Tuyên bố của Mike Pompeo về Biển Đông “là rất đáng hoan nghênh

Tuyên bố của Mike Pompeo về Biển Đông “là rất đáng hoan nghênh”

A satellite image of Subi Reef, an artificial island being developed by China in the Spratly Islands in the South China Sea

Chụp lại hình ảnh,Mỹ cáo buộc Trung Quốc quân sự hóa trên Biển Đông

Giới quan sát nói với BBC về thực chất các tuyên bố và động thái của Mỹ về Biển Đông mới đây là gì.

Họ chia sẻ nhận xét về tính mới và tác động về chất với an ninh ở Biển Đông khu vực ra sao, đặc biệt trước các bước đi và kế hoạch lâu nay của Trung Quốc.

Phó Giáo sư Jonathan London (Đại học Leiden, Hà Lan): Tôi thấy là về nội dung không có gì mới lắm, nhưng mà cách nói mạnh hơn so với trước và điều đó tôi thấy đó là một tiến bộ, có thể nói đó là một điều duy nhất mà tôi thấy là chế độ của Trump đã làm được đó là có một tiếng nói rất rõ rằng tất cả những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Và để có tuyên bố này, tôi nghĩ là cũng có một giá trị nhất định đối với toàn khu vực.

Cái mà hơi tiếc là trong tuyên bố Mỹ chưa nêu ra một phương án, một cách mà các nước trong khu vực có thể kết hợp cùng nhau để bảo vệ quyền lợi nói chung của các nước. Nhưng tôi đồng ý hoàn toàn rằng đây là một thay đổi mà không chỉ là về nội dung, mà về mức độ rõ ràng về động thái của Mỹ ở Biển Đông và điều đó thì tôi rất là hoan nghênh.

‘Cơ hội tranh thủ’

Giáo sư Ngô Vĩnh Long (Đại học Maine, Hoa Kỳ): Vấn đề mới ở đây là Mỹ khẳng định phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực The Hague (trong vụ Philippines thắng kiện Trung Quốc mấy năm trước) là đúng đắn và Trung Quốc đã phạm pháp. Lần này Mỹ nói rất rõ là Mỹ ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài nói trên và nói những hoạt động từ đó đến nay của Trung Quốc là vi phạm pháp luật quốc tế thì đó là vấn đề luật pháp, thành ra Mỹ sẽ đưa vấn đề này ra các cuộc họp đa phương hay là song phương sắp tới và như vậy các nước khác cũng sẽ có lợi thế để mà tranh thủ.

Phó Giáo sư Hoàng Ngọc Giao (Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển): Tuyên bố và động thái trong tuần này cuả Mỹ về Biển Đông – đánh dấu một bước đi nhất quán, cứng rắn trong chính sách đối ngoại của Mỹ trước những hành vi hung hăng, bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông, khẳng định lập trường của Mỹ không cho phép Trung Quốc phá hoại trật tự dựa trên pháp luật quốc tế tại Biển Đông.

Đây là một nội dung mới trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, tạo nên một sự thay đổi căn bản trong an ninh tại Biển Đông. Đối với các nước ASEAN, đặc biệt là các nước ven Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Hoa kỳ tiếp tục khẳng định sự ủng hộ nhất quán cho nỗ lực của những nước này đấu tranh chống lại các hành vi ức hiếp, phiêu lưu quân sự của Bắc Kinh tại Biển đông. Đối với Trung Quốc, đây là sự cảnh báo nghiêm khắc về chiến lược của Bắc Kinh độc chiếm Biển Đông với các hành vi phá hoại Luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước quốc tế LHQ năm 1982 về Luật Biển.

Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp (nhà nghiên cứu cao cấp khách mời, Viện Iseas, Singapore): Thực chất, là Mỹ phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với đường 9-đoạn và các phần nằm ngoài 12 hải lý mấy bãi cạn mà Trung Quốc đang chiếm giữ và đắp thành đảo nhân tạo. Điều này không có nghĩa là Mỹ công nhận Trung Quốc có chủ quyền ở các bãi cạn đó!

Tuyên bố ngày 13 tháng 7 của ngoại trưởng Mỹ Pompeo về công nhận chủ quyền, thì không mới: từ tháng 6 năm 2017, các bộ trưởng quốc phòng Mỹ (Mattis, Shanahan, Esper) đã tuyên bố nhiều lần trong nhiều dịp (trên Website, trong các cuộc gặp song phương, trong các diễn đàn an ninh khu vực…). Tuyên bố của ông Pompeo lần này có hai điểm mới, là bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc cụ thể đối với vùng bãi Tư Chính của Việt Nam, vùng Lucosia thuộc Malaysia, và vùng Natuna Besar thuộc Indonesia. Điểm mới thứ hai, là “Mỹ sát cánh cùng các đồng minh và đối tác Đông Nam Á của chúng tôi trong việc bảo vệ quyền chủ quyền của họ đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi, phù hợp với quyền và nghĩa vụ của họ theo luật pháp quốc tế. Chúng tôi sát cánh với cộng đồng quốc tế để bảo vệ tự do trên các vùng biển và tôn trọng chủ quyền và bác bỏ bất kỳ cố gắng nào nhằm áp đặt trò “kẻ mạnh làm ra lẽ phải” ở Biển Đông hay khu vực rộng lớn hơn.” Hai điểm mới này cho thấy Mỹ khẳng định thượng tôn nền tảng công pháp quốc tế và gần như coi các nước ven biển Asean như là đồng minh của Mỹ!

Nhà báo tự do Song Chi (cựu Đạo diễn truyền hình): Vấn đề vừa mới vừa không mới. Theo tôi, mới là thái độ rõ ràng hơn. Bác bỏ thẳng thừng các yêu sách của Trung Cộng trên biển Đông, vạch mặt rõ tham vọng phi lý của Trung Cộng, sự bắt nạt của Trung Cộng đối với các nước láng giềng. Nhưng còn nội dung thì không có gì mới vì vẫn là theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (United Nations Convention on the Law of the Sea)

Mặt khác, ý của người Mỹ cũng rõ ràng mà theo tôi là tranh chấp chủ quyền biển đảo là chuyện của các quốc gia liên quan, Mỹ không can thiệp vào, nhưng Trung cộng không thể độc quyền ngăn cản tự do hàng hải của người Mỹ tại Biển Đông. Lợi ích của Mỹ là ở đó. Như vậy, đối với Việt Nam chẳng hạn, chuyện làm sao để lấy lại Hoàng Sa, một phần Trường Sa, hay làm sao giữ được các đảo còn lại ở Trường Sa là chuyện của Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng

Chụp lại hình ảnh,Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng

Trung Quốc phản ứng?

Khi được hỏi về phản ứng của Trung Quốc và đặc biệt là nước này có thể sẽ có quyết sách đối phó ra sao, chẳng hạn như ‘rút củi đáy nồi’ hay ‘leo thang’ hoặc tìm một giải pháp nào đó tránh đối đầu chiến lược và tiến tới mặc cả để ‘cùng thắng’ với Mỹ, các nhà quan sát, bình luận đáp:

Phó Giáo sư Hoàng Ngọc Giao: Phản ứng của Trung Quốc – vẫn như từ trước, bác bỏ, ngụy biện, dối trá. Họ cho rằng tình hình Biển Đông – vẫn bình yên (đâm chìm tàu cá, thường xuyên xâm phạm vùng Đặc quyền kinh tế của Việt Nam, quấy rối đảo, vùng biển của Philippines, Malaysia, v.v…); Trung Quốc đang cùng các nước ASEAN đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC) (đã 20 năm nay, họ câu giờ để thực hiện các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông, đâu có thể tin được!); Trung quốc cho rằng Hoa kỳ, quốc gia ngoài khu vực, đang gây căng thẳng tại Biển Đông. Biển Đông là Biển của tự do hàng hải, hàng không của tất cả các quốc gia trên thế giới, là Biển bao gồm các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của các nước ven Biển Đông phù hợp Luật Biển quốc tế; Biển Đông không phải là ao nhà của Trung Quốc. Cũng như mọi quốc gia khác, Hoa Kỳ là một quốc gia có trách nhiệm và uy tín trong việc đảm bảo duy trì Luật pháp quốc tế tại bất nơi đâu, cũng như tại Biển Đông.

