Ngoại giao Hoa Kỳ ở Ấn Độ- Thái Bình Dương thời Donald Trump và giai đoạn sau bầu cử

  • Nguyễn Xuân Vĩnh
  • Gửi cho BBC News Tiếng Việt từ CHLB Đức

3 tháng 11 2020

Trump 2020

Còn chưa đầy một ngày nữa thế giới sẽ biết là ai sẽ lãnh đạo nước Mỹ trong bốn năm tới, tổng thống đương nhiệm Donald Trump hay cựu phó tổng thống Joe Biden.

Nếu ông Biden thắng, ông ấy sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề nội bộ của Hoa Kỳ: Dân chúng bị chia rẽ, hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ chống nhau kịch liệt, kinh tế suy sụp vì Covid-19, nợ quốc gia đạt mức cao kỷ lục, số người thất nghiệp cũng đạt mức kỷ lục, nạn virus corona vẫn ngoài tầm kiểm soát.

Ông Biden cũng sẽ phải đương đầu với những thiệt hại đã bị gây ra trong bốn năm qua cho mối quan hệ giữa Hoa Kỳ với các đồng minh và đối tác trên thế giới.

Đầu năm 2017, khi tân tổng thống Trump đề xướng chủ đề của chính phủ ông, “Make America great again” và “America first”, ông đã công bố sự thay đổi căn bản trong đường lối ngoại giao của Hoa Kỳ. Quốc gia này sẽ quan tâm ít hơn đến những vấn đề trên thế giới, sẽ giảm sự tham gia vào các tổ chức quốc tế, và sẽ ích kỷ hơn. Một loại chủ nghĩa Monroe mới.

Nhưng lúc đó có lẽ ít người đoán được là chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ sẽ biến đổi đến cỡ nào.

Di sản ngoại giao của chính phủ Obama

Công bằng mà nói, Hoa Kỳ không bắt đầu rút lui từ những chính trường trên thế giới dưới thời Trump, chiến lược đó đã bắt đầu dưới chính phủ Obama. Sau khi nhậm chức, ông Obama đã tiến hành việc rút quân ra khỏi các chiến trường Afghanistan và Iraq. Ông Obama cũng đã đòi hỏi các thành viên Âu Châu trong NATO phải tăng ngân sách quốc phòng lên hai phần trăm của tổng sản lượng quốc gia, để đỡ gánh nặng cho Hoa Kỳ tại vùng này. Hoa Kỳ cũng đã phản ứng rất e dè khi phong trào dân chủ tại bắc Phi Châu, cái được gọi là “mùa xuân Ả Rập” bùng nổ. Khi các độc tài tại Libya và Iraq dùng vũ lực để đàn áp phong trào dân chủ, chính phủ Mỹ đã nhường cho Pháp và Anh Quốc dẫn đầu NATO để can thiệp và hổ trợ cho phong trào dân chủ.

Nhưng Hoa Kỳ vẫn tiếp tục nắm một vai trò quan trọng trên thế giới.

Năm 2015 chính phủ Obama đã cùng với các thành viên của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ký hợp đồng nguyên tử với Iran để ngăn chận quốc gia này sản xuất bom hạt nhân. Một trong những hiệp ước quan trọng nhất cho thế giới tương lai, hợp đồng về khí hậu của Paris, cũng đã thành hình dưới sự điều khiển của Hoa Kỳ. Chính phủ Obama cũng đã ký hợp đồng New-START với Nga để giảm số vũ khí hạt nhân. Dưới quyền Obama, nước Mỹ vẫn giữ những cam kết và gánh những trách nhiệm trong các tổ chức quốc tế.

Tư lệnh Mỹ: Quân đội có thể ‘tham chiến bảo vệ Senkaku’

Tuyên bố của Mỹ về Biển Đông: ‘Chưa từng có, nhưng cần thêm hành động cụ thể’

Động thái đáng chú ý nhất dưới chính phủ Obama là việc Hoa Kỳ xoay trục chiến lược về Á Châu để đối phó với Trung Quốc là đối thủ chính trong thế kỷ 21.

