Daily Archives: July 27, 2020

Điểm tin thế giới tối 27/7: Mỹ cảnh báo không gieo trồng ‘hạt giống bí ẩn’ nghi gửi từ Trung Quốc

Điểm tin thế giới tối 27/7: Mỹ cảnh báo không gieo trồng ‘hạt giống bí ẩn’ nghi gửi từ Trung Quốc

Triệu Hằng | ĐKN 3 giờ tới 2,228 lượt xem
Những hạt giống lạ mà người dân Mỹ nhận được nghi đến từ Trung Quốc (ảnh: Twitter).
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Hai (27/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý đọc giả những tin sau:

Mỹ cảnh báo không gieo trồng ‘hạt giống bí ẩn’ nghi gửi từ Trung Quốc

Bộ Nông nghiệp bang Virginia (Mỹ) cho biết hôm thứ Sáu (24/7) rằng, một số cư dân đã nhận được các gói lạ trong đó chứa các hạt giống cây “bí ẩn” nghi có nguồn gốc từ Trung Quốc. Một số cư dân ở các tiểu bang Utah, Arizona cũng loan báo, trong vài tuần qua, họ nhận được qua đường bưu điện các gói hạt giống tương tự.

Bộ Nông nghiệp bang Virginia kêu gọi những người nhận không gieo trồng những hạt giống cây này, vì đây có thể là những loài thực vật xâm lấn. Có một vài giả thiết cho rằng, liệu đây có phải là đang mở màn cho một cuộc chiến tranh sinh học.

Động đất ở Việt Nam và Trung Quốc

Khoảng 12h15 thứ Hai (27/3), một trận động đất cường độ 5,3 độ richter xảy ra ở Sơn La (Lai Châu) gây ra dư chấn khiến người dân các tòa nhà cao tầng ở Hà Nội cũng cảm nhận được sự rung lắc.

Trên trang volcanodiscovery, nhiều người cho biết sự cảm nhận của họ về trận động đất. Có người nói ở tầng 10 Times City (Minh Khai), đang ngủ trưa thì cảm thấy rung lắc, dường như rung lắc tới 3 lần, mỗi lần trong vài giây. Có người ở tòa Hpc Landmark 105 (Hà Đông) cảm nhận được rung chuyển hơn 1 phút. Các khu vực Lĩnh Nam, Tây Hồ có chấn động khoảng 20 đến 30s. Nhiều người ở Long Biên, Đội Cấn, Văn Quán và Mỹ Đình đều cảm nhận được trận động đất này. Theo earthquake-report, trận động đất Sơn La tác động tới một vài khu vực ở Lào.

Trong khi đó, khoảng 5h50 sáng (giờ địa phương) cùng ngày, một trận động đất cường độ 4,5 độ richter xảy ra ở Khu Tự trị Tây Tạng (Trung Quốc), tâm chấn 10km.

Người nghi nhiễm Covid-19 bơi vượt sông vào Triều Tiên

Quân đội Hàn Quốc hôm nay (27/7) cho biết, người Triều Tiên đào tẩu có thể đã chui qua cống rồi bơi vượt sông từ đảo Gwanghwa để quay lại Triều Tiên, theo hãng tin Yonhap.

“Chúng tôi phát hiện địa điểm nơi anh ta vượt biên về miền bắc tại đảo Ganghwa, khi tìm thấy một chiếc túi được cho là của anh ta”, đại tá Kim Jun-rak, phát ngôn viên Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc, nói trong cuộc họp báo cùng ngày.

Vụ việc nam thanh niên 24 tuổi vượt biên được Triều Tiên công bố hôm 26/7 khi nói rằng “người bỏ trốn” nay đã trở về nhà ở thành phố biên giới Kaesong mang các triệu chứng nhiễm virus corona. Anh ta từng vượt biên tới Hàn Quốc vào năm 2017 bằng cách bơi qua sông tới hòn đảo Gyodong nằm phía tây đảo Ganghwa. Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã ra lệnh phong tỏa toàn bộ thành phố và ban bố tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn virus lây lan.

Trung Quốc ghi nhận các ca nhiễm Covid-19 trong ngày cao

Trung Quốc báo cáo 61 ca nhiễm mới Covid-19 trong ngày Chủ nhật (26/7), con số này là mức cao nhất trong ngày kể từ ngày 6/3, theo Reuters.

Trong số đó, 57 trường hợp lây nhiễm trong nước. Ủy ban Y tế Trung Quốc cho biết đây là mức cao nhất kể từ ngày 6/3 khi có 75 ca nhiễm mới trong ngày. Trong số các trường hợp nhiễm mới, số ca nhiễm ở Tân Cương tăng gần gấp đôi so với 1 ngày trước đó, lên tới 41.