Trung Quốc sẽ không ‘rút củi đáy nồi’, ‘xuống thang’ sau Tuyên bố ngày 13/7/2020 của Ngoại trưởng Hoa Kỳ về Biển Đông. Họ vẫn xử lý vấn đề Biển Đông như đã làm đối với Hongkong. Trung Quốc cũng khó có thể đánh đổi, mặc cả theo cách ‘cùng thắng’ với Hoa Kỳ về Biển Đông. Hoa Kỳ không thể tự đánh mất uy tín quốc tế cũng như lợi ích địa chiến lược lâu dài của mình tại Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể dùng các mưu kế không sạch sẽ để gây áp lực, mua chuộc, dụ dỗ một vài nước trong khối ASEAN ủng hộ từng hành vi chính trị pháp lý của Trung Quốc trong việc thực thi chiến lược bành trướng, thâu tóm Biển Đông.

ASEAN đã đoàn kết hơn dưới sự dẫn dắt của Việt Nam?

Chụp lại hình ảnh,ASEAN đã đoàn kết hơn dưới sự dẫn dắt của Việt Nam?

Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp: Trung Quốc đương nhiên phản đối quan điểm trên đây của Mỹ. Bắc Kinh nói Mỹ không phải là nước ở biển Đông, không tham gia UNCLOS 1982, tuyên bố của Mỹ gây căng thẳng… và rằng Trung Quốc sẽ chống lại quan điểm đó bằng hành động. Tờ Hoàn Cầu Thời báo của Trung Quốc còn nói Trung Quốc sẵn sàng đối đầu quân sự với Mỹ ở biển Đông và eo Đài Loan.

Mỹ đang đẩy mạnh hoạt động, cùng các đồng minh và bạn bè (ở Đông Nam Á) để giúp các nước bảo vệ chủ quyền của mình đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi.

Tình hình ở biển Đông sẽ ngày càng căng thẳng – Trung Quốc tiếp tục chèn ép Việt Nam, Malaysia, Philippines và Indonesia, vì Trung Quốc ngày càng kiên quyết với tuyên bố chủ quyền của họ đối với đường 9-đoạn ở biển Đông. Mặc dù không bên nào muốn chiến tranh, nhưng rủi ro xung đột vũ trang đang càng ngày cao.

Nhà báo tự do Song Chi: Có thể thấy là ngay lập tức người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Cộng hay một vài quan chức Trung Cộng đã lên tiếng phản ứng mạnh mẽ. Sắp tới tôi nghĩ chắc chắn Bắc Kinh cũng sẽ tiếp tục phản ứng mạnh bằng mồm, hù dọa nhau, hoặc cùng lắm, đôi bên sẽ có một vài động thái trả đũa về kinh tế, nhưng còn leo thang xa hơn để dẫn tới một cuộc đối đầu về quân sự thì không. Từ trước tới nay Trung Cộng vẫn tránh đối đầu về mặt quân sự, trừ phi họ chắc thắng hoặc trong nếu cuộc chiến chỉ diễn ra một thời gian ngắn, như chiến tranh biên giới với Ấn độ năm 1962 hay với Việt Nam năm 1979.

