Trung Quốc ‘xây tiền đồn’ ở biên giới với Ấn Độ?

Những hình ảnh vệ tinh cho thấy dường như Trung Quốc vừa xây dựng đồn trú mới gần điểm xảy ra đụng độ trên biên giới với Ấn Độ.
Trung Quốc bác bỏ chuyện bắt giữ binh sỹ Ấn Độ
Ông Trump sẽ được gì trong chuyến thăm Ấn Độ?
Thung lũng Galwan: Ấn Độ bác bỏ tuyên bố lãnh thổ của Trung Quốc
Hầm trú ẩn, lều trại và kho chứa quân dụng được thấy rõ tại khu vực này.
Tranh chấp đường biên giữa hai cường quốc hạt nhân gây chú tâm. Có tin nói phía Trung Quốc có thương vong, nhưng con số chưa được xác nhận.
Những hình ảnh mới nhất được đưa ra khi hai bên đang có đàm phán nhằm làm dịu căng thẳng.
Hình ảnh vệ tinh hôm 22/06 là của công ty công nghệ vũ trụ Maxar.
Những tiền đồn này, dường như được Trung Quốc xây, nhìn ra Sông Galwan và không được thấy trong những bức ảnh chụp từ trên cao hồi đầu tháng Sáu, theo Reuters.
Cả Ấn Độ và Trung Quốc chưa bình luận về những hình ảnh này.
Cuộc đụng độ ở Thung lũn Galwan trên vùng lãnh thổ tranh chấp ở Ladakh, thuộc Himalaya, diễn ra hôm 15/06, chỉ vài tuần sau khi chỉ huy quân đội cao cấp từ hai nước đồng ý “giải quyết tình hình ở khu vực biên giới một cách hoà bình theo các thoả thuận song phương khác nhau.”
Kể từ khi xảy ra đụng độ, trong bối cảnh căng thẳng leo thang, chính phủ hai nước tìm cách xoa dịu tình hình một cách chính thức.
Một thông cáo của Bộ Ngoại giao Ấn Độ hôm thứ Tư viết rằng Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị “tái khẳng định rằng hai bên sẽ chân thành thực hiện cam kết không gây chiến và leo thang được chỉ huy cao cấp đồng ý hôm 06/06”.

Những hình ảnh cho thấy gì?
Ajai Shukla, một chuyên gia quân sự Ấn Độ, viết trên Twitter rằng “có một trại Trung Quốc lớn ở Thung lũng Galwan, trên đường LAC [Đường Kiểm soát Thực tế] sâu trong lãnh thổ Ấn Độ 1,5km”.
Truyền thông địa phương cũng dẫn lời quân đội Ấn Độ nói việc xây cất mới của Trung Quốc có vẻ diễn ra trong khoảng thời gian giữa vụ đụng độ hôm 15/6 và các cuộc đàm phán cấp chỉ huy trước đó.
Các hình ảnh vệ tinh từ tháng Năm không cho thấy đồn trú nào trong khu vực gần nơi xảy ra đụng độ.
Cựu nhân viên ngoại giao P Stobdan, một chuyên gia về tình hình Ladakh, nói với BBC việc xây dựng này là “đáng lo ngại”.
Tình hình ở vùng này được mô tả là vẫn “hết sức căng thẳng”.
Trong khi đó, Tổng tư lệnh Quân đội Ấn Độ Tướng MM Naravane dự định đi thăm một tiền đồn trên đường biên hôm thứ Năm. Ông đã đến thăm các vùng tiền đồn khác hôm thứ Tư và rà soát lại khả năng sẵn sàng chiến đấu, quân đội Ấn Độ cho biết.
Điều gì xảy ra ở Thung lũng Galwan?
Truyền thông đưa tin quân đội hai bên đụng độ trên vách núi ở độ cao 4300 mét, và một số binh sỹ Ấn Độ rơi xuống con sng Galwan chảy xiết có nước lạnh dưới 0 độ C.
Ít nhất 76 binh sỹ Ấn Độ bị thương và 20 thiệt mạng. Trung Quốc chưa tiết lộ thông tin về thương vong phía Trung Quốc.
Cuộc đụng độ diễn ra mà không có súng đạn vì hai nước có thoả thuận năm 1996 cấm sử dụng súng và chất nổ ở vùng này.
Khu vực căng thẳng tới mức nào?
Đường Kiểm soát Thực tế, đoạn biên giới có tranh chấp giữa hai nước, được đánh dấu không rõ ràng. Địa phương này có sông ngòi, hồ và các đỉnh núi tuyết phủ khiến đường biên này có thể thay đổi.
Binh sỹ ở cả hai phía đã đối mặt nhiều lần. Ấn Độ đã cáo buộc Trung Quốc điều hàng ngàn quân tới Ladakh ở thung lũng Galwan và nói nước này xâm chiếm 38.000 km vuông lãnh thổ của Ấn Độ.
Nhiều cuộc đàm phán đã diễn ra trong ba thập kỷ qua nhưng đều không giải quyết được tranh chấp biên giới.
Hai quốc gia mới chỉ có một cuộc chiến, hồi 1962, khi Ấn Độ bị thua trận.
Hồi tháng Năm, hàng chục binh sỹ hai bên trực tiếp giao chiến ở vùng biên giới thuộc bang Sikkim, phía Đông Bắc Ấn Độ. Và năm 2017, hai nước đụng độ sau khi Trung Quốc tìm cách mở rộng con đường biên giới qua Doklam, đồng bằng có tranh chấp.
Căng thẳng cũng dấy lên vì một con đường phía Ấn Độ xây dựng ở Ladakh.
Có một vài lý do vì sao căng thẳng lại dấy lên lúc này – nhưng gốc rễ của vấn đề là các mục tiêu chiến lược cạnh tranh nhau, và hai bên đều đổ lỗi cho nhau.
Con đường mới của Ấn Độ được xây ở vùng hẻo lánh nhất dọc Đường Kiếm soát Thực tế ở Ladakh. Con đường này có thể giúp Ấn Độ khả năng di chuyển người và vật dụng nhanh chóng nếu tranh chấp xảy ra.
Các nhà phân tích nói quyết định xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực này của Ấn Độ đã làm Bắc Kinh tức giận.