Ngoài những biện pháp để chuyển thế quân sự sang Á Châu như lập căn cứ thủy quân lục chiến tại Úc hoặc đóng một chiến hạm thường trực tại Singapore, chính phủ Obama đã đàm phán hợp đồng TPP (Trans-Pacific Partnership) với 11 quốc gia ở ven bờ Thái Bình Dương. Mục đích của TPP là một vùng kinh tế tự do khổng lồ dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ, và TPP đã có khả năng thành một “hàng rào” cho Hoa Kỳ để ngăn chận TQ tại Thái Bình Dương.

Để đối phó với Trung Quốc trên phương diện quân sự, Hoa Kỳ đã chuyển sáu mươi phần trăm của lực lượng hải quân về Thái Bình Dương.

Một liên minh chiến lược giữa bốn quốc gia lớn trong vùng Ấn Độ Thái Bình Dương – Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ – cũng đã bắt đầu thành hình. Chính phủ Mỹ đã có nhiều nổ lực để làm sâu thêm quan hệ với Ấn Độ, vốn cũng là một đối thủ chiến lược của Trung Quốc. Sự hiện diện của tổng thống Obama trong buổi lễ duyệt binh quốc khánh của Ấn Độ năm 2015 là một dấu hiệu sâu sắc cho quan hệ này. Tuy không phải là nhà cung cấp vũ khí truyền thống của Ấn Độ, nhưng bắt đầu từ năm 2013 Hoa Kỳ đã bán vũ khí cho quân đội Ấn như máy bay vận tải chiến lược C-17 và trực thăng chiến đấu AH-64E Apache.

Flags of China (left) and the US. File photo

Hoa Kỳ dưới chính phủ Obama đã chú tâm đến vùng Biển Đông nhiều hơn các chính phủ trước, và đã phủ nhận sự đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên toàn Biển Đông. Để phản ứng đối với các hành động quân sự hóa các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa, Hoa Kỳ đã bắt đầu đưa tàu chiến đi tuần dưới hình thức gọi là “Freedom of navigation operation” (FONOP) đến gần những đảo do Trung Quốc chiếm đóng.

Hoa Kỳ cũng tỏ dấu hiệu muốn cộng tác chặt chẽ hơn với Việt Nam và các quốc gia giáp Biển Đông trên lãnh vực quân sự. Trong những năm qua, sự qua lại của các phái đoàn quân sựViệt Nam và Hoa Kỳ đã được tăng cường. Hoa Kỳ đã có mờihải quân Việt Nam tham gia vào hai cuộc tập trận trên biển. Hơn nữa, năm 2011 chính phủ Obama đã đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia được Hoa Kỳ cung cấp vũ khí qua chương trình EDA (Excess Defense Articles). Qua đó, năm 2017 và cuối năm 2019, lực lượng cảnh sát biển Việt Nam đã được chuyển giao hai chiếc hộ tống hạm hạng Hamilton. Hai chiếc thuyền này, tuy là cũ, nhưng sẽ là một tăng cường đáng kể cho việc kiểm soát biển của Việt Nam.

Như thế, tuy dè dặt và không muốn bị lôi cuốn vào những vùng có nhiều vấn đề trên thế giới, Hoa Kỳ vẫn theo đuổi một chính sách ngoại giao cho phép mình nắm quyền chủ động và lãnh đạo trên những lãnh vực quan trọng cho chiến lược quốc gia.

Thảm họa ngoại giao dưới chính phủ Trump – Make China great again?

Từ những ngày đầu trong tòa Bạch Ốc, ông Trump đã thẳng thừng chỉ trích sự chênh lệch thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, nhất là sự đối xử không công bằng trên thị trường Trung Quốc đối với các công ty Mỹ.

Ông Trump đã áp dụng nhiều biện pháp để gia tăng áp lực lên Trung Quốc như tăng thuế nhập cảng cho các sản phẩm từ Trung Quốc và giảm thuế cho các công ty Mỹ để khuyến khích đầu tư tại Mỹ thay vì ở Trung Quốc.

