Daily Archives: June 25, 2020

Làn sóng tẩy chay hàng TQ dâng cao

Làn sóng tẩy chay hàng TQ dâng cao

Ấn Độ vừa đưa lực lượng sơn cước lên biên giới để đối phó với Trung Quốc, trong khi làn sóng tẩy chay hàng Trung Quốc tại nước này dâng cao.

Hindustan Times dẫn các nguồn tin xác nhận quân đội Ấn Độ đã điều lực lượng sơn cước lên bảo vệ khu vực dọc đường kiểm soát thực tế trên biên giới để phòng khả năng quân Trung Quốc xâm nhập. Tư lệnh quân đội hai nước hôm qua có cuộc họp vòng hai nhằm hạ nhiệt căng thẳng sau đợt ẩu đả chết người đầu tuần trước.

Reuters dẫn nguồn tin từ chính phủ Ấn Độ cho biết các chỉ huy quân đoàn của hai bên gặp nhau ở Moldo, phần phía Trung Quốc tính từ đường kiểm soát thực tế. Sĩ quan cấp thấp hơn của hai nước đàm phán vòng 1 vào giữ tuần trước, sau vụ ẩu đả bằng đá và gậy gộc hôm 15/6.

Dù đổ lỗi cho nhau gây ra vụ đụng độ, hai bên đang nỗ lực tránh leo thang tình hình có thể dẫn đến xung đột nghiêm trọng. Nhưng Bộ Ngoại giao Ấn Độ gọi xung đột vừa qua là “hành động có kế hoạch và do Trung Quốc khởi xướng”. Còn Trung Quốc cáo buộc lính Ấn Độ vi phạm thoả thuận quân sự song phương, kích động và tấn công lính của họ ở thung lũng Galwan. Trung Quốc không công bố con số thương vong, nhưng một bộ trưởng Ấn Độ nói rằng khoảng 40 lính Trung Quốc có thể đã chết.

Tức giận trước cái chết của binh lính, nhiều người ở Ấn Độ đang kêu gọi chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi phải thể hiện rằng Ấn Độ không chịu bị bắt nạt, không để bị mất mặt như trong cuộc chiến với Trung Quốc năm 1962.

Các thành viên của Liên minh các thương nhân Ấn Độ (CAIT) đã đốt một đống hàng Trung Quốc tại một khu chợ ở New Delhi, phát động chiến dịch tẩy chay hàng hoá Trung Quốc. CAIT, đại diện cho khoảng 70 triệu thương nhân, kêu gọi chính phủ bang và liên bang ủng hộ chiến dịch tẩy chay và huỷ các hợp đồng với công ty Trung Quốc.

“Cả nước đang chìm trong cơn giận dữ và quyết tâm tột độ về việc phải đáp trả Trung Quốc một cách mạnh mẽ, không chỉ quân sự mà cả kinh tế”, Tổng thư ký quốc gia của CAIT, ông Praveen Khandelwal, viết trong bức thư gửi đến chính quyền nhiều bang.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Ấn Độ, với kim ngạch thương mại song phương đạt 87 tỷ USD trong năm tài khoá tính đến tháng 3/2019, trong đó Ấn Độ chịu mức thâm hụt 53,57 tỷ USD. Ủng hộ chính sách tự lực của Thủ tướng Modi, CAIT đề nghị bộ thương mại nước này bắt buộc các sàn thương mại điện tử phải nêu rõ nguồn gốc quốc gia của tất cả các sản phẩm được bán.

Trong khi đó, ông Hồ Tích Tiến, tổng biên tập Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc cảnh báo rằng “những người có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa ở Ấn Độ cần hạ hoả”. “GDP của Trung Quốc gấp 5 lần Ấn Độ, chi tiêu quân sự gấp 3 lần”, ông Hồ Tích Tiến viết trên Twitter.

