẹ nói khi Di Luxi chưa đầy 2 tuổi đã bắt đầu nói mình không phải là con của nhà Nissanka, cô bé tin chắc rằng “gia đình thật” của cô ở Dambulla (cách 100 km từ Veyangoda, nằm ở miền Trung Sri Lanka). Mới đây, cha mẹ cô bé đã gửi cô đến một nhà trẻ tại một ngôi đền gần nhà, cô bé nói: “Ngôi đền của con là ở nơi khác”. Trước khi ăn cơm và ngủ, đứa bé vẫn không ngừng nói về “gia đình thật sự” của mình.

Cha mẹ cô bé nghĩ rằng đây chỉ là trò đùa của con mình, nên cũng không để ý và không tin mấy. Tuy nhiên, cô con gái liên tục lặp đi lặp lại như vậy, nói về nhiều chi tiết cuộc sống của gia đình trước kia, bao gồm cả những bộ quần áo cũ, những đồ dùng trong nhà, tài sản… Cô bé nói mình trong lúc chơi đùa ở bờ sông, bị người khác đẩy xuống sông mà không may chết đuối. Những cảnh vật xung quanh con sông, từ những chi tiết nhỏ đều được cô bé kể lại rõ ràng.

luan hoi3
Cô bé Di Luxi ở Sri Lanka.

Có phải là cô bé đang ảo tượng và thêu dệt mọi chuyện? Giáo sư Haraldsson phân tích, một đứa bé nếu chỉ ảo tưởng, nó sẽ tưởng tưởng những khung cảnh thoải mái, dễ chịu, chứ không thích tưởng tưởng cảnh mình đau đớn vì chết đuối.

Còn đối với cha mẹ Di Luxi, “hồi ức kiếp trước” của con gái khiến họ rất buồn khổ, bởi vì đứa trẻ thậm chí từ chối nhận cha mẹ của mình, cô bé tin rằng nó “thuộc về” gia đình khác. Người mẹ rất buồn, cảm thấy con gái cho rằng cha mẹ chăm sóc mình không tốt nên mới có ý nghĩ như vậy. Còn người cha cũng có một lần vì chuyện này, quá tức giận nên không kiềm chế được mà đánh con gái. Như vậy, rõ ràng “thêu dệt” nên loại chuyện này đối với ai thì cũng không phải là một việc hay.

Nhưng vợ chồng Nissanka không thể ngăn cản Di Luxi không ngừng đòi tìm kiếm “gia đình thực sự” của mình. Cuối cùng họ phải đến ngôi đền Rock nổi tiếng ở Dambulla, liên hệ với người chủ trì ngôi đền này, bởi vì Di Luxi đã nói rất nhiều về ngôi đền này. Họ hỏi người chủ trì có hay biết về chuyện một cô gái bị chết đuối hay không, hỏi về từng chi tiết giống như miêu tả của Di Luxi. Nhưng mà người chủ trì này có vẻ không nhớ chuyện này. Cuối cùng ông giới thiệu cho họ tới gặp một phóng viên nhà báo

Người phóng viên này sau khi phỏng vấn Di Luxi, đã đem câu chuyện này đăng lên báo, trong đó kể lại những miêu tả chi tiết của cô bé về “cuộc sống kiếp trước” của mình. Vài ngày sau, gia đình Nissanka nhận được một bức thư từ ngôi làng ở Dambulla, chủ nhân của bức thư này là Dharmadasa. Sau khi gia đình Dharmadasa Ranatunga đọc được bài báo kể về câu chuyện của Di Luxi, nhận thấy từng chi tiết đều giống với trường hợp cô con gái Shiromi đã chết của họ, hiện trường cảnh vật nơi con sông đều giống y như vậy. Và Dharmadasa cũng muốn gặp Di Luxi.

Cuối cùng cuộc gặp gỡ đã được sắp xếp. Hôm đó, Di Luxi cùng cha mẹ ngồi trên xe đi đến “nhà” ở Dambulla. Còn chưa tới thôn, cô bé đã cao hứng miêu tả người trong thôn và đồ vật này nọ như thế nào, thậm chí còn chỉ đường cho lái xe chạy đến “nhà mình”. Cha mẹ cô bé rất kinh ngạc, bởi trước nay con gái họ chưa từng đến nơi này.

Cuối cùng, Di Luxi đã gặp được cha mẹ, anh chị em của mình ở kiếp trước, lúc ấy cô bé quỳ xuống đất mà khóc lóc. Hai đời gặp lại, cha mẹ hai bên cũng buồn vui lẫn lộn, còn mọi người xung quanh thì cảm thấy rất kinh ngạc và tò mò. Di Luxi nhận ra những đồ vật mà mình trước đây đã dùng cũng như những người hàng xóm xung quanh. Giáo sư Haraldsson để ý thấy khi cô bé đến ngôi nhà này, tính cách dường như đã thay đổi, không còn thấy u buồn, cũng chẳng e ngại, vui vẻ thoải mái hơn rất nhiều.

Về sau Di Luxi còn dẫn giáo sư Haraldsson tới nơi mà cô bé bị chết đuối ở kiếp trước, đó là rìa của một con sông, có một khối đá lớn đứng sừng sững là nơi trẻ em thường vui chơi. Di Luxi nói đây chính là nơi mà kiếp trước mình đã bị rơi xuống và chết đuối.

Nếu như trong cuộc đời quả thật có luân hồi chuyển kiếp, thì được thân người trong kiếp này quý giá lắm thay. Mỗi kiếp sống thật ngắn ngủi tựa như một giấc mộng… Phật gia giảng không phải chết là hết, vạn vật đều có luân hồi, người nhiều đức, làm nhiều việc tốt thì kiếp sau được thân người, hưởng phúc phận, kẻ hành ác sẽ phải sống đời đau khổ mà không biết vì đâu, đáng thương hơn thì sẽ chẳng được thân người. Thiện ác hữu báo là thiên lý mà không ít kẻ mê muội cười chê, trong vô minh mà hành việc bất hảo, nhắm mắt xuôi tay mới thấy chân tướng thì đã muộn.

http://video.daikynguyenvn.com/embed.php?vid=7acc3ecd3

Bạch Mỹ tổng hợp.

Xem thêm:

Categories: Tài-liệu Tu-Học | Leave a comment

Mỹ cần làm gì để ngăn chặn Trung Quốc chiếm Biển Đông?

Mỹ cần làm gì để ngăn chặn Trung Quốc chiếm Biển Đông?

biển đông
Chuyên gia đề xuất chính quyền Tổng thống Trump thực hiện 3 bước nhằm ngăn chặn Trung Quốc chiếm Biển Đông (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Trung Quốc đang gia tăng hoạt động quân sự trên Biển Đông và giới quan sát hy vọng Mỹ sẽ chặn đứng tham vọng này nhằm đảm bảo tự do hàng hải cho tuyến đường thủy quan trọng của thế giới.

Tháng 12 năm ngoái, Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết Bắc Kinh đã lắp đặt các súng ống máy bay và hệ thống vũ khí đánh gần trên quần đảo Trường Sa.