Còn một cuộc chiến tranh kéo dài là điều mà Trung Quốc không hề có kinh nghiệm và cũng bao giờ muốn, hơn ai hết họ biết nếu đối đầu với Mỹ, hay ngay cả đối đầu với Ấn hay Việt Nam trong một cuộc chiến kéo dài họ sẽ mất rất nhiều. Thành quả kinh tế bao nhiêu năm, những bất ổn trong nước sẽ bùng phát, người dân Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ, Hong Kong sẽ nhân đó vùng dậy v.v… Trung Cộng đã, đang và sẽ lựa chọn con đường khác, thắng mà không cần phải tốn một viên đạn, thắng về quyền lực mềm, về tranh giành ảnh hưởng trên thế giới, thắng trong lĩnh vực kinh tế, công nghệ, hoặc len lỏi, tìm cách lôi kéo, mua chuộc các nước nhỏ có thể chế chính trị phi dân chủ trong khi xói mòn, phá hoại các thể chế dân chủ khác trên thế giới v.v…Trung Cộng càng không dại gì để đối đầu về quân sự với Mỹ.

Nhưng về lâu về dài cả hai bên Mỹ và Trung Cộng đều hiểu rõ tầm quan trọng của vủng biển này. Nếu Trung Cộng khống chế được vùng biển này họ sẽ mạnh lên gấp bội. Mỹ cũng hiểu như vậy. Mặc cả để cùng thắng? Điều này hơi khó vì không thể mặc cả khi quyền lợi, vị trí của hai bên đang xung đột với nhau, mặt khác, Bắc Kinh lại tham lam và có tham vong quá lớn, nên rất khó mà mặc cả với một chế độ như vậy.

Biển Đông là lá bài?

Trước câu hỏi liệu cả hai chính quyền và ban lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đứng đầu bởi Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình có đang sử dụng ‘Biển Đông’ như một lá bài phục vụ cho các mục đích chính trị xuất phát từ đối nội của họ hay không, hay là đây là một ván cờ chiến lược thực sự được hai bên tư duy đường dài, các ý kiến bình luận chia sẻ với BBC:

Phó Giáo sư Hoàng Ngọc Giao: Lập trường cứng rắn của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc là nhất quán trên các phương diện kinh tế, nhân quyền. Lập trường này được thể hiện cũng rất rõ rầng trong các vấn đề chính trị và an ninh quốc tế (Hongkong, Đài Loan, Biển Đông), và nhận được sự ủng hộ rộng rãi không chỉ ở hai Đảng Cộng hòa và Dân chủ, mà phần đông cử tri Mỹ đều đồng tình. Đây là bước đi có tính toán của chính quyền của Tổng thống Trump, chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 3/11/2020.

Ông Tập Cận Bình có thể sẽ sử dụng sự phản bác cứng rắn của Hoa Kỳ về hành vi bành trướng của Trung Quốc như một công cụ để đề ra chính sách quân sự phiêu lưu, kích động tinh thần dân tộc cực đoan tại Trung Quốc, nhằm củng cố địa vị thống trị trong Đảng của mình, như Đặng Tiểu Bình đã từng làm khi tiến hành xâm lược Việt Nam trong các năm từ 1979 – 1988.

Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp: Tuyên bố chủ quyền đối với đường 9 đoạn bỏi Trung Quốc là chính sách cốt lõi, chứ không phải lá bài của Bắc Kinh! Mỹ phản đối tuyên bố đó cũng không phải lá bài, đó là thành phần quan trọng trong chiến lược an ninh quốc gia và chiến lược quốc phòng của Mỹ, ở đó, Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược!

Nhà báo tự do Song Chi: Tôi cho là có. Cả hai, Mỹ và Trung Quốc đều đang có những vấn đề của mình. Về phía những quốc gia độc tài như Trung Cộng, một trong những chiêu trò quen thuộc mà họ thường sử dụng là “chuyển lửa ra bên ngoài”, giảm bớt những vấn đề căng thẳng trong nội bộ bằng cách tạo xung đột bên ngoài, một phần còn nhằm thúc đẩy tinh thần dân tộc của nhân dân. Tập Cận Bình chắc chắn không lạ gì những trò này. Về phía Mỹ, TT Donald Trump đang phải đối mặt với những bất lợi trước mùa bầu cử sắp đến, do cách xử lý kém của chính phủ Mỹ trong đại dịch COVID-19 dẫn đến việc nước Mỹ có số lượng người bị nhiễm coronavirus và số người chết cao nhất thế giới, và hiên tại tình hình dịch bệnh vẫn chưa có chiểu hướng lạc quan, điều này đã tạo nên sự chỉ trích của đa số người dân Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp cao do dịch bệnh, bên cạnh đó là những sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Mỹ, phong trào Black Lives Matter…

