Daily Archives: July 24, 2020

Điểm tin thế giới sáng 24/7: Ngoại trưởng Pompeo kêu gọi ‘mạnh tay hơn’ với ĐCSTQ

Điểm tin thế giới sáng 24/7: Ngoại trưởng Pompeo kêu gọi ‘mạnh tay hơn’ với ĐCSTQ

Lục Du | ĐKN 12 giờ tới 519 lượt xem
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (ảnh chụp màn hình Fox News/Youtube).
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Sáu (24/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

Ngoại trưởng Pompeo kêu gọi ‘mạnh tay hơn’ với ĐCSTQ

Hôm thứ Năm, Ngoại trưởng Hoa Kỳ nói rằng Mỹ và các đồng minh phải sử dụng “những cách sáng tạo và quyết đoán hơn” để gây sức ép buộc Đảng Cộng sản Trung Quốc thay đổi hành vi của nó, theo Reuters.

Trong bài phát biểu quan trọng ngày sau sự kiện chính quyền Trump bất ngờ ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc Houston, ông Pompeo đã lặp lại các chỉ trích đối với Bắc Kinh rằng lực lượng cầm quyền ở Trung Quốc đã thực hiện các chính sách thương mại không công bằng với Mỹ, cũng như vi phạm nhân quyền và tìm cách can thiệp vào xã hội Hoa Kỳ.

Ông Pompeo nói rằng quân đội Trung Quốc đã trở nên mạnh và nguy hiểm hơn, đồng thời cách tiếp cận đối với Trung quốc nên là “không tin và cần xác minh”.

Bắc Kinh tuyên bố phải trả đũa Mỹ vụ Houston

Bắc Kinh cáo buộc việc Hoa Kỳ đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston đã gây ra tổn hại nghiêm trọng mối quan hệ giữa hai nước và cảnh báo nhất quyết sẽ đáp trả, theo bản tin tối thứ Năm của Reuters.

Washington hôm thứ Ba đã yêu cầu lãnh sự quán Trung Quốc ở Houton phải đóng cửa trong 72 giờ vì cho rằng cơ quan này là “ổ gián điệp” của Bắc Kinh, và nói rằng quyết định này là “để bảo vệ tài sản trí tuệ và thông tin cá nhân của người và nước Mỹ”.

Phản ứng trước động thái của Hoa Kỳ, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói rằng các cáo buộc của chính phủ Mỹ là “vu cáo một cách độc ác” và là “động thái vô lý” làm “tổn hại nghiêm trọng” mối quan hệ giữa hai nước.

“Trung Quốc phải thực hiện một phản ứng cần thiết và bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của mình”, ông Bân nhấn mạnh.

Ông Tedros phủ nhận việc bị Bắc Kinh ‘mua chuộc’

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm thứ Năm tuyên bố không bị “mua chuộc” như nghi ngờ của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, theo Reuters.

“Những lời bình luận đó là không đúng sự thật, không thể chấp nhận được và không có bất kỳ cơ sở nào để kết luận”, ông Tedros trả lời sau khi được hỏi về việc Ngoại trưởng Mỹ Pompeo tại London nói rằng ông bị Trung Quốc “mua chuộc”.

“Vấn đề trọng tâm duy nhất của chúng tôi, và trọng tâm của toàn bộ tổ chức là cứu người”, ông Tedros tuyên bố. “WHO sẽ không bị phân tâm bởi những bình luận này. Chúng tôi không muốn cộng đồng quốc tế bị phân tâm”.

Trong đại dịch Covid-19, WHO và ông Tedros phải đối mặt với làn sóng chỉ trích vì cách xử lý yếu kém và “lấy Trung Quốc làm trung tâm”.

FBI thẩm vấn người làm việc cho quân đội Trung Quốc

FBI đã thẩm vấn những người nước ngoài làm việc cho quân đội Trung Quốc được cấp thị thực vào Mỹ, Bộ Tư pháp Mỹ hôm thứ Năm, cho biết.

“Trong các cuộc phỏng vấn với các thành viên của Quân đội Trung Quốc tại hơn 25 thành phố trên khắp Hoa Kỳ, FBI đã phát hiện ra việc những người này đã cố gắng che giấu mối quan hệ thực sự giữa họ để nhằm lợi dụng Hoa Kỳ và người dân Mỹ”, ông John Brown, một quan chức cấp cao của FBI cho biết.

Trong khi đó, Bộ Tư pháp Mỹ nói rằng 4 công dân Trung Quốc đã bị bắt giữ vì gian lận visa, trong đó có một người vẫn còn đang lẩn trốn trong lãnh sự quán của Trung Quốc tại thành phố San Francisco.

Thái Lan phát hiện xác trưng bày tại bảo tàng là kẻ ‘ăn thịt người’

Người này có tên là Si Quey, một kẻ giết người hàng loạt bị xử tử, được cho là có sở thích “ăn thịt người”. Xác chết của Si Quey đã nằm trong Bảo tàng Pháp y tại Bệnh viện Siriraj của Bangkok trong khoảng 60 năm, theo Fox News.

Vào thứ Năm, thi thể của Si Quey đã được đưa đi hỏa táng tại thành phố Nonthaburi của Thái Lan. 9 nhà sư Phật giáo đã tụng kinh cầu nguyện và đặt hoa trên quan tài của Si Quey.

Việc hỏa táng được thực hiện gần nhà tù Bang Kwang. Không có người thân nào của Si Quey tới. Những người dân địa phương hiếu kỳ đã tới để tìm hiểu nhân vật khét tiếng này. Si Quey trước đây đã thú nhận hành vi ăn thịt người của ông ta.

Advertisement
Categories: Tin-Tức Thế-Giới | Leave a comment

Trí tuệ Tăng Quốc Phiên: 6 kiểu nói chuyện đừng bao giờ mắc phải

Trí tuệ Tăng Quốc Phiên: 6 kiểu nói chuyện đừng bao giờ mắc phải

Châu Yến | ĐKN 9 giờ trước 1,625 lượt xem
Trí tuệ Tăng Quốc Phiên: 6 kiểu nói chuyện đừng bao giờ mắc phải!
Ảnh: Đại Kỷ Nguyên tổng hợp.
Tăng Quốc Phiên được xem là một trong tứ đại danh thần thời kỳ phục hưng của triều đình Mãn Thanh, được người đời sau đánh giá rất cao. Con đường công danh của ông khá ly kỳ, lúc đầu bảy lần thi cử không đỗ, về sau trong mười năm thăng quan đến bảy lần, liên tiếp thăng lên mười cấp, lên đến quan nhị phẩm. Ông để lại cho hậu thế nhiều kinh nghiệm xử thế quý báu.

Cả đời Tăng Quốc Phiên đều cần kiệm liêm chính, không vì chức quan mà kiêu ngạo. Mọi người thường hay nói quan trường như chiến trường, họa phúc khó lường. Nhưng Tăng Quốc Phiên tu tâm dưỡng tính, lấy đức làm quan, có được thành công to lớn trong sự nghiệp, vận may luôn rất tốt.

Sự thành công trên quan trường của Tăng Quốc Phiên bắt nguồn từ phương thức nói chuyện của ông. Ông tuân theo nguyên tắc “không nói nhiều”.

Người xưa thường hay nói: “Bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra”.  Lời nói có giá trị thì mới nói nhiều, lời nói không cần thiết thì không nói.

Tăng Quốc Phiên nói: “Làm việc không được tùy tâm, nói chuyện không được tùy khẩu”.

Điều này bắt nguồn từ một chuyện nhỏ.

Cha của Tăng Quốc Phiên ăn mừng sinh nhật, Trịnh Tiểu San đi đến chúc thọ, Tiểu San là đồng hương của Tăng Quốc Phiên. Lúc đó Tăng Quốc Phiên vừa mới được vào viện Hàn lâm, vô cùng đắc ý, nắm lấy tay của Tiểu San ba hoa không ngớt lời, nói mà không suy nghĩ, có cũng nói không có cũng nói, làm Trịnh Tiểu San thấy khó chịu, thế là Trịnh Tiểu San tức giận bỏ về.

Sau chuyện đó, Tăng Quốc Phiên phát hiện ra lỗi của mình, hối hận không kịp. Từ đó, ông bắt đầu chú ý lời ăn tiếng nói của mình.

Dưới đây là 6 kiểu hành sự giao tiếp cần tránh do Tăng Quốc Phiên tổng kết nghiên cứu ra.

1. Không nói lời thẳng thừng

Nói chuyện là một môn nghệ thuật. Nói hay thì là thêu hoa trên gấm, nói không hay thì là thêm dầu vào lửa.

Nói chuyện tuyệt đối không nên quá thẳng thừng. Ai cũng có lòng tự trọng và sĩ diện, nếu nói chuyện tùy tiện không nghĩ đến hoàn cảnh của người khác, rất dễ tạo ra tình huống ngượng ngùng, làm mọi người đều mất vui.

Tăng Quốc Phiên khuyên dạy con trai rằng: “Từ xưa đến nay nói về thói xấu dẫn đến thất bại đại khái có hai điều: một là kiêu ngạo, hai là nói nhiều”.

Nói chuyện phải tuôn chảy tí tách, mát lòng mát dạ như nước suối giữa núi rừng, chứ không nên cuộn trào ào ạt như nước ở sông hồ. Nói một cách thẳng thừng dứt khoát và nói một cách nhẹ nhàng chậm rãi sẽ mang lại hiệu quả khác nhau, cách nói nhẹ nhàng sẽ được tiếp nhận dễ dàng hơn. Phải làm người khác nghe lọt tai những gì bạn nói, đây là mấu chốt giao tiếp với người khác.

Nếu như cách nói chuyện không hợp lý, dù lời nói có chân thành và có giá trị đến mấy đi nữa, đối phương nghe không lọt tai thì vẫn là vô ích. Còn lời lẽ mềm mỏng, không cứng nhắc vừa là tôn trọng đối phương, vừa để cho đối phương có thể tiếp lời, cũng vừa làm dịu cảm xúc của đối phương để cuộc nói chuyện có thể được tiếp diễn.

Ảnh: Secretchina.

2. Không nói lời thị phi

Người nói lời thị phi thường hay bị người khác ghét, đặc biệt là những người nói xấu sau lưng người khác.

Tăng Quốc Phiên viết trong gia thư rằng: “Thường nói chuyện thị phi, tức là người thị phi”. Người thường xuyên đi nói xấu người khác, một chút chuyện nhỏ cũng đi rêu rao thành chuyện to, chắc chắn không phải là người tốt đẹp gì. Thường xuyên đi nói xấu người khác, rồi sẽ có ngày những lời nói đó truyền đến tai của người kia.

Người thực sự thông minh, trong những lúc rảnh rỗi luôn học hỏi những cái mới hoặc là nâng cao bản thân, chứ không lãng phí thời gian và sức lực của mình vào bàn tán lỗi lầm của người khác.

3. Không nói lời oán trách

Trong cuộc sống, chúng ta luôn gặp phải những người oán trách, họ oán trách chính mình hoặc oán trách người khác.

Thật ra oán trách là đang làm chuyện vô ích, không giúp ích gì cho việc giải quyết vấn đề. Mọi người không thích nghe chúng ta cứ mãi oán trách, và ngược lại, chúng ta cũng không thích nghe người khác luôn miệng oán trách. Nghe nhiều những lời oán trách, tâm trạng sẽ trở nên tồi tệ, rồi rơi vào vòng xoáy của năng lượng tiêu cực.

Người thích oán trách và cằn nhằn là người có ý chí không kiên định, khả năng chịu đựng áp lực rất kém. Gặp phải chuyện phiền toái là oán trách, không ngừng tìm kiếm lỗi lầm của người khác, oán trách cuộc đời bất công, hại bản thân rơi vào tình cảnh thê thảm… Như vậy rất dễ khiến bạn trở thành người lười biếng và yếu đuối.

Vì vậy, chúng ta đừng ngốc nghếch mà oán trách nữa, hãy thử im lặng suy nghĩ xem tại sao chúng ta lại thất bại? Có cách nào để giải quyết vấn đề không? lần sau gặp phải chuyện như vậy có thể làm tốt hơn không? Đó mới là điều mà chúng ta cần làm.

4. Không nói lời ngông cuồng

Giao tiếp với người khác, thành thật là tốt nhất, những lời nói ngông cuồng tự cao tự đại thì không nên nói, nói ra dễ bị người ta chán ghét. Cũng đừng tùy tiện nhận lời làm những chuyện mà mình không thể làm nổi, đến cuối cùng thất hứa với người khác thì sẽ đánh mất sự tin tưởng mà người khác dành cho bạn.