Advertisement
Categories: Tin-Tức Thế-Giới | Leave a comment

Mỹ-Anh-Pháp muốn bỏ quyền phủ quyết để áp đảo Nga-Trung

Mỹ-Anh-Pháp muốn bỏ quyền phủ quyết để áp đảo Nga-Trung

Nếu bỏ Bỏ quyền phủ quyết của các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thì Mỹ-Anh-Pháp sẽ dễ dàng áp đảo Nga-Trung.

Mỹ cáo buộc Nga và Trung Quốc “vô trách nhiệm”

Mới đây, ông Brian Hook, Đại diện đặc biệt của Mỹ về Iran nói rằng, Hoa Kỳ kêu gọi Nga và Trung Quốc không bảo vệ Iran khỏi sự chú ý và những yêu cầu thanh sát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Vào ngày 19/6, Hội đồng Thống đốc IAEA đã thông qua nghị quyết kêu gọi Iran cung cấp quyền tiếp cận hai địa điểm mà cơ quan này muốn điều tra. Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc đã bỏ phiếu chống lại nghị quyết này, khiến Mỹ rất tức giận.

Ông Hook nói trong cuộc họp báo sau đó rằng, Nga và Trung Quốc đã cố gắng bảo vệ Iran khỏi sự chú ý chặt chẽ. Vì là các cường quốc hạt nhân, Trung Quốc và Nga cần có trách nhiệm đặc biệt là “không hỗ trợ các quốc gia chơi trò mèo vờn chuột với IAEA”.

Vị đặc phái viên Mỹ khẳng định, việc Nga và Trung Quốc chống lại nghị quyết này cho thấy “tiếng nói của họ thật vô trách nhiệm, cộng đồng quốc tế xứng đáng được nhiều hơn thế”.

Về phần mình, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và an ninh toàn cầu Christopher Ford nói rằng, Iran là nước lần đầu tiên trong lịch sử từ chối cung cấp thông tin về chương trình hạt nhân của mình theo các thỏa thuận bảo vệ với các quốc gia đã ký kết Hiệp ước Không phổ biến hạt nhân.

Đáp lại, đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna, ông Mikhail Ulyanov, đã tuyên bố rằng, Nga không thấy bất kỳ biểu hiện nào cho thấy Iran hiện đang tiến hành các hoạt động hạt nhân tại hai cơ sở được kể đến trong nghị quyết của IAEA.

Còn ông Zhao Lijian, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là biểu hiện của trách nhiệm đặc biệt trong việc đảm bảo hòa bình quốc tế của các quốc gia thành viên thường trực Hội đồng Bảo an.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một bài viết về Thế chiến II đã nói rằng, những lời kêu gọi xóa bỏ quyền phủ quyết của các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là hành động vô trách nhiệm. Năm quốc gia có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là Nga, Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc.

Ông Zhao Lijian nói rằng, Hiến chương Liên Hiệp Quốc quy định quyền phủ quyết đối với các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an, điều này thể hiện trách nhiệm đặc biệt của các thành viên Hội đồng Bảo an trong việc bảo vệ hòa bình và an ninh quốc tế.

Là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, Nga và Trung Quốc sẽ duy trì quan điểm thận trọng và trách nhiệm trong vấn đề sử dụng quyền phủ quyết và sẽ luôn tuân thủ nguyên tắc này.

“Quyền phủ quyết” được áp dụng như thế nào?

Trước đây, đã có không ít đề xuất hủy bỏ quyền phủ quyết của 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Những đề xuất này đã nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của các nước phương Tây.

Vấn đề quyền phủ quyết của các Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc từ lâu đã là đề tài nóng trong giải quyết các sự vụ quốc tế. Thực ra, thuật ngữ ”phủ quyết” thực sự chưa bao giờ được dùng trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc, nhưng nó là vấn đề mang tính chất thực tế và được sử dụng rộng rãi trong giới ngoại giao và các phương tiện truyền thông.

