Daily Archives: July 22, 2020

Brunei lên tiếng về biển Đông

Brunei lên tiếng về biển Đông

Trong một thông điệp hiếm hoi, Brunei nhấn mạnh đàm phán giữa các nước cần dựa vào Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và luật pháp quốc tế.

Trang Rappler đưa tin, thông điệp trên vừa được Bộ Ngoại giao Brunei đưa ra, trong đó tái khẳng định cam kết của nước này duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.

“Tất cả các nước liên quan cần thúc đẩy môi trường hòa bình và thuận lợi, xây dựng lòng tin và tăng cường niềm tin lẫn nhau trong khu vực”, tuyên bố trên kêu gọi.

Brunei cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tích cực thúc đẩy nhằm sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử (COC) tại Biển Đông hiệu quả và thực chất, đồng thời cam kết tiếp tục tham gia với tất cả các nước, góp phần duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.

Không giống như các bên tranh chấp khác, Brunei hiếm khi đưa ra các tuyên bố công khai về Biển Đông. Động thái mới nhất của nước này diễn ra khi Mỹ có cách tiếp cận cứng rắn hơn về vùng biển này.

Advertisement
Categories: Biển Đông | Leave a comment

Người dân Đức ngày càng muốn “xa lánh” Trung Quốc

Người dân Đức ngày càng muốn “xa lánh” Trung Quốc

Der Spiegel

Dịch giả: Hiếu Bá Linh

20-7-2020

Ảnh chụp màn hình bài báo của Der Spiegel, cho thấy, cảnh sát bắt những người biểu tình ở Hồng Kông

Lời người dịch: Hôm 20/7 vừa qua, tờ tuần báo Der Spiegel của Đức đã công bố kết quả thăm dò từ  Viện nghiên cứu ý kiến Civey về đường lối quan hệ của Đức với Trung Quốc. Hiện nay, đường lối “giữ một khoảng cách lớn hơn với Trung Quốc” được nhiều người dân Đức ủng hộ nhất (46%), trong khi khuynh hướng “xích lại gần hơn” chỉ chiếm 18%.

Đây là một sự thay đổi rõ rệt. Người dân Đức ngày càng muốn xa lánh Trung Quốc. Sự thay đổi này chắc chắn sẽ dẫn đến thay đổi chính sách ngoại giao của Đức đối với Trung Quốc, nhưng cần phải có một thời gian. Sau đây là bản dịch bài báo của Der Spiegel.

***

Người dân Đức đòi hỏi một khoảng cách lớn hơn với Trung Quốc

Trung Quốc kiên quyết chống lại phe đối lập ở Hồng Kông, nhưng chính phủ Đức chỉ chỉ trích một cách nhẹ nhàng. Một thăm dò của báo SPIEGEL cho thấy: Nhiều người Đức muốn có thái độ rõ ràng hơn đối với Bắc Kinh.

Nhà hoạt động nổi tiếng Hoàng Chi Phong tuyên bố rằng, anh ta sẽ ra tranh cử trong cuộc bầu cử quốc hội Hồng Kông vào tháng 9 tới, bất chấp cái gọi là luật an ninh gây tranh cãi. “Chúng tôi muốn cho cả thế giới biết rằng, chúng tôi đã quyết định không đầu hàng“, chàng trai 23 tuổi nói khi chính thức tuyên bố ứng cử hôm thứ Hai vừa qua.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas (thuộc đảng SPD) trong quá khứ cũng đã cho thấy đứng về phía Hoàng Chi Phong. Tuy nhiên, cũng vì lý do kinh tế, Chính phủ Liên bang Đức, đặc biệt là Thủ tướng Angela Merkel (thuộc đảng CDU) vẫn dè dặt chỉ trích Trung Quốc một cách rõ ràng về các hành động ở Hồng Kông. Một thăm dò của báo SPIEGEL cho thấy, nhiều người Đức muốn có lập trường rõ ràng về sự can thiệp ngày càng lớn của Bắc Kinh vào đặc khu Hồng Kông.

Trong cuộc thăm dò mới nhất của Viện thăm dò ý kiến Civey, có hơn 46% dân Đức đòi hỏi có một khoảng cách lớn hơn với Trung Quốc. Để trả lời cho câu hỏi “Bạn muốn nước Đức có đường lối chính trị nào đối với Trung Quốc?” Hơn 24% có quan điểm giữ một khoảng cách lớn hơn với Trung Quốc, thậm chí gần 22% muốn có một khoảng cách lớn hơn một cách rõ ràng.

Thăm dò của Viện Civey từ ngày 20/4 đến 19/7/2020 (tính theo phần trăm). Có 3064 người trả lời câu hỏi “Bạn muốn nước Đức có đường lối chính trị nào đối với Trung Quốc?”. Phạm vi dao động khoảng +/- 2,8 điểm phần trăm.

Khoảng 30% cho rằng, tiếp tục đường lối mềm dẻo của chính phủ Đức như trước đây là phù hợp. Có hơn 18% thậm chí ủng hộ một mối quan hệ gần gũi hơn nữa với chính phủ tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Cái gọi là luật an ninh, có hiệu lực vào cuối tháng 6 vừa qua, nhằm chống sự ly khai, phá hoại quyền lực nhà nước, khủng bố và “thông đồng bí mật” với các lực lượng ở nước ngoài mà Bắc Kinh coi là chống Trung Quốc. Đây là sự can thiệp sâu rộng nhất vào quyền tự trị của Thuộc địa cũ của Vương quốc Anh, được trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997. Những người chỉ trích nhìn thấy, đây là một sự kết liễu nguyên tắc có giá trị trước đó là “một quốc gia, hai hệ thống“.

Trước đây một năm, các nhà hoạt động đã xông vào quốc hội Hồng Kông để phản đối một đạo luật cho phép chính quyền Hồng Kông dẫn độ những người bị Trung Quốc buộc tội sang Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Kể từ đó, ý kiến ​​của người dân Đức về quan hệ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng thay đổi: Vào cuối năm 2018, đa số người dân Đức vẫn còn tán thành mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc, và chỉ một số ít đòi hỏi giữ một khoảng cách với Trung Quốc. Nhưng Bắc Kinh càng gây ảnh hưởng lớn ở Hồng Kông, thì tỷ lệ người dân Đức ủng hộ một đường lối cứng rắn hơn đối với Trung Quốc càng cao. Đồ thị sau đây cho thấy sự thay đổi rõ rệt:

Thăm dò của Viện Civey từ ngày 20/4 đến 19/7/2020 (tính theo phần trăm). 3064 người trả lời câu hỏi “Bạn muốn nước Đức có đường lối chính trị nào đối với Trung Quốc?”. Phạm vi dao động khoảng +/- 2,8 điểm phần trăm.

Cho đến nay Chính phủ Liên bang Đức vẫn làm ngơ về sự thay đổi trên – mặc dù những diễn biến ở Hồng Kông. Quan hệ với Trung Quốc được “đặc trưng bởi các liên hệ ‘chính trị – thương mại’ chặt chẽ, nhưng cũng có những hình dung về ‘chính trị – xã hội’ rất khác nhau, nhất là về việc tôn trọng nhân quyền và nhà nước pháp quyền“, Thủ tướng Angela Merkel phát biểu khi Đức bắt đầu đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng EU.