Trước tình hình đó, việc cứng rắn Trung Cộng rõ ràng là một chủ đề đạt được sự đồng thuận của cả hai phe Dân Chủ và Cộng hòa, và cả Tổng thống Trump lẫn ứng cử viên đảng Dân Chủ Joe Biden đều đang tìm cách chứng tỏ ai cứng rắn hơn với Trung Cộng.

Tuy nhiên, hiện tại đối phó với Trung Cộng cũng là một ván cở chiến lược lâu dài của Mỹ. Trung Cộng dưới thời của Tập Cận Bình đã bộc lộ rõ tham vọng muốn vươn lên thách thức vị trí của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thậm chí trên toàn cầu. Cho nên tôi cho rằng sắp tới dù là đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa lên nắm quyền thì cũng sẽ có chính sách kìm chế Trung Cộng về mọi mặt. Và các nước từ tây Âu, Úc, Canada, Hàn, Nhật…cũng thế, có thể vẫn tiếp tục làm ăn với Trung Cộng nhưng sẽ cảnh giác, sẽ tìm cách để không quá lệ thuộc vào “công xưởng” Trung Quốc và sẽ không tin cậy, không coi Trung Cộng là bạn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ảnh ngày 20/5

Chụp lại hình ảnh,Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ảnh ngày 20/5

Đối sách thế nào?

Khi được hỏi liệu Việt Nam và và các quốc gia trong khu vực, trong đó có các quốc gia ở khối Đông Nam Á (Asean), mở rộng hơn có Nhật Bản, Đài Loan và kể cả Úc, nên nhận thức chuyển động mới được loan báo trong chính sách của Mỹ về Biển Đông và trước Trung Quốc mới đây ra sao, đặc biệt riêng với Việt Nam nên có đối sách thế nào, các nhà quan sát nêu quan điểm:

Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp: Quan điểm của Mỹ trong tuyên bố ngày 13 tháng 7 trùng hợp với quan điểm của Việt Nam về vùng bãi Tư Chính – tức là vùng Bãi Tư Chính là của VN, không có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở đó, vì Trung Quốc không có chủ quyền ở đó. Nhật Bản và các nước khác trong khu vực (như Australia, New Zealand…) và các nước khác (như UK, Pháp…) đều ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc luật, cho nên các nước sẽ tiếp tục hành động vì trật tự quốc tế đó! Đài Loan tiếp tục chống lại chính sách một nước, hai chế độ của Bắc Kinh; tiếp tục xây dựng thể chế dân chủ và tự do ở Đài Loan!

Nhà báo tự do Song Chi: Chuyển đông mới đó là Mỹ sẽ bảo vệ lợi ích của họ trong khu vực này và như vậy các nước cũng sẽ có lợi. Riêng đối với Việt Nam, quốc gia bị bắt nạt nặng nề nhưng chỉ dám mở mồm “quan ngại suông”, Việt Nam cần phải mạnh mẽ hơn. Việt Nam cũng nên cân nhắc đưa các vụ kiện Hoàng Sa, Trường Sa ra tòa án quốc tế, thứ nhất vì thời hạn 50 năm đối với Hoàng Sa sắp hết, thứ hai, nếu khởi kiện, có phán quyết từ tòa án, ví dụ như trong trường hợp Philippines, Mỹ và các nước phương Tây cũng dễ có cơ sở pháp lý để ủng hộ VN hơn.