Để một nghị quyết được thông qua, nó phải thu hút được 9 phiếu thuận từ tổng cộng 15 nước thành viên của HĐBA (gồm 5 thành viên thường trực là Nga, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Trung Quốc và 10 thành viên không thường trực). 9 phiếu thuận đó tính cả số phiếu tán thành của 5 thành viên thường trực.

Quyền phủ quyết của các thành viên thường trực đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình thông qua một nghị quyết. Bất kể là một nghị quyết nhận được bao nhiêu phiếu thuận, nhưng nếu chỉ 1 trong 5 Ủy viên thường trực phủ quyết thì không một nghị quyết nào của Hội đồng Bảo an được phép thực hiện.

Về thực chất, điều đó gián tiếp thừa nhận năm quốc gia nói trên có vai trò quyết định trong việc giải quyết những vấn đề trọng đại của thế giới.

Đây thực chất là một quyền lực tối thượng mà 5 Ủy viên này có thể lợi dụng để bác bỏ ý kiến của nhau hay dùng để bảo vệ quyền lợi đất nước mình hoặc đồng minh của mình. Trên thực tế đã có nhiều nghị quyết bị phủ quyết bởi 1 trong 5 Ủy viên này, khi nó chống lại chính mình.

Thống kê chính thức cho biết, tính từ năm 1945 – thời điểm Liên Hiệp Quốc được thành lập đến hết thế kỷ 20, Liên Xô cũ và Nga đã sử dụng 120 lần quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an, Mỹ dùng 76 lần, Anh 32 lần, Pháp 18 lần và Trung Quốc mới sử dụng 5 lần.

Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Liên Xô cũ đã thường xuyên dùng quyền phủ quyết của mình để bác bỏ các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.

Gần đây hơn, Mỹ không tiếc tay sử dụng quyền phủ quyết để che chắn cho Chính phủ Israel trước làn sóng chỉ trích của cộng đồng quốc tế hoặc các nỗ lực yêu cầu nước này kiềm chế các hành động quân sự.

Gần hơn nữa là Nga, Mỹ đã thường xuyên sử dụng quyền phủ quyết để bác bỏ các nghị quyết lên án lẫn nhau trong vấn đề giải quyết cuộc nội chiến Syria hay vấn đề hạt nhân Iran hoặc vấn đề Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine…

Vì sao Nga và Trung Quốc không từ bỏ “Quyền phủ quyết”?

Do đó, đã không ít sáng kiến hạn chế quyền phủ quyết của các Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc được đề xuất, ví dụ như hồi tháng 9/2015, Liên Hiệp Quốc đã thảo luận một đề nghị của Pháp, sau đó là đề xuất của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền (UNHCHR) Zeid Ra’ad al-Hussein vào tháng 10/2016, tuy nhiên các sáng kiến đều không thể được thực hiện.

Theo giới phân tích, muốn bãi bỏ quyền phủ quyết của thì cần phải thay đổi Hiến chương Liên Hiệp Quốc và điều này là không thể xảy ra.

Để thông qua việc sửa đổi một vấn đề nào đó trong Hiến chương LHQ, cần có 2/3 số thành viên (ít nhất là 129 quốc gia) bỏ phiếu tán thành, sau đó 2/3 nước thành viên phải phê chuẩn, trong đó có tất cả năm thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Nhưng sẽ rất khó để tất cả các thành viên thường trực phê chuẩn một sửa đổi như vậy trong Hiến chương.

Các quan chức Nga cho rằng, chủ yếu là phương Tây muốn ngăn chặn khả năng Moscow sử dụng quyền này để phủ quyết các nghị quyết do họ đưa ra, gây bất lợi cho Nga và các đồng minh, chẳng hạn như một nghị quyết lên án Syria và đòi tấn công quân sự lật đổ chính quyền Assad.