Đầu tháng 2, AMTI công bố các bức ảnh vệ tinh cho thấy hoạt động gia tăng quân sự của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa. Bắc Kinh hiện đã chiếm 20 tiền đồn ở Hoàng Sa, lắp đặt các thiết bị quân sự trên 8 hòn đảo. AMTI nhận định khả năng Trung Quốc đang chuẩn bị trang bị tiếp cho các hòn đảo khác trong khu vực.

Trung Quốc cũng sắp xây xong hàng chục công trình có mái che khác mà khả năng dùng để chứa các tên lửa đất đối không, theo báo cáo cách đây vài ngày từ hãng tin Reuters.

Các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông đã được tiên đoán trước, câu hỏi quan trọng hiện giờ là chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể làm gì để ngăn chặn Trung Quốc, theo ông Arthur Herman, một thành viên cao cấp tại Viện Hudson (Mỹ).

Trong một bài viết đăng trên National Review, ông Herman đề xuất 3 bước thực hiện cho chính quyền mới của Tổng thống Trump.

Thứ nhất, ông cho rằng Mỹ cần tuyên bố bác bỏ vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Trung Quốc trên Biển Đông.

Ông Herman cho rằng việc Trung Quốc xây dựng các cấu trúc chứa tên lửa đất đối là bước cuối cùng nhằm tuyên bố một vùng ADIZ để giám sát và kiểm soát máy bay nước ngoài bay vào không phận này. Điều này đã xảy ra với Biển Hoa Đông và Mỹ đã phản đối.

“Chúng ta cần tuyên bố công khai rằng chúng ta cũng sẽ không công nhận vùng ADIZ của Trung Quốc trên Biển Đông, và rằng chúng ta và các nước khác sẽ tự do bay trên quần đảo Trường Sa và Biển Đông như chúng ta vẫn thường làm.”, ông viết trong bài phân tích đăng ngày 23/2 trên National Review.

Thứ 2, ông cho rằng Mỹ nên triệu tập một hội nghị quốc tế với các quốc gia giáp Biển Đông, bao gồm 5 bên tranh chấp khác (bao gồm Philippines, Việt Nam, Đài Loan, Malaysia và Brunei) cùng với Úc và Nhật Bản, để thảo luận về Biển Đông, một vấn đề mà ông cho là đã đạt tới mức khủng hoảng và cần có phản ứng đa phương.

Thứ 3, ông Herman cho rằng cần nhìn nhận Đài Loan là đòn bẩy quan trọng của Mỹ đối với chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông. Tổng thống Trump đồng ý tôn trọng chính sách ‘một Trung Quốc’, Mỹ vẫn có thể áp dụng cách diễn giải cởi mở về chính sách này trong mối quan hệ với Đài Loan, ông cho biết.

Mỹ cũng cần cân nhắc tổ chức một chuyến thăm Đài Loan của Tư lệnh Thái Bình Dương Harry Harris, một người ‘hiểu quá rõ Trung Quốc là mối đe dọa đang lớn dần’, ông Herman nhận định. Tháng 12 năm ngoái, Đô đốc Harris đã tuyên bố tại Úc rằng Mỹ sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc trên Biển Đông.

Một điều dễ hiểu là Đài Bắc lo lắng về bất cứ điều gì có thể kích động Bắc Kinh, và việc xử lý mối quan hệ Hoa Kỳ – Đài Loan cần phải thận trọng, ông Herman lưu ý.

Nhưng ông cho rằng Đài Loan cũng có lợi ích trong cuộc chiến về tương lai của Biển Đông và có thể là một đồng minh quan trọng của Mỹ nhằm hạn chế Trung Quốc thao túng tuyến đường thủy quan trọng của thế giới.

Đại Thống tướng Douglas MacArthur từng có lời mô tả nổi tiếng rằng Đài Loan là “tàu sân bay không thể chìm” ở khu vực Thái Bình Dương. Nó cũng có thể là “điểm tựa không thể chìm” của Mỹ khi đối phó với Trung Quốc, ngay bây giờ và trong tương lai, ông Herman nhận định.

Mai Lan

Xem thêm:

Categories: Biển Đông | Leave a comment

Vượt xa kỷ lục của Nga, Ấn Độ phóng 104 vệ tinh 1 lần duy nhất chỉ trong 18 phút

Vượt xa kỷ lục của Nga, Ấn Độ phóng 104 vệ tinh 1 lần duy nhất chỉ trong 18 phút

Sự kiện lớn này thu hút rất nhiều sự quan tâm của các cường quốc trên thế giới về vệ tinh.

Giám đốc Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) AS Kiran Kumar tuyên bố họ đã thành công trong việc đưa 104 vệ tinh vào không gian chỉ trong một lần phóng tên lửa duy nhất và điều này thật sự ấn tượng so với kỷ lục 37 vệ tinh của Nga năm 2014.

Tên lửa đẩy Polar Satellite Launch Vehicle (PSLV) C37 rời bệ phóng từ trung tâm không gian Satish Dhawan, đảo Sriharikota mang theo 104 vệ tinh đã thành công chỉ trong một lần phóng.

Nếu so với kỷ lục của chính mình năm 2016 (đưa 20 vệ tinh lên không gian trong một lần duy nhất) thì kỷ lục này thật sự là một bước tiến vĩ đại của chính ngành hàng không vũ trụ của Ấn Độ nói riêng và cả thế giới nói chung.Việc phóng một số lượng lớn vệ tinh đòi hỏi sự chính xác trong việc đưa các vệ tinh theo một thứ tự hớp lý sao cho chúng không vướng vào nhau và đi vào đúng quỹ đạo của mình.

Vượt xa kỷ lục của Nga, Ấn Độ phóng 104 vệ tinh 1 lần duy nhất chỉ trong 18 phút - Ảnh 2.

Tên lửa đẩy của Ấn Độ. Ảnh: Universe Today.

Những vệ tinh được phóng lần này chủ yếu dùng cho việc thiết lập bản đồ Trái Đất, theo dõi tàu thuyền trái phép…

Ngoài ra, việc phóng thành công số lượng lớn vệ tinh kỷ lục sẽ giúp Ấn Độ có thể thâm nhập thị trường vệ tinh toàn cầu, là đối tác hấp dẫn với nhiều quốc gia lớn vì chi phí phóng cực rẻ của mình.

https://www.facebook.com/plugins/comments.php?api_key=&channel_url=http%3A%2F%2Fstaticxx.facebook.com%2Fconnect%2Fxd_arbiter%2Fr%2Fao6eUeuGXQq.js%3Fversion%3D42%23cb%3Df373abbae8cec54%26domain%3Dbiendong.net%26origin%3Dhttp%253A%252F%252Fbiendong.net%252Ffc099a7d426b08%26relation%3Dparent.parent&colorscheme=light&href=http%3A%2F%2Fbiendong.net%2Fbi-n-nong%2F32-sukien%2F12675-vuot-xa-ky-luc-cua-nga-an-do-phong-104-ve-tinh-1-lan-duy-nhat-chi-trong-18-phut.html&locale=vi_VN&numposts=5&sdk=joey&skin=light&width=auto

Categories: Chính-Trị Thời-Sự | Leave a comment

Nhất đới, nhất lộ

Nhất đới, nhất lộ

Posted by adminbasam on 25/02/2017

LS Nguyễn Văn Thân

25-2-2017

Bản đồ "Con Đường Tơ Lụa" của TQ. Nguồn: Tân Hoa Xã

Bản đồ “Con Đường Tơ Lụa” của TQ. Nguồn: Tân Hoa Xã

Tham vọng chiến lược của Trung Quốc qua sáng kiến “Nhất đới, nhất lộ”

Hán Vũ Đế (156 TCN -87 TCN) là vị hoàng đế thứ 7 của Nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc, trị vì hơn nửa thế kỷ từ 140 TCN đến 87 TCN. Dưới thời cai trị của ông, nhà Hán đã phát triển lớn mạnh về mặt quân sự và ngoại giao, tiến hành các cuộc xâm lược và chiến tranh với Hung Nô. Óng cũng được lịch sử biết tới qua việc xử tội danh tướng Lý Lăng và Tư Mã Thiên. Khi 5000 quân của Lý Lăng bị 80,000 quân Hung Nô bao vây và hết lương thực, Lăng bất đắc dĩ phải buông thương đầu hàng. Nhận được tin, Hán Vũ Đế hạ lệnh giết hết cả gia đình gồm có mẹ và vợ của Lý Lăng. Quan thái sử Tư Mã Thiên ra sức can gián nên cũng bị họa lây và bị xử thiến, một tội nhục nhã nhất vào thời đó.

Vào năm 138 TCN, Hán Vũ Đế sai Trương Khiên dẫn đoàn sứ bộ đi về phía Tây Vực, Trung Á đến Đại Nguyệt Chi để kiếm đồng minh liên kết chống Hung Nô. Không may Trương Khiên bị quân Hung Nô bắt và giam giữ. Sau 10 năm tù đày, Trương Khiên trốn thoát và tiếp tục cuộc hành trình về Tây Vực. Hội kiến với rất nhiều bộ tộc nhưng không có ai chịu hợp tác. Trương Khiên trở về nước vào năm 126 TCN. Tuy nhiệm vụ không thành nhưng Trương Khiên mang về một kho tàng kiến thức về Tây Vực nên được Hán Vũ Đế coi trọng và phong cho chức Thái Trung Đại Phu.

Với những thông tin thu được, Trương Khiên đã viết cuốn sách “Triều Dã Kim Tài” ghi lại những vùng đất mà ông đã đặt chân tới gồm có vị trí địa lý, phong tục, tập quán, sản vật và tiềm năng giao thương. Quyển sách này đã tác động mạnh đến giới thương gia. Từ Trường An (nay là Tây An), thương gia Trung Hoa sử dụng lạc đà vận chuyển vải lụa và gấm vóc đến tận Ba Tư và La Mã để bán và trao đổi. Con Đường Tơ Lụa từ đó mới ra đời.

Con đường này lên xuống gập ghềnh theo lịch sử thăng trầm của các triều đại. Khi nhà Hán suy tàn vào thế kỷ thứ 3, Con Đường Tơ Lụa cũng bị đình lại. Khi nhà Đường hưng thịnh, Con Đường này lại phát triển. Khi nhà Đường bị lật đổ vào thế kỷ thứ 10, nó lại bị suy thoái rồi trở lại thịnh vượng dưới vó ngựa hùng mạnh của Mông Cổ. Dưới thời nhà Nguyên, một nhà thám hiển người Ý nổi tiếng là Marco Polo (1254 – 1324) đã lưu lạc tới Trung Hoa và được phong làm quan đến 20 năm. Sau khi trở về nước bằng Con Đường Tơ Lụa, ông đã viết cuốn sách Il Milione (Marco Polo Du Ký) kể lại toàn bộ quá trình lưu lạc đến phương Đông và ghi lại những chuyến hàng đầy ấp sản vật trên Con Đường Tơ Lụa. Nhưng đến thời nhà Minh thì vương triều bắt đóng thuế rất cao nên thương gia phải tìm cách vận chuyển bằng đường biển. Quảng Châu được xem là nơi khởi đầu của Con Đường Tơ Lụa trên biển. Còn Con Đường Tơ Lụa trên đất liền dần dần đi vào tử lộ.

Vào tháng 11 năm 2012, Tập Cận Bình nhậm chức Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc và sau đó là chủ tịch nước trong tháng 3 năm 2013. Ông Tập đặt ra hai mục tiêu thế kỷ gồm có xây dựng một xã hội khá giả vào năm 2021 nhân dịp Đảng CSTQ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập và xây dựng Trung Quốc thành một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, dân chủ và văn minh vào năm 2049 nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Trong bài phát biểu tại Đại Học Nazarbayeh, Kazakhstan vào ngày 7/9/2013, Tập Cận Bình lần đầu tiên đưa ra sáng kiến mở lại Con Đường Tơ Lụa lịch sử để kết nối kinh tế, hợp tác và mở rộng phát triển trong khu vực Trung Á và cùng nhau xây dựng vành đai kinh tế theo Con Đường Tơ Lụa. Một tháng sau trong chuyến viếng thăm Nam Dương vào tháng 10 năm 2013, ông Tập đề nghị các nước hợp tác tiến hành xây dựng Con Đường Tơ Lụa trên biển khởi điểm từ Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến xuống các quốc gia Đông Nam Á, qua eo biển Malacca tiến vào Ân Độ Dương rồi hướng tới Địa Trung Hải và dừng chân tại Châu Phi. Hải lộ này kết nối 2 đại dương và 3 lục địa.

Vào đầu năm 2014, Trung Quốc tiến hành thành lập nhóm chỉ đạo công tác xây dựng chiến lược ”Một vành đai, một con đường” (One Belt, One Road hoặc OBOR) hay còn đường gọi là ”Nhất đới, nhất lộ”.  Một vành đai là ý tưởng xây dựng vành đai kinh tế theo Con Đường Tơ Lụa lịch sử (Silk Road Economic Belt hoặc SREB) kết nối Á – Âu và Một Con Đường là Con Đường Tơ Lụa trên Biển Thế kỷ 21 (Maritime Silk Road hoặc MSR). Đứng đầu nhóm chỉ đạo là Trương Cao Lệ Phó Thủ Tướng và Ủy Viên Thường Vụ Bộ Chính Trị. Để nhanh chóng thi hành dự án OBOR, Bắc Kinh không ngần ngại chi ra số tiền đầu tư khổng lồ chưa từng có trong lịch sử gồm có 40 tỷ cho Quỹ Con Đường Tơ Lụa (Silk Road Fund) và 50 tỷ thành lập Ngân Hàng Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng Châu Á (AIIB) vào tháng 10 năm 2014, bất chấp sự phản đối của Mỹ.