Cũng mới đây, có thông tin trên truyền thông quốc tế cho rằng Việt Nam đã đồng ý trả (bồi thường) khoảng một tỷ đô la cho hai công ty dầu khí quốc tế sau khi hủy các dự án của họ trên Biển Đông vì “áp lực” từ Trung Quốc, bình luận về tính cơ sở của việc này và ý nghĩa của nó, các nhà phân tích và quan sát nói với BBC:

Phó Giáo sư Hoàng Ngọc Giao: Căn cứ những thông tin trên truyền thông quốc tế, còn truyền thông Việt Nam thì dường như không ai được biết đến cả, thì rõ ràng có hai sự kiện xảy ra vào năm 2016 cũng như là 2018, liên quan mỏ Lan Tây, cũng như mỏ Cá Rồng Đỏ và liên quan công ty thăm dò khai thác dầu khí Repsol của Tây Ban Nha mà họ đã ‘buộc phải rút đi’. Câu chuyện đó theo truyền thông quốc tế, cũng như theo dư luận không chính thức trong nước, là có sự kiện như vậy. Việt Nam đã buộc phải dừng hợp tác với công ty Repsol của Tây Ban Nha trong việc khai thác các lô dầu khí nằm trên thềm lục địa của Việt Nam, đây là thông tin không chính thức trong nước, nhưng truyền thông quốc tế có đưa.

Về giá trị mà việt nam phải bồi thường cho Repsol mà thông tin gần đây nhất cho rằng là hơn 1 tỷ USD, thì con số có lẽ phải kiểm chứng, nhưng vấn đề không ở việc phải bồi thường bao nhiêu, cái đó cũng quan trọng một phần là trong lúc mà Việt Nam về ngân sách quốc gia đang rất thiếu hụt như vậy, tôi không nói là hoàn toàn không quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn rất nhiều đó là thể hiện một hành vi ức hiếp, bắt nạt, chèn ép từ phía Trung Quốc đối với Việt Nam trong việc Việt Nam thực hiện quyền chính đáng của mình khai thác tài nguyên ở vùng đặc quyền kinh tế, ở vùng thềm lục địa của mình. Có lẽ nó cũng nằm trong sự kiện mà nằm trong hàm ý của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo khi nhắc đến rằng Trung Quốc đã có những hành vi ức hiếp và làm suy yếu quyền chủ quyền trong khai thác tài nguyên của các nước ven Biển Đông, tôi nghĩ rằng đây chính là một ví dụ rõ ràng nhất…

Nhà báo tự do Song Chi: Tôi không rõ về số tiền, nhưng nếu có việc này, thì nó sẽ một lần nữa cho thấy Hà Nội bị Bắc Kinh bắt nạt nghiêm trọng có thể ra sao cũng như những thiệt thòi kinh tế nặng nề của VN trên vùng biển này thế nào vì sự tham lam, hung hăng của Trung Cộng.

Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp: Đến nay không có quốc gia hay tổ chức liên quan có thẩm quyền nào khẳng định hay phủ nhận thông tin này, vì thế tôi không có nhận định gì! “Có cơ sở” là thứ rất ít liên quan đến “đúng, sai” – nên cũng không thể có nhận định gì!

Giáo sư Ngô Vĩnh Long: Tôi có biết câu chuyện này và tôi thấy rằng tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ gần đây cũng nhắc đến chuyện này, mặc dù ông không nói rõ và cho rằng Trung Quốc đã phạm pháp mà cụ thể là vấn đề dầu mỏ này là nằm trong thềm lục địa của Việt Nam, mà Trung Quốc uy hiếp một công ty nước ngoài để họ sợ và họ buộc phải rời và Việt Nam phải bồi thường. Không biết bồi thường bao nhiêu, nhưng đây là vấn đề Mỹ và các nước khác cho là phi pháp.

Advertisement
Categories: Chính-Trị Thời-Sự | Leave a comment

Post navigation

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Create a free website or blog at WordPress.com.

%d bloggers like this: