Châu Yến | DKN 15/10/2020 513 lượt xem

Mục lục bài viết
Trong thời xưa, bá tánh có thể đánh trống kêu oan, chặn kiệu quan để kêu oan. Ngày nay, ĐCSTQ xem người dân là kẻ địch, bỏ ra khoản tiền khổng lồ để “duy trì sự ổn định”, từ dùi cui, xe tăng đến thiết bị theo dõi điện tử luôn luôn sẵn sàng chờ đợi để trấn áp người dân…
Vào thời kỳ Xuân Thu, nước Tấn có một nhạc sư tên Khoáng, tự Tử Dã. Ông là một người rất tài hoa và mưu lược, vua thường thỉnh giáo ông về cách trị nước. Một hôm, Tề Cảnh Công đến nước Tấn, cùng Tấn Bình Công uống rượu, ông hỏi Sư Khoáng đang có mặt tại đó rằng: “Thái sư đem cách gì chỉ giáo quả nhân?”. Sư Khoáng trả lời: “Vua cần phải huệ dân mà thôi”. Tề Cảnh Công hỏi lại thêm hai lần, Sư Khoáng vẫn lặp lại câu trả lời: “Vua cần phải huệ dân mà thôi”. (Trích trong chương “Ngoại trữ hựu thuyết thượng” của cuốn “Hàn Phi Tử”).
“Huệ dân” tức là ban ơn huệ cho bá tánh. Tề Cảnh Công nghe xong lời khuyên, sau khi trở về nước liền mở kho gạo, phân phát lương thực cho dân nghèo, và đem tài sản của cải trong ngân khố ban tặng cho những người cô độc không nhà cửa, dẫn đến tình trạng “kho không có lương thực tích trữ, khố không có tài sản dư thừa”.
Có một lần, Tấn Điệu Công nói đến chuyện Vệ Hiến Công vì quá tàn bạo hung ác mà bị người trong nước đuổi đi, Sư Khoáng nói: “Một quân vương tốt, dân chúng đương nhiên sẽ yêu thương bảo vệ ông ta, quân vương tàn bạo khiến người dân tuyệt vọng, tại sao lại không thể đuổi ông ta đi chứ?”.
Chính sách nhân nghĩa của thời xưa
Chính sách nhân nghĩa tạo được thịnh thế, chính sách hà khắc tàn ác còn đáng sợ hơn hổ dữ. Mạnh Tử chỉ ra rằng, chính sách nhân nghĩa có thể cứu được người dân trong khốn khổ: “Trong thời hiện nay, quốc gia hùng mạnh, thi hành chính sách nhân nghĩa, người dân vui mừng, như rơi xuống vực mà được cứu”. (Trích từ “Công Tôn Sửu – thượng” trong cuốn “Mạnh Tử”).
Khi Lương Huệ Vương hỏi: “Lão tiên sinh, ông từ ngàn dặm xa xôi đến đây, nhất định là có điều gì lợi cho nước ta đúng không?”. Mạnh Tử đáp lại: “Đại vương! Cần gì nói lợi ích, chỉ có nhân nghĩa mà thôi!”.
Những vị vua nhân đức của thời xưa, yêu thương dân chúng, giảm gánh nặng cho dân để duy trì sự yên ổn cho đất nước, lấy nhân nghĩa để trị vì thiên hạ.
Văn Cảnh chi trị
“Văn Cảnh chi trị” chính là nói về một thời kỳ trị nước yên ổn trong thời kỳ của Hán Văn Đế và Hán Cảnh Đế của nhà Tây Hán. Thuở ấy, Văn Đế và Cảnh Đế đều thi hành tư tưởng “vô vi nhị trị” của thời đầu nhà Hán: giảm bớt lao dịch và thuế, từng bước khôi phục thực lực của nhà Hán.
Trong “Thực Hóa Chí thượng” của Hán Thư có ghi chép: “Văn Đế lên ngôi, đích thân thực hiện chế độ tiết kiệm, để bá tánh được sống yên ổn”. Năm Văn Đế thứ 2 và thứ 12, lần lượt “giảm một nửa thuế thuê ruộng”, năm Văn Đế thứ 13 thì miễn hoàn toàn tiền thuê ruộng.
Hán Văn Đế sống cực kỳ tiết kiệm, ông từng hạ chiếu chỉ cấm các quận và các nước chư hầu cống hiến kỳ trân dị bảo, quốc gia chi tiêu phải dựa theo chế độ tiết kiệm, quý tộc và quan liêu không dám xa xỉ vô độ, làm giảm bớt gánh nặng của người dân. Hán Văn Đế còn đích thân xuống ruộng trồng trọt, để làm gương cho bá tánh.