Việc tìm kiếm 9/15 phiếu thuận trong Hội đồng Bảo an về một vấn đề nào đó là điều không phải quá khó, cái quan trọng là nếu nó bị 1 trong 5 Ủy viên thường trực bác bỏ thì sẽ không được thực hiện. Nếu hạn chế quyền phủ quyết, việc ra nghị quyết sẽ được quyết định bằng số phiếu thuận.

Nếu bỏ quyền phủ quyết, 3 nước Ủy viên thường trực còn lại (Anh, Mỹ, Pháp) dễ dàng áp đảo Nga và Trung Quốc trong xử lý các sự vụ quốc tế, ngược lại, Moscow và Bắc Kinh dù hợp lực cũng không làm gì được các nước phương Tây bởi họ là đồng minh của nhau. Khi đó, Nga và Trung Quốc sẽ hầu như khồng còn quyền quyết định các vấn đề chính trị thế giới.

Do đó, phương Tây luôn muốn sửa đổi Hiến chương theo hướng hạn chế quyền phủ quyết, còn Nga và Trung Quốc sẽ không đời nào chấp nhận điều đó. Mà chỉ cần 1 trong 2 Ủy viên này không phê chuẩn thì việc sửa đổi Hiến chương sẽ không bao giờ thực hiện được.

Categories: Tin-Tức Thế-Giới | Leave a comment

Thách thức ở Biển Đông, từ không trung tới đáy biển

Thách thức ở Biển Đông, từ không trung tới đáy biển

GS James Borton (ĐH Tufts, Mỹ), người đang viết cuốn sách mới về Biển Đông “Dispatches from the South China Sea”, ngày 21/6 gửi cho Tiền Phong bài phân tích kế hoạch Trung Quốc áp đặt vùng nhận diện phòng không, phát triển “con đường tơ lụa thông tin”, thách thức nhiều nước trên thế giới.

Hơn một thập kỷ qua, Trung Quốc lên kế hoạch áp đặt vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Giờ đây, lợi dụng đại dịch toàn cầu COVID-19, biểu tình chống kì thị chủng tộc lan khắp nước Mỹ và vai trò lãnh đạo của Nhà Trắng suy giảm, Bắc Kinh đang thách thức Washington và các nước láng giềng ở châu Á bằng các tuyên bố, kế hoạch về không phận và cáp quang dưới biển. Tháng trước, cơ quan quốc phòng Đài Loan cảnh báo một nguy cơ ngày càng tăng là Trung Quốc sẽ áp đặt ADIZ ở Biển Đông.

Năm 2013, Trung Quốc tuyên bố ADIZ trên Biển Hoa Đông chồng lấn với không phận và các đảo mà Nhật Bản cũng như Đài Loan tuyên bố chủ quyền. Việc Trung Quốc áp đặt ADIZ dẫn tới căng thẳng với Mỹ, Nhật Bản và Đài Loan, nhưng các chuyến bay thương mại vẫn hoạt động bình thường. Thời điểm đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama thúc giục các chuyến bay dân sự tuân thủ nguyên tắc nhận dạng của Trung Quốc. Nhưng giờ đây, cách phản ứng của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ khác, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh. Gần đây nhất, Nhà Trắng cấm tất cả các chuyến bay thương mại chở khách của Trung Quốc bay tới Mỹ.

Vì một ADIZ trên Biển Đông sẽ liên quan vùng trời phía trên các quần đảo Pratas, Hoàng Sa và Trường Sa nên Mỹ tái khẳng định rằng, yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông cũng đe dọa nghiêm trọng quyền tự do đi lại trên các vùng biển. Mỹ vẫn đang duy trì các tiêu chuẩn tự do hàng hải. Trong một tháng qua, Mỹ đã gia tăng hiện diện quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Có thêm tàu hải quân Mỹ và máy bay ném bom B-1 của Không quân Mỹ đi qua khu vực Biển Đông. Mỹ muốn sự hiện diện của mình trong khu vực được các đồng minh, đối tác và Trung Quốc cảm nhận một cách rõ ràng. Gần đây, Trung Quốc liên tục quấy rối một số nước láng giềng có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, như Việt Nam, Philippines, Malaysia. Phía Trung Quốc đâm va tàu cá, quấy nhiễu tàu cảnh sát biển, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của các nước Đông Nam Á này.