Ngoài ra, từ cuối năm 2019, chính phủ Trump đã mở cuộc tấn công rộng lớn nhắm vào Trung Quốc trên nhiều lãnh vực. Những phát biểu của tổng thống Trump và bộ trưởng ngoại giao Pompeo đã nhắm vào đảng cộng sản Trung Quốc, vào việc Trung Quốc ăn cắp công nghệ kỹ thuật của Mỹ, việc Trung Quốc lạm dụng các tổ chứcquốc tế Unicef, WHO. Một chuyện mới lạ là chính phủ Mỹ đã ra những biện pháp nhắm trực tiếp vào các công ty Trung Quốc Huawei và TikTok.

Những hành động đó cho thấy là chính phủ Trump có một sự cương quyết chống Trung Quốc. Nhưng cuộc chiến thương mại với Trung Quốc vẫn chưa đưa đến đâu hết. Sự thiếu hụt thương mại của Hoa Kỳ với TQ trong những năm 2016 đến 2019 dưới quyền Trump trung bình là 380 tỉ USD/năm, trong khi đó thâm thụt thương mại của những năm dưới chỉnh phủ Obama trung bình là 311 tỉ USD/năm. Vậy là ông Trump đã không cản được để gánh cân thương mại tiếp tục nghiêng về phía TQ. Và có dấu hiệu cho thấy rằng cuộc chiến thương mại này sẽ hại dân Mỹ không ít vì hàng nhập cảng sẽ đắt hơn, nông dân sẽ không xuất khẩu những sản phẩm sang TQ được…

Đặc biệt chính sách đối ngoại của Mỹ tại vùng Ấn Độ Thái Bình Dương đã phải chịu những lỗi lầm lớn nhất. Hợp đồng TPP đã bị chính phủ Trump bỏ ngay sau khi nhậm chức. Mặt khác chính phủ Trump không có một biện pháp nào để đối phó với việc TQ đẩy mạnh phát triển kế hoạch “một vành đai, một con đường”. Kết quả là TQ đã gia tăng ảnh hưởng của mình tại nhiều quốc gia có hải cảng chiến lược từ Biển Đông đến biển Địa Trung Hải. Một điểm mà chính phủ Trump cũng không quan tâm đến là Trung Quốc dốc trợ giúp kinh tế vào các vùng đảo thuộc Châu Đại Dương, qua đó đã mua được cảm tình của dân chúng và chính phủ của các đảo quốc này. Việc Hoa Kỳ ngày càng mất ảnh hưởng trong vùng Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương về phía Trung Quốc đã được báo động trong một bản tường trình của US Naval War College cho Hạ Viện Hoa Kỳ năm 2018.

Trump - Tập
Chụp lại hình ảnh,Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp gỡ Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản năm 2019

Tổng thống Trump cũng đã làm cho hai đồng minh thân cận nhất ở Đông Á là Nhật và Nam Hàn khó chịu khi ông chỉ trích hai nước này về việc chia xẻ không đủ gánh nặng quốc phòng. Cùng lúc thì ông ca ngợi những lãnh tụ độc đoán như Tập và Kim.

Ông Trump không ngừng chê bai các chính phủ trước ông là đã thất bại trong việc xử lý vấn đề vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn. Kết quả của nỗ lực của ông Trump là: Bắc Hàn vẫn còn vũ khí nguyên tử và Kim Jong Un thỉnh thoảng vẫn bắn hỏa tiển ra Thái Bình Dương.

Trong nạn dịch Covid-19 ông Trump muốn khi có thuốc ngừa sẽ độc quyền dùng cho dân Mỹ theo phương châm “America first” của ông. Trong khi đó Trung Quốc tuyên bố lập trường là thuốc ngừa sẽ được phân chia cho khắp thiên hạ. Và TQ cũng đã ký hợp đồng để cung cấp thuốc cho vài quốc gia, tỉ dụ Indonesia, cùng lúc thuốc này được cung cấp cho dân TQ.