Tháng 11 và tháng 12 năm Văn Đế thứ 2, xảy ra hai lần nhật thực. Văn Đế cho rằng, đây là do bản thân ông thất đức gây ra. Ông nói: “Trời sinh vạn dân, sắp xếp quân chủ để cai trị dân chúng. Nếu như quân chủ thiếu mất nhân đức, thi hành chính sách không đủ công bằng, ông trời sẽ hiển thị điềm báo tai họa để cảnh cáo. Trong tháng mười một xảy ra nhật thực, đây là ông trời đang khiển trách ta, còn điều gì nghiêm trọng hơn chuyện này chứ?”.

Trinh Quán chi trị
“Trinh Quán chi trị” là thời kỳ chính trị sáng suốt trong 23 năm tại vị của Đường Thái Tông, vị vua thứ hai của nhà Đường. “Trinh Quán chi trị” đặt nền móng cho Đại Đường thịnh thế sau này dưới thời Đường Huyền Tông. Đường Thái Tông luôn ghi nhớ câu nói “nước có thể đẩy thuyền cũng có thể lật thuyền”, ông là vị hoàng đế vang danh thiên hạ với tài đức và trí tuệ của mình. Đường Thái Tông Lý Thế Dân lấy nông nghiệp làm gốc, thương yêu người dân, phục hưng văn hóa tôn giáo, hoàn thiện chế độ khoa cử, khiến cho quốc thái dân an, biên cường yên ổn, các nước chư hầu khắp nơi đều quy phục.
Đường Thái Tông quý trọng sinh mạng, cực kỳ cẩn trọng trong phương diện hình phạt. Trong chí 46 Hình pháp của “Tân Đường Thư” có ghi chép chuyện Đường Thái Tông miễn chết cho tử tù: “Thái Tông dùng anh võ bình định thiên hạ, tất nhiên tố chất nhân từ. Khi vừa lên ngôi, có người khuyên nên dùng hình phạt nghiêm khắc để trị thiên hạ, quan triều đình Ngụy Trưng cho là không thỏa đáng, khuyên vua rằng chính trị vốn phải nhân từ, vì vậy cần phải yêu thương dân chúng. Thái Tông vui vẻ nghe theo, dùng khoan dung nhân nghĩa để trị thiên hạ, đặc biệt cẩn trọng trong vấn đề hình phạt. Năm Trinh Quán thứ tư, cả nước xử trảm 29 người có tội. Năm Trinh Quán thứ sáu, vua đích thân thẩm vấn tội phạm, thương xót 390 tử tù, thả họ về nhà, đến mùa thu năm sau quay lại chịu hình phạt, đến kỳ hạn, toàn bộ tử tù đều đến triều đình, không thiếu một ai, Thái Tông biểu dương thành tín của họ, lấy đó làm lý do để miễn án cho tử tù”.
Chính sách nhân nghĩa yêu dân của nhà Tống
Nhà Tống thiết lập một hệ thống cứu hộ thiên tai hiệu quả, ngoài ra chính phủ trung ương còn mở rất nhiều cơ quan phúc lợi từ thiện như Cư Dưỡng Viện, An Tế Phường, Lậu Trạch Viên, Từ Ấu Cục, Quảng Huệ Viện, An Nhân Trạch, Huệ Tế Khố, vv… ở khắp thành thị lớn nhỏ trong cả nước, giúp cho người già có nơi dưỡng lão, những người nghèo khổ hay bệnh tật có nơi nương dựa.
Tống Nhân Tông nói: “Những người cô độc có viện để cư dưỡng, người bệnh tật có nơi để chữa trị, người chết có trạch viên để an táng, đây là gốc của sự cai trị”. Mỗi lần đất nước xảy ra thiên tai là Tống Nhân Tông lại giảm bớt bữa ăn của mình và chỉ ăn chay, cầu nguyện với trời. Năm Khánh Lịch thứ 7, Tống Nhân Tông vì hạn hán mà hạ chiếu thư “Tội Dĩ Chiếu”, suy ngẫm lỗi lầm nói rằng: “Trẫm suy ngẫm thấy thiên tai xảy ra, đều có nguyên do, chắc vì trẫm không đủ tài đức, chính trị không sáng suốt, hiệu lệnh thất tín… thay vì giáng họa cho dân, chi bằng chuyển họa đó cho trẫm”.