Trong tháng 3 năm 2015, Ủy Ban Cải Cách Phát Triển Quốc Gia cùng với Bộ Ngoại Giao và Bộ Thương Mại Trung Quốc chính thức công bố văn bản OBOR. Dự án này bao gồm 65 quốc gia của 3 lục địa Á , Âu và Phi với tổng dân số là 4.4 tỷ người (tức hơn phân nửa dân số thế giới), có 30% GDP thế giới và nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 5,000 tỷ Mỹ kim. OBOR sẽ tạo ra 6 hành lang kinh tế gồm có: Trung Quốc – Mông Cổ – Nga; Cầu Nối Âu – Á trên đất liền mới; Trung Quốc – Trung Á  – Tây Á; Trung Quốc – Pakistan; Bangladesh – Trung Quốc – Ấn Độ – Miến Điện và Trung Quốc – Bán Đảo Đông Dương. OBOR nhắm tới kết nối 5 lãnh vực: điều phối chính sách, xây dựng cơ sở hạ tầng, thương mại tự do, hội nhập tài chánh và giao lưu nhân dân mà trong đó kết nối cơ sở hạ tầng để xây dựng chuỗi giá trị giao thông, vận tải và loại bỏ ”nút thắt cổ chai” là quan trọng nhất. Cơ sở hạ tầng gồm có đường sắt, đường cao tốc, cảng hàng không, cảng biển, viễn thông, và đường ống dẫn dầu, năng lượng và kho vận.

Một số người đã ví OBOR như kế hoạch Marshall của Mỹ. Thật ra, OBOR có tầm mức to lớn hơn nhiều. Kế hoạch Marshall là nhằm giúp đồng minh Hoa Kỳ tại Châu Âu phục hồi sau Đệ Nhị Thế Chiến để chống lại mầm mống đe dọa của khối cộng sản từ Liên Xô. Trong khi đó, OBOR có tham vọng kết nối hệ thống kinh tế của 65 quốc gia xuyên qua 3 lục địa có hệ thống chính trị, xã hội và văn hóa khác nhau. Nếu như Con Đường Tơ Lụa cổ đại đã được xây dựng từ dưới lên trên qua từng bước chân của giới thương gia thì OBOR là một đại kế hoạch đầy tham vọng được thiết kế từ trên xuống dưới bởi bộ phận đầu não từ Trung Nam Hải. Đây là một chiến lược thương mại toàn cầu xuyên lục địa chưa từng có trong lịch sử.

Nguyên nhân dẫn đến OBOR có ít nhất 3 điểm. Thứ nhất, sau khi Đặng Tiểu Bình tiến hành chính sách thực dụng ”mèo trắng, mèo đen không quan trọng miễn là bắt được chuộc”, Trung Quốc đã trở thành công xưởng thế giới cung cấp hàng tiêu thụ rẻ tiền cho thị trường toàn cầu. Phát triển kinh tế dựa vào xuất cảng giúp Trung Quốc đưa hơn 300 triệu dân thoát khỏi nạn đói nghèo cũng như tăng mức dự trữ ngoại tệ đến mức kỷ lục. Mặt trái của vấn đề là sự tàn phá môi trường khủng khiếp là cái giá mà người dân Trung Quốc phải trả qua nhiều thế hệ. Nhưng sau cuộc khủng hoảng tài chánh thế giới vào năm 2007, xuất cảng của Trung Quốc bắt đầu tụt giảm dẫn đến việc hàng hóa sản xuất dư thừa và nạn thất nghiệp. Trung Quốc phải đi tìm thị trường mới và hệ thống vận tải chuyên chở hàng hóa là một phần không thể thiếu được.

Thứ hai, phát triển kinh tế trong thời gian qua không có tính đồng đều. Các tỉnh duyên hải miên Đông nhờ vào giao thương mua bán với thế giới nên khá giả. Những khu vực phía Tây với địa hình hiểm trở thì vẫn đói nghèo dẫn đến tình trạng bất ổn cũng là động cơ cho các phong trào độc lập như ở Tân Cương và Tây Tạng. Khôi phục Con Đường Tơ Lụa và xây dựng các hành lang kinh tế về phía Tây có thể giúp nâng cao đời sống kinh tế cũng như phủ dụ các dân tộc thiểu số chấp nhận sự cai trị của Đảng CSTQ. Mặt khác cũng giải quyết được phần nào vấn nạn có hàng trăm triệu người di dân lao động từ các nơi hẻo lánh tràn về các thành phố miền Đông để tìm việc làm và tạo ra nhiều vấn nạn xã hội liên hệ.

Nhưng có lẽ lý do quan trọng nhất là để đối phó với chiến lược xoay trục về Châu Á của Tổng Thống Obama và cụ thể là TPP. Thật ra TPP không mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho Mỹ nhưng rất nhiều ưu thế chiến lược. Với TPP, Mỹ sẽ viết ra điều luật và ấn định hệ thống giao thương cho toàn thế giới. Quan trọng hơn là cô lập Trung Quốc và không cho hoặc loại Trung Quốc ra khỏi một hệ thống thương mại tự do có tiêu chuẩn cao trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. OBOR là một thế trận nhằm phá vỡ vòng vây TPP. Bằng cách liên kết hệ thống vận tải với các nước trong khu vực trói buộc vận mệnh của các nền kinh tế khác với Trung Quốc, OBOR sẽ hóa giải hoặc ít nhất là giảm thiểu tác hại của TPP. OBOR không có Châu Mỹ và Châu Úc. Cùng với RCEP, Trung Quốc có thể loại Mỹ ra khỏi cuộc chơi để nắm vai trò lãnh đạo khu vực.

Nay thì TPP đã bị Tổng Thống Trump khai tử. Nhưng OBOR vẫn phải đối diện với những thách thức khác. Thứ nhất, Putin vẫn thường xem khu vực Trung Á và Đông Âu là sân sau của Nga nên chắc chắn không khoanh tay ngồi yên để Tập dễ dàng xâm nhập. MRS cũng đang vướng phải lòng tin chiến lược với các quốc gia Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Trung Quốc tại Biển Đông gồm có Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai và Brunei. Thái độ hung hăng và hoạt động quân sự hóa Biển Đông trái với lời hứa của tập cận Bình là lý do chính đáng để mọi người ngờ vực về ý đồ của Trung Quốc. Ấn Độ cũng lo ngại về tham vọng xâm nhập và khống chế Ấn Độ Dương của Bắc Kinh qua kế hoạch thuê cảng nước sâu Gwadar 40 năm từ Pakistan. Tóm lại, dù không có sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ nhưng có dấu hiệu OBOR đang bị tắc nghẽn. Nhưng cũng không nên đánh giá thấp khả năng ngoại giao của Trung Quốc chẳng hạn như AIIB là một chiến thắng ngoại giao ngoạn mục của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ. Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã đạt một số thành quả trong nỗ lực siết chặt quan hệ với Phi Luật Tân, Thái Lan, Mã Lai và Việt Nam. Nếu RCEP hoàn tất trong năm nay, các quốc gia ASEAN càng có nhu cầu cấp bách cải thiện cơ sở hạ tầng để nâng sức cạnh tranh trong một khu vực thương mại tự do rộng lớn. Cuộc đua vai trò lãnh đạo và vị trí chiến lược tại Châu Á – Thái Bình Dương giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ vẫn còn gay go với nhiều yếu tố bất ngờ không thể lường trước được.