Các động thái của Trung Quốc bắt nguồn từ mưu đồ và kế hoạch có hệ thống của họ. Trung Quốc ngang nhiên cải tạo các bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa, biến chúng thành các tiền đồn để triển khai máy bay, hệ thống tên lửa phòng không, radar, khí tài chống tàu nổi, tàu ngầm. Trung Quốc cũng tìm cách gia tăng kiểm soát các mạng lưới toàn cầu và hệ thống cáp dưới biển dùng để truyền thông tin, dữ liệu. “Hầu hết những người theo dõi Biển Đông sát sao nhất đều thấy rằng, các đảo nhân tạo mà Trung Quốc biến thành tiền đồn là nhân tố chính thay đổi cuộc chơi nếu có bất kỳ xung đột Mỹ-Trung nào xảy ra trong tương lai”, ông Greg Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch hàng hải của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ), nhận định.

“Con đường tơ lụa thông tin”

Không chỉ sử dụng ADIZ và các đảo nhân tạo ở Trường Sa để giám sát bầu trời, coi đây là hệ thống cảnh báo sớm, Trung Quốc còn đang phát triển “con đường tơ lụa thông tin”. Đó là hệ thống cáp dưới biển phục vụ cả mục đích dân sự và quân sự. Chúng được dùng để thu thập thông tin giám sát quân sự và khoa học, truyền dữ liệu về Trung Quốc. Việc này tạo ra một nguy cơ an ninh tiềm tàng. Các nhà phân tích cảnh báo rằng, Hải quân Trung Quốc tìm cách gia tăng kiểm soát eo biển Luzon và Biển Đông để nước này tạo ra một khu vực liên kết rộng lớn, có thể kết nối với đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa, đá Chữ Thập, đá Subi và đá Vành Khăn thuộc Trường Sa (của Việt Nam) thông qua mạng cáp quang dưới biển. Các nước cần tìm hiểu sâu về các kênh liên lạc nhạy cảm đóng vai trò quan trọng trong việc thu thập thông tin tình báo và bảo đảm năng lực quân sự.

“Trong khi xem xét các thách thức mà Trung Quốc tạo ra trên bề mặt Biển Đông, chúng ta cũng cần nhìn sâu xuống đáy biển u tối để xem họ làm gì dưới đó”, đô đốc Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu James Stavridis nói. Hiện có khoảng 400 tuyến cáp quang dưới biển truyền dữ liệu với tốc độ gần bằng tốc độ ánh sáng. Khối dữ liệu này bao gồm email, văn bản và các giao dịch tài chính của thế giới trị giá 15.000 tỷ USD.

Các tin khác

Categories: Biển Đông | Leave a comment

Mauricio Osaki: ‘Ấn tượng về Việt Nam sáng tạo, năng động

Posted on by huyentamhh

Mauricio Osaki: ‘Ấn tượng về Việt Nam sáng tạo, năng động’

Mauricio Osaki và các nghệ sĩ tham gia video Bao la Việt Nam
Image captionMauricio Osaki và các nghệ sĩ tham gia video Bao la Việt Nam

Một nghệ sĩ nước ngoài có mặt ở Việt Nam giai đoạn dịch bệnh Covid-19 xâm nhập, nói anh rất ấn tượng với cách chính phủ và người dân Việt Nam đối mặt dịch bệnh.

Hậu Covid-19: Facebook hợp tác quảng bá du lịch Việt Nam

Covid-19 làm thay đổi các mối quan hệ của chúng ta ra sao

Nhìn lại kinh tế Việt Nam 2016-2020: Góc nhìn chuyên gia Nhật Bản

Đạo diễn người Brazil gốc Nhật Mauricio Osaki vừa thực hiện video âm nhạc Bao la Việt Nam, được Facebook và Bộ Kế hoạch – Đầu tư Việt Nam sử dụng để quảng bá du lịch Việt Nam.

Những người Nhật đầu tiên di cư tới Brazil vào năm 1908, khi con tàu Nhật Kasato-Maru cập cảng Santos mang theo 781 người Nhật đầu tiên theo thỏa thuận song phương.

Ngày nay Brazil là nước có cộng đồng gốc Nhật lớn nhất, khoảng 1,5 triệu người.

Ông bà của Mauricio Osaki thuộc số những người Nhật di cư đến Brazil đầu tiên.

“Khác với thế hệ các cụ là những nông dân nghèo, tôi có cơ hội để chọn lối đi cho mình,” anh chia sẻ với BBC News Tiếng Việt.

Yêu thích điện ảnh từ bé, Mauricio Osaki khởi đầu làm phụ tá phim trường cho các đạo diễn nổi tiếng ở Brazil.

Anh được học bổng để học chương trình Master làm phim ở Tisch School of the Arts Asia, phân nhánh của Đại học New York mở ra tại Singapore.

Mauricio Osaki nói: “Tôi luôn quan tâm về châu Á do ông bà. Được sống ở châu Á là cơ hội để kết nối lại với nguồn cội của tôi.”

Mauricio Osaki
Image captionMauricio Osaki

Anh nhớ lại khi còn bé ở Brazil, những lần đi qua nông thôn cùng bố, một kỹ sư mỏ.

“Từ cửa sổ của ô tô, tàu hỏa, tôi nhìn ra ngoài, bị hấp dẫn bởi cảnh vật sống động, con người và những câu chuyện thú vị.”

“Năm 2011, tôi thăm Việt Nam lần đầu tiên và có lại cùng cảm giác thích thú ấy.”

“Lái xe dọc nông thôn, hay đi qua đám đông đô thị, tôi nhìn thấy lại sự sống động, năng lượng ngập tràn ở Việt Nam.”

Tại Việt Nam, Mauricio Osaki hoàn tất bộ phim ngắn 15 phút, My Father’s Truck.

Phim này được chọn vào danh sách sơ khảo 10 phim ngắn của giải Oscar năm 2014. (Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ sau đó chọn 5 phim vào danh sách chung khảo.)

Sau thành công này, Mauricio Osaki được Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ mời gia nhập thành viên.

Anh cho biết cũng nhận được thêm nguồn tài chính để làm một bản dài hơn của bộ phim. Vì thế, kể từ 2018, anh đã sống ở Việt Nam.

Nhóm thực hiện video Bao la Việt Nam
Image captionNhóm thực hiện video Bao la Việt Nam

Thời gian Mauricio Osaki đang quay phiên bản mới của My Father’s Truck, cũng là lúc dịch Covid-19 bắt đầu xảy ra.

Mauricio Osaki bày tỏ: “Khác với phương Tây, tôi nghĩ các chính phủ ở châu Á đã truyền tải thông tin rõ ràng, mang tính tập trung.”

“Tôi không cảm thấy có nguy hiểm khi ở đây.”

“Tôi tin rằng do đã trải qua các trận dịch trước đó, người dân Việt Nam ngay từ đầu đã rất coi trọng tình hình. Họ không sợ hãi, mọi người làm theo đầy đủ hướng dẫn như đeo khẩu trang, rửa tay.”

Mauricio Osaki chia sẻ rằng anh rất ấn tượng với các đối phó tại Việt Nam.

“Không chỉ nhanh chóng, mà chiến dịch truyền thông tại đây đơn giản nhưng vô cùng hiệu nghiệm.”

Vào tháng Năm, ngay sau khi Việt Nam nới lỏng giãn cách xã hội, Mauricio Osaki nhận được cuộc gọi từ công ty Yeah1 bàn về một dự án.