“Tống Sử” ghi chép: “Cách trị nước của nhà Tống, gốc nằm ở nhân hậu, phàm là chuyện cứu tế người nghèo, đời trước đặc biệt chu đáo ân cần”. “Nếu là người ăn xin, được nuôi ở Cư Dưỡng Viện; người bị bệnh, điều trị tại An Tế Phường; người chết, an táng tại Lậu Trạch Viên, đều trở thành điều bình thường”. “Bá tánh nghèo khổ, quan cho lương thực và quần áo để nuôi sống, bá tánh bệnh tật, quan cho cháo cho thuốc để chữa bệnh”.
Khang Càn thịnh thế
Ba đời hoàng đế Khang Hy, Ung Chính và Càn Long của nhà Thanh đều dốc hết sức lực để cai trị tốt đất nước, và tạo dựng được thời kỳ hưng thịnh hơn 100 năm. Vua Khang Hy khen thưởng việc canh tác nơi đất hoang, trả lại ruộng cho dân, nâng cấp thủy lợi, cấm chiếm đoạt đất hoang, miễn thuế ruộng và cải cách thuế và lao dịch, khiến cho diện tích đất trồng trọt được mở rộng cấp tốc, nâng cao sản lượng lương thực. Năm Khang Hy thứ 11 (năm 1712) quyết định “mãi mãi không tăng thuế”, hủy bỏ khoản thuế tính theo đầu người đối với nhân khẩu mới.
Vua Càn Long cũng quan tâm đến nông nghiệp, hàng năm đều ra lệnh cho quan địa phương các nơi báo cáo tình hình hạn hán và lũ lụt, nếu như địa phương nào bị thiên tai, ông sẽ lập tức hạ chỉ mở kho cứu tế dân, đồng thời giảm thuế, cứ như vậy trong suốt 60 năm.
Chính sách tàn bạo của ĐCSTQ
Sau khi ĐCSTQ cướp được chính quyền liền đại khai sát giới, gió tanh mưa máu không ngừng diễn ra, khiến mọi người kinh hãi nghĩ rằng: Cái gọi là “giải phóng” và “Trung Quốc mới” mà Đảng tuyên truyền thì ra chính là cơn ác mộng và sự khủng bố vô cùng đen tối, không thể nào tưởng tượng nổi!
Xem nhẹ mạng người
Theo như con số thống kê chưa đầy đủ, dưới sự thống trị của ĐCSTQ đã khiến cho Trung Quốc có khoảng 80 triệu người chết bởi những nguyên nhân bất thường như: bị bức hại, bị đói, bị tấn công vũ khí, bị đàn áp tôn giáo tín ngưỡng, v.v… con số này đã vượt quá tổng số người chết trong hai cuộc chiến tranh thế giới.
Lưỡi dao độc tài và tàn bạo của ĐCSTQ luôn chĩa thẳng vào những người lương thiện và tài giỏi. Trong quá trình cải cách ruộng đất, chính quyền này đã sát hại địa chủ, nông dân giàu có, tiêu diệt tầng lớp trí thức nòng cốt, thực hiện chiến dịch trấn áp kẻ “phản cách mạng”, chiến dịch Tam phản, chiến dịch Ngũ phản với lý do thanh trừng “những kẻ phản cách mạng”, để ra sức giết hại những người vô tội.
Nhà báo Nicholas Kristof của tờ báo New York Times tại trụ sở ở Trung Quốc viết trong sách chuyên khảo “Trung Quốc thức tỉnh rồi” (China Wakes) của mình rằng: “Theo như báo cáo ước tính của cựu bộ trưởng Bộ công an của Trung Quốc cung cấp, từ năm 1948 đến năm 1955, có 4 triệu người bị xử tử hình”.
Trong nạn đói từ năm 1958 đến năm 1962 có trên 30 triệu người bị chết đói, mà ĐCSTQ lại xuất khẩu hàng triệu tấn lương thực, trong thời gian này, để phô trương thanh thế, chính quyền Trung Quốc đối ngoại thì hào phóng quá mức, còn đối nội thì thấy chết không cứu.
Cuộc cải cách văn hóa lại là một cuộc vận động máu tanh. Những cái chết bất thường dưới hình thức đấu tranh vũ trang, xử tử thành phần “phản cách mạng hiện thời”, hiện tượng “tự sát tập thể”, v.v… đã cướp đi hàng triệu, thậm chí là hàng chục triệu sinh mạng.
Diệp Kiếm Anh từng nói: Cách mạng văn hóa cải chính 100 triệu người, chết mất 20 triệu người. Giáo sư R.J. Rummel trường Đại học Hawaii của Mỹ từng viết trong tác phẩm “Thế kỷ đẫm máu ở Trung Quốc” (China’s Bloody Century, năm 1991) của ông: ước tính có khoảng 7,73 triệu người đã thiệt mạng trong cuộc cách mạng văn hóa.

