Daily Archives: November 14, 2019

Bản tin ngày 14-11-2019

Bản tin ngày 14-11-2019

Tin Biển Đông

Ngày 13/11/2019, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam bác bỏ phát biểu của Trung Quốc về vấn đề chủ quyền đối với Trường Sa, báo Người Lao Động đưa tin. Trả lời câu hỏi của PV về phát biểu của người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngày 8/11 vừa qua, bà Lê Thị Thu Hằng nói: “Việt Nam bác bỏ hoàn toàn mọi nội dung phát biểu liên quan đến Việt Nam của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 8-11-2019 về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa”.

Trước đó, sau khi Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung tuyên bố Việt Nam không loại trừ khả năng kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế, ngày 8/11/2019, ông Cảnh Sảng kêu gọi Việt Nam không “làm phức tạp” vấn đề ở Biển Đông và “Trung Quốc hy vọng Việt Nam đối diện với thực tế lịch sử và tuân thủ sự đồng thuận cao giữa hai nước là giải quyết tranh chấp bằng đối thoại và tham vấn, tránh những hành động có thể dẫn đến làm phức tạp tình hình gây ảnh hưởng đến sự ổn định và hòa bình ở Biển Đông”.

VTC có bài: Sự bịa đặt, vu cáo trắng trợn của Cảnh Sảng. Vụ ông Cảnh tuyên bố chính Việt Nam mới là phía “xâm chiếm” các đảo ở quần đảo Trường Sa, vốn thuộc “chủ quyền” của Trung Quốc. Bài báo có đoạn: “Phát ngôn của ông Cảnh Sảng một lần nữa cho thấy sự trơ tráo của Trung Quốc với thói ‘vừa ăn cướp vừa la làng’. Không một quốc gia văn minh nào trong thời đại này tự nhiên lại tuyên bố ‘nhà của người ta’ là ‘nhà của mình’ một cách trắng trợn mà chẳng ngại gì mếch lòng hàng xóm và cộng đồng quốc tế cả”.

Mời đọc thêm: Việt Nam bác phát ngôn sai trái của Trung Quốc về Trường Sa và Hoàng Sa (TT). – Việt Nam hành xử tích cực và trách nhiệm ở Biển Đông (ANTĐ). – Khuyến cáo doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ hàng hóa trước khi nhập khẩu (BNews). – Không thể vì giải trí mà đánh đổi chủ quyền đất nước (VietTimes). – Không có gì thiêng liêng bằng chủ quyền của Tổ quốc (LĐ).

– Triển lãm bằng chứng chủ quyền của VN với Hoàng Sa, Trường Sa (PLVN). – Nói chuyện thời sự, biển đảo với 200 cựu chiến binh xã biển ở Hà Tĩnh (HT). – Dùng kinh tế “mua chuộc”, Trung Quốc vẫn không thể ngăn Pháp hành động trên Biển Đông (Infonet). – Luật sư Thụy Sĩ nhấn mạnh sự cần thiết duy trì và tuân thủ luật pháp quốc tế tại Biển Đông (Tin Tức). – Máy bay không người lái trên Biển Đông (TP).

Dự án sân bay Long Thành

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời TS Nguyễn Lâm Thành, ĐBQH tỉnh Lạng Sơn: ‘Các nước làm sân bay giá chỉ bằng 2/3 Long Thành’. Ông Thành chỉ ra, trong khi sân bay Long Thành cần vốn đầu tư 16 tỉ Mỹ kim nhưng chỉ có 2 đường băng, thì sân bay Đại Hưng bên TQ có diện tích 4.700ha, tương đương với Long Thành nhưng thiết kế đến 7 đường băng, công suất 100 triệu hành khách/năm và 4 triệu tấn hàng hóa nhưng vốn đầu tư chỉ 11,5 tỉ Mỹ kim. Còn sân bay Istanbul thiết kế 4 đường băng, công suất 90 triệu lượt hành khách/năm, vốn đầu tư chỉ 12 tỉ Mỹ kim.

So sánh các điểm “chênh lệch” lớn về vốn của ba sân bay Đại Hưng, Istanbul và Long Thành. Ảnh: Tấn Đạt/TT

Về vấn đề chỉ định thầu là Tổng Công ty Cảng hàng không (ACV), ĐBQH Tạ Văn Hạ đặt câu hỏi, liệu ACV thực sự có đủ mạnh để thực hiện tất cả các lĩnh vực như việc thực hiện hai đường giao thông kết nối: “ACV có phải nổi trội trong các lĩnh vực làm đường giao thông này không? Hơn 4.000 tỉ mà sao chúng ta cũng phải chỉ định thầu? Hạng mục 4 là các công trình dịch vụ, ACV có lợi thế về giao thông hay về các loại dịch vụ không?”

VTC có clip về dự án sân bay Long Thành: “Không lùi được nữa”.