Categories: Chính-Trị Thời-Sự | Leave a comment

‘Tìm thấy chất độc thần kinh VX trên mặt Kim Jong-nam’

‘Tìm thấy chất độc thần kinh VX trên mặt Kim Jong-nam’

  • 24 tháng 2 2017
bắc hànBản quyền hình ảnhAP
Image captionBắc Hàn không thừa nhận người chết là Kim Jong-nam mà chỉ nói là “một công dân CHDCND Triều Tiên”

Kim Jong-nam, anh của nhà lãnh đạo Bắc Hàn, bị giết bởi một chất độc thuộc loại vũ khí hóa học có tính sát thương cao, Malaysia cho hay.

Ông Kim chết tuần trước sau khi hai phụ nữ quẹt một loại hóa chất lên mặt tại sân bay Kuala Lumpur.

Malaysia xác định loại hóa chất học đó là “chất độc thần kinh VX”, bị Liên Hiệp Quốc liệt vào danh sách vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Malaysia chưa quy tội cho nhà nước Bắc Hàn nhưng nói rõ ràng người Bắc Hàn đã đứng sau vụ này.

Ông Kim chết trên đường đến bệnh viện hôm 13/2.

Thi thể ông vẫn còn được giữ trong nhà xác bệnh viện trong bối cảnh tranh chấp ngoại giao về việc ai có thể nhận xác.

Bắc Hàn phản ứng giận dữ với việc Malaysia nhất quyết tiến hành khám nghiệm tử thi và cáo buộc Malaysia có mục đích “nham hiểm”.

Gia đình Đoàn Thị Hương ‘nhờ linh mục giúp’

Làng báo Việt Nam và vụ nghi phạm Đoàn Thị Hương

Chất độc thần kinh VX:

  • Có màu hổ phách, chất lỏng dạng dầu không mùi, không vị.
  • Đây là vũ khí hóa học, có độc tính cao nhất được sử dụng trong các cuộc chiến tranh, một giọt VX trên da người có thể gây tử vong trong vòng vài phút.
  • Thâm nhập vào da và làm gián đoạn việc dẫn truyền xung thần kinh.
  • Có thể đựng trong bình xịt hoặc bình phun hơi.
  • Có thể bị lạm dụng làm nhiễm độc nguồn nước, thực phẩm, và các sản phẩm nông nghiệp.
  • Hấp thụ vào cơ thể qua đường hô hấp, tiêu hóa, tiếp xúc da hoặc mắt.
  • Quần áo có thể làm phát tán VX trong khoảng 30 phút sau khi tiếp xúc với hơi VX.
  • Việc hít phải, nuốt phải hoặc hấp thụ trên da VX với liều lượng thấp hoặc vừa phải có thể gây các triệu chứng chảy nước mũi, đau mắt, mờ mắt, chảy nước dãi và đổ mồ hôi quá mức, tức ngực, thở nhanh, đi tiểu nhiều, buồn ngủ, buồn nôn.
  • Tên hóa học chính thức là S-2 Diisoprophylaminoethyl methylphosphonothiolate
  • Bị cấm theo Công ước vũ khí hóa học 1993

Nguồn: CDC, Wednesday Report

Gia đình Đoàn Thị Hương ‘bất ngờ khi nghe tin’

Khalid Abu Bakar, Cảnh sát trưởng Malaysia cho biết chất độc thần kinh này được Trung tâm Vũ khí hóa học phát hiện trong mẫu phân tích từ mắt và mặt ông Kim Jong-nam.

Bruce Bennett, một chuyên gia vũ khí tại Viện nghiên cứu Rand nói với BBC rằng chỉ cần một lượng nhỏ chất độc này là đủ để giết ông Kim Jong-nam.

Ông Bennett nói hai nữ nghi phạm nhìn thấy trong đoạn băng CCTV tiếp cận ông Kim Jong-nam có thể đã quẹt một lượng rất nhỏ chất độc thần kinh vào mặt ông này khiến ảnh hưởng đến hệ thần kinh của nạn nhân ngay lập tức, làm ông run rẩy và chết trong vòng vài phút.

Hai nữ nghi phạm mà Malaysia công bố là họ được huấn luyện kỹ lưỡng, đang bị giam.

Một số người Bắc Hàn đang được truy tìm do liên can cái chết của ông Kim Jong-nam, trong đó có một quan chức cao cấp tại sứ quán Bắc Hàn ở Kuala Lumpur cũng như một nhân viên hãng hàng không Air Koryo.

Bốn nghi phạm Bắc Hàn khác được cho là đã rời Malaysia, trong lúc một người Bắc Hàn khác đang bị giam.

Categories: Chính-Trị Thời-Sự | Leave a comment

Chúng ta đang miệt mài tìm kiếm điều gì trong cõi nhân sinh?

Chúng ta đang miệt mài tìm kiếm điều gì trong cõi nhân sinh?

Chúng ta đang miệt mài tìm kiếm điều gì trong cõi nhân sinh?
Chúng ta đang miệt mài tìm kiếm điều gì trong cõi nhân sinh?

Một sự thật là tôi đang tìm lại chính tôi, đang tìm lại những người tôi yêu mến. Cái khát khao được cùng nhau chia sẻ, gắn bó và tin yêu nhau của ngày xưa làm tôi gọi tên từng đứa bạn, ước gì chúng tôi có thể nắm tay nhau cùng trở về ngôi nhà thực sự … Nhưng ngôi nhà thực sự ấy ở đâu?

Tôi về thăm quê lần này thấm thoát đã 20 năm trôi qua, ngoảnh đầu nhìn lại tựa như một giấc mơ. Làng quê, bến nước con đò dường như mọi thứ đã đổi thay không ít. Muốn gợi lại cho mình những ký ức tuổi thơ năm xưa, tôi nhẹ đặt từng bước đi trên con đường mà cách đây 20 năm nó toàn là sỏi đá, đứng lặng cảm nhận hương thơm của đồng quê ngào ngạt, bỗng thấy nhớ bạn bè da diết.

D
Ngoảnh đầu nhìn lại tựa như một giấc mơ…

Đây là con đường mà ngày xưa mỗi lần đến trường tôi đều rất sợ nó, nó quá dài so với tôi thời bấy giờ, hai bên toàn là cánh đồng xa thăm thẳm, mùa lạnh tôi sợ lắm, có hôm vừa lạnh vừa mưa, đến trường tôi bị ướt hết, ngày đó tôi chẳng có một mơ ước gì lớn, chỉ biết là phải đi học thôi nhưng tôi rất sợ con đường mỗi khi đến trường. Giờ nó đã được thay thế bằng những mảng bê tông phẳng cứng.

V
Những con đường làng xưa nay được thay thế bằng bê tông phẳng cứng…

Lớn lên tôi thi đỗ vào một trường cao đẳng ở thảnh phố, ngày nhập học tôi khóc như mưa, nhớ Bố mẹ, nhớ quê da diết, lúc đó tôi tự nghĩ mình vì cái gì mà lại phải tách ly ra khỏi nơi mà mình đang gắn bó như vậy? Và rồi cuộc sống thành thị nhanh chóng quay tôi vào cùng với vòng quay của nó, học xong, đi làm, xây dựng gia đình và số lần trở lại quê hương ít dần đi theo năm tháng.

V
lúc đó tôi tự nghĩ mình vì cái gì mà lại phải tách ly ra khỏi nơi mà mình đang gắn bó như vậy?

Chẳng có một lần nào về quê mà khơi lại cho tôi nhiều kỷ niệm bạn bè như lần này, có lẽ vì mưu sinh, vì miếng cơm manh áo, vì những điều mà tôi mải mê tìm kiếm. Và giờ đây khi đã tìm được chân lý cho mình, tôi dành thời gian nghĩ về chốn xưa, về nơi mình sinh ra, tôi thấy khóe mắt cay cay.

V
Và giờ đây khi đã tìm được chân lý cho mình, tôi dành thời gian nghĩ về chốn xưa, về nơi mình sinh ra, tôi thấy khóe mắt cay cay.

Từng đó năm quê tôi giờ khác xưa nhiều lắm, bạn bè tôi giờ đều ở rất xa, có người không còn có mặt trên đời nữa, người già đã ra đi, trẻ nhỏ lớn lên tôi không biết, không còn cảm nhận được sự gần gũi như xưa, đôi khi có một khoảng trống trong tâm hồn mình.

VTừng đó năm quê tôi giờ khác xưa nhiều lắm, bạn bè tôi giờ đều ở rất xa, có người không còn có mặt trên đời nữa, người già đã ra đi, trẻ nhỏ lớn lên tôi không biết, không còn cảm nhận được sự gần gũi như xưa…

Ngày xưa quê tôi vui lắm, đi khắp làng ai cũng biết tôi, những người lớn cưng chiều tôi lắm, những em bé thì luôn coi tôi là nhân vật nổi tiếng, tôi làm gì hay đi đâu đều có những người bạn bên cạnh. Vậy mà thời gian đã làm tôi vô tình làm rơi mất họ.

V
Vậy mà tôi đã vô tình làm rơi mất họ….

Đếm từng bước, chân như mỗi lúc một nhẹ hơn, tôi vuốt ve từng cành lá, ngắm con kênh bên cạnh, thả hồn mình theo cánh cò bay, thấy cảm giác ngày xưa ùa về, cảm giác các bạn tôi đang đi bên cạnh, hồn nhiên vô tư như thủa nào, tôi đi qua cây cầu, cây cầu ngày xưa làm tôi bị ngã và đã ốm một thời gian vì quá sợ, bỗng dừng lại vì nhận thấy sự ngột ngạt mà con sông đang phải gánh chịu, nó toàn là rác chật cứng chứ không phải con sông mà nước chảy cuồn cuộn khi xưa.

Sao quê mình giờ nhiều rác vậy nhỉ, tôi thấy dòng sông không còn chảy xiết những khúc oằn èo đẹp mắt năm xưa mà nó nằm im như dòng sông chết, tôi ước gì mình được nhìn lại dòng sông trong ký ức.

V
thấy cảm giác ngày xưa ùa về, cảm giác các bạn tôi đang đi bên cạnh, hồn nhiên vô tư như thủa nào,

Tôi ra đời đã tìm được gì cho bản thân mình? Ngoài một công việc ổn định và một mái nhà êm ấm nơi thành thị, tôi may mắn hơn khi tìm được ý nghĩa nhân sinh cho mình, đó chính là nguyên lý Chân Thiện Nhẫn, tôi học sách mỗi ngày và tôi đang dần tìm thấy chính mình, một con người của năm xưa, của sự hồn nhiên vô tư cùng cỏ cây hoa lá, được hòa mình cùng vũ trụ và được biết mình là một lạp tử có ý nghĩa, tôi mong muốn truyền đến cho người thân và bạn bè của mình một thông điệp vô giá đó.

Một sự thật tôi đang tìm lại tôi, đang tìm lại những người tôi yêu mến. Cái khát khao được cùng nhau chia sẻ, gắn bó và tin yêu nhau của ngày xưa làm tôi gọi tên từng đứa bạn, ước gì chúng tôi có thể nắm tay nhau cùng trở về trong hôm nay.

V
Cái khát khao được cùng nhau chia sẻ, gắn bó và tin yêu nhau của ngày xưa làm tôi gọi tên từng đứa bạn, ước gì chúng tôi có thể nắm tay nhau cùng trở về ngôi nhà chân chính thực sự ngày hôm nay.

Chợt nghe thấy tiếng mẹ gọi “Con gái đã về à?” tôi đã bước đến cánh cổng mà bên trên có giàn hoa thiên lý, nơi tôi sinh ra, cũng là nơi mẹ luôn mong ngày tôi được về thăm nhà, mọi thứ đều thay đổi duy còn giàn hoa thiên lý mà mẹ nói là nó rất tốt cho tôi từ khi xưa và cho đến hôm nay Bố mẹ vẫn trồng nó chắc để cho tôi có được sự cảm giác bình an năm xưa mỗi khi về bên Bố mẹ.

V
Bố mẹ tôi vẫn trồng nó chắc để cho tôi có được cảm giác bình yên năm xưa mỗi khi về bên bố mẹ

Bữa cơm chiều đến nhanh, cả nhà tôi chia sẻ với nhau những câu chuyện về nguyên lý Chân Thiện Nhẫn – nguyên lý làm thế nào mới là một người tốt thật sự, mẹ luôn nói là mẹ yên tâm rồi, nhà mình may mắn rồi, đã có chân lý chúng ta cố gắng cùng nhau tìm về với giá trị đích thực của nó. Gần Bố mẹ luôn cho chúng ta một cảm giác bình yên, sự thay đổi của tháng năm có thế nào đi nữa thì khi ta trở về ngôi nhà của mình ta vẫn cảm nhận được dư vị của hạnh phúc năm xưa. Bỗng chợt nhìn qua sân sang nhà hàng xóm, im lặng, tối đen, mẹ nói “giờ không còn ai ở đó”, tôi nhận thấy có sự tiếc nuối nào đó.

