8 tháng 3 2021

Một quan chức thuộc đảng của bà Aung San Suu Kyi đã chết khi bị giam giữ ở Myanmar sau khi bị bắt trong các cuộc bố ráp của lực lượng an ninh ở Yangon.
Hôm Chủ nhật, thi thể của U Khin Maung Latt được đưa về cho gia đình. Thân nhân được bảo là nạn nhân đã chết sau khi ngất xỉu.
Các bức ảnh cho thấy một mảnh vải dính máu quanh đầu của người đàn ông 58 tuổi.
Các nhà hoạt động nói rằng U Khin Maung Latt đã bị đánh đập trong lúc bị cảnh sát và binh lính giam giữ, và phải chịu một cuộc thẩm vấn khắc nghiệt.
Các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục chống lại cuộc đảo chính vào tháng trước bất chấp sự đàn áp đẫm máu.
Bị bắn chết ở Myanmar: Còn mãi tấm áo tuổi 19
Ngày đẫm máu nhất ở Myanmar: Ít nhất 38 người biểu tình thiệt mạng
Liên Hiêp Quốc nói hơn 50 người đã thiệt mạng kể từ khi quân đội bắt giữ bà Suu Kyi vào ngày 1/2, nhà lãnh đạo được bầu một cách dân chủ của Myanmar, .
Nhà chức trách đã khai quật thi thể của một nạn nhân, Kyal Sin, 19 tuổi, và nói cô không bị cảnh sát giết chết vì bị bắn từ phía sau.

Hình ảnh từ các cuộc biểu tình cho thấy cô ấy đã quay đầu lại phía cảnh sát.
Trong một diễn biến khác, giới cầm quyền quân sự yêu cầu nước láng giềng Ấn Độ trao trả một số cảnh sát đã vượt biên tìm nơi ẩn náu sau khi từ chối thi hành mệnh lệnh.
U Khin Maung Latt chết như thế nào?
Ông U Khin Maung Latt đã tích cực vận động cho các ứng cử viên của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi trong các cuộc tổng tuyển cử gần đây và cũng được biết đến với những công việc phúc lợi, The Irawaddy đưa tin.
Ông đã bị “đánh đập và đá dữ dội trước khi bị đưa khỏi nhà” vào khoảng 22:00 giờ hôm thứ Bảy, theo các nhân chứng được hãng tin trích dẫn.
Sáng Chủ nhật, gia đình U Khin Maung Latt được thông báo rằng ông đã chết sau khi “ngất xỉu” và họ đến nhận thi thể của ông từ một bệnh viện quân đội.


U Tun Kyi, từ Hiệp hội Cựu tù nhân chính trị, nói với hãng tin AFP: “Ông ấy đã bị đánh đập và bị bắt trong một cuộc bố ráp từ đêm qua và có vẻ như đã trải qua một cuộc thẩm vấn khắc nghiệt.”
Hôm thứ Sáu, một quan chức địa phương của NLD tại một ngôi làng ở vùng Magwe, U Htway Naing, đã bị những người ủng hộ quân đội tấn công đến chết.https://bbc.com/ws/av-embeds/cps/vietnamese/world-56311265/p0977rlj/viChụp lại video,
Vì sao có đảo chính và biểu tình ở Myanmar?
Tại Yangon, cảnh sát đã có các cuộc đột kích khác vào ban đêm, hôm thứ Bảy.
Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc, Tom Andrews, nói với BBC rằng video từ các khu vực khác nhau của Myanmar cho thấy lực lượng an ninh nả súng liên tục vào các tòa nhà khi họ thực hiện các vụ bắt giữ.
Người Myanmar ‘đau buồn nhưng đoàn kết hơn bao giờ hết’
Myanmar yêu cầu Ấn Độ trao trả các cảnh sát trốn qua biên giới
“Và bạn có thể thấy cảnh sát đi trên các con phố ở Yangon, bắn qua cửa sổ khi mọi người kinh hoàng nhìn xuống phố,” ông nói.
“Đây là các băng đảng. Đây là những hoạt động tội phạm. Băng đảng đang khủng bố những khu dân cư này. Vì vậy, có lý do thuyết phục để thế giới hành động và để thế giới hành động ngay bây giờ.”
Các cuộc biểu tình mới nhất đang xảy ra ở đâu?
Hôm Chủ nhật, lực lượng an ninh đã bắn hơi cay tại Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar, sau khi hàng nghìn người biểu tình xuống đường.

Các cuộc biểu tình cũng được tổ chức ở khoảng sáu thành phố khác, theo bản tin của Reuters, với cảnh sát sử dụng vũ lực chống lại người biểu tình ở Yangon, Lashio và Bagan.
Tại thị trấn Dawei, miền nam nước này, một lãnh đạo cuộc biểu tình được Reuters dẫn lời nói: “Họ đang giết người giống như giết chim và gà. Chúng ta sẽ làm gì nếu chúng ta không nổi dậy chống lại họ? Chúng ta phải nổi dậy”.

Sơ lược về Myanmar
- Myanmar, còn được gọi là Miến Điện, độc lập khỏi Anh quốc năm 1948. Trong phần lớn lịch sử hiện đại của Myanmar, nước này nằm dưới sự cai trị của quân đội
- Các hạn chế bắt đầu được nới lỏng từ năm 2010, dẫn đến bầu cử tự do vào năm 2015 và việc thành lập chính phủ do nhà lãnh đạo đối lập kỳ cựu Aung San Suu Kyi khởi xướng một năm sau đó
- Năm 2017, quân lính thuộc nhóm dân tộc Rohingya tấn công các đồn cảnh sát, và quân đội Myanmar cùng các nhóm phật tử địa phương đáp trả bằng một cuộc đàn áp chết người, được cho là đã giết chết hàng nghìn người Rohingya. Hơn nửa triệu người Rohingya chạy trốn qua biên giới sang Bangladesh, và Liên Hiệp Quốc sau đó gọi đây là “ví dụ kinh điển về thanh lọc sắc tộc”