Cách chính phủ Trump xử lý nạn dịch cũng không giúp cho niềm tin của các quốc gia khác vào khả năng của Hoa Kỳ tăng lên, khi so sánh với Trung Quốc.

Những hành động đó đã làm cho sự tin cậy vào Hoa Kỳ và khả năng lãnh đạo của nước này trong vùng Ấn Độ Thái Bình Dương bị suy sụp. Vì thế và vì mối quan hệ kinh tế ngày càng lớn giữa Bắc Kinh và các quốc gia trong vùng, ảnh hưởng của TQ ngày càng tăng lên.

Ông Trump thích ca ngợi sức mạnh quân sự của Mỹ. Nhưng chính phủ ông cũng không làm gì hơn hẳn các chính phủ trước trong việc trang bị quân đội. Bản báo cáo của Naval War College phỏng đoán rằng đến năm 2030 hải quân Trung Quốc sẽ có khoảng 550 chiến hạm và tàu ngầm đủ cỡ, trong khi đó hải quân Mỹ sẽ có khoảng 355 chiếc. Nếu Hoa Kỳ muốn giữ thế cân bằng với TQ thì phải tìm sự hổ trợ của các quốc gia trong vùng.

Tại sao nhiều người Việt ở Mỹ ủng hộ Tổng thống Donald Trump và chống Trung Quốc?

Biển Đông: Nhật tăng cường quan hệ an ninh với VN, thêm sức ép lên TQ

Đối với người Việt, thái độ cứng rắn của ông Trump đã gây ấn tượng là ông Trump cương quyết đương đầu với Trung Quốc. Người Việt ta, vốn đã bức xúc từ lâu vì những hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông và những phản ứng yếu ớt của chính phủ Việt Nam, thấy ông Trump “đánh” Trung Quốc như thế thì dĩ nhiên là tán thành và nuôi hy vọng ông sẽ chiến thắng.

Nhưng những biện pháp của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc trong những năm dưới quyền Trump đều nhắm vào việc tạo áp lực với Bắc Kinh để thương lượng cho một hợp đồng thương mại cho Hoa Kỳ. Chính phủ Trump đã để cho Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng trong vùng Châu Đại Dương, đến gần những vị trí chiến lược quan trọng như Hawaii, thì Biển Đông chắc sẽ không được ông quan tâm lắm. E rằng ông Trump sẽ “bỏ con tép để bắt con tôm” và bỏ Biển Đông nếu được một thỏa thuận kinh tế với Bắc Kinh thuận lợi cho Hoa Kỳ.

Sự tự cô lập của Hoa Kỳ

Cùng lúc với chiến tranh thương mại với Trung Quốc, ông Trump cũng gây cuộc chiến kinh tế với các quốc gia đồng minh tại Âu Châu qua việc tăng thuế cho các hàng hóa từ đây. Ông rầm rộ chỉ trích các thành viên NATO ở Châu Âu không tăng ngân quỹ quốc phòng lên mục tiêu hai phần trăm. Đặc biệt chính phủ Merkel tại Đức đã thành một tấm bia ông thường xuyên bắn trên Twitter. Trong một giai đoạn.

Hoa Kỳ cần có sự hổ trợ của các đồng minh tại Âu Châu để kềm Putin ở phía đông thì thái độ hung hăng của ông Trump đối với các quốc gia này đã làm cho khối NATO bị rạn nức nhiều hơn là tất cả những phá hoại của Liên Xô/ Nga trước đây.

Từ lúc vào Tòa Bạch Ốc, ông Trump liên tục đả kích các tổ chức và cơ quan quốc tế mà đa số là do Hoa Kỳ thiết lập sau Thế chiến thứ hai như WTO, World Bank, Unicef, WHO… Hành động mới nhất là từ bỏ WHO trong cao điểm của nạn Covid-19.

Hợp đồng nguyên tử với Iran, hợp đồng giảm vũ khí nguyên tử New-START, hợp đồng khí hậu của Paris cũng đã bị Trump bác bỏ sau khi nhậm chức. Với sự rút lui ra khỏi các tổ chức và hợp đồng quốc tế, Hoa Kỳ đã từ cường quốc lãnh đạo thế giới thành một khán giả bên lề và đã nhường chỗ cho Trung Quốc trên nhiều chính trường quốc tế.

Chính sách ngoại giao của chính phủ Biden tương lai

Ông Biden là một nhà chính trị gia lão luyện với nhiều kinh nghiệm trên chính trường ngoại giao. Chính ông đã nhận xét trong một bài ông mô tả đường lối của một chính phủ dưới quyền ông là Hoa Kỳ phải trở về vai trò lãnh đạo thế giới tự do (“Why America must lead again”).

Việc làm đầu tiên của một chính phủ Biden sẽ là hàn gắn lại những rạn nứt trong NATO. Ông Biden sẽ phãi thuyết phục các đồng minh tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ và để các quốc gia này hợp tác với chính sách của ông, đặc biệt là chính sách đối với Trung Quốc.

Ngoài ra, ông phải chứng minh cho các quốc gia trên thế giới là chính phủ và tổng thống Mỹ sẽ lại tôn trọng những tiêu chuẩn của xã hội tự do dân chủ. Hành động này sẽ biến chính phủ Biden thành một đối tác khó nuốt hơn chính phủ Trump.

Bầu cử Mỹ 2020: Lằn ranh chia đôi nước Mỹ

Bầu cử 2020: Giải thích hệ thống chính trị Mỹ

Ông Biden đã tiếp xúc nhiều với Xi Jinping và có lần đã nói rằng ông Xi là một người không biết tôn trọng tự do dân chủ. Vị cựu tổng thống đã viết rằng chính phủ Mỹ phải cứng rắn hơn trong cách đối xử với TQ. Theo ông, nước Mỹ và các đồng minh tốt nhất phải lập một mặt trận thống nhất để đương đầu với Trung Quốc. Điều này rất trùng hợp với những nhận định của các quốc gia Tây Âu vì họ bắt đầu nhận ra mối đe dọa từ TQ.

Nhưng ông cũng cho rằng Hoa Kỳ cần sự cộng tác của Trung Quốc để giải quyết nhiều vấn đề trên thế giới như việc giảm vũ khí hạt nhân, sự thay đổi khí hậu và việc bảo vệ sức khỏe trên toàn cầu.

Với một tổng thống Biden, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ không dễ dàng hơn cho Trung Quốc. Nhưng nó sẽ đi vào một trạng thái mới, đó là một quan hệ với hai cực: cạnh tranh và cộng tác.

Đối với Biển Đông, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ủng hộ những quy luật của UNCLOS.

Như thế Hoa Kỳ sẽ gián tiếp giúp Việt Nam bảo vệ lập trường của mình về chủ quyền trên Biển Đông. Hoa Kỳ sẽ tôn trọng chính sách “ba không” của Việt Nam, và sẽ không mong đợi sự hoan hô công khai của Việt Nam đối với những động tác tương phản với Trung Quốc như dưới thời Trump.

Nhưng Hoa Kỳ sẽ tìm cơ hội để đào sâu thêm mối quan hệ với Việt Nam, hướng đến một sự cộng tác chiến lược. Chính sách ngoại giao của Mỹ dưới một chính phủ Biden chắc chắn sẽ có lợi cho Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền hơn là dưới chính phủ Trump. Nhưng đối với chính quyền Việt Nam, cộng tác với Mỹ sẽ là con dao hai lưỡi vì chính phủ Biden sẽ chú trọng nhiều hơn đến vấn đề nhân quyền và dân chủ.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Nguyễn Xuân Vĩnh,kỹ sư hàng không (MSc) hiện sống tại FrankfurtCHLB Đức.

Advertisement
Categories: Chính-Trị Thời-Sự | Leave a comment

Post navigation

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Blog at WordPress.com.

%d bloggers like this: