Daily Archives: July 20, 2020

Điểm tin trong nước tối 19/7: Tuyển thầu làm nhà máy điện, nhà thầu Trung Quốc chiếm đa số

Điểm tin trong nước tối 19/7: Tuyển thầu làm nhà máy điện, nhà thầu Trung Quốc chiếm đa số

Tâm Tuệ | ĐKN 20 giờ trước 4,112 lượt xem
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 công suất 1.200 MW được thực hiện theo hình thức BOT, tổ hợp nhà đầu tư gồm Công ty Lưới điện Phương Nam Trung Quốc (CSG), Công ty Điện lực quốc tế Trung Quốc (CPIH), Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (ảnh: qhplus).
Mục điểm tin trong nước tối Chủ nhật (19/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:

Quảng Nam cách ly 21 người Trung Quốc bỏ chạy khỏi khu lưu trú khi bị kiểm tra

VnExpress cho biết, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam vừa cách ly 21 người Trung Quốc sau khi nhóm này bỏ chạy tán loạn ra khỏi một khu lưu trú khi bị lực lượng chức năng kiểm tra.

Thông tin đã được Đại tá Lê Chí Cương – trưởng Phòng quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Quảng Nam xác nhận với báo chí trong nước hôm 19/7.

Trước đó, chiều 18/7, nhận tin báo của người dân, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra tại một khu lưu trú tại P.Điện Dương (TX.Điện Bàn) thì phát hiện một nhóm hàng chục người Trung Quốc đang lưu trú tại đây.

Khi thấy lực lượng chức năng, nhóm người này bỏ chạy tán loạn. Cơ quan chức năng đã tạm giữ một số người Trung Quốc sau đó tiếp tục truy tìm, phát hiện có 21 người. Tất cả được đưa vào khu cách ly tập trung ở TP. Tam Kỳ. Hiện vụ việc đang được giới chức Quảng Nam tiến hành điều tra.

Đắk Nông ghi nhận thêm 2 ca nhiễm bạch hầu

Báo chí trong nước hôm 19/7 cho biết Sở Y tế tỉnh Đắk Nông vừa ghi nhận thêm 2 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu tại bon Philơte, xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức. Nâng số trường hợp nhiễm dịch bạch hầu ở tỉnh này lên 32 trường hợp, trong đó có 2 trường hợp đã tử vong.

Hai trường hợp mới nhất bao gồm 1 cháu 11 tuổi và 1 cháu 14 tuổi, nhập viện hôm 15/7 với triệu chứng sốt, ho, đau họng.

Hiện lực lượng chức năng đã tiến hành cách ly toàn bộ các gia đình tại ổ dịch, tiêm vắc xin phòng dịch cho hơn 630 người trong bon Philơte.

Tuyển thầu làm nhà máy điện, nhà thầu Trung Quốc chiếm đa số

Theo Thời báo Mỹ, báo cáo cập nhật tình hình thực hiện các dự án điện trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực, Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam (TKV), hai dự án đang chuẩn bị các bước đầu tư gồm Dự án nhiệt điện Na Dương 2 công suất 110 MW và Dự án nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 công suất 2×600 MW.

Ngày 6/1/2020, chủ đầu tư đã phát hành hồ sơ mời thầu gói thầu EPC dự án nhiệt điện Na Dương 2, đóng thầu vào ngày 8/4.

Hiện dự án đã có 16 nhà thầu mua hồ sơ mời thầu, hầu hết là nhà thầu Trung Quốc, theo Ban Chỉ đạo quốc gia.

Với dự án nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1, TKV nhận được 8 bộ hồ sơ quan tâm, trong đó có 7 nhà đầu tư Trung Quốc và 1 nhà đầu tư Việt Nam.

Theo TKV, nếu lựa chọn được nhà đầu tư và được Thủ tướng chấp thuận vào cuối năm 2020, dự án nhiệt điện Quỳnh Lập 1 có thể hoàn thành, đưa vào vận hành vào năm 2026-2027.

Advertisement
Categories: Tin Trong Nước | Leave a comment

Sứ quán Mỹ – Trung ở Myanmar khẩu chiến

Sứ quán Mỹ – Trung ở Myanmar khẩu chiến

Đại sứ quán Trung Quốc ở Myanmar cáo buộc Mỹ bôi nhọ nước này, sau khi sứ quán Mỹ nói Bắc Kinh “phá hoại chủ quyền các nước láng giềng”.

Đại sứ quán mỹ tại Myanmar Scot Marciel ở Yangon năm ngoái.

Đại sứ quán Mỹ tại Yangon hôm 18/7 ra tuyên bố gọi các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là một phần của chiến dịch “lớn nhằm phá hoại chủ quyền của các nước láng giềng”. Họ cũng chỉ trích việc Trung Quốc ban hành luật an ninh ở Hong Kong.

Họ nói rằng có sự tương đồng giữa các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông và Hong Kong với các dự án đầu tư quy mô lớn của Trung Quốc vào Myanmar mà Mỹ cảnh báo có thể trở thành bẫy nợ, cùng với việc buôn bán phụ nữ từ Myanmar sang Trung Quốc làm cô dâu và buôn ma túy từ Trung Quốc vào Myanmar.

“Đây là cách chủ quyền hiện đại thường bị mất, không phải thông qua những hành động kịch tính, công khai, mà qua một loạt hành động nhỏ hơn dẫn đến xói mòn theo thời gian”, đại sứ quán Mỹ nói trong tuyên bố.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Yangon hôm nay ra tuyên bố đáp trả, nói rằng các cơ quan Mỹ ở nước ngoài đang làm “những điều đáng ghê tởm” để kiềm chế Trung Quốc và đã thể hiện “bộ mặt ích kỷ, đạo đức giả, đáng khinh và xấu xí”.

Sứ quán Trung Quốc nói thêm rằng tuyên bố của Mỹ thể hiện thái độ đố kỵ đối với “mối quan hệ Trung Quốc – Myanmar ngày một tốt đẹp” và “lại là một trò hề của giới chức Mỹ nhằm lái sự chú ý khỏi các vấn đề trong nước, tìm kiếm lợi ích chính trị ích kỷ”.

“Trước tiên, Mỹ nên soi mình vào gương xem giờ họ có còn ra dáng nước lớn hay không”, tuyên bố của sứ quán Trung Quốc có đoạn.