C
Mẹ luôn nói là mẹ yên tâm rồi, nhà mình may mắn rồi, đã có chân lý chúng ta cố gắng cùng nhau tìm về với giá trị đích thực của nó

Nếu có một ngày bạn chợt nhận ra mình quá vội vã chốn thị thành, bạn chợt nhận ra hình như giữ chúng ta đang dần mất đi niềm tin yêu đối với nhau, và có đôi khi bạn thấy như đang không tìm thấy mình. Hãy tìm lại quê xưa, hãy về bên gia đình, thả hồn mình theo cánh cò bay, bước những bước đi chậm rãi, có thể lùi lại để chọn một bước tiến mới tốt đẹp hơn.

Hãy tự chọn cho mình câu trả lời “chúng ta đang miệt mài tìm kiếm điều gì trong cõi nhân sinh?. Điều gì mới thực sự là vĩnh viễn?”

V
Hãy tự chọn cho mình câu trả lời “chúng ta đang miệt mài tìm kiếm điều gì trong cõi nhân sinh? Điều gì mới thực sự là vĩnh viễn?”

Một khát khao đạt được ước nguyện của mình ở nơi đâu hay chính mình đang giữ nó trong tay mà không biết, hãy cho phép mình một cơ hội được trở về ngôi nhà thực sự của tâm hồn mình…

Tôi thấy gì nơi quán trọ trần gian?

Tác giả: Minh Ngọc

Tôi thấy tôi trong quán trọ trần gian
Giá áo, túi cơm, quay cuồng, chật vật
Khi chén rượu nồng, cà phê phiêu ngất
Danh, lợi, tiền, tài, hỉ, nộ, sân, si.

V
Giá áo, túi cơm, quay cuồng, chật vật…

Thân khô gầy xao xác kiếp ve ve
Tôi rút ruột hát tiếng đời bỏng rát
Con còng còng cõng sầu trên bãi cát
Loay hoay tìm một ước vọng mung lung.

V
Loay hoay tìm ước vọng mông lung

Tôi thấy tôi trong thăm thẳm vô cùng
Ngồi lặng lẽ thả hồn về nơi cũ
Cảnh xưa ấy giờ khói mây che phủ
Cứ ran ran đau đáu ngóng tôi về.

V
Cảnh xưa ấy giờ khói mây che phủ…cứ ran ran đau đáu ngóng tôi về…

Chợt thấy mình thanh tỉnh cơn mê
Thảnh thơi bay giữa biển trời cao rộng
Tôi hòa vào ngàn mây ngàn gió lộng
Hóa thành mưa xóa sạch mọi ưu phiền.

V
Tôi hòa vào mây ngàn gió lộng, hóa thành mưa xóa sạch mọi ưu phiền

Tâm bừng lên một khối sáng tịnh nguyên
Từ sợi tóc của Đại sư Đại Pháp
Tôi hóa thân thành nắng vàng ấm áp
Đi khắp đó đây đánh thức những thệ nguyền.

V
Tâm bừng lên một khối sáng tịnh nguyên. Từ sợi tóc của Đại Sư Đại Pháp…

Phật độ cho người đắc đủ cơ duyên
Được đồng hóa với Pháp Người truyền bá
Các vị thần nhờ Thánh Vương sáng tỏa
Thành chỉnh thể khai nguyên tươi mới huy hoàng.

V
Tôi hóa thành nắng vàng ấm áp. Đi khắp đó đây đánh thức những thệ nguyền…

Theo Sư Tôn về chốn cũ thiên quang
Thế giới Mặt Trời – Niềm Tin bất diệt
Tôi an nhiên hóa nụ cười tịnh khiết
Là lạp tử Ánh Dương trong mắt một Thiên Thần.

V
Tôi an nhiên hóa nụ cười tịnh khiết. Là lạp tử ánh dương trong mắt một Thiên Thần

Hà Chi – Phương Linh

Tiểu mục Văn thơ là bức ký họa thơ ca, tản văn…mà chuyên mục Văn hóa Thời báo Đại Kỷ Nguyên muốn dành tặng cho độc giả, để tìm về với nơi thuần khiết sâu thẳm nhất của chính mình, như một nốt lặng trầm quý giá trong bản nhạc cuộc sống thường nhật ồn ào, sôi động.

Link xem thêm: 

Tại sao Phật lại nói: Điều ý nghĩa nhất của sinh mệnh con người chính là quay trở về;

6 năm vật lộn với tử thần vì bệnh hiểm nghèo, cô gái này đã hồi sinh ngoạn mục như thế nào?

Categories: Tài Liệu Tham Khảo | Leave a comment

Nhớ ngày 17 tháng 2, chưa làm được gì thì hãy nhắc nhở nhau!

Nhớ ngày 17 tháng 2, chưa làm được gì thì hãy nhắc nhở nhau!

Hà Sĩ Phu (Danlambao) – Trưa hôm nay, ngày 15 tháng 2-2017, một số bạn bè rủ nhau đến thăm tôi, phần vì tôi mới dọn sang chỗ ở mới, phần vì biết tin sức khỏe của tôi bỗng sa sút nhiều. Chuyện trò được một lúc, anh Huỳnh Nhật Hải, nguyên Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt đột nhiên trầm giọng xuống: “Hai ngày nữa, các anh nhớ là ngày gì không?” Chúng tôi nhìn lên tờ lịch. Ừ quên sao được, hai hôm nữa là 17 tháng 2, kỷ niệm ngày mở đầu cuộc chiến biên giới đau thương và uất hận, Trung Cộng quyết “dạy ta một bài học” bằng cách băm chặt và thiêu cháy hàng trăm hàng ngàn dân và bộ đội ta ra tro, lấp vùi xuống hố, tiến sâu vào nội địa ta, uy hiếp trái tim Tổ quốc ta, khiến những người mê mẩn tình hữu nghị Cộng sản Việt-Trung bậc nhất cũng phút chốc bừng tỉnh để nhận ra gương mặt gớm ghiếc của “kẻ thù truyền kiếp”, thâm độc, nấp sau lưng những ào ảnh lừa mị mà đầu lĩnh hai bên đã dày công xây đắp để cho ta ngu dại tôn thờ.
Bài học đâu chỉ có thế? Bài học ấy còn có nghĩa là: Việt Nam là đứa con hoang, khôn hồn thì mau trở về với mẹ Bắc Kinh; chẳng những biên giới mà khắp giải chữ S và các hải đảo sẽ được nước mẹ dần dần thu phục bằng một quy trình tổng hợp với vô vàn phương thức vừa tinh vi vừa trắng trợn.
Nay theo dõi thời sự thấy quan hệ giữa giới cầm quyền của hai nước xâm lược và bị xâm lược vẫn cứ khăng khít, ngọt ngào (vị ngọt mặn như khi răng cắn vào môi tứa máu), đành nuốt vào lòng ư?
Sau những phút mạn đàm thời sự, anh Đoàn Nhật Hồng, người “đảng viên thời tiền khởi nghĩa” lâu nay cứ băn khoăn khổ sở về chi tiết lịch sử ấy của mình, đưa ra ý kiến: “Thôi không buồn nữa, chưa làm được gì thì ta ghi lại cái gì đó để nhắc nhở nhau chớ quên.” Anh Lĩnh, anh Tấn, và blogger Quang Nhàn tán thành ngay: Nhân tiện có mấy anh em ngồi với nhau ở đây, ta chụp một tấm hình kỷ niệm…
Nhưng phải có biểu tượng gì để ghi nhớ chứ? Khẩu hiệu, ừ khẩu hiệu gỉ đó, ngắn gọn thôi. Có ý kiến nêu về chiến tranh biên giới 1979, có ý kiến gắn với Hoàng-Trường sa, với Formosa, Bauxite… Tôi góp: Ta nên nói nét gì đó lâu dài và tổng quát thôi, như lời di chúc của Trần Nhân Tông là vừa mạnh mẽ vừa thấm thía. Mọi người nhất trí ngay, ngắn gọn là: Một tấc quê hương cũng không được để mất!. Như một mệnh lệnh cho dân tộc, cho lương tâm mỗi con dân Việt Nam.
Anh Lĩnh lấy ngay mặt trái của một cuốn lịch cũ, anh Tấn đi kiếm ngay một chiếc bút “phớt”, tôi ngồi bệt xuống sàn viết ngoáy chưa đầy 10 phút xong ngay câu tóm tắt di chúc ấy của Trần Nhân Tông, tô màu một chút rồi móc lên tường. Mấy người chúng tôi đứng xúm lại, phân công bà xã nhà tôi bấm cho mấy “pô”.
Anh em Đà Lạt chúng tôi thì còn nhiều người nữa, nhưng đều già yếu, có anh đang ở xa, có anh nhà đang có tin buồn…, chẳng có điều kiện làm gì quy mô, tiện gặp nhau thì làm một cái gì đó để tự nhắc nhở mình và nhắc nhở nhau, chớ quên…
Thưa Trần Nhân Tông, chúng con không dám quên lời Người đã dạy:
“Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác. Ta cũng để lại lời nhắn nhủ đó như một lời di chúc cho muôn đời con cháu”. Chúng con xin ghi nhớ lời dạy, dẫu trách nhiệm chưa tròn cũng không dám cam tâm làm một phường… mất dạy!
Anh em Đà Lạt nhắc nhau một ngày kỷ niệm.
Chúng tôi nhìn nhau thầm lặng, nhắc nhở nhau để đối thoại với lương tâm công dân của mình.
Trên tường chỉ có hình cụ Phan Châu Trinh chứng giám. Nhà trí thức yêu nước lớn Phan Châu Trinh vượt xa tầm vóc một nhà văn hóa hay một nhà giáo dục như nhiều người tưởng. Nếu dân tộc này khi xưa đủ trình độ để biết cứu nước theo tư tưởng PCT, con đường chính trị PCT, con đường cách mạng đầy trí tuệ, khoa học và khôn ngoan của Phan Châu Trinh thì tham vọng xâm lăng của kẻ thù phương Bắc dù có được dày công vun đắp cũng không thể có đường mà thực hiện.
11 giờ đêm 15 tháng 2-2017
Categories: Chính-Trị Thời-Sự | Leave a comment

Phi cơ TQ và Mỹ ‘suýt va chạm’ trên Biển Đông

Phi cơ TQ và Mỹ ‘suýt va chạm’ trên Biển Đông

  • 10 tháng 2 2017
P-3C Orion patrol aircraftBản quyền hình ảnhMAHLON K. MILLER/U.S. NAVY VIA GETTY IMAGES
Image captionP-3C được sử dụng trong lực lượng tuần tra của hải quân Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương (hình minh họa)

Một máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không của Trung Quốc và một phi cơ tuần tra thuộc hải quân Hoa Kỳ đã có một cuộc chạm trán ‘không an toàn’ ở Biển Đông trong tuần rồi, hãng tin AP dẫn lời Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương nói hôm thứ Sáu.

Đây được cho là vụ đầu tiên xảy ra kể từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền.

Vụ suýt va chạm giữa chiếc KJ-200 của Trung Quốc và chiếc P-3C của hải quân Mỹ diễn ra hôm thứ Tư 8/2 trên không phận quốc tế, phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Robert Shuford nói.

Trang tin Daily Mail của Anh nói hai chiếc phi cơ đã bay sát, chỉ cách nhau chừng 1.000 bộ (khoảng 305m), ở phía trên khu vực bãi cạn Scarborough, mà phía Trung Quốc gọi là Đảo Hoàng Nham, nơi có tranh chấp giữa Bắc Kinh và Manila nhưng phía Trung Quốc trên thực tế đang chiếm quyền kiểm soát.

Chiến lược của Việt Nam ở Biển Đông là gì?

Biển Đông sau chuyến thăm của ông Trọng

Shuford không giải thích điểm không an toàn là gì trong vụ này, tuy khái niệm này thường được dùng để chỉ tình huống các phi cơ bay quá gần nhau.

Ông nói chiếc phi cơ Mỹ đang làm nhiệm vụ thường lệ và hoàn toàn phù hợp với luật quốc tế.

Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ và Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương “luôn quan ngại về những cuộc tương tác không an toàn với các lực lượng quân sự Trung Quốc”, ông nói.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa có bình luận gì phản hồi ngay lập tức trước câu hỏi được gửi tới bằng fax.

Tàu khu trục USS Decatur tuần tra gần Quần đảo Hoàng Sa hổi tháng 10/2016, trong chương trình Mỹ gọi là hoạt động tự do hàng hảiBản quyền hình ảnhREUTERS
Image captionTàu khu trục USS Decatur tuần tra gần Quần đảo Hoàng Sa hổi tháng 10/2016, trong chương trình Mỹ gọi là hoạt động tự do hàng hải

Tuy nhiên, trang mạng của tờ Hoàn cầu Thời báo của Đảng Cộng sản dẫn lời một quan chức giấu tên từ bộ này, nói viên phi công Trung Quốc đã đáp trả “theo cách hợp pháp và chuyên nghiệp”.

‘Mỹ phải ngăn TQ vào các đảo mới xây ở Biển Đông’

Những vụ việc như thế này trước đây thỉnh thoảng cũng từng xảy ra ở khu vực Biển Đông, nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu như toàn bộ vùng nước.

Tuy nói tôn trọng quyền tự do đi lại ở vùng biển chiến lược này, nhưng Bắc Kinh phản đối các hoạt động quân sự của Mỹ, đặc biệt là việc thu tập các tín hiệu tình báo do phi cơ Hoa Kỳ thực hiện ở gần đảo Hải Nam, nơi Trung Quốc có một số cơ sở quân sự.

Trong những năm gần đây, hai bên đã ký các thỏa thuận nhằm ngăn ngừa các vụ từ có nguy cơ va chạm biến thành cuộc khủng hoảng quốc tế.

Hồi tháng Tư 2001, một chiến đấu cơ Trung Quốc va vào một máy bay do thám của Mỹ ở Biển Đông, khiến một phi công Trung Quốc thiệt mạng và phía Trung Quốc đã giữ 24 người của phía Mỹ trong 10 ngày.

Categories: Biển Đông | Leave a comment

Blog at WordPress.com.