Mời đọc thêm: Quốc hội tranh luận việc giao ACV làm sân bay Long Thành (VNE). – PGS.TS Nguyễn Thiện Tống: ‘Sân bay Long Thành sử dụng 5.000ha đất là rất lãng phí’ (VNF). – Cùng công suất, vì sao sân bay Long Thành đắt hơn Đại Hưng, Istanbul? (Zing). – Có yên tâm giao ACV làm sân bay Long Thành? (TN). – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: ‘Hiệu quả kinh tế của dự án sân bay Long Thành rất cao’ (TT). – Sân bay Long Thành: Không để nhóm lợi ích, nhóm “sân sau” chi phối! (DT).

Sông Đuống độc quyền bán nước

Báo Dân Trí dẫn lời PGS.TS. Ngô Trí Long, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, nhận định, vụ giá nước nhà máy Sông Đuống đắt vì đầu tư khủng: “Không thuyết phục, cần thanh tra làm rõ”. Ông Long phân tích:

“Không phải dự án cứ quy mô càng lớn, chi phí càng cao thì lấy giá đắt hơn. Bao giờ người ta cũng tính toán dựa vào suất đầu tư, hiệu quả đầu tư. Đầu tư bất kỳ vào đâu dù nhiều hay ít vốn thì cũng phải tính hiệu quả, hiệu suất. Thông thường dự án to, quy mô lớn, hiện đại, giá thành chi phí sẽ phải tốt hơn chứ… Không riêng gì kiểm toán, các cơ quan thanh tra cần vào cuộc làm sáng tỏ vấn đề này”.

Bài báo lưu ý, tổng mức đầu tư của nhà máy nước mặt sông Đuống lên tới gần 5.000 tỉ đồng, nhưng công ty này đi vay tới 80%, tức gần 4.000 tỉ đồng. Một lãnh đạo Sở Tài chính TP Hà Nội thừa nhận: “Khi nhà máy đi vào hoạt động, chi phí lãi vay cũng tính vào giá nước. Theo báo cáo của công ty, phí lãi vay tính vào giá nước là 20%, theo đó là khoảng 2.003 đồng mỗi mét khối nước”.

Nhà báo Ngô Nguyệt Hữu viết: Shark đẻ bọc điều! Ông Hữu viết về sự ưu ái không bình thường mà lãnh đạo TP Hà Nội dành cho bà Đỗ Thị Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần nước mặt Sông Đuống: “Đại khái, shark Liên làm nhà máy nước sông Đuống giai đoạn 1 gần 5 ngàn tỉ, shark Liên gom được 1 ngàn tỉ rồi vay ngân hàng thêm 4 ngàn tỉ làm sông Đuống. Nước chưa được Cục chất lượng kết luận đảm bảo sạch, shark Liên vẫn được liên Sở Hà Nội duyệt bán hơn 10 ngàn/m3, trong 10 ngàn đó có cả hơn 2 ngàn tiền lãi vay cho shark Liên”.

Từ “nhân dân” lại bị lạm dụng và người dân trở thành nạn nhân: “Đừng nói là vay 4 ngàn tỷ, mà có vay 40 ngàn tỷ ngân hàng cũng cho shark Liên vay, vì tiền lãi này đã được ‘nhân dân đảm bảo’. Shark Liên có lẽ được đẻ bọc điều, còn thị dân hẳn nhiên đẻ bọc ny-lon”.

Các “thượng đế” được phục vụ thời tiền Sông Đuống. Ảnh: Nguyễn Khánh/ TT

Trong khi người dân thủ đô Hà Nội chấp nhận mua nước giá đắt vì một thế lực tư bản đỏ được ưu ái, thì ở TP.HCM: giá nước cao nhất chưa tới 4.500 đồng/m3, theo báo Tuổi Trẻ. Sau khi UBND TP HCM điều chỉnh giá nước sạch cho lộ trình 2019 – 2022, giá nước mua sỉ từ các nhà máy nước đang được đàm phán lại nhưng sẽ không tăng quá mức 5-6%/năm so với mức giá 3.400-4.300 đồng/m3 hiện nay.

Ông Trần Văn Khuyên, chủ tịch HĐTV Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên (Sawaco) xác nhận như vậy và cho biết: “Với mức giá sỉ mua nước tương đối thấp, giá nước bán lẻ cho người dân trên địa bàn đã được duy trì ở mức thấp suốt từ năm 2013 đến nay”.

Mời đọc thêm: Shark Liên bị oan! (FB Ngô Kinh Luân). – Nước Sông Đuống quá đắt: Những câu hỏi cần làm rõ cho dân! (LĐ). – Nước sạch sông Đuống đắt đỏ vì ‘cõng’ lãi vay nghìn tỉ? (TT). – ‘Giá nước sạch sông Đuống hơn 10 ngàn/m3, 2.000đ là trả lãi vay của nhà đầu tư’ (VNN). – Mua nước sạch sông Đuống: Dân gánh hộ doanh nghiệp lãi vay 2.000 đồng/m3 (TP). – Lùm xùm giá nước, Chủ tịch Công ty CP nước mặt Sông Đuống nói gì? (TT).

Vụ cổ phần hóa hãng phim truyện VN

Diễn biến vụ cổ phần hóa Hãng phim truyện VN: Tình hình nghệ sĩ đang vô cùng bi đát, theo báo Giao Thông. Nhiều nghệ sĩ của Hãng phim truyện VN (VFS) đã có đơn kiến nghị gửi lên Văn phòng Chính phủ, cho biết “dù đã có kết luận rõ ràng về việc xử lý sau thanh tra nhưng quá trình giải quyết hiện nay đang bế tắc, làm ảnh hưởng nặng nề tới đời sống và tinh thần của công nhân viên, nghệ sĩ tại Hãng”.

Các nghệ sĩ cho biết, VFS hiện “không có người đại diện chính danh bảo vệ quyền lợi cho người lao động và tiến hành các công việc của Hãng. Toàn bộ nghệ sĩ khối nghệ thuật và CBCNV khối Kỹ thuật không được hưởng lương và BHXH từ tháng 7/2018. Đến hết ngày 30/6/2019, họ cũng bị cắt BHYT”.

Mời đọc thêm: Gần 3 năm sau cổ phần hóa hãng Phim truyện Việt Nam: Phòng ốc xập xệ tan hoang, nghệ sĩ bức xúc khi bị “đem con bỏ chợ” (NĐT). – Nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam lại “kêu cứu” vì toàn bộ hoạt động rơi vào “tê liệt” (ANTĐ). – Nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam bức xúc vì tiếp tục bị “đóng băng” (GĐ).

Tin môi trường

VOV dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Thủy lợi: Gần 22.000 ha cây trồng ở Tây Nguyên, Nam Trung bộ bị hạn giữa mùa mưa. Trong các vụ hè và thu vừa qua, lượng mưa ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên “thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20-60%. Đồng thời, nắng nóng khô hạn xảy ra sớm và gay gắt trên diện rộng ở hầu hết các tỉnh trong khu vực”.

Tổng cục Thủy lợi dự báo, tình hình khô hạn sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến sản xuất vụ đông xuân 2019-2020, nhất là tại Tây Nguyên, khi có tới 70% diện tích ở ngoài khu vực tưới của các công trình thủy lợi. “Trong khi đó, không ít hồ lớn ở khu vực, đang tích nước đạt rất thấp như hồ Ka Nak tại Gia Lai, hiện chỉ tích được 30% dung tích. Mức độ thiếu nước có thể diễn ra gay gắt”.

Infonet có bài: Giữa trưa, các tòa nhà cao tầng tại Hà Nội “biến mất” sau lớp sương mờ ô nhiễm. Trưa 13/11/2019, “dù đang giữa trưa nhưng bầu trời Hà Nội mịt mù như chuẩn bị vào chập tối”. Dù trời có mưa nhỏ nhưng bầu không khí tại Hà Nội không giảm bụi mù, các tòa nhà cao tầng như “biến mất” sau các lớp sương khói.

Nhìn từ trên cao, tầm nhìn xa bị hạn chế dưới 5km. Mặc dù theo dự báo thời tiết, ngày 13/11 miền Bắc sẽ đón không khí lạnh kèm theo mưa, tình trạng ô nhiễm không khí sẽ giảm. Nguồn: Infonet

Báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: Dân đốt rẫy gây cháy rừng phải vào tù, có cán bộ nào mất chức chưa? Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân đưa ra các vấn đề: Ngày 27/6, nông dân Nguyễn Thị Hảo, ở Hương Sơn, Hà Tĩnh đốt cỏ làm cháy lan sang khu rừng, gây thiệt hại 7ha, sau đó bị TAND huyện tuyên phạt 2 năm tù. Đến ngày 28/6, một nông dân khác là Phan Đình Thành, ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh cũng đốt rác trong vườn làm cháy lan rừng phòng hộ, sau đó bị khởi tố, bắt tạm giam.

Trong khi đó, “hàng ngàn vụ cháy đã xảy ra, hàng trăm người bị thiệt mạng, nhiều hecta rừng, cơ sở vật chất bị thiêu rụi” liên quan đến sự tắc trách của lãnh đạo, nhưng chưa thấy ai phải nhận các hình phạt nặng nề như người nông dân.

Mời đọc thêm: Nồng độ bụi PM2.5 ở Hà Nội đang tăng theo từng giờ (BNews). – Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam: Hà Nội chưa bao giờ ô nhiễm nghiêm trọng như thế (GDTĐ). – Phố phường Hà Nội mịt mù khói bụi do ô nhiễm không khí (VOV). – Sẽ chất vấn Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội: Người dân phải chịu “sự cố” ô nhiễm không khí đến khi nào? (BizLive). – Đừng để tam giác “kinh tế – xã hội – môi trường” bị khuyết một điểm (DĐDN). – Ô nhiễm không khí: Trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai bị ảnh hưởng nhiều nhất (ĐSVN).