Video âm nhạc Bao la Việt Nam là ý tưởng của Facebook và Bộ Kế hoạch – Đầu tư muốn giới thiệu hình ảnh du lịch Việt Nam.

Để làm video này, họ muốn nhờ đến kỹ thuật và góc nhìn của một người nước ngoài như Mauricio Osaki.

Với Osaki, video này còn là dịp cho anh kết nối và hợp tác với những tài năng trẻ của Việt Nam.

“Mỗi bộ phim đều là quá trình khám phá, đầy ngạc nhiên.”

“Thường xuyên là các bạn trong ê kíp đặt câu hỏi, đề xuất chỉnh sửa, giúp công việc tốt hơn.”

Cuối Facebook tin bởi Bao la Việt Nam

Việt Nam đang hướng đến xây dựng nền công nghiệp điện ảnh tiên tiến, và đây có thể là cơ hội cho các nghệ sĩ nước ngoài đến làm việc.

Mauricio Osaki nhận xét: “Đang có một làn sóng của các nhà làm phim trẻ.”

“Họ muốn đột phá để kể những câu chuyện Việt Nam hấp dẫn, sáng tạo, táo bạo hơn.”

“Nếu họ nhận được thêm sự giúp đỡ của chính phủ, có cơ hội nhận giúp đỡ tài chính của các tập đoàn truyền thông quốc tế, tôi tin là phim của họ sẽ chinh phục được quốc tế.”

Mauricio Osaki và các nghệ sĩ tham gia video Bao la Việt Nam
Image captionMauricio Osaki và các nghệ sĩ tham gia video Bao la Việt Nam
Presentational white space

Sống và làm việc ở Việt Nam, anh thích điều gì nhất tại đây?

Mauricio Osaki: Chắc chắn là con người Việt Nam. Họ rất sáng tạo, linh hoạt để có thể thích ứng dễ dàng.

Người Việt lấy bánh mì baguette của Pháp để làm thành Bánh Mì Việt Nam. Họ làm cà phê ngon hơn khi cho thêm dừa, trứng, sữa đặc. Họ kết hợp với các nền văn hóa khác mà vẫn làm nên văn hóa của mình.

Trong những năm qua, tuy không phải lúc nào cũng ở đây, nhưng tôi cảm nhận đất nước này đang thay đổi rất nhanh. Thanh niên có văn hóa, giáo dục và rất tò mò về thế giới.

Là một nghệ sĩ, được sống trong một văn hóa sôi nổi, đa dạng như thế, có rất nhiều cảm hứng.

Tôi không ở đây để thay đổi cái gì, mà là để chính tôi được thay đổi bởi môi trường kết hợp đa văn hóa. Đó là điều tôi yêu thích nhất.

Có những điều gì chưa hay ở Việt Nam, theo anh?

Mauricio Osaki: Đến từ một quốc gia cũng đang phát triển, tôi tin rằng Việt Nam đối diện cùng những thách thức của một quốc gia đang tăng trưởng quá nhanh.

Sẽ có những thay đổi về môi trường, nhu cầu cơ sở hạ tầng, tầng lớp trung lưu nhiều hơn với mong chờ và giấc mơ lớn hơn.

Là một nhà làm phim trẻ, tôi cũng phải đối diện các vấn đề này: Làm sao tạo ra tác phẩm có ý nghĩa trong một thế giới đang ngày càng vô tâm với con người.

Tuy nhiên, bình tĩnh nhìn lại lịch sử, tôi tin rằng chúng ta đang sống tốt hơn hôm qua, có nhiều thông tin hơn, thế giới kết nối nhiều hơn.

Vì thế, chính thế hệ chúng tôi phải cố gắng làm cuộc sống tốt hơn. Tôi luôn mong muốn mình có thể viết nên những câu chuyện giải thích phần nào giai đoạn điên rồ mà chúng ta đang sống.

Categories: Tin Trong Nước | Leave a comment

Blog at WordPress.com.