Các hình ảnh từ vệ tinh hôm thứ Sáu (17/7) cho thấy 8 chiếc máy bay chiến đấu Trung Quốc đã xuất hiện ở quần đảo Hoàng Sa, trong khi các tàu sân bay Mỹ đang thực hiện một cuộc tập trận lần thứ 2 ở Biển Đông nhằm thách thức yêu sách chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh.

BenarNews cho biết trang tin này đã nhìn thấy các hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy các chiến cơ Trung Quốc đậu trên đường băng mà Bắc Kinh xây dựng trái phép trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ít nhất 4 chiếc máy bay có vẻ ngoài giống chiến cơ J-11B hiện đang phục vụ lực lượng Không quân và lực lượng Hàng không Hải quân Trung Quốc. 4 chiếc còn lại có vẻ là một mẫu máy bay chiến đấu khác.

BenarNews đưa tin về 8 chiếc máy bay chiến đấu tại đảo Phú Lâm, nơi bị biến thành căn cứ quân sự lớn nhất của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông, ngày 17/7/2020 (ảnh chụp màn hình BenarNews).

Theo BenarNews, trang tin chuyên về Đông Nam Á, các nhà phân tích cho biết đây là lần tập trung nhiều máy bay chiến đấu nhất từng được phát hiện tại đảo Phú Lâm. Các máy bay quân sự và các tàu chiến Trung Quốc đã xuất hiện tại đảo Phú Lâm trước đó, đặc biệt là trong các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông từ ngày 1-5/7.

Tạp chí Forbes đã đưa tin về sự hiện diện của 4 chiếc chiến cơ J-11B tại Đảo Phú Lâm vào thứ Tư (15/7), nhưng chúng không ở cùng một chỗ vào thứ Năm. Sau đó, chúng xuất hiện trở lại cùng với 4 máy bay chiến đấu khác vào thứ Sáu.

Sự hiện diện của những chiếc máy bay cho thấy Trung Quốc đang tiếp tục quân sự hóa các thực thể mà họ chiếm đóng ở Biển Đông, theo BenarNews.

Cũng hôm 17/7, hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Nimitz và USS Reagan tiếp tục diễn tập ở Biển Đông, sau khi Mỹ ra thông cáo bác bỏ hầu hết yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại vùng biển chiến lược này.

Theo BenarNews, ông David Stilwell, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, cho biết chính quyền Tổng thống Donald Trump đang xem xét các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc chịu trách nhiệm xây dựng các căn cứ của Bắc Kinh ở Biển Đông, như đảo Phú Lâm.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra một phản ứng nghiêm khắc đối với cảnh báo đó của Mỹ hôm 15/7, nói rằng Bắc Kinh “sẽ tiếp tục giữ vững chủ quyền, an ninh, cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp của chúng tôi”.

Phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: “Chúng tôi hy vọng Hoa Kỳ sẽ không đi xa hơn trên con đường sai lầm”.

Ông Zack Cooper, một nhà nghiên cứu tại Viện Doanh nghiệp Mỹ có trụ sở tại Washington, nói với BenarNews rằng Trung Quốc có thể sử dụng các cuộc diễn tập quân sự và việc thay đổi chính sách của Hoa Kỳ như một cái cớ để họ có thể làm bất kỳ điều gì, kể cả việc triển khai chiến cơ hiện diện thường xuyên ở đảo Phú Lâm.

Ông Cooper nói: “Tôi nghĩ rằng người Trung Quốc có thể đang lợi dụng [lập trường của Mỹ ở Biển Đông] để làm cái cớ để đưa các máy bay chiến đấu vào hòn đảo này, họ luôn có ý đồ như vậy, và họ nghĩ rằng đây là thời điểm tốt để làm điều đó, khi mà họ có thể thử làm và đổ lỗi cho Hoa Kỳ”.

Tuy nhiên, ông nói: “Tôi không nghĩ điều này có thể dẫn đến một cuộc xung đột trực tiếp nào đó. Tôi nghĩ có dấu hiệu rõ ràng cho thấy Bắc Kinh sẽ sử dụng điều này làm cơ hội để tăng cường hiện diện trong khu vực”.

Chính quyền Tổng thống Trump gần đây đưa ra hàng loạt quyết sách đối đầu với Trung Quốc trong nhiều vấn đề, từ Biển Đông đến Hồng Kông, vấn đề nhân quyền cho người dân tộc Duy Ngô Nhĩ. Có thông tin cho biết Nhà Trắng đang xem xét kế hoạch cấm nhập cảnh đối với toàn bộ các đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và gia đình của họ.

Các nhà phân tích nhận định chính quyền Trump coi ĐCSTQ là kẻ thù số 1 của Hoa Kỳ và khả năng đang xây dựng một liên minh quốc tế để chống lại các mối nguy hại từ ĐCSTQ.