Ngay cả khi hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc vào tháng 9 tới không thể diễn ra, “chúng tôi muốn tiếp tục cuộc đối thoại cởi mở với Trung Quốc“, nữ Thủ tướng Đức tuyên bố. Ngoài ra, không có một lời chỉ trích nào khác.

Cho dù đảng SPD và một số chính trị gia liên đảng CDU/CSU (đảng của bà Merkel) muốn có những chỉ trích rõ ràng hơn gửi đến Bắc Kinh, nhưng bà Thủ tướng Merkel và Ngoại trưởng Đức Maas nhất trí với nhau rằng họ không muốn theo đuổi chính sách “tủ kính bày hàng” (đưa ra những chỉ trích) trong thời gian Đức đảm nhiệm Chủ tịch Hội đồng EU. Sự chỉ trích sẽ khó tác động tới chính phủ Trung Quốc, trong khi đó nó chứa đựng nguy cơ chia rẽ EU. Đó là lý lẽ được đưa ra.

Các đề xuất trừng phạt chống lại Trung Quốc gần đây chỉ đến từ phe đối lập.

Bình Luận từ Facebook
Categories: Tin-Tức Thế-Giới | Leave a comment

Việt Nam có “xoay trục” sang Mỹ không?

Việt Nam có “xoay trục” sang Mỹ không?

Dương Quốc Chính

22-7-2020

Mấy hôm rồi nhân chuyện Mỹ tuyên bố nọ kia ở Biển Đông khiến một số người Việt bị ảo tưởng là VN đang “xoay trục” sang Mỹ! Với lý do là Mỹ cũng từng chơi với CS Liên Xô trong Thế chiến 2 và TQ hồi chiến tranh lạnh.

Mình thì cho là VN chả bao giờ xoay trục kiểu đó, chẳng qua lại đu dây tiếp thôi. Để đưa ra thông điệp với TQ là: Anh mà ức hiếp em quá là em bỏ anh đi theo thằng kia đẹp trai và giàu có hơn anh. Hết.

TQ nó biết thừa trò này, cả Mỹ cũng thế, chẳng qua họ muốn lợi dụng VN thì cứ để thế thôi. Tuổi gì mà lừa chúng nó, khi tấm gương đu dây của VN còn đó hồi chiến tranh VN (đều liên quan đến 2 thằng kia). TQ có bài báo cảnh báo VN là có ý đồ đưa thông điệp: Mày đừng tưởng bỏ anh mà dễ nhé, đừng tưởng thằng kia nó bao mày hơn anh. Cái gì cũng có giá của nó cả.

Lấy ví dụ TQ bỏ CS Liên Xô để chơi với Mỹ là không hiểu lịch sử. Thời đó TQ còn ghét LX hơn cả Mỹ, do mâu thuẫn tư tưởng xét lại từ thời Khrushchev. Hơn nữa, 2 thằng có biên giới chung, nên còn xung đột lãnh thổ. Tuy cùng là CS, nhưng quan điểm của 2 nước khá là khác nhau.

Còn VN bây giờ thì là bản sao lỗi của TQ, lấy TQ làm tấm gương để phát triển. Dư luận viên Việt Nam con nào cũng nâng bi TQ, lấy TQ làm đối trọng với Mỹ, thậm chí đánh giá TQ còn cao hơn Mỹ. Thế thì thoát Tàu làm sao được? Hoàn toàn khác mối quan hệ LX, TQ hồi xưa nhé.

Việc Mỹ hợp tác với LX để chống phe trục thì cũng hoàn toàn khác về hoàn cảnh, đó là mối quan hệ theo thời vụ, để chống kẻ thù chung đang làm ảnh hưởng đến an ninh và lợi ích của mình. Phe trục sập cái là quay sang cắn nhau ngay. Còn bây giờ Mỹ không bị sức ép phải chơi với VN bất chấp tất cả. Vì VN đâu có giúp Mỹ chống Tàu được mấy. Chơi với Ấn Độ và Phil còn lành hơn nhiều, đỡ lá mặt lá trái.

Vậy chả nhẽ VN không bao giờ xoay trục được sao?

Vẫn có thể, nhưng mà khi nào VN đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích của đảng CS. VN hiện tại không thể chống lại TQ đâu, vì TQ đang bảo kê cho VN về mặt chính trị, để duy trì chế độ. Nếu VN có binh biến là quân TQ có thể kéo sang dập tắt, như LX đã từng làm ở Đông Âu. Nên TQ là chỗ dựa vững chắc cho đảng CSVN. CSTQ còn thì CSVN còn, CSVN còn thì còn chế độ, còn sổ hưu cho anh em Quân đội, Công an. Nên ngu gì mà chống Tàu theo Mỹ.

Bọn DLV cũng được tập huấn “ný nuộn” như vậy, nhưng chúng nó bẻ lái là VN phải tự chủ, độc lập, không dựa vào nước khác! Không dựa nước khác, chỉ dựa nước Tàu thôi!

Nhưng thực ra cứ cuồng lên để chống Tàu cũng chả phải là hay. Bài học tốt nhất cho VN là Thái Lan. Thái Lan họ cũng đu dây thành thần, thế mới không bị thành thuộc địa. Nhưng họ đu dây thật lòng chứ không lá mặt lá trái. Thời đó họ chơi đa phương, với toàn đại cường, dù cũng phải mất tý đất làm quà để mua lấy hòa bình nhưng cuối cùng không nước nào dám chiếm lấy Thái Lan, mà Thái cũng chả coi nước nào là kẻ thù hết.

Nhưng để chơi đa phương được như vậy, khiến các nước khác tin cậy, thì phải dần dần thoát cộng đi. Mông Cổ là một ví dụ.

Categories: Tin Hải Ngoại | Leave a comment

Quách Văn Quý: Hoa Kỳ chế tài đảng viên Trung Quốc, người đầu tiên nhắm đến sẽ là Jack Ma

Quách Văn Quý: Hoa Kỳ chế tài đảng viên Trung Quốc, người đầu tiên nhắm đến sẽ là Jack Ma

Vũ Dương | ĐKN 21 giờ trước 7,744 lượt xem
Tỷ phú Quách Văn Quý (ảnh chụp màn hình video).
“Tôi có thể nói với các vị rằng, các vị (đảng viên ĐCSTQ) không thể đi bất cứ đâu!”, vị tỷ phú người Hoa nói.

Chính phủ Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hiện đang xem xét lệnh cấm toàn diện đối với các đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và người nhà của họ đặt chân vào Hoa Kỳ, thu hồi thị thực Hoa Kỳ được cấp và trục xuất các đảng viên ĐCSTQ và người nhà họ hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ. Mới đây, ông Quách Văn Quý, tỷ phú người Hoa hiện sống tại Mỹ theo quy chế tị nạn, đã tiết lộ thông tin vào ngày 17/7 rằng Jack Ma, người sáng lập của Alibaba, người từng được giới truyền thông chính thức của ĐCSTQ tiết lộ thân phận đảng viên ĐCSTQ, là mục tiêu đầu tiên mà Hoa Kỳ nhắm đến.

ĐCSTQ hiện có khoảng 92 triệu đảng viên. Năm 2018, gần 3 triệu công dân Trung Quốc đã đến Hoa Kỳ, nhưng không biết rốt cuộc có bao nhiêu trong số họ là đảng viên. Theo đánh giá nội bộ của chính quyền Tổng thống Trump, nếu lệnh cấm được áp dụng toàn diện đối với tất cả các thành viên ĐCSTQ và gia đình họ, có thể sẽ có tới hơn 270 triệu người bị cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ.

Ông Quách Văn Quý, tỷ phú người Hoa hiện sống tại Mỹ theo quy chế tị nạn, ngày 17/7 đã nói trong một chương trình phát sóng trực tiếp rằng, thông tin Hoa Kỳ dự định áp đặt lệnh cấm du lịch đối với tất cả các thành viên ĐCSTQ “không phải dọa người, mà đó hoàn toàn là sự thật”. Ông cũng tiết lộ rằng không chỉ Hoa Kỳ, mà nhiều quốc gia khác cũng sẽ áp đặt lệnh cấm du lịch đối với các đảng viên ĐCSTQ trong tương lai không xa.

Ông Quách nói: “Tôi có thể nói với các vị rằng, các vị (đảng viên ĐCSTQ) không thể đi bất cứ đâu! Dưới tình huống này, ảnh hưởng mà nó mang đến cho người Trung Quốc là rất sâu rộng. 92 triệu đảng viên cộng với người thân họ hàng của họ nữa, thế thì con số đó rất có thể đạt đến 300 hoặc 400 triệu người”.

Ông Quách Văn Quý nói rằng nếu Hoa Kỳ áp dụng lệnh cấm du lịch đối với các thành viên ĐCSTQ, đối tượng nhắm vào đầu tiên sẽ là Jack Ma, “Jack Ma không phải từng công khai nói rằng bản thân ông ta chính là đảng viên ĐCSTQ hay sao? Có đúng vậy không? Theo tôi được biết, người đầu tiên nước Mỹ chế tài sẽ là Jack Ma. Ông ta không phải là đảng viên ĐCSTQ sao? Ông ta không phải là người sáng lập của tập đoàn Alibaba sao? Khi ông ta vừa bước ra thị trường, ông ta đã viết rằng bản thân ông ta là đảng viên ĐCSTQ? trong các báo cáo thường niên NASDAQ (Sở giao dịch chứng khoán Mỹ) gần đây của Alibaba, ông ta đã tuyên bố với các cổ đông rằng ông ta chính là đảng viên ĐCSTQ“.

Ông Quách Văn Quý còn nói rằng Hoa Kỳ ngoài việc có ý định áp đặt lệnh cấm du lịch đối với các thành viên ĐCSTQ ra, còn sẽ tiến hành đóng băng tài sản ở nước ngoài của các đảng viên ĐCSTQ một cách toàn diện. “Trong mấy thập kỷ qua thử hỏi rốt cuộc có bao nhiêu đảng viên ĐCSTQ hiện đang sinh sống ở Hoa Kỳ? Mọi người hãy đoán thử xem rốt cuộc có bao nhiêu đây? Ngay đến cả tôi cũng bị sốc khi nghe thấy con số đó“.

Ông nói rằng Hoa Kỳ sẽ triển khai điều tra những người Trung Quốc đã di cư sang Hoa Kỳ bằng mọi cách trong vài thập kỷ qua, “gồm cả kết hôn, nhập cư, cũng như mượn dùng khác loại thân phận khác nhau để đến được Hoa Kỳ, đều sẽ kiểm tra hết. Chính là để kiểm tra xem bản thân các vị khi đó có thành thật khai báo rằng các vị là thân phận đảng viên ĐCSTQ hay không, người nhà các vị có ai là đảng viên ĐCSTQ hay không”.

Ông Quách nói rằng phương thức điều tra của Hoa Kỳ đối với các thành viên ĐCSTQ thậm chí còn được xem trọng hơn cả việc đối đãi với các binh sĩ Đức quốc xã và phần tử Đức quốc xã năm xưa. Dự luật mà Hoa Kỳ đưa ra sẽ là “Đạo luật RICO”, tên đầy đủ là “Đạo luật Tổ chức Ảnh hưởng và Tham nhũng của Racketeer” (Racketeer Influence And Corrupt Organizations Act). “Nếu mọi người chưa nhận ra tính nghiêm trọng của vấn đề, các vị có thể đợi thêm vài ngày nữa xem sao”.

Ông Quách cuối cùng nhấn mạnh: “Tất cả tài sản của các đảng viên ĐCSTQ chắc chắn sẽ bị đóng băng! Chắc chắn sẽ bị đóng băng! Giống như Jack Ma nói rằng ông ta chính là đảng viên vậy! Hơn nữa tôi nói với mọi người rằng phương thức sinh hoạt của tất cả người Hoa ở phương Tây đều sẽ thay đổi hoàn toàn. Có những điều tôi không thể nói lúc này, rồi mọi người sẽ thấy, giống như những gì tôi đã nói với các vị mấy ngày trước, đợt trước là giáng một đòn nặng tiêu diệt ĐCSTQ, tiếp sau đó là tận diệt ĐCSTQ một cách toàn diện, hơn nữa trên khắp Hoa Kỳ đều đang hưởng ứng hành động này của chúng tôi!”.

Theo Wen Hui, NTDTV.com
Vũ Dương biên dịch

Theo Liu Minghuan, NTDTV
Vũ Dương biên dịch

Categories: Chính-Trị Thời-Sự | Leave a comment

Vì sao Mỹ ra lệnh cho TQ đóng cửa lãnh sự quán ở Houston?

Vì sao Mỹ ra lệnh cho TQ đóng cửa lãnh sự quán ở Houston?

Fire trucks are seen outside the Chinese consulate, where local media reported trash cans filled with documents are being burned in the courtyard, in Houston, Texas, U.S.

Hoa Kỳ vừa ra lệnh cho Trung Quốc phải đóng cửa lãnh sự quán nước này tại Houston, Texas, trước thứ Sáu – một động thái được Trung Quốc mô tả là “kích động chính trị”.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói quyết định này được đưa ra “nhằm bảo vệ sở hữu tài sản trí tuệ Hoa Kỳ”.

Nhưng người phát ngôn bộ ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói quyết định này là “quá đáng và không có cơ sở”.

Hai bên đưa ra những tuyên bố trên sau khi có hình ảnh quay một số nhân vật không rõ danh tính đốt giấy tờ trong khuôn viên của lãnh sự quán Trung Quốc.

Căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã leo thang trong thời gian qua. Chính quyền của Tổng thống Trump liên tiếp xung đột với Bắc Kinh về thương mại và dịch virus corona, cũng như việc Trung Quốc áp đặt luật an ninh mới về Hong Kong.

Sau đó hôm thứ Ba, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc tài trợ cho các hacker tấn công các phòng thí nghiệm phát triển vaccine Covid-19. Hai công dân Trung Quốc, bị cáo buộc đã làm làm gián điệp theo dõi các công ty nghiên cứu Mỹ và nhận sự hỗ trợ của các nhân viên tình báo nhà nước về các vụ lấy cắp thông tin khác, đã bị đưa ra tòa.

Vì sao Hoa Kỳ yêu cầu đóng cửa lãnh sự quán?

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra bản thông cáo ngay sau khi ông Uông Văn Bân phát biểu hôm thứ Tư.

“Chúng tôi đã có lệnh đóng cửa Lãnh sự quán Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ở Houston, nhằm bảo vệ sở hữ trí tuệ Mỹ và thông tin riêng tư của người Mỹ.” Người phát ngôn Bộ ngoại giao Hoa Kỳ Morgan Ortagus nói.

Lãnh sự quán Houston là một trong năm lãnh sự quán của Trung Quốc tại Mỹ, chưa kể đại sứ quán ở Washington D.C. Hiện chưa rõ vì sao nó bị ra lệnh đóng cửa.

Bà Ortagus nói thêm Hoa Kỳ “sẽ không dung thứ việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền và đe dọa người dân của chúng tôi, cũng như chúng tôi sẽ không dung thứ các tập quán thương mại không công bằng của Trung Quốc, việc lấy cắp việc làm Mỹ và các hành vi quá đáng khác.”

Bà Orgatus cũng dẫn Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao, theo đó các quốc gia “có bổn phận không can thiệp vào công việc nội bộ” của nước chủ nhà.

Trong một thông cáo riêng, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc đã tham gia “vào hoạt động gián điệp lớn và gây ảnh hưởng đến các hoạt động”, can thiệp vào “chính trị nội bộ” cũng như “bắt nạt các lãnh đạo kinh doanh, đe dọa các gia đình người Mỹ gốc Hoa sống ở Trung Quốc, và hơn thế nữa.”

Trung Quốc phản ứng với lệnh này ra sao?

Trung Quốc gọi quyết định này là “sự leo thang chưa từng có,” và nói nó vi phạm luật quốc tế. Ông Uông sau đó nói tiếp Washington đã “chuyển sang đổ lỗi cho Trung Quốc với kỳ thị và sự tấn công vô căn cứ”.

Ông kêu gọi phía Hoa Kỳ xem lại, và nói nếu họ tiếp tục “đi theo con đường sai lầm, Trung Quốc sẽ phản ứng với các biện pháp trả đũa cứng rắn.”

“Trên thực tế, xét về số các sứ quán và lãnh sự quán của Trung Quốc và Hoa Kỳ ở trên đất của nhau và số nhân viên ngoại giao và lãnh sự, Hoa Kỳ có nhiều nhân viên làm việc ở Trung Quốc hơn rất nhiều,” ông Uông nói.

Điều gì xảy ra tại lãnh sự quán TQ?

Những dấu hiệu khác thường đầu tiên xuất hiện ở lãnh sự Houston hôm thứ Ba, khi người dân ở gần trông sang sân tòa nhà thấy có vài thùng rác đang cháy.

Hình ảnh cho thấy có người dường như ném giấy tờ vào trong thùng rác.

Lực lượng khẩn cấp được gọi đến tòa nhà vào tối thứ Ba. Tuy nhiên, cảnh sát Houston viết trên Twitter các nhân viên của họ “không được phép vào bên trong tòa nhà,” nhưng họ có thấy khói bốc lên.

Ông Uông không nói đến các ngọn lửa bên trong khuôn viên lãnh sự quán, mà chỉ nói lãnh sự vẫn hoạt động bình thường.

Categories: Chính-Trị Thời-Sự | Leave a comment

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo kêu gọi thế giới chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo kêu gọi thế giới chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc

Minh Hòa | ĐKN 14 giờ tới 54 lượt xem
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Michael R. Pompeo gặp Ngoại trưởng Vương quốc Anh Dominic Raab tại London, Vương quốc Anh, vào ngày 29/1/2020 (ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ).
Trong cuộc họp báo sau buổi hội đàm với Ngoại trưởng Anh Dominic Raab tại Luân Đôn ngày 21/7, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo kêu gọi các nước trên thế giới chung tay chống lại mối đe dọa từ Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Pompeo cho biết cuộc hội đàm với người đồng cấp Anh đã “bắt đầu bằng việc thảo luận về thách thức mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đặt ra và dịch virus COVID-19 bắt nguồn từ Vũ Hán, Trung Quốc”.

Ông Pompeo nói: “Việc ĐCSTQ lợi dụng thảm họa này để trục lợi hơn nữa cho bản thân họ thật là đáng ô nhục. Thay vì giúp đỡ thế giới, Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã cho cả thế giới thấy bộ mặt thật của ĐCSTQ”.

Nhà ngoại giao hàng đầu chính quyền Tổng thống Donald Trump nói tiếp: “Chúng ta đã thấy các quyền tự do của Hồng Kông bị nghiền nát. Chúng ta đã thấy ĐCSTQ bắt nạt các nước láng giềng, quân sự hóa các thực thể ở Biển Đông và xúi bẩy một cuộc đối đầu chết người với Ấn Độ”.

Ngoại trưởng Mỹ chúc mừng chính phủ Anh đã đưa ra quyết định đúng đắn khi cấm tập đoàn Huawei của Trung Quốc tham gia vào mạng viễn thông 5G của Anh Quốc.

Ông cũng ca ngợi Luân Đôn về việc lên án ĐCSTQ vi phạm hiệp ước “một quốc gia, hai chế độ” dành cho Hồng Kông, thành phố từng là thuộc địa của Anh Quốc. Theo hiệp ước này, Hồng Kông phải được hưởng các quyền tự do theo chế độ tư bản chủ nghĩa ít nhất cho đến năm 2047. Tuy nhiên, ĐCSTQ đã vi phạm lời hứa với Anh Quốc bằng việc thông qua luật an ninh quốc gia Hồng Kông vào ngày 30/6/2020.

Ngoại trưởng Pompeo cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng toàn bộ thế giới cần phải hợp tác để đảm bảo rằng mọi quốc gia, gồm cả Trung Quốc, hành xử trong hệ thống quốc tế theo những cách thức phù hợp và nhất quán với trật tự quốc tế”.

Ngoại trưởng Mỹ nói tiếp trong lời ám chỉ rõ ràng tới Trung Quốc: “Các vị không thể đưa ra yêu sách chủ quyền đối với các khu vực hàng hải mà các vị không có chủ quyền hợp pháp. Các vị không thể đe dọa các quốc gia và bắt nạt họ ở dãy Himalaya. Các vị không thể tham gia vào các hoạt động bưng bít và chỉ định thành viên của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)”.