Tỉnh Liêu Ninh báo cáo 14 trường hợp, đánh dấu ngày thứ năm liên tiếp có ca nhiễm mới. Tỉnh Cát Lâm báo cáo 2 trường hợp mới, lần đầu tiên kể từ cuối tháng 5, liên quan đến những người qua lại tỉnh láng giềng Liêu Ninh. Trung Quốc cũng ghi nhận 44 bệnh nhân không triệu chứng, giảm so với ngày trước đó là 68 người.

Triều Tiên nói được mùa tảo bẹ

Truyền thông Triều Tiên KCNA hôm nay cho biết, bất chấp các điều kiện thời tiết bất thường kéo dài trên thế giới đã ảnh hưởng đến việc nuôi cá xa bờ, vào tháng 5 và tháng 6, các trại nuôi cấy ngoài khơi ở tỉnh Nam HwangHae và các vùng khác của Triều Tiên đã nỗ lực để có vụ mùa bội thu các loài động vật và thực vật biển, bao gồm tảo bẹ, rong biển, hàu, trai, vẹm và sò điệp.

Tờ báo nói, những người nuôi trồng chú trọng tăng sản lượng tảo bẹ vì đây là một kho tàng chứa các loại dinh dưỡng đáp ứng nhu cầu gia tăng trong ngành thực phẩm và dược phẩm.

Advertisement
Categories: Tin-Tức Thế-Giới | Leave a comment

Liên tục phát hiện người Trung Quốc nhập cảnh lậu vào Việt Nam: Lỗ hổng ở đâu?

Liên tục phát hiện người Trung Quốc nhập cảnh lậu vào Việt Nam: Lỗ hổng ở đâu?

Tâm Tuệ | ĐKN 26/07/2020 9,002 lượt xem
Ảnh chụp màn hình video đài RFA Tiếng Việt.
Gần đây, người Trung Quốc nhập cảnh và lưu trú trái phép vào Việt Nam bị phía chính quyền các tỉnh Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam phát hiện khá nhiều. Tại sao họ lại vào được và họ đã vào bằng đường nào đang là dấu chấm hỏi đối với nhiều người.

Liên tục phát hiện người Trung Quốc nhập cảnh trái phép ở nhiều tỉnh, thành

Báo chí trong nước đưa tin nhiều trường hợp phát hiện người Trung Quốc xuất hiện ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ninh, An Giang… nhưng không rõ đường nhập cảnh. Chỉ tính riêng trong tháng 7 này đã có trên dưới 100 trường hợp người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Đơn cử một vài trường hợp, hôm 11/7, tại số 39 Dương Tử Giang, quận Ngũ Hành Sơn phát hiện 4 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép. Tiếp đó, ngày 16/7, tại khách sạn East Sea 55-57 đường Loseby, quận Sơn Trà, phát hiện thêm 27 người Trung Quốc cũng nhập cảnh trái phép… Mới đây nhất, khuya 24/7, công an quận Sơn Trà khi rà soát cơ sở lưu trú trên địa bàn cũng đã phát hiện thêm 21 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép.

‘Lỏng lẻo trong quản lý nhập cảnh’

Trước thực trạng nêu trên, ngày 25/7, tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo Chính phủ về phòng, chống Covid-19 – Thứ trưởng công an Nguyễn Văn Sơn nói việc gần đây Đà Nẵng phát hiện 52 người, Quảng Nam 21 người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam cho thấy “có lỏng lẻo trong quản lý nhập cảnh”, VnExpress trích dẫn.

Ông Nguyễn Văn Sơn nói thêm rằng, về trường hợp Đà nẵng ghi nhậm ca nhiễm Covid-19 ‘bệnh nhân 461’ chưa thể khẳng định là liên quan tới nhóm người nước ngoài nhập cảnh trái phép đến Đà Nẵng; tuy nhiên, cần phải “khắc phục kịp thời lỗ hổng xuất nhập cảnh”.

Ông Sơn thông tin, cơ quan chức năng đã khởi tổ vụ án “tổ chức cho người khác nhập cảnh vào Việt Nam”, bắt tạm giam 3 người, gồm một người ở Đà Nẵng, một người ở Quảng Nam và một người Trung Quốc. Công an đang tiếp tục mở rộng điều tra, nghi vấn có đường dây móc nối đưa người nhập cảnh trái phép.

Ngày 25/7, báo Thanh Niên cũng thông tin, công an Quảng Ninh cũng bắt 6 đối tượng tổ chức đưa người nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc vào Việt Nam. Nhóm đối tượng này thông qua ứng dụng Wechat, để tổ chức cho một số người Trung Quốc nhập cảnh trái phép từ TP. Đông Hưng đến Móng Cái, với giá 4.000 nhân dân tệ/1 người (khoảng hơn 13,2 triệu đồng/người).