Myanmar ngày càng trở thành chiến trường ảnh hưởng Mỹ – Trung, kể từ khi mối quan hệ giữa chính quyền Aung San Suu Kyi và phương Tây trở nên căng thẳng vì cách Myanmar đối xử với cộng đồng người Hồi giáo Rohingya.

Nhà sử học Thant Myint-U cho biết mặc dù Myanmar có giá trị kinh tế không đáng kể đối với Mỹ – Trung, họ có tầm quan trọng chiến lược là cầu nối giữa Trung Quốc đại lục và Vịnh Bengal ở đông bắc Ấn Độ Dương.

“Kể từ khi độc lập năm 1948, Myanmar cố gắng làm bạn với tất cả mọi bên, nhưng không rõ liệu có thể duy trì điều đó khi cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường ngày càng dữ dội hay không”, ông nói.

Căng thẳng Mỹ – Trung sục sôi vì một loạt vấn đề. Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 13/7 đăng tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo, bác bỏ hầu hết yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Washington khẳng định Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý nào cho yêu sách “đường chín đoạn”, cho rằng thế giới quan kiểu ức hiếp của Trung Quốc sẽ không có chỗ trong thế kỷ 21.

Tổng thống Mỹ Trump hôm 15/7 cho biết ông không loại trừ biện pháp trừng phạt bổ sung đối với quan chức Trung Quốc sau khi ký ban hành Đạo luật Tự trị Hong Kong. Ngoại trưởng Mike Pompeo thông báo Mỹ cũng sẽ hạn chế thị thực đối với một số nhân viên các công ty Trung Quốc, bao gồm Huawei.

Bắc Kinh phản đối các lệnh trừng phạt của Washington xoay quanh luật an ninh Hong Kong và chỉ trích quan chức Mỹ “can thiệp thô bạo” các vấn đề nội bộ của Trung Quốc, đồng thời cảnh báo sẽ thực hiện các phản ứng cần thiết đối với “hành động sai trái” này.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 17/7 chỉ trích Mỹ “một mực theo đuổi chính sách ‘nước Mỹ trước tiên’, đẩy chủ nghĩa vị kỷ, chủ nghĩa đơn phương và hành vi bắt nạt đến giới hạn”. Ông nói rằng Mỹ “thực sự mất trí, đạo đức và cả uy tín” khi “sử dụng đến những biện pháp cực đoan và thậm chí tạo ra các điểm nóng đối đầu trong các mối quan hệ quốc tế”.

Categories: Tin-Tức Thế-Giới | Leave a comment

Khu cách ly Đồng Tháp: Sản phụ sinh ‘thai nhi đã chết

Khu cách ly Đồng Tháp: Sản phụ sinh ‘thai nhi đã chết’

Thai phụ sinh non trong cách ly tập trung ở Bệnh viện Dã chiến Trường quân sự địa phương tỉnh Đồng Tháp.

Chụp lại hình ảnh,Thai phụ sinh non trong cách ly tập trung ở Bệnh viện Dã chiến Trường quân sự địa phương tỉnh Đồng Tháp.

Một phụ nữ mang thai tuần thứ 30 hạ sinh ngay trong khu cách ly nhưng bác sỹ chỉ cứu sống được người mẹ.

Tin cho hay thai phụ 35 tuổi nằm trong số 241 công dân Việt Nam được đưa từ Philippines về Cần Thơ và sau đó di chuyển tới điểm cách ly tập trung ở Bệnh viện Dã chiến Trường quân sự địa phương tỉnh Đồng Tháp.

Thai phụ được tiếp nhận cách ly vào tối 18/07 và có dấu hiệu chuyển dạ vào sáng 19/07.

Sở Y tế Đồng Tháp mô tả thai phụ “sinh con đã chết” và rằng “Tổ y tế tại Bệnh viện Dã chiến Trường quân sự địa phương đã kịp thời cấp cứu và đưa [chị Đ] đến Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc để truyền dịch và chăm sóc y tế cấp cứu”.

“Sau khi được đưa đến khu cách ly của Bệnh viện đa khoa Sa Đéc … hiện tinh thần và sức khỏe của chị Đ. đang ổn định,” báo Thanh Niên dẫn lời ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp.

Được biết trên chuyến bay có số hiệu VJ2527 này có 8 phụ nữ đang mang thai và thai phụ sinh non nằm trong số 3 người đang mang thai được tiếp nhận tại Bệnh viện Dã chiến Trường quân sự địa phương tỉnh Đồng Tháp.

Thai phụ được đưa tới Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc để truyền dịch và chăm sóc y tế cấp cứu.

Chụp lại hình ảnh,Thai phụ được đưa tới Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc để truyền dịch và chăm sóc y tế cấp cứu.

Đã có một số bình luận trên nhóm Hỗ trợ Công dân từ Manila về Việt Nam trên Facebook.

Một người viết “Còn rất nhiều bà bầu và nhiều bạn bệnh nặng chưa được về mong chuyến sau có nhiều người được về hơn trong khi một người khác viết “Nếu đồng cảm thì hãy giúp đỡ tất cả các bà bầu tại Philippines nhanh chóng được về Việt Nam”.

“Trường hợp của em là bầu còn nhỏ nhưng khi em tới sứ quán thì thấy rất là xót vì có những bạn bầu rất là to. Bầu to đến nỗi mà nếu tháng này các bạn không có cơ hội về thì tháng sau các bạn không còn cơ hội về nữa.

“Trong khi Chính phủ Việt Nam nói người mang bầu thuộc diện ưu tiên thì nhân viên sứ quán lại bảo qua đây có bầu để làm gì. Chi phí để sinh con ở Philippines rất cao và để sinh con tại đây là “không hề dễ,” người có tên Vĩnh Kim mô tả.

Categories: Tin Trong Nước | Leave a comment

Covid-19: Vắc-xin Đại học Oxford tạo được phản ứng miễn dịch

Covid-19: Vắc-xin Đại học Oxford tạo được phản ứng miễn dịch

  • James Gallagher
  • Phóng viên Y tế và Khoa học BBC
Nhân viên y tế và chăm sóc xã hội, cũng như những người có nguy cơ mắc bệnh cao nhất là diện sẽ được ưu tiên.

Chụp lại hình ảnh,Nhân viên y tế và chăm sóc xã hội, cũng như những người có nguy cơ mắc bệnh cao nhất là diện sẽ được ưu tiên.

Một loại vắc-xin virus corona có tên ChAdOx1 nCoV-19 do Đại học Oxford nghiên cứu phát triển dường như an toàn và tạo được phản ứng miễn dịch.

Thử nghiệm liên quan đến khoảng 1.077 người cho thấy việc tiêm vắc-xin đã khiến họ tạo ra kháng thể và tế bào bạch cầu có thể chống lại virus corona.

Những phát hiện này rất hứa hẹn, nhưng vẫn còn quá sớm để biết liệu tiến bộ có đủ để ngăn chặn Covid-19 hay không và các thử nghiệm lớn hơn đang được tiến hành.

Vương quốc Anh đã đặt 100 triệu liều vắc-xin này.

Có tan toàn?

Có, nhưng có tác dụng phụ.

Không có tác dụng phụ nguy hiểm từ việc tiêm vắc-xin, tuy nhiên, 70% số người tham gia thử nghiệm bị sốt hoặc đau đầu.

Các nhà nghiên cứu nói rằng điều này có thể được xử lý bằng paracetamol.

Giáo sư Sarah Gilbert, từ Đại học Oxford, Vương quốc Anh, nói: “Vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi chúng tôi có thể xác nhận liệu vắc-xin của chúng tôi có giúp khống đại dịch COVID-19 hay không, nhưng những kết quả ban đầu này là hứa hẹn.”

Trước đó có tin Chính phủ Anh đã ký thỏa thuận cho 90 triệu liều vắc-xin Covid-19 hiện đang được phát triển.

Các vắc-xin đang được nghiên cứu bởi một liên minh giữa công ty dược BioNtech và Pfizer cũng như công ty Valneva.

Thỏa thuận mới này nằm ngoài 100 triệu liều vắc-xin của Đại học Oxford đang được AstraZeneca nghiên cứu phát triển.

Tuy nhiên, vẫn chưa chắc loại vắc-xin được thử nghiệm nào có thể có kết quả.

Vắc-xin được coi là cách tốt nhất nhằm đưa cuộc sống của chúng ta trở lại bình thường.

Nghiên cứu đang diễn ra ở quy mô chưa từng có – Covid-19 bùng phát vào đầu năm nay, nhưng đã có hơn 20 loại vắc-xin đang được thử nghiệm lâm sàng.

Một số loại có thể tạo phản ứng miễn dịch, nhưng chưa có loại nào được chứng minh là chống được nhiễm trùng.

Chính phủ Anh hiện tiến hành nghiên cứu thử nghiệm vắc-xin theo ba phương pháp hoàn toàn khác nhau

Chụp lại hình ảnh,Chính phủ Anh hiện tiến hành nghiên cứu thử nghiệm vắc-xin theo ba phương pháp hoàn toàn khác nhau

Chính phủ Anh hiện tiến hành nghiên cứu thử nghiệm vắc-xin theo ba phương pháp hoàn toàn khác nhau:

  • 100 triệu liều vắc-xin Oxford được chế tạo từ một loại vi-rút biến đổi gen
  • 30 triệu liều vắc-xin BioNtech/Pfizer, tiêm một phần mã di truyền của virus corona
  • 60 triệu liều Valneva, sử dụng phiên bản không hoạt động của virus corona

Kate Bingham, chủ tịch Ban chuyên trách vắc-xin của chính phủ, nói: “Việc chúng ta có rất nhiều cách thử nghiệm đầy triển vọng đã cho thấy tốc độ chưa từng có mà chúng ta đang thực hiện.

“Nhưng tôi thúc giục là không được tự mãn hay quá lạc quan.

“Thực tế là chúng ta có thể không bao giờ có vắc-xin và nếu chúng ta có đi nữa thì chúng ta phải chuẩn bị tinh thần rằng đó có thể không phải là vắc-xin ngăn virus mà chỉ có tác dụng làm giảm triệu chứng.”

Nếu một loại vắc-xin hiệu quả được phát triển thì nhân viên y tế và chăm sóc xã hội, cũng như những người có nguy cơ mắc bệnh cao nhất là diện sẽ được ưu tiên.

Có thể một loại vắc-xin sẽ được chứng minh có tác dụng vào cuối năm 2020, nhưng việc tiêm vắc-xin trên diện rộng vẫn chưa được dự kiến cho đến năm sau.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục, ông Gavin Williamson, nói với BBC rằng việc phát triển vắc-xin là “một quá trình dài vô cùng và chúng tôi đang thực hiện nó với tốc độ chóng mặt” nhưng chúng ta nên mong đợi có vắc-xin Covid 19 “sau mùa đông”.

Trong khi đó, chính phủ đang hy vọng sẽ có được nửa triệu người đăng ký thử nghiệm vắc-xin ở Anh.

Ít nhất tám đợt thử vắc-xin coronavirus quy mô lớn dự kiến sẽ diễn ra ở Anh.

Categories: Tin-Tức Thế-Giới | Leave a comment

Đại sứ Trung Quốc tại Anh bị BBC hỏi xoáy về người Uighur

Đại sứ Trung Quốc tại Anh, ông Lưu Hiểu Minh, phủ nhận Trung Quốc đang thực hiện chương trình triệt sản đối với phụ nữ Uighur ở vùng Tân Cương.

Các nguồn tin và nhân chứng cáo buộc Trung Quốc tìm cách làm giảm dân số người Uighur ở Tân Cương bằng biện pháp triệt sản cưỡng ép.

Xuất hiện trên chương trình phỏng vấn của phóng viên BBC Andrew Marr hôm Chủ nhật 19/7, ông Lưu cũng bị hỏi về những hình ảnh từ drone có vẻ như quay cảnh người Uighur bị bịt mắt và đưa lên tàu.

Categories: Tin-Tức Thế-Giới | Leave a comment

Covid-19: Thượng đỉnh EU sang ngày thứ tư chưa đồng ý về gói cứu trợ

Covid-19: Thượng đỉnh EU sang ngày thứ tư chưa đồng ý về gói cứu trợ

Merkel, Macron, Sanna Marin and Stefan Lofven

Chụp lại hình ảnh,Đàm phán vẫn còn khó khăn trong lúc các lãnh đạo EU chưa đạt được sự đồng thuận

Emmanuel Macron ‘đập bàn’, lãnh đạo Bulgaria, Hungary chê Hà Lan ‘làm cảnh sát’ trong bất đồng về gói cứu trợ EU hàng trăm tỷ euro chống dịch Covid-19.

Sang ngày thứ tư của hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels, các lãnh đạo của khối vẫn chưa đồng ý được về gói cứu trợ và kích cầu kinh tế 26 nước thành viên bị ảnh hưởng bởi dịch virus corona.

Các nước bị Covid-19 nặng nhất như Ý, Tây Ban Nha phê phán nhóm bốn nước “cần kiệm” – Hà Lan, Áo, Đan Mạch và Thụy Điển – là không đoàn kết với họ để thông qua khoản 500 tỷ euro cứu trợ.

Trước đó, lãnh đạo Ủy ban châu Âu đề xuất chi ra 750 tỷ euro cho mục tiêu cứu trợ nhưng các nước Hà Lan, Áo, Thụy Điển, Đan Mạch và cả Phần Lan nói họ không thể nào chấp nhận một khoản tiền to như vậy.

Theo chương trình cấp viện (grants) cho các nước bị Covid-19 nặng nhất, Ý sẽ nhận được 81 tỷ euro, Tây Ban Nha 77 tỷ, Pháp 39 tỷ, Ba Lan 38 tỷ, Hy Lạp 32 tỷ.

Hà Lan dẫn đầu cuộc phản đối

Thủ tướng Hà Lan, ông Mark Rutte, nói bốn nước ‘cần kiệm” chỉ có thể chấp nhận để quỹ EU chi ra 375 tỷ euro.

Ý, Tây Ban Nha và một số nước Đông Âu nói họ không thể nào chấp nhận khoản dưới 400 tỷ. Thủ tướng Ý, Giuseppe Conte thừa nhận bất đồng và nói châu Âu đang bị “các nước cần kiệm bắt chẹt”.

European Council President Charles Michel (L), German Chancellor Angela Merkel (3rd R), French President Emmanuel Macron (2nd R), and European Commission President Ursula von der Leyen (R) meet on the sidelines of an EU summit

Chụp lại hình ảnh,Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel, trái, cùng Thủ tướng Angela Merkel, Tổng thống Emmanuel Macron và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Ursula von der Leyen

Bất đồng nội bộ EU khiến các nước lớn như Đức và Pháp bất lực.

Thủ tướng Pháp Emmanuel Macron “đập bàn” vào sáng thứ Hai mà không thuyết phục được phái đoàn Hà Lan.

Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel xuất hiện với khẩu trang, ngồi cạnh các lãnh đạo khác không đeo khẩu trang, và nói bà “chưa thấy có giải pháp gì”.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte bị thủ tướng Bulgaria, Boyko Borissov gọi là “kẻ đang đóng vai cảnh sát viên của châu Âu”.

Thủ tướng Hungary Victor Orban công khai nói “hãy đổ lỗi cho gã Hà Lan” (Dutch guy).

Đây là lần đầu tiên từ nhiều tháng các lãnh đạo EU gặp mặt nhau trực tiếp ở Brussels.

Trước đó, nhiều cuộc họp của EU diễn ra qua kênh video.

Categories: Chính-Trị Thời-Sự | Leave a comment

Dự thảo cấm đảng viên Trung Quốc tới Mỹ: Dân Đại lục khen ngợi, phong trào ra khỏi đảng bùng lên trở lại

Dự thảo cấm đảng viên Trung Quốc tới Mỹ: Dân Đại lục khen ngợi, phong trào ra khỏi đảng bùng lên trở lại

Phụng Minh | ĐKN một ngày trước 8,801 lượt xem
Tổng thống Mỹ Donald Trump (ảnh: Shutterstock).
Trái với phản ứng gay gắt của quan chức Trung Quốc, người dân cho hay, chẳng phải ông Trump đang giúp ĐCSTQ giữ người để còn xây dựng chế độ hay sao?

New York Times ngày 15/7 đưa tin, chính quyền Tổng thống Trump đang cân nhắc đến việc cấm toàn diện đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và người nhà của họ đến Mỹ. Wall Street Journal và Reuters sau đó cũng đưa tin, có một đề nghị khác là đồng thời đưa người của quân đội ĐCSTQ và quản lý cấp cao của doanh nghiệp nhà nước vào trong danh sách hạn chế này. Thông cáo Tổng thống đang được khởi thảo này còn có thể trao quyền cho chính phủ hủy bỏ thị thực của đảng viên ĐCSTQ, người nhà của họ đã ở Mỹ và trục xuất họ ra khỏi nước Mỹ.

Phong trào ra khỏi đảng ‘nóng’ thêm

Tuy nhiên lệnh này cũng có thể có ngoại lệ, ví dụ như nếu xin được giấy chứng nhận bản thân không tự nguyện gia nhập đảng, hoặc trước thời hạn đề xuất xin cấp thẻ xanh, có thể chứng minh bản thân đã thoái đảng thì có thể được xem xét. Theo Trung tâm phục vụ thoái đảng toàn cầu có trụ sở tại New York, “chứng nhận thoái đảng” do họ cấp có thể được chính quyền Mỹ chấp nhận.

Nhiều kênh truyền thông đồng loạt đưa tin, xu hướng tìm kiếm trên Google cho thấy từ “thoái đảng” (ra khỏi đảng) được tìm kiếm nhiều hơn một cách bất thường, có thời điểm tăng gần 100 lần so với tuần trước đó, và hầu hết những tìm kiếm này đều xuất phát từ Trung Quốc.

Xu hướng tìm kiếm từ “thoái đảng” đã tăng đột biến sau ngày 15/7 khi có tin Hoa Kỳ có thể cấm đảng viên ĐCSTQ người thân nhập cảnh vào nước mình (ảnh: Chụp màn hình Google Trends).

Dự thảo này nếu được thông qua, sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều người Trung Quốc. Ban Tổ chức Trung ương ĐCSTQ tháng trước đã công bố, có khoảng 91.914.000 đảng viên ở Trung Quốc tính tới cuối năm 2019. Theo đánh giá nội bộ của chính quyền Tổng thống Trump, nếu thiết lập hạn chế đối với tất cả đảng viên và người nhà của họ, thì sẽ có đến 270 triệu người bị cấm nhập cảnh vào Mỹ.

Phong trào “thoái đảng” đã xuất hiện trong cộng đồng người Hoa từ lâu, tính tới 18h ngày 18/7 đã có 360.140.082 người thực hiện thoái đảng và được công nhận bởi Trung tâm phục vụ thoái đảng toàn cầu (Global Service Center for Quitting the CCP). Nhưng ngay sau thông tin cấm nhập cảnh đối với đảng viên ĐCSTQ và người nhà được đưa ra, độ nóng của từ “thoái đảng” trên công cụ tìm kiếm cho thấy đảng viên ĐCSTQ cơ bản không có sự trung thành với đảng này, một khi thời cuộc có biến đổi, thì sẽ đổ về phía thế giới tự do.

Bà Dịch Dung, Giám đốc Trung tâm Phục vụ thoái đảng toàn cầu trả lời phỏng vấn hôm 17/7 đã cho biết: “Sáng ngày hôm nay đã có 4 người gọi điện thoại đến văn phòng thoái đảng, nói muốn nhận giấy chứng nhận thoái đảng. Họ gọi điện thoại từ các nơi khác nhau tại Mỹ, họ nói là đã đọc được thông tin liên quan”.

Chuyên gia kinh tế có tên “Đại V” đăng bình luận trên tài khoản mạng xã hội của mình, “70% con em của các cán bộ cấp cấp của ĐCSTQ đang học ở phương Tây. Có thể nói rằng chống Mỹ là công việc, đến Mỹ là cuộc sống. Đây là thái độ phổ biến khiến bách tính phản cảm từ lâu”.

Nhiều năm trước, sau khi di cư sang Mỹ, một dư luận viên của ĐCSTQ là Tư Mã Nam đã được hỏi tại sao chân trước đá Mỹ, chân sau lại đến Mỹ cư trú. Tư Mã Nam nói: “Chống Mỹ là công việc, định cư ở Mỹ là cuộc sống”. Ông ta đã bị dân mạng Trung Quốc gọi là: “Hán gian thời đại mới”.

Ngày 31/5/2019, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã yêu cầu người xin thị thực vào nước này phải khai báo tài khoản mạng xã hội. Chỉ trong vài ngày, số người nói xấu Hoa Kỳ ở các trang mạng Trung Quốc đột nhiên giảm mạnh. Biệt đội “5 hào” hay “ngũ mao”, “hồng vệ quân” (tức dư luận viên) đã biến mất với số lượng lớn. Dân mạng Trung Quốc gửi lời cảm ơn Tổng thống Trump vì đã giúp làm sạch các mạng trong nước. Nhiều người trước đó nghi ngờ về sự tồn tại của đội quân “ngũ mao” đã phải công nhận “hóa ra đó là sự thật” khi lực lượng này biệt tăm trên các trang mạng xã hội mấy ngày sau động thái của Hoa Kỳ.

Không chỉ dư luận viên, mà các quan chức ĐCSTQ cũng đã được nhiều báo cáo ghi nhận có tài sản, người thân ở Hoa Kỳ, bản thân nhiều quan chức cũng chuẩn bị trước cho mình thẻ xanh.

Giáo sư nói ông Trump muốn lật đổ ĐCSTQ, dân Đại lục nói chẳng phải nên cảm ơn ông Trump sao?

Liên quan tới động thái mới mới của chính quyền Tổng thống Trump, giáo sư tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, Thôi Ân Hoằng khi trả lời Minh Báo của Hồng Kông đã nói, mục tiêu của ông Trump rõ ràng là muốn “lật đổ ĐCSTQ”. Người dùng mạng Trung Quốc đã phản ứng lại đầy mỉa mai đối với nhận xét này.

Người có tên Stupidwz nói: “Giáo sư Đại học Nhân dân Thôi Ân Hoằng nói rằng lệnh cấm là để lật đổ sự cai trị của ĐCSTQ. Vậy thì hóa ra đi đến Hoa Kỳ là sự theo đuổi đầu tiên của các đảng viên? Cấm đảng viên ĐCSTQ đến Hoa Kỳ thì là có thể kết liễu nó ư?”

Người dùng mạng có tên Co co nói: “Chính quyền Trump chính là đang giúp ĐCSTQ giữ các đảng viên, gia đình và tài sản của họ ở Trung Quốc, để còn xây dựng chủ nghĩa xã hội và sớm tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Điều này chẳng phải là đang giúp Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ngăn chặn lỗ hổng hay sao?”

Người tên Ryan bình luận: “Không cho sang Mỹ du lịch mua sắm là có thể lật đổ ĐCSTQ? Hóa ra mục đích cuối cùng của ĐCSTQ chỉ có vậy!”

Người dùng mạng tên Cao Du nói: “Thật không thể tưởng tượng tư duy của giáo sư đại học bây giờ lại loạn đến như vậy! Nếu như Trump ký lệnh này, không cho 90 triệu đảng viên đến Mỹ, chẳng phải là càng tốt cho các vị để bảo vệ màu đỏ của giang sơn sao? Cái gì mà lật đổ sự thống trị của ĐCSTQ. Có phải vị giáo sư này muốn đi Mỹ mà không được nữa nên phát điên rồi. Vậy thì người như Hoa Xuân Oánh quả là còn bi quan hơn nữa”.

Categories: Nhan dinh | Leave a comment

[Video]: Sức nước lũ khủng khiếp tại Trùng Khánh, bọt tung trắng xóa

[Video]: Sức nước lũ khủng khiếp tại Trùng Khánh, bọt tung trắng xóa

An Hòa | ĐKN 17 giờ trước 4,624 lượt xem
Ảnh chụp màn hình video (dẫn qua Epochtimes).
Mới dự báo đỉnh lũ thứ 2 trên sông Trường Giang, nước lũ đã về và được dân chúng quay lại, cho thấy sức nước mạnh đến bất ngờ.

Mưa lớn ở thượng nguồn sông Dương Tử đã tràn vào Vạn Châu, ngập đến hành lang, cửa nhà dân, người dân phải tháo chạy thoát thân.

Ngày 17/7, đỉnh lũ số 2 trên sông Dương Tử đã hình thành ở thượng nguồn. 5 con sông nhỏ và vừa ở Trùng Khánh hiện đã có mức nước vượt quá mức an toàn và 21 con sông vượt mức cảnh báo. Từ ​​9h ngày 17, thành phố Vu Hồ, tỉnh An Huy đã nâng mức ứng phó khẩn cấp kiểm soát lũ lên cao nhất.

Theo báo cáo truyền thông đại lục, Bộ Thuỷ lợi quốc gia cho biết, Do ảnh hưởng bởi nước thượng nguồn và lượng mưa trong khu vực hồ chứa, dòng chảy của thượng nguồn sông Dương Tử và khu vực Tam Hiệp tăng lên đáng kể. Lúc 8h tối ngày 17, ước tính lưu lượng tối đa của hồ chứa Tam Hiệp vào khoảng 59.000 mét khối mỗi giây.

Vào lúc 8h giờ ngày 17, mực nước ở trạm nước bãi sông Dương Tử là 175,16 mét, mực nước ở trạm Bắc Bội của sông Gia Lăng là 188,23 mét, và mực nước của trạm Vũ Long sông Ô là 186,08 mét. Theo ước tính, từ 8h giờ ngày 17 đến 8h giờ ngày 18, một số con sông nhỏ và vừa ở phía nam sông Dương Tử ở Trùng Khánh có thể có những trận lũ siêu báo động và giữ nước quá mức.

Ngày 16/7, ba vụ tai nạn lở đất đã xảy ra tại thị xã Dunhao, huyện Khai Châu, Trùng Khánh. Tính đến 18h ngày 16, phía chính quyền cho biết, tai nạn đã khiến 3 người chết và 3 người mất tích.

Video cho thấy lũ lụt ở Trùng Khánh Vạn Châu rất mạnh, cuốn trôi ô tô và cuốn đổ vào nhà dân.

Tính đến 8 giờ ngày 17 tháng 7, mực nước của trạm Vũ Hồ trên sông Dương Tử là 12,58 mét, mực nước siêu báo động là 1,38 mét, chỉ cách mực nước cao nhất trong lịch sử là 0,29 mét, mực nước đê Lương Gia ở Tây Hà là 11,94, vượt qua mức cảnh báo là 0,44 mét. Mức nước 12,38 mét ở cống Yuxi của sông Yuxi, cao hơn 0,38 mét so với mực nước bảo đảm, cống Cầu mới trên sông Niutun là 11,91 mét, vượt quá mực nước bảo đảm 0,41 mét, sông Qingyi và các khu vực giữa và hạ lưu của sông Zhang tiếp tục vượt quá mức cảnh báo.

Theo Xiao Lusheng, Epochtimes
An Hòa biên dịch

Categories: Tin-Tức Thế-Giới | Leave a comment

Việt Nam được gì khi Mỹ mạnh tay với TQ về Biển Đông?

Việt Nam được gì khi Mỹ mạnh tay với TQ về Biển Đông?

Hôm 13 tháng 7 năm 2020, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Michael Pompeo ra tuyên bố về lập trường của Washington đối với những đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh trên hầu hết diện tích Biển Đông.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo (phải) bắt tay với Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ
ở Washington, DC vào ngày 22 tháng 5 năm 2019.

Có lợi cho Việt Nam

Theo Washington, tuyên bố của Bắc Kinh đối với những nguồn tài nguyên xa bờ tại hầu hết khu vực Biển Đông là hoàn toàn phi pháp. Chiến dịch bắt nạt các nước nhỏ nhằm kiểm soát những nguồn tài nguyên đó cũng phi pháp.

Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế hàng hải của mình. Hoa Kỳ tìm cách giữ gìn hòa bình và ổn định, duy trì tự do hàng hải trên các vùng biển này phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ những lợi ích cho đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ.

Ngày 15 tháng 7 năm 2020, Việt Nam lên tiếng về tuyên bố của Hoa Kỳ về lập trường của Washington đối với Biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho rằng ‘hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông là nguyện vọng và mục tiêu chung của các nước ở Biển Đông, khu vực và cộng đồng quốc tế… Việt Nam mong rằng các nước sẽ nỗ lực đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại cùng các biện pháp hòa bình khác theo luật pháp quốc tế vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Việt Nam luôn đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào quá trình này’.

Nhà quan sát chính trị, nhà báo Nguyễn An Dân, đánh giá tác động đến Việt Nam qua động thái mới nhất của Mỹ:

“Việt Nam được lợi vì tin chắc rằng lần này Mỹ kiên quyết hành động chứ không phải là những tuyên bố chung chung như trước đây. Trước đây khi Mỹ chưa sẵn sàng để xử lý Trung Quốc. Đa số các phát biểu của chính giới Mỹ chỉ là ủng hộ bằng lời nói chứ chưa đi vào thực tế. Bây giờ nó đi vào thực tế.

Một khi Mỹ đi vào hành động thực tế ở Biển Đông thì tất cả các nước nhỏ ở khu vực Biển Đông sẽ có lợi. Kể cả những nước nằm ngoài Biển Đông cũng sẽ có lợi khi họ trở thành đồng minh của Mỹ trong việc làm Trung Quốc suy yếu.”

Liên tiếp những năm qua, Trung Quốc nhiều lần có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông. Việt Nam cũng đã trao công hàm phản đối, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực. Trung Quốc chẳng những phớt lờ những yêu cầu ngoại giao của Việt Nam mà còn đưa tàu khảo sát được hộ tống bởi tàu hải giám vào khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Trung tá quân đội Đinh Đức Long hoan nghênh tuyên bố của Hoa Kỳ về lập trường ở Biển Đông và cho đây là một cái lợi cho Việt Nam trong tình hình hiện nay:

“Tôi hoan nghênh tuyên bố đó vì đây là lần đầu tiên Mỹ thể hiện quan điểm chính thức khác với trước kia. Có tính bước ngoặt. Trước kia quan điểm của Mỹ là không đứng về bên nào trong các nước tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông. Lần này Mỹ đích danh lên án Trung Quốc và đứng về phía các nước ven biển Đông Nam Á mà chủ quyền biển đảo bị Trung Quốc đe dọa.

Lần đầu tiên Mỹ thể hiện việc chống lại lập trường của Trung Quốc trong việc đòi đến 90% diện tích Biển Đông, bao gồm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tôi ủng hộ tuyên bố này nhưng tôi chưa thấy Mỹ công nhận Hoàng Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Nhưng chỉ cần Mỹ tuyên bố đúng theo công ước là có lợi cho Việt Nam rồi vì Mỹ là cường quốc có ảnh hưởng toàn cầu. Tiếng nói của Mỹ rất có giá trị trong trường hợp này.”

Việt Nam có thay đổi lập trường?

Hồi tháng 4 năm nay, mạng lưới truyền hình toàn cầu Trung Quốc loan tin chính phủ nước này đã thông qua quyết định thành lập cái gọi là huyện đảo Tây Sa và Nam Sa thuộc thành phố Tam Sa. Đây là đơn vị hành chính mà Trung Quốc thành lập vào năm 2012 để quản lý Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa – cách Bắc Kinh gọi quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Trụ sở của cái gọi là huyện đảo Tây Sa sẽ đặt tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trụ sở của cái gọi là huyện đảo Nam Sa sẽ đặt tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Ngày 7 tháng 5 năm 2020, tác giả David Hutt có bài viết trên Asia Times tựa đề “Vietnam may soon sue China on South China Sea”, tạm dịch “Việt Nam có thể sớm kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông”. Theo đó, Hà Nội được cho là đang chuẩn bị hồ sơ kiện lên tòa trọng tài quốc tế chống lại yêu sách chủ quyền Biển Đông phi lý của Bắc kinh. Đây có thể là phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc ngày càng đe dọa và quấy rối trên tuyến đường hàng hải tranh chấp.

Hơn một tháng sau, ngày 12 tháng 6, Tiến sĩ Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc có bài viết cho chương trình ‘Sáng kiến Tìm hiểu Tình hình Chiến lược Nam Hải’. Trong bài viết này, ông Tồn đe dọa rằng, nếu Việt Nam khởi kiện Trung Quốc thì ‘sẽ phải trả giá đắt’ cho những biện pháp đáp trả từ phía Trung Quốc.

Với những hành động bị cho là ‘ngang ngược của Trung Quốc đối với Việt Nam và phản ứng của Hoa Kỳ về Biển Đông, Trung tá Quân đội Đinh Đức Long nêu quan điểm của mình:

“Có lẽ đây là cơ hội để Việt Nam thể hiện chính kiến của mình trên thực tế. Về mặt ngoại giao, tôi nghĩ Việt Nam cẩn thận và khôn ngoan trong lĩnh vực này. Họ có thể không công khai hồ hởi ra mặt nhưng có lẽ bằng hành động, họ sẽ hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong việc thực hiện các tuyên bố về ứng xử Biển Đông.”

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước có chung biên giới trên bộ và trên biển, có quá trình tương tác về văn hóa lịch sử cũng như các cuộc chiến tranh từ hàng ngàn năm.

Cựu thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng từng nói mối quan hệ với Trung Quốc là “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”.

Nhà quan sát Nguyễn An Dân đánh giá mối quan hệ với Trung Quốc của chính phủ Hà Nội trong thời điểm hiện nay:

“Đến bây giờ tôi cho là nội bộ đảng cộng sản Việt Nam hiểu rằng không thể giữ hòa khí đối với Trung Quốc, trừ khi Việt Nam chịu mất biển của mình. Nhưng mất biển rồi thì hòa khí cũng chỉ là tạm thời, bởi khi Việt Nam mất biển thì bước tiếp theo là Trung Quốc muốn Việt Nam trở thành vùng phên dậu của họ trên đất liền. Tôi nghĩ đảng cộng sản Việt Nam hiểu điều đó.

Việt Nam sẽ biểu lộ sự ngả về Mỹ rõ hơn tại họ cũng biết sự kiên nhẫn của Mỹ, đặc biệt cá nhân Tổng thống Trump, có sự giới hạn. Mỹ đã tỏ thiện chí hết mức rồi.”

Ngày 12 tháng 7 năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền và đường chín đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông. Tòa kết luận rằng không có căn cứ pháp lý cho việc Trung Quốc nêu quyền lịch sử với các tài nguyên nằm trong vùng biển trong Đường chín đoạn.

Về phía Trung Quốc, chính quyền của ông Tập Cận Bình chưa bao giờ công nhận phán quyết này. Bắc Kinh gọi phán quyết này là bất hợp pháp và không có hiệu lực.

Vào ngày 13 tháng 7 năm 2020, Đại sứ quán Trung Quốc một lần nữa nhắc lại, tuyên bố chủ quyền lãnh thổ cùng các quyền về hàng hải và lợi ích khác trên Biển Đông sẽ không bị ảnh hưởng bởi phán quyết. Trung Quốc kiên quyết phản đối và nói sẽ không bao giờ chấp nhận các yêu sách hoặc hành động dựa trên phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực.

Phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế được ngoại trưởng Hoa Kỳ nhắc lại trong tuyên bố lập trường về Biển Đông ngày 13 tháng 7 vừa qua, theo đó Washington cho rằng phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực là chung cuộc và có tính ràng buộc.

Categories: Chính-Trị Thời-Sự | Leave a comment

Áp lực kép lên tham vọng độc chiếm Biển Đông của TQ

Áp lực kép lên tham vọng độc chiếm Biển Đông của TQ

Giới phân tích cho rằng tham vọng của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông phải chịu áp lực kép cả về các biện pháp pháp lý cũng như những hành động mạnh mẽ hơn trên thực địa, nhất là sau khi Mỹ tuyên bố bác bỏ yêu sách đòi chủ quyền của Trung Quốc trên vùng biển này.

Mỹ được cho sẽ gia tăng mạnh hơn các hoạt động tuần tra ở Biển Đông để gây áp lực với Trung Quốc sau tuyên bố
bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển này

UNCLOS là cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp

Một trong những điểm then chốt quan trọng trong Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về lập trường chính thức của Washington trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông là lấy Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) làm cơ sở pháp lý để bác bỏ yêu sách đòi chủ quyền phi lý và phi pháp của Trung Quốc tại vùng biển chiến lược này. Nói cách khác, Mỹ chính thức đồng quan điểm với các bên có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông là lấy UNCLOS 1982 – văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng nhất, được xem là “bản hiến pháp về biển và đại dương” –  để soi chiếu, nhìn nhận và giải quyết các vấn để về chủ quyền.

Trong tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo, Mỹ đã lần đầu tiên nêu rõ những vùng biển ở Biển Đông mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền là không có căn cứ pháp lý, là bất hợp pháp. Theo đó, Mỹ bác bỏ yêu sách đòi chủ quyền của Trung Quốc, bao gồm yêu sách hàng hải như vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) đối với các vùng biển thuộc bãi Scarborough và quần đảo Trường Sa. Trong đó, khẳng định Trung Quốc không có yêu sách lãnh thổ hay hàng hải hợp pháp nào đối với đá Vành Khăn hay bãi Cỏ Mây, mà theo Mỹ là cả 2 nằm hoàn toàn trong quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines. Trung Quốc cũng không có yêu sách lãnh thổ hay hàng hải nào được tạo ra từ những cấu trúc này.

Điều rất đáng chú ý thể hiện điểm mới trong lập trường của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông là Mỹ đã viện dẫn UNCLOS 1982 là căn cứ pháp lý để bác bỏ yêu sách đòi chủ quyền của Trung Quốc. Theo đó, Ngoại trưởng Mike Pompeo nêu rõ, do Trung Quốc không thể đưa ra một yêu sách hàng hải hợp pháp, rõ ràng tại Biển Đông. Và Mỹ bác bỏ bất cứ yêu sách nào của Trung Quốc đối với các vùng biển nằm ngoài lãnh hải 12 hải lý tính từ các đảo mà Trung Quốc đưa ra yêu sách tại quần đảo Trường Sa. Mỹ cũng chiểu theo quy định của UNCLOS 1982 bác bỏ bất kỳ yêu sách hàng hải nào của Trung Quốc đối với các vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính (ngoài khơi Việt Nam), cụm bãi Luconia (ngoài khơi Malaysia), vùng biển thuộc EEZ của Brunei và Natuna Besar (ngoài khơi Indonesia). Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố, bất cứ hành động nào của Trung Quốc nhằm quấy rối hoạt động đánh bắt cá hay phát triển dầu khí của các quốc gia khác trong những vùng biển này, hay đơn phương thực hiện các hành động đó đều là bất hợp pháp.

Cũng căn cứ theo UNCLOS 1982,  trong tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ đã khẳng định, Trung Quốc không có yêu sách lãnh thổ hay hàng hải hợp pháp nào đối với bãi ngầm James – một cấu trúc chìm hoàn toàn cách Malaysia chỉ 50 hải lý và cách bờ biển Trung Quốc khoảng 1.000 hải lý. Bởi theo Ngoại trưởng Mỹ, luật pháp quốc tế đã nêu rất rõ ràng là một cấu trúc dưới nước như bãi ngầm James (nằm cách mặt nước biển khoảng 20m) không thể được bất cứ quốc gia nào tuyên bố chủ quyền và không thể tạo ra các vùng hàng hải. Mỹ khẳng định bãi ngầm James không phải và chưa bao giờ là lãnh thổ của Trung Quốc (theo yêu sách đòi chủ quyền của Trung Quốc) và Bắc Kinh không thể khẳng định bất cứ quyền hàng hải hợp pháp nào từ đó.

Áp lực pháp lý và quân sự với tham vọng của Trung Quốc

Việc Mỹ căn cứ theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là “hiến pháp về biển và đại dương”, để bác bỏ yêu sách đòi chủ quyền phi lý và phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ tạo áp lực pháp lý đối với Bắc Kinh. Điều này để ngỏ khả năng Mỹ sẽ mở mặt trận pháp lý để bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông theo yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn” năm 2009 hay thuyết “Tứ Sa” năm 2013.

Trong cuộc họp báo diễn ra chỉ 2 ngày sau khi ra Tuyên bố bác bỏ yêu sách đòi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, Ngoại trưởng Mike Pompeo ngày 15-7 cho biết, Mỹ sẽ hỗ trợ các nước bị Trung Quốc vi phạm tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông thông qua các phương tiện ngoại giao cũng như pháp lý. Người đứng đầu cơ quan hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ nêu rõ: “Chúng tôi sẽ ủng hộ tất cả các quốc gia trên khắp thế giới cho rằng họ bị Trung Quốc vi phạm tuyên bố chủ quyền lãnh thổ cũng như lãnh hải hợp pháp. Chúng tôi sẽ hỗ trợ họ, dù là tại các cơ quan đa phương, tại ASEAN hay thông qua phản ứng pháp lý, chúng tôi sẽ sử dụng tất cả công cụ có thể”. Ngoại trưởng Mike Pompeo một lần nữa khẳng định, thế giới sẽ không cho phép Trung Quốc coi Biển Đông là “đế chế hàng hải của riêng mình”. Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh, Washington sẽ sát cánh cùng các đồng minh và đối tác Đông Nam Á trong bảo vệ chủ quyền của họ và các tài nguyên ngoài khơi, phù hợp với quyền và nghĩa vụ theo luật quốc tế.

Trong khi Ngoại trưởng Mike Pompeo cam kết sát cánh với đồng minh và các đối tác ở Đông Nam Á trong vấn để Biển Đông, Mỹ triển khai hàng loạt hoạt động mạnh mẽ để phản ứng điều mà nước này cho là những hành vi dọa nạt các nước láng giềng, thúc đẩy yêu sách hàng hải bất hợp pháp của Trung Quốc tại vùng biển này. Giới chuyên gia cho rằng, sau tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo, Mỹ còn gia tăng sức ép để Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế thông qua việc tiến hành các cuộc tuần tra, chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải, hàng không của tàu chiến, nhóm tác chiến tàu sân bay và máy bay.

Cùng với đó, Mỹ còn phối hợp với các đồng minh ở Ấn Độ – Thái Bình Dương và châu Âu để bảo đảm tuân thủ luật pháp quốc tế, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Mỹ được cho sẽ cùng một số nước đồng minh như Nhật Bản, Pháp, Anh, Australia… tiến hành thường xuyên hơn các hoạt động tuần tra hải quan bảo vệ tự do đi lại ở Biển Đông.

Có thông tin giới chức quân sự Anh đã lên kế hoạch triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến Biển Đông vào đầu năm 2021 để tham gia chiến dịch đối phó với một Trung Quốc ngày càng khiêu khích. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cũng cho biết, Ấn Độ đã bày tỏ mong muốn tiến hành các hoạt động hàng hải trên biển Đông, tương tự Mỹ, Anh và những quốc gia khác để duy trì cân bằng sức mạnh trong khu vực.

Tin mới

Các tin khác

Categories: Biển Đông | Leave a comment

Blog at WordPress.com.