– Mù sương phủ kín Hà Nội, không khí ô nhiễm ở ngưỡng nguy hại tới sức khỏe (TT). – Chất lượng không khí ở Hà Nội suy giảm đến mức nguy hại (TN). – Dân Thủ đô sống trong không khí và nguồn nước ô nhiễm (LĐ). – Cần một bộ luật về ‘không khí sạch’ (TT). – IEA: Ô nhiễm không khí tăng năm thứ hai liên tiếp, dự báo đạt đỉnh từ năm 2040 (VNBiz). – Cảnh báo về ‘quả bom hẹn giờ biến đổi khí hậu’ (Tin Tức).

– Quận 12: Rác thải bị chôn trộm, dân khốn khổ vì mùi hôi (PLTP). – Cả phường ra bãi đất trống ở quận 12 ‘xử’ hố chôn chất thải sát sông Vàm Thuật (TT). – Hồ chứa nước Ka Pét kỳ vọng sẽ giải quyết khô hạn cho Bình Thuận (BNews). – Đề nghị áp dụng cơ chế đặc biệt cho dự án hồ chứa nước Ka Pét (PT). – Nửa cuối tháng 11, thiên tai diễn biến phức tạp cả trên đất liền và Biển Đông (GDTĐ).

– Nỗ lực chống rác thải, lái đò kiêm “nhân viên phân loại rác” (LĐ).  – Xây dựng nông thôn mới tại Hà Nội: Cần giải quyết tốt bài toán rác thải (CT). – Hà Nội khó xử lý ‘đống’ rác thải nhựa ngày càng ‘khủng’? (PLVN). – Tận dụng rác thải nhựa để làm bè qua sông (VTV). – Hiện đại hóa công nghệ xử lý chất thải rắn: Mở cơ chế cho điện rác phát triển (KTMT).

Tin giáo dục

Báo Giáo Dục và Thời Đại bàn về vấn đề tuyển dụng đặc cách giáo viên hợp đồng: Cần sự vào cuộc quyết liệt. Trong khi Bộ Nội vụ khẳng định, việc cho phép các địa phương tuyển dụng đặc cách GV đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước là tình huống đặc biệt, thì Hà Nội chưa giải quyết được bất cứ một trường hợp xét đặc cách nào trong số 256 GV hợp đồng, chỉ riêng ở huyện Sóc Sơn. Nghĩa là quan chức ngành GD ở Hà Nội không xem Bộ Nội vụ ra gì.

Thậm chí, TP Hà Nội đã tổ chức xong vòng 1, chuẩn bị tiếp tục thực hiện tuyển dụng vòng 2 từ ngày 17/11/2019 đối với kỳ tuyển dụng viên chức ngành GD năm 2019. “Nếu thực sự không quyết liệt đến tận cùng, thì rồi những chỉ đạo của Bộ Nội vụ cũng sẽ lại tiếp tục chìm vào vướng mắc của pháp lý cao hơn”.

Tin khó tin nhưng có thật ở VN: Thi được 1 điểm vẫn đạt học sinh giỏi cấp huyện, theo Zing. Phòng GD&ĐT huyện Châu Thành, Bến Tre, xác nhận, có 566 HS khá, giỏi ở khối lớp 8, 9 thuộc 13 trường THCS trên địa bàn tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9 năm học 2019-2020. Ở môn Tin học, có 7 học sinh giành giải khuyến khích có điểm số 1-1,5, trên thang điểm 20.

Lãnh đạo phòng GD&ĐT huyện Châu Thành lý giải, “điểm số môn Tin học thấp, nhưng phải đảm bảo chỉ tiêu 50% học sinh tham gia có giải, ban tổ chức chọn theo điểm từ cao xuống thấp. Cũng từ kỳ thi này, huyện sẽ chọn mỗi môn 15 em có điểm số cao nhất đi thi cấp tỉnh”.

Mời đọc thêm: Tinh giản biên chế: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi…” (GDTĐ). – Hiệu trưởng phải đi đầu việc chống cửa quyền, trù dập trong nhà trường (VNN). – Chuyển đổi nguồn nhân lực giáo dục: Chỉ riêng giáo viên không thể truyền tải kiến thức chất lượng (GDTĐ). – Lớp 2 học toán xác suất, thống kê: Đơn giản? (TP). – Lo các em không được học hành tử tế lại tiếp tục nghèo đói! (GDVN).

– TPHCM: Trường học kêu gọi 20/11 “nói không với phong bì” (DT). – ‘Sáng giờ em bắt được ba con cá, em kính tặng thầy’ (TT). – Các trường có được phép cho giáo viên nghỉ dạy để tổ chức ngày 20/11 không? (GDVN). – Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11: Tôn sư trọng đạo đâu phụ thuộc năm chẵn, năm lẻ (TN). – Nam Định: Mẹ nhí “sinh năm 2003, còn là học sinh” nhờ nuôi hộ con sơ sinh (DT). – Cậu bé 9 tuổi trở thành người trẻ nhất trên thế giới tốt nghiệp đại học (VNN).

***

Chính trường MỹCông bố lời khai vụ điều tra Tổng thống Trump (TN). – Hai nhà ngoại giao của Mỹ khai chứng bất lợi cho ông Trump (VOA). – Luận tội Tổng thống Donald Trump: Hạ viện Mỹ bắt đầu phiên điều trần công khai (Tin Tức). – Luận tội TT Trump: Điều trần công khai ở Hạ Viện, phe Cộng Hòa đổi hướng bào chữa (RFI). – Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ điều trần về điều tra luận tội ông Trump (VOV). – Hai phe Dân chủ, Cộng hòa đấu khẩu trong phiên điều trần luận tội mở đầu tiên (TT). – Điều tra luận tội ông Trump: Đảng Dân chủ khép chặt vòng vây (PLTP).

– Người Nga không muốn ông Trump bị luận tội (TP). – Trump có thể bị luận tội vì ‘hối lộ’ (VNE). – Lộ chiến lược của Nhà Trắng ráo riết phản đòn luận tội ông Trump (VNN). – Tổng thống Mỹ cân nhắc sa thải quan chức nộp đơn của người tố giác (VNews). – So sánh cuộc điều tra luận tội Trump và Nixon: Lịch sử có lặp lại? (HQ).  – Ông Trump: ‘Tôi tiếp bất cứ ai, kể cả độc tài, miễn tốt cho Mỹ’ (TT). – Tòa liên bang Mỹ: Lục soát điện thoại, máy điện toán nếu không có trát là vi hiến (NV). – Tòa Tối Cao phải lấn vào chính trị – Ngô Nhân Dụng (NV).

***

Thêm một số tin: Chuyện ở chợ và người bạn không sợ hóa chất (MTG). – Thượng úy công an tát người bán hàng: Bộ Công an cho biết sẽ xử lý nghiêm (LĐ). – Vụ “gạo nấu không nở, đốt có mùi khét”: Chưa có cơ sở nói gạo giả (DT). – Hàng loạt thuộc cấp của Hà Văn Thắm bị khởi tố (PLTP).

– Khốn khổ, đổ nợ vì qua Mỹ làm chui, ‘nạn nhân’ bỏ về VN tố cáo (VOA). – Blogger Mẹ Nấm kể chuyện gặp gỡ Tổng thống Donald Trump — Hong Kong: Cảnh sát nói bạo lực đẩy nền pháp trị đến ‘bên bờ sụp đổ’ (BBC). – Không tin nổi khi ra tòa thấy công ty luật bên mình bảo vệ luôn… bên kia (TT). – Biệt tích 6 năm, cô gái Quảng Ngãi bất ngờ viết thư về gia đình nói đang ở Trung Quốc (TT).

Bình Luận từ Facebook
Advertisement
Categories: Tin-Tức Thế-Giới | Leave a comment

Việt Nam có thể trở thành đồng minh mới của Hoa Kỳ để chống lại Trung Quốc?

Việt Nam có thể trở thành đồng minh mới của Hoa Kỳ để chống lại Trung Quốc?

National Interest

Tác giả: Anders Corr

Dịch giả: Hoàng Thủy Ngữ

7-11-2019

Kể từ tháng Bảy, tàu khảo sát Hải Dương 8 và một tàu tuần dương hộ tống của Trung Quốc đã có mặt tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam ở Biển Đông trong một thời gian dài. Khu vực tranh chấp, xung quanh 3 hòn đảo nhỏ mà Việt Nam chiếm đóng ở bãi Tư Chính, gần Việt Nam hơn bất cứ quốc gia nào khác và Việt Nam tuyên bố là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Trung Quốc tuyên bố khu vực này là lãnh thổ lịch sử, dựa vào cái gọi là đường chín đoạn mà Tòa án Trọng tài Thường trực tại The Hague năm 2016 đã phán quyết là không có cơ sở pháp lý.

Việt Nam đặc biệt bị sự xâm lược mới nhất này đe dọa và phải chống trả, như đã từng tự vệ nhiều lần trước kia và đã tổn thất lớn về nhân mạng trong trận chiến chống lại Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa (1974), cuộc chiến Việt-Trung (1979) và hải chiến Trường Sa (1988). Trong mỗi trường hợp, Trung Quốc đều gây chiến trước và Việt Nam bị thiệt hại nhân mạng và lãnh thổ. Việt Nam đã có thể cải thiện an ninh rất nhiều nếu liên minh với Hoa Kỳ, quốc gia duy nhất trên thế giới có thể đánh bại Trung Quốc một mình. Và Hoa Kỳ cũng được hưởng lợi từ việc liên minh bằng cách tăng cường ngăn chặn Trung Quốc trong khu vực.