Vì thói sĩ diện hão của mình mà nói những lời ngông cuồng, để lộ khuyết điểm của mình cho người khác biết, thì đúng là mất nhiều hơn là được.

Vào thời Ngụy Tấn, danh sĩ Chu Bá Nhân của Tấn triều rất thích nói lời ngông cuồng.

Trong “Tấn Thư” kể rằng, có một lần Tấn Nguyên Đế mở tiệc thiết đãi quần thần, mọi người đều uống rượu rất vui vẻ, Tấn Nguyên Đế nói: “Các vị đang ngồi ở đây đều là đại thần nổi tiếng cả nước, hôm nay chúng ta cùng tề tựu tại đây, các vị ái khanh có cảm thấy ta giống Nghiêu, Thuấn, Vũ của thời xưa không?”, các quan đại thần vỗ tay nói giống.

Chu Bá Nhân lúc đó đã uống say, chỉ thấy ông lớn tiếng nói rằng: “Đều là hoàng đế, hoàng đế của hôm nay làm sao có thể sánh được với lúc thánh nhân còn sống chứ?”, hoàng đế vô cùng tức giận, liền hạ thánh chỉ, cho xử tử ông, nhưng nhiều ngày sau lại miễn tội cho ông.

Vì vậy chúng ta cần phải biết khiêm tốn, đừng quá ngông cuồng như Chu Bá Nhân, nếu không sẽ rất dễ rước họa vào thân.

5. Không nói bừa

Con người sống trên đời, nhất định phải sống thật minh bạch, làm người phải rõ ràng minh bạch, làm việc phải đàng hoàng tử tế. Không nói bừa nói đại, không biết thì chúng ta đừng nói, tuyệt đối đừng nói bừa, lời nói một khi đã nói ra thì không thể thu lại được nữa.

Người xưa thường nói: “Người nói không có ý, người nghe có ý”. Người khác nghe được là sẽ nghi ngờ nhân phẩm của bạn, sẽ có ảnh hưởng không tốt tới hình tượng của bạn.

Không ai muốn gần gũi một người suốt ngày chỉ nói bừa, bởi vì câu nào cũng có lời nói dối trong đó, hiệu quả giao tiếp rất thấp. Nói chuyện rõ ràng chính xác, không nói bừa, khiến người nghe sẽ cảm thấy bạn là một người đáng tin cậy, đây mới là biểu hiện của EQ cao.

6. Không nói lời ác độc

Tăng Quốc Phiên thường dạy bảo con cái trong gia thư, làm người phải rộng lượng, nói chuyện đừng quá tàn nhẫn, hành sự đừng quá tuyệt tình. Tích phúc nhiều hơn, tôn trọng người khác hơn, như vậy vừa là bao dung người khác cũng vừa là bao dung chính mình. Cố gắng đừng nói những lời ác độc, phải học cách khắc chế.

Tục ngữ nói rất hay: “Thiện ý một câu ấm ba đông, lời độc lạnh người sáu tháng ròng”.

Sức sát thương của lời nói ác độc không thua kém một bom nguyên tử về mặt tinh thần.

Nguyễn Linh Ngọc, huyền thoại điện ảnh Trung Quốc, viết trong di chúc rằng: “Tôi chết đi đâu có gì đáng tiếc, nhưng vẫn lo miệng lưỡi người đời đáng sợ”. Chúng ta không thể nào đo lường được sự tổn thương do lời nói ác độc gây ra cho người khác.

Vì vậy, trước khi chúng ta muốn nói điều gì, nhất định phải suy nghĩ kỹ một lần, loại bỏ hết những lời nói ác ý làm tổn thương người khác. Thử nghĩ lại xem bạn đã từng nói ra 6 kiểu nói trên hay chưa? Khi nói chuyện bạn đã từng nghĩ cho đối phương bao giờ chưa? Và những gì bạn đã nói ra có phù hợp với hoàn cảnh hay không?

Xin nhớ kỹ: Mỗi một câu mà bạn nói ra đều sẽ quyết định giá trị cuộc đời của bạn.

Video: Nói là khả năng, im lặng là “thăng hoa” của hùng biện

Categories: Tài Liệu Tham Khảo | Leave a comment

Mỹ – Nhật tăng cường quân sự trước TQ

Mỹ – Nhật tăng cường quân sự trước TQ

Mỹ và Nhật đang tăng cường hoạt động quân sự ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm ứng phó Trung Quốc.

Đẩy mạnh thế trận không – hải

Ngày 27.6, trang mạng của lực lượng không quân Mỹ ở Thái Bình Dương đưa tin 3 máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-52 được điều động đến căn cứ ở Alaska (Mỹ) để phục vụ cho năng lực tấn công khẩn cấp tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific). Các máy bay này có thể nhanh chóng tổ chức tấn công đến vùng biển Nhật Bản khi cần thiết.

Ngoài ra, một số máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-1 Lancer gần đây được Lầu Năm Góc triển khai ở căn cứ đảo Guam, cũng nhằm đáp ứng cho chiến lược Indo-Pacific.

Bên cạnh đó, Washington cũng đã tăng cường nhiều chiến hạm, từ chiến hạm cận bờ, tàu khu trục, tàu tuần dương… đến tàu đổ bộ tấn công, tàu vận tải đổ bộ, tàu sân bay hoạt động ở khu vực Thái Bình Dương. Đặc biệt, trong số này có đến 3 tàu sân bay gồm USS Theodore Roosevelt, USS Ronald Reagan và USS Nimitz cùng một số tàu ngầm tấn công.

Thời gian qua, chiến lược Indo-Pacific tự do và rộng mở được Mỹ đẩy mạnh nhằm kết hợp với 3 nước còn lại trong bộ tứ an ninh (gồm Mỹ – Nhật Bản – Ấn Độ – Úc) để cùng ứng phó các thách thức trong khu vực, đặc biệt là trước các hành động từ Trung Quốc.

Liên quan tình hình khu vực, truyền thông Nhật ngày 26.6 đưa tin Bộ Quốc phòng nước này đang có kế hoạch xây dựng một nhóm công tác chuyên trách Indo -Pacific nhằm thúc đẩy chiến lược ở khu vực này. Nhóm công tác sẽ thực thi các chính sách nhằm tăng cường hợp tác với Úc và Ấn Độ.

Tuần qua, ngày 23.6, Nhật Bản đã điều động 2 chiến hạm JS Kashima và JS Shimayuki tham gia tập trận tại Biển Đông cùng chiến hạm cận bờ USS Gabrielle Giffords thuộc lớp Independence của Mỹ. Không chỉ tập trận hải quân, cuối tháng 5, Nhật điều 16 máy bay tiêm kích, bao gồm 2 loại F-15 và F-2, tập trận cùng 2 oanh tạc cơ B-1 Lancer của Mỹ ở khu vực vùng biển xung quanh quần đảo Okinawa. Không quân hai nước gần đây còn có nhiều hoạt động chung khác.

Chiến lược chống tiếp cận của Trung Quốc

Trong khi đó, thời gian qua, Bắc Kinh triển khai chương trình phong tỏa, chống tiếp cận ở Thái Bình Dương với tâm điểm là hệ thống tên lửa chống tàu chiến nhằm đe dọa tàu chiến Mỹ.

Trả lời Thanh Niên về vấn đề này, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận xét nổi bật trong số vũ khí “diệt hạm” của Trung Quốc có tên lửa Đông Phong 21. Đầu tiên, dù sức mạnh thực sự của loại hỏa tiễn này vẫn chưa rõ ràng thì đây vẫn là một mối đe dọa cho tàu sân bay Mỹ. Thứ hai, tầm bắn của Đông Phong 21 là 1.800 km, nên tàu chiến và căn cứ Mỹ ở đảo Guam nằm ngoài tầm bắn của Đông Phong 21. Thứ ba, ngoài tàu sân bay thì Mỹ còn có tàu ngầm – vốn không thể bị tấn công bởi tên lửa đối hạm tầm xa. Và tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ có tầm bắn từ 1.300 – 3.000 km, nên tàu chiến nước này từ khoảng cách an toàn thì vẫn có thể tấn công Trung Quốc.

Cũng trả lời Thanh Niên, chuyên gia Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và nay đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) nhận xét tàu sân bay Mỹ luôn được hộ tống bởi các tàu khu trục vốn tích hợp hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis tối tân. Chính vì thế, các tàu chiến Mỹ có thể tự bảo vệ trước lực lượng tên lửa Trung Quốc.

Cảnh báo “những vụ việc đáng báo động” ở Biển Đông

Ngày 27.6, tờ Philippine Daily Inquirer dẫn lời Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 diễn ra vào ngày 26.6, bày tỏ lo ngại về “các vụ việc đáng báo động xảy ra ở Biển Đông”, giữa lúc các nước trong khu vực bận đối phó đại dịch Covid-19. Tuy ông Duterte không nêu rõ “các vụ việc đáng báo động” là gì, song báo chí phương Tây cho rằng lãnh đạo Philippines đề cập việc Trung Quốc gia tăng hoạt động ở Biển Đông. Hồi tháng 4, Philippines đã gửi 2 công hàm cho Trung Quốc nhằm phản đối các động thái của Bắc Kinh tại Biển Đông, trong đó có vụ Trung Quốc ngày 18.4 lập cái gọi là “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” nhằm kiểm soát Biển Đông.

Trung Quốc “lại nạo vét” ở đảo Phú Lâm

Trung Quốc “lại nạo vét” ở đảo Phú LâmẢnh chụp từ vệ tinh vào ngày 17.4 (trái) và ảnh chụp ngày 25.6 cho thấy có sự thay đổi tại một góc ở đảo Phú Lâm

ẢNH: BENARNEWS

Trang BenarNews mới đây đưa tin so sánh hình ảnh chụp từ vệ tinh, trong quãng thời gian từ ngày 17.4 – 25.6, cho thấy Trung Quốc đang nạo vét phi pháp tại một bãi đá trong đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Cụ thể, một đá ngầm cạn ven bờ nằm phía tây bắc đảo Phú Lâm bị nạo vét một khoảng lớn ở giữa. Hình ảnh còn cho thấy có một số dãy đất mới có thể làm nền móng cho việc bồi đắp thêm để mở rộng đảo Phú Lâm. Ngoài ra, hình ảnh chụp ngày 8.5 có thể cho thấy cần cẩu và máy móc hạng nặng đang làm việc tại cùng địa điểm nói trên.

Từ năm 2014, Bắc Kinh tiến hành chiến dịch nạo vét, bồi đắp đất quy mô lớn nhằm biến những thực thể Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông thành đảo nhân tạo và quân sự hóa chúng. Chiến dịch này đã hoàn tất vào năm 2017, nhưng hoạt động nạo vét quy mô nhỏ hơn vẫn tiếp diễn.

Đến nay, Bắc Kinh đã xây dựng hạ tầng quy mô lớn ở đảo Phú Lâm, trong đó có cả đường băng, nhà chứa máy bay cùng nhiều hạ tầng quân sự. Họ cũng nhiều lần điều động máy bay tiêm kích và oanh tạc cơ đến đảo Phú Lâm, kèm theo đó còn có các hệ thống tên lửa đối không và chống hạm. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng tiến hành nhiều hoạt động núp bóng dân sự để tăng cường kiểm soát vùng biển xung quanh đảo Phú Lâm.

Categories: Tin-Tức Thế-Giới | 1 Comment

Diễn biến hòa bình và… tẩu hỏa nhập ma

Diễn biến hòa bình và… tẩu hỏa nhập ma

Blog VOA

Trân Văn

23-7-2020

Kết luận về Kỳ họp thứ 46 (từ 15/7/2020 đến 17/7/2020) mà Ủy ban Kiểm tra của Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN (UBKT BCH TƯ) vừa công bố: Bác khiếu nại của ông Bùi Tiến Lợi, giữ nguyên quyết định khai trừ ông ra khỏi đảng CSVN, không làm các facebooker, các youtuber trước nay vẫn “tả xung, hữu đột” để chống diễn biến… hòa bình, chống tự… chuyển hóa, tự… diễn biến, điều chỉnh… quan điểm bảo vệ đảng!

Ngoài một số facebooker như Phùng Út Hà chỉ trích quyết định có tính chung thẩm của UBKT BCH TƯ, còn có những facebooker như Trung Hiếu Chế chia buồn với ông Lợi vì bị những kẻ xấu từ đáy đến đỉnh dìm xuống bùn. Có facebooker như Vũ Trường Sơn thở dài vì ông Lợi đấu tranh bảo vệ Đảng nhưng bị đảng vùi dập. Theo đảng giờ chỉ còn quyền lợi duy nhất là khi về với tiên tổ thì được chi bộ chia buồn (1).