Những hành động thảm sát người dân vô tội đã trở thành bản tính của ĐCSTQ, nhưng họ lại luôn miệng nói lý lẽ, dùng lời nói dối mới để che đậy cho lời nói dối cũ. ĐCSTQ liên tục phát động các làn sóng chiến dịch chính trị, tạo ra vô số án oan, bức hại vô số người vô tội. Các nhà chức trách ra lệnh “sửa oan”, nói với người nhà của những người chịu án oan rằng: Năm xưa giết nhầm người rồi, bây giờ sửa sai, một lần nữa thể hiện “vĩ quang chính” (vĩ đại, quang vinh và chính xác).
Năm 1995, chàng trai Hà Bắc tên Nhiếp Thụ Bân bị xử oan phán tội tử hình. Ngày 2 tháng 12 năm 2016, tòa án tối cao của Đại lục lật lại nguyên thẩm phán quyết, sửa đổi phán quyết thành Nhiếp Thụ Bân vô tội. Đáng tiếc, người lâm oan án thì đã chết rồi! Thân nhân của họ cũng đã phải chịu không ít khổ đau và hệ lụy…
Trấn áp người bảo vệ quyền lợi
Trong thời xưa, bá tánh có thể đánh trống kêu oan, chặn kiệu kêu oan, mọi người lưu truyền tích truyện của các vị quan thanh liêm để đời sau tưởng nhớ và cảm phục. Ngày nay, ĐCSTQ xem người dân là kẻ địch, bỏ ra khoản tiền khổng lồ để “duy trì sự ổn định”, từ dùi cui, xe tăng đến thiết bị theo dõi điện tử luôn sẵn sàng chờ đợi để trấn áp người dân. Bất kể là ai, chỉ cần không phục tùng Đảng là sẽ bị mang trên người các tội danh kiểu như: “phản động”, “xúi giục làm đảo lộn chính trị”, “cấu kết với thế lực bên ngoài”, “quấy rối trật tự xã hội”, v.v… rồi lập tức bị xử phạt nghiêm khắc, nhẹ thì bị giam lỏng, nặng thì bị ngồi tù chịu các màn tra tấn, thậm chí còn khiến họ “mất tích” một cách kỳ lạ.
Con gái của vợ chồng Lý Tân và Hà Phương Mai tại Hà Nam sau khi tiêm vắc-xin DPT vào tháng 5 năm 2018, hai tay và hai chân đều bị tàn phế, họ nhiều lần đi đến chính quyền địa phương để yêu cầu bồi thường chi phí điều trị hợp lý, nhưng bị đùn đẩy hết lần này đến lần khác. Hà Phương Mỹ bị ép phải ra phường, ra ngoài đường xin tiền quyên góp, đến Bắc Kinh phản ánh tình hình nhưng bị ngăn chặn khởi kiện, bị bắt giữ, bị cấm lên tiếng trên mạng. Lý Tân nói: “Vì muốn đòi lại công bằng cho đứa con bị tàn phế do tiêm vắc-xin, mà cha mẹ trở thành ‘giai cấp kẻ thù’.
Rạng sáng ngày 7 tháng 9 năm 2018, cô gái tên Vương Thiến 31 tuổi ở Triết Giang đã tự sát. Vương Thiến là nạn nhân của nền tảng P2P, sau khi không thể lấy lại tiền trên nền tảng P2P, Vương Thiến đã đi đến Hàng Châu, Thượng Hải để yêu cầu được bảo vệ quyền lợi và đòi lại tiền, nhưng bị cảnh sát đánh đập. Vương Thiến tiết lộ trong di chúc rằng hành động bạo lực của cảnh sát khiến cô suy sụp. Cô viết rằng: “Tôi không có sức mạnh để chiến đấu với bọn họ, dân thường quá nhỏ bé, thực sự quá mệt mỏi, không nhìn thấy hy vọng nữa!”.
Ngày 21 tháng 3 năm nay, vợ của luật sư Vương Toàn Chương là Lý Văn Túc đi đến tòa án tối cao của Bắc Kinh để khởi kiện, yêu cầu điều tra quy trình xử lý vụ án Vương Toàn Chương của tòa án Thiên Tân. Chuyện xảy ra đều có nguyên nhân cả. Một tuần trước đó, luật sư biện hộ phúc thẩm lần hai của Lý Văn Túc và Vương Toàn Chương đi đến tòa án thành phố Thiên Tân để tìm tài liệu liên quan đến vụ án Vương Toàn Chương, không ngờ nhân viên tòa án trả lời rằng: kiểm tra không thấy có tài liệu nào trong kho dữ liệu, Lý Văn Túc liền cảm thấy sụp đổ.