Nhưng mặc dù có nhiều lý do để tiến tới một liên minh và cải thiện tình hữu nghị trong hai thập niên qua, cả hai quốc gia đều bị những quan điểm sai lầm ngăn cản tư duy chiến lược về lợi ích quan trọng và chồng chéo của họ: Biển Đông. Việt Nam với chính sách “ba không”, chung quy là không liên minh với nước nào, không cho nước nào đặt căn cứ quân sự trên đất của mình. Chiến lược của Hoa Kỳ ở Biển Đông chỉ đặt trọng tâm vào tự do hàng hải. Lẽ ra, thêm vào đó, nên tìm cách làm giảm sức mạnh kinh tế và quân sự tương đối của Trung Quốc, kể cả việc từ chối Trung Quốc tiếp cận các nguồn dầu mới, khí đốt và hải sản, vốn sẽ giúp họ gia tăng sức mạnh kinh tế, rồi trao quyền cho quân đội chống lại Hoa Kỳ. Theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, những nguồn tài nguyên trong các vùng đặc quyền kinh tế không phải của Trung Quốc là tài sản dành riêng cho các quốc gia ven biển gần đó, gồm cả bờ biển dài của Việt Nam, chứ không thuộc về Trung Quốc thông qua đường chín đoạn bất hợp pháp.

Trung Quốc nhạy cảm với mọi dấu hiệu chiến lược ngăn chặn, nhưng khi sức mạnh, ảnh hưởng và sự xâm lược lãnh thổ gia tăng, việc ngăn chặn ngày càng trở nên rõ ràng như một chiến lược phản công cần thiết của các nước. Ngăn chặn không phải là quay trở về cuộc Chiến Tranh Lạnh, mà là một nguyên tắc chiến lược phòng thủ không bao giờ lỗi thời và kéo dài ít nhất từ thời Hy Lạp cổ đại. Việc ngăn chặn Trung Quốc sẽ được hỗ trợ qua việc Hoa Kỳ ủng hộ vật chất và yêu sách lãnh thổ của các quốc gia láng giềng Trung Quốc, kể cả Việt Nam. Nó cũng được hỗ trợ qua việc Việt Nam hủy bỏ chính sách “ba không”, dứt khoát liên minh với Hoa Kỳ chống lại Trung Quốc, chào đón các căn cứ quân sự Mỹ như là lực lượng thứ ba để làm nhụt chí nước láng giềng hung hăng phía bắc, như trường hợp Nam Hàn.

Chuyện mời Hoa Kỳ trở lại Việt Nam đặt căn cứ quân sự chắc chắn sẽ gây tranh cãi do xung đột lịch sử giữa hai quốc gia, nhưng giờ đây là lúc hãy gác lại quá khứ. Chúng ta có chung một kẻ thù mới ở Trung Quốc và chúng ta nên tuyệt đối cởi mở trong tình bạn mới được hàn gắn, để tối đa hóa sự răn đe.

Hành động cứng rắn đó có xảy ra hay không, phần lớn còn tùy thuộc vào thái độ của Trung Quốc trong việc bành trướng lãnh thổ, và nếu đúng như vậy, Trung Quốc có thể tiếp tục gây ảnh hưởng chính trị quan trọng ở cả Hoa Kỳ lẫn Việt Nam, nhằm chống lại việc hai quốc gia này thân thiết với nhau hơn. Đặc biệt họ sẽ huy động các nhóm lợi ích, ở cả hai nước, vốn thường hay lấy lòng Trung Quốc trước nguy cơ xung đột quân sự. Các nhóm lợi ích đó luôn tìm cách tác động Hoa Kỳ và Việt Nam dẹp bỏ chiến lược ngăn chặn, dành ưu tiên cho kinh doanh và thương mại hơn là an ninh quốc gia và do đó cho phép các mối quan hệ quyền lực tiếp tục phát triển theo hướng có lợi cho Trung Quốc.

Vị trí của Việt Nam 

Nếu Trung Quốc thành công trong việc tuyên bố Biển Đông là lãnh thổ của họ thông qua đường chín đoạn, như đã ghi rõ trong bản ghi chú năm 2009 gửi cho các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc, thì Việt Nam cùng các nước yêu sách khác sẽ mất quyền đánh bắt hải sản và khai thác dầu khí rất có giá trị trong vùng đặc quyền kinh tế của họ. Việt Nam sẽ trở thành một vùng đất bị khóa cửa hợp pháp khi Trung Quốc tiếp tục gia tăng chiến thuật kiểm soát sự tiếp cận hàng hải vào nước này.

Các yếu tố trong chiến lược mới của Việt Nam nên bao gồm:

1. Liên minh với các quốc gia có khả năng ngăn chặn Trung Quốc bằng vũ khí hạt nhân, ví dụ Hoa Kỳ, Pháp và Anh.

2. Liên minh với các quốc gia có đủ sức mạnh quân sự thông thường để răn đe Trung Quốc, ví dụ Hoa Kỳ.

3. Chuyển tăng trưởng kinh tế sang chi tiêu quân sự để răn đe Trung Quốc tại địa phương, ví dụ mua tàu ngầm, tên lửa chống tăng và tên lửa phòng không.