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành ở một số nước trên thế giới và đặc biệt Trung Quốc là quốc gia khởi phát đã bùng phát đợt dịch thứ 2. Điều đó càng dấy lên lo ngại về sự có mặt của những người Trung Quốc tại Việt Nam đang trở thành mối nguy hiểm đe doạ dịch bệnh lây lan lại tại Việt Nam.

Categories: Tin Trong Nước | Leave a comment

Bé trai gốc Việt tặng 12,000 khẩu trang cho người vô gia cư trong đại dịch

Bé trai gốc Việt tặng 12,000 khẩu trang cho người vô gia cư trong đại dịch

Ngọc Mai | ĐKN 5 giờ trước 331 lượt xem
Cậu bé gốc việt
Cậu bé Liêm Kaplan (ảnh: Giving hope project).
Cậu bé 13 tuổi Liêm Kaplan đã quyên góp hàng nghìn chiếc khẩu trang, lọ nước rửa tay và thực phẩm để giúp đỡ cộng đồng người vô gia cư ở Washington.

Khi tình hình dịch bệnh tại Mỹ đang diễn ra nghiêm trọng, cậu bé Liêm Kaplan đã lo lắng cho số phận của những người vô gia cư, vốn sống trong các khu ổ chuột chật hẹp và không có nhiều khả năng tiếp cận với xà phòng và nguồn nước sạch. Bởi vì mẹ em, cô Nancy Kaplan là một y tá nên Liêm hiểu rõ việc giãn cách và đeo khẩu trang sẽ giúp giảm nguy cơ mắc Covid-19. Cậu bé đã bày tỏ mong muốn với mẹ: “Con muốn thu thập khẩu trang cho mọi người”.

Vậy là với sự hỗ trợ của mẹ, từ tháng 5, Liêm bắt đầu thành lập dự án Trao hy vọng (The GivingHope Project) nhận quyên góp từ các cá nhân, tổ chức cũng như các nhóm cộng đồng để giúp đỡ những người vô gia cư. Cho đến nay, cô Nancy cho biết tổ chức này đã phân phát hơn 12.000 khẩu trang, 2.000 bữa trưa, 6.000 suất bánh mì, 4.000 đôi tất và 2.500 chai nước rửa tay. Liêm cũng tự quyên góp một số bộ dụng cụ vệ sinh của mình trong số này.

đồ quyên góp từ thiện
(Ảnh: Giving hope project).

Hiện, Liêm đang hoàn tất các thủ tục để The GivingHope Project trở thành tổ chức phi lợi nhuận hoạt động độc lập.

Liêm được nhận nuôi từ Việt Nam khi còn là trẻ sơ sinh. Gia đình bố mẹ nuôi của em có 7 anh chị em, Liêm và 3 anh chị em nữa là người khuyết tật. Mẹ cậu bé chia sẻ với Yahoo Life: “Liêm luôn có niềm đam mê mãnh liệt trong việc giúp đỡ người khác. Mọi người hỏi thằng bé vì sao làm như vậy và con đáp lại ‘Cháu rất vui’”.

Mẹ em chia sẻ, khi Liêm còn nhỏ, em thường hỏi: ‘Hôm nay chúng ta có thể ra ngoài và giúp đỡ (mọi người) không?”. Sau đó cô Nancy sẽ chở con trai đến những khu vực vô gia cư và cùng trò chuyện với những người lang bạt. Theo cô, giúp đỡ người khác không nhất thiết luôn là về mặt vật chất.

Còn Liêm, bé trai thích vẽ và chơi với mèo vẫn rất hồn nhiên và khiêm tốn. Cậu bé chia sẻ: “Nếu bạn nhìn thấy vấn đề, hãy tìm ra giải pháp và giải quyết nó. Những điều cháu là không hề khó. Chúng ta chỉ cần hỏi người khác những gì họ cần (và) nếu chúng ta không có, hãy nhờ người khác tới chung tay. Ai cũng có thể làm như vậy”.

Khi bệnh dịch diễn biến nghiêm trọng, Liêm, cậu bé mới chỉ 13 tuổi sẵn sàng làm cầu nối giữa các mạnh thường quân và người vô gia cư, dốc sức thành lập tổ chức phi lợi nhuận để giúp đỡ người khác. Sự lương thiện, tận tâm và suy nghĩ cho người khác của Liêm đã mang đến sự tích cực, niềm hy vọng cho mọi người trong đại dịch.

Theo Yahoo
Ngọc Mai

Categories: Tin-Tức Thế-Giới | Leave a comment

Trung Quốc bắn đạn thật quy mô lớn trong 9 ngày ở vịnh Bắc Bộ Bởi

Trung Quốc bắn đạn thật quy mô lớn trong 9 ngày ở vịnh Bắc Bộ

Đặng Sơn Duân

14-7-2020

Giới chức Trung Quốc thông báo quân đội nước này sẽ tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật lớn kéo dài 9 ngày ở vịnh Bắc Bộ, phía tây bán đảo Lôi Châu.

Cụ thể, trong hai ngày 23 và 24.7, Cục Hải sự Quảng Tây liên tiếp phát 3 cảnh báo hàng hải về việc phong tỏa các khu vực biển ở vịnh Bắc Bộ để tiến hành tập trận.

Cụ thể, thông báo số GX0039 cho biết tập trận sẽ diễn ra tại khu vực nối liền bởi 6 điểm có tọa độ:

21 29.38N/109 32.53E

21 24.10N/109 45.13E

20 40.87N/109 33.02E

20 16.77N 109 21.28E

20 27.75N/108 55.02E

20 52.07N/109 06.12E

Thời gian diễn ra tập trận là từ 23 giờ ngày 24.7 đến 23 giờ ngày 26.7 (giờ Việt Nam – 25 đến 27.7, giờ Trung Quốc).

Thông báo số GX0040 cho biết khu vực tập trận diễn ra tại khu vực nối liền 4 điểm có tọa độ:

21 04.75N/108-47.85E

21 12.20N/109 09.55E

21 02.03N/109 13.48E

20 54.58N/108 51.80E

Thời gian tập trận là từ 23 giờ ngày 25.7 đến 23 giờ ngày 27.7 (giờ Việt Nam, 26 đến 28.7, giờ Trung Quốc).

Thông báo GX0041 cho biết khu vực tập trận diễn ra tại khu vực nối liền 4 điểm có tọa độ:

21 00.83N/109 02.25E

20 59.25N/109 03.67E

21 01.00N/109 05.10E

21 04.25N/109 05.70E

Thời gian tập trận là từ 6 giờ đến 15 giờ ngày 28.7 (giờ Việt Nam).

Trong thời gian các cuộc tập trận này diễn ra, mọi tàu bè bị cấm đi vào khu vực.

Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc ngày 23.7 cũng đưa tin Đơn vị 95180 của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc phát đi thông báo cho biết sẽ tiến hành tập trận bắn đạn thật ở vịnh Bắc Bộ trong 9 ngày từ ngày 25.7 đến 2.8.

Các cuộc tập trận này diễn ra ở hai khu vực. Trong đó, có một khu vực trùng với thông báo số GX0039 của Cục Hải sự Quảng Tây. Theo thông báo này, cuộc tập trận diễn ra từ 25 đến 27.7 (giờ Trung Quốc).

Cuộc tập trận thứ hai có phạm vi nhỏ hơn, ở khu vực có bán kính 8 km tính từ vị trí có tọa độ 21 14 14N/109 32 48E, nhưng lại kéo dài từ ngày 28.7 đến 2.8.

Đặc biệt, thông báo nhấn mạnh khu vực tập bắn có phạm vi lớn, đạn dược uy lực lớn, nên có nguy cơ cao bị trúng đạn nếu tự tiện đi vào khu vực này.

Hiện chưa rõ các lực lượng nào của Trung Quốc sẽ tham gia cuộc tập trận quy mô lớn này.

Cũng không rõ các cuộc tập trận này có liên hệ gì với việc Trung Quốc thiết lập vùng cấm bay trong vùng biển Việt Nam vào ngày 25.7 như tin tôi đã đưa trước đó hay không.

Tuy nhiên, kinh nghiệm của tôi cho thấy cuộc tập trận với phạm vi lớn ở vịnh Bắc Bộ như thế là khá bất thường.

Categories: Tin-Tức Thế-Giới | Leave a comment

Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Robert O’Brien mắc Covid-19

Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Robert O’Brien mắc Covid-19

President Donald Trump listens to his newly announced White House national security adviser Robert O'Brien

Chụp lại hình ảnh,Tổng thống Trump chọn ông O’Brien làm cố vấn an ninh quốc gia hồi tháng Chín năm ngoái

Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump, Robert O’Brien, có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona, Tòa Bạch Ốc xác nhận.

Ông O’Brien, 54 tuổi, đã tự cách ly và làm việc từ nhà.

Ông có các triệu chứng nhẹ và không có nguy cơ làm lây bệnh sang cho ông Trump hoặc cho Phó Tổng thống Mike Pence, theo nội dung một tuyên bố.

Ông O’Brien là quan chức cao cấp nhất trong chính quyền ông Trump có kết quả dương tính, tính đến nay.

Hiện chưa rõ lần cuối ông gặp Tổng thống Trump là khi nào, nhưng họ có vẻ như đã đi cùng nhau hồi hai tuần trước, trong một chuyến đi tới Miami.

Tuyên bố của Tòa Bạch Ốc viết: “Ông có các triệu chứng nhẹ và đã tự cách ly, làm việc ở nhà tại một địa điểm an toàn. Không có nguy cơ làm lây nhiễm ra tổng thống hoặc phó tổng thống. Công việc của Hội đồng An ninh Quốc gia tiếp tục diễn ra, không bị gián đoạn.”

Một nguồn nói với hãng tin Bloomberg rằng ông O’Brien đã ra khỏi văn phòng một tuần, và ông cố vấn lây nhiễm virus sau một sự kiện của gia đình.

Tất cả những ai gần cận với tổng thống đều được xét nghiệm thường xuyên đối với bệnh Covid-19.

Một số người ở trong và liên quan tới chính phủ đã có kết quả xét nghiệm dương tính, trong đó có một thành viên quân sự làm công tác phục vụ hậu cần của Tòa Bạch Ốc, thư ký báo chí của ông Pence là Katie Miller, và một thủy quân lục chiến thuộc đội lái trực thăng.

Robert O’Brien là ai?

Được đào tạo để trở thành luật sư, ông có bề dày trong sự nghiệp ngoại giao, làm việc dưới cả chính quyền Cộng hòa lẫn Dân chủ.

Ông được chọn thay cho ông John Bolton vào chức cố vấn an ninh quốc gia từ tháng Chín năm ngoái, sau khi ông Bolton bất hòa trầm trọng với Tổng thống Trump.

Ông O’Brien có các quan điểm giống với Tổng thống Trump trong một số vấn đề, như chỉ trích Liên Hiệp Quốc và phản đối thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Ông O’Brien trong tháng này đã tới Paris để thảo luận về các chính sách ngoại giao với những người tương nhiệm ở châu Âu, và đã có bài phát biểu tại Arizona hồi tháng Sáu trong đó ông so sánh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin.

Categories: Tin Hoa Kỳ | Leave a comment

TQ diễn tập bắn đạn thật ‘hỏa lực mạnh’ ở Biển Đông

TQ diễn tập bắn đạn thật ‘hỏa lực mạnh’ ở Biển Đông

Máy bay chiến đấu J15 của Trung Quốc trong một cuộc tập trận trên biển năm 2018

Chụp lại hình ảnh,Máy bay chiến đấu J15 của Trung Quốc trong một cuộc tập trận trên biển năm 2018

Quân đội Trung Quốc đang tiến hành tập trận bắn đạn thật ở khu vực gần Bán Đảo Lôi Châu, thuộc tỉnh Quảng Đông, nơi gần sát với Đảo Hải Nam, truyền thông nước này tường thuật.

Cuộc tập trận diễn ra tại vùng cửa ngõ đi vào Biển Đông, khu vực Vịnh Bắc Bộ, bắt đầu từ hôm thứ Bảy, giữa lúc căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung đang gia tăng liên quan tới nhiều vấn đề, trong đó có chủ đề tranh chấp Biển Đông và Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan.

Kênh truyền hình Hoàn Cầu (CGTN) thuộc truyền hình quốc gia Trung Quốc hôm 25/7 đăng một đoạn video với nội dung nói các chiến đấu cơ thuộc một lữ đoàn không quân trong Lực lượng Hải quân của Bộ Tư lệnh Tác chiến Miền Nam bắn đạn thật xuống mục tiêu trên biển.

Bản tin của Hoàn Cầu Thời báo dẫn lời một chuyên gia quân sự Trung Quốc, nói việc tập trận nhiều khả năng sẽ gồm các hoạt động không-đối-hạm và không-đối-không của các chiến đấu cơ quân đội Trung Quốc.

Chuyên gia này cũng hy vọng rằng đây sẽ là lần tập trận chung với sự tham gia của các binh chủng khác nhau, trong đó có Hải quân và Pháo binh, với việc sử dụng hệ thống phòng không bằng tên lửa đạn đạo của Trung Quốc.

Getty Images

Chụp lại hình ảnh,Một máy bay ném bom H-6 của quân đội Trung Quốc (hình minh họa)

Tin cho hay lần tập trận này sẽ diễn ra trong hai giai đoạn.

Giai đoạn một sẽ từ thứ Bảy đến thứ Hai, tại một vùng biển rộng lớn hình chữ nhật ngoài khơi Bán đảo Lôi Châu. Giai đoạn hai từ thứ Ba cho tới ngày 2/8 ở khu vực nhỏ hơn, hình tròn với bán kính 8km, nằm bên trong vùng biển đó, theo thông báo của quân đội Trung Quốc.

Đạn thật với hỏa lực mạnh sẽ được bắn ra, và dân chúng được yêu cầu không đi vào vùng biển này trong thời gian diễn tập.

Trung Quốc gần đây đã liên tiếp có các cuộc tập trận ở Biển Đông, gồm đợt thao diễn bắn đạn thật của máy bay ném bom thuộc Hải quân của Bộ Tư lệnh Tác chiến Miền Nam Quân Giải phóng Trung Quốc, máy bay ném bom diễn tập tuần tra ban đêm trên biển trong các ngày 20-22/7, và máy bay chống tàu ngầm diễn tập hồi đầu tháng Bảy, Hoàn Cầu Thời báo trích dẫn các thông cáo báo chí của quân đội Trung Quốc nói.

Cuộc tập trận mới nhất diễn ra vào lúc quân đội Mỹ có những hoạt động mạnh mẽ ở Biển Đông.

Hoa Kỳ hồi đầu tháng đã triển khai hai hàng không mẫu hạm cùng các đội tàu hộ tống, tàu chiến tiến vào Biển Đông, và gửi máy bay do thám vào khu vực.

Tuần trước, lần đầu tiên Washington bác bỏ các đòi hỏi trên biển của Trung Quốc đối với Biển Đông, nơi mà nhiều nước khác trong khu vực, trong đó có Việt Nam, cũng tuyên bố chủ quyền.

Categories: Biển Đông | Leave a comment

Chuyển động Biển Đông: Đối đầu Mỹ-Trung và lựa chọn của VN?

Chuyển động Biển Đông: Đối đầu Mỹ-Trung và lựa chọn của VN?

  • Quốc Phương
  • BBC News Tiếng Việt
Máy bay chiến đấu J15 của Trung Quốc trong một cuộc tập trận trên biển năm 2018

Chụp lại hình ảnh,Máy bay chiến đấu J15 của Trung Quốc trong một cuộc tập trận trên biển năm 2018

Trung Quốc thông báo đang tiến hành đợt tập trận chín ngày ở khu vực Vịnh Bắc Bộ (từ ngày 25/7 đến ngày 2/8/2020).

Động thái này là bình thường hay có gì đáng nói và có vị trí, tác động của nó ra sao trong bức tranh các hoạt động tập trận, thao diễn quân sự của Trung Quốc ở khu vực và trên Biển Đông?

Hôm 27/7/2020, từ Hà Nội, nhà quan sát và phân tích thời sự chính trị và an ninh khu vực, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp đã dành cho BBC News Tiếng Việt một cuộc trao đổi qua bút đàm, trong đó ngoài động thái trên của Trung Quốc, ông cũng đưa ra quan sát của mình về các diễn biến, chuyển động bang giao, an ninh, chính trị quốc tế và khu vực mới nhất và bình luận về việc Việt Nam cần có chính sách, đối sách và hành động cụ thể ra sao.

Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp: Đợt tập trận chín ngày lần này của quân Trung Quốc gồm có bắn đạn thật có sức công phá lớn, trong đó có pháo tên lửa và tên lửa; không quân Trung Quốc cũng tập bắn đạn thật – không đối biển và không đối không ở phía Tây bán đảo Lôi Châu, ngay sát Biển Đông.

Ngoài mục đích luyện quân, tập trận còn là cảnh báo đối với các thế lực quân sự nước ngoài, rằng Trung Quốc có nền quốc phòng mạnh cả phòng thủ và tấn công.

Địa điểm tập trận gần Biển Đông và gần Việt Nam, nên có thể Trung Quốc có hàm ý gián tiếp gì đó chưa rõ. Ở Việt Nam, không thấy có gì lạ hoặc ngại mỗi khi Trung Quốc tập trận.

A satellite image of Subi Reef, an artificial island being developed by China in the Spratly Islands in the South China Sea

Chụp lại hình ảnh,Mỹ cáo buộc Trung Quốc quân sự hóa trên Biển Đông

Có sợ trả đũa?

BBC: Mới đây tiếp theo Mỹ và một số nước, chính phủ Úc cũng đã có động thái gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc liên quan các tuyên bố chủ quyền (đơn phương) của Trung Quốc trên Biển Đông và khu vực. Vì sao Úc quyết định làm việc này trong thời điểm này, ý nghĩa, ảnh hưởng chính ra sao, Canberra có tính toán và quan ngại là sẽ bị Bắc Kinh trả đũa hay không?

Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp: Úc gửi công hàm lên LHQ ủng hộ phán quyết 2016 của tòa trọng tài đối với Philippines, ủng hộ nền pháp lý quốc tế về biển, coi các đòi hỏi chủ quyền đơn phương của Bắc Kinh là phi pháp, cho thấy Úc thượng tôn pháp luật quốc tế, đồng thời ủng hộ quan điểm thượng tôn pháp luật quốc tế liên quan đến biển Đông của Mỹ.

Bắc Kinh lập tức đe dọa sẽ có các hành động trừng phạt đối với Úc. Đương nhiên, Úc đã dự liệu và không có gì phải lo ngại.

BBC: Cũng gần đây, Indonesia đã tiến hành tập trận, đặc biệt ở khu vực quần đảo Natuna, có thể cắt nghĩa động thái này của Indonesia ra sao liên quan tới an ninh, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và vùng biển ở khu vực Đông Nam Á?

Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp: Hồi tháng 5/2020, Bắc Kinh đề nghị Indonesia ngồi xuống đàm phán song phương để xử lý một “tranh chấp”, vì theo Bắc Kinh nói đường chín đoạn mà Trung Quốc tuyên bố rằng của Trung Quốc có một phần chồng lấn với Natuna Besar của Indonesia.

Jakarta đã lập tức bác bỏ đề nghị đó và tháng Sáu, Indonesia đã có công hàm gửi LHQ phản đối đòi hỏi của Trung Quốc.

Việc Indonesia tập trận là nhằm răn đe và ngăn chặn mọi hành động phi pháp của Trung Quốc đối với vùng Natuna Besar của Indonesia.

Indonesia thể hiện quyết tâm cao nhất bảo vệ chủ quyền trên biển của mình, sẵn sàng chiến đấu chống Trung Quốc một khi Trung Quốc có bất cứ hành động phi pháp nào ở vùng Natuna.

Việt Nam đang có dân số trẻ

Chụp lại hình ảnh,Việt Nam đang có dân số trẻ

Mỹ nhắm ‘tầm xa’

BBC: Mới đây, các quan chức cao cấp lãnh đạo ba ngành quan trọng trong nội các chính quyền Mỹ là Ngoại giao, Quân sự, Tư pháp đã có những tuyên bố, thông điệp được cho là chỉ trích Trung Quốc hết sức mạnh mẽ, không chỉ về Biển Đông mà còn trong nhiều vấn đề đối ngoại, đối nội của Trung Quốc. Đây là các động thái ngẫu nhiên, hay đã có kế hoạch của chính quyền Mỹ? Thực chất của các động thái này là gì, nó nằm trong một chiến lược ổn định, dài hạn của nội các Tổng thống Trump, hay chỉ mang tính phương tiện, công cụ để đối phó với áp lực trong nước (như thành tích về chông Covid-19 bị coi là nghèo nàn), hoặc để ‘lấy điểm’ cho kỳ bầu cử sắp diễn ra vào tháng 11/2020 này?

Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp: Đây là việc Mỹ triển khai chiến lược an ninh quốc gia và chiến lược quốc phòng công bố cuối năm 2017, cụ thể hóa đường lối và chính sách quan hệ với Trung Quốc – cư xử với Trung Quốc như là đối thủ cạnh tranh chiến lược số một của Mỹ.

Phần đầu của chính sách này là “thương chiến”, phần hiện nay, là bảo vệ tài sản trí tuệ của Mỹ, kết hợp với các hành động địa chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó có biển Đông, biển Hoa Đông, vấn đề Bắc Hàn…

Như tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Thư viện Richard Nixon, Mỹ cần bỏ chính sách mà Nixon đã khởi xướng đối với Trung Quốc từ cuối thập kỷ 1960 – Mỹ ủng hộ Trung Quốc giàu mạnh lên và dân chủ hóa, nhưng Trung Quốc đã từ chối dân chủ hóa và đang cố làm thay đổi trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc luật.

Tất nhiên, chính sách lúc này của chính quyền Mỹ nhằm cả các mục tiêu tranh cử để tổng thống Trump có thể được tái cử; nhưng chiến lược của Mỹ chắc chắn có tầm xa hơn cuộc bầu cử năm nay rất nhiều, vì nó dựa trên chiến lược an ninh quốc gia và chiến lược quốc phòng đã được sự ủng hộ với tỷ lệ cao bởi cả hai đảng ở Mỹ.

BBC: Ngoài ra, vụ căng thẳng về việc Mỹ, Trung Quốc nối tiếp nhau ra lệnh đóng các lãnh sự quán tương ứng của bên kia, giữa hai bên (tại Houston và Thành Đô), đang nói lên điều gì, có vị trí ra sao trong ‘căng thẳng, đối đầu’ Mỹ – Trung và có thể dẫn tới đâu?

Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp: Lý do Mỹ ra quyết định đóng cửa Tòa Lãnh sự Trung Quốc ở Houston là vì đó là một nơi tổ chức hoạt động gián điệp và ăn cắp tài sản trí tuệ của Mỹ. Trung Quốc trả đũa bằng cách ra lệnh đóng của Tòa Lãnh sự Mỹ ở Thành Đô.

Mỹ đang chủ động thay đổi cách cử xử với Bắc Kinh, còn Bắc Kinh đang làm mọi cách để chủ động hơn trong việc đối phó với thay đổi chính sách quan hệ của Mỹ đối với Trung Quốc.

Việt Nam nên thế nào?

BBC: Nhìn lại bối cảnh chung của thời sự quốc tế, trong đó có các chuyển động ở khu vực (kể cả tại Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Asean…) mới nhất tới nay, Việt Nam cần có cái nhìn ra sao về mặt chính sách, đối sách và hành động cụ thể để tranh thủ thời cơ, khắc chế rủi ro, vừa làm lợi cho mình, vừa đóng góp tích cực cho hòa bình, thịnh vượng và phát triển chung của quốc tế và khu vực, thưa ông?

Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp: Việt Nam đang có các xem xét cụ thể về các sự kiện xảy ra gần đây ở Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Bắc Hàn, Úc, Asean trên cơ sở đường lối ngoại giao mà Việt Nam đã công bố và nhắc lại nhiều lần.

Việt - Trung

Chụp lại hình ảnh,Đối đầu giữa tàu cảnh sát biển Việt Nam và tàu tuần duyên Trung Quốc trên Biển Đông năm 2014

Có thể thấy Việt Nam đứng về phía pháp luật quốc tế, và quốc gia nào tuân thủ luật pháp quốc tế thì Việt Nam có quan hệ gần gũi hơn với quốc gia đó.

An ninh bấy lâu nay là vấn đề khó khăn lớn nhất trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. An ninh ở đây không chỉ có vấn đề chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trong các vấn đề Biển Đông, mà còn có các vấn đề liên quan đến lưu vực sông Mekong.

Tôi thấy Việt Nam đang cố gắng nhiều hơn vì hòa bình và ổn định ở khu vực và ở bình diện quốc tế.

BBC: Vừa qua có ý kiến cho rằng trong các vụ việc liên quan tới hoạt động dầu khí Việt Nam ở trên Biển Đông, như liên quan tới các đối tác, hay dự án hợp tác được biết đến như các vụ Rosneft, Repsol, Việt Nam được cho là đã phải chịu thiệt thòi nào đó (đền bù thiệt hại) do “sức ép từ phía Trung Quốc” dù bản chất các vụ việc là “khác nhau”, Tiến sỹ có đánh giá, nhận xét gì về ý kiến này, có thể hiểu thế nào cho đúng hay khách quan về bản chất sự việc?

Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp: Điều mà tôi nhận thấy rằng từ năm sau khi hai nước Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ (năm 1991), Trung Quốc đã nhiều lần gây sức ép với liên quan đến vấn đề khai thác tài nguyên biển và dầu khí ở Biển Đông.

Nhà giàn của Việt Nam ở Trường Sa

Chụp lại hình ảnh,Nhà giàn của Việt Nam ở Trường Sa

Tôi cũng thấy rằng Việt Nam đã có cư xử phù hợp, nhưng chưa bao giờ chịu bị ép!

Các câu chuyện xảy ra ở tầm Repsol, Rosneft và PVN, nếu có thì cũng chỉ là ở tầm doanh nghiệp.

Một hoặc một số doanh nghiệp dầu khí Trung Quốc vì có cổ phần ở một công ty con nào đó của Repsol, từ đó có các tác động đến các dự án của Repsol trong liên doanh với PVN, thì khó có thể nói rằng đó là sức ép từ Bắc Kinh.

Tôi hiểu rằng Bắc Kinh hoặc công ty dầu khí Trung Quốc nào đó không thể thành công trong việc gây sức ép lên Rosneft.

Việt Nam, quốc gia có chủ quyền hợp pháp ở EEZ và thềm lục địa của mình, đương nhiên không bị khuất phục trước bất kỳ loại sức ép phi lý và phi pháp nào từ bên ngoài!

Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp là nhà nghiên cứu cao cấp khách mời thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak, Singapore), ông đồng thời cũng là thành viên nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London, Anh Quốc.

Categories: Biển Đông | Leave a comment

Blog at WordPress.com.