Vụ án của luật sư Vương Toàn Chương có thể nói là vụ án hoang đường nhất trên thế giới. Sau khi ĐCSTQ bắt giữ Vương Toàn Chương vào tháng 8 năm 2015, đến nay vẫn không cho phép người thân và luật sư gặp mặt Vương Toàn Chương. Đã gần 4 năm trôi qua, Vương Toàn Chương không rõ sống chết ra sao, người nhà vô cùng lo lắng. ĐCSTQ phớt lờ những lời kêu gọi mạnh mẽ từ trong và ngoài nước, không chịu tiết lộ bất cứ tin tức gì, trong khi họ vẫn một mực rêu rao tuyên bố rằng “trị nước theo pháp luật”.
Bức hại tín ngưỡng tôn giáo
Ngày xưa Trung Quốc là một đất nước tôn trọng tôn giáo tín ngưỡng, tôn trọng người tu hành. Lòng thành tin tưởng tâm linh tôn giáo khiến cho hoàng đế, các đại thần và người dân bình thường đều khiêm tốn và có ý thức cộng đồng, suy nghĩ lương thiện. Tuy nhiên, ĐCSTQ lại xem việc hủy diệt tôn giáo là mục đích, làm biến dạng tôn giáo, bức hại những người tu luyện kiên trì tín ngưỡng của mình, tạo ra nghiệp chướng to lớn.
Ngày 29 tháng 5 năm 2018, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đã công báo “báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế” năm 2017, trong đó có ghi lại tình trạng bị bức hại của Pháp Luân Đại Pháp (Pháp Luân Công), Cơ Đốc giáo và các nhóm tín ngưỡng khác, báo cáo cũng ghi nhận về các trường hợp học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đại lục bị chính quyền sở tại bức hại đến chết.
Ngày 26 tháng 7 năm ngoái, trong hội nghi bộ trưởng Tự do Tôn giáo của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra tuyên bố đặc biệt nhắm vào ĐCSTQ, trong đó viết là: “Rất nhiều nhóm tôn giáo dân tộc thiểu số ở Trung Quốc, bao gồm người Duy Ngô Nhĩ, tộc người Hồi, người Hồi giáo Kazakhstan, đệ tử Phật giáo Tây Tạng, tín đồ Thiên Chúa Giáo, Tin Lành và Pháp Luân Công, v.v… tất cả đều vì tín ngưỡng của mình mà bị chính quyền Trung Quốc trấn áp nghiêm trọng và khinh thường”. “Những nhóm tín ngưỡng này không ngừng báo cáo rằng ĐCSTQ đã áp dụng biện pháp tra tấn, ngược đãi thân thể, tùy ý bắt giữ, giam cầm, phán xét hình phạt oan sai, quấy rối… đối với thành viên trong tín ngưỡng của họ”.
Giáo sĩ Hoàng Tiểu Ninh ở Quảng Châu nói rằng: “Chúng tôi yêu đất nước này, nhưng thực sự có những lúc phải khóc thương cho đất nước này, để cho một đám người ngu si, vô thần nắm giữ chính quyền, đó là tai họa của người dân”.
Công dân Canada Tôn Thiến là một nhà doanh nghiệp định cư tại Bắc Kinh, tháng 2 năm 2017, vì tập luyện Pháp Luân Công mà cô bị vu oan, bị bắt cóc, giam cầm, bị tra tấn tàn bạo trong thời gian bị giam giữ, mẹ của Tôn Thiến là bà Lý Vân Tú nói rằng: “Sống ở một quốc gia không có tự do và nhân quyền như thế này, tôi cảm thấy rất buồn. Trái tim tôi rất đau”.
***
Các vị vua anh minh thời xưa dùng đức để phục chúng, bá tánh an cư lạc nghiệp. ĐCSTQ tà ác, phá hoại truyền thống, đảo lộn thị phi trắng đen, dùng bạo lực để áp chế dân. Hiện nay ở Đại lục, người dân lương thiện đang chìm trong cơn nước sôi lửa bỏng, đang kêu gọi và tố cáo trong đau khổ, khát khao chính nghĩa và ánh sáng. Chỉ có quét sạch tà ác, quay trở về với giá trị phổ quát và văn hóa truyền thống nhân văn tốt đẹp, kính Trời tín Phật… thì mới có thể tái hiện lại cách trị nước sáng suốt và đúng đắn, dân chúng mới được vui hưởng thái bình.
Theo Epochtimes
Châu Yến biên dịch