Các nhà quan sát chỉ ra rằng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đã giành được chức vụ này nhờ sự tiếp sức của Trung Quốc, đó là một trong các nguyên nhân khiến vị quan chức Ethiopia giúp đỡ Bắc Kinh trì hoãn cảnh báo thế giới về dịch COVID-19, khiến dịch bệnh lây lan khắp tới hơn 200 quốc gia và tới nay đã khiến hơn nửa triệu người tử vong.

Trong cuộc họp báo hôm 21/7, Ngoại trưởng Pompeo kêu gọi: “Chúng tôi muốn thấy mọi quốc gia hiểu được tự do, dân chủ, trân trọng những giá trị đó, và biết rằng điều quan trọng để người dân của họ, quốc gia có chủ quyền của họ thành công, là cần hiểu được mối đe dọa mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đang đặt ra cho họ, đồng thời cần tự hành động và phối hợp để khôi phục lại những điều hợp pháp vốn thuộc về chúng ta.”

Các nhà phân tích nhận định chính quyền Tổng thống Trump đang hình thành một liên minh quốc tế để chống lại các thách thức của ĐCSTQ, và một trong những bước đầu tiên là phơi bày bản chất của ĐCSTQ ra công chúng thế giới.

“Một khi chúng ta tự tin rằng chúng ta có hiểu biết chung về mối đe dọa do ĐCSTQ đặt ra, thì chúng ta có thể bắt đầu hành động”, Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố hôm 25/6.

Categories: Tin-Tức Thế-Giới | Leave a comment

Bất chấp Covid-19, Việt Nam chi 35 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2020

Bất chấp Covid-19, Việt Nam chi 35 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2020

Tâm Tuệ | ĐKN 9 giờ trước 1,482 lượt xem
Ảnh: Pixabay.

Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay, tổng giá trị hàng hoá nhập từ Trung Quốc đạt 35 tỷ USD, chiếm gần 30% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Trung Quốc tiếp tục đứng ở vị trí dẫn đầu ở hầu hết các nhóm hàng nhập khẩu chủ lực của Việt Nam.

Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, Trung Quốc tiếp tục là nhà nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với tổng kim ngạch 34,92 tỷ USD, giảm gần 2% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn chiếm gần 30% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước trong 6 tháng đầu năm 2020.

Nhiều nhóm hàng nhập khẩu có kim ngạch lớn từ 1 tỷ USD trở lên đều tập trung hàng từ Trung Quốc. Cụ thể, điện thoại và linh kiện đạt hơn 3 tỷ USD; sản phẩm từ chất dẻo đạt 1,45 tỷ USD; sắt thép gần 1,4 tỷ USD.

Ngoài ra, cũng theo Tổng cục Hải quan trong 6 tháng đầu năm có 3 nhóm hàng nhập khẩu đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên, sản lượng tương đương cùng kỳ năm 2019, tuy nhiên giá trị của 2/3 nhóm hàng bị sụt giảm so với 1 năm trước.

Nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện dẫn đầu với kim ngạch đạt 27,16 tỷ USD, tăng gần 14%, tương ứng 3,3 tỷ USD, so với 6 tháng đầu năm 2019. Trong đó, hàng nhập từ Trung Quốc đạt 6,65 tỷ USD, tăng 14,2%.

Nhóm hàng nhập khẩu lớn thứ 2 là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 16,82 tỷ USD, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hàng nhập từ Trung Quốc ở mức cao nhất với giá trị gần 7 tỷ USD.

Và nhóm hàng lớn thứ 3 là nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành dệt may, da giày (bông; vải; xơ sợi dệt và nguyên phụ liệu dệt may da giày) với tổng giá trị 10,26 tỷ USD, giảm mạnh 16% (tương ứng giảm 1,94 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may da giày cho Việt Nam khi đạt trị giá 4,93 tỷ USD.

Categories: Chính-Trị Thời-Sự | Leave a comment

Ông Lý Khắc Cường lần nữa chọc thủng giấc mộng Trung Hoa: ‘Làm gì cũng phải biết tự lượng sức mình’

Ông Lý Khắc Cường lần nữa chọc thủng giấc mộng Trung Hoa: ‘Làm gì cũng phải biết tự lượng sức mình’

Vũ Dương | ĐKN 3 giờ trước 8,456 lượt xem
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (ảnh: Shutterstock).
Hàng loạt các động thái liên tiếp của ông Lý như lột trần cảnh thái bình của Trung Quốc chỉ là giả tạo.

Vào thời điểm làn sóng phản đối chính quyền Trung Quốc đang dâng cao trên khắp thế giới, nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng có sự chia rẽ một cách rõ rệt. Mấy ngày trước, Thủ tướng Quốc Vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nhấn mạnh tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương ĐCSTQ rằng “làm việc gì nhất định phải biết tự lượng sức mà làm”, động thái này lần nữa được cho rằng đã bóc trần nội tình kinh tế ĐCSTQ, không đồng điệu với “giấc mộng Trung Hoa” do Tập Cận Bình gắng sức tô vẽ.

Thủ tướng Quốc Vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 15/7 đã có bài phát biểu tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương ĐCSTQ. Ông chỉ ra rằng các khoản ngân sách mới đặc biệt của chính quyền địa phương trong năm nay sẽ được sử dụng cho “sáu ổn định” (ổn định việc làm, tài chính, ngoại thương, ổn định khoản đầu tư từ nước ngoài, ổn định đầu tư và công tác dự trù) cùng “sáu bảo đảm” (đảm bảo việc làm, sinh kế cơ bản của người dân, đảm bảo bộ phận chính của thị trường, an ninh lương thực và năng lượng, sự ổn định chuỗi cung ứng của dây chuyền sản xuất và đảm bảo các hoạt động cơ bản). Nghiêm cấm dùng ngân sách vào việc thay thế các khoản nợ hiện có, quyết không được phép làm các “công trình khoe khoang hình ảnh hay các công trình nhằm tô vẽ bộ mặt”.

Ngay từ cuộc họp Lưỡng hội diễn ra vào hạ tuần tháng 5, ông Lý Khắc Cường đã cảnh báo rằng năm nay nền kinh tế Trung Quốc sẽ chịu áp lực nghiêm trọng, doanh thu tài chính sẽ giảm mạnh. Chính quyền các cấp phải thắt lưng buộc bụng, chi tiêu tiết kiệm hết mức có thể.

Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông ĐCSTQ, Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc đã phê duyệt cho chính quyền địa phương phát hành thêm 3,75 nghìn tỷ nhân dân tệ trái phiếu để đảm bảo hoạt động ở cơ sở. Tính đến giữa tháng 7, trái phiếu đặc biệt mới của chính quyền địa phương đã phát hành 2,24 nghìn tỷ nhân dân tệ, chi ra 1,9 nghìn tỷ nhân dân tệ, tỷ lệ sử dụng đạt 85%.

Ông Lý Khắc Cường chỉ ra tại cuộc họp rằng chính quyền địa phương nên tối ưu hóa đường hướng đầu tư của quỹ trái phiếu chính phủ. Ông chỉ trích một số nơi tùy tiện phá bỏ các khu vực không phải là khu vực đã quá lỗi thời hoặc khu ổ chuột cần phải cải tạo, “không cân nhắc vấn đề tiền đến từ đâu” tạo thành gánh nặng tài chính to lớn.

Ông cũng nhấn mạnh rằng “Trung Quốc vẫn là một quốc gia đang trong phát triển, làm việc gì nhất định phải làm hết sức, biết tự lượng sức mà làm”.

Ngoại giới hoài nghi những lời này của ông Lý Khắc Cường còn có ám chỉ điều gì khác. Truyền thông Đài Loan Liberty Times đưa tin rằng những lời phát biểu này của ông Lý Khắc Cường bị nghi là đang ám đấu với “giấc mộng Trung Hoa” của ông Tập Cận Bình.

Trên thực tế, những phát biểu gần đây của ông Lý Khắc Cường đã liên tiếp bóc trần nội tình kinh tế của ĐCSTQ, chọc thủng bong bóng “xây dựng thành công xã hội thịnh vượng, thoát nghèo toàn diện” mà ông Tập Cận Bình hết sức tô vẽ.

Tại Lưỡng hội, ông Lý Khắc Cường bất ngờ đã nói ra sự thật rằng “600 triệu người Trung Quốc có thu nhập bình quân hàng tháng dưới 1.000 Nhân dân tệ (khoảng 3,3 triệu VND)” và mạnh mẽ ủng hộ một “nền kinh tế vỉa hè” nhằm tạo thêm việc làm, cho phép người dân tự tìm đường sống. Tuy nhiên, phương án này của ông Lý Khắc Cường đã bị chính quyền các nơi ngăn chặn với lý do làm xấu “hình ảnh quốc gia”.

Trang UP Media của Đài Loan bình luận rằng “nền kinh tế vỉa hè” của ông Lý Khắc Cường bị đá một cách không thương tiếc, đây thực sự là một đường lối gây tranh cãi trong thời buổi suy thoái kinh tế trầm trọng như hiện nay. Điều này khiến ông Tập Cận Bình, người muốn gây dựng thành tựu chính trị của mình vào năm kết thúc “Kế hoạch 5 năm lần thứ 13”, cảm thấy không còn chút thể diện nào.

Hiện giờ miền nam Trung Quốc đang trong lũ lụt nghiêm trọng, ông Tập Cận Bình đã đi ngược lại truyền thống vốn có của các nhà lãnh đạo, không đích thân đến thị sát các khu vực thảm họa, và ông cũng chưa từng xuất hiện công khai để chỉ đạo công tác phòng chống lụt bão và cứu trợ thảm họa. Trái lại ông Lý Khắc Cường đã có một chuyến thị sát đến Quý Châu, nơi thảm họa không được xem là tồi tệ nhất.

Trong khoảng thời gian ông Lý Khắc Cường thị sát tại Quý Châu, ngày 6/7 ông cho biết dọc đường đã trông thấy rất nhiều “nhà xưởng bỏ không”. Ông đốc thúc chính quyền địa phương sử dụng các nhà xưởng này để mở rộng sản xuất và nhấn mạnh rằng có thể “kêu gọi thêm anh chị em của những người lao động nhập cư của địa phương”.

Có nhà bình luận nói rằng ông Lý Khắc Cường vô tình lại nói sự thật, một lần nữa xác nhận rằng tình hình tái thiết kinh tế của Trung Quốc vốn không được như mong đợi, có không ít ngành công nghiệp sản xuất vẫn đang trong tình trạng dừng lại. Động thái này một lần nữa đã “dội gáo nước lạnh” vào luận điệu thoát nghèo toàn diện, xây dựng thành công xã hội thịnh vượng của ông Tập Cận Bình.

Trang RFI nói rằng sau khi ông Tập Cận Bình chiếm trọn vị thế “duy ngã độc tôn”, ông Lý Khắc Cường đã không còn có thể mở miệng trong nhiều vấn đề. Xung đột hiện tại giữa Tập và Lý chủ yếu ở phương diện thực thi các chính sách, “người cần tiếng, kẻ cần miếng”.

Kể từ đầu năm nay, do sự chồng chất của nhiều nhân tố nghiêm trọng như chiến tranh thương mại, dịch bệnh và lũ lụt, nền kinh tế Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề hơn bao giờ hết. Các doanh nghiệp tư nhân khó duy trì sản xuất. Làn sóng phá sản và thất nghiệp kéo đến khiến đời sống của người dân gặp khó khăn, xã hội rơi vào tình cảnh hỗn loạn.

Thế giới bên ngoài nhận thấy rằng ông Lý Khắc Cường đã nhiều lần nhấn mạnh công khai rằng, “bảo đảm công ăn việc làm” và “bảo đảm sinh kế của người dân”, nhưng nhiều chính sách của ông Tập Cận Bình lại không ngừng khuấy động thêm mâu thuẫn xã hội, kích động phẫn nộ của người dân.

Gần đây, Thái Kỳ – thị trưởng Bắc Kinh, và là thân tín của ông Tập Cận Bình, trước đây đã từng xua đuổi những người dân ở tầng đáy của xã hội, rồi lại bắt đầu ra tay với “người dân tầng trung”, cưỡng chế phá bỏ lượng lớn các căn biệt thự ở quận Xương Bình, Bắc Kinh, dẫn đến các cuộc biểu tình của nhóm người thuộc tầng lớp trung lưu ở Bắc Kinh.

Ông Lý Khắc Cường ngày trước tại cuộc họp đã chỉ trích một số chính quyền địa phương đã phá bỏ nhà dân một cách bừa bãi, động thái này của ông cũng được cho rằng thể hiện sự bất mãn đối với thị trưởng Bắc Kinh Thái Kỳ.

Theo báo cáo, mùa lũ năm nay tạo thành thiệt hại to lớn về người và của, lượng lớn nhà cửa bị nước lũ phá hủy, ruộng vườn bị ngập, xe cộ bị cuốn trôi. Người dân phàn nàn rằng họ đã không nhận được bất kỳ sự trợ giúp nào từ chính phủ và chỉ có thể tự cứu lấy mình.

Theo Wen Hui, NTDTV
Vũ Dương biên dịch

Categories: Tin-Tức Thế-Giới | Leave a comment

Tàu sân bay Mỹ tập trận với Ấn Độ

Tàu sân bay Mỹ tập trận với Ấn Độ

Hải Lam | ĐKN 6 giờ trước 1,155 lượt xem
Nhóm tàu tác chiến sân bay Mỹ USS Nimitz tập trận cùng tàu Ấn Độ hôm 20/7 (ảnh: Hải quân Mỹ).
Nhóm tác chiến tàu sân bay Nitmitz của Mỹ đã diễn tập cùng 4 tàu hộ vệ Ấn Độ từ ngày 20/7 trên Ấn Độ Dương.

Theo thông cáo được đăng hôm 20/7 trên website của Hải quân Mỹ, nhóm tác chiến tàu sân bay Nimitz gồm USS Nimitz, tuần dương hạm mang tên lửa dẫn đường USS Princeton, tàu khu trục USS Sterett và USS Ralph Johnson, tham gia diễn tập với hải quân Ấn Độ trên Ấn Độ Dương từ ngày 20/7. Tờ Nikkie Asian Review ngày 21/7 đưa tin, Ấn Độ điều các tàu hải quân như Rana, Sahyadri, Shivalik và Kamorta tham gia tập trận.

Tàu sân bay Mỹ (giữa) tập trận cùng tàu Ấn Độ hôm 20/7 (ảnh: Hải quân Mỹ).

Tờ báo của Nhật Bản cho biết, hải quân Mỹ và Ấn Độ đã tập trận tại eo biển Malacca, một tuyến giao thông hàng hải nhỏ ở giữa Malaysia và Indonesia. Eo Malacca được coi là một trong những tuyến đường biển quan trọng nhất thế giới. Phần lớn hàng hóa thương mại của Trung Quốc với châu Âu và dầu nhập khẩu của nước này đều phải đi qua eo biển này.

Theo hải quân Mỹ, tàu chiến của hai nước đã thực hiện các nội dung diễn tập nhằm nâng cao khả năng huấn luyện và phối hợp, trong đó có tác chiến phòng không, giúp chống lại các mối đe dọa trên biển, từ cướp biển đến chủ nghĩa bạo lực cực đoan.

Tuy nhiên, chuyên gia quốc phòng Derek Grossman tại Viện chính sách Rand Corporation (Mỹ) nhận định, cuộc tập trận của Mỹ và Ấn Độ dường như nhằm gửi thông điệp tới một đối thủ chung, đó là Trung Quốc.

“Một cuộc cạnh tranh quyền lực lớn giữa Mỹ và Trung Quốc có thể đang tác động đến Ấn Độ”, ông Grossman nói. “Ấn Độ đã có thái độ trung lập trong nhiều năm, nhưng khi xem xét mối quan hệ gần đây với Trung Quốc, Ấn Độ đã nhận ra rằng việc duy trì mối quan hệ thân mật với Bắc Kinh sẽ trở nên khó khăn”.

Cuộc diễn tập giữa hải quân Mỹ và Ấn Độ diễn ra chỉ vài ngày sau khi nhóm tác chiến tàu sân bay Nimitz tập trận với nhóm tàu sân bay USS Ronald Reagan trên Biển Đông. Hải quân Mỹ khẳng định các hoạt động này nhằm duy trì tự do hàng hải và ủng hộ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cởi mở và tự do.

Categories: Tin-Tức Thế-Giới | Leave a comment

Việt Nam và lo ngại người TQ ‘thâu tóm đất nơi trọng yếu’

Việt Nam và lo ngại người TQ ‘thâu tóm đất nơi trọng yếu’

  • Bùi Thư
  • BBC News Tiếng Việt
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm nói việc người Trung Quốc 'núp bóng để thâu tóm đất tại các khu vực trọng yếu là rất nguy hiểm, cần đặc biệt cảnh giác'.

Chụp lại hình ảnh,Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm nói việc người Trung Quốc ‘núp bóng để thâu tóm đất tại các khu vực trọng yếu là rất nguy hiểm, cần đặc biệt cảnh giác’.

Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm nói việc người Trung Quốc ‘núp bóng để thâu tóm đất tại các khu vực trọng yếu là rất nguy hiểm, cần đặc biệt cảnh giác’.

“Tôi đọc bài về báo cáo của Bộ Quốc phòng, thấy rất đáng lo ngại. Đó là Trung Quốc mua toàn đất ven biển, ở những khu vực rất nhạy cảm, trọng yếu. Điều này nằm trong chiến lược Vành đai, con đường của họ”, chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam, chia sẻ với BBC News Tiếng Việt hôm 28/5.

“Tôi thực không hiểu tại sao chúng ta lại để cho họ làm như vậy. Nó sẽ ảnh hưởng tới an ninh quốc phòng của mình rất lớn”, ông nói thêm.

Đất ở khu vực trọng yếu

Bộ Quốc phòng Việt Nam trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây cho biết người Trung Quốc đang sử dụng hơn 162.000ha đất biên giới, ven biển thông qua hai hình thức thành lập doanh nghiệp liên doanh và đầu tư tiền cho người Việt gốc Hoa mua đất.

Theo báo cáo, thời hạn thuê đất của người Trung Quốc thường từ 5 – 50 năm, lĩnh vực hoạt động chủ yếu tại khu vực biên giới đất liền và ven biển là kinh doanh khách sạn, nhà hàng, du lịch, vui chơi giải trí, may mặc, nuôi trồng thủy sản, giày da, sản xuất bao bì, đồ chơi trẻ em, linh kiện điện tử.

Các tỉnh, thành có tình trạng người Trung Quốc tập trung “sở hữu” đất đai thời gian qua là Đà Nẵng 22 trường hợp, Quảng Ninh 17 trường hợp, Hải Phòng 16 trường hợp, Bình Định 9 trường hợp, Hà Tĩnh và Bình Thuận mỗi tỉnh có 5 trường hợp.

Đà Nẵng được coi là “điểm nóng” về đất đai thuộc khu vực trọng yếu ven biển bị người Trung Quốc thâu tóm, trong đó có các khu vực được coi là “nhạy cảm” như sân bay Nước Mặn, một căn cứ quân sự ven biển thời Chiến tranh Việt Nam bị bỏ hoang.

Theo Bộ Quốc phòng, tại Đà Nẵng, người Trung Quốc chủ yếu dựa theo hai hình thức để đứng tên sử dụng các lô đất.

Vị trí khu vực đất được những 'người nước ngoài giấu mặt' mua nằm gần đường Võ Nguyên Giáp và sân bay Nước Mặn
Chụp lại hình ảnh,Vị trí khu vực đất được những ‘người nước ngoài giấu mặt’ mua nằm gần đường Võ Nguyên Giáp và sân bay Nước Mặn

Hình thức thứ nhất là thành lập doanh nghiệp liên doanh. Khi thành lập, doanh nghiệp do người Việt Nam điều hành vì người Trung Quốc góp vốn thấp hơn (người Việt Nam góp vốn chủ yếu bằng đất). Sau một thời gian, người Trung Quốc tăng vốn, giành quyền điều hành và hệ quả là quyền sử dụng các lô đất rơi vào tay người Trung Quốc.

Hình thức thứ hai là người Trung Quốc đầu tư tiền cho cá nhân người Việt Nam (chủ yếu người gốc Hoa) để mua đất. Cơ quan chức năng đã phát hiện một số cá nhân có kinh tế khó khăn nhưng đứng tên sở hữu nhiều lô đất, hầu hết đều ở vị trí đắc địa cho hoạt động kinh doanh và có ý nghĩa quan trọng trong khu vực phòng thủ.

“Trước hết, nói về đường lối bành trướng thì Trung Quốc không chỉ thực hiện với các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Khi họ có tiền, họ sang cả châu Phi, sang Djibouti, họ xây cảng và các cơ sở ở đấy. Điều này nằm trong đường lối tranh giành vị trí số 1 thế giới với Mỹ”, chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm nói.

Ông phân tích thêm: “Chẳng hạn vị trí họ mua ở sân bay Nước Mặn, một vị trí ở cửa ngõ Vịnh Bắc Bộ. Từ đây kết hợp với Hải Nam có thể giúp khống chế Vịnh Bắc Bộ. Nhìn xa ra, tôi thấy điều này ảnh hưởng rất lớn đến an ninh, quốc phòng. Đây là thứ mà chúng ta không thể không cảnh giác trước âm mưu của người Trung Quốc, muốn thôn tín những vùng đất chiến lược của Việt Nam”.

“Tôi thấy việc Bộ Quốc phòng báo cáo với Quốc hội là điều đáng mừng. Nghĩa là mình đã thấy được vấn đề. Khi mình thấy rồi, có báo cáo rồi, thì lãnh đạo cấp chiến lược sẽ phải có cách xử lý thôi”, chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm chia sẻ.

Trường học ở Hà Nội ngày 4/5

Chụp lại hình ảnh,Trường học ở Hà Nội ngày 4/5

Báo cáo về tình hình người Trung Quốc “thâu tóm” đất đã làm nóng diễn đàn Quốc hội trong tháng 5 năm, với nhiều đại biểu cho rằng cần điều chỉnh các luật Đầu tư và Đất đai để ngăn chặn nguy cơ.

Những người quan ngại còn đề cập đến cái mà họ cho rằng sẽ là nguy cơ lớn nếu để đất đai tại những nơi dự kiến hình thành các đặc khu trong tương lai rơi vào tay người Trung Quốc.

Cuối Facebook tin, 1

Điều chỉnh luật để ngăn chặn?

Theo luật pháp hiện hành, người nước ngoài không được đứng tên giấy phép sử dụng đất đai tại Việt Nam mà chỉ được phép mua nhà ở. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định quản lý việc nhà đầu tư nước ngoài liên doanh, tăng vốn, mua cổ phần doanh nghiệp trong nước để qua đó sở hữu đất đai các dự án.

Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội hôm 25/5, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nói: “Họ mua, thuê không liên quan đến nội dung luật Đất đai quy định. Theo luật đầu tư, theo luật Nhà ở, họ hoàn toàn được làm. Còn luật Đất đai không cấp giấy quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp nước ngoài”.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thì chia sẻ luật hiện hành chưa có chính sách cụ thể về vấn đề ngăn chặn người nước ngoài thuê, mua đất ở vị trí trọng yếu về an ninh quốc phòng.

“Tuy nhiên, tất cả các vấn đề liên quan đến việc người nước ngoài đầu tư chúng tôi đang nghiên cứu, có thể tham mưu để Chính phủ ban hành một chỉ thị mới, trong đó có cả vấn đề người nước ngoài thuê, mua đất”, ông nói.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng còn cho biết quy định ngăn chặn người nước ngoài thuê, mua đất ở khu vực trọng yếu quốc phòng có thể tích hợp trong dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) đang được Quốc hội cho ý kiến.

Tuy nhiên, ông lưu ý thêm: “Luật là bình đẳng cho tất cả mọi lĩnh vực, thành phần. Còn những cái đó thì phải dùng công cụ khác. Luật không phân biệt đối xử người này với người kia, nước này, nước kia. Những lĩnh vực cần nhà nước quản lý thì nhà nước dùng các công cụ bằng cách khách nhau để quản lý chặt chẽ vấn đề đó. Có những cái không thể đưa thành luật được”.

Phó giáo sư, tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển – trong cuộc trò chuyện trực tiếp trên BBC News Tiếng Việt hôm 28/5 đề xuất:

“Vấn đề người nước ngoài nhờ người Việt Nam đứng tên, một hình thức đội lốt như vậy, thì pháp luật cấm rồi. Có thể xử lý ngay được.”

“Còn vấn đề mà mua lại cổ phần công ty, thì cái này cần điều chỉnh luật theo hướng, những khu vực mang tính chiến lược, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, phải có ý kiến của Bộ Quốc phòng. Bộ Quốc phòng cần có tiếng nói quyết định trong vấn đề đầu tư nước ngoài vào các khu đất thuộc vùng trọng yếu đối với an ninh, quốc phòng. Cần rà soát lại toàn bộ các dự án ở vùng trọng điểm để xử lý”.

Một khu vực gần sân bay Nước Mặn của Đà Nẵng

Chụp lại hình ảnh,Một khu vực gần sân bay Nước Mặn của Đà Nẵng

Góp ý với BBC News Tiếng Việt, chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm nói: “Theo tôi, về mặt luật pháp thì Việt Nam cần xây dựng chặt chẽ hơn, tránh bị Trung Quốc lợi dụng. Thêm nữa, nhà nước cần tuyên truyền cho người dân về mức độ nguy hiểm để họ biết, cùng cảnh giác, không giúp ngoại bang mua đất như thế. Cần lấy lợi ích quốc gia làm ưu tiên số một”.

Ông cũng nhắc lại chiến lược Vành đai, con đường của Trung Quốc:

“Họ muốn tạo dựng Con đường tơ lụa trên biển, kết nối Trung Quốc, xuống Biển Đông, sang Malaysia, qua Ấn Độ Dương. Họ không làm điều đó trong ngày một ngày hai, và họ có thể thực hiện điều đó trong hàng chục năm, thậm chí cả trăm năm. Đối với người Việt Nam cần phải cảnh giác, phải thấy để mà lo”, ông Lê Kế Lâm chia sẻ.

“Chúng ta cần làm rõ thế nào là ảnh hưởng tới quốc phòng, an ninh. Theo tôi, thứ nhất là những mảnh đất gần biên giới. Thứ hai là các mảnh đất gần các cơ sở an ninh, quốc phòng. Cái này thì những quy định tới đây đều phải nêu rõ khoảng cách bao nhiêu thì được coi là có ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng.”

“Thứ ba là các vùng bờ biển, biên giới biển. Nhiều nơi ở các vị trí này đang xảy ra hiện tượng là các doanh nghiệp Việt Nam chuyển cổ phần cho doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là doanh nghiệp Trung Quốc. Qua đó, doanh nghiệp nước ngoài cũng ‘sở hữu’ các mảnh đất đó. Cái này xét về luật Đầu tư thì không sai, nhưng xét về Nghị định về biên giới thì hoàn toàn sai.”

“Cho nên thời gian tới, trước khi ra luật Biên giới, thì chắc chắn Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cần rà soát lại nhanh các dự án đang nằm trong tay người nước ngoài để có hướng xử lý phù hợp”.

Về vấn đề ngăn chặn nguy cơ, tối 27/5, Tổng cục quản lý đất đai thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản nêu 7 giải pháp.

Trong đó, cơ quan này nêu rõ việc quy hoạch các khu vực trọng yếu, nhạy cảm có liên quan đến quốc phòng, an ninh cần được tính toán trước một bước nhằm xác định khu vực, phạm vi, giới hạn để thực hiện các dự án đầu tư cũng như những khu vực hạn chế quyền tiếp cận và giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài.

Categories: Tin Trong Nước | Leave a comment

Create a free website or blog at WordPress.com.