Ông Lợi – Thượng tá, Chủ nhiệm Bộ môn Chủ nghĩa xã hội khoa học của Khoa Khoa học xã hội và nhân văn, trường Sĩ quan Công binh – vốn là một trong những người lăn xả trên Facebook, You Tube để chống diễn biến… hòa bình. Ông là một trong những người đi đầu trong việc lên án ông Lê Mã Lương (Anh hùng các lực lượng vũ trang, Thiếu tướng, cựu Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự), ông Nguyễn Quốc Thước (Trung tướng, cựu Tư lệnh Quân khu 4, nhiều năm liền là đại biểu Quốc hội), nhiều Giáo sư – Tiến sĩ tham gia biên soạn lịch sử,… vì xét lại, xuyên tạc lịch sử, nhận giặc làm cha. Cũng vì vậy, việc ông Lợi bị Đảng ủy trường Sĩ quan Công binh loại ra khỏi Lực lượng 47 – được thành lập để đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng – của trường Sĩ quan Công binh, làm nhiều người ngạc nhiên (2).

Chuyện chưa ngừng ở đó, cả những người chỉ trích đảng lẫn những cá nhân hết lòng bảo vệ đảng, chống diễn biến… hòa bình trên Internet, cùng sửng sốt trước tin, ông Lợi bị đảng khai trừ vì đã có những bài viết, phát ngôn trên mạng xã hội trái với quan điểm, đường lối của đảng, nhà nước cách nay khoảng nửa năm và mới đây, UBKT BCH TƯ loan báo quyết định khai trừ ông Lợi ra khỏi đảng là hoàn toàn đúng đắn.

Cũng tới bây giờ, một số người thân cận và ủng hộ ông Lợi mới kể, sở dĩ ít ai biết ông Lợi đã bị đảng khai trừ cách nay khoảng nửa năm vì những quyết định liên quan đến việc khai trừ ông bị xếp vào loại… MẬT! Không những bị khai trừ khỏi đảng, ông Lợi còn bị loại ngũ và sáu tháng vừa qua bị giam lương. Đây là lý do nhiều cá nhân tích cực chống diễn biến… hòa bình trên Internet tỏ ra buồn, đau vì ông Lợi phải gánh chịu… đòn thù!

Sở dĩ ông Lợi – người luôn bày tỏ sự tin tưởng sâu sắc và trung thành với cả bác lẫn đảng – bị chính các tổ chức đảng từ dưới lên trên đồng thanh từ bỏ vì hồi giữa năm ngoái, khi thực hiện một video clip để vạch mặt những phần tử cơ hội trong đảng, toan “lật sử”, ông Lợi tuyên bố: Đừng bao giờ nghĩ rằng cứ có các dữ liệu lịch sử thì có thể ‘vơ’ đảo, lãnh hải, thềm lục địa đó là của mình… Ai đó nói rằng biển Đông, Trường Sa là của Việt Nam thì đó là tuyên truyền trái với luật pháp quốc tế (3)…

Tháng 5 vừa qua – trong khi chờ kết quả giải quyết khiếu nại từ UBKT BCH TƯ – ông phân trần, đại ý: Tuyên bố của ông chỉ… chưa hợp lòng dân chứ không trái với quan điểm, đường lối của đảng, nhà nước thật ra chỉ vì… chưa hợp lòng dân. Đó là kết quả tập huấn cho những người như ông để giảng dạy cách nay bốn, năm năm. Không đề cập đến việc bị đảng khai trừ nhưng ông Lợi lấp lửng rằng, sơ suất tiết lộ lầm đối tượng đã khiến ông lãnh mức “án” mà cả ông lẫn toàn… thế giới không thể… tưởng tượng (4)!

***

Nếu không nhận thức lại để điều chỉnh hành vi, loài người không thể tiến bộ và xã hội loài người không thể văn minh như đã biết và đang thấy. Lịch sử nhân loại cung cấp vô số ví dụ, hỗ trợ chứng minh, những thay đổi tích cực nhất, hiệu quả nhất, nhân bản nhất chính là những nỗ lực tạo ra thay đổi một cách ôn hòa. Tuy nhiên đảng ta cũng như các đảng anh em không chấp nhận nhận thức lại – phân định lại đúng, sai để thay đổi cách thức điều hành, quản trị xã hội.

Khi những khái niệm, ý tưởng vốn dĩ lành mạnh như tự… diễn biến, tự… chuyển hóa được xác lập là một loại kẻ thù mới, nỗ lực chống diễn biến… hòa bình để bảo vệ quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của đảng đã tạo ra một cuộc chiến càng ngày càng khốc liệt ngay trong lòng đảng. Những tình tiết liên quan đến việc xuất bản, phát hành cuốn sách “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” chính là một trong những câu chuyện minh họa về hậu quả của chống diễn biến… hòa bình.

Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” là cuốn sách đầu tiên hệ thống hóa những thông tin, dữ kiện liên quan tới chuyện Trung Quốc cưỡng đoạt các bãi đá ngầm thuộc chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa hồi đầu năm 1988, kèm tường thuật của một số nhân chứng may mắn sống sót sau cuộc thảm sát ngày 14 tháng 3 năm 1988 ở bãi đá ngầm Gạc Ma. Tuy nhiên trong vòng bốn năm (2014 – 2018), bản thảo “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” được chuyển lòng vòng qua… 13 nhà xuất bản. Chỉ đến khi một hội đồng cấp quốc gia được thành lập nhằm thẩm định nội dung của riêng “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” gật đầu, giấy phép xuất bản mới được cấp cho nhà xuất bản thứ 14 (5)!

Cho dù tham gia tổ chức nội dung, biên soạn “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” có hai ông tướng (Lê Mã Lương – Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Thiếu tướng, cựu Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Lê Kế Lâm – Chuẩn Đô đốc, cựu Tham mưu phó đặc trách tác chiến của Hải quân, cựu Giám đốc Học viện Hải quân), một cựu Vụ trưởng đặc trách Cơ quan Thường trực phía Nam của Ban Tuyên giáo BCH TƯ (Đào Văn Lừng), một Đại biểu Quốc hội bốn nhiệm kỳ kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (Dương Trung Quốc), 68 nhà báo, các cựu chiến binh là nhân chứng vụ thảm sát ở Gạc Ma nhưng tất cả đều bị xem là “những kẻ đang thực hiện âm mưu xét lại lịch sử, hạ bệ thần tượng, bôi nhọ quân đội và xúc phạm vai trò lãnh đạo của Đảng”…

Trong khi giới chỉ trích đảng xem việc cho phép xuất bản – phát hành “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” như một tín hiệu tích cực về mặt chính trị thì một số ông tướng đã nghỉ hưu, một số cựu quân nhân xem điều này là bằng chứng dung dưỡng tự… diễn biếntự… chuyển hóa, làm suy giảm uy tín của đảng, của quân đội. Vài tuần sau khi phát hành, tháng 7 năm 2018, Nhà xuất bản Văn học loan báo thu hồi “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” để “chỉnh lý tám sai sót” (6). Chống diễn biến… hòa bình, bảo vệ đảng tới mức đảng phải phủ nhận năng lực của hội đồng cấp quốc gia, từng thay mặt cả hệ thống chính trị, hệ thống công quyền thẩm định nội dung, quả là… cổ lai hy – xưa nay chưa từng có!

Tương tự, không phải đột nhiên đảng đề cao “hòa hợp, hòa giải” và thực hiện nhiều động tác để củng cố, phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ, không phải tự nhiên mà trong các năm 2014, 2015, 2019, tướng Nguyễn Quốc Thước nhận định và lập lại nhận định: Việc những người lính Việt Nam Cộng hòa kháng cự Trung Quốc cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa năm 1974 là hành động yêu nước, vì chính nghĩa và cần được nhân dân ghi nhận (7). Tuy nhiên ngăn chặn tự… diễn biến, tự… chuyển hóa, chống diễn biến hòa bình đã giúp nhiều cá nhân thường “tả xung, hữu đột” trên Internet mạnh dạn gọi tướng Thước, 94 tuổi, vốn có rất nhiều công trạng với đảng là… thằng.

Đảng không giải thích nhưng chuỗi tình tiết liên quan đến việc kỷ luật đảng viên Bùi Tiến Lợi: Loại “đồng chí” Lợi khỏi Lực lượng 47. Khai trừ “đồng chí” Lợi khỏi đảng nhưng xếp loại MẬT. Sau đó, chính UBKT BCH TƯ giành việc loan báo công khai kết quả xét khiếu nại của “đồng chí” Lợi, dường như không khiến những cá nhân đang tích cực chống diễn biến… hòa bình sờn lòng. Tướng Thước vẫn tiếp tục bị rủa là kẻ khốn nạn đến cùng cực đã phạm đại tội khi gọi ‘giặc’ là… ‘cha’ (8).

Về nguyên tắc, đảng viên phải tuân thủ chủ trương, đường lối của đảng nhưng về nguyên tắc, đảng viên còn phải tích cực phát hiện, ngăn chặn tự… diễn biến, tự… chuyển hóa, chống diễn biến hòa bình, chống… xuyên tạc. Dường như hai yêu cầu này mâu thuẫn với nhau và trở thành lý do khiến những đảng viên như Thượng tá Bùi Tiến Lợi… chệch hướng, những cá nhân bảo vệ đảng buồn, giận khi những “đồng chí” như Thượng tá Bùi Tiến Lợi bị đảng thẳng tay loại bỏ.

Xét cả về tính chất lẫn mức độ vi phạm, ở kỳ họp vừa qua, UBKT BCH TƯ xử lý “đồng chí” Lợi tàn nhẫn hơn nhiều so với việc xem xét – kỷ luật: Trung tướng Dương Đức Hòa (cựu Ủy viên BCH TƯ, cựu Tư lệnh Quân khu 2), Thiếu tướng Phạm Lâm Hồng (cựu Bí thư Đảng ủy Bộ Tham mưu, cựu Tham mưu phó Quân khu 2), Thiếu tướng Nguyễn Hoàng (cựu Phó Bí thư Đảng ủy, cựu Tư lệnh Quân đoàn 4), Đại tá Nguyễn Trọng Lương (cựu Ủy viên BCH Đảng bộ Bộ Tham mưu, cựu Chánh Văn phòng Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4) (9)!.. Tuy nhiên trong họa có phúc, biết đâu nhờ vậy mà những cá nhân chuyên hộ đảng trên Internet ngộ ra thân phận, phân định được thật – giả.

Categories: Nhan dinh | Leave a comment

Làm gì để bảo vệ ngư dân Việt Nam trên biển?

Làm gì để bảo vệ ngư dân Việt Nam trên biển?

Nguyễn Ngọc Chu

23-7-2020

I. BƯỚC ĐI KHÍCH LỆ

1. Ngày 22/7/2020, Cục Phòng chống Ma tuý và Thực thi Pháp luật Quốc tế (INL) thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ và Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ tăng cường năng lực thực thi pháp luật thuỷ sản và quản lý nghề cá. Phát biểu tại lễ ký kết, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink cho biết: “Mỹ có bề dày kinh nghiệm trong việc quản lý và thực thi pháp luật thủy sản và sẵn sàng chia sẻ. Chúng tôi mong muốn hợp tác cùng Việt Nam nhằm phát triển nghề cá một cách bền vững và hỗ trợ ngư dân Việt Nam trước những đe doạ phi pháp trên biển”.

2. Đây là một bước đi đúng hướng đầy khích lệ.

Với sự hợp tác này, Hoa Kỳ sẽ chia sẻ thông tin, kinh nghiệm thực tiễn, cũng như thực hiện các dự án và chương trình hỗ trợ kỹ thuật phù hợp giúp cho Tổng cục Thủy sản và Cục Kiểm ngư Việt Nam. Hơn thế nữa, sẽ thúc đẩy sự hợp tác giữa Việt Nam, Mỹ và các cơ quan thực thi pháp luật quốc tế nhằm đảm bảo duy trì bền vững nguồn lợi sinh vật biển và đấu tranh phòng chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định.

Một trong những bước đi cụ thể của chương trình hợp tác này là vào tháng 2 năm 2021, Cục Phòng chống Ma tuý và Thực thi Pháp luật Quốc tế của Hoa Kỳ sẽ bàn giao cho Cục Kiểm ngư Việt Nam một trung tâm huấn luyện tại Chi cục Kiểm ngư vùng 5, Phú Quốc – giúp nâng cao năng lực cho Cục Kiểm ngư và lực lượng kiểm ngư địa phương của 28 tỉnh duyên hải Việt Nam.

Nhưng lợi ích lớn nhất của sự hợp tác này, như ngài Đại sứ Hoa Kỳ đã cho biết, là “hỗ trợ ngư dân Việt Nam trước những đe doạ phi pháp trên biển”.

3. Chủ quyền biển phải đi đôi với sở hữu thực địa. Hải quân, Hải cảnh, ngư dân là những lực lượng quan trọng thực thi chủ quyền biển. Sở hữu ngư trường chính là sở hữu biển. Mất ngư trường chính là mất biển. Cho nên phải bảo vệ bằng được ngư trường. Nghĩa là phải bảo vệ bằng được ngư dân. Thế nhưng, dù đã rất cố gắng, nhưng ngư dân Việt Nam trên thực địa chưa được bảo vệ tương ứng với chủ quyền pháp lý.

Trung Quốc ngang ngược cấm đánh bắt cá trong ngư trường Việt Nam. Hàng vạn tàu đánh cá của Trung Quốc tràn ngập ngư trường Việt Nam. Trung Quốc hỗ trợ tiền bạc, phương tiện, thưởng, và cưỡng ép ngư dân Trung Quốc đến đánh bắt cá ở ngư trường Việt Nam – Cách xa Hải Nam Trung Quốc hơn cả 1000 hải lý. Hàng vạn tàu đánh cá của Trung Quốc tràn ngập ngư trường Việt Nam, có khi chỉ cách bờ biển Việt Nam chỉ vài chục km.

Không chỉ bị xua đuổi khỏi ngư trường truyền thống, thậm tệ và nguy hiểm hơn cho tính mạng, ngư dân Việt Nam bị lực lượng Hải cảnh và dân quân trá hình của Trung Quốc đâm chìm thuyền, đánh đập, cướp bóc phương tiện và thu giữ thuỷ sản. Tình cảnh của ngư dân Việt Nam đánh bắt xa bờ thường trực mối nguy hiểm về tính mạng và mối đe doạ mất mát tài sản.

Cho nên, “Hỗ trợ ngư dân Việt Nam trước những đe doạ phi pháp trên biển” là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng.

II. LÀM THẾ NÀO ĐỂ HỖ TRỢ TỐI ĐA CHO NGƯ DÂN VIỆT NAM TRƯỚC NHỮNG ĐE DOẠ PHI PHÁP TRÊN BIỂN?

1. HẢI QUÂN MẠNH LÀ ƯU TIÊN SỐ 1 TRONG HIỆN ĐẠI HOÁ QUÂN ĐỘI

Không khó để nhìn thấy, mặt trận quân sự chính của Việt Nam hiện nay là ở Biển Đông Nam Á.

Đó là điều cần tâm niệm để có sách lược thích nghi, gấp rút xây dựng bằng được một lực lượng Hải quân Việt Nam hùng mạnh. Muốn bảo vệ được chủ quyền biển, bảo vệ được ngư dân thì Hải quân phải hùng mạnh.

Hải quân Việt Nam hiện nay ở Biển Đông Nam Á, theo mức độ trang bị vũ khí, chỉ đứng sau Trung Quốc. Nhân tố cho Hải Quân Việt Nam vị thế đó, có đóng góp của 6 tàu ngầm lớp Kilo 636 mua của Nga – được đánh giá thuộc nhóm tiên tiến hiện nay.

Tiếc thay, Trung Quốc cũng có tất thảy 12 tàu ngầm lớp Kilo 636 của Nga – trong số hạm đội gồm 70 tàu ngầm, có số lượng đếm chiếc chỉ sau Mỹ.

Trang bị tàu ngầm rất tốn kém, lại cần thời gian. Điều trước mắt, là Việt Nam tìm cách sở hữu công nghệ săn ngầm mà Trung Quốc không thể có. Việt Nam cần có các vũ khí tìm diệt chính xác khác với công nghệ mà Trung Quốc sở hữu. Chỉ như vậy mới tăng thêm an toàn và tăng thêm ưu thế trước các tàu Kilo với số đông đến từ Trung Quốc. Làm sao có được các vũ khí này? Đường đi không quá khó.

Song hành khẩn trương là trang bị thêm lực lượng mới. Có điều, trong cơ chế hiện nay, với những tham nhũng đã bị phát giác, không ai an tâm rằng các vũ khí và trang thiết bị mới mua sắm – được đảm bảo 100 % về chất lượng. Đòi hỏi hoa hồng trong mua sắm vũ khí là tai hoạ to lớn cho nền quốc phòng của Tổ Quốc.

2. LỰC LƯỢNG HẢI CẢNH MẠNH

Lực lượng Hải cảnh mạnh mới là nhân tố thực tế để bảo vệ ngư dân và ngư trường. Hải quân mạnh là để ngăn chặn chiến tranh. Hải cảnh mạnh là để cản ngăn tranh chấp thực địa.

Việt Nam trong vài năm gần đây đã rất gấp rút trong bước đi này. Trong đó, ngoài đóng tàu mới, quan trọng là hợp tác với Mỹ và Nhật Bản để có thêm các tàu tuần duyên có sức răn đe mới. Đây là hướng đi đúng. Điều cần là phải tham vọng và mạnh mẽ hơn. Vì tình hình bị xâm phạm chủ quyền biển mỗi ngày một leo thang nóng bỏng.

Có lực lượng Hải cảnh mạnh, không chỉ thay đổi chiến lược mà còn phải thay đổi cả cơ chế quản lý. Tránh tình trạng lên lịch tuần tra để nhận chi phí, mà không triển khai trên thực tế như đã xẩy ra nhiều lần trước đây.

3. NGƯ THUYỀN MẠNH

Ngư thuyền là lực lượng tranh dành thực địa chính. Tài chính yếu làm cho ngư dân Việt Nam không có thuyền lớn cùng các phương tiện hiện đại, nên bị Trung Quốc chèn ép xua đuổi khắp mọi nơi.

Cách đây vài năm, Chính Phủ đã có chính sách hỗ trợ đóng thuyền sắt lớn cho ngư dân, nhưng chương trình đã thất bại vì bớt xén. Chính Phủ nhất thiết phải có chính sách mới để hỗ trợ tối đa cho ngư dân bám biển. Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong bảo vệ chủ quyền biển.

4. LỰC LƯỢNG QUỐC TẾ

Biết rằng, dựa vào sức mình là chính. Nhưng hợp tác với hải quân và hải cảnh quốc tế là một nhân tố quan trọng để hỗ trợ ngư dân tránh bớt sự đe doạ phi pháp trên biển. Đây là điều không tranh cãi.

Quan trọng hơn nữa, để đảm bảo cho hoà bình ở Biển Đông Nam Á, thì sự hiển diện của lực lượng hải quân, hải cảnh quốc tế, là nhân tố vô cùng cần thiết. Sự hiển diện của Hải quân Hoa Kỳ ở ngoài khơi Biển Đông Nam Á là nhân tố góp phần ngăn cản xung đột ở Biển Đông Nam Á.

Muốn ngăn cản chiến tranh thì phải đủ mạnh để bắt ai muốn gây chiến phải sợ. Đó là chân lý giản đơn. Mọi kẻ cho rằng sự hiển diện của Hải quân Hoa Kỳ ở Biển Đông Nam Á gây căng thẳng cho khu vực, dẫn đến nguy cơ chiến tranh – đều là phục vụ lợi ích của Trung Quốc.

Không phải ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông Nam Á là theo Mỹ chống lại Trung Quốc. Sự hiển điện của Hải quân Hoa Kỳ ở Biển Đông Nam Á là tự do hàng hải. Việt Nam không theo nước nào cả. Không ai có thể bảo vệ lãnh thổ Việt Nam ngoài người Việt Nam. Ngàn đời nay người Việt Nam đã làm điều đó mà không ngọi chờ vào ai. Nhưng sự ủng hộ quốc tế làm cho kẻ thù của Việt Nam phải sợ sức mạnh nhân ba của Việt Nam.

Bởi thế, nhiệt liệt hoan nghênh hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong “Hỗ trợ ngư dân Việt Nam trước những đe doạ phi pháp trên biển”.

Categories: Chính-Trị Thời-Sự | Leave a comment

Nghiên cứu sinh Trung Quốc giả mạo ‘trú ẩn trong lãnh sự quán

Nghiên cứu sinh Trung Quốc giả mạo ‘trú ẩn trong lãnh sự quán’

Hoa Kỳ nói một nhà khoa học Trung Quốc bị nghi vấn có gian lận về thị thực và che dấu mối liên hệ với quân đội đã đến trốn ở lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco.

Các hồ sơ do các công tố viên Mỹ lập cũng nói một số nhà nghiên cứu Trung Quốc khác ở Mỹ đã bị bắt vì gian lận về thị thực.

Hôm thứ Tư, chính quyền Tổng thống Trump ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston, với lý do họ tham gia lấy cắp tài sản trí tuệ.

Chính phủ Trung Quốc gọi đây là “sự kích động chính trị”.

Nhưng Tổng thống Trump nói “luôn có khả năng” ông sẽ ra lệnh đóng cửa thêm các lãnh sự quán Trung Quốc khác.

Trong những tháng gần đây, chính quyền ông Trump liên tiếp mâu thuẫn với Bắc Kinh về về thương mại và dịch virus corona, cũng như việc Trung Quốc áp đặt luật an ninh mới về Hong Kong.

China flag at consulate in Houston

Chụp lại hình ảnh,Cờ Trung Quốc tại lãnh sự quán nước này ở Houston

Những cáo buộc về lãnh sự quán TQ ở San Francisco là gì?

Hồ sơ nộp cho tòa do các công tố viên ở một tòa liên bang tại San Francisco nói bị cáo, người mang tên Juan Tang, là một nghiên cứu sinh về sinh học tại Đại học California.

Theo hồ sơ này, trong một cuộc phỏng vấn với các nhân viên FBI tháng trước, bà Juan Tang nói bà chưa từng làm việc cho quân đội Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo hồ sơ, một cuộc điều tra nguồn mở phát hiện có ảnh bà mặc đồng phục quân đội. Một cuộc khám nhà cho thấy có bằng chứng người này có liên quan Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA).

“Tại một thời điểm sau vụ khám nhà và phỏng vấn với bà Tang hôm 20/6/2020, Tang tới lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco, nơi FBI cho rằng bà vẫn đang cư ngụ,” hồ sơ của tòa, do trang tin Axios đăng lần đầu tiên, viết.

Hồ sơ viết thêm: “Như trường hợp của bà Tang chứng tỏ, lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco có thể cung cấp nơi cư trú an toàn cho một sỹ quan PLA có ý định tránh ra xét xử ở Hoa Kỳ.”

Các công tố viên nói đây không phải là một trường hợp đơn lẻ mà “dường như là một phần của chương trình do PLA tiến hành… gửi các sỹ quan khoa học tới Hoa Kỳ với ý đồ giả.”

Trung Quốc hiện chưa bình luận về những cáo buộc này.

Building housing the

Chụp lại hình ảnh,Tòa nhà nơi có lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco

Điều gì xảy ra tại các lãnh sự quán Trung Quốc?

Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston là tâm điểm chú ý hôm thứ Ba khi khi người dân ở gần trông sang sân tòa nhà thấy có vài thùng rác đang cháy.

Hình ảnh cho thấy có người dường như ném giấy tờ vào trong thùng rác.

Lực lượng khẩn cấp được gọi đến tòa nhà nhưng cảnh sát Houston nói họ không được phép vào bên trong.

Hôm thứ Tư, chính quyền Mỹ cho Trung Quốc có 72 giờ để đóng cửa lãnh sự quán “để bảo vệ tài sản trí tuệ Mỹ và thông tin riêng tư của người Mỹ.”

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói: “Chúng tôi đưa ra những trông đợi rõ ràng cho cách hành xử của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Khi họ không hành xử đúng, chúng tôi sẽ có hành động để bảo vệ người Mỹ, bảo vệ…an ninh quốc gia của chúng ta, và bảo vệ nền kinh tế và việc làm của chúng ta.”

Lãnh sự quán Houston là một trong năm lãnh sự quán của Trung Quốc tại Mỹ, chưa kể đại sứ quán ở Washington D.C.

Categories: Chính-Trị Thời-Sự | Leave a comment

Create a free website or blog at WordPress.com.