Báo chí trong nước đưa tin: Một ngư dân bị bắn chết khi đánh bắt trên biển. Ngày 2/11/2019, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang xác nhận, hôm 30/10, ngư dân Nguyễn Văn Khởi đã bị trúng đạn tử vong khi đang đánh bắt cá tại “vùng biển giáp biên”.
Theo ông Lê Ngọc Hiền, thuyền trưởng tàu cá số hiệu KG-90785TC, cho biết, trên tàu khi đó có 14 ngư dân, đang đánh bắt ở vùng biển tọa độ 7 độ 15 phút 00N – 108 độ 56 phút 00E thì bị một tàu khác dùng súng tấn công. Trong lúc tàu bỏ chạy, ngư dân Nguyễn Ngọc Khởi bị bắn trúng đạn, tử vong. Báo chí trong nước chỉ đưa tin tọa độ tàu, không nói tàu cá Việt Nam đang đánh bắt ở vùng biển giáp ranh với nước nào, hay tàu nước ngoài bắn anh Khởi là tàu nào.
Thi thể ngư dân Nguyễn Ngọc Khởi được đưa vào bờ. Ảnh: T.VINH/Tuổi Trẻ
Vụ tàu Hải Dương Thạch Du 620 của Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam ở khu vực gần vịnh Bắc Bộ, nhà nghiên cứu Biển Đông Phan Văn Song đặt câu hỏi: “Tàu tiếp tế HYSY 620 của Tàu Cộng có đích đến là mỏ khí DF 13-2 (Đông phương 13-2) trong bồn trũng biển Oanh Ca (Yingfehai basin) nhưng lại ‘đi lạc’ qua vùng biển VN chỉ cách bờ biển VN hơn 60 km và cách đích đến của nó gần 80 km, cách đường phân giới khoảng 58 km. Sao lại ‘đi lạc’ xa thế này?!”
Facebooker Phạm Thắng Nam cung cấp video, “ghi lại toàn bộ hành trình của ‘Haiyang Shiyou 620’ (Hải Dương Thạch Du 620), từ ngày 25/10 đến trưa 2/11/2019 , trong đó chỉ rõ sự thâm nhập bất hợp pháp của con tàu này vào vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền của VIệt nam”.
Ông Nam chỉ ra, trong hai ngày 1 và 2/11/2019, tàu Hải Dương Thạch Du 620 “đã đi rất sát bờ biển VN, gần khu vực xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng bình). Có một khoảng thời gian dài tàu chỉ cách bờ biển nước ta khoảng 65 km, có khi chỉ là 60 km”.
Dù Hải Dương Thạch Du 620 đã chấm dứt hoạt động xâm phạm lãnh hải Việt Nam, nhưng khác với tàu Hải Dương Địa Chất 8 đã quay về cảng nhà ở tận Quảng Châu, Hải Dương 620 chỉ quay về đảo Hải Nam, là căn cứ hải quân chiến lược của Trung Quốc hướng ra Biển Đông và nằm sát vịnh Bắc Bộ, nên tàu này có thể dễ dàng quay lại xâm phạm lãnh hải Việt Nam bất cứ lúc nào.
“An ninh và ổn định trên Biển Đông hiện rất mong manh, đòi hỏi cam kết nghiêm túc và trách nhiệm gìn giữ của tất cả các quốc gia trong khu vực, để đảm bảo rằng những vụ việc tương tự không lặp lại. Việt Nam quyết tâm và kiên trì bảo vệ luật pháp quốc tế trong các quan hệ quốc tế nói chung và trong vấn đề Biển Đông nói riêng”.
Mấy từ “kiên trì”, “quyết tâm” thường xuyên bị lãnh đạo CSVN lạm dụng mà không cần biết có thích hợp với ngữ cảnh hay không. Tàu Hải Dương Địa Chất 8, rồi Hải Dương Thạch Du 620 liên tiếp xâm phạm lãnh hải Việt Nam nhưng lãnh đạo CSVN không có kế sách ngăn chặn hữu hiệu, để cho Trung Quốc ra vào như chốn không người. Trong khi đó, lãnh đạo CSVN vẫn vác mặt qua Tàu “hữu nghị”, gửi cán bộ qua đó đào tạo, nên chuyện quyết tâm bảo vệ chủ quyền chỉ là lừa dân.
“Đường lưỡi bò” trái phép trong giáo trình của Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội. Ảnh: TPO/NLĐ
Báo Thời Đại đặt câu hỏi: Giáo trình có “đường lưỡi bò”, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nói gì? Ông Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, cuốn giáo trình này có tên: Đọc sơ cấp 1 “Developing Chinese”. Trong đó, bản đồ “đường lưỡi bò” xuất hiện ở bài 7, trang 36. Ông nói: “Tôi khẳng định đây là giáo trình mới được mua về vào đầu năm học 2019-2020. Khi phát hiện có hình ảnh ‘đường lưỡi bò’ trong sách, ban giám hiệu đã họp và có quyết định tịch thu tất cả số giáo trình này”.
Còn ông Trần Văn Thanh, Chủ nhiệm khoa Trung – Nhật thừa nhận trách nhiệm ban đầu thuộc về ban Chủ nhiệm khoa này: “Những năm trước, Khoa Trung Nhật sưu tầm, sử dụng tài liệu chắp vá không được biên soạn, còn năm nay mới sử dụng tài liệu này. Một số cuốn sách được bán tới tay sinh viên nhanh chóng được thu hồi”.
Báo Pháp Luật TP HCM bàn về vụ giáo trình in ‘đường lưỡi bò’: Rà soát nhưng không phát hiện. Bài báo chỉ ra mâu thuẫn trong lời kể của ông Vũ Văn Hóa và Trần Văn Thanh. Ông Hóa nói rằng, việc phát hiện cuốn giáo trình có in hình “đường lưỡi bò” là do sinh viên báo với nhà trường, còn ông Thanh lại khẳng định việc phát hiện là do nhà trường chủ động rà soát.
Ông Thanh trước đó còn khẳng định, khoa tiếng Trung-Nhật từng rà soát nội dung của cuốn giáo trình trên trước khi đưa vào giảng dạy nhưng không thấy có nội dung nào đề cập về tranh chấp biển đảo, trong phần bản đồ chỉ có “một tí dính vào” nên không phát hiện được.