4. Dân chủ hóa và cải thiện nhân quyền sẽ khuyến khích việc liên minh kinh tế và quân sự với các quốc gia ít chịu ảnh hưởng của Trung Quốc nhất, được chặt chẽ hơn.

Ấn Độ, Nga và Úc, các quốc gia mà Việt Nam đã kêu gọi hỗ trợ, sẽ là các đối tác chiến lược hữu ích nhưng không phải là đồng minh cốt lõi vì họ thiếu sức mạnh cần thiết để đánh bại Trung Quốc một mình. Nga có ghế trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, và dù cả Nga và Ấn Độ đều là những cường quốc hạt nhân có sức mạnh quân sự thông thường đáng kể, họ vẫn không đủ mạnh về kinh tế và quân sự để đối đầu với Trung Quốc một mình. Cả hai đều là thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (Shanghai Cooperation Organization) do Trung Quốc lãnh đạo trong thực tế, nên bị sức mạnh của Trung Quốc chi phối. Vì vậy, họ không thể là đồng minh đáng tin cậy.

Úc là đồng minh tiềm năng đáng tin cậy nhưng không có vũ khí nguyên tử hay quy ước răn đe cần thiết để đối đầu với Trung Quốc. Họ cũng không đặc biệt mạnh về mặt ngoại giao, quân đội yếu kém hơn Trung Quốc, và chịu ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc nhiều hơn Hoa Kỳ, Pháp hoặc Vương Quốc Anh. Úc xuất khẩu khoảng 40,8% hàng hóa sang Trung Quốc (gồm cả Hongkong). Điều này cho thấy mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các doanh nghiệp Úc lớn như thế nào và từ đó tác động đến chính trị Úc. Ngược lại, Hoa Kỳ, Pháp và Anh có ít hàng xuất khẩu tính theo phần trăm GDP sang Trung Quốc hơn nên không chịu ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc nhiều. Họ cũng được lợi thế do có ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Mức độ che chở mà các tổ chức quốc tế dành cho Việt Nam gần như là con số không. Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) giúp đỡ Việt Nam rất ít, khi các quốc gia thành viên ngày càng chịu nhiều ảnh hưởng của Trung Quốc và phủ quyết mọi chỉ trích về Trung Quốc. Tổ chức này chuẩn bị và thực hiện rất ít các kế hoạch quân sự và kinh tế cần thiết để ngăn chặn Trung Quốc theo đuổi chính sách bành trướng ở Biển Đông. Dù thắng vụ kiện tại The Hague, Philippines, thành viên ASEAN, vẫn phải khuất phục trước ảnh hưởng của Trung Quốc sau khi Trung Quốc phớt lờ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Giờ đây, trong khối ASEAN, Việt Nam là quốc gia ương ngạnh nhất trong nỗ lực duy trì nền độc lập của mình. Tuy vậy, vì Trung Quốc có ảnh hưởng đáng kể đến thượng tầng cơ cấu quyền lực Việt Nam và là đối tác thương mại lớn, một số mặt hàng Trung Quốc được trung chuyển bất hợp pháp để tránh thuế quan của Hoa Kỳ. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, với quyền phủ quyết của Trung Quốc, không đủ để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Điều này cho thấy một liên minh hay thậm chí các mối quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ cũng sẽ giúp Việt Nam củng cố sức mạnh trong nước để chống lại Trung Quốc và tăng cường ngăn chặn trong trường hợp xung đột quân sự xảy ra, thông qua một người bạn hùng mạnh.

Hoa Kỳ có tất cả các điều kiện cần thiết của một đồng minh cốt lõi đáng tin cậy và đủ để chống lại Trung Quốc: một chính sách đối ngoại độc lập với ảnh hưởng của Trung Quốc (so với các thành viên ASEAN và Nga), sức mạnh kinh tế cần thiết để trừng phạt Trung Quốc, sức mạnh ngoại giao cần thiết để phủ quyết các nghị quyết của Trung Quốc ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, khả năng quân sự cần thiết để tiến hành cuộc chiến tranh quy ước chống Trung Quốc và vũ khí hạt nhân để răn đe và tự vệ trong trường hợp Trung Quốc định trả đũa bằng vũ khí nguyên tử.

Không có Hoa Kỳ để đối trọng với Trung Quốc, nền an ninh của Việt Nam không thể được bảo đảm. Sự tham gia của Hoa Kỳ là điều kiện thiết yếu đối với bất kỳ liên minh nào trên thế giới chống Trung Quốc. Nhưng Hoa Kỳ dành đặc quyền cho những quốc gia tôn trọng giá trị dân chủ và nhân quyền. Vì vậy, để có được liên minh với Hoa Kỳ, Việt Nam tối thiểu cũng phải cải thiện từ từ nhưng vững chắc nền dân chủ và nhân quyền.         

Vị trí của Hoa Kỳ

Một liên minh Việt-Mỹ không chỉ lợi cho Việt Nam mà còn lợi cho cả Hoa Kỳ. Khi sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc vượt qua Hoa Kỳ bằng một số biện pháp, bao gồm GDP tuyệt đối bằng sức mua tương đương, tăng trưởng GDP, gia tăng chi tiêu quân sự, tầm bắn của tên lửa chống hạm, quân số, số lượng tàu hải quân mới, tình báo nhân tạo và siêu máy tính, Hoa Kỳ và phần còn lại trên thế giới nên cân nhắc thật kỹ cách kiềm chế sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc trước khi nó vượt các cấu trúc quyền lực cơ bản hiện hành như chủ nghĩa dân tộc, Liên Hiệp Quốc và G7. Ảnh hưởng chính trị toàn cầu của Trung Quốc được sức mạnh kinh tế hỗ trợ đang gia tăng và một phần được phân phối cho giới tinh hoa nước ngoài, gồm cả giới tinh hoa Mỹ, nhằm đạt được lợi ích chính trị.

Một liên minh mới với Việt Nam sẽ đảo ngược làn sóng chiến thắng ngoại giao mới của Trung Quốc và sẽ khiến Trung Quốc phải chấm dứt khai thác dầu khí và đánh bắt hải sản trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Nó sẽ là một ví dụ giúp các quốc gia khác trong khu vực biết cách bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của họ và chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc. Nếu liên minh được mở rộng từ Việt Nam đến Indonesia và Ấn độ, những nước đang có chính sách không liên kết, dần dần Trung Quốc sẽ bị đẩy vào sân sau của chính họ.

Bình Luận từ Facebook
Categories: Chính-Trị Thời-Sự | Leave a comment

Hong Kong sơ tán sinh viên TQ đại lục

Hong Kong sơ tán sinh viên TQ đại lục

Tại Hong Kong, nhiều người vội vã lên xe trở về Trung Quốc trước những diễn biến mới khó lường. Bên kia biên giới, tại Thâm Quyến, hàng chục trung tâm trú ẩn dành cho các sinh viên đã được mở cửa.

Trong thông báo được phát đi trên mạng xã hội Weibo sáng 13-11, Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc tại Thâm Quyến cho biết sẽ tiếp nhận tất cả các sinh viên, học sinh và nghiên cứu sinh đại lục chạy khỏi Hong Kong.

Những người này sẽ được ở miễn phí 7 ngày trong 12 trung tâm trú ẩn của tổ chức. Đại diện một hội các du học sinh Trung Quốc ở Đại Bằng (Thâm Quyến) cho biết đã có khoảng 150 sinh viên đang theo học tại Hong Kong liên hệ với ông để tìm đường sang Thâm Quyến.

Trưa 13-11, tờ South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong xác nhận hơn 80 sinh viên đại lục tại Đại học Trung văn ở khu Tân Giới đã được sơ tán khỏi trường và chuyển đến nơi an toàn dưới sự hộ tống của cảnh sát.

Ngôi trường này trước đó được ví như chiến trường khi bị người biểu tình chiếm giữ và phong tỏa trong suốt đêm 12-11. Cảnh sát chống bạo động khi xông vào và xịt hơi cay, bắn đạn cao su để giải tán đám đông đã vấp phải sự chống cự bằng bom xăng, gạch đá của người biểu tình.

Nhiều trường đại học khác cũng tiến hành các biện pháp bảo vệ an toàn cho sinh viên đại lục trong ngày 13-11, thậm chí đóng cửa đến hết tuần.

Hong Kong sơ tán sinh viên Trung Quốc đại lục - Ảnh 2.

Cảnh sát chống bạo động Hong Kong thẳng tay trấn áp người biểu tình ở khu trung tâm ngày 13-11 – Ảnh: REUTERS

Trong một email gửi đến các sinh viên đại lục, Đại học Khoa học và công nghệ Hong Kong (UST) thông báo sẽ có các chuyến xe buýt đặc biệt đưa các sinh viên Trung Quốc đến thẳng một bến xe nối với Thâm Quyến.

“Chúng tôi đã sắp xếp xong các chuyến xe chạy thẳng sang Thâm Quyến. Chỉ cần đưa thẻ sinh viên là có thể lên xe, an toàn và không tốn đồng nào”, thông báo khẳng định.

Căng thẳng giữa các sinh viên Hong Kong và sinh viên đại lục tăng cao sau vụ một sinh viên Hong Kong tên Chow Tsz-lok qua đời vì té lầu trong lúc bị cảnh sát truy đuổi hồi đầu tuần trước.

Sau cái chết của Chow ngày 8-11, một sinh viên đại lục bị tấn công ngay tại UST, phòng làm việc của một giáo sư thỉnh giảng người Trung Quốc cũng bị đập phá trong cùng ngày hôm đó.

“Phải chạy khỏi đây thôi, tôi không muốn mình là nạn nhân tiếp theo”, một sinh viên Trung Quốc tên Adam hớt hải nói với phóng viên SCMP khi kéo vali chạy sang Thâm Quyến trong tối 8-11.

Categories: Tin-Tức Thế-Giới | Leave a comment

Create a free website or blog at WordPress.com.